Từ ngày 1 đến ngày 9/11, tai Hà Nội, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức Liên hoan Sân khấu Hà Nội mở rộng năm 2024. Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024). Theo Nghệ sĩ nhân dân Trịnh Thúy Mùi, Liên hoan sân khấu Hà Nội mở rộng năm 2024 có 12 vở diễn các loại hình sân khấu tuồng, chèo, cải lương, kịch nói, múa rối… của 12 đơn vị nghệ thuật thuộc trung ương, quân đội, Hà Nội và một số tỉnh, thành phố lân cận như Bắc Giang, Hải Phòng. Đây là dịp để nâng cao giá trị văn hóa, nghệ thuật Thủ đô; giáo dục và phát huy truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Hà Nội trong suốt chặng đường đấu tranh, xây dựng và phát triển Thủ đô anh hùng, Thành phố vì hòa bình. Đây cũng là cơ hội Hà Nội tạo điều kiện cho các đơn vị nghệ thuật sân khấu cùng đông đảo nghệ sĩ cả nước được giao lưu, học hỏi về học thuật, kỹ năng sáng tạo nghệ thuật để không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, xây dựng tác phẩm có giá trị tư tưởng và chất lượng nghệ thuật cao, đáp ứng sự mong mỏi của khán giả trong xu thế hội nhập và phát triển.
Nghệ sĩ Nhân dân Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam phát biểu khai mạc (Ảnh: PV)
Các đại diện của Hà Nội tham gia liên hoan với những tác phẩm tâm huyết, chất lượng. Đó là Nhà hát Chèo Hà Nội với vở Người hát ả đào, Nhà hát Cải lương Hà Nội với vở Lý Thường Kiệt, Nhà hát Kịch Hà Nội với vở Khoảng trống, Nhà hát Múa rối Thăng Long với vở Hoàng đế cờ lau. Các đơn vị nghệ thuật đóng trên địa bàn Hà Nội cũng tích cực góp mặt, như Nhà hát Cải lương Việt Nam với vở Cánh cửa khép hờ, Nhà hát Tuồng Việt Nam với vở Thiếu phụ Nam Xương, Nhà hát Chèo Quân đội với vở Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Nhà hát Tuổi trẻ với vở Ông không phải là bố tôi, Nhà hát Múa rối Việt Nam đem đến vở Hoàng thành Thăng Long. Các đơn vị nghệ thuật công lập của các tỉnh, thành phố lân cận góp mặt, tạo sự mới mẻ và hấp dẫn cho liên hoan. Đó là Đoàn Chèo Hải Phòng với vở Hồ Xuân Hương, Nhà hát Chèo Bắc Giang tham gia vở Sóng ven đô. Ở kỳ liên hoan này, chỉ có 1 đơn vị sân khấu xã hội hóa tham gia - Sân khấu LucTeam - với vở Lộ hàng.
Cảnh trong vở Người hát ả đào của Nhà hát Chèo Hà Nội (Ảnh: PV)
Nếu như các kỳ liên hoan trước, các tác phẩm chỉ tập trung về đề tài Hà Nội hoặc mang hơi hướng về Thủ đô thì ở Liên hoan này, các đoàn đã đem đến cho khán giả các vở diễn đa dạng phong cách, loại hình và đề tài. Bên cạnh các tác phẩm về mảnh đất ngàn năm văn hiến và đời sống Hà Nội (vở Người hát ả đào, Hoàng thành Thăng Long), Liên hoan cũng có tác phẩm về những danh nhân, anh hùng, văn sĩ (vở Lý Thường Kiệt, Hồ Xuân Hương, Đại tướng Võ Nguyên Giáp…) hoặc những tác phẩm về đề tài đời sống xã hội hiện đại (vở Khoảng trống), về đề tài giải trí (vở Lộ hàng), về đề tài nông thôn (Sóng ven đô), đặc biệt, có cả tác phẩm về đề tài trí tuệ nhân tạo, thế giới giả tưởng (vở Cánh cửa khép hờ).
Về loại hình nghệ thuật, góp mặt khá đa dạng, nhiều nhất là kịch nói rồi đến chèo, cải lương, múa rối, tuồng... nhưng kỳ liên hoan này lại thiếu những loại hình sân khấu hấp dẫn, được ưa chuộng như xiếc, nhạc kịch, kịch hình thể… Theo Tiến sĩ, nhà viết kịch Nguyễn Đăng Chương - Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam - Liên hoan Sân khấu Hà Nội mở rộng có nét riêng, khác biệt. Đó là mỗi đơn vị chỉ chọn 1 tác phẩm tốt nhất và mới dàn dựng, chưa tham gia liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an để đăng ký tham dự.
Ban Tổ chức trao Huy chương vàng cho các vở diễn (Ảnh: PV)
Về chất lượng, các vở diễn tham dự Liên hoan đều được đánh giá cao sự đầu tư nghiêm túc về kịch bản, dàn dựng công phu và nhiều sáng tạo độc đáo, có chất lượng nghệ thuật cao. Điều đáng mừng là bên cạnh đội ngũ nghệ sĩ gạo cội còn có sự kế tiếp của các nghệ sĩ trẻ tài năng. Những người trẻ làm sân khấu hôm nay đang đổi mới, từ mĩ thuật sân khấu đến lối trình diễn – dù lối sân khấu “đổi mới” này chưa được ghi nhận nhiều tại Liên hoan. Sân khấu Lucteam tham gia Liên hoan với tư cách là đơn vị xã hội hóa duy nhất nhưng đã thể hiện sự mới mẻ cả trong cách làm lẫn đề tài, là vở đề tài đương đại hiếm hoi giữa hầu hết vở đề tài lịch sử.
Ban tổ chức đã trao 3 Huy chương Vàng cho 3 vở diễn xuất sắc gồm: vở Đại tướng Võ Nguyên Giáp của Nhà hát Chèo Quân đội; vở Khoảng trống của Nhà hát Kịch Hà Nội; vở Hoàng Đế cờ lau của Nhà hát Múa rối Thăng Long. 4 vở diễn được trao Huy chương Bạc gồm: vở Hồ Xuân Hương của Đoàn Chèo Hải Phòng; vở Thiếu phụ Nam Xương của Nhà hát Tuồng Việt Nam; vở Người hát ả đào của Nhà hát Chèo Hà Nội; vở Lý Thường Kiệt của Nhà hát Cải lương Hà Nội. Ngoài ra, Ban tổ chức còn trao 27 Huy chương Vàng, 35 Huy chương Bạc cho các diễn viên xuất sắc và 13 giải thưởng cho các cá nhân, là các đạo diễn, tác giả kịch bản, chuyển thể, biên đạo múa, nhạc sĩ, họa sĩ, tạo hình con rối, ánh sáng, dàn nhạc, chỉ huy dàn nhạc, nhạc công xuất sắc.