TỪ ĐIỂN VĂN HỌC DÙNG TRONG NHÀ TRƯỜNG LỊCH SỬ VÀ LOẠI HÌNH

Bài viết mô tả và đánh giá quá trình biên soạn từ điển văn học dùng trong nhà trường ở Việt Nam qua các công trình từ điển tiêu biểu. Trên cơ sở đó khẳng định những đặc điểm, giá trị, tác dụng của các công trình từ điển văn học ở Việt Nam hiện nay.

    Ở nước ta đã có quá trình biên soạn và xuất bản các công trình từ điển văn học dùng trong nhà trường, sự ra đời của những công trình này đã đem lại những thành tựu đáng ghi nhận trong lĩnh vực biên soạn từ điển chuyên ngành văn học cũng như khẳng định được giá trị, vai trò của từ điển văn học trong lĩnh vực giáo dục. Nhìn từ góc độ lịch sử, từ điển văn học dùng trong nhà trường ra đời từ những năm 90 của thế kỷ XX và không ngừng phát triển cho đến nay; nhìn từ góc độ loại hình, từ điển văn học dùng trong nhà trường gồm hai dạng cơ bản là từ điển giải thích và từ điển bách khoa.

    1. Tình hình biên soạn từ điển văn học dùng trong nhà trường
    Biên soạn các công trình từ điển văn học ở nước ta diễn ra từ những năm 40 của thế kỷ trước, cho đến nay có đến gần 50 công trình được in ấn, xuất bản. Trên thực tế, các công trình từ điển văn học này đều có thể sử dụng để giảng dạy và học tập trong nhà trường. Tuy nhiên, những tri thức được biên soạn không chỉ dành cho việc giảng dạy mà còn hướng đến các đối tượng tra cứu, tìm hiểu khác. Để phục vụ chuyên biệt cho công tác giáo dục và đào tạo trong nhà trường, trong thời gian gần đây đã có một số công trình từ điển chuyên ngành văn học ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu học tập, tra cứu của đối tượng là học sinh, sinh viên.

    So với sự ra đời của các công trình từ điển văn học nói chung, việc biên soạn từ điển văn học dùng trong nhà trường ở nước ta diễn ra muộn hơn. Từ sau Đổi mới (1986), việc mở cửa hội nhập quốc tế, thay đổi tư duy, đổi mới nền kinh tế đã kéo theo sự thay đổi nhiều mặt trong đời sống kinh tế, xã hội, giáo dục… Trong bối cảnh đó, nền giáo dục Việt Nam có nhiều chuyển biến, việc dạy và học văn học ở các cấp đã có sự cải cách. Bên cạnh vai trò của các bộ sách giáo khoa mới, các công trình từ điển văn học dùng trong nhà trường đã ra đời theo sát chương trình dạy và học, đặc biệt là ở chương trình giáo dục phổ thông các cấp.

    Năm 1998, công trình Từ điển điển cố văn học trong nhà trường do Nguyễn Ngọc San và Đinh Văn Thiện biên soạn, Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành. Công trình gồm 4 phần: Lời nhà xuất bản, Lời nói đầu, Bảng chữ cái viết tắt, phần từ điển. Công trình này có tổng số khoảng 900 mục từ, được sắp xếp theo trật tự chữ cái tiếng Việt. Trước khi trình bày hệ thống mục từ, các tác giả điểm qua và đánh giá khái quát tình hình biên soạn về loại sách điển cố nói chung, xác định rõ khái niệm điển cố, đặc biệt là đưa ra lý do dùng điển cố, các cấp độ nghĩa của điển cố. Còn về tiêu chí và phạm vi lựa chọn mục từ, các soạn giả thu thập mục từ là các điển cố văn học được xác định một cách rõ ràng và được biên soạn trên cơ sở tham khảo các từ điển điển cố đã xuất bản trước đây và “sử dụng có sửa chữa những chỗ có thể kế thừa được”1 .

    Năm 2008, công trình Từ điển văn học trong nhà trường (văn học nước ngoài) do Lê Huy Bắc chủ biên, Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành. Công trình gồm: Lời nói đầu, Nội dung mục từ, Bảng thống kê văn bản văn học nước ngoài được tuyển dạy trong nhà trường phổ thông Việt Nam, Mục lục. Công trình được biên soạn theo kiểu từ điển bách khoa đơn ngữ (tiếng Việt) nhằm phục vụ cho nhu cầu học tập, tra cứu của các đối tượng là học sinh, sinh viên, giáo viên các cấp. Đối tượng sử dụng chính của từ điển là người học và người dạy ở trường phổ thông, cao đẳng, đại học… do đó, từ khâu lựa chọn mục từ đến thiết kế biên soạn, biên tập đòi hỏi phải bám sát chương trình giáo dục của Việt Nam. Từ điển có tổng số 316 mục từ, được sắp xếp theo thứ tự A, B, C, không phân biệt chủ đề, cung cấp các thông tin một cách đầy đủ, cập nhật hơn và mới mẻ so với các công trình được biên soạn trước đó.

    Năm 2010, công trình Từ điển văn học phổ thông do Đặng Trường biên soạn, Nhà xuất bản Văn hoá Thông tin ấn hành. Công trình từ điển gồm 3 phần: Lời nói đầu, phần từ điển, Bảng mục từ. Công trình từ điển cung cấp các thông tin một cách đầy đủ, cập nhật các tri thức văn học trong trường phổ thông. Tác giả ưu tiên lựa chọn những tác phẩm văn học nổi tiếng đã được khẳng định qua thời gian, tiêu biểu cho các trào lưu, trường phái trong lịch sử văn học như chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa hiện thực, chủ nghĩa hiện thực phê phán, chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa… Ngoài ra, sách còn trình bày một số khái niệm cơ bản về lý luận và thể loại văn học.

    Năm 2012, công trình Từ điển tác giả, tác phẩm văn học Việt Nam: Dùng trong nhà trường do Nguyễn Đăng Mạnh, Bùi Duy Tân, Nguyễn Như Ý đồng chủ biên, Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành. Từ điển giới thiệu các tác giả, tác phẩm văn học một cách hệ thống, bao gồm cả một số tác phẩm văn học dân gian và truyện Nôm khuyết danh, giúp độc giả, đặc biệt là giáo viên, học sinh, sinh viên cũng như những người yêu văn học có được một công cụ tra cứu, học tập hữu ích về lĩnh vực văn học thông qua những tư liệu cụ thể, chính xác. Công trình từ điển giúp cho độc giả hiểu biết một cách cơ bản về những tác giả, tác phẩm tiêu biểu của nền văn học nước ta, từ đó thêm trân trọng và tự hào về di sản văn học của dân tộc.

    Năm 2013, công trình Từ điển ngữ văn dùng cho học sinh-sinh viên do Nguyễn Như Ý chủ biên, Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành. Công trình từ điển gồm 6 phần: Lời nhà xuất bản, Lời nói đầu, phần từ điển, Bảng tra cứu thuật ngữ Việt-Anh, Bảng tra cứu thuật ngữ Anh-Việt, Tài liệu tham khảo. Về số lượng mục từ, từ điển có tổng số gần 1000 mục, được sắp xếp theo trật tự chữ cái A, B, C. Từ điển cung cấp các thông tin một cách đầy đủ, cập nhật các tri thức văn học dùng trong trường phổ thông và đại học. Đây là cuốn từ điển giải thích phục vụ cho việc học tập và giảng dạy môn Ngữ văn trong nhà trường nên các mục từ được đưa vào biên soạn đã được tác giả chọn lọc từ trong sách giáo khoa môn tiếng Việt và môn Ngữ văn, theo chương trình mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

    Năm 2014, công trình Từ điển văn học dân gian do Nguyễn Việt Hùng biên soạn, Nhà xuất bản Văn hoá Thông tin ấn hành. Công trình từ điển gồm: Lời giới thiệu, Lời nói đầu, phần từ điển, Tổng kết và Mục lục. Công trình đã giới thiệu sự cần thiết và mục tiêu là cung cấp kiến thức nhanh gọn, sáng rõ cho nhu cầu tìm hiểu của học sinh, giáo viên. Công trình lấy tác phẩm, thể loại văn học dân gian trong nhà trường làm trung tâm. Ngoài ra, công trình còn cung cấp những phần chú giải ở sách giáo khoa hay phần phân tích, bình giảng của sách tham khảo môn Văn học dân gian.

    Sự ra đời các công trình từ điển văn học dùng trong nhà trường đã góp phần hỗ trợ hữu dụng cho việc học và dạy văn học trong trường phổ thông ở nước ta. Theo khảo sát của chúng tôi, cho đến nay, ở Việt Nam có 06 công trình từ điển văn học dùng trong nhà trường đã được biên soạn, xuất bản. Đây là một số lượng không hề nhỏ. Các công trình từ điển văn học dùng trong nhà trường đã cung cấp các thông tin tri thức khá đa dạng: có công trình cung cấp tri thức về điển cố, điển tích; có công trình cung cấp tri thức về tác giả, tác phẩm; có công trình chuyên về văn học dân gian; có công trình lại chỉ đề cập đến văn học nước ngoài. Các công trình này đã trở thành công cụ tra cứu hữu ích phục vụ cho việc dạy và học văn học.

    2. Các loại hình từ điển văn học dùng trong nhà trường
    Trong lĩnh vực từ điển học, các nhà nghiên cứu đã phân ra nhiều loại hình từ điển khác nhau, như: từ điển giải thích, từ điển bách khoa, từ điển đa ngữ, từ điển thuật ngữ… Xét về tính chất loại hình, có thể phân loại từ điển văn học dùng trong nhà trường thành hai loại hình cơ bản là: từ điển giải thích và từ điển bách khoa.

    Để làm rõ tính chất loại hình của công trình từ điển văn học dùng trong nhà trường, cần làm rõ mục đích biên soạn, phân tích cấu trúc vĩ mô và cấu trúc vi mô của công trình. Trong đó, cấu trúc vĩ mô của công trình từ điển là bảng mục từ được sắp xếp một cách hệ thống theo các trật tự được các soạn giả xác định. Tùy thuộc vào loại hình và nội dung của từ điển, mỗi công trình lại có bảng mục từ riêng. Cấu trúc vi mô của từ điển văn học dùng trong nhà trường là cấu trúc mục từ, mỗi loại mục từ lại có một cấu trúc đặc thù nhằm cung cấp các tri thức theo một trật tự nhất quán, trong đó bao gồm từ đầu mục, định nghĩa mục từ và giải thích theo tên đầu mục từ qua những tư liệu khoa học đã được học giới thừa nhận.

    2.1. Loại hình từ điển giải thích văn học
    
Từ điển giải thích văn học là loại hình từ điển cung cấp các tri thức về việc giải nghĩa của từ ngữ, điển cố, điển tích, tục ngữ, thành ngữ… Các công trình từ điển giải thích văn học thường đưa ra lời định nghĩa và giải thích theo ngữ cảnh cụ thể trong tác phẩm văn học.

    Hiện nay, các công trình từ điển giải thích văn học ở nước ta được biên soạn theo kiểu từ điển giải thích đơn ngữ (tiếng Việt) nhằm giới thiệu, giải thích một cách ngắn gọn các điển cố được sử dụng trong thơ văn, giúp giáo viên, học sinh, sinh viên trong nhà trường cũng như những người yêu thích văn học có được một công cụ tra cứu, tìm hiểu sâu hơn về những áng văn chương bằng chữ Hán và chữ Nôm đã được sáng tác trong thời kỳ trung đại, đã được tuyển lựa hoặc trích dịch và đưa vào giảng dạy trong nhà trường.

