NÔNG QUỐC CHẤN - NHÀ VĂN HÓA, ''CÁNH CHIM ĐẦU ĐÀN'' CỦA VĂN HỌC CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ VIỆT NAM

Trong hơn nửa thế kỷ cống hiến cho sự nghiệp văn hóa dân tộc thiểu số, nhà thơ Nông Quốc Chấn giữ nhiều cương vị lãnh đạo công tác văn hóa, văn nghệ; ghi dấu thành tựu trên nhiều lĩnh vực. Nhân kỷ niệm 100 năm sinh của ông, lyluanphebinh.vn xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc một số nghiên cứu của các nhà khoa học và văn nghệ sĩ.

 

CÙNG SAO TRỜI VÀ GIÓ NÚI

NÔNG QUỐC BÌNH

    Tháng 8 năm 1963, do sắp xếp của tổ chức từ Sở Văn hóa thông tin Khu Tự trị Việt Bắc, cha tôi được điều động về Hà Nội, công tác tại Hội Liên hiệp Văn học, nghệ thuật Việt Nam (điều này chúng tôi biết được qua giấy tờ, hồ sơ cha tôi lưu lại). Những năm đó, ông vẫn đi về Thái Nguyên đều vì đường cũng không xa lắm, hơn nữa công việc của ông ở Việt Bắc vẫn chưa bàn giao hết. Vì thế, chúng tôi vẫn luôn được gần ông.

    Những năm sáu mươi tư, sáu lăm, cuộc chiến tranh leo thang bằng không quân của giặc Mĩ ra Miền Bắc, để lại ấn tượng nặng nề trong đầu óc thơ trẻ của bốn anh em chúng tôi theo mẹ sơ tán về Ngân Sơn với ông nội. Bố tôi ít có dịp về thăm nom chúng tôi hơn. Trong những năm sơ tán khó khăn ấy, chúng tôi ăn học ở quê bằng đồng lương xẻ đôi không lấy gì làm nhiều nhặn của cha tôi gửi về và bằng ít công điểm mẹ tôi tham gia hợp tác xã. Thời gian đó, đường xa cách trở, là thời chiến, lại bận công tác, cha tôi một năm chỉ thu xếp đôi lần về Nà Coọt, trong đó có dịp Tết.

    Mỗi lần như thế, xuống xe ở huyện lỵ, quần xắn đến gối, đeo lỉnh kỉnh trên người túi dết to nhỏ, ông leo đèo hơn chục cây số về nhà. Tết của nhà neo, nhưng những thứ cha tôi thích thì quá giản dị, nên vẫn đầy đủ: bánh khảo, khẩu sli, thứ bỏng làm bằng cơm khô nén vào khuôn rồi xắt thành miếng và khẩu théc - thứ bỏng nếp trộn mật mía nắm tròn. Quà tết cha tôi mang về, ngoài ít bánh kẹo - kẹo cứng, kẹo mềm, bánh bích quy là chai xì dầu, gói mì chính, gói mì thanh Trung Quốc và ông không quên quà cho ông nội và mẹ tôi. Mỗi anh em chúng tôi, đứa thì cái áo sơ-mi màu xanh trứng sáo, đứa thì cái quần xanh sĩ-lâm và mấy quyển truyện tranh nữa.

    Những năm ấy cha tôi luôn viết thư về dặn dò, dạy bảo chúng tôi và thăm hỏi chuyện làm ăn của gia đình ở quê. Nhưng thư kể chuyện nhà cho ông thì ít. Bây giờ tôi vẫn nhớ một bức thư cha tôi gửi lại về quê cho tôi với chi chít những lỗi chính tả, ngữ pháp mà ông đã chữa bằng bút đỏ. Tính ông là vậy, cụ thể, tỉ mỉ và thực tế.

    Trong những công việc thường nhật của mình mấy mươi năm qua, từ việc giấy tờ hành chính, quản lý đến việc viết lách ông đều rất cụ thể, tỉ mỉ, kỹ càng theo cách của ông. Ông thường dặn chúng tôi, khả năng, tài năng thì người ít, người nhiều, nhưng để có được chút gì đó đóng góp cho công việc, thì không thể không làm việc, làm việc một cách chuyên cần cụ thể, tỉ mỉ. Như thế, sau những giờ ở cơ quan về, ông cũng không dám phung phí một chút thời giờ nào. Ông cặm cụi ở bàn viết, từ việc đọc, góp ý cho một văn bản rất bình thường như việc điện nước cơ quan đến việc góp ý vào những vấn đề hệ trọng khi được phân công, như việc bổ sung, sửa đổi Hiến pháp năm 1992, do Ủy ban Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 1992, trưng cầu ý kiến vào cuối năm 2001.


Nhà thơ Nông Quốc Chấn và Đại tướng Võ Nguyên Giáp

    Trong những năm cuối đời, cha tôi hình như ít làm thơ, ông dồn sức vào công cuộc nghiên cứu văn hóa nghệ thuật các dân tộc thiểu số; chính sách văn hóa - văn nghệ của Đảng và Nhà nước đối với việc bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc; bồi dưỡng đội ngũ văn nghệ sĩ trẻ người dân tộc thiểu số, và điều tâm huyết cuối đời là xây dựng tổ chức Hội chính trị - nghề nghiệp của những người hoạt động văn nghệ dân tộc thiểu số và miền núi để ngày càng lớn mạnh, xứng tầm với nhiệm vụ trong thời kỳ mới công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xác định được vị trí của tổ chức này trong quá trình giao lưu văn hóa của khu vực và quốc tế. Ông cũng mạnh dạn nhắc lại một đề xuất mà ông ấp ủ từ lâu, thành lập một viện nghiên cứu văn hóa các dân tộc thiểu số. Ý kiến này lại một lần nữa, ông trình bày trước Thủ tướng Phan Văn Khải và các đồng nghiệp trong Hội nghị của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.

    Thời gian ông dành để đọc sáng tác của bạn bè tặng là nửa đêm về sáng, khi giấc ngủ người già khó trở lại. Đọc của bạn bè, ông có thói quen ghi lại những nhận xét của mình trong sổ tay. Trong một trang sổ ghi chép của ông khi đọc một tập thơ được tặng, nhưng ông đọc và ghi dở dang vì một lý do nào đó, ông ghi tiếp Slà nẳm tàng thơ slà - ta nghĩ đường thơ ta. Rồi ông phác dàn ý truyện thơ Cần Phja Bjoóc (Người Núi Hoa) tập II - công việc mà ông đã định từ lâu; rồi đề cương truyện thơ về nhân vật lịch sử Nùng Trí Cao. Song tất cả đều chỉ là phác thảo, vì lịch bàn của ông đã ngừng ghi vào ngày 4/2/2002, khi ông đang gấp rút hoàn thành tiểu luận cho một tập tinh tuyển về văn học dân tộc thiểu số - cùng làm với Giáo sư Thạch Giang. Tuyển tập này trong quá trình làm ông phân công cho mấy anh em chúng tôi đọc trong khối lượng, tư liệu mà ông đã nhắm, vừa để chúng tôi quen việc, có điều kiện tìm hiểu hơn về nền văn học dân tộc thiểu số (dân gian sáng tác mới), vừa có một ít nhuận bút!

    Tôi ngẫm và viết những dòng này trên một chặng đường công tác miền núi Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lạng Sơn. Từ Lào Cai đi tắt qua huyện Lục Yên sang Vĩnh Tuy, thị xã Tuyên Quang để về Thái, những câu thơ về Sơn Dương, về Tân Trào lại như văng vẳng bên tai.

    
Nhà thơ Nông Quốc Chấn (thứ 5 từ phải sang) tại Hội nghị ngành văn hóa - thông tin, năm 2000

    Việt Bắc - Tây Nguyên quê hương cách mạng, như đôi cánh thơ của cha tôi, đưa tâm hồn ông đến từng làng bản, nương rẫy. Trên mỗi chặng đi ấy, ông đã cất lên Tiếng hát và con đường trong hơn nửa thế kỷ làm thơ. Trong thơ ông, những dãy núi cao như luôn vẫy gọi rằng đấy là Đền Hùng, Phja TÁC GIẢ - TÁC PHẨM Nhà thơ Nông Quốc Chấn (thứ 5 từ phải sang) tại Hội nghị ngành văn hóa - thông tin, năm 2000 Bjoóc, Hoàng Liên Sơn, Ngọc Linh… Ông đã ghi chép trên đỉnh Mẫu Sơn:

    “Gió từ đỉnh Mẫu Sơn
    Gió thổi về Nam hay lên Bắc?
    …
    Gió hay hương hồi
    Nồng đượm
    Gió mang tiếng sli tiếng lượn
    Ngọt ngào
    Chung thủy
    Thương yêu”
    Đi qua đỉnh Đèo Gió ông viết:
    “Đêm ta qua Đèo Gió
    Tưởng đầu đội trời cao
    Sáng ta qua Đèo Gió
    Tưởng cưỡi mây bay cao!
    Ta vượt bao nhiều đèo
    Trên con đường vạn dặm
    Từng đợt gió gió reo
    Đôi chân ta bước thẳng”.
    Trên con đường thiên lý, ông đã đi cùng sao trời và gió núi.

 

NHỚ NGƯỜI THƠ VIỆT BẮC

CAO DUY SƠN

    Nói đến Nông Quốc Chấn chúng ta nhớ đến một chiến sĩ cách mạng tiền khởi nghĩa, nhà thơ tiêu biểu với những tác phẩm nổi tiếng đóng góp cho sự phát triển văn học nước nhà, cho sự đổi mới văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam trong hơn nửa thế kỷ của thế kỷ XX và tới tận đến ngày nay.

    Nhà thơ Nông Quốc Chấn sinh ngày 18 tháng 11 năm 1923 tại bản Nà Coọt, xã Cốc Đán, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn, ông mất ngày 4 tháng 2 năm 2002. Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của ông là dịp chúng ta cùng tưởng nhớ, nhắc lại những kỷ niệm một thời, tỏ lòng tri ân với một tài năng, nhân cách lớn, niềm tự hào không chỉ của các văn nghệ sĩ dân tộc, còn với cả các thế hệ đồng bào Việt Bắc và bạn bè văn nghệ cả nước.

    Sinh thời nhà thơ Nông Quốc Chấn luôn hết lòng tận tụy với nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao phó, sáng tạo, nghiên cứu viết nhiều tác phẩm, công trình văn hóa, văn học, nghệ thuật giá trị để lại cho hôm nay và mai sau. Ông là người đặt viên gạch đầu tiên xây nền văn học dân tộc thiểu số hiện đại, hòa vào dòng chảy chung văn học cách mạng. Là cánh chim đầu đàn, cây đại thụ của văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam.

    Năm 1941 khi vừa tuổi 18, Nông Quốc Chấn được gặp cách mạng, tham gia công tác ở địa phương. Năm 1945 thoát ly gia đình, hoạt động theo sự phân công của đoàn thể. Những ngày toàn quốc kháng chiến, ông từng là chính trị viên đại đội quân giải phóng châu Ngân Sơn, rồi trưởng ty Thông tin Bắc Kạn. Kể từ đây ông hoạt động trong lĩnh vực tuyên truyền, văn hóa, văn nghệ. Trong những ngày gian khổ này tài năng thơ của ông càng thêm tỏa sáng khi được tiếp xúc với nhà văn Nam Cao, Tô Hoài. Mỗi khi có cơ hội bên nhau họ lại cùng tâm sự, trao đổi thân tình về văn học, nghệ thuật, trách nhiệm người cầm bút với cách mạng kháng chiến. Cũng trong những ngày sục sôi cách mạng này, ông đã cho ra đời tác phẩm thơ Việt Bắc đánh giặc. Đây là tác phẩm dài đầu tiên của ông ghi lại không khí hào hùng của đồng bào Việt Bắc những ngày kháng chiến chống Pháp.

    Trung tuần tháng 5 năm 1945, một sự kiện lớn đã diễn ra. Trên đường Nam tiến từ Pác Bó về Tân Trào để chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa toàn quốc, Bác Hồ cùng đoàn cán bộ đã dừng chân tại quê hương ông, và đến thăm lớp bình dân học vụ của bản. Với cảm xúc, niềm tự hào của người con quê hương Bắc Kạn ông đã viết bài thơ Bộ đội Ông Cụ, một tác phẩm nổi tiếng trong truyện thơ Việt Bắc đánh giặc. Bốn năm sau, tác phẩm đã được chọn in vào tuyển tập Thơ văn cách mạng và kháng chiến của Hội Văn nghệ Việt Nam (xuất bản năm 1949). Kể từ đó đến nay đã gần 80 năm trôi qua, nhưng hình ảnh Bác Hồ cùng đội quân Nam tiến vẫn khắc sâu trong lòng người dân Hoàng Phài. Càng trở nên bồi hồi sâu lắng hơn trong những vần thơ được cất lên từ cảm xúc của người thơ Việt Bắc Nông Quốc Chấn qua bài thơ Bộ đội Ông Cụ. Không khí những tháng ngày gian khổ mà hào hùng vẫn hiện qua từng chữ, từng câu của người trong cuộc:

    “… Bộ đội đã đến kìa
    A lúi, những người là người
    Đeo súng ngắn, súng dài, súng dóp
    Hoan hô! Hoan hô!
    Nhìn không chớp mắt.
    Có cả người mũi lõ tóc quăn
    Hai con mắt màu gio như lính Pháp
    Lại có Cụ Già đi chân đất,
    Mặc bộ quần áo Nùng
    Tay cầm cây gậy mây rừng,
    Miệng ngậm một điếu can không khói,
    Bộ râu dài vừa trắng vừa đen,
    Chân tay nhanh nhẹn như thanh niên,
    Cụ già cười, vẫy chào người đứng đón…”

    Năm 1948, Nông Quốc Chấn tham gia Ban Chấp hành tỉnh đảng bộ kiêm chủ bút tờ báo Tin tức Bắc Cạn. Năm 1949, ông là ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, năm 1950 tham gia phục vụ chiến dịch giải phóng Cao - Bắc - Lạng, đồng thời sáng tác thơ bằng tiếng Kinh và tiếng Tày nhằm động viên bộ đội và các đội thanh niên xung phong. Năm 1951 ông được đi dự Đại hội Thanh niên và Sinh viên thế giới tổ chức tại Berlin, và được giải Nhì cuộc thi thơ tại Đại hội với bài Dọn về làng. Bài thơ ấy được viết trong những ngày quê hương được giải phóng.

    Việt Bắc với Nông Quốc Chấn là nghĩa là tình, nơi ông đã gửi gắm một thời tuổi trẻ. Từng giữ cương vị Giám đốc Sở Văn hóa, Chủ tịch Hội Văn nghệ khu tự trị Việt Bắc. Năm 1970 là Thứ trưởng Bộ Văn hóa, kiêm Giám đốc Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc; Giám đốc Nhà xuất bản Văn học, rồi Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội (năm 1980). Ông là người khởi xướng thành lập Khoa Văn hóa dân tộc, một ngành học cho con em các dân tộc thiểu số mà ông đã tâm đắc dành nhiều thời gian theo đuổi, có ý nghĩa lâu dài nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống.

    Những năm ở cương vị Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Nông Quốc Chấn từng là hiệu trưởng đầu tiên của Trường Viết văn Nguyễn Du, một trường danh tiếng từng đào tạo nhiều tài năng văn học cho đất nước. Bằng nhiệt huyết, uy tín cá nhân, ngày đó ông đã mời được nhiều nhà văn tên tuổi, học giả, trí thức nổi tiếng ở lĩnh vực triết học, mĩ học, dân tộc học, nghiên cứu văn học đến giảng dạy, trao đổi với học viên nhà trường.

    Bằng kinh nghiệm đúc kết, tận tình và chân thành ông khuyến khích các tác giả trẻ người dân tộc thiểu số sáng tác bằng tiếng mẹ đẻ. Chỉ bảo cách chọn đề tài để viết, bám sát hiện thực đời sống, mà vẫn giữ được phẩm chất văn hóa truyền thống dân tộc trong hình tượng nghệ thuật, ngôn ngữ sáng tạo.

    Vừa chăm lo cho lớp văn nghệ sĩ trẻ, ông vừa miệt mài viết những vần thơ có tính chiêm nghiệm sâu sắc khởi từ trái tim thi sĩ từng trải qua bao biến động trong cuộc đời.

    “Khi nghe gió thổi qua Phja Bjooc
    Em biết mùa thu đã hết rồi…”

    Câu thơ được viết trong ngày sinh khi ông bước vào tuổi 70 lại nhắc Núi Hoa - Phja Bjooc. Ngọn núi nơi quê hương luôn khiến trái tim ông rung động mỗi khi nhớ về. Dẫu lời thơ phảng phất buồn nhưng là thoáng buồn lặng lẽ mà sang trọng như cốt cách, tâm hồn tác giả. Vẫn biết giới hạn phận người là thế, mà tỏ sự bình thản, điềm nhiên đón đợi như đón đợi vệt nắng trong cuối chiều vậy.

    Trong cuộc đời sáng tác của mình nhà thơ Nông Quốc Chấn đã cho xuất bản những tập thơ: Tiếng ca người Việt Bắc, Người Núi Hoa, Đèo Gió, Bước chân Pác Bó, Dòng thác, Suối và biển; những tập phê bình, tiểu luận: Đường ta đi, một vườn hoa nhiều hương sắc, Chặng đường mới, Dân tộc và văn hóa, Một ngôi nhà sàn Hà Nội. Với đóng góp lớn cho văn học cách mạng Việt Nam, năm 1999 nhà thơ Nông Quốc Chấn đã được Đảng và Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật.

    Thoắt đó mà đã 21 năm ông về với mường trời. 21 năm cách biệt ông để lại biết bao thương nhớ và kính trọng trong lòng người Việt Bắc. Từ suối nguồn cách mạng cách đây hơn 70 năm ông đã đem sức trẻ cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, cống hiến cho thơ ca. Những bài thơ mang dấu ấn một giai đoạn lịch sử hào hùng sẽ còn mãi với thời gian. Sẽ còn mãi hình bóng của người thơ Việt Bắc, bình dị, đôn hậu trong lòng đồng bào, đồng chí, với sự nghiệp văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam.

    Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhà thơ Nông Quốc Chấn như một dịp ý nghĩa để cùng ôn lại cuộc đời sự nghiệp của người thơ Việt Bắc. Từ dòng suối này ông đã đi ra và nhập vào với biển lớn. Sự đóng góp của ông cho cách mạng, cho thi ca đất nước sẽ mãi là niềm tự hào của các thế hệ trên quê hương Bắc Kạn. Sẽ mãi là biểu tượng trân trọng và yêu quý của các văn nghệ sĩ Việt Nam hôm nay.

 

NHÀ THƠ NÔNG QUỐC CHẤN NHÀ VĂN HÓA CỦA CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ

PGS, TS HÀ CÔNG TÀI

    Năm 1951, giữa lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta đang vào hồi quyết liệt, thì ở châu Âu xa xôi, tại thủ đô Berlin của nước Cộng hòa dân chủ Đức, tiếng thơ Dọn về làng của Nông Quốc Chấn bay cao làm xúc động biết bao nhiêu trái tim bạn bè quốc tế, những người nói tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Anh, tiếng Nga, về một dân tộc Việt Nam đang quyết đứng lên chiến đấu chống xâm lược, bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc mình. Một giọng thơ khác lạ, với những biểu tượng dân tộc đầy ngạc nhiên về lẽ sống và tín ngưỡng ở một đất nước còn hầu như chưa biết tới trên bản đồ thế giới. Không còn thấy thơ đâu chỉ thấy cuộc đời - đó là lời của đứa con yêu nói với mẹ mình, tận tình, gan ruột:

    “Mẹ! Cao Lạng hoàn toàn giải phóng
    Tây bị chết bị bắt sống từng đàn
    Vệ quốc quân chiếm lại các đồn
    Người đông như kiến, súng dầy như củi
    (…) Mấy năm qua quên tết tháng giêng, quên rằm tháng bảy
    Chạy hết núi lại khe, cay đắng đủ mùi
    (…) Chúng con còn thơ, ai nuôi ai dạy
    Không ai chống gậy khi bà cụ qua đời”

    Đó còn là ý chí kiên cường và niềm tin tất thắng vào cuộc chiến đấu chính nghĩa của một dân tộc đang “vươn mình lên đến ánh sáng”:

    “Mặt trời lên sáng rõ rồi mẹ ạ!
    Con đi bộ đội mẹ ở lại nhà
    Giặc Pháp giặc Mỹ còn giết người cướp của trên đất ta
    Đuổi hết nó đi, con sẽ về trông mẹ”.

    Bài thơ được giải Nhì trong cuộc thi thơ năm ấy -tại Đại hội Liên hoan Thanh niên và Sinh viên thế giới lần thứ hai tổ chức ở Berlin, chỉ sau bài thơ của nhà thơ yêu nước Hy Lạp đấu tranh cho hòa bình lúc ấy đang bị giam cầm trong nhà tù đế quốc. Sau đó, bài thơ được nữ thi sĩ Pháp Madelaine Riffaud dịch giới thiệu với độc giả Pháp cùng với các nhà thơ Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Lưu Trọng Lư… Thơ Nông Quốc Chấn gần gũi với đông đảo bạn đọc trong nước, trong thơ Việt Nam xuất bản ở nhiều nước như Liên Xô trước đây, Pháp, Bungari, Hunggari, Trung Quốc, Mông Cổ…, được giảng dạy trong nhà trường. Thơ Nông Quốc Chấn được nhiều nhà nghiên cứu đề cập, và chính thơ ông cũng cho chúng ta nhận ra phần nào tính cách của một nhà văn hóa. Bài viết tập trung vào phương diện nổi bật đó của nhà thơ, được thể hiện qua năm tập tiểu luận mà ông viết hết sức công phu.

    Tiểu sử cho thấy, ngay từ khi còn rất trẻ Nông Quốc Chấn đã gắn bó với nền văn hóa của quê hương mình. Ông là người ham học, hiếu học, học chữ Nho với thầy dạy tại nhà, học chương trình Pháp - Việt với người anh từ Hà Nội về, học trường làng, trường tỉnh, học hết đại học khoa học xã hội và chương trình Marx-Lenin ở nước ngoài. Ông tham gia hoạt động xã hội từ rất sớm. Tô Hoài nhận xét rằng, ở Nông Quốc Chấn, những từng trải rộng lớn của ông và cả cuộc đời ông từng ngày từng đêm, đất chôn rau cắt rốn đã đi vào thơ, đất quê ông là ngọn suối thơ ông... Nguồn sống thực tiễn cùng với quá trình trau dồi học vấn mà ở vào thời của ông còn ít người có được, đã làm nên một nhà thơ, nhà văn hóa, nhà quản lý, nhà chính trị Nông Quốc Chấn với những quan niệm mang tính triết học sâu sắc.

    Nông Quốc Chấn giành sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề dân tộc và văn hóa dân tộc ở một đất nước Việt Nam thống nhất. Điều này mang tầm chiến lược đối với cách mạng nước ta, được ghi dấu trong nhiều văn kiện Đảng, như văn kiện Đại hội Đảng lần thứ VIII “vấn đề dân tộc có vị trí chiến lược lớn. Thực hiện bình đẳng, đoàn kết tương trợ giữa các dân tộc… nâng cao dân trí, tôn trọng và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc”. Đó là đường lối chung, là mục tiêu vĩ đại của cách mạng. Trên thực tế, để đưa đường lối chung ấy vào cuộc sống, để biến nó trở thành hiện thực, lại là một quá trình không ít phức tạp, cần có cách thức, phương pháp thích hợp với hoàn cảnh mỗi nơi. Và về phương diện này thì Nông Quốc Chấn là người đứng ở hàng tiên phong.

    Sự gắn bó với thực tiễn dân tộc, am hiểu con người và những điều kiện đặc thù, những điều kiện có thể quyết định sự thành bại của một chủ trương, giúp Nông Quốc Chấn có cái nhìn thực tiễn sinh động, vừa bao quát vừa cụ thể “phát giác vật ở bề chưa thấy”. Nông Quốc Chấn viết “54 dân tộc là 54 cái riêng cộng lại thành cái chung là dân tộc Việt Nam đang xây dựng cuộc sống mới xã hội chủ nghĩa. Nếu nhấn mạnh cái riêng sẽ vô tình đối lập các dân tộc với nhau. Nhưng nếu chỉ nhấn mạnh cái chung cũng là vô tình phủ nhận khả năng sáng tạo văn hóa của mỗi dân tộc”. Quan tâm vấn đề ở bình diện triết học nhưng các ý kiến của Nông Quốc Chấn lại giàu tính thực tiễn và không bị đóng khung trong một thứ lý luận kinh viện. Trong bài Dân tộc, tên gọi và văn hóa viết năm 1973, khi tư duy quan liêu bao cấp còn đang nặng nề, Nông Quốc Chấn đã có cái nhìn biện chứng tích cực, cho rằng mỗi dân tộc đều có nền văn hóa của mình và nhấn mạnh văn hóa văn nghệ thực chất là tư tưởng. Ông đề nghị cần tăng cường xây dựng văn hóa ở các vùng cao và không thể có một tên gọi chung chung là văn hóa miền núi. Ông viết “mỗi dân tộc dù số người không đông, trình độ phát triển không đồng đều nhau, vẫn có vốn văn hóa truyền thống đặc sắc của mình”1. Khi nêu đặc điểm văn hóa của từng dân tộc ông cho rằng, nó không bao giờ tách rời hoặc đối lập với đặc điểm chung của văn hóa cả nước, mà góp vào xây dựng nền văn hóa của một nước Việt Nam thống nhất.

    Sự góp chung này là không hề đơn giản và diễn ra hết sức đặc thù, qua giao lưu văn hóa. Điều đó chỉ có thể trên cơ sở quyền tự quyết của các dân tộc, trên cơ sở tự nguyện, gắn liền với lòng tự tôn và tình cảm dân tộc. Nông Quốc Chấn luôn luôn gắn vấn đề văn hóa với vấn đề dân tộc. Là người gắn bó với những bước phát triển của các dân tộc thiểu số, thực tiễn cho ông nhận thức sâu sắc rằng, Đảng đem lại quyền con người cho các dân tộc, đồng thời giúp đỡ, gìn giữ, phát huy những cái tốt đẹp trong văn hóa của từng dân tộc để làm giàu văn hóa xã hội chủ nghĩa. Đảng ta không coi vấn đề dân tộc là riêng rẽ mà là một bộ phận trong đường lối chung của cách mạng. Trong Xây dựng nền văn hóa nhiều dân tộc ở Việt Nam viết ngay sau ngày thống nhất đất nước, 1976, trước tình trạng các dân tộc, đặc biệt các dân tộc thiểu số ở Miền Nam vừa mới được giải phóng, Nông Quốc Chấn phân tích sâu sắc nguyên tắc bình đẳng giữa các dân tộc trong chính sách dân tộc của Đảng. Ông chỉrõ với chính sách bình đẳng đó, các dân tộc sẽ có điều kiện đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, cùng tiếp thu tinh hoa, những yếu tố tốt đẹp trong văn hóa của nhau để cùng phát triển. Ông viết “các dân tộc có điều kiện phát huy truyền thống tốt đẹp của mình đồng thời sáng tạo ra cái mới, tiếp thu cái mới, xây dựng con người mới. Các dân tộc sẽ sống chan hòa, cùng nhau xây dựng chế độ mới”2.

    Nông Quốc Chấn kiên quyết lên án nạn phân biệt chủng tộc, thái đội coi khinh dân tộc ít người. Ông chỉ ra trong xã hội có bóc lột, quan hệ giữa các dân tộc thực chất là quan hệ giai cấp thống trị và bị trị. Còn trong chế độ xã hội chủ nghĩa thực hiện quyền bình đẳng và đoàn kết dân tộc và đó là nguyên tắc bất di bất dịch, đó là văn hóa. Ngày nay, khi một số nơi trên thế giới nổi lên vấn đề sắc tộc và tôn giáo, ý kiến của Nông Quốc Chấn càng có ý nghĩa và trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Ở đây ta cũng bắt gặp sự chia sẻ của nhà nhân loại học Pháp M. Godelier khi ông cho rằng, cái nổi bật trong xã hội Hy Lạp cổ đại là chính trị, trong xã hội Trung cổ là tôn giáo, trong xã hội tư bản là kinh tế, trong xã hội xã hội chủ nghĩa sẽ là văn hóa.

    Một trong những vấn đề trọng tâm đối với Nông Quốc Chấn khi tìm hiểu văn hóa dân tộc là bản sắc dân tộc, thường gọi là tính dân tộc. Hơn nửa thế kỷ nay, đã có rất nhiều học giả dày công nghiên cứu về bản sắc dân tộc. Và cũng không chỉ ở trong nước mà cả các quốc gia trên thế giới, vấn đề bản sắc dân tộc, việc gìn giữ bản sắc ấy cũng luôn luôn được đặtra. Bản sắc dân tộc là một phạm trù giá trị. Nó có cơ sở từ hiện thực lao động dựng xây cuộc sống và chiến đấu bảo vệ nền độc lập của nhân dân các dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử, thể hiện phẩm chất của dân tộc. Nó biểu hiện cụ thể thành các đặc điểm, dấu ấn trong sáng tạo văn hóa và con người dân tộc. Khi nói đến những biểu hiện cụ thể này tức là chúng ta đã đánh giá về nó, nhận thức nó theo một quan điểm và một lý tưởng thẩm mĩ nhất định. Trong sáng tạo văn hóa, như văn hào V. Hugo từng viết, tư duy càng sâu thì thể hiện của nó càng sinh động. Tư duy càng sát với thực tiễn của nhân dân mình, xã hội mình, cả bản thân mình thì sáng tác càng thấm sâu bản sắc dân tộc. Trong lĩnh vực này, Nông Quốc Chấn cũng có nhiều ý kiến hết sức độc đáo, quý giá, thể hiện phẩm chất và tầm nhìn sâu rộng, vượt trước của riêng ông.

    Đó là khi nghiên cứu bản sắc dân tộc trong văn học, Nông Quốc Chấn cho rằng tính dân tộc còn thể hiện trong mối quan hệ (người viết nhấn mạnh) giữa văn học các dân tộc anh em trên đất nước ta3. Ông nhấn mạnh không nên quên trong văn học Việt Nam có một bộ phận lớn văn học của hơn năm mươi nhóm dân tộc thiểu số, ngoài dân tộc Kinh và cần nhận rõ mối quan hệ hữu cơ, cả chiều sâu và chiều rộng, giữa các nền văn hóa của các nhóm dân tộc trong nền văn hóa chung. Vì rằng trong lịch sử giữa các dân tộc đã có sự chuyển hóa, bồi đắp cho nhau tạo thành những đặc điểm chung, từ loại hình đến những mẫu đề nhỏ, từ văn học dân gian đến văn học hiện đại. Những đặc điểm chung đó chính là bản sắc dân tộc - kết quả của sự đóng góp chung giữa các dân tộc trên đất nước ta.

    Nghiên cứu bản sắc dân tộc trong mối quan hệ là một cái nhìn hết sức tinh tế và giàu tính thực tiễn. Nông Quốc Chấn đề nghị tìm hiểu tính chất và sự chuyển hóa của mỗi yếu tố trong mỗi dạng văn hóa. Và đây là một đóng góp lớn, có tính phương pháp luận khi nghiên cứu bản sắc dân tộc trong văn hóa văn học các dân tộc, liên quan đến vấn đề hiện đại hóa và giao lưu văn hóa hiện nay. Ông viết “Từ văn hóa Đông Đô, Hà Nội, văn hóa Tây Bắc, Việt Bắc, duyên hải miền Trung, văn hóa Chăm đến văn hóa Môn - Khmer, Hoa Nam Bộ, nhiều vẻ đẹp tiếng nói, chữ viết, nếp sống, phong tục… khác nhau không đối lập nhau mà giao lưu, bổ sung cho nhau tạo ra sự thống nhất đất nước4.

    Điều trước tiên làm nên tính thống nhất trong văn hóa các dân tộc nước ta mà Nông Quốc Chấn nói đến, là văn hóa yêu nước, cứu nước, giữ nước. Đây là yếu tố mạnh mẽ và hiệu quả nhất trong đời sống tinh thần của nhân dân các dân tộc: Yêu nước, cứu nước là sợi dây xuyên suốt các yếu tố văn hóa Việt Nam. Nhìn ra cái chung và sự thống nhất riêng chung, nhìn ra cái đặc thù trong cái phổ biến, là một đặc điểm rất nhất quán trong các nghiên cứu của Nông Quốc Chấn. Ông viết “Văn hóa dân tộc nào cũng có cái chung ví dụ tính chất dân chủ, văn hóa gắn liền với lòng tự tôn và tình cảm dân tộc. Và chính là với tính chất dân tộc mà dân tộc này tôn trọng, hòa hợp, yêu mến tinh hoa văn hóa của dân tộc khác”5.

    Nông Quốc Chấn còn bàn đến nhiều yếu tố văn hóa có tầm quan trọng đặc biệt trong sự nghiệp phát triển đất nước. Trong đó ông đặc biệt chú ý đến tiếng nói và chữ viết, vấn đề tâm lý dân tộc và tiếng nói dân tộc, đào tạo đội ngũ cán bộ văn hóa để tiếp thu các thành tựu kỹ thuật và công nghệ, nâng cao sự hiểu biết trong nhân dân, vấn đề sáng tạo các thể loại văn học, tứ thơ, vấn đề tìm tòi các hình thức mới, vấn đề nếp sống, phong tục trong đời sống văn hóa của các dân tộc… Các nghiên cứu của ông nhìn chung có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc,rất cần có một công trình nghiên cứu dày dặn và đầy đủ hơn để có thể tìm hiểu.

    Nông Quốc Chấn là nhà thơ, nhà văn hóa kiệt xuất không chỉ của các dân tộc thiểu số, mà của các dân tộc trên đất nước Việt Nam thống nhất. Công trình nghiên cứu của ông không chỉ đem lại lòng tự hào dân tộc trong sự phát triển đất nước, mà còn khơi thông thêm tình đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc. Nhớ về ông, chúng ta nhớ đến một tấm gương nghiên cứu văn hóa dân tộc bền bỉ, với trí tuệ mẫn tiệp, tài năng và tình cảm tha thiết với dân tộc, đất nước và nhân dân của mình.

 

Chú thích:
1, 2, 4, 5 Tuyển tập Nông Quốc Chấn (1998), NXB Văn hóa dân tộc, tr. 347, 379, 619, 609.
3 Nông Quốc Chấn - Cuộc đời và sự nghiệp (2017), NXB Văn hóa thông tin, tr. 281.

 

NÔNG QUỐC CHẤN - “CÁNH CHIM ĐẦU ĐÀN” CỦA LÝ LUẬN, PHÊ BÌNH VĂN HỌC DÂN TỘC THIỂU SỐ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI

PGS, TS TRẦN THỊ VIỆT TRUNG

    1. Quan điểm của Nông Quốc Chấn về công tác nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học

    Trong suốt 60 năm phấn đấu và cống hiến hết mình cho sự nghiệp văn học dân tộc thiểu số (DTTS) - nhà thơ, nhà văn hóa, nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình Nông Quốc Chấn đã cho ra đời hàng chục tập thơ (sáng tác bằng cả tiếng Tày và tiếng Việt) - mà hầu như không một người yêu mến thơ DTTS nào lại không biết đến tên của những tập thơ của ông này như: Tiếng ca người Việt Bắc (1959), Người núi Hoa (1961), Đèo Gió (1968), Bước chân Pác Bó (1971), Suối và biển (1984)… Bên cạnh đó, ông còn là tác giả của 5 tập sách Phê bình - Tiểu luận: Đường ta đi (1972), Một vườn hoa nhiều hương sắc (1977), Chặng đường mới (1985), Dân tộc và văn hóa và Hành trang sang thế kỷ XXI (2000). Đây là những cuốn sách nghiên cứu, lý luận, phê bình mang tính chuyên sâu về các vấn đề văn hóa, văn học DTTS thời kỳ hiện đại. Hầu như các vấn đề lớn của văn học DTTS đều được ông quan tâm, bàn luận khá sâu sắc và thấu đáo, cụ thể. Và sau đó đã được ông đúc kết, nâng lên tầm lý luận, và đã trở thành các tiêu chí để nhận xét, đánh giá tác phẩm văn chương cũng như trở thành mục tiêu để cho văn học các DTTS phấn đấu, hướng tới. Chính vì vậy, khi khảo sát và nghiên cứu các cuốn sách lý luận, phê bình văn học của ông, chúng tôi nhận thấy có hai phần nội dung rõ rệt. Phần một bao gồm các bài viết bàn về các vấn đề lý thuyết, lý luận văn học DTTS như: vấn đề gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong sáng tạo văn chương, vấn đề mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại trong quá trình sáng tác, vấn đề tiếng nói và chữ viết hay sáng tác song ngữ và vấn đề xây dựng đội ngũ tác giả DTTS trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Phần hai bao gồm các bài nghiên cứu, phê bình văn học DTTS cụ thể (từ dân gian đến hiện đại, nhưng chủ yếu là văn học thời kỳ hiện đại). Điều đáng lưu ý là: cả 2 phần đều gắn kết chặt chẽ với nhau, bởi với Nông Quốc Chấn - các vấn đề lý luận được ông đúc kết và đưa ra đều được xuất phát từ thực tiễn của cuộc sống văn học, nghệ thuật các DTTS Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử cụ thể của đất nước. Còn các bài nghiên cứu, phê bình về tác phẩm, tác giả hoặc về cả một giai đoạn, một chặng đường phát triển của văn học DTTS - đều được thực hiện dưới các quan niệm lý luận, lý thuyết mà ông xây dựng, bồi đắp (tác giả nhấn mạnh). Hay nói một cách khác, ông đã vận dụng một cách hiệu quả, nhuần nhuyễn hệ thống lý thuyết, lý luận văn học DTTS của mình vào việc nghiên cứu, phê bình từng đối tượng cụ thể. Có thể kể tên một loạt các bài nghiên cứu, phê bình đó như: Kể ít chuyện làm thơ (1957), Hoàng Đức Hậu và thơ tiếng Tày (1961), Nghĩ về văn học các dân tộc thiểu số (1961), Quê ta anh biết chăng (1962), Đọc Tung còn và Suối đàn (1968), Sáu mươi tuổi - một tâm hồn (1973), Từ Hoa trong Mường đến Trăng mắc võng (1975), Ba mươi năm xây dựng văn học cách mạng của các dân tộc (1975), Tổ quốc xã hội chủ nghĩa và sự bùng nổ của nền văn học nhiều dân tộc (1980), Chặng đường mới (1982), Văn học các dân tộc thiểu số - tác phẩm và đội ngũ (1983), Bước tới năm 2000 (1995)…

    Trước khi nói về những nội dung chính trong các cuốn sách nghiên cứu, lý luận, phê bình của ông, chúng tôi muốn được nhấn mạnh đến quan điểm của ông đối với công tác nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học trong đời sống văn học các DTTS hiện nay. Ngay từ năm 1964 - trong bài viết Nghĩ về văn học các dân tộc thiểu số, Nông Quốc Chấn đã chỉ ra rất rõ mối quan hệ giữa công tác sáng tác với công tác ghiên cứu, lý luận, phê bình và tầm quan trọng của nó đối với sự vận động của nền văn học còn non trẻ này. Ông cho rằng, việc nghiên cứu văn học dân tộc thiểu số cần được phát triển và gắn liền với công việc sáng tác. Có nghiên cứu chúng ta mới rút ra được những đặc điểm dân tộc trong nền văn học của nhiều dân tộc… để nâng dần vốn cũ của dân tộc cho phù hợp với yêu cầu hiện đại. Có nghiên cứu, chúng ta mới có thể khái quát, hệ thống hóa từng thể loại văn học của các dân tộc. Có nghiên cứu ta mới tìm tòi, phát hiện và bồi dưỡng các loại phong cách khác nhau về nghệ thuật của từng dân tộc. Và “về lý luận, trong nền văn học dân tộc thiểu số còn có nhiều vấn đề phải tìm hiểu, phân tích rồi mới có thể kết luận. Chỉ xung quanh vấn đề - Tính dân tộc cũng đã có nhiều quan điểm, cần phải vận dụng quan điểm chủ nghĩa Marx-Lenin để phân tích mới làm sáng tỏ được1. Trong bài Việc phê bình văn học quần chúng (1964), ông cũng đã nhấn mạnh đến tác động lớn lao của việc phê bình đối với người sáng tác nói riêng, đối với việc “chăm sóc, vun xới” cho “vườn hoa” văn học DTTS nói chung như: đánh giá thế nào cho đúng đối với các bài thơ đã in ra? Đó là một việc làm khá phức tạp trong đời sống văn học của chúng ta. Cứ nhắm mắt khen, khen tất cả các bài hay, bài dở, dĩ nhiên là không đúng. Nhưng cứ thẳng tay chê, chê bài dở, bài xấu, bài vừa và chê cả bài hay nữa, thì lại càng có hại chung cho sự nghiệp văn học cách mạng. Để tăng thêm sức thuyết phục cho việc khẳng định vai trò quan trọng của phê bình văn học, ông đã trích lại bức thư của Ban Chấp hành Trung ương Đảng gửi cho Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ 4 về công tác phê bình văn học như: “Công tác phê bình không những phải giúp cho quần chúng thưởng thức tác phẩm một cách đúng đắn, nâng cao tư tưởng nhận thức và trình độ thẩm mỹ của nhân dân, mà còn phải giữ vững vai trò, hướng dẫn cho sáng tác và biểu diễn nghệ thuật đi đúng đường lối của Đảng”2. Rõ ràng ở đây, tác giả Nông Quốc Chấn đã nhấn mạnh đến chức năng định hướng dư luận đối với người đọc và định hướng sáng tác cho các nhà văn, các nghệ sĩ. Chính vì vậy, ông đã chỉ ra việc “cần phải được bồi dưỡng, trau dồi không những những hiểu biết về lý luận (triết học, mĩ học), về đường lối, chính sách của Đảng, về văn hóa văn học nghệ thuật, về vốn sống thực tế và về cách nghĩ, cách nhìn các hiện tượng xã hội theo quan điểm của Đảng đối với các văn, nghệ sĩ. Bởi vì, đó là những yếu tố làm gốc để người sáng tác dựa vào mà vận dụng trong khi viết; để người phê bình có chỗ dựa để khen, chê, góp ý với người sáng tác để người thưởng thức cũng có căn cứ phân biệt cái gì hay, cái gì dở”. Và ông đưa ra kết luận một cách dứt khoát rằng, không có phê bình thì không có sáng tác hay. Tất nhiên phải có sự phê bình đúng mới nâng cao được trình độ người viết và nâng cao trình độ nhận thức của quần chúng.

    Có thể thấy, những quan niệm đó của ông về công tác nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học DTTS nói riêng, văn học Việt Nam thời kỳ hiện đại nói chung - đến nay vẫn còn nguyên giá trị, vẫn còn mang tính thời sự ở một số nội dung nhất định - nhất là trong bầu khí quyển văn chương phong phú và phức tạp như hiện nay cùng với nhiều loại lý thuyết, lý luận về phê bình văn học hiện đại, hậu hiện đại đang được giới nghiên cứu, phê bình tiếp thu, ứng dụng vào công việc nghiên cứu, phê bình cụ thể của mình.

    2. Xây dựng những nội dung cơ bản về lý luận văn học DTTS

    Những vấn đề lý luận văn học DTTS mà Nông Quốc Chấn luôn quan tâm sâu sắc và đã dành nhiều thời gian trí tuệ và tâm sức của mình để bàn luận và giải quyết, thể hiện ở bốn luận điểm chủ yếu sau:

    Thứ nhất, khẳng định văn học DTTS là một thành phần quan trọng trong nền văn học Việt Nam từ ngàn xưa cho tới nay. Nó là một bộ phận không thể tách rời khỏi tổng thể nền văn học dân tộc. Và chính nó đã góp phần tạo nên một “vườn hoa” văn chương “nhiều hương sắc” cho dân tộc Việt Nam nhưng nó vẫn mang những đặc điểm riêng, có những quy luật vận động và phát triển riêng - nên vẫn rất cần phải có một hệ thống lý luận phê bình riêng để chỉ đạo và định hướng phát triển. Quan điểm này đã được ông đề cập đến trong các bài viết, phần viết như: Đường ta đi (1957), Nghĩ về văn học các dân tộc thiểu số (1964), Tính dân tộc của một nền văn học nhiều dân tộc (1972), Một vườn hoa nhiều hương sắc (1975), Xây dựng một nền văn hóa nhiều dân tộc ở Việt Nam (1976), Tổ quốc xã hội chủ nghĩa và sự bùng nổ của nền văn học nhiều dân tộc (1980); Chặng đường mới (1982), Văn hóa các dân tộc Việt Nam thống nhất mà đa dạng (1989), Hành trang sang thế kỷ XXI (1999), Công cuộc đổi mới và trách nhiệm của người cầm bút (2000)…

    Thứ hai, vấn đề Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, vấn đề Giải quyết mối quan hệ giữa tính truyền thống và tính hiện đại trong quá trình sáng tác, sáng tạo của các nhà văn DTTS - phải trở thành một nguyên tắc, một yêu cầu cơ bản nhất đối với văn học DTTS Việt Nam thời kỳ hiện đại nhất là trong không khí hội nhập quốc tế trong lĩnh vực văn hóa, văn học hiện nay. Hay nói một cách khác, đó chính là vấn đề sống - còn của văn học DTTS. Bởi nếu không thể hiện được bản sắc dân tộc (ở cả nội dung và hình thức nghệ thuật) trong các sáng tác của mình - thì làm sao có thể coi đó là tác phẩm văn học DTTS do chính các nhà văn DTTS viết? Nó sẽ trở thành “một đứa con lai” của thiên hạ, không còn là “đứa con đẻ” của người dân tộc thiểu số nữa. Để cụ thể hóa nguyên tắc và yêu cầu này đối với những người sáng tác - chủ thể của văn học DTTS Việt Nam - ông đã nhiều lần bàn bạc và nêu ra định nghĩa, chỉ ra các đặc điểm, phân tích và làm rõ khái niệm Bản sắc văn hóa dân tộc, tính truyền thống hiện đại và việc ứng dụng khái niệm đó vào trong công việc sáng tác như thế nào! Đồng thời, ông cũng đã chỉ ra các giải pháp tổng thể, cũng như các biện pháp cụ thể, ứng với từng giai đoạn lịch sử của dân tộc - đối với các nhà văn DTTS Việt Nam để họ có thể thực hiện tốt nguyên tắc quan trọng này. Hàng loạt các bài viết của ông đã đề cập đến vấn đề này như: Kể ít chuyện làm thơ (1957), Hãy khơi nguồn văn học dân gian các dân tộc thiểu số (1964), Nghĩ về văn học các dân tộc thiểu số (1964), Bản sắc dân tộc trong thơ (1960), Tính chất dân tộc của một nền văn học nhiều dân tộc (1971), Công việc nghiên cứu nghệ thuật (1976), Giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp trong nền văn hóa mới (1976), Văn hóa các dân tộc ở miền Nam - vấn đề và chính sách (1981), Văn học các dân tộc thiểu số - tác phẩm và đội ngũ (1983), Bản sắc văn hóa dân tộc (1990); Văn hóa: kế thừa, tiếp thu và phát triển (1990), Văn học nhìn từ vấn đề dân tộc và văn hóa dân tộc (1996), Lại bàn về truyền thống (1996), Cái riêng và cái chung (1998), Văn hóa các dân tộc thống nhất mà đa dạng (1999), Hành trang sang thế kỷ XXI (1999), Truyền thống và đổi mới (1999), Văn học nghệ thuật các dân tộc xưa và nay (1999)…

    Với các bài viết trên - ông đã dần thiết lập nên một hệ thống lý thuyết, lý luận văn học DTTS thời kỳ hiện đại. Các vấn đề lý thuyết, lý luận này đã được ông đúc kết từ thực tiễn sáng tác, từ nhu cầu về đời sống văn học của cộng đồng các dân tộc thiếu số, từ yêu cầu của cách mạng Việt Nam đối với đời sống văn học, nghệ thuật và xuất phát từ đòi hỏi của quá trình hiện đại hóa, tiến tới hội nhập quốc tế của đất nước và quan trọng nhất là: các vấn đề lý thuyết, lý luận đó lại được bắt nguồn, được soi sáng bởi tư tưởng của chủ nghĩa Marx-Lenin về văn học, nghệ thuật nói chung, về văn học, nghệ thuật các dân tộc nói riêng. Chính vì thế, hệ thống lý thuyết, lý luận với các vấn đề cụ thể đã nêu trên được ông trình bày trong các bài viết của mình thường rất có tính thuyết phục - bởi sự chặt chẽ, logic và rất dễ hiểu, rất thực tế và cũng rất sắc bén. Nó đã trở thành những bài học, những định hướng sáng tác cho các cây bút DTTS nói riêng, cho văn học DTTS nói chung trong suốt hơn nửa thế kỷ qua.

    Thứ ba, ngoài các vấn đề lý thuyết, lý luận trên, Nông Quốc Chấn đặc biệt quan tâm đến vấn đề Tiếng nói, chữ viết và vấn đề Nên sáng tác bằng thứ ngôn ngữ nào đối với những người DTTS. Ông đã có hàng loạt bài viết về vấn đề này như: Mối quan hệ giữa tiếng Kinh và tiếng các dân tộc thiểu số (1966), Nghĩ về văn học các dân tộc thiểu số (1964), Con đường sáng (1970), Bàn về chữ dân tộc (1963), Tiếng nói và chữ viết về văn hóa Tày - Nùng (1972), Trả lời bạn thơ Mường (1966), Ba mươi năm xây dựng văn học cách mạng (1975), Giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp trong nền văn hóa mới (1976), Tổ quốc xã hội chủ nghĩa và sự bùng nổ của nền văn học nhiều dân tộc(1982), Tiếng nói và chữ viết của các dân tộc (2000)…

    Theo ông, ngôn ngữ các dân tộc thiếu số là một thứ “bảo vật” cần được gìn giữ, trân trọng và phát huy - bởi nó là một trong những biểu hiện quan trọng của bản sắc văn hóa dân tộc. Do đó, các dân tộc đã có chữ viết, cần được khuyến khích, phát huy tác dụng của các thứ chữ đó trên lĩnh vực sáng tác văn, thơ; Các dân tộc chưa có chữ viết nên dùng ngữ pháp phiên âm để ghi chép. Việc này có thể làm được vì ta có chữ quốc ngữ làm gốc. Ông đưa ra lời khuyên nhưng thực chất là một sự chỉ đạo, định hướng: Dù có chữ hay chưa có chữ, để xây dựng ngôn ngữ văn học của mình, dân tộc nào cũng đều cần kết hợp 3 yếu tố: một là ra sức sưu tầm, học tập kho ngôn ngữ của quần chúng nhân dân, hai là tiếp thu những cái tốt đẹp, hợp lý, cần thiết trong ngôn ngữ của người Kinh và của cả người nước ngoài; ba là những nhà thơ, nhà văn DTTS không ngừng tìm tòi, sáng tạo thêm cái mới để góp phần làm cho ngôn ngữ dân tộc mình ngày càng thêm giàu đẹp, trau chuốt, khoa học và trong sáng thêm lên3. Tuy nhiên, đứng trước một thực tế ngày càng ít tác giả có khả năng tư duy và sáng tác bằng tiếng DTTS (nhất là trong giai đoạn hiện nay, các nhà văn DTTS thuộc thế hệ thứ 3, thứ 4 - tức từ những năm 90 của thế kỷ XX trở lại đây); và ngày càng nhiều người thuộc các dân tộc khác nhau (trong đó có rất nhiều người dân tộc Kinh) quan tâm, thưởng thức các sáng tác văn học DTTS bằng tiếng Việt - nên việc sáng tác song ngữ càng là một việc khó khăn đối với người sáng tác. Với cái nhìn “động” và “mở”, Nông Quốc Chấn đã có những ý kiến xác đáng, phù hợp với suy nghĩ của nhiều nhà văn, nhà thơ DTTS hiện nay là: việc sáng tác bằng tiếng dân tộc hay tiếng phổ thông (tiếng Việt), hoặc sáng tác song ngữ (bằng cả hai thứ tiếng) không phải là điều quan trọng bậc nhất đối với người sáng tác. Điều cần phải quan tâm, phải được thể hiện trong tác phẩm của các tác giả DTTS là: phải phản ánh đúng “bản chất con người miền núi”, “phải gắn chặt với mọi phong tục, tập quán, truyền thống tốt đẹp” của dân tộc, phải thể hiện được “cách nói, cách nghĩ, cách diễn đạt của người DTTS, hiểu được tính cách và tâm lý dân tộc” - chứ không phải chỉ là việc sử dụng cái vỏ ngôn ngữ mang màu sắc dân tộc mà thôi! Chính xuất phát từ quan điểm về ngôn ngữ sáng tác này - ông đã có những nhận xét, nhận định với nội dung khen ngợi, ghi nhận những thành công của các tác giả DTTS với các tác phẩm viết bằng tiếng Việt như: Lò Ngân Sủn, Pờ Sảo Mìn, Vi Thị Kim Bình, Nông Minh Châu, Vi Hồng, Triều Ân, Y Điêng, Mùa A Sấu, Mã A Lềnh, Inrasara, Y Điêng, Y Phương, Dương Thuấn… Điều mà ông luôn nhắc nhở các tác giả DTTS là: tránh lối viết nông cạn, hình thức, không đi sâu vào bản chất xã hội và con người miền núi, và cứ “thi vị mãi một vài cảnh sắc bên ngoài, hoặc đặc trưng hóa con người dân tộc từ cách nhắc lại ngữ ngôn “lố”, “vớ”, “né”, “cái” đến cách thức ca ngợi “chất nguyên xi dân tộc”. Trong bài viết Tổ quốc xã hội chủ nghĩa và sự bùng nổ của một nền văn học nhiều dân tộc năm 1980, ông “khuyến cáo” một cách nghiêm túc khoa học đối với các cây bút DTTS trong việc sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt hay tiếng DTTS để sáng tác như sau: Tính dân tộc đậm đà trong văn học thường được biểu hiện rất rõ ở ngôn ngữ. Nhưng ngôn ngữ văn học không phải là tiếng nói thông thường theo tư duy thông thường của con người dùng hàng ngày mà là sự chắt lọc sáng tạo có nghệ thuật và khoa học hơn. Cách suy nghĩ, cách ví von, cách dùng hình tượng, cách diễn đạt… của mỗi dân tộc là điều mà mỗi người sáng tác cần nghiên cứu để đưa vào văn thơ của dân tộc mình. Chỉ nhấn mạnh một chiều vai trò tiếng nói của dân tộc mình thì sẽ tự bó tay khi cần nhiều tiếng, nhiều chữ diễn đạt các vấn đề mới của thời đại. Song coi rẻ tiếng mẹ đẻ, chỉ nghĩ, nói, viết theo cách viết của dân tộc khác, kể cả tiếng Việt - thì thơ văn không còn là của ai nữa. Và cho đến tận những năm đầu thế kỷ XXI, trước lúc ông trở về vĩnh viễn với “Núi Hoa”, ông vẫn tiếp tục nhấn mạnh và chỉ đạo việc cần phải thực hiện tốt vấn đề này: Khuyến khích những người dân tộc làm thơ, viết báo, viết văn bằng tiếng dân tộc đồng thời dịch ra tiếng Kinh”, và “song song với việc sử dụng tiếng Kinh - chữ quốc ngữ, các dân tộc thiểu số cần được tạo điều kiện sử dụng tiếng và chữ dân tộc của mình4.

    Có thể thấy, cho tới nay - những suy nghĩ, những mong muốn, những quan điểm chỉ đạo đó của ông về vấn đề ngôn ngữ và chữ viết DTTS; lựa chọn và sử dụng thứ ngôn ngữ nào trong sáng tác để có hiệu quả nhất - vẫn không hề lỗi thời. Nó vẫn đang là những vấn đề được cả xã hội quan tâm, vẫn được các tác giả là người DTTS suy nghĩ và thực hiện bằng cả sự tâm huyết của mình.

    Thứ tư, một vấn đề lớn có quan hệ trực tiếp tới sự tồn tại và phát triển của văn học DTTS - luôn được ông quan tâm đặc biệt - đó là vấn đề xây dựng đội ngũ các nhà văn DTTS - và rộng hơn thế là “xây dựng một đội ngũ người các DTTS có năng lực sáng tác, sưu tầm nghiên cứu, lý luận phê bình và giảng dạy văn học”. Và theo ông - chỉ có như vậy “thì sự nghiệp văn học các DTTS mới có điều kiện phát triển nhanh chóng và toàn diện”. Ông cho rằng, xây dựng đội ngũ là một nhân tố quan trọng vào bậc nhất để có thể xây dựng nên mảng văn học phong phú và đậm đà bản sắc dân tộc này. Vừa đứng trên vị trí của một nhà lãnh đạo văn hóa DTTS, vừa với tư cách một “cánh chim đầu đàn” của nền văn học DTTS Việt Nam hiện đại - ông luôn chú trọng đến việc làm sao có thể chăm sóc vun trồng, bồi dưỡng các thế hệ nhà văn DTTS để có một đội ngũ ngày càng thêm đông đảo, để ngày càng có nhiều sáng tác hay, đáp ứng kịp thời nhu cầu đời sống văn học của đồng bào các DTTS, góp phần làm giàu có, phong phú hơn cho nền văn học Việt Nam hiện đại. Ông vô cùng vui mừng khi thấy xuất hiện những “nhân tố mới” của nền văn học DTTS nhưng cũng rất băn khoăn, lo lắng khi thấy một số tác giả ngày càng có những biểu hiện xa rời thực tế cuộc sống của đồng bào DTTS vào trong tác phẩm. Chính vì vậy, việc đầu tiên ông yêu cầu đối với những nhà văn DTTS là phải gắn bó, yêu quý và tự hào về con người và quê hương miền núi; sau đó phải có vốn hiểu biết sâu sắc về văn hóa, văn học truyền thống của dân tộc mình; và phải biết học hỏi, tiếp thu vốn văn hóa, văn học của các dân tộc khác, của các nước khác để làm giàu có, phong phú hơn vốn liếng văn học nói riêng, trí thức nói chung của chính mình. Điều mà ông luôn mong mỏi ở đội ngũ các nhà văn DTTS là: phải luôn bám sát cuộc sống miền núi trong từng bước phát triển của nó: phải luôn phản ánh đúng, chân thực và sinh động hình ảnh con người DTTS cùng với những nét đặc trưng riêng, với bản chất và đặc điểm tâm lý riêng của họ. Ông phản đối cách “học đòi” cái mới mà quên đi cái truyền thống của một số cây bút DTTS; cách phản ánh “sơ sài”, hời hợt bên ngoài… về con người và cuộc sống của đồng bào DTTS - khiến cho người đọc hiểu lầm, hoặc chưa chính xác về con người dân tộc, miền núi (thật thà tới ngô nghê, mê tín dị đoan tới mông muội…). Ngoài những đòi hỏi, yêu cầu về số lượng và chất lượng của đội ngũ các nhà văn DTTS - điều đáng quý, đáng trân trọng ở Nông Quốc Chấn là ông luôn đề ra các giải pháp mang tính khả thi cao về việc làm thế nào để có thể gây dựng, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ các nhà văn DTTS - để họ có thể tiếp tục sự nghiệp xây dựng văn học các DTTS ngày càng phát triển, đạt tới đỉnh cao trong giai đoạn lịch sử mới của đất nước. Tất cả các giải pháp, các đề xuất của ông đều hết sức hợp lý, bài bản và có tính toàn diện. Bên cạnh đó, ông cũng đã có nhiều đề xuất và kiến nghị đối với Đảng và Nhà nước về các chế độ chính sách hợp lý cho các văn nghệ sĩ DTTS để họ có thể có đủ điều kiện sáng tác, sáng tạo. Đây cũng là những ý kiến, những đóng góp quan trọng của ông đối với Đảng và Nhà nước trong việc hoạch định và xây dựng các chủ trương, chính sách, chế độ… đối với các văn nghệ sĩ DTTS nói riêng, đối với sự phát triển văn hóa, văn học DTTS nói chung trong thời đại mới hiện đại và hội nhập. Ông đã đề cập cụ thể các vấn đề này trong hàng loạt các bài viết, bài tham luận cũng như các bài nói chuyện, phát biểu của ông trong suốt hơn nửa thế kỷ qua. Ví dụ như trong các bài: Nghĩ về văn học các dân tộc thiểu số (1964); Hãy khơi nguồn văn học dân gian các dân tộc thiểu số (1964); Bản sắc dân tộc trong thơ (1966); Trả lời bạn thơ Mường (1966); Trò chuyện với các bạn Văn nghệ Yên Bái (1972); Ba mươi năm xây dựng văn học cách mạng (1975); Tổ quốc xã hội chủ nghĩa và sự bùng nổ của nền văn học nhiều dân tộc (1980); Độc lập, hòa bình và trách nhiệm của nhà văn (1983); Văn học các dân tộc thiểu số - Tác phẩm và đội ngũ (1983); Bước tới năm 2000 (1995); 50 năm ấy… (1998); Lại bàn về truyền thống và Trí tuệ các dân tộc cần được khai thác, giữ gìn và phát huy trong cuộc sống mới (1996); Để có nhiều người viết văn hiểu biết, khám phá và sáng tạo (1990).

    3. Nghiên cứu, phê bình văn học DTTS với tư cách một người trong cuộc

    Trong suốt hơn nửa thế kỷ say mê và tâm huyết với sự nghiệp văn hóa, văn học các DTTS Việt Nam - với tư cách là một nhà thơ lớn, một nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình đầy uy tín của cộng đồng các DTTS - Nông Quốc Chấn đã luôn theo sát từng bước đi và luôn trân trọng nâng niu những thành quả của bộ phận văn học này. Là một người trong cuộc, nên ông rất am hiểu tiếng nói văn học của các DTTS Việt Nam (từ truyền thống đến hiện đại) và hiểu rõ những nét đặc thù của từng thể loại văn chương cũng như các chủ thể của nó. Vì vậy, trong các bài nghiên cứu, phê bình của ông về bộ phận văn học này thường rất sâu sắc, tinh tế và chính xác, có sức thuyết phục người đọc - bởi những phân tích, đánh giá, nhận định vừa thấu đáo, vừa toàn diện và cũng vừa tràn đầy tình cảm của ông.

    Nông Quốc Chấn có khá nhiều bài viết ghi nhận, khẳng định những thành tựu của văn học DTTS với một thái độ tự hào không hề giấu giếm. Ông là người luôn ý thức giới thiệu những tinh hoa văn học truyền thống của các cộng đồng DTTS Việt Nam - và luôn coi đó là một thứ “vốn quý giá nhất” cần được sưu tầm, giữ giữ và khai thác, kế thừa đối với các thế hệ sau. Ông khẳng định, chỉ có hiểu biết vốn cũ, vốn văn học dân gian một cách sâu rộng, người sáng tác mới có thể xây dựng được những tác phẩm mới mang sức sống, màu sắc của dân tộc, của nhân dân mình. Chỉ có chân thành tiếp thu, học tập những tinh hoa trong văn học các dân tộc khác thì nền văn học mình mới phong phú. Ông nhận định, trước Cách mạng tháng Tám, ở vùng các dân tộc, văn học dân gian đã giữ một vai trò chủ yếu trong đời sống văn hóa của nhân dân; nó có tác dụng giáo dục tư tưởng và tình cảm của nhân dân, nhằm thỏa mãn yêu cầu mỹ cảm của quần chúng nhân dân5 . Ông đã viết khá nhiều bài giới thiệu, phân tích và đánh giá những thành tựu của mảng văn học dân gian đặc sắc này với những đặc điểm cụ thể rõ nội dung và nghệ thuật cùng những giá trị nhiều mặt của nó. Ví dụ như các bài: Hãy khơi nguồn văn học dân gian các dân gian các dân tộc thiểu số (1964); Đọc truyện thơ cổ Tày – Nùng (1964); Tính chất dân tộc của một nền văn học nhiều dân tộc (1971); Kho tàng văn hóa dân gian các dân tộc thiểu số ở nước ta (1977); Tổ quốc xã hội chủ nghĩa và sự bùng nổ của nền văn học nhiều dân tộc (1986); Yêu nước thương nòi, một giá trị văn hóa tinh thần của nhân dân các dân tộc Việt Nam (1980)… Còn đối với văn học các DTTS Việt Nam thời kỳ hiện đại - Nông Quốc Chấn vừa là người theo dõi, chỉ đạo, vừa là người trực tiếp tham gia vào “dòng chảy” ấy. Ông theo sát từng bước đi của văn học DTTS - từ lúc mới xuất hiện những tác phẩm đầu tiên, đến lúc trưởng thành và phát triển mạnh mẽ, đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, tự hào. Ông nâng niu, trân trọng từng bài thơ, từng truyện ngắn, từng cuốn sách; Ông động viên kịp thời và góp ý chân thành cho từng tác giả về những điểm mạnh, yếu của họ. Thái độ, tình cảm ấy của ông đã góp phần tạo nên một đội ngũ các nhà văn, nhà thơ DTTS luôn tự tin, say sưa, tích cực sáng tác để có những tác phẩm tốt hơn, hay hơn; tạo nên một không khí văn chương sôi nổi hơn với niềm tin vào “Con đường sáng” mà mình đã lựa chọn, đã đi theo. Ông đã dành cho nhà thơ Hoàng Đức Hậu một sự trân trọng và yêu quý đặc biệt - ông đánh giá cao “chất hiện thực” trong thơ Hoàng Đức Hậu và cách sử dụng ngôn ngữ nghệ thuật bằng hai thứ tiếng Tày và Kinh đều rất “thuần thục, phong phú”, “chải chuốt, gọn ghẽ”. Ông khẳng định tài năng của “Đồ Hậu” một cách chắn chắn - như một “chân lý” vậy: “Người làm thơ quý tiếng nói của dân tộc mình, đồng thời cũng hết sức quý cả tiếng nói của dân tộc khác, nhất là tiếng nói của người Kinh - tiếng nói phổ thông của nước ta. Có thế, chất lượng nghệ thuật của thơ mới nâng dần lên được. Ngôn ngữ thơ của Đỗ Hậu có tính nghệ thuật cao, chính vì ông đã làm như thế”6 ; với ông, Hoàng Đức Hậu chính là nhà thơ đặt nền móng cho thơ ca các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại hình thành và phát triển, là người thầy của nhiều thế hệ nhà thơ DTTS Việt Nam - nhất là các nhà thơ Tày - Nùng. Ông viết khá nhiều bài phê bình, giới thiệu các nhà thơ, nhà văn DTTS thời kỳ hiện đại: từ Bàn Tài Đoàn đến Nông Minh Châu, đến Vương Anh, Nông Viết Toại, Hàng Hạc, Vi Hồng, Vi Thị Kim Bình, Bế Sỹ Uông, Nông Ích Đạt, Cầm Biêu, Cương Quy Nhân, Lò Văn Cậy…; từ Lò Ngân Sủn, Mai Liễu, Y Phương, Mã A Lềnh, Hùng Đình Quý, Dương Thuấn… đến Trần Thanh Pôn, Lý Lan, Inrasara, Linh Nga NiêkĐam, Kim Nhất, Cao Sơn Hải, Mã Én Hằng, Mã Ngân Hà… Ông nắm rất chắc tình hình sáng tác của từng cây bút, những mặt ưu điểm cũng như nhược điểm của từng tác giả và luôn có thái độ gần gũi, yêu quý, trân trọng, động viên với những lời phân tích, đánh giá (hoặc giới thiệu) vừa sâu sắc, vừa tình cảm, chí lý, chí tình. Có lẽ chính vì vậy, các thế hệ hệ nhà văn, nhà thơ DTTS đều luôn coi ông là “người anh cả”, “là người thầy”, “là cây đại thụ văn học DTTS” của họ!

    Ngoài những bài phê bình giới thiệu tác giả, tác phẩm văn học DTTS. Ông đã dành rất nhiều tình cảm và sự ngưỡng mộ của mình đối với Bác và thơ của Bác - đặc biệt là đối với tập thơ Nhật ký trong tù. Ông có đến 4 bài viết về thơ Bác và về các cuốn sách viết về thơ Bác. Đó là các bài: Học thơ Bác (1962); Đọc Một lòng theo Bác (1966); Hình ảnh Bác Hồ trong thơ (1976); và Đọc thơ Người tỏa sáng (1976). Đây là những bài viết tràn đầy sự xúc động chân thành, lòng biết ơn sâu sắc và sự ngưỡng vọng trước một con người vĩ đại mà hết sức gần gũi, thân thương đối với ông. Điều đáng quý ở ông là: Sau khi đọc thơ Bác, hiểu thơ Bác, hiểu thêm sự vĩ đại và giản dị của Bác… Ông đã “học thơ Bác” và quyết “Một lòng theo Bác” cho tới hơi thở cuối cùng. Tâm sự của ông, tình cảm của ông cũng chính là tâm sự và tình cảm của tất cả các nhà văn, nhà thơ DTTS Việt Nam đối với Bác kính yêu!

    Bên cạnh rất nhiều các bài nghiên cứu, phê bình của tác giả, tác phẩm cụ thể, Nông Quốc Chấn còn có một số bài nghiên cứu, phê bình mang tính tổng kết một thời kỳ, một giai đoạn văn học một cách khá công phu và đặc sắc. Đó là các bài hoặc các phần viết trong cuốn sách như: Ba mươi năm xây dựng văn học cách mạng (1975); Văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam (Phần dẫn luận) (1997); 50 năm ấy… (1998)… Thông qua các bài viết này, người đọc càng thấy rõ hơn khả năng tổng hợp, khái quát của ông cùng sự am hiểu sâu sắc, thấu đáo về cuộc sống văn học các DTTS thời kỳ hiện đại. Hơn thế, qua việc tổng kết các giai đoạn, thời kỳ văn học (hoặc ở tất cả các thể loại, hoặc chỉ ở một thể loại) - ông luôn rút ra các bài học kinh nghiệm và từ đó xây dựng các phương hướng, đưa ra các giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy văn học DTTS phát triển một cách mạnh mẽ, đúng hướng. Tính chất định hướng trong công tác nghiên cứu, phê bình văn học của ông luôn được thể hiện một cách rất tự nhiên và đầy tính thuyết phục - bởi nó luôn được xuất phát từ thực tiễn của đời sống văn học DTTS và những yêu cầu, đòi hỏi của chính thực tiễn đó đối với tương lai của nó.

    Trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay – vấn đề bản sắc văn hóa dân tộc ngày càng được coi trọng và nhấn mạnh đối với tất cả các quốc gia - bởi nếu không còn bản sắc dân tộc nữa thì quốc gia đó sẽ mau chóng bị “hòa tan” trong không khí hòa nhập mạnh mẽ này. Vì vậy những vấn đề lý thuyết, lý luận mà nhà thơ, nhà văn hóa, nhà lý luận phê bình Nông Quốc Chấn đã quan tâm, đã xây dựng và đã thực hiện trong suốt hơn 60 năm hoạt động say mê, nhiệt huyết và cống hiến hết mình cho sự nghiệp văn hóa, văn học, nghệ thuật các DTTS Việt Nam – đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Những tác phẩm, những bài viết, những quan điểm của ông về văn học, nghệ thuật DTTS thời kỳ hiện đại – vẫn có giá trị như những bài học cơ bản đối với các nhà văn, các nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học DTTS trong những bước đi vững chắc trên con đường hội nhập quốc tế.

    Trong đời sống văn học các DTTS Việt Nam hiện đại hôm nay, hoạt động nghiên cứu, lý luận, phê bình ngày càng thêm sôi nổi. Đội ngũ các nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình ngày càng thêm đông đảo với những cái tên đã trở nên quen thuộc như: Phạm Quang Trung, Trần Thị Việt Trung, Lê Thị Bích Hồng, Đào Thủy Nguyên, Nguyễn Đức Hạnh, Lộc Bích Kiệm, Cao Thị Hảo, Đỗ Thị Thu Huyền…; cùng hàng trăm cuốn sách, công trình nghiên cứu công phu, dày dặn về văn học DTTS Việt Nam thời kỳ hiện đại. Nhưng – với họ, nhà thơ Nông Quốc Chấn, nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình Nông Quốc Chấn thực sự và luôn luôn là người Thầy, là “cánh chim đầu đàn” đã dẫn dắt, đã định hướng và đã tạo cảm hứng cho họ, trong quá trình hoạt động tích cực, hiệu quả ở lĩnh vực văn chương đầy tính trí tuệ, tính nghệ thuật và tính sáng tạo này.

 

Chú thích:
1, 6 Nông Quốc Chấn – cuộc đời và sự nghiệp (2007), NXB Văn hóa thông tin, tr. 241-242, 257.
2 Trích ý trong bức thư của Ban Chấp hành Trung ương Đảng gửi cho Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ 4.
3 Xem thêm bài “Nghĩ về văn học các dân tộc thiểu số” (1964), in trong sách: Nông Quốc Chấn – Tác phẩm chọn lọc, tập 1, NXB Văn học, 2017.
4 Nông Quốc Chấn: “Tiếng nói và chữ viết của các dân tộc”, in trong sách: Hành trang sang thế kỷ XXI, NXB Văn hóa dân tộc, 2000.
5 Nông Quốc Chấn: “Hãy khơi nguồn văn học dân gian các dân tộc thiểu số”, in trong sách: Nông Quốc Chấn – Tác phẩm chọn lọc, tập 1, NXB Văn học, 2017.

 

NHÀ THƠ NÔNG QUỐC CHẤN NGƯỜI KIẾN TẠO VĂN HÓA CÁCH MẠNG

TRỊNH MINH HIẾU

    Nhà thơ Nông Quốc Chấn được xem là cánh chim đầu đàn của những người cầm bút các dân tộc thiểu số. Ông đã để lại tác phẩm trên nhiều lĩnh vực như thơ, phê bình, tiểu luận. Ông cũng là một trong số ít người dịch thơ văn từ tiếng Việt sang tiếng dân tộc. Bên cạnh những thành tựu của văn chương, nhà thơ Nông Quốc Chấn còn được biết đến trong vai trò lãnh đạo công tác văn hóa, văn nghệ của Đảng và xây dựng nền văn hóa, văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số. Sự đóng góp của ông mang tính kiến tạo, mở mang và gìn giữ tinh hoa, bản sắc văn hóa của các dân tộc.

    Là một người đi theo cách mạng từ rất sớm và đã được Đảng, Nhà nước giao nhiều nhiệm vụ lãnh đạo quan trọng. Cùng với vốn về Nho học, Pháp học và lý luận Marx-Lenin1, nhà thơ Nông Quốc Chấn đã thấm nhuần tư tưởng đường lối chỉ đạo của Đảng trong việc phát triển văn hóa và đã vạch định những chiến lược phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số. Trong tác phẩm Đường ta đi, ông đã viết: “Miền núi là một bộ phận của tổ quốc Việt Nam. Mọi vấn đề đặt ra ở miền núi đều không thể tách rời các vấn đề chung của cả nước. Nhưng không phải vì thế mà phủ nhận tính đặc thù của các dân tộc thiểu số”. Ông cũng trình bày lại quan điểm của Đảng trong Đại hội toàn quốc lần thứ III: “Cần có kế hoạch toàn diện và lâu dài phát triển kinh tế và văn hóa miền núi. Về mặt văn hóa, cần tiếp tục xóa nạn mù chữ, xây dựng chữ dân tộc ở những nơi cần thiết, thực hiện giáo dục phổ cập, phát triển văn nghệ dân tộc, phổ biến rộng rãi khoa học thường thức, nhằm xóa bỏ dần mê tín dị đoan…”2.

    Được sinh ra và lớn lên ở vùng quê miền núi thuộc xã Cốc Đán, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn, nhà thơ Nông Quốc Chấn đã thấu hiểu được những thiệt thòi, sự nghèo nàn, lạc hậu của đồng bào các dân tộc dưới chế độ áp bức bóc lột của phong kiến và thực dân Pháp xâm lược. Vì vậy, trên bước đường đi theo cách mạng, ông đã tích cực phấn đấu đem lại ánh sáng cách mạng, ánh sáng của thời đại mới cho các dân tộc anh em. Với vai trò lãnh đạo từ cấp cơ sở đến tỉnh, khu, bộ, ngành Trung ương, trong suốt thời gian hơn năm mươi năm công tác, nhà thơ Nông Quốc Chấn luôn làm nhiệm vụ tiên phong, là người mở đường, khởi xướng và đưa ra những chiến lược, sách lược về văn hóa, văn nghệ cho phù hợp với mục tiêu, đường lối của Đảng, đáp ứng yêu cầu, lợi ích của các dân tộc. Những kết quả mà ông đã đạt được thể hiện trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, trong bài viết này, chỉ điểm lại thành tựu của ông trong ba lĩnh vực: bảo tồn di tích, đào tạo và quản lý.

    1. Về lĩnh vực bảo tồn

    Công trình tiêu biểu cho công tác bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa vùng miền của các dân tộc chính là Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam.

    Trong bài viết “Trả lời bạn thơ Mường” để giải đáp cho câu hỏi “Văn hóa đó là những gì?”, ông lược thuật lại cuộc đối thoại với nhà thơ Vương Anh về vấn đề tính dân tộc là gì? Ông đã trả lời: “Chẳng hạn dân tộc mình nói hàng ngày như thế nào? Nơi ở ra sao? Làm ruộng nương bằng cách nào? Nhà cửa, quần áo, điệu hát, điệu múa, phong tục, tính tình có những gì đặc biệt? Ta nói rõ các mặt ấy trong đời sống của đồng bào mình tức là ta giới thiệu phần nào về đặc điểm dân tộc mình trước các đồng chí muốn biết. Và đó tức là ta đã nói về “tổng số những đặc điểm phân biệt những bộ tộc này với những bộ tộc khác, tổng số những đặc tính về hình thể và tinh thần để phân biệt dân tộc này với dân tộc khác như Stalin đã nói”3.

    Từ nhận thức trên, nhà thơ Nông Quốc Chấn đã thấy được việc lưu giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa mang tầm chiến lược quan trọng để khẳng định căn cốt, đặc tính, năng lực sáng tạo, chủ quyền độc lập của mỗi tộc người. Căn cứ vào những đặc tính, đặc thù ấy làm cơ sở để xác lập, định hướng xây dựng và phát triển cho dân tộc ấy. Đó cũng là mục tiêu của Đảng đã đề ra trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đảng ta đã khẳng định “Xây dựng nền Văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc làm nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực, là mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội”.

    Thấy được tầm quan trọng của công tác bảo tồn bảo tàng nên từ vai trò, chức năng nhiệm vụ của Bảo tàng tổng hợp Khu Việt Bắc, nhà thơ Nông Quốc Chấn đã đề nghị với Đảng và Nhà nước mở rộng và nâng tầm thành Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam. Hiện Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam là một trong năm khối bảo tàng thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam luôn được coi là “mái nhà chung”, là bức tranh đặc sắc, độc đáo, toàn cảnh từ cội nguồn truyền thống đến hiện đại của văn hóa các dân tộc trên khắp mọi miền đất nước. Bảo tàng hiện lưu giữ trên 4.500 tài liệu hiện vật gốc, phim ảnh, 335 tài liệu khoa học bổ trợ và 1.400 tài liệu chữ viết, hệ thống trưng bày.

    Đứng trước yêu cầu phát triển mới của đất nước, trong bài viết: “Dân tộc: Tên gọi và văn hóa”, ông viết ngày 30 tháng 6 năm 1973, trên cương vị Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin, nhà thơ Nông Quốc Chấn đã nêu rõ: “Mỗi dân tộc có vốn văn hóa, nghệ thuật truyền thống. Mỗi dân tộc cũng có những người có khả năng hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Việc sưu tầm, nghiên cứu vốn văn hóa, nghệ thuật cần được tiến hành trong từng dân tộc. Một khu vực bảo tàng dân tộc, sớm hay muộn cần được thành lập ở Thủ đô hay một nơi nào thích hợp của nước Việt Nam thống nhất”4. Ý kiến đề xuất này của ông đã góp phần cho việc ra đời Bảo tàng Dân tộc học sau này. Bảo tàng được xây dựng năm 1997, tọa lạc trên đường Nguyễn Văn Huyên, phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội. “Bảo tàng có chức năng nghiên cứu khoa học, sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, phục chế hiện vật và tư liệu về các dân tộc; tổ chức trưng bày, trình diễn và những hình thức hoạt động khác nhằm giới thiệu, phổ biến và giáo dục về các giá trị lịch sử, văn hoá của các dân tộc trong và ngoài nước; cung cấp tư liệu nghiên cứu về các dân tộc cho các ngành; đào tạo cán bộ nghiên cứu, nghiệp vụ, quản lý về nhân học bảo tàng”5.

    Về vấn đề bảo tồn di sản tiếng nói và chữ viết của các dân tộc, nhà quản lý Nông Quốc Chấn đã thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp”. Ông cũng đã nêu rõ tầm quan trọng trong việc thành lập Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc: “Việc thành lập Nhà xuất bản Văn hóa các dân tộc thiểu số ở Việt Nam với chức năng và nhiệm vụ của nó, là một trong những biện pháp nhằm giữ gìn và phát huy tiếng nói, chữ viết của các dân tộc”6. Và ông đã là người đặt nền móng đầu tiên cho sự ra đời của Nhà xuất bản. Nhà xuất bản Văn hoá dân tộc hiện là một trong năm nhà xuất bản lớn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

    2. Về lĩnh vực đào tạo

    Trong tác phẩm Một vườn hoa nhiều hương sắc, nhà thơ, nhà lãnh đạo Nông Quốc Chấn đã đề cập việc đào tạo, bồi dưỡng, phát triển con người các dân tộc thiểu số trở thành những nhân tố mới xã hội chủ nghĩa trong nhiều bài viết như: Văn hóa và con người, Đồng bào ở vùng cao yêu cầu có văn hóa mới, Con người xã hội chủ nghĩa, Xây dựng nền văn hóa nhiều dân tộc ở Việt Nam… Trong các bài viết, ông đều nhất quán quan điểm của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trên con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội, trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa. Con người là vốn quý nhất, là nhân tố quyết định, là mục tiêu, là động lực thành công của sự nghiệp cách mạng. Chiến lược trồng người là yêu cầu khách quan, vừa cấp bách, vừa lâu dài của cách mạng.

    Thực hiện yêu cầu của Đảng, để đáp ứng chiến lược trồng người, trên cương vị Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, nhà lãnh đạo Nông Quốc Chấn đã tham mưu đề xuất Bộ Văn hóa - Thông tin cho thành lập Khoa Văn hóa Nghệ thuật các dân tộc thiểu số, nay là Khoa Văn hóa dân tộc thiểu số. Sinh viên của Khoa là con em các dân tộc, nên đã được hưởng chính sách ưu tiên cử tuyển và những ưu đãi khác của nhà nước. Từ khi thành lập năm 1989 cho đến nay, trong thời gian hơn ba mươi năm, Khoa đã đào tạo hàng nghìn sinh viên tốt nghiệp ra trường. Các thế hệ sinh viên là nguồn lực đông đảo đã và đang làm công tác phát triển văn hóa trên khắp mọi miền của đất nước.

    Vừa làm Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, nhà thơ Nông Quốc Chấn còn kiêm Hiệu trưởng Trường Viết văn Nguyễn Du (nay là Khoa Viết văn và Báo chí của Trường Đại học Văn hóa Hà Nội). Nhiều nhà văn được học tập, đào tạo ở ngôi trường này và đã đóng góp cho văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số như: nhà văn Mã A Lềnh, nhà thơ Pờ Sảo Mìn, nhà thơ Y Phương, nhà văn Hoàng Quảng Uyên, nhà văn Cao Duy Sơn, nhà thơ Dương Dương Thuấn…

    Trong lĩnh vực đào tạo, nhà thơ Nông Quốc Chấn còn có đóng góp trong việc đưa trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc từ trực thuộc Ủy ban Hành chính Khu Tự trị Việt Bắc, được nâng cấp thành hệ đào tạo cao đẳng và trực thuộc Trung ương, nay là Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc, thuộc quản lý của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

    3. Về công tác quản lý

    Trong dòng chảy của cách mạng, nhà thơ, nhà lãnh đạo Nông Quốc Chấn đã có sự quan tâm sâu sắc tới các chính sách dân tộc, đặc biệt là công tác quản lý, lãnh đạo văn hóa trong hệ thống thiết chế nhà nước. Ông đã nhận thức được tính thiết yếu của quản lý, lãnh đạo trong thực thi các chính sách, “Thực hiện triệt để quyền bình đẳng về mọi mặt giữa các dân tộc, xóa bỏ sự chênh lệch về trình độ kinh tế và văn hóa giữa miền núi và miền xuôi, giữa vùng cao và vùng thấp, xóa bỏ tâm lý phân biệt chủng tộc, làm cho tất cả các dân tộc, ít người cũng như đông người, đều có cuộc sống ấm no, văn minh và hạnh phúc, đoàn kết giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, cùng làm chủ tập thể Tổ quốc Việt Nam”7.

    Trong trọng trách Thứ trưởng Bộ Văn hóa, phụ trách về miền núi, nhà thơ Nông Quốc Chấn đã tham mưu cho Đảng và Nhà nước thành lập Vụ Văn hóa dân tộc. Vụ Văn hóa dân tộc hiện là cơ quan quản lý nhà nước thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Từ khi thành lập cho đến nay, Vụ Văn hóa dân tộc luôn phát huy chức năng nhiệm vụ trong công tác tham mưu, xây dựng, hướng dẫn và tổ chức thực hiện chính sách, chương trình, đề án, dự án về bảo tồn, phát huy, phát triển các giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc thiểu số Việt Nam theo chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.

    Trước yêu cầu của cách mạng trong công tác quản lý văn học, nghệ thuật, dưới ánh sáng Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 của Đảng, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”, nhà thơ, nhà lãnh đạo Nông Quốc Chấn đã tham mưu cho Đảng, Nhà nước thành lập Hội Những người hoạt động văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam (gọi tắt là Hội Văn hóa các dân tộc thiểu số), nay là Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam. Ông là người sáng lập và cũng là Chủ tịch đầu tiên của Hội.

    Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam qua các thời kỳ lãnh đạo của nhà thơ Nông Quốc Chấn, nhà thơ Lò Ngân Sủn và hiện nay là nhạc sĩ Nông Quốc Bình đã tập hợp được sức mạnh của nhiều thế hệ văn nghệ sĩ đã và đang không ngừng nỗ lực sáng tạo, giữ gìn và phát huy những giá trị bản sắc tốt đẹp trong mạch nguồn văn học, nghệ thuật của mỗi dân tộc, đưa văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số ngày càng phát triển, đáp ứng yêu cầu hội nhập, toàn cầu hóa trong giai đoạn hiện nay.

    Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Nhà thơ Nông Quốc Chấn cũng là dịp để chúng ta đáp lại công lao và những thành tựu đóng góp của nhà thơ, nhà lãnh đạo Nông Quốc Chấn, người con ưu tú của quê hương Bắc Kạn, niềm vinh dự, tự hào của đồng bào các dân tộc thiểu số Việt Nam.

    Trong bài viết này với tiêu đề Nhà thơ Nông Quốc Chấn - Người kiến tạo văn hóa cách mạng mới chỉ nói được một giai đoạn đóng góp trong hành trình đi theo cách mạng và làm cách mạng của ông. Sẽ cụ thể hơn những công lao đóng góp của nhà thơ đối với văn hóa các dân tộc thiểu số với bài viết Nhà thơ Nông Quốc Chấn - Người kiến tạo văn hóa các dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, những đóng góp của nhà thơ Nông Quốc Chấn không chỉ dừng lại ở một mốc giai đoạn thời gian, một phạm vi giới hạn không gian. Cho nên, với tiêu đề Nhà thơ Nông Quốc Chấn - Người kiến tạo văn hóa dân tộc Việt Nam mới bao quát được những giá trị đóng góp to lớn của ông xuyên suốt quá khứ, truyền thống đến hiện đại và cả tương lai như chúng ta đã thấy rõ. Thiết nghĩ, dù dùng với khái niệm chủ thể Nhà thơ Nông Quốc Chấn - Người kiến tạo văn hóa cách mạng; hay Nhà thơ Nông Quốc Chấn - Người kiến tạo văn hóa các dân tộc thiểu số; hoặc Nhà thơ Nông Quốc Chấn - Người kiến tạo văn hóa dân tộc Việt Nam đều đúng và xứng đáng với ông. Song trước hết và trên hết, nhà thơ Nông Quốc Chấn là cánh chim văn chương đầu đàn, là người kiến tạo ngôi nhà văn hóa chung cho đồng bào các dân tộc thiểu số Việt Nam.

 

Chú thích:
1 Nhà thơ Nông Quốc Chấn được Nhà nước cử đi bồi dưỡng về lý luận Marx - Lenin ở nước ngoài từ năm 1954 đến 1956.
2 Nông Quốc Chấn - Cuộc đời và sự nghiệp (2017), NXB Văn hóa - Thông tin, tr. 216, 217.
3, 4, 6, 7 Nông Quốc Chấn - Tác phẩm chọn lọc (2007), tập 1, NXB Văn học, tr. 559, 815, 1125, 1122.
5 Bảo tàng Dân tộc học - Bách khoa toàn thư mở Wikipedia.

 

ĐÓNG GÓP CỦA NHÀ THƠ NÔNG QUỐC CHẤN TRONG DÒNG CHẢY THƠ DÂN TỘC THIỂU SỐ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI

PGS, TS CAO THỊ HẢO

    Trong dòng chảy thơ dân tộc thiểu số, Nông Quốc Chấn (1923-2002) là một tên tuổi có đóng góp ngay ở chặng đầu tiên. Ở thời kỳ đầu (giai đoạn trước 1945), khi thơ dân tộc thiểu số chưa có nhiều thành tựu, Nông Quốc Chấn là một trong những tác giả người dân tộc thiểu số đầu tiên có sáng tác thơ ca. Không chỉ sáng tác bằng tiếng Việt, ông còn sáng tác bằng tiếng Tày. Cùng với Nông Minh Châu, Nông Viết Toại, Bàn Tài Đoàn, Nông Quốc Chấn đã góp phần khẳng định tiếng nói của người dân tộc thiểu số trong công cuộc đấu tranh cách mạng, phản ánh hiện thực gian khổ thời kỳ chiến tranh ở miền núi Việt Nam.

    Nhà thơ Nông Quốc Chấn tham gia cách mạng từ trước tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, ông công tác ở Tỉnh ủy Bắc Kạn và bắt đầu hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Ông từng giữ nhiều trọng trách, tiêu biểu như: Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin, Hiệu trưởng Trường Viết văn Nguyễn Du, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hoá Hà Nội, Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật khu Việt Bắc, Chủ tịch Hội Văn hoá văn nghệ các dân tộc… Trong sự nghiệp của mình, Nông Quốc Chấn đã có nhiều đóng góp lớn lao cho nền văn học dân tộc thiểu số. Ông đã vinh dự được nhận các giải thưởng như: Giải thưởng ở Đại hội Thanh niên, Sinh viên thế giới ở Berlin năm 1951; Giải thưởng của Hội Văn nghệ Việt Nam năm 1954; Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1958; năm 2000, ông được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật.

    Trong sự nghiệp sáng tác, Nông Quốc Chấn đã viết cả thơ tiếng Việt và tiếng Tày, tiêu biểu là các tập thơ: Tiếng ca người Việt Bắc (1959), Người núi Hoa (1961), Đèo Gió (1968), Bài thơ Pác Bó (1971). Thơ tiếng Tày của ông gồm các tập: Tiếng lượn cần Việt Bắc, Đi Berlin về, Cần Phja Bjoóc, Dám kha Pác Bó... Ngoài ra, ông còn viết tiểu luận phê bình văn học giới thiệu về văn học dân tộc thiểu số, như: Đường ta đi (1972), Một vườn hoa nhiều hương sắc (1977), Dân tộc và văn hoá (1993)… Các tập thơ như: Đèo Gió (1968), Bước chân Pác Bó (1971), Dòng thác (1977), Suối và biển (1984) là “bức tranh xây dựng đất nước và công cuộc chống Mĩ ở vùng cao Tổ quốc”1.

    Ở chặng đường đầu tiên của văn học dân tộc thiểu số, hai bài thơ Bộ đội Ông Cụ và Dọn về làng của Nông Quốc Chấn đã mở đầu cho một phong trào cách tân thơ Tày: “Thơ Nông Quôć Chấn đặt môć lịch sử đưa thơ Tày sang giai đoạn mới, bước vào qũy đạo hiện đại của nền thơ Việt Nam”2.

   Trong bài thơ Bộ đội Ông Cụ, điểm mới mẻ, hiện đại được thể hiện trong cách nhìn của nhà thơ khi khắc hoạ chân dung lãnh tụ. Hình ảnh vị thủ lĩnh của dân tộc Việt Nam hiện lên thật mộc mạc, giản dị:

    “Lại có cụ già đi chân đất
    Mặc bộ quần áo Nùng
    Tay cầm cây gậy mây rừng
    Miệng ngậm một điếu can không khói
    Bộ râu dài vừa trắng vừa đen
    Chân tay nhanh nhẹn như thanh niên”
                                      (Bộ đội Ông Cụ)

    Với thể thơ tự do, tác giả đã thể hiện cách quan sát chân dung con người bằng cái nhìn của người miền núi, rất hồn nhiên và chân thực. Qua đó, hình ảnh Bác hiện lên rất gần gũi, tự nhiên, không có khoảng cách với người dân. Thậm chí người dân còn không biết đó là Bác Hồ - vị Chủ tịch của nước Việt Nam độc lập. Và chỉ khi cách mạng bước vào giai đoạn cao trào, ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất hiện trong ngày hội chiến thắng của dân tộc, người dân mới nhận ra đó chính là Bác kính yêu.

    Nhiệt tình cách mạng và thực tiễn kháng chiêń gian khổ đã giúp người con dân tộc Tày Nông Quốc Chấn trưởng thành trong lĩnh vực sáng tác. Tấm lòng nhà thơ miền núi mau chóng hoà vào những vấn đề lớn của dân tộc, những chủ trương, chính sách lớn của Đảng. Điều đặc biệt là thơ ông không phải là thơ ca cổ động chính trị mà chính là lời tự sự của một dân tộc vượt lên khó khăn, thoát khỏi ách nô lệ. Chính vì vậy, khi đọc thơ Nông Quốc Chấn, chúng ta dễ dàng nhận ra một giọng kể chất phác, sinh động. Bài Dọn về làng đã phản ánh ý nghĩa sâu sắc công cuộc giải phóng đối với cuộc đời của đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao. Và “ý nghĩa toát ra từ bài thơ qua bút pháp kể chuyện, miêu tả. Tác giả không dùng bút pháp chính luận”3:

    “Không ván, không người đưa cha đi chôn cất
    Mẹ tháo khăn phủ mặt cho chồng
    Con cởi áo liệm thân cho bố!
    Mẹ con đưa cha đi nằm một chỗ
    Máu đầy tay, trên mặt nước tràn…”
                                      (Dọn về làng)

    Chỉ với lời kể thủ thỉ như tâm tình, những tội ác của giặc đã được phơi bày chân thực, nỗi khổ của người dân được khắc sâu với nỗi đau cùng cực khi mất đi người thân. Bài thơ đã thể hiện được hiện thực đau thương của các dân tộc miền núi thời kỳ kháng chiến kiến quốc gian khổ và sức sống mạnh mẽ, kiên cường của đồng bào thiểu số khi không chịu khuất phục, luôn vươn lên thắp lại chồi xanh cho làng mạc quê hương. Chính vì vậy bài thơ này đã được đưa vào chương trình sách giáo khoa Ngữ văn lớp 12 từ những năm 90 đến nay và Nông Quốc Chấn cũng là đại diện duy nhất của các tác giả dân tộc thiểu số có mặt trong chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT (theo chương trình cũ)4.

    Thơ Nông Quốc Chấn là khúc ca khải hoàn của người Việt Bắc thời kỳ chống Pháp. Mặc dù viết nhiều thể loại nhưng đóng góp nổi trội của Nông Quốc Chấn ở chặng đường đầu tiên của văn học dân tộc thiểu số chủ yếu là thể loại thơ. Ông là một trong những nhà thơ thuộc thế hệ đầu tiên của văn học dân tộc thiểu số. Thơ ông đã phản ánh một thời kỳ lịch sử đau thương của đồng bào miền núi những năm chống giặc (Qua cánh đồng Lang Chánh, Khóc đồng chí, Dọn về làng, Nhớ,…). Đó là hiện thực chiến tranh với tang thương chết chóc nhưng không làm nhụt ý chí mà càng tăng thêm quyết tâm chống giặc của đồng bào:

    “Bỗng đâu như sét đánh ngang tai
    Đồng chí của ta đã mất rồi!
    Giặc cắt lấy đầu bêu các chợ
    Đồng bào đau xót, hận trào sôi”.
                              (Khóc đồng chí)

    Những con người miền núi ấy đã góp phần làm nên chiến thắng của dân tộc, không băn khoăn khi hiến dâng “tất cả cho tiền tuyến”, hoà nhịp “cả nước lên đường”:

    “Ai nhớ cứ nhớ
    Ai đi cứ đi
    Chiến trường súng nổ
    Thắng giặc, lại về!”
                          (Nhớ)

    “Ai nhớ cứ nhớ Ai đi cứ đi Chiến trường súng nổ Thắng giặc, lại về!” (Nhớ) Hình ảnh thiên nhiên, con người miền núi trong cuộc sống lao động, chiến đấu ở một thời kỳ lịch sử gian khổ với đời sống văn hóa tinh thần phong phú, với các phong tục, tập quán lâu đời vẫn luôn được giữ gìn. Đặc biệt, nhà thơ Tày này đã khắc hoạ thành công sự đổi đời của bà con miền núi khi cách mạng về:

    “Hôm nay Cao - Bắc - Lạng cười vang
    Dọn lán rời rừng, người xuống làng
    Người nói cỏ lay trong ruộng rậm
    Con cày, mẹ phát, ruộng ta quang”.
                                      (Dọn về làng)

    Thơ ông luôn thể hiện sinh động những nét bản sắc văn hóa đặc trưng của dân tộc Tày nóiriêng, của các dân tộc thiểu số vùng cao Việt Bắc nói chung, với cảm xúc chân thành, chất phác. Lời thơ toát lên nét riêng trong cách tư duy và diễn đạt của người miền núi: giản dị, tự nhiên và giàu hình ảnh với giọng điệu thơ vui tươi, hồn nhiên, chân thực nhưng cũng lãng mạn, bay bổng. Đặc biệt là những bài thơ được viết song ngữ Tày - Việt:

    - “Khảm cầu chứ cần cái cầu đây
    Kin mác chứ cần chay cần chướng”
    (Qua cầu - nhớ người làm cầu
    Ăn quả - nhớ người trồng, người chăm)
                                   (Bài thơ dâng Đảng)

    Ở đây chúng ta bắt gặp ý của câu thành ngữ: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Cách diễn đạt theo kiểu thành ngữ như vậy thường xuất hiện trong thơ Nông Quốc Chấn. Đặc biệt, tác giả thường sử dụng những thành ngữ Tày, chẳng hạn, diễn tả một không khí căng thẳng, sắp xảy ra loạn lạc do giặc Pháp tới bản làng, quê hương, ông đã mượn cách nói của đồng bào Tày xưa:

    “Slưa hên sloong phấu xa kin pác
    Nu nôộc chùa căn đỉ ẩn thân”
    (Hùm báo gọi đàn đi tìm ăn Chuột, chim rủ nhau đi ẩn thân)
                                                                 (Phân lồm - Mưa gió)

    (Nguyên bản từ câu thành ngữ của người Tày là: Slấu mà nưa, slưa mà tấu - Giặc về trên, hổ về dưới). Do đó, đọc thơ Nông Quốc Chấn, chúng ta như được tiếp cận với vốn văn hoá truyền thống phong phú của người Tày. 

    Một đặc điểm trong thơ bảy chữ tiếng Tày là cách gieo vần thường được gieo ở chữ thứ năm và chữ thứ bảy mỗi câu. Thơ của Nông Quốc Chấn cũng đã thể hiện rõ quy luật này:

    - “Slà bấu oon moọc lồng phặc khẩu
    Slà bâu oon lồm pấu nưa pù
    Slá bấu nộc nu quẹng pác
    Bấu than bâu mạy mác sluối lương”
                                                   (Bài thơ bươn pét - Bài thơ tháng tám)

    Đây chính là lối hát đối đáp đậm chất trữ tình của dân tộc Tày trong đời sống văn hoá dân gian. Điều này được thể hiện trong hầu hết các bài thơ viết bằng tiếng Tày như: Tiếng lượn cần Việt Bắc (Tiếng ca người Việt Bắc), Nhỉnh Slao lẩn chuyện (Người con gái nói chuyện), Nhỉnh Slao tắm mản cậm (Người con gái dệt màn thổ cẩm), Phác Bắc Kạn (Gửi Bắc Kạn), Mùa xuân mà cốc đin mác nhả (Mùa xuân trên quê hương), Tiếng lượn xáu kha tàng (Tiếng lượn trên đường đi), Hảy đồng chí (Khóc đồng chí), Bộ đội Pú ké(Bộ đội Ông Cụ), Toọn mà bản (Dọn về làng), Xa vái (Tìm trâu)… Với cách viết như vậy, Nông Quốc Chấn đã bảo tồn và lưu truyền được vốn văn hoá truyền thống của dân tộc mình.

    Nông Quốc Chấn là một nhà thơ Tày tiêu biểu và cũng là một trong những người đầu tiên đóng góp cho sự hình thành của đời sống lý luận văn học dân tộc thiểu số. Các công trình phê bình, lý luận của ông như kim chỉ nam trong chặng đường đầu tiên mới hình thành của văn học dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại. Nông Quốc Chấn là một trong những gương mặt văn hóa tiêu biểu, đại diện cho tầng lớp trí thức các dân tộc thiểu số trưởng thành trong đấu tranh cách mạng và trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc qua hai cuộc kháng chiến của dân tộc Việt Nam. Ông cũng là một trong những tác giả dân tộc thiểu số đầu tiên “mang hơi thở núi rừng Việt Bắc vào thi ca” (Tô Hoài). Ông được xem là cánh chim đầu đàn của những người cầm bút các dân tộc thiểu số. Ông cũng là một trong số ít người dịch thơ văn từ tiếng Việt sang tiếng dân tộc và có ý thức sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ trong sáng tác đầu tiên.

    Với những đóng góp về thơ như vậy, trong bản hợp xướng của thơ dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại, Nông Quốc Chấn xứng đáng có một vị trí nhất định. Chúng ta không khó để nhận ra đóng góp của nhà thơ Tày này trong dòng chảy thơ dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại dù mỗi nhà thơ có một phong cách riêng: “Một Bàn Tài Đoàn mộc mạc, chân chất; một Nông Quốc Chấn dân tộc mà hiện đại; một Y Phương giàu liên tưởng và thông tuệ; một Pờ Sảo Mìn hoang dã mà triết lý; một Lò Ngân Sủn đam mê đến cháy bỏng; một Inrasara ma thuật đầy ám ảnh; một Triệu Kim Văn nép mình toả sáng; một Triệu Lam Châu khơi nguồn tiếng dân tộc không vơi cạn; một Dương Thuấn mải mê đi tìm bóng núi và một Hơ Vê trong trẻo tiếng chim rừng....”5.

 

Chú thích:
1, 2 Nhiều tác giả (2009), Địa chí Thái Nguyên, NXB Chính trị quốc gia, tr. 797, 793.
3 Nông Quốc Chấn (chủ biên, 2007), Tuyển tập Văn học dân tộc và miền núi, tập 1, NXB Giáo dục, tr. 90.
4 Phan Trọng Luận (Tổng chủ biên, 2020), Ngữ văn 12, tập 1 (Tái bản lần thứ12), NXB Giáo dục Việt Nam.
5 Cao Thị Hảo (2020), Giáo trình Văn học dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại, NXB Đại học Thái Nguyên, tr. 35.

 

NÔNG QUỐC CHẤN, NHÀ HOẠT ĐỘNG CHÍNH TRỊ, NHÀ VĂN HÓA, “CON CHIM ĐẦU ĐÀN” CỦA VĂN HỌC CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ VIỆT NAM

VI HỒNG NHÂN

    Nhà thơ Nông Quốc Chấn đã thành người thiên cổ hơn 20 năm nhưng vẫn để lại tiếng thơm và di sản về văn hóa và thơ cho hậu thế, là tấm gương sáng về tinh thần lao động say sưa, quên mình, về lối làm việc, tác phong và nhân cách sống đối với nhiều người làm công tác văn hóa, trong đó có tác giả bài viết.

    Tôi biết Nông Quốc Chấn từ những năm 60 của thế kỷ XX, đầu tiên là qua thơ ông khi tôi làm giáo viên văn học giảng một số bài thơ ông có trong chương trình (Dọn về làng, Bộ đội Ông Cụ, Việt Bắc - Tây Nguyên...), sau đó được tiếp xúc trong dịp ông đến giảng bài cho trại sáng tác văn học, nghệ thuật tỉnh Lạng Sơn (1965-1966) và dự Đại hội Hội Văn nghệ khu Việt Bắc tại địa điểm sơ tán trong hang đá ở khu rừng huyện Võ Nhai tỉnh Thái Nguyên khi ông là Giám đốc Sở Văn hóa kiêm Chủ tịch Hội Văn nghệ khu Việt Bắc (1968). Đến khi tôi làm Giám đốc Sở Văn hóa kiêm Chủ tịch Hội Văn nghệ Lạng Sơn (1982-1986), có lần ông đến làm việc, gặp gỡ anh em văn nghệ sĩ, nghe ông đọc thơ tiếng Tày và tiếng Việt với giọng nhẹ nhàng, truyền cảm của người Bắc Kạn đã làm tôi và nhiều người xúc động, từ đấy tôi yêu thích và tập làm thơ song ngữ Tày – Việt. Với thái độ vui vẻ, chân tình, ông thường chủ động gần gũi, nhỏ nhẹ, thân tình hỏi chuyện và chia sẻ kinh nghiệm viết với các học viên, nhiều tuổi cũng như ít tuổi, đã gây ấn tượng cho tôi từ những lần gặp đầu tiên.

    Nông Quốc Chấn là người cán bộ công chức, người đảng viên mẫu mực, là nhà hoạt động chính trị, nhà văn hóa tầm cỡ, nhà thơ nổi tiếng, là con chim đầu đàn trên lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số thời hiện đại. Ông đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét với những sản phẩm đồ sộ.

    Tôi có một số năm được làm việc dưới sự chỉ đạo trực tiếp của ông, càng hiểu và kính trọng ông bởi đức tính, năng lực, tinh thần làm việc và tình cảm của ông với văn hóa, văn học Việt Nam; trong đó đặc biệt với văn hóa, văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số.

    Trong lĩnh vực hoạt động chính trị, có thể nói ông là nhà hoạt động cách mạng từ sớm, trong Cách mạng tháng Tám 1945, ông tham gia tổ chức Mặt trận Việt Minh từ cơ sở; khi cách mạng thành công và sau hòa bình lập lại ở Miền Bắc, ông tham gia cấp ủy từ cơ sở đến tỉnh, khu Việt Bắc, rồi ông là một trong số không nhiều những văn nghệ sĩ, nhân sĩ trí thức tham gia tổ chức đoàn thể chính trị ở cấp Trung ương (Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại biểu Quốc hội).

    Trong lĩnh vực hoạt động văn hóa, trước tiên phải nói ông là một nhà văn hóa đúng nghĩa, từ sự am hiểu về văn hóa truyền thống của dân tộc đến văn hóa chung của nước ta và nhân loại. Chính bởi cách ứng xử nhân ái, nhân văn, trân trọng mọi người đối thoại với mình ở mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp; cung cách làm việc, lối sống giản dị, chân thật, chân thành, đặc biệt là thái độ trân trọng, trăn trở về sự gìn giữ, phát huy, phát triển văn hóa dân tộc mình và các dân tộc thiểu số Việt Nam trong xu thế chung của đất nước; từ đó ông suy tính, chia sẻ, đề xuất những chủ trương, biện pháp, cơ chế, chính sách, tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ làm văn hóa vùng miền núi, dân tộc thiểu số từ khi là Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội Văn nghệ Việt Bắc, đặc biệt là khi làm Thứ trưởng Bộ Văn hóa qua mấy đời Bộ trưởng. Ông còn là người có công xây dựng, gìn giữ, phát huy bộ máy tổ chức làm văn hóa, văn học nghệ thuật ở miền núi và vùng các dân tộc thiểu số. Ông đóng góp vai trò giữ và điều chỉnh, phát triển một số thiết chế làm văn hóa dân tộc thiểu số khi bỏ cấp khu, như: Bảo tàng tổng hợp khu Việt Bắc thuộc khu chuyển thành Bảo tàng Văn hóa các dân tộc thuộc Bộ, Đoàn Văn công Việt Bắc thuộc khu chuyển thành Đoàn Ca múa dân gian Việt Bắc thuộc Bộ (nay là Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc), Trường Văn hóa nghệ thuật Việt Bắc thuộc khu đưa về thuộc Bộ, Nhà xuất bản Việt Bắc đưa về nhập vào Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin của Bộ Văn hóa, sau một thời gian ông lại đề nghị tách ra lập thành Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc trực thuộc Bộ Văn hóa (nay là CT MTV NXB Văn hóa dân tộc); ông cũng là người lập ra Vụ Văn hóa dân tộc và miền núi là cơ quan tham mưu của Bộ, trực tiếp quản lý mảng văn hóa dân tộc và miền núi (nay là Vụ Văn hóa dân tộc), rồi lập Khoa Văn hóa dân tộc thuộc Trường Đại học Văn hóa Hà Nội (nay là Khoa Quản lý văn hóa dân tộc), Hội Những người hoạt động văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam (gọi tắt là Hội Văn hoá các dân tộc thiểu số Việt Nam, nay là Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam), Tạp chí Văn hóa các dân tộc (thuộc Hội Những người hoạt động văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam - nay là Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam). Ông còn là tác giả của một số cuốn sách viết về công tác văn hóa, trong đó ông rất quan tâm đến mảng văn hóa các dân tộc thiểu số. Ông từng giữ các cương vị quản lý văn hóa, văn học nghệ thuật từ địa phương đến trung ương: Trưởng Ty Văn hóa Bắc Kạn, Giám đốc Sở Văn hóa kiêm Chủ tịch Hội Văn nghệ khu Việt Bắc, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Hiệu trưởng Trường Viết văn Nguyễn Du, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật toàn quốc, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, người sáng lập và là Chủ tịch đầu tiên Hội Những người hoạt động văn hóa các dân tộc thiểu số (sau đổi tên thành Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam).

    Tôi là người được làm việc trực tiếp dưới quyền khi ông là Thứ trưởng Bộ Văn hóa và sau khi ông đã nghỉ hưu nên hiểu về ông, được cùng ông thành lập Hội Những người hoạt động Văn hóa các dân tộc thiểu số, tôi được ông chia sẻ nhiều kinh nghiệm, học được ở ông nhiều phương pháp làm việc và ứng xử với đồng nghiệp. 

    Dù đã được nhà nước cho nghỉ sau quá trình cống hiến hơn 50 năm, mặc dù tuổi đã cao, sức khỏe hạn chế, ông vẫn đau đáu với sự nghiệp văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam; ông nêu ý tưởng với tôi và một số cán bộ người dân tộc thiểu số và người Kinh tâm huyết với văn hóa các dân tộc đang công tác trong và ngoài Bộ về việc thành lập Hội Những người hoạt động văn hóa các dân tộc thiểu số; được sự ủng hộ của nhiều người, ông giao cho Vụ Văn hóa dân tộc do tôi phụ trách làm nòng cốt chuẩn bị các thủ tục hành chính để thông qua ông ký, gửi các cơ quan của trung ương (Ủy ban Dân tộc của Chính phủ, Hội đồng dân tộc của Quốc hội, Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương, Ban Tổ chức Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ), Văn phòng Chính phủ, Thông tấn xã Việt Nam...); ông còn viết thư riêng gửi một số vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Sau khi được ý kiến phản hồi của các cơ quan và một số vị lãnh đạo; ông giao chúng tôi chuẩn bị tiến hành Đại hội thành lập Hội. Khi Hội được thành lập, phải hoạt động trong điều kiện “3 không” (không kinh phí, không địa điểm làm việc và không biên chế cán bộ), tất cả phải dựa vào Vụ Văn hóa dân tộc của Bộ Văn hóa; ông lại gặp Ủy ban Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Trung ương và các cơ quan của Chính phủ trao đổi để được làm thành viên của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật để có kinh phí như các hội chuyên ngành khác với điều kiện phải thay đổi tên từ “Hội Những người hoạt động văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam” trực thuộc Ban Tư tưởng - Văn hóa và Bộ Nội Vụ thành Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam trực thuộc Ủy ban Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Trung ương như hiện nay.

    Trong lĩnh vực văn học, ông là thi sĩ nổi tiếng của Việt Nam nổi bật trong và sau cách mạng, kháng chiến chống Pháp, thường xuyên sáng tác và luôn giữ được phong độ trong sáng tạo, nổi tiếng từ bài thơ Dọn về làng mà ông trực tiếp đọc khi là thành viên Đoàn đại biểu Thanh niên - Sinh viên Việt Nam dự Festival Thanh niên - Sinh viên thế giới tại Berlin, Thủ đô nước Cộng hòa dân chủ Đức, năm 1951 (Giải thưởng Đại hội Thanh niên - Sinh viên thế giới) và với các tập thơ lần lượt được xuất bản Tiếng ca người Việt Bắc (1959), Người núi Hoa (1961), Đèo Gió (1968), Bài thơ Pác Bó (1971), Suối và biển (1984); đặc biệt là những tác phẩm viết bằng tiếng Tày của ông được những người làm văn hóa, văn học nghệ thuật và nhân dân các tỉnh trong khu Việt Bắc yêu thích, như Việt Bắc tức slấc, Tiểng lượn cần Việt Bắc, Cần Phja Boóc, Dám kha Pác Bó... Thơ ông viết về những đề tài mang tính cụ thể mà bao quát, thời sự mà lâu dài, những sự việc, con người gần gũi, bình dị, từ người du kích dân tộc quê hương ông, người chiến sĩ vệ quốc đoàn trong đội quân của Cụ Hồ và những người dân Việt Bắc luôn hướng về và chi viện cho tiền tuyến, khăn áo và tình cảm nồng ấm là nguồn động viên to lớn, là sức mạnh tinh thần và vật chất của đội quân giải phóng làm nên chiến thắng Việt Bắc, Đông Khê, Phủ Thông và kháng chiến thắng lợi. Thơ ông mang hơi thở của cuộc sống đấu tranh cách mạng giải phóng quê hương Việt Bắc, ông dành tình cảm tốt đẹp cho lãnh tụ và những chiến sĩ của Cụ trong Bộ đội Ông Cụ, những người dân một lòng theo Đảng, Bác làm cách mạng trong Tiếng ca người Việt Bắc, cho cái đẹp, cho văn hóa Tiếng lượn Pác Bó đến tiếng tính lời then của người nghệ sĩ khiếm thị một thời làm rung động bao con tim người Việt Bắc. Thơ ông đã từ đại ngàn Việt Bắc bay vượt không gian vào với đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ, nơi kết nghĩa với Việt Bắc trong khi đất nước còn chia cắt: “Tôi biết quê anh cũng có rừng/ có nương màu mỡ, có đàn t’rưng/ có voi chở lúa đi ngang núi/ có những người con thật anh hùng” (Việt Bắc – Tây Nguyên); rồi bằng phương pháp tu từ trong thơ, ông chia sẻ tình cảm, hình ảnh Việt Bắc quê hương ông đang thay da đổi thịt trong xây dựng chủ nghĩa xã hội với nền công nghiệp non trẻ, từ khu gang thép Thái Nguyên, đứa con đầu lòng của nền công nghiệp hóa miền Bắc với đồng bào Tây Nguyên như anh em nói chuyện tâm tình: “Anh biết Thái Nguyên cạnh sông Cầu/ núi ngồi núi đứng xếp hàng nhau/ ngày nay lại mọc thêm nhiều núi/ mái ngói đỏ tươi nhuộm một mầu” hoặc về quê hương cách mạng Cao Bằng với công trình thủy điện đầu tiên của Miền Bắc: “Cao Bằng, Tĩnh Túc với Tà Sa/ tiếng máy tiếng cười lẫn tiếng ca/ cô thợ người Nùng ngồi vặn máy/ nhìn cô và máy ngỡ nhìn hoa” (Việt Bắc – Tây Nguyên). Những vần thơ mộc mạc, chân thành ấy như sợi dây kết nối, như cây cầu tình nghĩa nối liền Việt Bắc với Tây Nguyên, toát lên lòng mong đợi và tin tưởng ở truyền thống văn hóa đại ngàn Việt Bắc, Tây Nguyên sẽ chiến thắng, Nam Bắc sẽ sum họp một nhà cùng nhau xây dựng quê hương tươi đẹp. Thơ Nông Quốc Chấn luôn có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa yếu tố truyền thống và hiện đại, dân tộc và đại chúng; ông là người dân tộc thiểu số đầu tiên mang hơi thở cuộc sống núi rừng Việt Bắc vào thơ hiện đại, xứng đáng là cánh chim đầu đàn của những người dân tộc thiểu số cầm bút phục vụ kháng chiến và cuộc sống đồng bào các dân tộc.

    Trong lĩnh vực dịch thuật, vốn là nhà trí thức người Tày, lại biết chữ nho (Hán-Nôm), ông là dịch giả của một số tác phẩm văn học Trung Quốc từ tiếng Hán - Nôm ra tiếng Việt (Bát trận đồ của Đỗ Phủ) và một số bài thơ hay của các thi sĩ nổi tiếng của Việt Nam cùng thời từ tiếng Việt ra tiếng Tày. Là thi sĩ, ông cũng có tâm hồn nhạc sĩ, tôi chưa thấy ông hát nhưng ông đã dịch lời hoặc đặt lời Tày cho một số ca khúc của các nhạc sĩ nổi tiếng viết về Bác Hồ với Việt Bắc, Việt Bắc với Bác Hồ thành công, tiêu biểu có Tiếng hát giữa rừng Pác Bó của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ, Việt Bắc nhớ Bác Hồ của nhạc sĩ Phạm Tuyên... được các ca sĩ chuyên nghiệp và không chuyên biểu diễn bằng lời Việt và lời Tày được nhiều người thích nghe, thích hát, nhất là người Tày Việt Bắc.

    Trong lĩnh vực nghiên cứu, lý luận, phê bình, ông là nhà thơ, là nhà quản lý văn hóa, văn học nghệ thuật có nhiều kinh nghiệm; từ thực tiễn hoạt động phong phú đã từng trải, ông đúc rút thành kinh nghiệm và nâng lên thành lý luận để cho lớp sau chiêm nghiệm, vận dụng trong thực tiễn. Ông đã cho ra đời các tập tiểu luận, lý luận phê bình đáng nể như: Đường ta đi (1971), Một vườn hoa nhiều hương sắc (1977), Chặng đường mới (1985), Dân tộc và văn hóa (1993), Hành trang sang thế kỷ XXI (2000).

    Trong lĩnh vực đào tạo, Nông Quốc Chấn là người tổ chức các lớp bồi dưỡng, đào tạo cán bộ làm văn hóa, văn học từ khi làm lãnh đạo ngành văn hóa, văn nghệ ở địa phương cho đến trung ương. Ông đã làm lãnh đạo một số đơn vị đào tạo của ngành văn hóa như Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hoá Hà Nội, Hiệu trưởng Trường Viết văn Nguyễn Du; từng trực tiếp giảng dạy một số bài, chuyên đề của các khoa, các khóa của Trường Đại học Văn hóa, các trại sáng tác văn học. Đặc biệt, ông là người khai sinh ra Khoa Văn hóa dân tộc, Trường Đại học Văn hóa (nay là Khoa Quản lý văn hóa dân tộc); từ khâu tổ chức, xây dựng chương trình đầu những năm 90 của thế kỷ trước đến nay đã đào tạo ra hàng hàng nghìn cán bộ quản lý văn hóa là người các dân tộc thiểu số hiện nay đang phát huy ở các cơ quan văn hóa của địa phương và bộ. Với những việc làm và công lao ấy, ông xứng đáng được gọi là nhà giáo, người thầy theo đúng nghĩa.

    Trong lĩnh vực hoạt động báo chí, Nông Quốc Chấn từng có nhiều bài báo, tham luận đăng trên các báo và tạp chí văn hóa, văn nghệ trung ương và địa phương; đặc biệt ông còn là lãnh đạo của một số cơ quan báo chí sau khi ông đã nghỉ hưu như Tạp chí Toàn cảnh - Sự kiện và Dư luận của Bộ Văn hóa mà ông trực tiếp làm Tổng Biên tập một số năm và là người lập ra Tạp chí Văn hóa các dân tộc sau khi thành lập Hội Những người hoạt động văn hóa các dân tộc.

    Trong cuộc sống đời thường, dù đã là người nổi tiếng, lại làm lãnh đạo nhưng ông sống giản dị, sinh hoạt nền nếp, đúng giờ, luôn nhẹ nhàng, vui vẻ thân tình với mọi người khi tiếp xúc nên rất dễ gần. Với tôi và những cán bộ cấp dưới của ông chỉ bằng tuổi con ông nhưng khi làm việc, ông vẫn gọi bằng anh và tôn trọng, bình tĩnh nghe trình bày, xong ông nhẹ nhàng trao đổi. Có lần được cùng ông đi công tác vùng Tây Nguyên, nghe tin Liên Xô tan rã, ông trầm ngâm suy nghĩ vẻ rất buồn và chia sẻ với tôi những cảm xúc của ông. Nghỉ ở nhà nghỉ của tỉnh, khi căng màn, thấy ông loay hoay, tôi bảo anh để em giúp, ông bảo tôi tự làm được, rồi ông chia sẻ kinh nghiệm khi đi công tác địa phương phải chuẩn bị ít dây phòng khi căng màn thiếu hoặc đứt dây còn có mà dùng, giữa đêm hôm biết gọi ai. Ông là con người có nhân cách sống rất nhân văn, nhân ái, với tôi và nhiều người từng cộng tác với ông, Nông Quốc Chấn là một tấm gương rất đáng học tập ở nhiều mặt, vì ông là hình mẫu về tinh thần học và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh.

    Nông Quốc Chấn là nhà hoạt động chính trị bằng văn hóa, bằng thơ, là nhà văn hóa tầm cỡ, nhà thơ nổi tiếng, là nhà lý luận, phê bình văn học, nhà dịch thuật, nhà quản lý, nhà giáo, nhà báo... Ông là lá cờ đầu trong hoạt động văn hóa dân tộc và miền núi; là con chim đầu đàn trong đội ngũ cán bộ văn hóa, văn nghệ sĩ các dân tộc thiểu số; có công đầu trong công tác bồi dưỡng đội ngũ cán bộ và văn nghệ sĩ là người dân tộc thiểu số, tập hợp cán bộ người Kinh tâm huyết với hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam trong nửa cuối của thế kỷ XX.

    Với công lao và thành quả lao động sáng tạo suốt cuộc đời của ông, với cái tâm, cái tầm, cái đức ông để lại, với lớp chúng tôi và những lớp sau hoạt động trên lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số, ông là người anh, người cha, người thầy, người quản lý xuất sắc, người thủ trưởng mẫu mực; cán bộ văn hóa, văn nghệ sĩ người dân tộc thiểu số tự hào về ông, tỉnh Bắc Kạn cũng tự hào về người con tiêu biểu của quê hương. Thiết nghĩ, tỉnh Bắc Kạn nên có một con đường, một công trình văn hóa, một nhà lưu niệm mang tên Nông Quốc Chấn.

    Nhân Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của ông, tôi viết bài này như một nén tâm hương dâng lên hương linh ông, như một lời tôn kính và tri ân của người học trò, người em, người cán bộ dưới quyền.

 

NHÀ THƠ NÔNG QUỐC CHẤN NHẸ NHÀNG ĐẾN LÚC ĐI XA

HUY THẮNG

    Nhà thơ Nông Quốc Chấn (1923- 2002), Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (2001) qua đời để lại nhiều niềm tiếc thương, quý trọng với những cộng sự, bạn bè, gia đình và cả những người quen biết... không chỉ về tài năng cống hiến mà còn về tác phong, đức độ. Là người có một thời gian dài, từ năm 1960 đến khi ông mất (2002), được làm việc dưới quyền ông, tôi xin ghi lại một số câu chuyện nhỏ về ông.

    1. Sự mẫu mực về lối sống, nhân cách và tài năng

    Với tôi, qua những gì mà tôi nhận biết, Nông Quốc Chấn là một mẫu mực về đạo đức, nhân cách và tài năng. Tài năng tôi muốn nói ở đây là những đóng góp cụ thể, có tác động trực tiếp tới những thành tựu của nền văn hóa - văn nghệ các dân tộc thiểu số ở nước ta suốt hơn nửa thế kỷ. Trong lĩnh vực này, trước ông và cả sau này khi ông mất đi, đến nay như vẫn chưa ai có được những đóng góp và ảnh hưởng lớn như thế.

    Cảm giác như ông vẫn đang hiện diện trong cuộc sống hôm nay. Trong công việc, nhà thơ Nông Quốc Chấn là người rất nghiêm túc và sâu sát. Tôi nhớ chuyến đi khảo sát văn hóa vùng Tây Nguyên, vùng người Chăm ở Ninh Thuận, Bình Thuận và vùng Khmer Nam Bộ sau ngày Miền Nam mới giải phóng (1975). Để chuẩn bị cho chuyến đi, ông đã phân công cho Giáo sư Phan Đăng Nhật và tôi đi tìm đọc và ghi chép đầy đủ các tài liệu liên quan. Ông còn cho mời các Giáo sư Mạc Đường, Phạm Đức Dương là những nhà dân tộc học uyên bác, có nhiều hiểu biết về văn hóa vùng dân tộc khu vực Miền Nam đến để tham khảo và đóng góp ý kiến. Tôi nhớ lần đến Ninh Thuận, nghe nói có ông Thiên Sanh Cảnh là nhà văn hóa người Chăm rất có uy tín nên ông rất muốn được tiếp xúc. Ngặt vì bấy giờ tình hình an ninh ở một số vùng vẫn chưa thật đảm bảo, tàn quân Phun Rô vẫn còn lén lút gây rối nên lãnh đạo địa phương không muốn ông đi địa bàn nữa, đề xuất phương án đón ông Thiên Sanh Cảnh lên tỉnh làm việc. Nhưng nhà thơ Nông Quốc Chấn không muốn vậy. Thấy thái độ kiên quyết nên địa phương đành phải bố trí cho ông và đoàn xuống tận ấp Hữu Đức, gặp gỡ trực tiếp ông Thiên Sanh Cảnh và tìm hiểu tình hình. Nghe tin đoàn văn hóa trung ương có Thứ trưởng Nông Quốc Chấn trực tiếp về làm việc, bà con người Chăm đã tập trung chờ đón rất nhiệt tình, tổ chức múa hát rất vui. Hơn hai giờ đêm, đoàn mới dời khỏi địa phương. Nhà thơ Nông Quốc Chấn rất vui, nói nếu không tới tận nơi mắt thấy tai nghe thì sao hiểu nổi tấm lòng bà con. Có một thời gian Nông Quốc Chấn tham gia sinh hoạt tại chi bộ mà lúc đó tôi đang phụ trách. Là Thứ trưởng, lại là người phụ trách, là cấp trên trực tiếp của tôi nhưng bao giờ ông cũng giữ đúng vị trí của một đảng viên, hàng tháng đều trực tiếp đem tiền đến nộp đảng phí. Các buổi sinh hoạt chi bộ thường không bao giờ vắng mặt hay đến chậm. Nếu phải đi công tác xa hoặc có việc đột xuất quan trọng, bao giờ ông cũng trực tiếp đến báo cáo lý do rất nghiêm túc. Trong các cuộc họp, ông ít phát biểu và nếu phát biểu thì không bao giờ tỏ ra là mình cấp trên để lấn lướt ý kiến của các đảng viên dưới quyền mà chan hòa, bình đẳng giữ đúng cương vị đảng viên, không vượt quyền của chi bộ.

    Trong một thời gian dài, nhà thơ Nông Quốc Chấn đảm nhận hai trọng trách, cả trong lĩnh vực văn hóa và văn nghệ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Một trong những công việc được ông quan tâm là theo dõi các ấn phẩm được xuất bản từ các Sở Văn hóa và các Hội Văn học nghệ thuật địa phương. Đây là cách giúp ông nắm bắt tình hình sáng tác, đời sống văn hóa - văn nghệ và giúp phát hiện các gương mặt văn học có triển vọng từ cơ sở. Y Phương, Cao Duy Sơn, Lò Ngân Sủn... được ông biết đến, đầu tiên cũng từ các ấn phẩm địa phương.

    Một lần đọc trên Văn nghệ Lào Cai thấy có bài thơ của Lò Ngân Sủn đề là Hoa Má Po:

    “Em sẽ là rừng xanh mong đợi
    Làm Má Po nở giữa đồi nương”.

    Mặc dù là người miền núi nhưng nhà thơ Nông Quốc Chấn cũng không biết Má Po là thứ hoa gì liền điện lên Lào Cai hỏi. Nhà thơ Thèn Sèn ở Hội Văn nghệ cũng không biết liền tìm đến nhà thơ Lò Ngân Sủn.

    - Bác Nông Quốc Chấn hỏi hoa Má Po là hoa gì? Lập tức Lò Ngân Sủn điện về giải thích: “Đó là thứ hoa mà người già trong bản Giáy gọi là Má Po, tiếng Việt là “Hoa ngựa núi”, một thứ hoa nở trên núi rừng Tây Bắc”.

    Nghe giải thích, nhà thơ Nông Quốc Chấn mới vỡ lẽ.

    Thế đấy, dù chỉ là một chi tiết nhỏ nhưng một khi không biết, không giấu dốt nên ông phải hỏi.

    Về tác phong, Nông Quốc Chấn là người giản dị, gương mẫu. Tôi còn nhớ bữa cơm hôm cuối cùng, ông ăn ít, nói trong người khang khác. Sau khi đi tắm, vẫn như mọi lần, ông tự giặt quần áo của mình nhưng chưa kịp vắt phơi thì ông thấy mệt nên phải vào giường nằm ngay. Đêm đó ông ra đi, nhẹ nhàng như giấc ngủ. Bà quả phụ Nông Quốc Chấn từng kể: “Tính ông thế, những việc có thể tự làm, không bao giờ ông phiền đến ai. Kể cả vợ, con. Hơn 50 năm chung sống, ông chưa một lần to tiếng với vợ hoặc cộng sự. Có điều gì không vừa ý, ông chỉ nhẹ nhàng nhắc. Một hôm, con cái có điều gì đó làm bà bực, không kìm được, bà quát, ông thấy nhưng im lặng. Để đến tối lúc đi ngủ ông mới bảo: “Lần sau con có gì sai, bà chỉ cần nhẹ nhàng nhắc con, đừng to tiếng”. Ông chỉ nói thế nhưng từ đó, mỗi khi nhớ lại, bà đã tự kiềm chế.

    Không chỉ trong gia đình, ông còn là người biết luôn tôn trọng những người chung quanh, ở cơ quan, từ anh lái xe, chị tạp vụ, cô văn thư... ai cũng quý trọng ông. Khách đến nhà, dù là ai, ông cũng phải vào phòng trong thay đồ, ăn vận rất lịch sự để tiếp khách.

    2. Tình bạn chân thành và thủy chung

    Đó là tình cảm giữa nhà thơ người Tày Nông Quốc Chấn và nhà thơ người Dao Tiền Bàn Tài Đoàn, mặc dù giữa hai nhà thơ lớn người dân tộc có những điểm rất khác nhau, tuổi tác khá cách nhau nhưng không vì thế mà ảnh hưởng đến tình cảm của họ. Hai nhà thơ quen biết nhau từ năm 1943 khi cùng tham gia lễ kỷ niệm 26 năm Cách mạng tháng Mười Nga tổ chức ở chiến khu Việt Bắc.

    Trong suốt hơn 50 năm, kể từ lần gặp gỡ đầu tiên đến ngày nhà thơ Nông Quốc Chấn mất, hai nhà thơ đã luôn gần gũi, chia sẻ không chỉ công việc, thơ ca mà còn cả những chuyện buồn vui, riêng tư. Ban đầu cùng trong khu tuyên truyền văn nghệ liên khu Việt Bắc, sau người làm Giám đốc, người làm Phó Giám đốc Sở Văn hóa khu Việt Bắc, rồi cùng trong lãnh đạo Chi hội Văn nghệ Việt Bắc, người làm Chủ tịch, người làm Phó Chủ tịch.

    Năm 1964, khi Nông Quốc Chấn được Trung ương điều động về Hà Nội thì Bàn Tài Đoàn giữ cương vị Chủ tịch Hội cho đến khi nghỉ hưu.

    Tất cả các tập thơ của mình trước khi xuất bản, Bàn Tài Đoàn đều gửi cho Nông Quốc Chấn đọc, góp ý. Nhà thơ người Tày đã có ý kiến để người đọc rõ hơn về giá trị thơ ca của Bàn Tài Đoàn: “Đọc Bàn Tài Đoàn có thể không thấy những từ ngữ sắc sảo, tinh vi, nhưng hình tượng lộng lẫy, những câu bay bướm, những đoạn triết lý... nhưng đó là những tiếng nói bình dị, từ ngữ dân gian, so sánh miêu tả, bằng những hình ảnh quen thuộc của núi rừng. Thơ anh là tấm lòng chân thành của mình”.

    Năm 1957, tại nơi sơ tán Võ Nhai, Thái Nguyên, Bàn Tài Đoàn không may bị rắn độc cắn. Nghe tin dữ, Nông Quốc Chấn từ Hà Nội lên ngay để bàn cách chữa trị. Thời gian Bàn Tài Đoàn nằm điều trị tại bệnh viện Việt Xô, gần như không ngày nào ông không tranh thủ vào thăm. Khi Bàn Tài Đoàn nghỉ hưu về quê, có dịp lên công tác Cao Bằng, nhà thơ Nông Quốc Chấn lại lên Nguyên Bình thăm bạn già.

    Bàn Tài Đoàn cũng luôn nhớ đến bạn, trong Tuyển tập Bàn Tài Đoàn xuất bản năm 1992 tại Nhà xuất bản Văn học, ngay đầu tập có bài thơ:

    “Đoàn với Chấn, Chấn với Đoàn
    Hai người tình bạn nghĩa ngàn câu
    Người ở xa nhau cách sông núi
    Tấm lòng thì ở cạnh bên nhau”.

    Đầu năm 2002, đọc Báo Nhân Dân biết tin nhà thơ Nông Quốc Chấn mất, nhà thơ Bàn Tài Đoàn khi đó đã gần 90 tuổi, đi lại rất khó khăn, không về dự lễ tang bạn được, đành viết một lá thư gửi về, trong đó có đoạn: “Thương tiếc vô cùng là thương tiếc một người bạn thân thiết nhất, như anh em ruột thịt với nhau. Anh đang giúp tôi làm một tập thơ cuối cùng, thế mà đột ngột như sét đánh ngang tai. Thương tiếc vô cùng”.

    3. Nông Quốc Chấn trong lòng bè bạn

    Cách đây ít năm, Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam sau đúng 20 năm thành lập có tổ chức hội thảo Văn hóa dân tộc thiểu số với sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước trong thời kỳ đổi mới tại Thành phố Lạng Sơn. Nhân đó, rất nhiều tham luận của các nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận, phê bình người dân tộc thiểu số nay đã thành danh, trở thành những tên tuổi có uy tín của đất nước đều đánh giá cao công lao to lớn của nhà thơ, nhà văn hóa Nông Quốc Chấn, không chỉ với nền văn học, nghệ thuật nước nhà mà qua đấy mỗi người còn xúc động nói lên sự tri ân với những công sức tâm huyết của Nông Quốc Chấn chăm lo, vun đắp, tạo dựng nên một đội ngũ đông đảo văn nghệ sĩ dân tộc thiểu số hôm nay. Lò Ngân Sủn nhà thơ người dân tộc Giáy ví Nông Quốc Chấn như cây đại thụ của nền văn học dân tộc thiểu số. Nhà văn người Ê Đê Linh Nga NiêKĐăm gọi Nông Quốc Chấn là nhà văn hóa của các dân tộc thiểu số Việt Nam. Còn nhà thơ người chăm Inrasara (Giải thưởng văn học Asean) xúc động cảm ơn Nông Quốc Chấn ở tấm lòng biết khích lệ và đỡ đần các tài năng, tạo điều kiện để các mầm non văn chương đâm chồi, nở hoa, kết trái.

    Còn biết bao nhà văn, nhà thơ, nhà văn hóa dù không phải là người dân tộc thiểu số cũng có những cảm nhận sâu sắc về công sức và tấm lòng của Nông Quốc Chấn đối với họ. Nhà văn Phạm Quang Trung khẳng định: “Nông Quốc Chấn là một nhân vật lịch sử, tên tuổi ông đã thuộc về lịch sử, theo nghĩa lịch sử đã tạo ra ông và về phần mình ông đã góp phần tích cực thúc đẩy lịch sử vận động theo tinh thần cách mạng đích thực, gắn với tiến bộ con người và cộng đồng.

    Đã hơn hai mươi năm kể từ ngày ông mất, chúng ta hôm nay tưởng nhớ, tri ân và khẳng định những đóng góp văn học, nghệ thuật, những chăm lo hết lòng cho nhiều thế hệ văn học dân tộc thiểu số của Nông Quốc Chấn. Hi vọng cùng với thời gian sẽ ngày càng cho chúng ta hiểu và biết thêm nhiều hơn nữa đức độ, tài năng và tâm huyết của nhà thơ, nhà văn hóa Nông Quốc Chấn.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận