NHÂN VẬT YÊU MA TRONG TRUYỀN KỲ VIỆT NAM VÀ TRUNG HOA THỜI TRUNG ĐẠI

Bài viết xác định các đặc điểm của nhân vật yêu ma trong truyền kỳ Việt Nam và Trung Hoa thời trung đại. Qua đó khẳng định nhân vật yêu ma trong các tác phẩm này vừa mở rộng phạm vi phản ánh của tác phẩm vừa thể hiện tâm thức con người.

   Huyền thoại không chỉ là một kiểu tư duy mà còn là một thể loại văn học. Với tư cách là những câu chuyện mang tính chất khởi đầu, giải thích cho quá trình biến hỗn mang thành vũ trụ, huyền thoại chủ yếu tồn tại bằng các thần thoại. Huyền thoại còn tồn tại trong những nghi lễ, quan niệm, tín ngưỡng dân gian. Những đặc trưng của huyền thoại vẫn sẽ được kế thừa về sau. Truyền kỳ thuộc dòng văn học kỳ ảo, chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của huyền thoại, của văn học dân gian. Bên cạnh đó, các nhà văn đã có ý thức biến hiện thực trở thành hạt nhân của tác phẩm. Vì thế, các kiểu nhân vật của truyền kỳ vừa tương đồng vừa khác biệt với nhân vật trong thần thoại. Đặc biệt, nhân vật yêu ma vừa đặc trưng cho thể loại truyền kỳ của Việt Nam và Trung Hoa thời trung đại vừa thể hiện cá tính của con người thời đại. Trong bài viết này, các tác phẩm truyền kỳ Việt Nam thời trung đại được khảo sát từ văn bản Tổng tập tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam (tập 1, 2) do Trần Nghĩa chủ biên, NXB Thế giới phát hành năm 1997. Cụ thể, bài viết này thể hiện kết quả khảo sát 104 truyện truyền kỳ trong các tập truyện Thánh Tông di thảo, Truyền kỳ mạn lục, Truyền kỳ tân phả, Tân truyền kỳ lục, Vân nang tiểu sử, Truyện ký trích lục, Lan Trì kiến văn lục. Đối với truyền kỳ Trung Hoa, các tác phẩm được khảo sát là các tác phẩm truyền kỳ tiêu biểu nhất, gồm 118 truyện trong các văn bản sau: Đường đại truyền kỳ do Phùng Quý Sơn biên soạn, NXB Đồng Nai phát hành năm 1995; Tiễn đăng tân thoại của Cù Hựu trong Tiễn đăng tân thoại, Truyền kỳ mạn lục của Cù Hựu, Nguyễn Dữ (Phạm Tú Châu, Trúc Khê Ngô Văn Triện dịch), NXB Văn học phát hành năm 1999; Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh (Tản Đà, Đào Trinh Nhất, Nguyễn Văn Huyền dịch), NXB Văn học phát hành năm 2008.

   1. Nhân vật yêu ma trong truyền kỳ Việt Nam

   Xuất phát từ quan niệm vạn vật hữu linh của người nguyên thủy, con người tin rằng vạn vật đều có linh hồn. Theo nhà nghiên cứu Jean Chevalier, Alain Gheerbrant: hồn là “một yếu tố tinh thần có thể xuất hiện một cách độc lập đối với thể xác làm nơi nương náu của nó, hành động theo sự suy xét của mình, như thể là đại diện cho chủ nhân của mình… một linh hồn lưu động của một sinh thể, có khả năng hoạt động vật chất”1, “hình ảnh hồn hiện về cụ thể hóa theo một kiểu nào đó và biểu trưng đồng thời sự sợ hãi những người đang sống trong một thế giới khác”2. Phân tâm học thì cho rằng hồn hiện về là sự quay trở lại của cái bị đẩy lùi – cái vô thức: “Hồn hiện về cũng có thể là một sự hiện hình của cái tôi, một cái tôi không quen biết, hiện lên từ trong vô thức, gây một sự sợ hãi gần như kinh hoàng mà người ta cố đẩy lùi vào trong bóng tối”3. Trong thần thoại Việt Nam, hình tượng linh hồn của người chết trở về trần gian (ma) hầu như vắng bóng nhưng hình tượng các động vật, thực vật có linh hồn thì khá phổ biến. Cái nhìn của con người đối với các sinh vật luôn là cái nhìn vạn vật hữu linh. Mỗi sinh vật đều có thể xác, linh hồn, có suy nghĩ, tính cách, tình cảm như con người. Vì thế, thần thoại Việt Nam kể về hạt lúa có suy nghĩ, tiếng nói như con người (truyện Nữ thần lúa), kỳ đà biến thành người (truyện Thần Sét), cá hóa người (truyện Con thần nước lấy chàng đánh cá)… Thần thoại Trung Hoa cũng có đặc điểm tương tự.

   Truyền kỳ Việt Nam thời trung đại có sự xuất hiện tần số cao của biểu tượng yêu ma (39/104 truyện đề cập đến các nhân vật yêu ma). Trong đó, ngoài các nhân vật ma (linh hồn người chết), nhân vật yêu ma còn gồm các nhân vật là tinh động vật bao gồm chồn, vượn, hạc, chó, dê, chuột, cá chép, cua, rắn, ễnh ương, hổ, heo, rắn, khỉ…; tinh thực vật bao gồm cúc, thạch lựu, kim tiền...; tinh vật thể bao gồm cái chuông, đàn tì bà, chổi, thỏi vàng...

   Trong truyền kỳ Việt Nam thời trung đại, các nhân vật kỳ ảo có khả năng biến hóa phi phàm như các vị thần trong thần thoại. Trong Chuyện yêu quái ở Xương Giang (Truyền kỳ mạn lục), hồn ma hóa thành một người con gái tuổi mười bảy, mười tám, nhan sắc xinh tươi, rạng rỡ. Trong Chuyện bữa tiệc đêm ở Đà Giang (Truyền kỳ mạn lục), vượn và cáo muốn ngăn những chuyến đi săn của vua và tùy tùng. Vượn và cáo biến thành hai người đàn ông, sau khi đàm đạo rồi từ biệt Hồ Quý Ly, họ hiện nguyên hình rồi biến mất.

   Bên cạnh khả năng biến hóa phi phàm, các nhân vật yêu ma còn mang trong mình tình yêu lứa đôi rất táo bạo, phóng túng. Truyền kỳ có nhiều truyện viết về tình yêu từ buổi đầu gặp mặt, viết về sự rung động của hai người khác phái, bất chấp “môn đăng hộ đối”, bất chấp là người hay ma quỷ. Đặc biệt, tất cả các câu chuyện viết về tình yêu trong truyền kỳ đều để cho các nhân vật chính đắm chìm trong ân ái, hoan lạc. Truyền kỳ có rất nhiều cụm từ “bèn cùng nhau giao hoan”, “bèn dắt nhau lên giường”, “ân ái mười phân thỏa nguyện”… Nhiều truyện chứa những bài thơ tả cảnh hoan lạc, thể hiện tài thơ phú của nhân vật. Trong Chuyện cây gạo (Truyền kỳ mạn lục), Trình Trung Ngộ trên đường đi liếc thấy một nàng ma tuyệt sắc thì xao động tâm hồn, người đẹp cũng đáp lại tình yêu của chàng; biết nàng là ma, chàng nguyện chết theo nàng. Truyền kỳ xem tình yêu đôi lứa là thứ tình cảm bản năng của mỗi con người. Nhiều nhân vật ảo như ma quỷ, tinh hoa, tiên cũng xen lẫn vào thế giới của con người để kiếm tìm tình yêu lứa đôi. Các nhân vật ảo này thường hiện ra trong lốt của những người con gái xinh đẹp, tươi trẻ, lúc nào cũng tràn đầy sinh lực, khát khao yêu đương, chủ động đi tìm người đàn ông của cuộc đời mình.

   Nhân vật yêu ma mang lại cho con người những phức cảm. Yêu ma có nguồn gốc xuất thân, khả năng kỳ lạ không khỏi khiến con người cảm thấy e dè, thậm chí hoảng sợ khi tiếp xúc với chúng. Với sự định hướng của Nho giáo, với tâm thức người Việt trọng thực tiễn, yêu ma thường bị xem như những nhân vật luôn quấy nhiễu, gây hại tới cuộc sống con người. Trong Truyện yêu nữ Châu Mai (Thánh Tông di thảo), người địa phương rất sợ nữ yêu tinh “khi nó hiện ra người đầu to bằng bánh xe, hoặc hai đầu sáu mình, ai trông thấy cũng chết khiếp”4. Yêu ma càng trở nên đáng sợ, đáng ghét trong con mắt Nho sĩ. Trong Truyện hai thần nữ (Thánh Tông di thảo), khi thấy hai người con gái bước xuống từ ngọn cây, nho sinh tưởng là ma, định giết. Sau khi biết đó là hai thần nữ đi tìm người chồng đã thất lạc nhiều năm, ông đã vô cùng thương cảm và giúp đỡ tận tình. Trong nhiều truyện truyền kỳ, ma quỷ hiện lên quấy rối cuộc sống con người nên con người thường tránh đi chỗ khác. Những ngôi nhà hoang đầy ma quái trong Truyện một giấc mộng (Thánh Tông di thảo), Xương cốt gái hiệp dưới gốc hồng mai (Vân nang tiểu sử)… thường không ai dám ở. Chuyện cây gạo (Truyền kỳ mạn lục) đã miêu tả chân thực thái độ của con người khi tiếp xúc với ma quỷ. Khi phát hiện người yêu là ma, Trình Trung Ngộ nổi gai ốc, dựng tóc gáy, vội chạy ra khỏi nhà. Nàng ma chạy theo nắm vạt áo chàng. May là vạt áo đã cũ, chàng giật rách mà chạy thoát. Sau đó, chàng như kẻ mất hồn, không nói được nữa. Trong nhiều tác phẩm truyền kỳ, những nhân vật ma quái hại người đều bị tiêu diệt.

   Văn học trung đại thường xây dựng các nhân vật loại hình tức là các nhân vật thể hiện tập trung một loại phẩm chất, tính cách, đạo đức của một loại người nhất định trong xã hội. Nhân vật loại hình có khả năng khái quát cao nhưng mang tính chất giản đơn, chung chung. Tuy nhiên, truyền kỳ đã xây dựng các nhân vật yêu ma là kiểu nhân vật cá tính. Nhân vật yêu ma là những nhân vật hiện thân của tự do, khoáng đạt. Nhân vật yêu ma thường giúp đỡ con người cả về tinh thần lẫn vật chất khiến con người không khỏi biết ơn. Nhiều nhân vật là yêu ma mang tình yêu táo bạo, phóng túng. Dẫu những cuộc tình giữa người và yêu ma không thể có kết cục lâu dài nhưng nhiều cuộc chia tay vẫn diễn ra trong lưu luyến khôn nguôi như Chuyện nghiệp oan của Đào Thị, Chuyện kỳ ngộ ở trại Tây, Chuyện Từ Thức lấy vợ tiên (Truyền kỳ mạn lục), Chuyện chồng dê (Thánh Tông di thảo)… Trong tác phẩm Chuyện cây gạo (Truyền kỳ mạn lục), giây phút ban đầu phát hiện người yêu là ma, chàng thư sinh Trình Trung Ngộ hoảng sợ cực độ. Tuy nhiên, sau đó chàng đã chết theo nàng để bảo vệ tình yêu của mình. Như vậy, những quan điểm khắt khe của Nho giáo vẫn không thể ngăn cản được cảm tình của con người đối với những nhân vật kỳ ảo tự do, phóng túng.

   Theo các nhà phân tâm học, ma quái là sự phóng chiếu của vô thức con người. Hơn nữa, nhân vật yêu ma là kiểu nhân vật cá tính. Nhân vật yêu ma có tính cách mạnh mẽ, phức tạp như chính con người trần tục. Trong nhiều truyện truyền kỳ, cái nhìn của con người đối với nhân vật ma quái có sự đồng cảm. Nhà văn viết nhiều về thế giới ma quỷ không chỉ để thỏa mãn sự hiếu kỳ của người đọc mà còn như là sự tìm hiểu, sẻ chia về một thế giới bí ẩn nhưng lại gắn liền với cuộc sống con người. Truyện Đánh ma (Lan Trì kiến văn lục) nói rằng “trên đời chưa bao giờ không có ma quỷ”5. Trong Rồng đánh nhau (Vân nang tiểu sử), nhân vật nói rằng “người ở trọ, ma cũng ở trọ”6. Trong Chuyện cây gạo (Truyền kỳ mạn lục), “nghĩ đời người ta thật chẳng khác gì giấc chiêm bao. Chi bằng trời để sống ngày nào, nên tìm lấy những thú vui. Kẻo một sớm chết đi, sẽ thành người suối vàng, dù có muốn tìm cuộc hoan lạc ái ân, cũng không thể được nữa”7. Trong Chuyện nghiệp oan của Đào Thị (Truyền kỳ mạn lục), nhân vật cũng nói rằng “sống chưa được thỏa yêu đương, chết sẽ cùng nhau quấn quýt”8. Hồn ma Đào Thị làm hại người nhưng vẫn khiến người đọc thương cảm bởi nàng luôn mang theo nỗi đau thân phận, luôn khao khát tình yêu. Các nhân vật yêu ma thoải mái vẫy vùng ở chốn trần thế trong ánh mắt ngưỡng mộ và khát khao của con người mà không bị bất cứ một thế lực nào có thể kết tội được. Nhà văn miêu tả các nhân vật ảo luôn phải tả xung hữu đột đấu tranh vì tình yêu tự do, vì chính nghĩa trong một thế giới đầy rẫy cái xấu, cái ác là để gián tiếp phản ánh cuộc sống thời bấy giờ vô cùng bất công. Nếu nguồn gốc của các nhân vật yêu ma cho nhân vật một vỏ bọc bí ẩn, an toàn thì hình dáng, khả năng, tính cách của nhân vật yêu ma giúp cho họ thực hiện được những gì họ muốn, vượt qua những trở ngại của xã hội, những giới hạn của bản thân con người. Đó là những tấm gương để con người soi vào nhìn thấy chính bản thân mình nếu không bị các lễ giáo khắt khe ràng buộc, khi chưa bị tiền tài che phủ mất lương tâm. Như vậy, các tác giả truyền kỳ khi xây dựng các nhân vật kỳ ảo nhằm mục đích giải thích về vũ trụ mà hướng đến thể hiện những gì thuộc cuộc sống của con người thời đại mình.

   2. Nhân vật yêu ma trong truyền kỳ Trung Hoa

   Trong truyền kỳ Trung Hoa, nhiều nhân vật là ma, tinh động vật, thực vật, vật thể. Kết quả khảo sát cho thấy 55 truyện (trong tổng số 118 truyện truyền kỳ tiêu biểu được khảo sát) viết về nhân vật yêu ma. Trong đó, tinh động vật bao gồm chồn, chim câu, chim anh vũ, thuồng luồng, cá, quạ, ong… Tinh thực vật gồm mẫu đơn, cúc… Do một số đặc điểm khác biệt về văn hóa, nhân vật kỳ ảo tiêu biểu nhất của truyền kỳ Trung Hoa là chồn (hồ ly) nhưng nhân vật này lại xuất hiện rất ít trong truyền kỳ Việt Nam. Các nhân vật là ma, yêu tinh có khả năng biến hóa khôn lường. Sự biến hóa phổ biến nhất là những nàng ma, hồ ly… biến thành những người con gái trẻ trung, xinh đẹp. Nhân vật yêu ma xuất hiện nhiều trong truyền kỳ Đường như một kiểu nhân vật cá tính, khác hẳn với các kiểu nhân vật truyền thống. Theo Lỗ Tấn, đến đời Đường, các văn nhân mới có ý thức viết tiểu thuyết. Điều này có thể lý giải bằng sự hội tụ nhiều yếu tố. Một trong các yếu tố tiêu biểu nhất là đời Đường có sự thịnh trị về kinh tế, sự tự do về tư tưởng nên các văn nhân có điều kiện đi ngao du và thể hiện quan điểm của mình. Bên cạnh đó, các kỳ thi tổ chức thường xuyên tạo điều kiện cho các sĩ tử lên kinh thành ứng thí. Các tác phẩm truyền kỳ trở thành hành quyển của các văn nhân. Để từ đó, sự trẻ trung, lãng mạn của các sĩ tử gia nhập chốn thị thành sẽ tạo nên những kỳ sự, kỳ duyên… Hình tượng yêu ma đóng góp đáng kể để truyền kỳ dần dần khẳng định được phong cách và sự ảnh hưởng của thể loại.

   Trong truyền kỳ Trung Hoa, các nhân vật yêu ma cũng có khả năng biến hóa phi phàm như các vị thần. Trong truyện Chết vì mê gái (Liêu trai chí dị), Đổng Sinh nhìn thấy trong nhà mình một nàng hồ ly có đuôi, mình phủ đầy lông. Nhìn lại, chàng chỉ thấy một người con gái xinh đẹp, không hề có một chút dấu vết của hồ ly. Trong truyện Tinh cúc nghề hoa (Liêu trai chí dị), một anh chàng uống rượu say biến thành cây cúc cao ngang đầu người, mang hơn một chục hoa, mỗi đóa to bằng nắm tay. Chị gái của chàng nhổ cây cúc đặt trên mặt đất, phủ chiếc áo lên, cây cúc biến trở lại thành người. Trong truyền kỳ Trung Hoa, các nhân vật kỳ ảo như ma, yêu tinh cũng thường mượn thân xác con người để đi tìm kiếm tình yêu lứa đôi tri kỷ. Chuyện tình của các nhân vật này rất táo bạo, phóng túng. Với tâm lý ưa chuộng sự lãng mạn, kỳ ảo; nhân vật là người trong truyền kỳ Trung Hoa giữ thái độ bình thản, không hề e sợ khi tiếp xúc với các nhân vật yêu ma. Cái nhìn của con người trần tục đối với nhân vật yêu ma cũng đầy sự cảm thông và chia sẻ. Trong truyện Chồn quỷ tranh chồng (Liêu trai chí dị), lời nói của nàng ma họ Lý khiến các nhân vật khác (là người) không khỏi xót xa: “Trông thấy người nào cũng đầy lòng thèm muốn, ao ước làm sao mình được sống làm người như họ”9, “hai con ma gặp nhau, tịnh không có chi vui sướng. Nếu được vui sướng, thì dưới suối vàng há phải thiếu hạng trai tráng ư?”10.

   Qua sự khảo sát về nhân vật yêu ma trong thần thoại, truyền kỳ Việt Nam và Trung Hoa, chúng tôi nhận thấy truyền kỳ không chỉ kế thừa mà còn rất chú ý đến nhân vật yêu ma. Truyền kỳ đã xây dựng kiểu nhân vật cá tính – một kiểu nhân vật rất lạ trong văn học trung đại là nhân vật yêu ma. Các nhân vật yêu ma trở thành nhân vật chính trong truyền kỳ, đánh dấu một bước đi của văn học trung đại.

   3. Kết luận

   Việc khảo sát truyền kỳ Việt Nam và Trung Hoa thời trung đại cho thấy nhân vật yêu ma là một kiểu nhân vật xuất hiện thường xuyên trong các tác phẩm truyền kỳ; nhân vật yêu ma không chỉ bao gồm các nhân vật là ma (linh hồn người chết) mà còn bao gồm các nhân vật là tinh động vật, tinh thực vật, tinh vật thể. Nhân vật yêu ma có khả năng biến hóa như các vị thần trong thần thoại. Trong truyền kỳ, nhân vật yêu ma thể hiện những trải nghiệm của con người về thế giới siêu hình. Các nhân vật yêu ma có đời sống tư tưởng, tình cảm, hành động phức tạp như chính bản chất con người. Đặc biệt, truyền kỳ đã để các nhân vật yêu ma (thường là nữ) đi tìm kiếm tình yêu tự do, mãnh liệt. Khi đối diện với yêu ma, con người trong truyền kỳ vừa sợ hãi vừa yêu mến, đồng cảm. Nhân vật yêu ma không chỉ thỏa mãn tính “hiếu kỳ” mà còn tạo nên sự đồng cảm của người đọc. Nhân vật yêu ma là biểu tượng sống động, cá tính, tạo nên một làn gió mới lạ đối với người đọc vốn quen với kiểu nhân vật loại hình trong văn học trung đại. Loại nhân vật này thể hiện sự rạn nứt của quan niệm “đời là bể khổ”, “sinh ký tử quy” trong tâm thức của con người trung đại. Nhân vật yêu ma với những thân phận sau khi chết, với những sự vật không được quyền làm người cho thấy con người trung đại thấu hiểu giá trị của cuộc sống, vẻ đẹp của con người. Đó là một trong những lý do giúp các truyện truyền kỳ nhận được sự đồng cảm lớn từ người đọc.

 

 

 

Chú thích:
1, 2, 3 J. Chevalier – A. Gheerbrant (2002), Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới: huyền thoại, chiêm mộng, phong tục, cử chỉ, dạng thể, các hình, màu sắc, con số (Phạm Vĩnh Cư dịch), NXB Đà Nẵng, tr. 448, 453, 453.
4, 6, 8 Trần Nghĩa (Chủ biên, 1997), Tổng tập tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam, tập 2, NXB Thế giới, tr. 507, 808, 235.
5, 7 Trần Nghĩa (Chủ biên, 1997), Tổng tập tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam, tập 1, NXB Thế giới, tr. 859, 205.
9, 10 Bồ Tùng Linh (2008), Liêu trai chí dị (Tản Đà, Đào Trinh Nhất, Nguyễn Văn Huyền dịch), NXB Văn học, tr. 424, 418.

Bình luận

    Chưa có bình luận