HỘI ĐỒNG LÝ LUẬN, PHÊ BÌNH VĂN HỌC, NGHỆ THUẬT TRUNG ƯƠNG TỔ CHỨC KHẢO SÁT THỰC TẾ VÀ TOẠ ĐÀM KHOA HỌC TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Trong các ngày 8-9/4/2024, được sự đồng ý của Ban Tuyên giáo Trung ương, triển khai kế hoạch công tác năm 2024, đoàn công tác của Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương do TS Bùi Thế Đức, Phó Chủ tịch Hội đồng, nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương làm Trưởng đoàn, đã tiến hành khảo sát khoa học tại các trường đại học khu vực Thành phố Hồ Chí Minh.

 

   Trong các ngày 8-9/4/2024, được sự đồng ý của Ban Tuyên giáo Trung ương, triển khai kế hoạch công tác năm 2024, đoàn công tác của Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương do TS Bùi Thế Đức, Phó Chủ tịch Hội đồng, nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương làm Trưởng đoàn, đã tiến hành khảo sát khoa học tại các trường đại học khu vực Thành phố Hồ Chí Minh. Nội dung công tác của đoàn khảo sát tập trung vào chủ đề Đào tạo đội ngũ sáng tác, lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật và giáo dục thảm mĩ trong các trường đại học ở Thành phố Hồ Chí Minh. Tham gia đoàn khảo sát có các thành viên Tiểu ban Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật và Nhà trường. Trong hai ngày, Đoàn đã trao đổi về nội dung cuộc khảo sát với đại diện Ban Giám hiệu, các phòng chức năng và khoa chuyên môn của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh; Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh - các cơ sở đào tạo hàng đầu tại Thành phố Hồ Chí Minh trong lĩnh vực khoa học xã hội, nhân văn, sư phạm và nghệ thuật. 

Đoàn công tác của Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương và đại biểu  chụp ảnh lưu niệm tại Tọa đàm khoa học

   Tại các buổi làm việc, thành viên của các cơ sở đào tạo đại học đã cung cấp cho Đoàn những thông tin toàn diện, đầy đủ và phong phú về công tác đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực sáng tác, lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật và giáo dục thẩm mĩ cho sinh viên trong nhà trường; chương trình đào tạo; chất lượng đào tạo; các yếu tổ đảm bảo chất lượng cũng như những vấn đề đặt ra từ thực tiễn. Đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Cả ba trường đại học đều đã tham gia tích cực vào việc đào tạo người làm công tác sáng tác, phê bình văn học, nghệ thuật trong các lĩnh vực văn học, điện ảnh, sân khấu. Ngay cả Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, bên cạnh nhiệm vụ chính là đào tạo giáo viên cho hệ thống giáo dục phổ thông, trường cũng có chương trình Cử nhân Ngữ văn với định hướng đào tạo sinh viên có thể tham gia các vị trí việc làm ngoài nhà trường phổ thông. Vấn đề giáo dục thẩm mĩ cho sinh viên đều được các trường hết sức quan tâm với các học phần được thiết kế riêng cho sinh viên thuộc các chương trình đào tạo khác nhau. Tuy vậy, hiện nay, các cơ sở giáo dục công lập cũng đang gặp phải những khó khăn về nhân lực, về sức ép của những nội dung kiến thức mới trong tổng thời lượng đào tạo, dẫn đến thiếu thời gian cho các môn liên quan đến giáo dục thẩm mĩ; những khó khăn về việc mời giảng viên thỉnh giảng cho các môn giáo dục nghệ thuật và những khó khăn về kinh phí cho những học phần đặc biệt này. Những thông tin nói trên được các thành viên của Đoàn và các trường trao đổi, phân tích từ nhiều góc độ.

   Tiếp nối hoạt động khảo sát, ngày 10/4/2024, tại Hội trường Nhà khách khu vực phía Nam của Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã tổ chức Toạ đàm khoa học Giáo dục thẩm mĩ trong hệ thống giáo dục đại học - Những vấn đề lý luận và thực tiễn, với sự chủ trì của TS Bùi Thế Đức, Phó Chủ tịch Hội đồng, nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, PGS, TS Đoàn Lê Giang và PGS, TS Phạm Xuân Thạch.

   Toạ đàm đã thu hút được sự tham gia của hơn 30 nhà khoa học đến từ Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học quốc gia TP Hồ Chí Minh; Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh; Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh; Trường Đại học FPT; Trường Đại học Văn Lang; Trường Đại học Văn Hiến; Trường Đại học Hồng Bàng… Toạ đàm đã nhận được 24 báo cáo khoa học của các nhà giáo, nhà nghiên cứu, nhà quản lý văn hoá, văn nghệ từ nhiều đơn vị khác nhau. 

   Trong hai phiên làm việc, các vấn đề quan trọng của giáo dục nghệ thuật trong hệ thống giáo dục đại học, như: vị trí, vai trò, bản chất của giáo dục thẩm mĩ; các vấn đề về xây dựng chương trình, đảm bảo chất lượng, phương pháp giảng dạy và triển khai giảng dạy trong thực tế; những mô hình quốc tế có thể tham khảo cũng như những kiến nghị với các cơ quan cấp trên để nâng cao chất lượng giáo dục thẩm mĩ trong hệ thống đại học... được các đại biểu trao đổi thẳng thắn, trách nhiệm và tâm huyết. Dưới ánh sáng những Nghị quyết của Đảng về văn hoá và văn học, nghệ thuật, định hướng xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện về trình độ học vấn, kiến thức văn hoá, kỹ năng nghề nghiệp, văn hoá sống và thể lực đã trở thành một định hướng xuyên suốt trong sự nghiệp phát triển bền vững đất nước. Trong bối cảnh đó, vấn đề giáo dục thẩm mĩ cho thanh niên và đặc biệt là sinh viên đại học ngày càng được nhận thức một cách sâu sắc. Trong hệ thống đại học, nhiều học phần về mĩ học, cảm thụ nghệ thuật, giáo dục nghệ thuật… hướng tới giáo dục thẩm mĩ cho người học đã được xây dựng và tích hợp vào chương trình đào tạo. Trong cả các trường đại học công lập và ngoài công lập, vấn đề giáo dục thẩm mĩ đều được triển khai với nhiều hình thức phong phú, sinh động, hiệu quả, hấp dẫn với người học mà điển hình là việc kết nối sinh viên trực tiếp với đời sống nghệ thuật và giới nghệ sĩ, giúp sinh viên có quan điểm với những hiện tượng rất đa dạng của đời sống văn hoá, nghệ thuật. Điều đặc biệt, qua kinh nghiệm của nhiều nhà giáo, nhà nghiên cứu, hoạt động giáo dục thẩm mĩ còn đặc biệt có hiệu quả khi kết nối được với các hoạt động giáo dục về di sản, đặc biệt là di sản văn hoá, nghệ thuật truyền thống của dân tộc Việt Nam. Bên cạnh đó, nhiều mô hình độc đáo của giáo dục thẩm mĩ từ các nước Đông Á, châu Âu cũng đã được nghiên cứu một cách nghiêm túc, chắt lọc những nội dung phù hợp để có thể áp dụng vào chương trình đào tạo đại học ở Việt Nam. Tuy vậy, hiện nay công tác giáo dục thẩm mĩ cho sinh viên cũng đang gặp phải một số vấn đề. Do sức ép của thị trường lao động và đòi hỏi tinh giản chương trình giáo dục ở bậc đại học, thời lượng dành cho giáo dục thẩm mĩ liên tục bị rút gọn; khả năng phổ biến cho sinh viên tại các ngành học ngoài khối khoa học xã hội và nhân văn, nghệ thuật cũng có những khó khăn nhất định. Sinh viên hiện nay cũng chịu sức ép rất lớn của những khuynh hướng nghệ thuật đại chúng với không ít biểu hiện dung tục, xấu, độc từ môi trường mạng xã hội. Những vấn đề về cơ chế cũng khiến nhiều hoạt động giáo dục thẩm mĩ đòi hỏi có nguồn kinh phí đặc biệt cũng khó có thể triển khai được trong hệ thống giáo dục đại học công lập. Đó là chưa kể tới tình trạng trong khi giáo dục thẩm mĩ đã trở thành một bộ phận rất quan trọng trong giáo dục phổ thông thì chương trình giáo dục đại học vẫn chưa có những thay đổi quyết liệt để tạo tính liên thông, tương thích giữa hai hệ thống giáo dục. Điều đó thậm chí dẫn đến tình trạng nguồn nhân lực thực hiện giáo dục thẩm mĩ ở bậc phổ thông bị thiếu, thậm chí có nơi thiếu trầm trọng. Tất cả những vấn đề trên đòi hỏi một sự vào cuộc quyết liệt của không chỉ các đơn vị đào tạo mà cả hệ thống giáo dục, đặc biệt là các cơ quan quản lý nhà nước để tạo một cơ chế thuận lợi thực hiện công tác hết sức đặc thù này.  

   Những thông tin khoa học có giá trị từ cuộc khảo sát và tọa đàm này sẽ là cơ sở thực tiễn quan trọng của các luận cứ khoa học để Hội đồng tư vấn với Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Bí thư trong việc xây dựng chính sách cũng như chuẩn bị các nội dung liên quan đến văn học, nghệ thuật trong Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 2026. 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận