VĂN HỌC, NGHỆ THUẬT VÀ VIỆC PHẢN ÁNH, LAN TỎA CÁC GIÁ TRỊ VĂN HÓA, LỊCH SỬ CỦA DÂN TỘC TRONG CÁC CUỘC CHIẾN TRANH CÁCH MẠNG CỦA QUÂN VÀ DÂN VIỆT NAM*

*Trích phát biểu khai mạc và đề dẫn của PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, tại hội thảo khoa học toàn quốc ''Văn học, nghệ thuật với đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng'' tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 25/4/2024.

 

   Thực hiện nhiệm vụ do Ban Bí thư Trung ương Đảng giao, mỗi năm, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức một số cuộc hội nghị, hội thảo, tọa đàm khoa học, các cuộc khảo cứu thực tiễn và mở các lớp tập huấn, lớp bồi dưỡng nâng cao kiến thức, năng lực công tác cho đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo, văn hóa, văn nghệ, báo chí, xuất bản, truyền thông và các trường đại học, viện nghiên cứu về văn hóa, văn nghệ trong cả nước1.

   Chỉ tính riêng năm 2023, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã tổ chức thành công 06 cuộc hội thảo, tọa đàm khoa học: Đánh giá sự phát triển tư duy lý luận của Đảng về văn hóa, văn nghệ sau 80 năm kể từ khi Đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời; Thực trạng và định hướng phát triển đội ngũ lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện nay; Những giá trị bền vững, sức lan tỏa sâu rộng của tác phẩm Nhật ký trong tù nhân 80 năm ra đời của bảo vật quốc gia này; về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ sáng tác và nghiên cứu lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật; phối hợp với Báo Nhân Dân, tổ chức rất thành công Hội thảo khoa học Thế giới nhạc, họa, thơ của Văn Cao nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của người nghệ sĩ lớn, rất tài hoa này. Đặc biệt là Hội thảo khoa học toàn quốc với chủ đề Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, đổi mới, phát triển, với 153 tham luận từ các nhà quản lý; các nhà lý luận, phê bình VHNT và văn nghệ sĩ trong và ngoài nước2.


PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phát biểu khai mạc Hội thảo (Ảnh: PV)

   Hai năm 2023, 2024, từ yêu cầu tư vấn giúp Đảng và Nhà nước xây dựng, bổ sung, từng bước hoàn thiện đường lối, quan điểm, chính sách, pháp luật về phát triển văn hóa, văn nghệ, Hội đồng đã và đang triển khai 6 đề tài nghiên cứu khoa học cấp ban Đảng về lĩnh vực quan trọng này. 

   Hằng năm, Hội đồng tiến hành xét chọn, trao Tặng thưởng xứng đáng cho các tác giả có công trình, tác phẩm lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật đạt chất lượng nổi trội; xét và hỗ trợ kinh phí cho các bản thảo lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật có nội dung và phương pháp nghiên cứu chất lượng cao để in ấn, xuất bản và phổ biến rộng rãi.

   Tiếp nối thành công của các hoạt động đã nêu ở trên, hôm nay, tại thành phố mang tên Bác, được sự phối hợp và giúp đỡ của Thành ủy, UBND, Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc Văn học, nghệ thuật với đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng.

   Thường trực Hội đồng và Ban Tổ chức Hội thảo xin trân trọng cảm ơn đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương trong suốt thời gian qua đã quan tâm chỉ đạo các công việc chuẩn bị cho cuộc Hội thảo này. Trân trọng cảm ơn Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và các ban, ngành, cơ quan của Thành phố đã phối hợp, giúp đỡ để tổ chức Hội thảo.

   Nồng nhiệt chào đón các đồng chí đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan văn hóa, văn nghệ trung ương và địa phương; các nhà khoa học, các nhà quản lý văn học, nghệ thuật và các văn nghệ sĩ từ khắp mọi miền của Tổ quốc đã về dự Hội thảo!

   Tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc Văn học, nghệ thuật với đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng là dịp để chúng ta cùng nhìn nhận, đánh giá về sự lãnh đạo, định hướng, khích lệ của Đảng, Nhà nước đối với văn học, nghệ thuật nước nhà, nhất là mảng đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng; xác định rõ hơn vị trí, vai trò, đóng góp của văn học, nghệ thuật đối với việc nắm bắt, phản ánh, lan tỏa các giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc được hun đúc, ngời sáng trong các cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân ta, quân đội ta, các lực lượng vũ trang ta. Cuộc Hội thảo này càng có ý nghĩa do được tổ chức trong thời điểm toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đang náo nức, tự hào kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước; 70 năm cả dân tộc viết nên “thiên sử vàng” Điện Biên Phủ và 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng; khi Đảng ta vừa hoàn thành tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới; đang triển khai từng bước việc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và hướng tới kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước ta trong năm 2025. Hội thảo được tổ chức ở “Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng” đã cùng Nam Bộ thành đồng Tổ quốc “đi trước về sau” trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ xâm lược, từng lập nên những chiến công hiển hách hôm qua, và hôm nay đang vươn dậy mạnh mẽ trong công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

   Quá trình đấu tranh cách mạng từ khi Đảng ta ra đời, nhất là quá trình xây dựng, rèn luyện, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và cả dân tộc VQuân đội nhân dân, Công an nhân dân và cả dân tộc Việt Nam anh hùng qua các cuộc chiến tranh cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đã để lại bao trang sử, bao tên đất, tên người rạng rỡ đến muôn sau. Những sự kiện, nhân vật, sự tích quý giá đó không chỉ được lưu giữ trong những thiên lịch sử oai hùng, tái hiện ở các nhà bảo tàng, các di tích lịch sử-văn hóa nổi tiếng mà còn được khắc họa, tái hiện bằng ngôn ngữ và hình tượng văn học, nghệ thuật đặc sắc, lôi cuốn, giúp chúng ta thấu hiểu sâu sắc hơn về quá khứ hào hùng; khơi dậy tình cảm, tâm hồn, tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc; giáo dục, nhắc nhớ mọi người, nhất là thế hệ trẻ, biết trân trọng quá khứ, ghi nhớ công lao trời biển của thế hệ cha, ông đi trước, từ đó xây dựng đất nước ngày càng tươi đẹp hơn.iệt Nam anh hùng qua các cuộc chiến tranh cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đã để lại bao trang sử, bao tên đất, tên người rạng rỡ đến muôn sau. Những sự kiện, nhân vật, sự tích quý giá đó không chỉ được lưu giữ trong những thiên lịch sử oai hùng, tái hiện ở các nhà bảo tàng, các di tích lịch sử-văn hóa nổi tiếng mà còn được khắc họa, tái hiện bằng ngôn ngữ và hình tượng văn học, nghệ thuật đặc sắc, lôi cuốn, giúp chúng ta thấu hiểu sâu sắc hơn về quá khứ hào hùng; khơi dậy tình cảm, tâm hồn, tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc; giáo dục, nhắc nhớ mọi người, nhất là thế hệ trẻ, biết trân trọng quá khứ, ghi nhớ công lao trời biển của thế hệ cha, ông đi trước, từ đó xây dựng đất nước ngày càng tươi đẹp hơn.

   Trong lịch sử phát triển của văn học, nghệ thuật Việt Nam thời hiện đại, đề tài về lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng luôn chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng. Sự ra đời và phát triển của mảng văn học, nghệ thuật tiêu biểu và xuyên suốt này đã góp phần làm phong phú thêm nền văn học, nghệ thuật của dân tộc, góp phần vào việc nâng cao nhận thức, tư tưởng, tình cảm của nhân dân ta, cả người Việt Nam và người có nguồn cội Việt Nam ở nước ngoài. Đây là một chủ đề không chỉ mang tính sử thi hào hùng mà còn chứa đựng giá trị nhân văn, nhân bản sâu sắc, phản ánh chiều sâu và tầm cao tinh thần, ý chí, bản lĩnh, trí tuệ của dân tộc, truyền cảm hứng cho mọi giới, mọi người, mọi nhà.

   Gần 80 năm trước, đội ngũ những người làm công tác văn hóa, văn nghệ thế hệ Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã ngập tràn niềm vui và hạnh phúc trước sự đổi vận, đổi đời của dân tộc, của nhân dân và của chính họ. Họ đồng cam cộng khổ, gắn bó bền chặt với đời sống công, nông, binh; khám phá, ngợi ca và góp phần nhân lên niềm tin, sức mạnh, ý chí quyết chiến, quyết thắng của cả dân tộc. Những văn nghệ sĩ tiêu biểu thời đó như Tố Hữu, Huy Cận, Xuân Diệu, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi, Nguyên Hồng, Ngô Tất Tố, Nam Cao, Chế Lan Viên, Nguyễn Văn Bổng, Nông Quốc Chấn, Thế Lữ, Văn Cao, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Tô Ngọc Vân, Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Bá Khoản, Võ An Ninh, Nguyễn Thế Đoàn… Nhiều người đã anh dũng hi sinh như Nam Cao, Trần Đăng, Trần Mai Ninh, Thôi Hữu, Tô Ngọc Vân…

   Hình tượng nghệ thuật đẹp nhất thời đó là anh Vệ quốc quân, là Bộ đội Cụ Hồ: “Anh đi bộ đội sao trên mũ/ Mãi mãi là sao sáng dẫn đường...”, “Rất đẹp hình anh lúc nắng chiều/ Bóng dài lên đỉnh dốc cheo leo/ Núi không đè nổi vai vươn tới/ Lá ngụy trang reo với gió đèo”...

   Sau chín năm trường kỳ kháng chiến chống Pháp xâm lược, với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, dân tộc ta lại bước vào cuộc trường chinh gần hai mươi năm “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lại”. Thời kỳ chống Mĩ xâm lược, đội ngũ văn nghệ sĩ của ta trưởng thành về mọi mặt với những tên tuổi lớn. Nền văn học, nghệ thuật của ta có bước phát triển mạnh mẽ về đội ngũ, không gian, cảm hứng, điều kiện sáng tạo, hiện thực đời sống và công chúng của chính nền văn nghệ cách mạng vẻ vang đó. Trong các tác phẩm văn học, nghệ thuật về đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng, đội ngũ văn nghệ sĩ đã vượt lên trên mức độ của những ghi chép lịch sử thông thường để phản chiếu hiện thực lịch sử và đời sống xã hội bằng cảm nhận, cảm xúc, tài năng và lòng yêu nước của mình.

   Dù đã gần 50 năm chúng ta được sống trong không khí hòa bình, thống nhất, đổi mới và phát triển nhưng đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng vẫn luôn là dòng chảy mạnh mẽ, thao thiết, thôi thúc các thế hệ văn nghệ sĩ trong và ngoài quân đội say mê khám phá, sáng tạo. Số lượng tác phẩm văn học, nghệ thuật ra mắt công chúng trong những năm qua; chất lượng, sức lan tỏa các giải thưởng văn học, nghệ thuật cho thấy đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng vẫn là “mảnh đất” thu hút mạnh mẽ sự sáng tạo của văn nghệ sĩ, là khoảng trời nghệ thuật hấp dẫn đối với công chúng. Dù không còn giữ vị trí chủ lưu như trong giai đoạn văn nghệ 1945-1975 nhưng dòng văn học, nghệ thuật về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng vẫn luôn là dòng chảy quan trọng hàng đầu, có sức định hướng và lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống văn nghệ nước nhà. Dòng văn nghệ đó luôn nhận được sự quan tâm của các thế hệ văn nghệ sĩ, giới nghiên cứu lý luận - phê bình và đông đảo công chúng trên cả nước.

   Trong giai đoạn hiện nay, khi đất nước ta đang trên đà hội nhập quốc tế sâu rộng, mạnh mẽ, bên cạnh những nỗ lực và thành tựu quan trọng, vẫn có một thực tế không vui vì “một số văn nghệ sĩ còn hạn chế trong tiếp cận và nhận thức những vấn đề mới của cuộc sống”, “có biểu hiện xa lánh những vấn đề lớn lao của đất nước, chạy theo các đề tài nhỏ nhặt, tầm thường, chiều theo thị hiếu thấp kém của một bộ phận công chúng, hạ thấp chức năng giáo dục, nhấn mạnh một chiều chức năng giải trí. Trong một số trường hợp, có biểu hiện cực đoan, chỉ tập trung tô đậm mặt đen tối, tiêu cực của cuộc sống hiện tại, thậm chí xuyên tạc, bóp méo lịch sử hoặc bị các thế lực thù địch lôi kéo, đã sáng tác và truyền bá các tác phẩm độc hại, đi ngược lại với lợi ích của nhân dân và đất nước” như Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị đã chỉ ra và nhắc nhở. Do đó, việc tiếp tục nhìn nhận, đánh giá khách quan, toàn diện, sâu sắc thực trạng phát triển, vai trò và những đóng góp quan trọng của mảng văn học, nghệ thuật về đề tài về lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng là rất cần thiết, rất cấp thiết. Thực hiện công việc này, chúng ta góp phần giáo dục tinh thần yêu nước, hình thành nhận thức và thái độ tích cực, đúng đắn cho đông đảo công chúng, nhất là thế hệ trẻ, đối với lịch sử và truyền thống anh hùng của dân tộc, khơi dậy, phát huy mạnh mẽ những giá trị văn hóa, tinh thần mang đậm bản sắc Việt Nam. Bằng cảm hứng, thái độ, tài năng và trách nhiệm của người nghệ sĩ, qua tác phẩm văn học, nghệ thuật, công chúng thêm nhiều lần được hòa mình trong những tác phẩm văn học, nghệ thuật lôi cuốn; được đắm chìm trong những trang văn, câu thơ, thước phim, màn kịch, bản nhạc, bức tranh, bức ảnh, điệu múa, không gian kiến trúc… phản ánh sinh động mọi mặt của cuộc sống, tìm về quá khứ, trải nghiệm thực tại, hướng tới tương lai, để mỗi chúng ta cảm nhận, trân quý giá trị của máu xương, mồ hôi, nước mắt mà lớp lớp cha anh đã dâng hiến, góp phần xây dựng, vun đắp nền độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất, dân chủ, chủ nghĩa xã hội.

   Để bám sát chủ đề Hội thảo, đánh giá đầy đủ, khoa học, khách quan, toàn diện về thực trạng phát triển của mảng văn học, nghệ thuật về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng; tác động của nó đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay, mai sau, Ban Tổ chức Hội thảo mong muốn và đề nghị các nhà khoa học, các văn nghệ sĩ, các quý vị đại biểu tập trung trao đổi, bàn thảo mấy nhóm vấn đề sau:

   Thứ nhất, đánh giá thực trạng của văn học, nghệ thuật trong việc phản ánh truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta và quân đội ta trong 80 năm qua, nhất là mảng đề tài về lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng. Sau năm 1975, đúng hơn là sau hai cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc thập niên bảy mươi, tám mươi thế kỷ XX, mảng đề tài này tiếp tục được nhìn nhận, đánh giá và thể hiện như thế nào.

   Thứ hai, phân tích, đánh giá thực trạng văn học, nghệ thuật khắc họa tầm vóc, ý nghĩa chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ ở thời điểm 70 năm trước và những năm sau; quá trình hình thành và phát triển của hình tượng Bộ đội Cụ Hồ, hình tượng nhân dân anh hùng từ khi thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân cuối năm 1944, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng cho đến hôm nay.

   Thứ ba, phân tích, đánh giá thực trạng, vai trò của văn học, nghệ thuật cách mạng trong việc phản ánh hiện thực đời sống thời chiến tranh và thời hậu chiến, những đổi mới trong quan điểm, tư duy, bút pháp của các văn nghệ sĩ.

   Thứ tư, đánh giá vai trò của các nhà văn, nghệ sĩ trong việc khắc họa hình tượng Bộ đội Cụ Hồ, hình tượng Công an nhân dân và các lực lượng vũ trang qua các thời kỳ cách mạng. Đi sâu vào đội ngũ tác giả; thể loại tác phẩm; nội dung và nghệ thuật tác phẩm; chính sách, cơ chế, điều kiện, nguồn lực để khích lệ, cổ vũ sáng tác về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng.

   Thứ năm, phân tích ảnh hưởng của các yếu tố văn hóa - xã hội đến sự hình thành và phát triển của đội ngũ sáng tạo và tác phẩm văn học, nghệ thuật về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng, từ đó làm rõ hơn bối cảnh lịch sử, những thách thức cũng như cơ hội mà các nhà văn, nghệ sĩ phải đối mặt trong quá trình sáng tạo, trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của các tác phẩm văn học, nghệ thuật hôm nay và mai sau.

   Thứ sáu, đánh giá quá trình vận động và phát triển tư duy lý luận của Đảng và Nhà nước ta trong chỉ đạo, định hướng, khích lệ dòng văn học, nghệ thuật về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng.

   Thứ bảy, đề xuất các hướng đi, cách làm trong nghiên cứu, giảng dạy, phê bình và tiếp nhận giá trị các tác phẩm văn học, nghệ thuật về chủ đề này ở các nhà trường, viện nghiên cứu, các cơ sở giáo dục và đào tạo.

   Tổ chức cuộc Hội thảo khoa học tầm vóc quốc gia, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương mong muốn huy động được tâm sức, trí tuệ, trách nhiệm và sự đóng góp của giới nghiên cứu, phê bình văn hóa, văn nghệ nhằm bổ sung hệ thống luận cứ khoa học và thực tiễn, từ đó, tư vấn cho Đảng, Nhà nước tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo và có những quyết sách đúng đắn, kịp thời để phát triển nền văn hóa, văn nghệ nước nhà tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, dân chủ, khoa học, nhân văn; phát huy vai trò định hướng của lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trong hoạt động thực tiễn.

   Chủ đề của Hội thảo là sự tập hợp, tiếp thu ý kiến của các đồng chí Lãnh đạo và Ủy viên Hội đồng qua các thời kỳ; của các nhà quản lý, các nhà khoa học; được Ban Bí thư và Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương đồng tình và khích lệ. Đến thời điểm này, Ban Tổ chức đã nhận được 126 tham luận tập trung vào các vấn đề mà Hội thảo nêu ra. Số lượng và chất lượng các tham luận chứng tỏ cuộc Hội thảo quan trọng này đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của đông đảo các nhà khoa học và văn nghệ sĩ trong cả nước.

   Để hội thảo đạt được mục tiêu, kết quả thiết thực, tận dụng tối đa thời gian hữu ích, đề nghị các đồng chí và quý vị khi tham luận nên tập trung cho những nội dung chính, quan trọng.

   Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương và Ban tổ chức Hội thảo một lần nữa trân trọng cảm ơn đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương; trân trọng cảm ơn Thành ủy, Ủy ban nhân dân, Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và các đơn vị hữu quan của Thành phố; trân trọng cảm ơn các đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương và các địa phương, các nhà lý luận, phê bình văn hóa, văn nghệ và các văn nghệ sĩ đã tham dự, góp phần vào thành công của Hội thảo.

 

 

 

Chú thích:
1 Chỉ tính riêng tháng 4/2024, Hội đồng đã tổ chức thành công 2 lớp bồi dưỡng cho 215 cây bút lý luận, phê bình VHNT trẻ ở 2 khu vực Nam và Bắc. Trong số học viên tham gia lớp bồi dưỡng có 11 PGS, 107 Tiến sĩ, 93 Thạc sĩ, 4 Cử nhân.
2 PGS, TS Anatoly Sokolov, Chuyên viên cao cấp Viện Nghiên cứu Phương Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, Moscow.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận