KHÍ NHẠC VIẾT CHO NHẠC CỤ DÂN TỘC VỚI ĐỀ TÀI LỰC LƯỢNG VŨ TRANG VÀ CHIẾN TRANH CÁCH MẠNG

Bài viết phân tích nét nổi bật, đặc sắc của những tác phẩm khí nhạc dân tộc về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng; thực trạng sáng tác trong những năm gần đây. Đồng thời, khẳng định vị trí, tầm quan trọng của khí nhạc dân tộc trong nền âm nhạc chuyên nghiệp của nước nhà.

   Mối giao lưu văn hóa đã mang đến cho âm nhạc cổ truyền - dân tộc một luồng sinh khí mới, khích lệ những sáng tác mới cho nhạc khí dân tộc, các tác phẩm viết cho nhạc khí dân tộc được thể hiện trên 5 dòng kẻ. Trong một khoảng thời gian chỉ vài mươi năm ở nửa sau thế kỷ XX, số tác phẩm độc tấu viết cho nhạc khí dân tộc theo lối mới đã xuất hiện lên đến hàng trăm tác phẩm, cho hầu hết các nhạc khí dân tộc: đàn bầu, đàn nguyệt, đàn tranh, đàn nhị, tỳ bà, sáo trúc, t’rưng... Đó là khoảng thời gian mà khí nhạc dân tộc phát triển mạnh mẽ với nhiều nội dung, xu hướng, nhiều cách thể hiện, mang đến cho nền âm nhạc dân tộc sự đa dạng, biến đổi mà các nhà nghiên cứu1 gọi là dòng “nhạc cải biên”. Tuy nhiên, trong bài viết này, chúng tôi gọi là khí nhạc dân tộc.

   Với số lượng hàng trăm tác phẩm viết cho nhạc khí dân tộc, người ta nghe và quen đến nỗi khi nói đến khí nhạc dân tộc là nói đến độc tấu sáo trúc Trên đường chiến thắng (Đinh Thìn), Anh vẫn hành quân (sáng tác Huy Du - chuyển soạn cho sáo trúc độc tấu); độc tấu đàn bầu Vì Miền Nam, độc tấu đàn tỳ bà Chỉ một niềm tin, độc tấu đàn nguyệt Tình quân dân… Đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng có lẽ không chiếm số lượng lớn trong số hàng trăm tác phẩm viết cho nhạc cụ dân tộc hơn nửa thế kỷ qua nhưng đã có một giai đoạn là chủ đề chính cho sáng tác âm nhạc nói chung và tác phẩm viết cho nhạc cụ dân tộc nói riêng. Đó là giai đoạn nhiều tác phẩm khí nhạc dân tộc được ra đời, góp phần cho cuộc kháng chiến chống đế quốc Mĩ thần thánh của dân tộc…

   1. Các tác phẩm khí nhạc dân tộc đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng

   Với chủ trương bảo tồn và phát huy vốn cổ theo mô hình “nhạc viện”, Việt Nam bắt đầu có những cải biên, sáng tác cho nhạc cụ dân tộc cho biểu diễn cũng như đưa vào chương trình giảng dạy nhạc cụ dân tộc từ những năm 50 của thế kỷ XX, từ khi Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) được thành lập. Ngoài việc đặt lời mới, ký âm và chỉnh lý, nâng cao các làn diệu dân ca, dân nhạc theo hình thức, khúc thức cũng như phối thêm phần đệm piano cho các bài bản dân ca được sưu tầm theo lối âm nhạc bác học châu Âu, chúng ta còn có những tác phẩm viết cho nhạc cụ dân tộc độc tấu, hòa tấu… Có 3 hình thức thể hiện của các tác phẩm viết cho nhạc khí dân tộc trong giai đoạn này, gồm:

   - Những tác phẩm độc tấu nhạc cụ dân tộc: đặc điểm nổi bật của những tác phẩm này là mục tiêu thể hiện những kỹ thuật diễn tấu nhạc cụ điêu luyện.

