ĐỀ TÀI MIỀN NÚI VÀ DÂN TỘC TRONG TẬP THƠ ''HÁT TỪ PHAN XI PĂNG'' CỦA LÊ TUẤN LỘC

Bài viết giới thiệu hình ảnh miền núi và dân tộc thiểu số trong tập thơ ''Hát từ Phan Xi Păng'' của nhà thơ Lê Tuấn Lộc. Từ đó khẳng định tình yêu của ông dành cho thiên nhiên và bản sắc văn hóa của người dân tộc thiểu số.

 

   Nhà thơ Lê Tuấn Lộc (bút danh Lê Vũ Hạnh Phúc) quê gốc vùng đồng bằng Bắc Trung Bộ. Số phận đã sắp đặt ông trở thành Tiến sĩ Công nghệ mỏ để hầu như gần cả cuộc đời ông gắn bó với núi rừng, với những vỉa quặng và đồng bào dân tộc vùng cao, từ đó tạo nên “cái tạng trong thơ” (từ dùng của nhà thơ Bằng Việt) viết về miền núi và dân tộc thiểu số.

   Trong tài sản thơ gần 20 tập của ông đã xuất bản thì có đến 2/3 số tập có chủ đề liên quan đến miền núi và dân tộc. Những tập khác dù không thuộc chủ đề này thì những bài viết về miền núi và dân tộc thiểu số cũng chiếm số lượng đáng kể.

   Nhà thơ Lê Tuấn Lộc với xuất phát điểm từ hai không gian văn hóa: thứ nhất là quê hương Xứ Thanh – vùng đất “địa linh nhân kiệt”, giàu truyền thống lịch sử, cách mạng; thứ hai là miền núi, vùng dân tộc thiểu số – nơi thiên nhiên tươi đẹp, con người chân chất, thật thà và một kho tàng khổng lồ về văn hóa, văn học, nghệ thuật các tộc người. Một người đến từ hai không gian ấy, bằng lao động nghệ thuật bền bỉ đã chinh phục được đỉnh cao đó ở lĩnh vực thi ca như là lẽ đương nhiên.

   Cách đây 25 năm, tôi được biết nhà thơ Lê Tuấn Lộc khi được phân công biên tập bản thảo Thợ mỏ gặp nhau của ông, xuất bản ở NXB Văn hóa dân tộc. Và sau đó là nhiều tập thơ nữa của ông: Cây mỗi hoa mỗi quả, Người núi người phố, Không tin về Hà Nội mà coi, Như rừng hoa Tà Phình, đặc biệt là tập Hát từ Phan Xi Păng – tuyển các bài thơ viết về đề tài miền núi và dân tộc thiểu số. Chúng tôi cũng đã có dịp được dự những buổi giao lưu thơ với công nhân và bà con dân tộc thiểu số ở vùng mỏ thiếc Sơn Dương do ông tổ chức.

   Tập thơ Hát từ Phan Xi Păng mới xuất bản, gồm 14 chương/ khúc sắp xếp theo thời gian, gần như tổng kết các sáng tác thơ của Lê Tuấn Lộc. Phan Xi Păng - nóc nhà Đông Dương, một đỉnh cao là niềm mơ ước chinh phục của nhiều người (cả nghĩa đen và nghĩa bóng), đã được nhà thơ Lê Tuấn Lộc chọn đặt cho tuyển tập thơ của ông.

   Có thể nói, lợi thế của ngành địa chất là được đi nhiều nơi, được thực tế trải nghiệm ở nhiều vùng đất đã làm nên sự thành công trong thơ Lê Tuấn Lộc. Miền núi và dân tộc trong thơ ông là những phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, như: rừng thông, hoa lau màu biên cương, phong lan Sa Pa, núi đôi Quản Bạ, ánh trăng trên sông Bằng Giang, sương mù ở Phia Khao, Tây Trang mùa hoa cúc quỳ, ruộng bậc thang, đường lên cổng trời, thung lũng trong mưa...; là những phong tục tập quán của đồng bào thiểu số đậm chất nhân văn, như: mùa kéo vợ, tằng cẩu, đám cưới chị dâu, lễ trưởng thành cho thiếu nữ Chăm Bà Ni, bản Cống của em Tết Hoa...; cũng có khi là những cảnh buồn vui trong cuộc sống đời thường, như: thăm người Nùng bị nạn, ở bản người Dao, cái chết của người Cao Lan, áo mới cô tặng, vợ chồng thợ mỏ... Bằng ngôn từ bình dị gần với lời ăn tiếng nói đời thường và cảm quan của người dân tộc thiểu số, thơ ông mang lại cho người đọc những cảm xúc, những phát hiện mới lạ, như: người núi - người phố, đi họp tỉnh, bóng áo chàm trên đường Hà Nội, tiệc đứng... 

   Trong tập thơ này, tôi rất ấn tượng với bài Người dân tộc tự khai (Khúc VIII). - Phải là người gắn bó “gan ruột” với bà con và thấu hiểu phong tục tập quán các dân tộc thế nào mới có thể chắt lọc được bản tự khai này với đầy đủ những nét đặc trưng về văn hóa các tộc người:

   - Con trai người Tày khai rằng: “Quen mặc áo màu chàm/ Thích ở nhà ven suối/ Mùa thu thích ăn cốm/ Mùa xuân thích hát then, xem hội Lùng tùng...”.

   - Con gái Hmông khai lý lịch: “Thích ăn mèn mén/ Thích uống rượu Sán Lùng/ Bố tôi kéo mẹ tôi về làm vợ...”.

   - Con gái Thái kể: “Thích ăn xôi nếp nương/ Thích uống nước suối/ Thích ở nhà sàn gỗ trắc...”.

   - Đàn ông Ba Na kể: “Chỉ thích đến nhà rông/ Đi rẫy đeo gùi/ Mẹ chết dựng nhà mồ...”.

   - Con trai người Chăm khai lý lịch: “Thích đi hội Katê/ Thích đánh trống Paranưng/ Tin theo Đảng Cộng sản...”.

   - Con gái người Pu Péo kể: “Mình ở xa lắm tận Hà Giang/ Ruộng bậc thang nhiều như lá rừng/ Đi ngựa/ Ở nhà sàn/ Ăn ngô đồ/ Uống rượu bằng bát/ Ba mươi Tết có lễ gọi hồn...”.

   - Con gái Phù Lá tâm sự: “Người Phù Lá đến xứ này ba trăm năm rồi/ Ăn cơm tẻ/ Mặc áo hoa/ Uống rượu ngô/ Đi chơi bằng ngựa /Lên nương bằng ngựa...”.

   - Con trai Pà Thẻn tâm sự: “Thích trồng lúa, đi săn/ Con trai thích uống rượu/ Con gái thích dệt thổ cẩm/ Cùng họ không lấy nhau được...”.


Nhà thơ Hữu Thỉnh, nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, nguyên chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, phát biểu tại lễ ra mắt tập thơ Hát từ Phan Xi Păng

   Văn hóa tộc người là một lĩnh vực rộng lớn. Nghiên cứu về văn hóa tộc người là việc không hề dễ dàng. Chuyển tải các đặc trưng về văn hóa tộc người qua ngôn ngữ thơ lại càng khó, làm sao vừa đảm bảo tính chính xác của khoa học vừa đảm bảo tính nghệ thuật của sự sắp đặt ngôn từ. Cái tài của nhà thơ Lê Tuấn Lộc là ông đã phát huy, sử dụng vốn tri thức văn hóa tộc người đưa vào thơ một cách sống động. Ở đây ngoài vai trò nhà thơ, ông còn là nhà dân tộc học với trách nhiệm bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống. 

   Còn rất nhiều bài nữa, mỗi bài một vẻ góp phần làm nên thành quả và “cái tạng riêng” của thơ Lê Tuấn Lộc. 

   Hát từ Phan Xi Păng, với 14 chương/ khúc, gần 200 bài thơ, mỗi bài là một câu chuyện về quê hương, đất nước, con người; về nét đẹp văn hóa các dân tộc Việt Nam. Suốt nhiều năm nay ông cần mẫn thủ thỉ kể những câu chuyện đẹp để góp phần tưới mát tâm hồn bạn đọc với thông điệp: “Mỗi chúng ta hãy trân trọng những điều mình đang có; hãy sống chậm lại để cảm nhận những điều giản dị, để yêu lấy những khoảnh khắc đời thường”. Chúc bút lực ông mãi dồi dào để có thêm nhiều vần thơ mới tri ân tới vùng đất, con người miền núi, dân tộc thiểu số - nguồn nuôi dưỡng cảm hứng sáng tác thành công cho ông.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận