HIỆN TƯỢNG THƠ TRỊNH CÔNG LỘC

Bài viết phân tích, luận bàn về thơ của Trịnh Công Lộc. Từ đó, nhấn mạnh vào cái tôi trữ tình của anh trong thơ, đồng thời khẳng định tài năng thiên bẩm cùng sự đóng góp to lớn cho đời sống thơ ca đương đại Việt Nam.

   1. Cách đi của một thi sĩ

   Nhiều năm nay, nghĩ đến đời sống văn chương nói chung và thơ ca nói riêng, chúng tôi hay nghĩ đến những thân phận ít giống người khác mà dường như do cuộc sống trên quê hương xứ sở đầy gian khổ, đau thương, nhiều sóng gió đã đưa họ đến với thơ, trở thành nhà thơ. Trịnh Công Lộc là một nhà thơ như vậy.Anh sinh năm 1952 ở xã Hoa Lư, huyện Đông Hưng, Thái Bình, quê nhà bên dòng sông Trà Lý, nơi “Đã hiện ra những cánh buồm nâu/ Không gian giăng tơ lấp loáng/ Chim gáy mùa thu bay buổi sáng/ Sông xanh đậm buổi chiều…/ Những kỷ niệm nhói lòng thơ bé/ Rưng rức khóc trên tay chị bế/ Cánh buồm dỗ nín từng cơn”. Hình ảnh quê hương đang bị giặc chiếm đóng đã hằn sâu trong ký ức thời thơ ấu của Trịnh Công Lộc. Ký ức đau thương đó không chỉ gắn với tuổi thơ mà còn gắn với cả cuộc đời anh:

   “Giặc Pháp bắn vào tim mẹ
   Chị không còn!
   Cánh buồm sững sờ trước mắt
   Trên lưng mẹ bóng chiều lạnh ngắt
   Tím dài mặt sông!”.
                                  (Cánh buồm nâu).

   Cũng bởi thơ ca, chúng tôi đã gặp Trịnh Công Lộc vào mùa đông năm 1972, khi đó anh hai mươi tuổi, đang là sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội, đã có thơ đăng trên Báo Văn nghệ và Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Anh là người có sáng kiến lập nên Câu lạc bộ Thơ Khoa Văn của Đại học Sư phạm Hà Nội để giao lưu với Câu lạc bộ Thơ Đại học Tổng hợp, và giao lưu thơ với Lớp bồi dưỡng các nhà văn trẻ của Hội Nhà văn. Đến giờ, chúng tôi vẫn nhớ Hà Nội vừa trải qua chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ trên không, Giáo sư Nguyễn Đình Chú cho xe tới Quảng Bá đón chúng tôi đến Đại học Sư phạm. Không khí chiến thắng không lực Mĩ đang tưng bừng và thơ ca, sức trẻ dào dạt đã khiến cuộc giao lưu của chúng tôi kéo dài đến khuya, vui đến mức phải nhớ nhau, nhớ thật lâu như đời người không bao giờ quên tuổi trẻ của mình. Trong đêm giao lưu đó, Trịnh Công Lộc đọc những bài thơ đầu tay của anh, giọng thơ trong trẻo, cấu tứ gọn và tình thơ sâu, thầm kín…

   Sau đêm giao lưu thơ đó, chúng tôi mỗi người đi theo con đường số phận mình. Tốt nghiệp Đại học Sư phạm, Trịnh Công Lộc về dạy học tại Đông Triều, Quảng Ninh; ít lâu sau được điều chuyển làm Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Đông Triều; rồi tới những năm đầu thế kỷ XXI, anh nhận trách nhiệm Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ninh, một tỉnh biên viễn Đông Bắc. Là người “yêu thơ từ khi biết đọc sách”, thời là sinh viên thì “mê thơ hơn mê gái”, được các bạn thơ cùng trang lứa sớm ghi nhận về năng lực thi ca, như nhà thơ Nguyễn Thị Mai (cũng trưởng thành từ “cái nôi thơ” Đại học Sư phạm) đã viết: “Năm 1973, khi đang là sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội, chúng tôi đã ngưỡng mộ thơ của Trịnh Công Lộc. Thơ anh từ đó đã đi vào lòng, vào sổ tay thơ của nhiều người trong chúng tôi…”. Xuất phát điểm sớm vậy mà đến năm 2011, Trịnh Công Lộc mới cho xuất bản tập thơ đầu tay mang tên Cánh buồm nâu. Bởi thế, có người nhận xét anh là người biết thận trọng; có người cho rằng đó là sự kỹ tính quá; có người cho là anh chọn lựa thời điểm thích hợp mới trình làng… Chúng tôi không nghĩ như vậy, chỉ muốn đọc thơ đã rồi nói sau. Khi đọc Cánh buồm nâu, tôi có cảm giác như được gặp lại một người bạn từ thuở xa xưa và người bạn ấy vẫn đang cặm cụi đi trên con đường thơ của mình...

   Thơ Việt Nam giữa những năm năm mươi tới đầu những năm sáu mươi thế kỷ XX theo xu hướng chân thật, khỏe khoắn để hợp với các đề tài về công-nông-binh. Đến người được mệnh danh là “Hoàng tử của Thơ mới” là Xuân Diệu cũng hết sức cổ vũ cho lối thơ “chân chân chân, thật thật thật” như đếm ấy. Do định hướng thế nên thơ những năm đó thiếu vắng sự bay bổng, say đắm, khiến bạn đọc hầu như đã quay lưng lại với thơ. Nhưng rồi thơ chống Mĩ đã xuất hiện làm thay đổi hẳn tình thế. Giang Nam, Thanh Hải, Ca Lê Hiến (Lê Anh Xuân)… ở chiến trường Miền Nam giàu cảm xúc tươi, khỏe và nhất là hồn thơ dồi dào tính chiến đấu khiến người đọc tìm thấy trong thơ họ những ý nghĩa mới cho cuộc đời. Và nữa, Lưu Quang Vũ nhiều say đắm, Bằng Việt giàu suy tưởng, Phạm Tiến Duật sôi động và tươi trẻ, rồi Dương Hương Ly, Nguyễn Mỹ, Xuân Quỳnh, Vũ Quần Phương, Nguyễn Duy, Hoàng Nhuận Cầm… đã tạo nên những vẻ đẹp mới mẻ, bù lại những khiếm khuyết cho thơ Việt Nam. Nhắc lại sự khởi sắc của trào lưu thơ chống Mĩ, chúng tôi muốn lưu ý với bạn đọc và giới quan tâm rằng Trịnh Công Lộc xuất hiện ở giai đoạn này, anh bắt đầu con đường thơ của mình trong cái đà đang lên của thơ chống Mĩ. Do đã được đào tạo cơ bản về văn chương nói chung và về văn hóa thơ nóiriêng tại một trường đại học lớn như Sư phạm Hà Nội nên ngay từ buổi ban đầu, ngôn ngữ, hình ảnh cho đến hơi hướng thơ Trịnh Công Lộc tươi mới một cách tự nhiên:

   “Hoa sữa thơm, đêm về
   Cầm đắm say đi trước…
   Sông Hồng nghìn năm tuổi
   Vẫn không thấy nét già
   Người Hà Nội trăm tuổi
   Vẫn duyên dáng kiêu sa!”
                                    (Vẫn cứ là Hà Nội).

   Những câu trong bài Nhịp cầu Kinh Bắc mang tình thầm kín, đượm một chút buồn lằng lặng mà đẹp thấm lòng:

   “Một cõi riêng Kinh Bắc
   Đêm nay đỏ môi trầu
   Nhặt thêm vần đắng đót
   Bỏ vào trái tim nhau”…

   Với kinh nghiệm thơ ca của mình, chúng tôi hiểu những bài thơ cùng những câu chúng tôi dẫn ra ở trên, đặt bút viết có thể ra rất nhanh nhưng thực ra, để con chữ có thể trôi chảy nơi đầu ngọn bút, nhà thơ phải nuôi nó trong lòng thật lâu. Như thực tế cho thấy, dù vô thức, Trịnh Công Lộc đã lặng thầm nuôi Cánh buồm nâu hai mươi năm trời trước khi đặt bút viết thành bài thơ. Đó là cá tính của nhà thơ Trịnh Công Lộc, anh thường sáng tác sau rất nhiều nghĩ ngợi, nghiền ngẫm. Có lẽ tiêu biểu cho tính cách nghĩ ngợi, nghiền ngẫm thật nhiều trước khi viết là bài Nho nhỏ thôi!. “Nho nhỏ” giống như anh về hình thể vóc hạc, xương mai và cũng hệt như cái tôi trữ tình của anh trong thơ là khiêm nhường mà nặng lòng với đời:

   “Vẫn biết mình nho nhỏ
   Cứ thế này, chầm chậm về sau”…

   Dường như nhà thơ nhoẻn cái cười nụ nho nhỏ, rồi nói về (nhưng cũng là nói với) các bạn thơ đương thời:

   “Bạn bè tôi cao ráo như nhau
   Đều bằng bặn lời ăn, nếp nghĩ
   Nho nhỏ tôi, phập phồng như gió
   Giữa lớn khôn đầy đặn bao người”…

   Cấu trúc các khổ thơ tiếp nối nhau thành một khối vững chắc, hòa quyện sự nhún nhường, xúc cảm và tư tưởng:

   “Mọi người ơi, cố chấp làm chi
   Có lúc lên cao, có khi xuống thấp
   Nho nhỏ tôi, đã ngoài thứ bậc
   Sao vẫn gập ghềnh, vẫn cứ bấp bênh”…

   Sức khái quát mang dáng dấp cổ điển nhưng sau các con chữ là nụ cười nho nhỏ sống động và minh triết của thực tại:

   “Nhưng dù sao,
   vẫn phía cuối cùng
   Chầm chậm đến bớt ồn ào, inh ỏi
   Nho nhỏ thôi, để dễ đi, dễ nói
   Để mọi người dễ nhớ,
   dễ gần nhau!”.

   “Nho nhỏ thôi” nhưng là một tứ thơ thật sự không nhỏ chút nào, nó biểu đạt một cách độc đáo về con đường thi ca nói chung và cách đi của một thi sĩ trên đường thơ của riêng mình!

   2.Thơ của thời đại “Đây biển Việt Nam”!

   Những năm cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI, đời sống thơ ca Việt Nam hiện đại xuất hiện nhiều nhà thơ trẻ và cả những nhà thơ không còn trẻ nữa bắt đầu làm cuộc đổi mới thi ca. Phần lớn trong số họ theo xu hướng săn tìm hình thức mới lạ cho ngôn ngữ thơ. Thời gian này cũng đã có những cuộc hội thảo lớn về vấn đề đổi mới thơ, có người còn có ý là “đổi gác” thơ. Không ít nhà thơ say sưa đi tìm kiếm “nàng thơ hậu hiện đại” dù chưa hình dung rõ dung nhan nàng ra sao... Còn với Trịnh Công Lộc, như trên chúng tôi đã nhận định, là người nghĩ ngợi, nghiền ngẫm nhiều trước khi đặt bút viết một (hay một số) bài thơ, thì vấn đề đổi mới thơ, đương nhiên anh sẽ phải nghiền ngẫm rất nhiều. Hơn thế, trải nhiều năm trời công tác tại vùng biên viễn phía Đông Bắc, anh có lý do để nghiền ngẫm về cái mới trong tư tưởng thơ, đặc biệt không thể không ngẫm nghĩ khi đã thực biết diễn biến sự kiện biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc đất nước những năm 1978- 1979, sự kiện 64 chiến sĩ quyết tử trên đảo Gạc Ma tháng 3 năm 1988 và rất nhiều lần các “tàu lạ” hoạt động vô lối ở biển Đông những năm đầu thế kỷ XXI này. Với cá tính thơ như Trịnh Công Lộc, anh đã hiểu rõ, thơ bao giờ cũng đòi hỏi sự đổi mới, để theo thời gian, nó phải luôn luôn mới hơn trước. Nhưng theo quy luật thì phải đổi mới nội dung tư tưởng thơ trước, đổi mới để thơ dễ vào lòng người đọc thì tất yếu hình thức phải mới theo. Ngay sau khi xuất bản tập thơ Cánh buồm nâu, Trịnh Công Lộc đem trình làng cái mới về tư tưởng thơ của anh qua bài thơ Mộ gió lay động lòng người bởi xúc cảm sử thi:

   “Mộ gió đây,
   đất thành xương cốt
   cứ gọi lên là rõ hình hài
   mộ gió đây,
   cứ vun thành cát
   mịn màng đi
   dìu dặt bên trời…
   Mộ gió đây,
   những phút giây biển lặng
   gió là tay ôm ấp bến bờ xa
   chạm vào gió như chạm vào da thịt
   chạm vào
                nhói buốt
                                Hoàng Sa…
   Mộ gió đây,
   giăng từng hàng, từng lớp
   vẫn hùng binh giữa biển - đảo xa khơi
   là mộ gió,
   gió thổi hoài, thổi mãi
   thổi bùng lên
       những ngọn sóng
                   ngang trời!”.

   Về bài thơ Mộ gió, Trịnh Công Lộc tâm sự thật bình dị: “Mộ gió có cả ngàn năm trước. Đấy là những ngôi mộ tượng trưng được người đời tạo thành sau những lễ chiêu hồn dành cho những người đi biển không về. Vào thời Gia Long và Minh Mạng (1802 đến 1841) mới có mộ gió ở Hoàng Sa, Trường Sa. Tôi đã tìm hiểu được những tư liệu và hình ảnh về mộ gió lịch sử. Cảm hứng từ lịch sử và những chuyến đi biển đảo, nhất là những lần ngủ trên sóng cận kề biên giới Tổ quốc trên biển, đã tạo thi hứng và chất liệu để tôi hoàn thành Mộ gió”. Nhà thơ Hữu Thỉnh nhận xét: “Bài thơ ẩn chứa sự đau đớn, cảm phục và tôn vinh một cách toàn bích hình ảnh anh dũng của người chiến sĩ nơi đầu sóng ngọn gió. Cảm xúc rất mạnh, dâng lên, dâng lên cao trào. Cấu trúc chặt, không rườm rà, tứ thơ cứ được đẩy lên đến vô tận. Không có chỗ “phô”. Tác phẩm dự thi của Trịnh Công Lộc thực sự là một bài thơ có tầm, hướng về giá trị lớn. Đó là sức mạnh của toàn dân tộc…”. Chúng tôi xin thông tin thêm: Ngay sau khi Trịnh Công Lộc viết Mộ gió, nhạc sĩ Vũ Thiết đã phổ nhạc thành bài hát Khúc tráng ca biển. Và rồi, trong cuộc thi thơ và nhạc mang tên “Đây biển Việt Nam” do Hội Nhà văn, Hội Nhạc sĩ cùng Báo VietNamNet tổ chức năm 2011, Trịnh Công Lộc đã được tặng Giải Nhì về thơ cho bài Mộ gió và Giải Nhì (không có Giải Nhất) về ca khúc (cùng nhạc sĩ Vũ Thiết). Có thể nói, năm 2011 là một dấu mốc đặc biệt trên hành trình thơ của Trịnh Công Lộc. Sau khi Mộ gió được vinh danh, các nhà thơ, nhạc sĩ đã sáng tác về biển đảo nhiều hơn hẳn mấy chục năm về trước. Trong đời sống thường ngày, những người quan tâm cũng nói nhiều tới mộ gió, nói nhiều tới biển, đảo và vấn đề an ninh biển Đông. Trên Báo Văn nghệ, nhà thơ Đặng Huy Giang đã đưa ra nhận dịnh: “Như vậy, Trịnh Công Lộc và Mộ gió đã tạo nên hiệu ứng xã hội và tạo nên một hội chứng mộ gió”.

   Thực ra, trước khi viết Mộ gió, Trịnh Công Lộc cũng đã có nhiều bài thơ về biển, đảo, cả về rừng, núi trên biên giới và giữa biển khơi. Đôi khi chỉ vài câu mà anh khắc họa được hình ảnh thật cao đẹp về cuộc sống của những con người giữa trùng khơi:

   “Tựa vào đá, sống cùng với đá
   vạn chài ơi, đã vạn năm rồi
   đá vẫn đứng, không trời nào lay nổi
   vẫn đi cùng ngư lính, đường khơi…”.
                                          (Đá và nước).

   Có khi chỉ đôi dòng thơ, Trịnh Công Lộc đã tạo nên một hình tượng thơ thật giàu biểu cảm:

   “Mỗi đảo nhỏ như trái tim của biển
   những trái tim, nhịp đập trùng khơi”
                                          (Lời của sóng).

   Chỉ ít ngày trước khi khi viết bài Mộ gió, Trịnhh Công Lộc đã sáng tác một bài thơ cũng tràn đầy cảm hứng sử thi, bài Từ biển mà đi:

   “Ông cha mình đã từ biển mà đi
   vẫn rành rọt sáng soi từng hải lý
   những luồng lạch nông, sâu
   thuộc lòng như chữ nghĩa
   bao lớp người đi giữ đảo, không về…
   biển lặng giấu những nỗi niềm xa thẳm
   ru lời ru vô tận dưới lòng sâu
   mỗi đảo nhỏ,
   hóa thành ngọn nến
   thắp linh thiêng rừng rực trời sao…”.

   Do đã suy nghĩ lâu rồi, nghiền ngẫm kỹ rồi và bởi đời sống đang đòi hỏi, nhà thơ đã lên tiếng:

   “Bây giờ,
   lại từ biển mà đi
   nơi cuối chót Hoàng Sa
   nơi Trường Sa cuối chót
   đôi bờ vai,
   bát ngát biển trời
   gánh bao nỗi gian truân đất nước
   như Trường Sơn,
   gánh xương máu chiến tranh
   như lịch sử gánh thăng trầm mỗi bước!”.

   Viết đến đây, chúng tôi bỗng muốn nói thành lời, rằng thơ Trịnh Công Lộc thực sự là thơ của thời đại “Đây biển Việt Nam”! Chúng tôi cũng muốn điểm lại một vài mốc thời gian trong nửa cuối thế kỷ XX mà các nhà thơ lớn của nước ta ghi nhận về biển bằng thơ ca. Khi cuộc chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, nhà thơ Tố Hữu đã viết:

   “Đường ta rộng thênh thang tám thước
   Đường Bắc Sơn, Đình Cả, Thái Nguyên
   Đường qua Tây Bắc, đường lên Điện Biên
   Đường cách mạng dài theo kháng chiến
   Đến hôm nay đường xuôi về biển
   Mới tinh khôi màu đất đỏ tươi…”.
                                                        (Ta đi tới).

   Khi ấy lòng ta vui sướng dạt dào bởi đã được từ rừng núi xuôi về biển. Còn những tác phẩm tiêu biểu mang tính đúc kết của thơ chống Mĩ, là trường ca Những người đi tới biển của Thanh Thảo và trường ca Đường tới thành phố của Hữu Thỉnh. Thời điểm đó, tư duy và xúc cảm thơ của thế hệ “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” là dốc sức, dốc lòng để tới được biển và đô thành. Mãi đến đầu thế kỷ XXI, sau những biến động nóng bỏng, biển Đông mới được các tác giả văn chương nhận thức lại. Không chỉ là việc nhìn nhận lại về những mộ gió được tạo nên hồi đầu triều Nguyễn mà phải nhận thức thêm thật sâu cả mấy vạn năm trước, cũng như núi rừng, sông suối, đồng ruộng, biển đã gắn bó với không gian sống của người Việt, gắn bó với sinh mệnh của cả dân tộc Việt Nam! Cuộc nhận thức lại, nhận thức thêm này có ý nghĩa rất hệ trọng: người Việt ta đã bước sang một thời đại mới, thời đại “Đây biển Việt Nam”! Vậy nên, có thể nói, chính thời đại mới này đã tạo cho Trịnh Công Lộc một tư thế thơ ca mới, tư thế làm chủ cuộc sống, làm chủ văn chương, nên anh mới có được những bài thơ như Mộ gió Từ biển mà đi:

   “Đây Hoàng Sa, đây Trường Sa cuối chót
   lại lên vai, bát ngát mà đi!”

   3. Nhân văn trên đất nước muôn đời

   Trịng Công Lộc không chỉ dành nhiều tâm sức viết về biển và đảo, anh còn có nhiều thơ về sông, đơn cử dòng sông Trà Lý trước nhà anh đã vào bài thơ Cánh buồm nâu mà chúng tôi đã nói tới ở trên. Trịnh Công Lộc có nhiều thơ về núi, rừng, làng bản nơi biên giới và thơ về rừng giữa trùng khơi nữa. Bài Đảo rừng trâm anh viết để tưởng nhớ liệt sĩ Trịnh Văn Vũ nơi huyện đảo Minh Châu:

   “Giữa cát mặn,rễ sâu, trâm cao xanh mãi
   Phong phanh ngực cát làng chài…”.

   Trịnh Văn Vũ cùng các chiến sĩ của mình bám trụ ở đảo này, khi mùa cá Nam thất bát, phải nhặt quả Trịnh Văn Vũ cùng các chiến sĩ của mình bám trụ ở đảo này, khi mùa cá Nam thất bát, phải nhặt quả trâm ăn cho qua cơn đói, và:trâm ăn cho qua cơn đói, và:

   “Mùa thả lưới cũng mùa trận mạc
   Người ra khơi có lúc không về
   Những lúc ấy cả rừng trâm ngơ ngác
   Lá lao xao níu chặt thân cành…
   Anh ngã xuống, còn ôm chiến sĩ
   Như rừng trâm ôm giữ lấy nhau!”.

   Sinh mệnh con người và cây rừng giữa mênh mông sóng biển gắn bó đến vậy là do căn tính sâu xa truyền đời trong máu, trong hồn Việt Nam đã được đúc kết trong câu ngạn ngữ cổ đầy tính nhân văn “sống nhờ đất, chết gửi thân cho đất”. Đại ngàn ở biên cương phía Bắc trong thơ Trịnh Công Lộc đậm chất sử thi:

   “Núi tiếp núi chập chùng vi vút
   Vời vợi xa, sương gió về đâu
   Dốc thẳng đứng, yên cương lưng ngựa
   Gió cuộn bay vun vút ngàn sâu…”.
                                                   (Đỉnh núi).

   Bút lực của nhà thơ thật mạnh, đâu chỉ là cảm tác về một đỉnh núi, đây là thơ về Tổ quốc, không gian sống ngàn đời của người Việt Nam ta, rộng lớn, hùng vĩ và linh thiêng:

   “…là núi/ là sông
   là biển
   Núi ngất cao, sông biển rộng dài
   Sông với biển giăng thành như núi
   Giữ bình yên bờ cõi đất đai!”.

   Nơi mênh mông trên nền biển cả, mỗi hòn đảo như một trụ trời:

   “Song Tử - như trụ trời - bất tử”
                                                  (Ngàn xa)

   còn ở chốn hun hút ngàn sâu thì:

   “Mỗi tấc đất,
   đã bao nhiêu máu
   Thấm lên từng vách núi, ngọn cây
   Mỗi đỉnh núi một bàn thờ Tổ quốc
   Ngát linh hương nghi ngút trời mây!”.

   Ở trên, chúng tôi đã nói về đời sống văn chương nước ta cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI và khát vọngđổi mới thi ca. Chúng tôi muốn nói thêm rằng không phải mỗi khi ai đó dấy lên cuộc đổi mới thi ca thì các nhà thơ Việt Nam ta mới để tâm tới việc làm mới thơ. Thực tế cho thấy thi nhân bất cứ dân tộc nào, thời đại nào cũng luôn gắng sức làm cho thơ mới hơn. Chính vì thế mà tiến trình thơ ca nhân loại luôn phát triển, đẹp hơn và nhân văn hơn. Thơ Việt cũng tiến triển theo quy luật như thơ ca nhân loại. Viết về hiện tượng thơ Trịnh Công Lộc, chúng ta thấy trong thơ anh có yếu tố Ấn tượng và Siêu thực. Chẳng hạn:

   “Giữa biển
   quốc lộ chỉ là nước
   Lênh đênh và lênh đênh”.
                             (Giữa biển).

   Ngay cả trong những câu thơ dung dị về người thợ mỏ mở đường than:

   “tháng năm tầm tã
   lấy da thịt vá trời
   lấy máu xương vá đất
   vuốt nhọn gian nan”.
                              (Vào ca than).

   hay:

   “Mùa đông se sắt lên môi
   Mùa hạ mưa về xối xả
   Ca dao lượn bay khắp ngả
   Mà không ướt áo câu nào!”.

   Chúng tôi vẫn cho rằng chủ nghĩa Ấn tượng, chủ nghĩa Siêu thực được những tác gia danh tiếng khởi lên ở Âu-Tây, từ nền văn hóa và bối cảnh xã hội Âu-Tây hơn trăm năm trước. Những thành công đích thực của thơ Ấn tượng và thơ Siêu thực đã trở thành những giá trị văn hóa. Những giá trị văn hóa đó được các tác gia nhiều dân tộc trên thế giới tiếp nhận qua bộ lọc văn hóa dân tộc mình. Điều hết sức quan trọng là những tác gia ấy viết với tâm hồn mình về những vấn đề đời sống của đất nước mình. Do vậy, những vẻ đẹp của Ấn tượng, Siêu thực và cả Hiện sinh đã nảy nở thành những giá trị văn hóa đẹp đẽ trong văn chương nhiều dân tộc, nhiều quốc gia trên thế giới hàng trăm năm qua, trong đó có cả không ít nhà thơ Việt Nam ta. Là một người đọc nhiều, tất nhiên Trịnh Công Lộc đã tiếp thu được những cái đẹp văn hóa đó. Anh viết bằng tâm hồn Việt về những vấn đề nhân văn trong đời sống của người Việt Nam. Là một nhà thơ đi nhiều, viết nhiều về đời sống ở các vùng, miền đất nước, cảm hứng sử thi luôn là âm hưởng chủ đạo trong thơ Trịnh Công Lộc, khiến anh có một bút lực hơn người. Đơn cử bài Mở cõi biển Đông:

   “Cánh buồm nâu, lưng trần bám biển
   Vượt nghìn trùng mở cõi xa khơi
   Thuở khai khẩn vỏ sò vỏ ốc
   Những cô thân cực Bắc, cực Nam
   Đã hóa thạch, mảnh hồn gửi lại
   Mãi rưng rưng sóng cát cuối trời…”.

   Đó là lịch sử biển trong biên niên sử dựng nước! Những câu thơ trên cũng có yếu tố siêu thực. Nhưng chúng tôi nghĩ, quan trọng hơn hết là thơ phải hay thì mới vào được lòng người đọc. Mà thơ hay, nhất thiết phải chứa đựng những giá trị nhân văn. Ở đây đang nói tới bài thơ Mở cõi biển Đông, trong cảm thức thẳm sâu của nhà thơ, thi thể người muôn năm cũ đã hóa thạch, anh linh đã đọng lại thành hồn; mồ hôi nước mắt thì kết thành “mặt trời”:

   “Khi An Tiêm gieo hạt cây xuống đảo
   Mỗi trái dưa như một mặt trời
   […]
   Mở cõi biển, thênh thang cõi đất
  Tấc máu tấc xương hằn vết chân đi”.

   Mở nước từ cả vạn năm trước, mà giữ nước cũng đã từ nghìn đời xưa cho đến tận bây giờ:

   “Thuở giữ nước,
   giữ đất đai, biển đảo
   Chém cá Kình dậy sóng biển Đông
   Tàu Không Số hóa thân giông bão
   Sóng vút cao cuộn trắng thân tàu…
                             *
   Mới sinh ra đã thành ngư lính
   Chống giặc nước
   giặc trời
   giặc giã biển Đông
   Tiếng sóng gọi trùng trùng lay thức
   Còn vang xa, rừng rực bây giờ…”.

   Mỗi nhà thơ là một thân phận riêng đến với thi ca cũng như có một ngôn ngữ với những tiết tấu, âm luật riêng để biểu đạt cái tôi trữ tình của mình. Trịnh Công Lộc cũng vậy. Thơ anh xoáy sâu vào cái tôi trữ tình, song không phải cái tôi nhỏ yếu, mà là cái tôi mạnh mẽ giàu tính nhân bản mà anh có được sau thật nhiều nếm trải. Chúng tôi mạnh dạn nhận định rằng Trịnh Công Lộc đã đóng góp cho đời sống thơ ca đương đại nước ta một cái tôi trữ tình thực sự mới. Và đến nay, Trịnh Công Lộc còn đang tiếp tục đi trên đường đời, đường thơ của mình…!

 

Bình luận

    Chưa có bình luận