   - Những tác phẩm độc tấu có phần đệm: phần đệm viết cho một nhạc cụ dân tộc hoặc nhóm nhạc cụ, dàn nhạc dân tộc “đương đại”. Ngoài ra còn có các sáng tác viết cho thể loại nhạc cụ dân tộc độc tấu với phần đệm là nhóm nhạc cụ phương Tây hoặc dàn nhạc giao hưởng phương Tây (thể loại concerto cho nhạc khí dân tộc và dàn nhạc giao hưởng)… Cũng như những tác phẩm độc tấu khác, điểm nổi bật cũng vẫn là thể hiện kỹ thuật diễn tấu nhạc cụ. Ngoài ra, trong sự kết hợp với phần đệm của các nhạc cụ phương Tây, chú trọng khai thác âm sắc nhạc cụ dân tộc, sự pha trộn giữa nhạc cụ dân tộc và nhạc cụ phương Tây… Đôi khi, tác phẩm được sáng tạo với mục đích chứng minh khả năng diễn tấu và thể hiện sự “đối tỷ” - kết hợp giữa nhạc cụ dân tộc với dàn nhạc giao hưởng phương Tây

   - Những tác phẩm hòa tấu có hình thức thính phòng, loại khí nhạc viết cho nhóm nhạc nhỏ có pha trộn hoặc không pha trộn nhạc cụ phương Tây…

   Nhìn chung lối sáng tác mới đã tạo nên rất nhiều bài bản khí nhạc theo kiểu âm nhạc cổ điển châu Âu, với đề tài mới, “hình tượng” âm nhạc mới, rất chú trọng về kỹ thuật biểu diễn thuần túy. Rất nhiều tác phẩm độc tấu, hòa tấu nhạc cụ dân tộc thuộc dòng nhạc này đã trở thành quen thuộc và hiện diện trong các chương trình biểu diễn chuyên nghiệp, được giới thiệu trên các đài truyền thanh, truyền hình, nhạc cho phim tài liệu, phim thời sự và là chương trình đào tạo chính quy của các nhạc viện, học viện âm nhạc... Với đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng, những tác phẩm viết cho nhạc cụ dân tộc không nhiều nhưng trải đều ở cả 3 hình thức nêu trên: độc tấu, độc tấu kết hợp với dàn nhạc giao hưởng phương Tây và hòa tấu.

   Có thể nói, những tác phẩm khí nhạc dân tộc sáng tác theo đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng là đề tài quán xuyến của giai đoạn lịch sử âm nhạc nước nhà những năm 1945-1975. Thời kỳ này, hàng loạt những tác phẩm đề tài này chiếm ưu thế trong những sáng tác khí nhạc dân tộc: độc tấu sáo trúc Trên đường chiến thắng (Đinh Thìn), độc tấu đàn bầu Vì Miền Nam… không chỉ quen thuộc mà còn là âm nhạc đi cùng các chiến sĩ ta trên các nẻo đường chiến dịch, trên dãy Trường Sơn, khích lệ bao người chiến sĩ lên đường, thể hiện sức mạnh không gì cản nổi người Việt Nam trên con đường giải phóng dân tộc. Đó là chưa kể rất nhiều ca khúc, dân ca… được chuyển soạn cho nhạc cụ dân tộc độc tấu (có hoặc không có phần đệm) theo nội dung, đề tài này như: độc tấu sáo trúc Anh vẫn hành quân (nhạc và lời Huy Du), Nhớ về Nam (nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương và Ngọc Phan chuyển soạn từ bài Lý mọi - tức Lý qua đèo, dân ca Quảng Trị - Thừa Thiên); độc tấu đàn tranh Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây (Hoàng Hiệp); độc tấu đàn bầu: Rặng trâm bầu (nhạc và lời: Thái Cơ), Qua sông (nhạc và lời Phạm Minh Tuấn), Hà Nội - Huế - Sài Gòn (Hoàng Vân), Câu hò bên bờ Hiền Lương (Hoàng Hiệp), Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người (Trần Kiết Tường)… Có thể nói, với số lượng khá lớn2, các tác phẩm mới viết cho nhạc khí dân tộc vẫn quen gọi là “khí nhạc dân tộc” hoặc “nhạc mới” này đã đóng vai trò không nhỏ trong việc xây dựng và phát triển nền âm nhạc nước nhà và đặc biệt, đồng hành cùng dân tộc trong cuộc kháng chiến.

   Nổi bật của những tác phẩm đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng thời kỳ này là độc tấu đàn nguyệt Tình quân dân của Xuân Ba. Tác phẩm đã để lại ấn tượng mạnh mẽ đối với người nghe về nội dung âm nhạc, là tiết mục quan trọng trong nhạc mục biểu diễn đàn nguyệt Việt Nam và là tác phẩm thể nghiệm sáng tác mới theo lối cổ truyền thành công cũng như sự phát triển của nghệ thuật độc tấu. Trong số ít tác phẩm khí nhạc dân tộc sáng tác theo đề tài cuộc chiến đấu chống đế quốc Mĩ của nhân dân ta, Tình quân dân mang đến một tinh thần đoàn kết dân - quân, trên - dưới một lòng quyết chiến đấu. Tiếng đàn vang lên trên đài phát thanh, trên phố Hà Nội đang bị giặc Mĩ ném bom, dưới bom rơi đạn nổ… nhưng tác động, khích lệ tinh thần chiến đấu mạnh mẽ đối với mỗi người dân và bộ đội ta lúc đó. Tác phẩm là sự thể hiện thành công “cảm xúc” mang tính “chính trị - xã hội”, được thể hiện bằng nhạc không lời từ một nhạc cụ dân tộc… Người ta dễ dàng cảm nhận ở đây một hình ảnh thân thuộc, thắm thiết: không phải như cách nói thông thường “quân - dân như cá - nước” mà cụ thể, gần gũi từ phần Mở đầu như một câu “rao” trên thang âm điệu bồng mạc, lốirao này chúng ta dễ dàng bắt gặp ở nhiều thể loại âm nhạc thính phòng cổ truyền Việt Nam như ca trù, ca Huế, đờn ca tài tử... và cấu trúc theo lối “chương, hồi” của văn chương cổ truyền Việt Nam, gồm các “lớp” nhạc nối tiếp nhau. Toàn bài như một câu chuyện kể được “tường thuật” bằng âm nhạc, không xây dựng giai điệu theo điệu thức trưởng - thứ của âm nhạc phương Tây mà được thể hiện trên thang âm điệu bồng mạc với giai điệu luôn phát triển, ngẫu hứng.

   Giai đoạn 1954-1975 nở rộ các tác phẩm độc tấu: tác phẩm độc tấu đàn tranh Hẹn ngày thống nhấtLá thư tiền tuyến (Xuân Khải), U Minh bất khuất (Hòa Bình), Cửu Long quê hương tôi (Chín Bình)… Các tác phẩm độc tấu đàn nguyệt Chung một niềm tin (Xuân Khải), Tình quân dân (Xuân Ba); độc tấu đàn bầu: Vì Miền Nam (Huy Thục), Một dạ sắt son (Văn Thắng), Cung đàn đất nước (Xuân Khải), Niềm tin tất thắng (Khắc Chí)… Những tác phẩm này không chỉ mang đến cho người nghe những xúc cảm của người Việt Nam trong cuộc chiến tranh giành độc lập mà còn đánh dấu một bước trưởng thành của nền khí nhạc dân tộc Việt Nam. Nhiều kỹ thuật sáng tác, chất liệu âm nhạc dân tộc được khai thác và đặc biệt là nhiều kỹ thuật diễn tấu mới được sáng tạo, khai mở, đã góp phần phát triển nghệ thuật biểu diễn nhạc cụ dân tộc, phát triển đội ngũ nhạc sĩ sáng tác, nghệ sĩ biểu diễn. Với tính chất lịch sử, những tác phẩm độc tấu nhạc cụ dân tộc độc tấu được sáng tác trong giai đoạn từ 1960-1975 cũng là những trang sử oai hùng đấu tranh cách mạng của dân tộc ta bằng âm nhạc.

   Tác phẩm Vì Miền Nam được xem là một tác phẩm kinh điển viết cho đàn bầu. Lần đâù tiên tác giả sử dụng âm thanh đàn bầu vào dàn nhạc giao hưởng cho một tác phẩm độc tấu nhạc cụ dân tộc mang hơi thở của thời đại lịch sử. Hơn thế nữa, tác phẩm cũng là một bước phát triển về kỹ thuật diễn tấu, que đàn bầu đánh 2 chiều, những đoạn nhạc nhanh, nét nhạc chạy lướt kỹ thuật (velocité) cần chính xác, những đoạn nhạc chậm lại cần sự tinh tế, uyển chuyển của giai điệu...

   Các tác phẩm hòa tấu viết cho dàn nhạc dân tộc ở giai đoạn sau năm 1954 (cũng là giai đoạn Nhạc viện Hà Nội được thành lập) khá tập trung về đề tài chiến tranh cách mạng. Tác phẩm hòa tấu dàn nhạc dân tộc Nhớ về Nam (Nguyễn Văn Thương - Ngọc Phan) được sáng tác dựa trên giai điệu của bài Lý mọi (Lý qua đèo), dân ca Quảng Trị-Thừa Thiên. Không cần phân tích về hiệu ứng cảm xúc thương nhớ, khắc khoải của những người con Miền Nam xa quê do giai điệu mang đến bởi gần như toàn bộ làn điệu dân ca quen thuộc được giữ lại, mặc dù ở một dung mạo gọn ghẽ của âm nhạc chuyên nghiệp. Bài dân ca có giai điệu man mác buồn của thang âm ngũ cung Nam, làm bồi hồi, nao lòng bao người con xa quê, tập kết ra Bắc nhưng lòng luôn hướng về Miền Nam đang đau đớn trong khói lửa chiến tranh. Giai điệu xuất hiện lần lượt ở các bè, triển khai mở rộng và cũng như tác phẩm Tình quân dân với lối kể chuyện kết hợp, đan xen bởi những khối âm thanh của các bè là giai điệu cao vút, nức nở của sáo trúc. Tác phẩm đã được chuyển soạn cho nhiều nhạc cụ độc tấu: sáo trúc, đàn bầu… nhưng có lẽ chỉ ở hòa tấu mới có thể thể hiện nhiều nhất cảm xúc âm nhạc.

   Sau ngày đất nước thống nhất, hàng loạt những sáng tác thể nghiệm của cố GS, TS, NSND Quang Hải cho nhạc khí dân tộc và dàn nhạc giao hưởng được ra đời: concerto cho đàn tranh và dàn nhạc giao hưởng số 1 Quê tôi giải phóng, số 2 Đất và Hoa, concerto cho sáo trúc và dàn nhạc giao hưởng Thanh niên làm theo lời Bác… Những tác phẩm này được nhiệt liệt tán thưởng ở các cuộc biểu diễn trong và ngoài nước. Đối với nghệ sĩ diễn tấu, đây cũng là những khám phá mới về tính năng của các nhạc khí dân tộc, những kỹ thuật diễn tấu mới và nhất là sự đối tỷ giữa nhạc khí dân tộc Việt với dàn nhạc giao hưởng, sự giao thoa âm nhạc dân tộc Việt với âm nhạc kinh viện phương Tây. Đối với nội dung, đề tài, tác phẩm là những bản anh hùng ca, ca ngợi trang sử hào hùng của dân tộc, đưa những nội dung tưởng chừng như khô khan trở thành trữ tình nhưng không mất đi tính chất hào hùng, cách mạng. Âm nhạc đã chuyển tải thông điệp của những người yêu nước, tính chất cách mạng và ca ngợi thành tựu của con người Việt Nam đấu tranh cách mạng và xây dựng trong hòa bình.

   2. Vấn đề khai khác đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng sau khi đất nước thống nhất có thể bắt đầu từ đội ngũ sáng tác?

   Nói đến các sáng tác mới cho nhạc khí dân tộc, phải kể đến đội ngũ sáng tác của những năm 60 thế kỷ XX cho đến khi đất nước thống nhất. Sau khi các nhạc viện được thành lập, các thầy cô, những giảng viên đã nỗ lực sáng tác những tác phẩm mới để vừa là thỏa mãn đam mê của những nghệ sĩ biểu diễn, vừa phát huy kỹ thuật diễn tấu vừa tạo ra những bài học cho chương trình đào tạo chính quy của nhạc viện. Rất nhiều người trong số họ không là nhạc sĩ sáng tác. Họ là các nghệ sĩ biểu diễn, các giảng viên… nhưng với những hiểu biết sâu sắc về nhạc cụ dân tộc, lòng yêu nghề, sự đam mê… nên họ đã có rất nhiều sáng tác cho nhạc cụ dân tộc. Khoa Nhạc cụ Truyền thống - Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam là cái nôi của những sáng tác khí nhạc dân tộc theo xu hướng này. Từ những nhà giáo đầu tiên như Tạ Phước, Nguyễn Văn Thương, Trần Quý, Huy Thục, Hoàng Đạm, Ngô Sỹ Hiển, Xuân Tứ, Xuân Khải… đến những nghệ sĩ hết sức nổi tiếng trong nghệ thuật biểu diễn và còn qua những sáng tác của bản thân như: Xuân Ba, Hồng Thái, Nguyễn Thị Thanh Tâm, Đỗ Phương Bảo, Ngô Bích Vượng, Vũ Thị Mai Phương… Họ cũng là những người thầy đã truyền cảm hứng cho học trò qua những tác phẩm khí nhạc dân tộc, góp phần xây dựng nền âm nhạc dân tộc mới hơn 60 năm nay. Họ là những người đóng góp cho sự phát triển mạnh mẽ của nền âm nhạc dân tộc mới nói riêng và khí nhạc Việt Nam nói chung, đồng thời cũng đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh giải phòng dân tộc qua những tác phẩm khí nhạc đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng.

   Tuy nhiên, từ sau năm 1986 (sau Đổi mới), trong rất nhiều tác phẩm khí nhạc dân tộc được sáng tác, khuynh hướng và đề tài đa dạng, phong phú nhưng đề tài về lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng gần như biến mất, hầu như không có tác phẩm nào được viết theo hướng đề tài này. Hơn nữa, trong thời gian gần đây, số lượng tác phẩm sáng tác của các nhạc sĩ cũng không nhiều, các nhạc sĩ, nghệ sĩ cũng không còn sáng tác sôi nổi, liên tục như trước. Một số ít sáng tác của sinh viên là bài tốt nghiệp (bắt buộc) theo chương trình đào tạo ngành Sáng tác của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam hay Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh cũng không có được những sáng tạo gì đáng kể và gần như chìm vào quên lãng ngay sau lần biểu diễn đầu tiên của ngày báo cáo tốt nghiệp. Một số khác vẫn là những sáng tác cho nhạc khí dân tộc của các giảng viên, nghệ sĩ biểu diễn… nhưng thiếu những sáng tạo, sự mới mẻ hoặc tinh thần cách mạng, đổi mới.

   Nhiều năm gần đây, khí nhạc dân tộc Việt được viết theo nhiều đề tài khác nhau, thể hiện cuộc sống đương đại cũng như đã thể hiện những phong cách mới, ngôn ngữ của âm nhạc đương đại thế giới với nhiều xu hướng khác nhau. Đó là những tác phẩm kế thừa tư tưởng tiên phong của các trường phái, của phong cách sáng tác khí nhạc hậu hiện đại (post modern music) hoặc trường phái Tiền phong (Avant - Gardism)... của Nguyễn Thiên Đạo, Trần Đinh Lăng, Đặng Kim Hiền, Nguyễn Thanh Thủy, Nguyễn Vân Ánh… Họ tiếp thu ngôn ngữ âm nhạc đương đại của khí nhạc châu Âu, nhạc cụ dân tộc Việt chỉ là âm sắc để thể hiện những nội dung mới, đề tài mới trong hình thức cấu trúc, kỹ thuật diễn tấu mới. Những đề tài về quê hương, dân tộc, truyền thống, về tình yêu… đang trở thành chủ đề chính trong những sáng tác khí nhạc dân tộc. Ngoài ra, những tác phẩm tiếp thu từ nước ngoài (độc tấu, hòa tấu nhạc cụ dân tộc của Trung Quốc, Hàn Quốc…) do tính chất tương đồng của các nhạc cụ dân tộc châu Á cũng đang có dấu hiệu lấn át trong các chương trình biểu diễn và đào tạo khí nhạc dân tộc trong các học viện âm nhạc, nhạc viện khi không có nhiều sáng tác mới mà nghệ thuật thì luôn đòi hỏi cái mới. Sáng tác khí nhạc dân tộc trong những năm gần đây ở Việt Nam đang có dấu hiệu chững lại, các tác phẩm thiếu những khai thác, tìm tòi về “chất liệu” hay hòa âm, âm sắc nhạc cụ, chưa có bước đột phá về hình thức và kỹ thuật diễn tấu. Đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng hầu như không còn được quan tâm.

