CẢM THỨC MÙA TRONG DÒNG SUY TƯỞNG THƠ LÊ THÀNH NGHỊ

Bài viết phân tích cảm thức về thiên nhiên bốn mùa trôi trong dòng thơ giàu suy tưởng của Lê Thành Nghị. Từ đó, một lần nữa khẳng định tài năng, vị thế và những đóng góp của ông trên diễn đàn văn học đương đại.

   “Sông mất một đời trôi đi dại đột
Tôi mất một đời để quên một người”
(Lê Thành Nghị)

    Có một nguồn cảm thức mùa miên man trôi trong dòng thơ giàu suy tưởng của Lê Thành Nghị: từ Rừng tràm cuối mùa đông đến Mưa trong thành phố, từ Mùa không gió đến Sông trôi không lời, từ Khoảng giữa những giọt sương đến Hoa muồng vàng mấy độ… Theo đó, các phiên bản Xuân, Hạ, Thu, Đông – những “quý ngữ” dưới nhãn quan thi pháp phương Đông – đã được hiển thị, hội tụ và lưu chuyển thành hình tượng mùa/ thời gian gợi cảm, sinh động, thấm đẫm sắc màu suy tư và tính triết lý, tạo dấu ấn nổi bật cho một phong cách thơ. Sáu tập thơ của một nhà lý luận, phê bình thâm niên, tên tuổi có sự kết hợp nhuần nhị giữa cảm xúc và trí tuệ, độ lịch lãm và nét tài hoa…; đó chính là những phẩm tính làm nên chân dung/ bản thể Lê Thành Nghị trên diễn đàn văn học đương đại.

    Cũng như thi nhân bao đời, hồn thơ Lê Thành Nghị tựa vào hoa lá cỏ cây cùng một đời thương nhớ. Thiên nhiên bốn mùa đi vào thơ ông vừa mơ mộng, xao xuyến, vừa trĩu nặng tâm tình. Cảnh quan ấy gợi lên quy luật tuần hoàn của tạo hóa: “Xuân sinh, Hạ trưởng, Thu liễm, Đông tàng” (có người ghi là “Đông tàn”, nhưng ở đây tôi dùng chữ “Đông tàng” bởi vì nó phù hợp với cách tiếp cận vấn đề của bài viết – L.H.T). Mỗi mùa là một mẫu gốc/ nguyên mẫu tân sinh mang bản sắc và thông điệp riêng. Mùa xuân là mùa của sinh sôi nảy nở với cây lá, nắng gió dịu dàng, phơi phới, trẻ trung:

    “Mưa bay trong mùa xuân
    Nhắc một thời rất trẻ
    Tháng năm dài xa mẹ
    Vuông vườn cây lên cao…
    Cánh buồm bay theo sông
    Mượn màu nâu của gió
    Thoáng trong màn mưa nhỏ
    Tóc em xanh âm thầm”.
                                (Mùa xuân mang theo)

    Hoặc:
    “Lối nhỏ tháng ba mây mù giăng
    Gió lạnh cuối mùa thôi cũng hết
    Cuối chân mây nắng về đột ngột
    Gió trên đường cũng ngơ ngác xanh”.
                                           (Hoa loa kèn)

    Mùa hạ nồng nàn, được gửi gắm và bừng sáng niềm vui đại thắng trong ngày Bắc Nam thống nhất, non sông liền một dải:

    “Như thể trước vô biên sóng bể
    Trước mênh mông ánh sáng mùa hè…
    Như Sài Gòn một sáng hôm nào
    Từ núi thẳm, rừng sâu, bùn lầy… tiến vào thành phố
    Vô vàn “những mặt trời bé con của mẹ”
    Cháy lên chói chang mùa hè”.
                                   (Những mặt trời bé con của mẹ)

    Mùa thu được ví như “nàng thơ”, người bạn tâm giao “hồng nhan tri kỷ” của muôn đời thi sĩ. Lê Thành Nghị cũng bị quyến rũ bởi mùa thu. Qua Sang thu, Mùa thu đến rồi đi, Mùa thu ở Rôma, Mùa thu năm Bính Tuất, Thu muộn, Thu đến, Sẽ đến mùa thu…, thi nhân đã vẽ nên một bức tranh thu mơ màng, kiêu sa với vẻ đẹp hài hòa của hai sắc màu vàng - tím:

    “Những gì trôi hình như đều hóa tím
    Cả mùa thu trên những vạt hoa tàn…
    Chỉ mùa thu, mua thu là vĩnh viễn
    Vô biên xanh trong dào dạt gió vàng”.
                                   (Mùa thu ở Rôma)

    và:
    “Trên mái nắng vàng thu để lại
    Hoa bay tím ngõ trước hiên nhà
    Đêm qua một chiếc ngô đồng xuống
    Gió đẫm Tây Hồ, sương đẫm thu”.
                                           (Thu muộn)

    Mùa đông, nhìn từ văn bản, Lê Thành Nghị dường như rất ít khi đặc tả khung cảnh hoang lạnh, trơ trụi của thiên nhiên. Thay vào đó, trực giác tinh nhạy của ông thiên về nắm bắt, cảm nhận sự hồi sinh âm thầm, mạnh mẽ (đông tàng) dưới khung trời có thể là hiu hắt, xám xịt. Ngay ở xứ giá băng lạnh lẽo của hành tinh, sự ấm áp trong tâm hồn nhà thơ đã lan tỏa vào không gian, làm nên sắc diện tươi sáng, tràn trề nhựa sống cho khung cảnh thiên nhiên:

    “Chính tuyết làm run rẩy cả không gian
    Sông ào ạt trong mùa băng vỡ
    Cây ngày mai sẽ xanh kín lá
    Thảm cỏ nhung lộng lẫy nắng bên đường”.
                           (Matxcơva, mùa tuyết đang tan)
    Dù lạnh nhưng không thê lương, ảm đạm:
    “Anh về gom những bông tuyết đầu tiên
    Để chờ tan một ngày không hẹn trước
    Từ đôi cánh thiên nga vừa khuất
    Heo may về gió lạnh xuống đầy tay”.
                             (Nhớ một mùa đông nước Nga)

    Sự thống kê ngẫu hứng, vụt hiện trên đây chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm” trong thơ Lê Thành Nghị. Là một nhà thơ chất chứa vào tâm trírất nhiều cung bậc cảm xúc về thời gian: từ thao thức, mong đợi, chào đón đến khắc khoải, âu lo, tổn thương, mất mát… Có nghĩa là thực thể mùa vốn thuộc hệ sinh thái tự nhiên đã trở thành sinh thái tinh thần và chuyển hóa vào thế giới nghệ thuật thơ Lê Thành Nghị thông qua hình thái tư duy đậm chất suy tưởng.

    Cảnh quan thiên nhiên/ mùa, như ta đã biết, ngoài chức năng mang đến hình ảnh thị giác trực quan sống động, tươi tắn cho thi ca, nó còn là môi trường gợi dẫn dòng tâm tưởng muôn màu, và đặc biệt hơn, đó chính là “ngân hàng đồ sộ”, nguồn nuôi dưỡng vô tận cho vô vàn các liên tưởng, ẩn dụ, biểu tượng thơ. Từ một vầng trăng, một vì sao, một khung trời quen thuộc qua tái tạo của nghệ sĩ có thể cho ra muôn ngàn thi hình/ thi ảnh độc đáo, lạ kỳ.

    Như đã trình bày, cảm thức mùa của Lê Thành Nghị chịu ảnh hưởng của triết học phương Đông trong cách “giải minh” thế giới, trong vũ trụ quan và nhân sinh quan: “Tất cả đều trôi qua như nước chảy ngày đêm không ngừng” (Khổng Tử). Tâm thế ấy đã chi phối cảm quan nghệ thuật và phương thức biểu hiện trong thơ ông qua sự hồi chảy của thời gian, qua cấu trúc thăm thẳm của không gian, qua cái hữu hạn của bản thể cá nhân trước cái vô hạn muôn trùng trời đất:

    “Ôi nghìn năm trước ta
    Và một nghìn năm tới
    Sông vẫn thì thầm điềm tĩnh chảy giữa bờ ngô”.
                                              (Sông Nghèn gặp lại)

    Được khơi nguồn từ ký ức, hoài niệm (thời gian), từ cảnh quan thiên nhiên bao la với mây trôi, nước chảy, gió thổi, mưa rơi (không gian), cảm hứng thơ Lê Thành Nghị ngược về với thời thơ ấu, quê hương và mái ấm gia đình, với kỷ niệm, tình yêu, tuổi trẻ… Những câu thơ viết về người mẹ đã mang theo những mùa tóc xanh vào biếc cỏ, về người cha long đong một mình lặn lội nuôi con thay vợ cùng gánh nặng chữ nghĩa của Lê Thành Nghị thật cảm động. Khắc sâu trong tâm khảm nhà thơ ơn cha nghĩa mẹ và nỗi thương tiếc khôn nguôi về bóng hình người đã khuất:

    “Lá rụng ngày đi như gió cuốn
    Dế kêu tê dại cỏ trong vườn”.
                                    (Nhớ mẹ)
    “Ta vẫn biết người đi là mất tất cả,
    Trời cao xanh rồi chẳng có nghĩa gì”.
                                          (Chào mẹ)
    và:
    “Đây rồi cổng nhỏ mình đây
    Vẫn treo một mảnh trăng gầy như xưa
    Mà sao lặng ngắt như tờ
    “Mô rồi” dáng mẹ ngồi chờ, mẹ ơi!
    Bao đêm mong mỏi, để rồi
    Bây giờ trước cổng con ngồi lặng im”.
                                                  (Về quê)

    Khi nỗi đau cốt nhục đã thấm vào từng tế bào cảm xúc, bút pháp tả thực được thay thế bằng những liên tưởng, ẩn dụ; hình tượng thơ, do vậy, trở nên ám ảnh, rung động thơ có độ sâu lắng và sức cảm hóa của thơ cũng sẽ mạnh mẽ hơn:

    “Người nằm xuống cây vườn thành hoang dại
    Con hóa thành đá sỏi… đưa cha…
    Con mỗi lần phải vượt phá, qua truông
    Vượt biển sóng to, vượt đèo thẳm dốc
    Vượt qua nỗi buồn, vượt qua nước mắt
    Biết có cha đợi cuối mỗi con đường”.
                                                    (Cha tôi)

    Theo dòng hồi tưởng, gắn với gia đình ruột thịt, quê hương nguồn cội cũng là một miền cảm xúc, miền đất hữu tình mang bản sắc và là nơi lưu giữ ký ức của nhà thơ. Những địa danh thường trở đi trở lại gây thương nhớ trong thơ ông như làng Kim Chùy, núi Hồng Lĩnh, sông Nghèn, truông Vùn, ngã ba Đồng Lộc huyền thoại… không chỉ là không gian vật thể mà còn là không gian tâm tưởng. Có thể đó là sự lồng ghép giữa hình bóng người cha với đỉnh núi Hồng Lĩnh quê nhà để ký thác nỗi lòng: 

    “Như cha ta suốt những tháng năm
    Núi điềm tĩnh, chở che và im lặng
    Không ai biết sau mỗi làn mây trắng
    Những gì buồn cha đã mang đi”.
                        (Sau lưng là Hồng Lĩnh)

hoặc để dãi bày tận đáy niềm mến thương, quyến luyến vô bờ trước mảnh đất “chôn rau cắt rốn”. Đó cũng là: “Nơi mẹ ta nằm lút bờ cỏ may/ Nghìn nằm trời sẽ còn cao, đất còn dài rộng/ Nghìn năm gió còn thức trong cây” (Miền đất quê hương). Về để được yêu thương, che chở, được cảm thấy mình nhỏ bé trước quê cha đất tổ. Và sâu xa hơn là để thanh lọc tâm hồn:

    “Ôi quê hương!
    Chỉ có thể quỳ trước quê hương
    Như quỳ trước những gì tinh khiết nhất!”.
                                                 (Rượu quê)
    Ở chốn linh thiêng cao cả ấy, lời thơ như được nâng cánh, bay bổng, thanh thoát và trong trẻo vô ngần :
    “Nếu được làm trời xanh, nếu ta được làm trời xanh
    Ngày mai trời sẽ xanh vô biên”.
                                       (Về thăm quê)

    Ơn sâu nghĩa nặng với quê nhà còn được Lê Thành Nghị gửi gắm trong các bài Không có buổi học cuối cùng, Chợ huyện, Bến đò Thuận Chân, Mưa qua Truông Vùn, Sông Nghèn gặp lại, Bãi đá quê hương, Về lại Tiên Điền, Về thăm quê, Nhớ Hương Sơn, Vô thức ngã ba Đồng Lộc… Xa quê, dù sống và đã đặt chân đến nhiều phương trời khác nhau, Lê Thành Nghị luôn mang trong hành trang thơ mình tấm căn cước văn hóa của dải đất Trung Trung Bộ “địa linh nhân kiệt”: “Ôi miền đất có thể mang người trên vai/ Xin sẽ mang theo suốt đường dài”. Đó thực sự là một kiểu diễn ngôn về tình yêu quê hương xứ sở có quyền lực và sắc thái riêng của Lê Thành Nghị.

    Tiếp nối mạch suy tưởng được hình thành trên cơ sở cảm thức mùa, quan niệm về thời gian, về quy luật vận động của đời sống thường hằng và vĩnh hằng; ở thời kỳ sau, cũng như nhiều cây bút cùng thời, thơ Lê Thành Nghị có sự chuyển dịch, khơi sâu hơn vào xu hướng đời tư - thế sự. Vẫn là tình yêu, chiến tranh, sinh mệnh con người… nhưng tất cả những “lát cắt” ấy giờ đây lại được khám phá/ soi rọi dưới tầm phóng chiếu của luồng tư tưởng/ cảm xúc mang ý nghĩa nhận thức và tự nhận thức mới.

    Nếu trước kia, những rung động tình yêu đôi lứa trong thơ ông dịu nhẹ, trong trẻo mà đằm thắm, đầy bâng khuâng nhung nhớ:

    “Em nhớ gì năm tháng cũ không em?
    Thuở mái tóc âm thầm xanh trước gió
    Loài hoa đêm, loài hoa… làm đêm lạ
    Vô hạn xa
           nhưng cũng
                     vô hạn gần”.
                                       (Mùa hoàng lan)

    Hay đôi khi là một thoáng đa tình trước thiên nhiên tạo vật, chỉ mượn cảnh sắc để “ngụ tình” nhưng cũng đủ làm xiêu lòng người: “Anh vẫn biết, rằng sông chảy ngược/ Thế nghĩa là hoa tím chẳng về xuôi/ Anh vẫn biết, mềm không riêng gì nước/ Thế nghĩa là núi cũng phải trôi thôi/ Thế nghĩa là sẽ cùng trời cuối đất/ Sẽ theo sông cho đến tận Kỳ Cùng!”... (Trong suốt sông Kỳ Cùng); hoặc: “Một đốm nhỏ giữa một rừng gai nhọn/ Hình như hoa không phải thắm cho người!/ Nếu có phải đợi chờ đến tím/ Ta sẽ chờ tàn lụi cả rừng gai” (Hoa Xương rồng). Nhưng sự bồng bột đáng yêu đó của tuổi trẻ đã phải nhường bước cho những chiêm nghiệm về một “thân phận tình yêu” âm thầm, da diết, tiếc nuối, xót xa:

    “Sông mất một đời trôi đi dại dột
    Tôi mất một đời để quên một người”.
                                                 (Một đời)

    Viết về “siêu đề tài” chiến tranh, bên cạnh việc ghi tâm khắc cốt xương máu của những người đã hi sinh “đầu xanh tuổi trẻ” để mang lại hòa bình, độc lập, tự do cho non sông đất nước bằng những biểu tượng lay động lòng người, bằng cảm xúc tri ân, hướng thượng trang nghiêm, kính cẩn:

    “Dưới rì rào của bạt ngàn thông xanh
    Đất im lặng bởi vì bất tử!...
    Bốn bề lặng im, lặng im, lặng im…
    Hình như những gì hóa thành bất tử
    Đều lặng im”.
                                                  (Bất tử)
     “Trên những phiến đá lặng im mồ liệt sĩ vô danh
    Hàng vạn người đã đến đây nghiêng mình…
    Cao hơn những bậc đá là trời xanh
         Và cao hơn trời xanh
              Là mãi mãi…
                       Vô danh”.
                                              (Bên đài liệt sĩ vô danh)

    Lê Thành Nghị đồng thời đã xoáy sâu vào nỗi đau mất mát không thể bù đắp, không thể phai mờ, nguôi ngoai, hóa giải… từ phía nhạy cảm, buồn thương nhất: chiến tranh mang gương mặt người mẹ. Bắt nguồn từ một hình ảnh mang sắc thái ẩn dụ, lấy cảnh vật để khắc họa tâm trạng, biến cỏ cây thành một nhân vật trữ tình tham dự vào câu chuyện: “Người con trai cuối cùng của mẹ ra đi/ Hoa xoan đứng một bờ lặng ngắt”, người viết với mối đồng cảm sâu sắc đã nâng tầm khái quát cho bài thơ bằng thông điệp mang ý nghĩa nhân văn, nhân ái:

    “Ôi để hiểu giá của một ngày hòa bình
    Hãy sinh những đứa con trai
    Và như mẹ
    Đêm đêm ngồi chờ từ mặt trận”.
                                              (Chiến tranh)

    Trong ngữ cảnh của những thập niên cuối thế kỷ XX đầu XXI, hòa cùng tư tưởng đổi mới, dân chủ, tinh thần phản biện, ý thức phản tư của bầu sinh quyển chính trị, xã hội đương thời, thơ Lê Thành Nghị như được tiếp thêm nguồn năng lượng mới. Vẫn là tiếng thơ “thì thầm, réo rắt” (Nguyễn Bình Phương) từng được nâng cánh bởi một tâm hồn lãng mạn, đa cảm, duy mĩ, mơ màng: “Lời hẹn cũ, ngủ vùi trong đáy giếng/ Bóng em và cặp mắt vẫn trong veo” (Mùa lá xanh); những câu thơ tài hoa, tinh tế đến ngỡ ngàng: “Nhẹ nhàng chiếc lá bàng thay/ Kéo theo một vạt lửa bay xuống hồ” (Sang thu); “Có vạt nắng pha lê chiều rớt xuống/ Vỡ tan trên thềm đá hóa thành trăng…/ Chừng như gió kéo tiếng chim đi hết/ Để làm cây rơi mấy chiếc lá buồn” (Tây Hồ đêm); “Bao giờ, bao giờ… xa xót cuối chân mây/ Hiện về… hiện về… cánh buồm đỏ thắm/ Bao giờ… bao giờ… trong đá ấm/ Run rẩy về nhịp đập trái tim em?” (Cánh buồm đỏ thắm)…. song giờ đây đã được bồi đắp thêm nhiều tầng nghĩa mới thông qua các tình thái nhận thức, suy tư, chiêm nghiệm. Một lần nữa, cảm thức mùa trong thơ Lê Thành Nghị lại hóa thân vào dòng thời gian – đời người như một cảm nghiệm về sự cuộn chảy của nhịp điệu vũ trụ, về cái vô hạn muôn trùng và cái hữu hạn nhỏ bé:

    “Biển thời gian nước chảy bao giờ đầy
    Mỗi con người: một tích tắc, tích tắc
    Ngày đi như nước xiết
    Định đưa ta về đâu đây?”.
                                          (Dưới chân cầu)

    Nhưng khi đã dấn thân chấp nhận “cuộc chơi” đầy thách thức của kiếp phận con người, nhà thơ đã lựa chọn được phép ứng xử thích ứng với quy luật sinh tồn của nhân loại bằng nhịp đập thổn thức của con tim và ánh sáng nhân văn của trí tuệ:

    “Rồi khổ đau, buồn vui tan biến hết
    Những đạn bom chinh chiến cũng lùi xa
    Chỉ còn đá nằm trên bờ biển hát
    Mang mọi kiếp người tan vào ánh trăng”.
                                       (Bãi đá quê hương)

    Khác với văn xuôi, trong thơ ca, cái tôi/ chủ thể trữ tình là một kiểu loại nhân vật, một dạng ký hiệu nghệ thuật mang tính đặc thù, tuy không đồng nhất với con người thật ngoài đời nhưng những tâm tư, tình cảm, yêu ghét, được mất… trong cuộc sống thi nhân luôn hắt bóng xuống câu thơ. Hành trình tìm kiếm cái tôi bản thể trong thơ Lê Thành Nghị cũng đã đi qua một chặng đường dài nhiều nếm trải mà những câu thơ trên chỉ là một mặt của ô màu khối lập phương.

    Vào những năm tháng người cầm bút cảm hiểu “thời nay dễ viết” (Nguyễn Khải) khi nhãn quan hiện thực rộng mở, tầm nhìn được khai phóng, con người với tư cách là đối tượng muôn thuở của văn học nghệ thuật nói chung và cái tôi chủ thể trong thơ ca nói riêng luôn được đặt ở vị thế trung tâm của bức tranh đời sống, là tâm điểm của sáng tạo thẩm mĩ. Một cách tương đối, có thể nhận diện cái tôi trữ tình/ hình tượng tác giả trong thơ Lê Thành Nghị là cái tôi hướng nội, cái tôi trữ tình-thế sự mặc dầu thơ ông ở thời kỳ đầu mang hơi hướng sử thi biểu hiện qua đề tài Tổ quốc, nhân dân, lịch sử dân tộc. Về sau, khi những trải nghiệm hiện sinh, vốn sống, tri thức văn hóa đã được “làm đầy”, tư duy thơ Lê Thành Nghị thiên về chiều hướng nhận thức tư tưởng. Điều đáng nói là thứ thơ ấy không mang tính duy lý khô khan mà luôn được khơi dậy từ cảm xúc về đời sống con người, từ nguồn thi hứng được ban tặng từ thiên nhiên tạo vật:

    “Núi còn lại một vệt mờ xa thẳm
    Tháng ngày đi rách nát cả cây buồm
    Hình như chim vẫy cánh ngoài vô tận
    Còn ta: bờ lau bạc suốt trăm năm”.
                                                  (Người đi)

    Thơ trữ tình là sự đan xen các yếu tố thực - ảo, miêu tả - biểu hiện và luôn tuân thủ nguyên lý: thơ “cốt gợi” mà không “cốt tả”. Hiện thực đời sống đi vào thơ ca qua cửa ngõ tâm tình, qua suy ngẫm của người viết. Nó không phải là sự bộn bề của các chi tiết tả chân như văn xuôi. Đó là hiện thực đã được chắt lọc, là diễn biến nội tâm của chủ thể. Vẫn là không gian biển bao la muôn trùng nhưng dưới sự chế ngự của biểu đồ tâm trạng, thực thể thiên nhiên ấy sẽ có những khuôn hình, diện mạo riêng: biển reo, biển hát, biển tâm tình… Biển chiều trong thơ Lê Thành Nghị lại trĩu nặng ưu tư. Người thơ dường như đã bắt nhịp và tạo được mối tương tác “đồng sóng đồng lòng” qua dòng cảm thức không - thời gian “Trái đất - ba phần tư nước mắt” của Xuân Diệu:

    “Sau chùm lá miên man lời ước hẹn
    Miên man mưa - biển cũng chẳng hề đầy!
    Nhưng chiều nay biển hình như thêm mặn
    Hoa lặng thầm, gió cũng nín trong cây…
    Nhưng chiều nay biển mới thật là biển
    Mênh mang buồn, biết chia sớt cho ai?”.
                                         (Chiều nay biển)
    “Hay còn trẻ nên người không thể thấu
    Biển đã đầy những hạt buồn đau”.
                                             (Phố ngày mưa)

    Ở những bài thơ trữ tình-suy tưởng, Lê Thành Nghị có sự phối kết hài hòa giữa thực và ảo, giữa cảm nhận trực quan và độ kết lắng của tư tưởng. Đôi khi bức màn cảm xúc được vén lên bằng một hình ảnh thực nhưng tiềm ẩn chất suy nghĩ:

    “Không vì mùi sen thơm
    Con chuồn chuồn ngô không ngủ vùi như thế”.
                                                    (Bên bờ hồ sen I)
    Và từ đó, trí tưởng tượng và liên tưởng thơ được “kích hoạt”, kết nối với nhiều “đường link” tư duy nhận thức/ tư tưởng thẩm mĩ:
    “Ôi hồ sen! Gió vô tư trên nghìn chiếc lá
    Mặc kệ “tơ lòng” rối bời trong thân nhỏ”.
                                                (Bên hồ sen I)

    Chọn “cổ mẫu sen” – một biểu tượng đặc sắc trong tâm thức văn hóa Việt, Lê Thành Nghị đã dẫn dắt dòng tâm tưởng vào miền suy nghiệm về lẽ sống và giá trị Người:

    “Tôi cũng thế luôn chiêm bao được hóa thành sen
    Dù biết để đến được hồ sẽ tan nát bão”.
                                                             (Bên hồ sen II)

    Hình tượng cái tôi/ chủ thể trữ tình trong thơ Lê Thành Nghị còn được chiết xuất từ cảm nghiệm hiện sinh. Đặt trong tương quan cộng hưởng với dòng trôi mải miết của tạo vật và năm tháng đời người, nó luôn cảm thấy chìm nổi, bấp bênh, hoang mang, âu lo, hoài nghi và bất lực trước thời gian hồi chảy: “Năm tháng vô tình như suối đổ vào sông”; “Tháng ngày đi rách nát cả cây buồm”; “Ta sẽ mắc vào đâu, những mắt lưới muộn phiền”… Tôi là ai? Tôi từ đâu đến và đi về đâu? Tôi hiện hữu giữa cuộc đời có nghĩa hay vô nghĩa? Đó là những câu hỏi ám ảnh, tạo nên sắc thái tự vấn, phản chiếu tâm thế và quan niệm nhân sinh của nhà thơ. Không phải ngẫu nhiên mà những câu thơ viết về gió và nước chiếm tần số cao trên văn bản. Điều đó phản chiếu một tâm hồn không bình yên, phẳng lặng. Cảm thức về thời gian trong thơ ông đồng nghĩa với sự mất mát, phôi pha, một đi không trở lại:

    “Nào ai nói giùm ta có gì vĩnh viễn
    Hoa tím được bao nhiêu trước mãi mãi hoang tàn”.
                                                  (Ngẫu hứng sông Tiền)

    Sự vô tình của thời gian tự nhiên đã lưu chuyển thành nỗi bất an trong tâm tưởng, ngoại cảnh hóa vào tâm cảnh:

    “Bao nhiêu câu hỏi
        Ai trả lời tôi
          Gió thì mãi thổi
             Nước thì bận trôi!”.
                                       (Những câu hỏi thường ngày)

    Một trong những căn tính của con người hiện sinh là mặc cảm lạc loài, cô đơn giữa đồng loại. Lê Thành Nghị đã truyền tải ý tưởng ấy qua hình bóng người độc hành đơn côi trong cuộc kiếm tìm tri âm, tri kỷ:

    “Ta lạc giữa đám người đơn độc
    Ngoài kia, trăng như một gã vô hồn
    Nghiêng cạn chén: “thi trung càn khôn đại”1
    Cô đơn thay khi Lý Bạch không còn!”.
                        (Quán rượu trên đường Vương Phủ Tỉnh)

    Tâm thế ấy hằn sâu trong từng ý nghĩ, qua mỗi bước chân: “Đôi khi có cảm giác cả dãy phố đang buồn/ Thực ra chỉ có ta vác nỗi buồn qua phố”… song, con người hiện sinh đồng thời quan niệm/ lựa chọn hành vi sống như một dấn thân, nhập cuộc, hiện tồn: “Ai biết được gió bao giờ thì ngừng/ Nước bao giờ thì cạn/ Sống là một cuộc dấn thân/ Trên vai biết bao phiền muộn” (Tiếng chim buổi sáng). Không những không khước từ mà người thơ còn chấp nhận mọi nghịch cảnh, phi lý trong cuộc đời (khách thể) và cả trong tâm hồn con người (chủ thể). Tư tưởng ấy rõ ràng đã chi phối đến quá trình nhận thức và tự nhận thức của nhà thơ trong việc khắc họa chân dung cái tôi phức hợp, đa màu, quy tụ nhiều trạng thái, cung bậc cảm xúc:

    “Có những ngày muốn nhẹ như mây
    Muốn bay như mây
    Trong khi nỗi buồn như đá đè ngực!
    Có những ngày muốn buông như nước
    Muốn thả như nước
    Trong khi vương vít hương cỏ hương cây trên bờ!
    Có những ngày muốn mờ như khói
    Muốn nhòe như khói
    Trong khi cánh buồm cuối chân trời giục đi!”.
                                                                  (Tự do)

    Những dòng thơ đặc sắc trên đã diễn tả rất mực tinh tế diễn biến nội tâm phức tạp của người cầm bút trước nghịch lý thường hằng trong khi tự do luôn là khát vọng vĩnh hằng của muôn người. Hơn ai hết, nhà thơ là người cảm nhận sâu sắc những mâu thuẫn, nghịch cảnh của đời sống bằng những giằng xé va chạm trái chiều trong tâm thức chính mình. Muốn tung cánh dưới bầu trời tự do mênh mang con người phải thoát ly hoàn toàn khỏi những giới hạn, ràng buộc, níu kéo. Nhưng đó dường như là điều không tưởng bởi mấu chốt gian nan nhất của hành trình là phải vượt qua trở lực luôn tiềm ẩn trong mỗi cá nhân, vượt qua chính mình:

    “Tôi là kẻ bộ hành qua sa mạc
    Mà quên mang theo bầu nước nhỏ bên mình!”.
                                                                    (Tự do)

    Kết cấu của bài thơ có sự vận động nhịp nhàng giữa cảm xúc lãng mạn, bay bổng và sự thông minh lý tính, giữa giai điệu bồi hồi, thổn thức phát ra từ trái tim và độ tường minh của tri thức. Có thể coi Tự do là trường hợp tiêu biểu, mang đậm phong cách trữ tình - triết luận và cá tính sáng tạo của nhà thơ.

    Song song với việc khẳng định ý nghĩa tồn tại của nhân vị và bản thể thi nhân, cảm thức mùa của Lê Thành Nghị được mở rộng, nối dài thêm bởi các chiều kích thời gian quá khứ, hiện tại, tương lai. Đó chính là một phương diện phản ánh năng lực chiếm lĩnh hiện thực, là sự bồi đắp hữu hiệu kinh nghiệm cộng đồng, làm phong phú hơn những trải nghiệm cá nhân của chủ thể sáng tác và nâng cao tầm khái quát cùng ý nghĩa triết lý cho thơ. Ngược dòng thời gian, ông đã tìm về những tên tuổi lớn trong lịch sử văn học nhân loại như Puskin, Lev Tonstoi, những bậc tài danh trong sinh thể văn chương/ văn hóa nghệ thuật Việt Nam như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nam Cao, Chế Lan Viên, Bùi Xuân Phái, Phùng Khắc Bắc… để giải mã cấu trúc nhân tài và rút ra bài học chân lý sáng tạo. Thân phận lịch sử bi thảm của Nguyễn Trãi – một ký ức thăm thẳm đau xót của dân tộc – hiện về trong thơ Lê Thành Nghị như một cảnh tỉnh, một cách nhập tâm, một cách ôn lại bài học về lòng dạ người đời qua những vần thơ gan ruột, đầy cay đắng của Ức Trai: “Ngoài, trong mọi thứ đều thông hết/ Bui (duy) một lòng người cực hiểm nguy”. Trước trái tim lớn chứa nặng nỗi đau đời và yêu thương con người của đại thi hào Nguyễn Du, nhà thơ đã tìm được mối đồng cảm sâu sắc và cụ thể hóa niềm tri ân thành kính của mình bằng hình ảnh thơ chân thực, cảm động:

    “Tôi mỗi năm thêm một tuổi yêu Người
    Như yêu thêm hàng cây sau bão
    Nếu đến được một ngày “tam bách dư niên hậu”
    Tôi sẽ về lặng lẽ khóc sau cây”.
                                                         (Về lại Tiên Điền)

    Nghĩ về Nam Cao, Lê Thành Nghị đã tinh lọc qua thế giới nghệ thuật để làm sáng tỏ giá trị đích thực của lòng nhân đạo trong cách nhìn đời, nhìn người của nhà văn: “Có ai yêu cuộc đời như ông/ Cái kiểu yêu nhọc nhằn, lấm láp/ Cái kiểu yêu từ nghèo hèn, rỉ mòn, ốm o, ngột ngạt/ Ráng chịu tìm đức tin/ Giữ để không bước thêm một bước/ Xuống bùn!” (Nam Cao). Tưởng nhớ Chế Lan Viên, ông đã hình tượng hóa chân lý sáng tạo bằng những câu thơ có sức truyền cảm mạnh mẽ:

    “Có những câu thơ dù thiêu cũng không thể cháy
    Như thể lửa càng to, thảm cỏ mọc càng dày”.
                                                                      (Thi sĩ)

    Dù viết về tiền nhân, hay gần gũi hơn là những người cùng thời như Phùng Khắc Bắc, Nguyễn Thi, Xuân Thiều… (Một chấm xanh giữa đời thường, Ngôi nhà mái cong, Im lặng), Lê Thành Nghị luôn bày tỏ tấm lòng liên tài, thái độ trân quý nhân cách người cầm bút: “Thời gian đến sẽ tìm sau đám cháy/ Những gì không thể cháy mà thôi” (Thi đàn). Đó cũng là một cách ứng xử văn hóa, văn minh của một người thấu hiểu lẽ đời, thấu hiểu nỗi gian khó, nhọc nhằn, vật vã của nghiệp viết, ngõ hầu giúp bạn đọc cảm nhận đầy đủ hơn sức lan tỏa từ mỗi trang văn và tâm nguyện của đồng nghiệp, bạn hữu.

    Bên cạnh thi pháp thời gian ba chiều, Lê Thành Nghị còn rất ý thức trong việc mở rộng biên độ không gian của các miền tâm tưởng để gia tăng sắc mầu thế sự, tinh thần phản biện, đối thoại/ tự đối thoại và ý nghĩa triết lý cho thơ. Càng về sau, với Mùa không gió, Sông trôi không lời, Khoảng giữa những giọt sương… dấu ấn suy tưởng, vì vậy, có thể coi là một trong những đặc điểm căn cốt hình thành phong cách Lê Thành Nghị. Các bài thơ Bên hồ sen I, Bên hồ sen II, Không đề, Những gì liên quan đến cỏ, Tuổi sáu mươi, Những lời không muốn nói, Đối chứng, Có thể và không thể, Mười bảy đoản khúc buồn, Nhân thế, Trong tĩnh tại &… Sát Na… là một chuỗi nhận thức về sự hỗn dung, pha tạp trắng-đen, thật-giả, thiện-ác, sự phức tạp khôn cùng của nhân tình thế thái, trong số đó có những bài ngay từ cách đặt tên đã mang tính luận đề.

    Những châm ngôn mang sắc thái triết lý trong thơ Lê Thành Nghị đa phần được đúc kết từ những trải nghiệm đời thường. Đó là những lần ngồi bên hồ sen, trong rạp xiếc, đi trên xe buýt, đi viếng cảnh chùa, thăm thú rừng Cúc Phương, thả chân trần trên cỏ, ngắm hàng cây sau bão… và cứ thế, những suy tư chiêm nghiệm, nỗi “ưu thời mẫn thế” trong tâm can nhà thơ đã cất thành lời một cách tự nhiên: “Bỏ một ngày đứng xem một vụ cãi lộn/ Nhưng một nửa bánh xe không ai chịu nhường/ Trong cuộc họp không ai ý kiến gì/ Bằng mặt dễ nhìn thấy nhưng không bằng lòng không ai nhìn thấy/ Đến khi bỏ phiếu – gạch nát cả giấy” (Bên hồ sen II). “Có thể nhuộm lại tóc/ Nhưng không thể ngăn lại được sự già nua trong tâm hồn/ Có thể ném bùn nhiều người/ Nhưng không thể tránh được bùn rơi lấm mặt” (Có thể và không thể)… Điều đáng chú ý là những bản “tốc ký”, “đoản khúc” chua chát, buồn bã về mặt trái của đời sống và lòng người như trên chưa phải là giọng điệu chính của thơ Lê Thành Nghị. Vẻ đẹp trí tuệ trong thơ ông chỉ có thể được quy tụ, chiết xuất trên nền một dòng cảm thức mùa nhân từ và độ lượng trước con người và tạo vật:

    “Không sầu muộn gì
    Một mình ngồi bên chén rượu
    Đủ chìm trong đắng cay”.
                           (Trong tĩnh tại &… Sát Na)
    “Cái gì cũng thuộc về tuổi trẻ, kể cả tuổi già!”.
                                                     (Đối chứng)
    “Vì mùa không gió
    Hoa phải thơm gấp ngàn lần”.
                                      (Mùa không gió)

    Sống đời cây cỏ cũng là một cách để thi nhân tìm đến tận nguồn quy luật sinh tồn của tạo hóa. Và cũng qua trường liên tưởng để người viết trình hiện những ẩn dụ đa nghĩa về kiếp nhân sinh trong thế giới nghệ thuật thơ:

    “Bão qua
    Những cây cao đổ gục
    Giống như đá
    Cỏ chỉ nhè nhẹ rung”.
                  (Những gì liên quan đến cỏ)
    “Vô hạn những triền sông, ngút ngát những chân đê
    Một nền xanh dưới chân mây… là cỏ
    Em nhớ không dưới nền xanh lặng đó
    Nhân loại ngủ im lìm”.
                                 (Trong cỏ)

    Có lẽ lòng nhân ái và tinh thần dân chủ đã ngấm sâu vào tư tưởng thơ Lê Thành Nghị nên ông thường viết/ nói nhiều về những sự vật bé nhỏ như thân phận thảo dân với tâm thế “đứng về phe nước mắt”. Từng hạt bụi, ngọn cỏ, hạt cát, que diêm như có linh hồn, thân phận:

    “Bờ cỏ mực mùa thu gom hết tím
    Cát không tin, cát vẫn lặng yên chờ
    Bao giờ mỏi, theo buồm trôi thanh thản
    Ta về chôn tặng cát một câu thơ!”.
                                (Cát vẫn lặng yên chờ)

    Ý thức dân chủ, tinh thần phản biện đã can dự tích cực vào quan niệm nhân sinh, bản ngã cá nhân bất luận tầng lớp, hoàn cảnh xuất thân và đã tạo sinh nên tính nhân văn, tình nhân ái trong thơ ông qua một hình tượng thơ mạnh mẽ, xác quyết:

    “Một hạt bụi cũng có đường bay của nó!”.
                                                     (Đối chứng)

    Nhìn từ lý thuyết cây thơ của Bạch Cư Dị, với thơ: tình cảm là gốc, mầm lá là ngôn ngữ, hoa là âm thanh, quả là ý nghĩa… dễ nhận thấy thơ Lê Thành Nghị là những chỉnh thể nghệ thuật được cấu trúc “bài bản”, hài hòa và đầy sáng tạo. Ông coi trọng cảm xúc nhưng biết đề cao và vận dụng trí tuệ để mang lại hiệu quả thẩm mĩ, để thơ dễ đi vào tầm đón đợi của đối tượng tiếp nhận. Ông có nhiều tứ thơ độc đáo, mới lạ. Hệ ý tưởng trong thơ ông phong phú, đa tầng bậc, vừa trầm sâu, lắng đọng, vừa thăng hoa, lan tỏa. Ngôn ngữ thơ ông hàm súc, tinh tế, giàu đường nét sắc màu hội họa. Giọng điệu thơ ông có nhiều âm hưởng: trầm lắng, nhẹ nhàng xen lẫn sôi nổi, thiết tha; âu lo khoắc khoải xen lẫn hồn nhiên, vô tư; ngọt ngào, dịu dàng xen lẫn xa xót, chua cay… Tuy nhiên, đâu đó trong thơ Lê Thành Nghị có sự “lỗi nhịp” bởi sự lấn át của lý tính đối với cảm xúc, của triết luận đôi khi khô khan với đặc tính mềm mại của thơ trữ tình (Nhân thế, Dưới lớp tro bụi…).

    Bao trùm lên không gian thơ Lê Thành Nghị là chân dung của một thi nhân đã đi qua một vòng đời, chạm đến tuổi “cổ lai hi” với mái đầu xanh kiêu ngạo bên mái đầu bạc cam chịu nhưng vẫn không thôi khao khát, ước mong vươn tới những miền thơ, những chân trời mới để được thổn thức, đắm chìm và bị mê hoặc bởi cái đẹp: “Chiều cuối năm/ Theo ong để tìm hoa tím/ Theo gió đến vườn trái chín/ Theo mùi thơm để mơ nụ cười/ Tôi thả hồn tôi về miền cái đẹp” (Chiều cuối năm); để vượt thoát ràng buộc, níu kéo tầm thường, để tận hưởng quyền được mộng mơ: “Buổi sáng nghe chim gọi đàn/ Muốn sải cánh” (Tiếng chim buổi sáng); “Chạm cõi vô cùng/ Cuộc tranh biện không đầu không cuối về hạnh phúc… / Sau bờ ngô lấp lánh cánh buồm/ Náo nức chân trời lạ/ Giã biệt hoa muồng vàng” (Hoa muồng vàng); “Phía chân trời lạ/ Phía vòm trời quen/ Tôi vẫn chờ những chấm sao lên” (Con đường mùa lá rụng)… Đó quả là một hồn thơ thâm trầm, sâu sắc mà nhẹ nhàng, thanh thoát, chất chứa muộn phiền mà lãng mạn, trẻ trung:

    “Một ngày cả gió
    Tôi phóng xe ra đường
    Đến bên góc bàng già thưở tóc còn xanh
    Nhặt lên lời hẹn năm nào em bỏ quên”.
                                        (Một ngày cả gió)

    “Đọng lại sau ngôn từ”, sau mỗi câu thơ là sự kết tinh nhân cách thi sĩ được hiển hiện qua một ẩn dụ, liên tưởng độc đáo, khác lạ:

    “Tôi ở khoảng từ giọt vui đến trước
    Và giọt buồn trong vắt đến sau”.
                         (Khoảng giữa những giọt sương)

    Hình tượng giàu chất thơ và rất đỗi thanh cao, trong trẻo ấy không chỉ chứa đựng trong nó chiều sâu tư tưởng thẩm mĩ, dấu ấn phong cách của chủ thể trữ tình mà còn biểu lộ khả năng tự định vị/ tự nhận thức của bản thể thi nhân giữa trùng điệp thiên nhiên và mênh mang cõi thế.

 

 

 

Chú thích:
1 Trong thơ chứa cả đất trời rộng lớn.

    

    

Bình luận

    Chưa có bình luận