    Đối với công trình Từ điển điển cố văn học trong nhà trường, các tác giả đã đưa một số từ ngữ khó hiểu cần chú giải để làm rõ ý nghĩa của nó. Các mục từ trong từ điển được sắp xếp theo vần A, B, C, tên đầu mục từ in đậm, nghĩa thực hay xuất xứ của từ được đặt ở đầu, còn nghĩa biểu trưng đặt ở sau ký hiệu O; các dẫn chứng (thơ, văn) nêu lên để minh họa đặt sau ký hiệu tam giác; ở dòng dưới sẽ ghi xuất xứ của dẫn chứng và đặt trong ngoặc đơn. Đối với các tác phẩm xuất xứ xuất hiện nhiều lần sẽ ghi bằng chữ tắt. Thứ tự và kiểu chữ trình bày trong công trình như sau: đầu mục viết chữ hoa đứng, đậm; phần tường giải viết chữ thường, không đậm; phần giải thích thêm trong phần tường giải viết chữ thường, không đậm và đặt trong dấu ngoặc đơn; ví dụ viết chữ thường nghiêng. Công trình Từ điển ngữ văn dùng cho học sinh-sinh viên do Nguyễn Như Ý chủ biên lại là cuốn từ điển giải thích phục vụ cho việc học tập và giảng dạy môn Ngữ văn ở trường phổ thông nên các mục từ được đưa vào biên soạn đã được tác giả chọn lọc kỹ lưỡng từ sách giáo khoa, nội dung và hình thức các mục từ được trình bày một cách bài bản, khoa học, dễ hiểu.

    Các công trình từ điển giải thích văn học có sự phù hợp với đối tượng là học sinh phổ thông, đã trở thành tài liệu tham khảo hữu ích cho giáo viên và học sinh. Ưu điểm nổi bật nhất của các công trình này là các tri thức, khái niệm được giải nghĩa đơn giản, dễ hiểu, mang tính gợi ý hay định hướng cách hiểu nội dung hơn là những lời định nghĩa hoàn chỉnh như trong từ điển bách khoa.

    Về cấu trúc vĩ mô – hệ thống mục từ, mỗi công trình lại có hệ thống mục từ riêng phục vụ cho mục đích biên soạn. Công trình Từ điển điển cố văn học trong nhà trường với các mục từ điển cố bao gồm các mục từ về các sự vật, khái niệm, chiếm số lượng nhiều nhất là mục từ về nhân vật: Ả Lý, Ả Tạ, Ao Hán, Gia Cát Lượng, Mông Chính, Nàng Oanh, Ngũ Viên… Các mục từ được thu thập trong từ điển là các điển cố văn học được xác định một cách rõ ràng và được biên soạn trên cơ sở tham khảo các từ điển điển cố đã xuất bản trước đây. Đối với công trình Từ điển ngữ văn dùng cho học sinh-sinh viên, nội dung chủ yếu của từ điển này là trình bày các khái niệm cơ bản liên quan đến việc dạy và học môn Ngữ văn trong nhà trường. Ngoài các khái niệm thường gặp trong sách giáo khoa Ngữ văn, từ điển còn đưa thêm một số thuật ngữ tuy không có trong sách giáo khoa nhưng lại thường gặp ở các tư liệu tham khảo khác, cần cho mở rộng và nâng cao trình độ môn Ngữ văn.

    Về cấu trúc vi mô – cấu trúc thông tin trong mỗi mục từ, trong công trình Từ điển giải thích điển cố văn học dùng trong nhà trường, hầu hết nội dung mục từ được giải thích một cách ngắn gọn, mục từ bao gồm: tên điển tích, điển cố hoặc giai thoại cần giải thích, có cả tên gọi khác đối với một số mục từ có các cách gọi tên gọi khác nhau; chú thích cho từ đầu mục (một số đầu mục có chú thích thêm cho từ đầu mục và phần chú thích này được đặt trong dấu ngoặc đơn); giải thích mục từ. Đối với công trình Từ điển ngữ văn dùng cho học sinh-sinh viên, cấu trúc thông tin trong mục từ gồm: từ đầu mục và phần giải nghĩa tiếng Việt. Từ điển này chủ yếu là mục từ ngắn và rất ngắn (dưới 150 chữ), một số mục từ trung bình là các mục từ về các thể loại thơ, trường phái văn học: lý luận văn học, lý thuyết trường phái, thơ cảm hoài, thơ Đường, thơ hát nói, thơ lục bát, thơ Mới, thơ Nôm Đường luật, thơ trào phúng, thơ trữ tình…

    Có thể nói, các công trình từ điển giải thích văn học đã tập hợp tương đối đầy đủ các điển cố, điển tích, khái niệm, thuật ngữ văn học dùng trong nhà trường. Nội dung mục từ được giải nghĩa rõ ràng, ngắn gọn. Hầu hết cách giải thích đều đứng trên lập trường của văn học truyền thống và văn học nhà trường nhằm cung cấp những hiểu biết cơ bản để học sinh tiếp tục nghiên cứu, mở rộng, tùy theo ý hướng và sở thích của từng người.

    2.2. Loại hình từ điển bách khoa văn học
    
Từ điển bách khoa về văn học là một dạng công cụ dùng để tra cứu thông tin tri thức khoa học văn học, giúp cho đối tượng tiếp nhận hiểu về tri thức từ thực tiễn cuộc sống, các kiến thức văn học cơ bản như khái niệm, tác giả, tác phẩm… Về hình thức, từ điển bách khoa văn học trình bày một cách hệ thống các thông tin tri thức theo thứ tự A, B, C.

    Mỗi công trình từ điển đều có mục đích cụ thể: công trình Từ điển văn học trong nhà trường (văn học nước ngoài) hướng tới đối tượng chính là học sinh nên ngoài việc bám sát chương trình phổ thông còn đòi hỏi người biên soạn phải chọn lọc tri thức, thiết kế nội dung, ngôn ngữ biên soạn sao cho phù hợp, không gây khó khăn cho đối tượng tiếp nhận trong quá trình tra cứu. Các tác giả đã nỗ lực tóm tắt kỹ cốt truyện (đối với kịch, truyện ngắn, tiểu thuyết), tóm lược nội dung, chủ đề và nghệ thuật tác phẩm đối với thơ, tùy bút, hồi ký, văn nghị luận… Mục thuật ngữ văn học được biên soạn đơn giản để phù hợp với đối tượng sử dụng sách chính là học sinh phổ thông. Công trình là tài liệu tham khảo hữu ích cho học sinh phổ thông. Mục từ trong công trình Từ điển tác giả, tác phẩm văn học Việt Nam: Dùng trong nhà trường, ngoài phần tác giả, tác phẩm được chọn và dạy trong nhà trường, những người biên soạn cuốn từ điển này còn đưa vào các mục từ là các tác giả, tác phẩm ngoài chương trình giảng dạy trong nhà trường. Điều này giúp cho học sinh, sinh viên có thể mở rộng kiến thức, khắc phục được tình trạng học sinh chỉ biết đến các tác giả, tác phẩm đã được học trong nhà trường còn các tác giả, tác phẩm khác thì không biết đến. Từ điển cung cấp các thông tin một cách đầy đủ, cập nhật hơn so với các công trình trước đó. Công trình Từ điển văn học phổ thông là cuốn từ điển được biên soạn với mục đích hướng tới đối tượng là học sinh và người đọc phổ thông, do đó ngôn ngữ sử dụng ngắn gọn, súc tích, không nặng tính hàn lâm. Trong khuôn khổ một cuốn từ điển cỡ nhỏ, tác giả đã cố gắng chắt lọc những tri thức cơ bản nhất liên quan đến văn học Việt Nam và thế giới để giúp cho người đọc có được hiểu biết cơ bản về lịch sử văn học. Tuy nhiên, do khối lượng tác phẩm quá đồ sộ nên không thể tránh khỏi trường hợp nhiều tác phẩm chỉ tiêu biểu đối với tiêu chí của tác giả mà chưa thực sự đặc sắc nếu soi chiếu từ góc độ khác. Một số mục từ tác phẩm, tác giả chủ yếu tập trung tóm lược nội dung chính nhưng lại không cung cấp thông tin về hoàn cảnh ra đời (năm xuất hiện), giá trị nghệ thuật. Công trình Từ điển văn học dân gian được biên soạn theo kiểu từ công trình bách khoa đơn ngữ (tiếng Việt) nhằm hệ thống hoá thuật ngữ về thể loại, kiến thức về tác phẩm văn học dân gian trong nhà trường theo hướng cô đọng, thiết thực, mang tính ứng dụng cao, đáp ứng nhu cầu học tập. Tác giả đã tóm tắt kiến thức cơ bản đối với học sinh cũng như phục vụ nhu cầu tra cứu, tham khảo của giáo viên và những người nhập môn về văn học dân gian. Các mục từ trong từ điển được sắp xếp thứ tự của bảng chữ cái tiếng Việt, tuân thủ các quy tắc chính tả tiếng Việt; những mục từ, tư liệu liên quan được bổ sung, góp phần cung cấp thêm các tri thức; ngoài ra, từ điển còn có phần chỉ dẫn tra cứu hệ thống thể loại ở phần cuối sách.

    Về cấu trúc vĩ mô – hệ thống mục từ, mỗi công trình từ điển lại có hệ thống mục từ riêng. Công trình Từ điển văn học trong nhà trường (văn học nước ngoài) gồm 3 nhóm mục từ chính: mục từ về tác giả, mục từ về tác phẩm và mục từ về thuật ngữ. Trong đó, chiếm số lượng nhiều nhất là mục từ về tác phẩm. Do từ điển hướng đến đối tượng tra cứu chính là học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 nên tất cả các văn bản được chọn giảng trong chương trình đều được đưa vào từ điển. Bên cạnh đó, người biên soạn còn mở rộng bằng cách đưa một số tác giả, tác phẩm trong chương trình cao đẳng, đại học. Công trình Từ điển tác giả, tác phẩm văn học Việt Nam: Dùng trong nhà trường gồm các mục từ về tác giả là các nhà văn, nhà thơ lớn được lựa chọn đưa vào chương trình Ngữ văn trong nhà trường phổ thông, mục từ này chiếm số lượng lớn nhất (426 mục). Các nhà văn, nhà thơ từ thời trung đại như: Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến, Chu Văn An, Phùng khắc Khoan, Nguyễn Đình Chiểu… cho đến thời hiện đại như: Nam Cao, Kim Lân, Ngô Tất Tố, Anh Đức, Lê Lựu, Hoàng Cầm, Hữu Thỉnh, Nguyễn Bính, Xuân Quỳnh, Nguyễn Khải… Trong mục từ về tác giả, số lượng mục từ là các nhà văn, nhà thơ hiện đại nhiều hơn trung đại. Bên cạnh đó, công trình còn đưa thêm một số tác giả, nhà văn ngoài chương trình phổ thông như: Mạc Can, Mạc Phi, Hồ Anh Thái… Mục từ về tác phẩm văn học chiếm số lượng ít hơn (227 mục), bao gồm cả tác phẩm văn thơ dân gian, khuyết danh như: Sơn Tinh Thuỷ Tinh, Đẻ đất đẻ nước, Tiễn dặn người yêu, Vè thất thủ kinh đô; các tác phẩm thời trung đại như: Việt điện u linh tập, Bình Ngô đại cáo, Văn chiêu hồn, Lĩnh Nam chích quái, Vân đài loại ngữ; các tác phẩm hiện đại như: Vỡ đê, Lỡ bước sang ngang, Gió đầu mùa, Giông tố, Những ngày thơ ấu... Ngoài ra, từ điển còn có các mục từ về tổ chức, giải thưởng, các hội nhóm văn học, tuy nhiên, loại mục từ này chỉ chiếm số lượng ít (9 mục), ví dụ: Giải thưởng văn học, Giải thưởng văn nghệ, Nhóm Tự lực văn đoàn, Nhóm Thanh Nghị, Nhóm Tri Tân, Hội Văn hoá cứu quốc, Hội Tao Đàn... Công trình Từ điển văn học phổ thông gồm có hai loại mục từ chính: thuật ngữ và tác phẩm. Trong đó, chủ đạo là các mục từ về tác phẩm. Công trình Từ điển văn học dân gian gồm hai loại mục từ chính là mục từ thuộc về tác phẩm và mục từ thuộc thể loại. Người biên soạn đã dựa vào các tri thức về văn học dân gian trong các công trình: Từ điển Bách khoa Việt Nam, Từ điển Văn học, Folklore một số thuật ngữ cơ bản, Từ điển chủ đề và mô-típ văn học (Dictionary of literary themes and motifs), Từ điển tiêu chuẩn Folklore và một số công trình nghiên cứu của các tác giả trong nước, ngoài nước về văn học dân gian.

    Về cấu trúc vi mô – cấu trúc thông tin trong mỗi mục từ. Mỗi từ điển lại đưa ra hệ thống cấu trúc thông tin riêng. Công trình Từ điển văn học trong nhà trường (văn học nước ngoài) bao gồm các loại mục từ khác nhau, mỗi loại có cấu trúc phù hợp với nội dung trình bày. Mục từ thuật ngữ có cấu trúc gồm: tên thuật ngữ - định nghĩa. Mục từ tác phẩm có cấu trúc như sau: tên tác phẩm (in hoa, nghiêng) - tên tác giả - năm sáng tác – tóm lược nội dung chính - nhận xét về nội dung và nghệ thuật. Mục từ tác giả có cấu trúc: tên tác giả (in hoa, đứng) - tiểu sử - sự nghiệp sáng tác - các tác phẩm tiêu biểu. Các mục từ thuật ngữ thường ngắn gọn (khoảng nửa trang). Các mục từ tác giả, tác phẩm chiếm dung lượng lớn hơn (1-3 trang). Các mục từ được biên soạn cô đọng, súc tích, ngôn ngữ giản dị, dễ hiểu. Đối với công trình Từ điển tác giả, tác phẩm văn học Việt Nam: Dùng trong nhà trường, mỗi mục từ về cơ bản gồm từ phần đầu mục và phần giải nghĩa tiếng Việt. Ở mục từ tác giả, phần giải nghĩa bao gồm các thông tin: tiểu sử, sự nghiệp sáng tác văn học, các tác phẩm tiêu biểu, nhận định, đánh giá khái quát về sự nghiệp và phong cách nghệ thuật. Ở mục từ tác phẩm, phần giải nghĩa bao gồm các thông tin: thể loại (phóng sự, tiểu thuyết, thơ…), các dị bản (nếu có), tác giả, nhà xuất bản, năm xuất bản, số trang, hoàn cảnh ra đời, nội dung cơ bản, nhận định, đánh giá khái quát. Ở mục từ tổ chức, hội nhóm văn học, phần giải nghĩa gồm các thông tin: các thành phần của hội nhóm, quá trình hình thành, tôn chỉ và hoạt động, nhận định, đánh giá. Ngoài ra, xen kẽ trong cuốn từ điển là một vài hình ảnh về một số nhà văn, nhà thơ, tổ chức hoặc hội nhóm văn học nhằm tạo cho cuốn từ điển sự sinh động, đồng thời cung cấp kênh hình cho độc giả tham khảo. Các mục từ trong công trình Từ điển văn học phổ thông về cơ bản gồm từ đầu mục và phần giải nghĩa tiếng Việt. Trong đó, mục từ thuật ngữ, khái niệm gồm: tên mục từ - giải nghĩa - ví dụ minh họa. Mục từ tác phẩm có cấu trúc gồm: tên mục từ - tác giả - tóm tắt nội dung chính. Các mục từ trong công trình Từ điển văn học dân gian được tác giả trình bày theo cấu trúc riêng. Mục từ tác phẩm có cấu trúc như sau: tên tác phẩm -thể loại-tóm tắt tác phẩm (với tác phẩm tự sự) - khảo sát dị bản (ca dao, tục ngữ…) - xuất xứ từ các sách đầu tiên sưu tầm - vị trí, cấu trúc của tác phẩm - hình thức diễn xướng của tác phẩm trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Mục từ thể loại có cấu trúc như sau: tên thể loại - đặc trưng thể loại. Công trình từ điển này đã nêu nội dung cơ bản của từng mục từ, ý nghĩa, cách sử dụng (nếu có các tác giả, các công trình đã trình bày, phân tích thì được dẫn theo tên sách để độc giả tra cứu), hình thức diễn xướng của tác phẩm (tác phẩm tồn tại trong đời sống, trong sinh hoạt văn hóa, trong cộng đồng như thế nào)…, những mục từ, tư liệu liên quan có thể tra cứu thêm. Các mục từ trong Từ điển văn học dân gian được trình bày ngắn gọn, dễ hiểu nhưng đầy đủ và chính xác về các vấn đề liên quan đến văn học dân gian trong nhà trường, là tài liệu tham khảo hữu ích đối với học sinh trong nhà trường phổ thông.

    Khác với các công trình từ điển giải thích văn học chủ yếu đề cập đến các điển cố, điển tích, khái niệm, thuật ngữ văn học, các công trình từ điển bách khoa lại đề cập đến tác giả, tác phẩm, thể loại, trường phái, trào lưu, khuynh hướng, tổ chức, sự kiện văn học… cung cấp hệ thống tri thức cơ bản và toàn diện về những vấn đề liên quan đến văn học dùng trong nhà trường ở nước ta.

    Từ điển văn học dùng trong nhà trường đã được các soạn giả quan tâm, tiến hành biên soạn trong những năm gần đây. Loại từ điển này hướng đến đối tượng tiếp nhận, sử dụng là học sinh trong trường phổ thông, sinh viên chuyên ngành văn học trong các trường đại học. Vì vậy, tính giáo dục đặt ra trong các công trình với yêu cầu cao nhằm cung cấp một cách chính xác các tri thức về văn học Việt Nam và văn học nước ngoài; cung cấp thông tin về điển cố, điển tích, thuật ngữ, khái niệm, văn học dân gian, văn học viết. Nhìn từ tiến trình lịch sử văn học có thể nhận thấy các công trình chứa đựng cả văn học dân gian, văn học cổ-trung đại, văn học cận-hiện đại và văn học hiện đại. Về cách trình bày của từ điển, các soạn giả đã cố gắng cung cấp lượng thông tin tối đa, cần thiết trong khuôn khổ số trang, số chữ phù hợp với mục tiêu của mỗi công trình từ điển. Đối với mục từ tác giả là thông tin về tiểu sử, các tác phẩm và những nhận định, đánh giá khái quát nhất về toàn bộ sự nghiệp và phong cách nghệ thuật của tác giả đó. Đối với mục từ tác phẩm, đó là những thông tin về diện mạo, nội dung tóm tắt, hoàn cảnh ra đời và ý kiến đánh giá trên những nét lớn. Đối với mục từ khái niệm, thuật ngữ, điển cố, điển tích, các công trình từ điển đã giải thích và phân tích một cách rõ ràng bằng những kiến thức văn học cơ bản.

 

 

 

Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Huy Bỉnh, Nguyễn Văn Lợi, Hoàng Thị Nhung, Tạ Văn Thông (2020), Nghiên cứu từ điển và bách khoa thư, NXB Khoa học xã hội.

Chú thích:
1 Nguyễn Ngọc San, Đinh Văn Thiện (1998), Từ điển điển cố văn học trong nhà trường, NXB. Giáo dục, tr. 9

Bình luận

    Chưa có bình luận