   Đặc điểm của sáng tạo nghệ thuật là tính thời đại gắn liền và tái hiện đời sống xã hội. Những sáng tác một thời gắn liền với lịch sử đấu tranh của dân tộc, đồng hành cùng dân tộc trong cuộc đấu tranh thống nhất đất nước cũng là những viên gạch góp phần xây dựng nền âm nhạc chuyên nghiệp Việt Nam. Những tác phẩm đó đã đóng góp một phần rất lớn cho đời sống tinh thần của người Việt, khích lệ mọi người cùng lên đường ra trận… Đội ngũ những nhạc sĩ sáng tác ở giai đoạn đó đã sống hết mình với thời cuộc, hiểu được cuộc đấu tranh vĩ đại của dân tộc và đưa bản thân mình tham gia vào cuộc chiến với tinh thần trách nhiệm bằng chính các tác phẩm của họ. Ngày nay không còn chiến tranh nhưng sự nghiệp đấu tranh cách mạng của dân tộc là vô cùng vĩ đại, những con người, những câu chuyện, những tình yêu… của giai đoạn đó không nên bị quên lãng mà cần được ghi chép lại bằng tác phẩm nghệ thuật, trong đó có các tác phẩm khí nhạc dân tộc. Để làm được điều này vẫn luôn cần có những nhạc sĩ, nghệ sĩ. Họ cần luôn trau dồi, tìm hiểu, cần khao khát sáng tạo và hướng mình đến những tác phẩm có thể ghi chép, thể hiện lại giai đoạn lịch sử hào hùng đó.

   3. Tạm kết

   Hơn nửa thế kỷ là một chặng đường không dài so với các nền âm nhạc trên thế giới cũng như đối với truyền thống văn hóa âm nhạc dân tộc Việt Nam hàng ngàn năm nhưng những tác phẩm khí nhạc dân tộc mới đã mang đến cho nền âm nhạc Việt Nam đương đại nhiều màu sắc mới, nhiều cung bậc và thể hiện một hướng phát triển. Số lượng tác phẩm sáng tác cho nhạc khí dân tộc lên đến hàng trăm đã làm cho vốn bài bản âm nhạc dân tộc chuyên nghiệp không chỉ phát triển về số lượng mà còn là những bước tiến, những tầng nấc mới cho biểu diễn, đào tạo. Trong số những tác phẩm tạo nên những dấu ấn của nghệ thuật khí nhạc dân tộc có những tác phẩm viết về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng. Cần nhìn nhận và khẳng định vị trí của những tác phẩm khí nhạc dân tộc về đề tài này trong nền âm nhạc chuyên nghiệp Việt Nam nói chung và khí nhạc dân tộc nói riêng: những tác phẩm đó đã ghi dấu ấn quan trọng, một bước phát triển của nghệ thuật khí nhạc dân tộc.

   Những tác phẩm khí nhạc dân tộc về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng cũng đã mang đến cho nền âm nhạc Việt Nam đương đại sự trưởng thành về đội ngũ các nhạc công biểu diễn, nhạc sĩ sáng tác âm nhạc dân tộc. Không thể phủ nhận sự quan tâm của nhiều người đối với âm nhạc dân tộc, cũng như phải nhận thấy số lượng người học, chơi và “làm nghề” đối với khí nhạc dân tộc đã phát triển rất lớn có được là do nghe, tiếp xúc với các tác phẩm mới viết cho nhạc khí dân tộc được giới thiệu trên hệ thống truyền thông đại chúng, các chương trình biểu diễn.

   Cho dù ngày nay có nhiều xu hướng khác nhau đối với khí nhạc dân tộc, nhiều quan điểm khác nhau về bảo tồn - phát huy hay kế thừa - phát triển nền âm nhạc dân tộc… những tác phẩm khí nhạc dân tộc về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng của giai đoạn vừa qua chính là một bước phát triển của âm nhạc nước nhà. 

 

 

 

Chú thích:
1 Vũ Nhật Thăng, Nguyễn Thụy Loan, Đặng Hoành Loan… gọi là “nhạc cải biên”, không phải “cải biến”.
2 Ví dụ các tuyển tập Hòa tấu dàn nhạc dân tộc đương đại, Bộ Văn hóa Thông tin, Viện Âm nhạc (2002), có khoảng hơn 50 tác phẩm dàn nhạc. Nếu khảo sát chương trình giảng dạy nhạc cụ dân tộc tại các học viện âm nhạc, nhạc viện trên cả nước, số bài bản độc tấu các nhạc cụ dân tộc có thể lên đến hàng trăm hoặc lớn hơn rất nhiều.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận