HỘI ĐỒNG LÝ LUẬN, PHÊ BÌNH VĂN HỌC, NGHỆ THUẬT TRUNG ƯƠNG KHẢO SÁT TÌNH HÌNH ĐÀO TẠO ĐỘI NGŨ SÁNG TÁC, LÝ LUẬN, PHÊ BÌNH VĂN HỌC, NGHỆ THUẬT VÀ GIÁO DỤC THẨM MĨ TẠI CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC ĐA NGÀNH Ở TP. HỒ CHÍ MINH

Chiều ngày 8/4, tại Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra buổi làm việc giữa Đoàn khảo sát của Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương và Nhà trường về chủ đề 'Đào tạo đội ngũ sáng tác, lý luận phê bình văn học, nghệ thuật và giáo dục thẩm mĩ tại các trường đại học đa ngành ở Thành phố Hồ Chí Minh'.

 

Đoàn khảo sát của Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương gồm: TS Bùi Thế Đức – nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương – làm Trưởng đoàn.

Chương trình cũng có sự góp mặt của các khách mời đến từ Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh: Nhà văn Trịnh Bích Ngân – Ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh; PGS, TS Võ Văn Nhơn – Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình, Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh; TS Phạm Thị Như Thuý – Ủy viên chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh.  

Về phía đại diện Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh có PGS, TS Dương Thị Hồng Hiếu – Trưởng phòng Đào tạo; TS Lâm Thanh Minh – Trưởng phòng Công tác chính trị - học sinh - sinh viên; TS Huỳnh Trung Phong – Giám đốc Trung tâm Truyền thông - Hỗ trợ sinh viên và Phát triển khởi nghiệp.

Về phía Khoa Ngữ văn có Chi ủy, Ban Chủ nhiệm Khoa, toàn thể giảng viên cùng các nghiên cứu sinh, học viên cao học, sinh viên của Khoa.

Phát biểu khai mạc chương trình, TS Bùi Thế Đức nhấn mạnh về tầm quan trọng của văn hóa, văn học, nghệ thuật trong sự phát triển của đất nước và sự cần thiết của việc đào tạo đội ngũ những người làm công tác sáng tác, lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật và công tác giáo dục thẩm mĩ cho thanh niên, đặc biệt là sinh viên đại học trong các trường thuộc khối ngành nhân văn và nghệ thuật. Ông đánh giá cao vai trò của Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh trong việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.

TS Bùi Thế Đức – nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phát biểu khai mạc chương trình.

PGS, TS Dương Thị Hồng Hiếu – Trưởng phòng Đào tạo chia sẻ, hiện nay, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh là một trong hai trường đại học sư phạm trọng điểm của cả nước. Với giá trị cốt lõi “Chất lượng – Sáng tạo – Nhân văn”, trong suốt quá trình xây dựng, trưởng thành, Trường đã có đóng góp rất lớn, phục vụ cho sự nghiệp giáo dục và phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh thành phía Nam và cả nước.

Khoa Ngữ văn được thành lập cùng thời điểm thành lập Trường vào năm 1976. Từ đó đến nay, Khoa Ngữ văn luôn là một trong những đơn vị đào tạo lớn mạnh, điển hình và đi đầu của Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Đội ngũ của Khoa gồm 38 giảng viên, 04 chuyên viên; đang đào tạo đại học các chuyên ngành: Sư phạm Ngữ văn, Văn học, Việt Nam học, Tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam; đào tạo thạc sĩ có bốn chuyên ngành: Văn học Việt Nam, Văn học nước ngoài, Lý luận văn học, Ngôn ngữ học; đào tạo tiến sĩ có ba chuyên ngành: Ngôn ngữ học, Văn học Việt Nam và Văn học nước ngoài.

Quang cảnh buổi làm việc

Tại buổi làm việc, các đại biểu và người tham dự đã chia sẻ về những đóng góp của Khoa trong công tác đào tạo đội ngũ nghiên cứu, lý luận, phê bình ở khu vực phía Nam và các địa phương khác; đặc biệt tập trung vào các giải pháp tích hợp giáo dục thẩm mĩ trong chương trình đào tạo của Khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và các trường đại học hiện nay nói chung.

Buổi tọa đàm cho thấy hướng giảng dạy, nghiên cứu văn học truyền thống và văn học hiện đại từ góc độ thẩm mĩ đã và đang được chú trọng, thể hiện trong ngôn ngữ văn chương, mối quan hệ giữa con người và môi trường sinh thái cũng như trong nhận thức và ứng xử với giá trị văn hóa của dân tộc và nhân loại. Nhiều ý kiến có sự gặp gỡ trong việc đề xuất các nội dung, phương pháp cụ thể như tích hợp dạy học và giáo dục thẩm mĩ trong chương trình và học phần, cũng như tổ chức các hoạt động trải nghiệm văn học, tổ chức các toạ đàm, hội thảo khoa học, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng giảng dạy, cùng việc nghiên cứu văn học theo định hướng giáo dục văn hoá và thẩm mĩ...

Sau hơn ba giờ thảo luận sôi nổi, thay mặt Đoàn khảo sát, PGS, TS Phạm Xuân Thạch đã tổng kết những nội dung được trao đổi trong chương trình, ghi nhận sự tham gia tích cực của tất cả các bên liên quan trong việc góp phần đưa ra những giải pháp cụ thể và hiệu quả đối với chủ đề trao đổi. Thay mặt cho Khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, PGS, TS Bùi Thanh Truyền cũng nhấn mạnh giáo dục thẩm mĩ cần được tích hợp rõ ràng hơn trong chương trình đào tạo. Ông cho rằng, đây là cơ hội để Khoa và Nhà trường nhìn nhận lại những việc đã làm được và những thách thức còn phía trước.

Những trao đổi được nêu ra và bàn thảo trong tọa đàm phản ánh sự quan tâm của Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đến việc phát triển lĩnh vực văn học, nghệ thuật và giáo dục thẩm mĩ cũng như vai trò của các trường đại học trong việc đào tạo những người viết văn có chuyên môn về lý luận, phê bình và năng lực thẩm mĩ.

Một số hình ảnh tại chương trình:

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận