PHÙ SA VĂN HÓA TRONG THƠ CỔ ĐIỂN VÀ HIỆN ĐẠI

Bài viết phân tích phù sa văn hoá trong thơ cổ điển và thơ hiện đại Việt Nam ở các mảng: thơ triết lý, thơ trào phúng, thơ về đời thường... Qua đó làm rõ trầm tích giá trị văn hoá tạo nên ý nghĩa triết lý, giá trị giáo dục, thẩm mĩ và nhân văn trong thơ cổ điển và hiện đại Việt Nam.

    Có nhiều định nghĩa về thơ, về phong cách bút pháp. Nếu so sánh ngôn ngữ tự do của văn xuôi (oratio solate) thì thơ bị đối lập bởi bút pháp lực cản (oratio vineta). Trong thơ, tính siêu thực cao, ngôn ngữ phong phú, sức tưởng tượng lớn, trí thông minh dồi dào. Không cường điệu chút nào khi chúng ta đọc, cảm thụ những bài thơ hay, câu thơ súc tích, những câu thơ châm ngôn là nhờ phù sa văn hóa tri thức của nhiều thế kỷ. Bài viết xin giới thiệu 3 đề tài thường hiện diện trong thơ cổ điển và hiện đại khi tiếp xúc với nguồn thơ, đó là: thơ triết lý, thơ trào phúng, thơ đời thường.

    1. Thơ triết lý truyền thống và hiện đại 

    Khi nói đến triết lý trong thơ, tôi nghĩ tới Triết học đời sống, một triết thuyết ra đời từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX (được dùng từ thời cổ đại Hy-La) 1 gắn liền với sự phát triển khoa sinh học, tâm lý học. Quan điểm trung tâm của triết thuyết này cho rằng đời sống không chỉ nhận thức bằng tư duy logic, lý tính mà còn biết được nhờ trực giác, cảm xúc, chủ yếu là cảm xúc tôn giáo. Theo H. Bergson, đời sống theo nghĩa sinh học là sống - chết, trưởng thành - tàn lụi, phát triển - hủy diệt. Còn theo Nietzsche, W. Dilthey, đời sống là ý chí, cảm xúc, phi lý tính, khuynh hướng trực giác, siêu thực. Cả hai đều có ảnh hưởng đến phái Heghen mới, chủ nghĩa hiện sinh, khuynh hướng nhân cách văn hóa. Triết lý hình thành từ đó, được vận dụng vào sáng tạo nghệ thuật, trong đó có nghệ thuật thơ ca. Các nền văn hóa có bề dày truyền thống đều có xu hướng thơ triết lý và những nhà thơ triết lý, tác phẩm phản biện của họ được nhân loại tôn vinh.

    1.1. Những đặc điểm của thơ triết lý

    Câu đối thường mang triết lý và giáo lý, ví dụ như câu đối đề tại Đền Hùng của Giáo sư Vũ Khiêu:

    “Đất nước, bốn nghìn năm, nhân ái còn tuôn dòng sữa mẹ
    Đàn con, bảy chục triệu, anh hùng chẳng thẹn tấm lòng cha”.
    Hay một câu đối thường được treo trang trọng ở nhiều gia đình:
    “Tổ tiên công đức thiên niên thịnh
    Tử hiếu tôn hiền vạn đại xuân”.

    Vũ trụ và thiên nhiên, tiên giới và trần gian, xã hội và con người, không gian và thời gian là những khái niệm vừa hư vừa thực, đòi hỏi thế giới quan của nhà thơ năng lực biến dịch, cảm quan biện chứng. Thế giới quan của nhà thơ là hệ thống quan điểm về những hiện tượng tự nhiên, xã hội, con người; theo đó là quan điểm triết học, chính trị, đạo đức, mĩ học, khoa học, tôn giáo. Nó phản ánh sự tồn tại vật chất và ý thức về một thể chế nhất định, một giai đoạn lịch sử nhất định; nó là phạm trù động, mở của tầm nhìn, thái độ đối với sự vật, sự kiện muôn màu, đa sắc. Thiên tai, bệnh tật, sức sống, cái chết, danh vọng, cái đẹp, sự cô đơn thường là chủ đề trong các triết lý của nhà thơ. Dù là viết về đề tài nào thì nhà thơ cũng chỉ có một chỗ đứng: giữa cuộc sống xã hội, một tầm nhìn hướng về trung tâm con người, khi đó mới đúc kết được triết lý sống. Khác đi, con người đứng ngoài xã hội, bên lề lịch sử thì chỉ là “vị thần hay một con thú”, nói như Aristote đã viết trong thiên Politica.

    Trong thơ Việt Nam hiện đại viết về đề tài Tổ quốc, đất nước, lãnh tụ, thiên nhiên, người phụ nữ, các nhà thơ để lại những trang thơ vừa đạt tầm triết lý vừa mang cảm xúc dạt dào của người nghệ sĩ. Trong đó cần tôn vinh thể loại trường ca: Sáng tháng Năm, Nước non nghìn dặm, Mặt đường khát vọng, Nguyễn Văn Trỗi, Trường ca sư đoàn, Những ngọn sóng mặt trời, Bài ca chim Ch’rao, Sức bền của đất, Đường tới thành phố... Một trong những vần thơ tôi thích là chương Đất nước trong trường ca Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm. Đất nước hiện ra dưới cảm hứng chủ đạo của ông là những hiện tượng đời thường, những sự kiện lịch sử được cá thể hóa nhờ vận dụng chất liệu dân gian với nghĩa biểu hiện: chim phượng hoàng, cá ngư ông, công cầm vàng (“Cầm vàng mà lội qua sông/ Vàng rơi không tiếc, tiếc công cầm vàng” - ca dao Trị Thiên); với quốc hiệu thời nguyên thủy: chim và rồng đã làm nên dáng hình đất nước, có hạnh phúc và cay đắng, đoàn tụ và chia sẻ, biết hóa thân và không quên tri ân người đi trước... tạo nên triết lý về niềm tin. Có niềm tin sẽ trở thành sức mạnh dời non lấp biển, khác đi là mất tất cả, mò kim đáy biển. Đoạn thơ cuối của trường ca:

    “Ta lớn lên bằng niềm tin rất thật
    Đất đai cỗi cằn thì người sẽ nở hoa
    Hoa của đất người trồng cây dựng cửa
    Khi ta đến gõ lên từng cánh cửa
    Thì tin yêu ngay thẳng đón ta vào”.

    Niềm tin thường có hai chiều, có tin yêu chân thật thì được đáp trả bằng niềm tin chân thật. Văn hóa phương Đông thiên về hướng nội. Chữ “Tín” trong nền văn hóa Trung Hoa nằm trong ngũ thường. Ba nội dung chính của Nho giáo: cương thường, trị đạo, quan hệ thiên - nhân, được các bậc tiền nhân nước ta tiếp nhận có chọn lọc để giáo dục đạo đức và phương thức ứng xử. Chữ “Hòa” được dùng nhiều bởi nó là gốc của chữ “Lễ”. Chữ “Tín” được Chủ tịch Hồ Chí Minh vận dụng thành phẩm chất thứ hai (Trí, Tín, Nhân, Dũng, Liêm) của đạo đức cách mạng. Đủ biết chữ “Tín” trong quan hệ giữa lãnh đạo và người dân hệ trọng biết chừng nào. Nếu nói thơ là thái độ sống, tỏ rõ nhân cách văn hóa của nhà thơ với thời cuộc, tôi tin đoạn thơ trên của Nguyễn Khoa Điềm có dụng ý cho cả hôm nay, khi tồn tại thực trạng lãnh đạo xa dân, thiếu sự tin cậy giữa chính quyền và người dân.

    Đọc Đất nước của Nguyễn Đình Thi, các nhà phê bình thường trích đoạn hai câu đầu: “Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội/ Những phố dài xao xác hơi may”, tả cảnh mùa thu thời chinh chiến dừng lại ở nghĩa biểu hiện; còn tôi, tự nhiên tôi bị ám ảnh bởi hai câu sau của khổ thơ này: “Người ra đi đầu không ngoảnh lại/ Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”; ám ảnh bởi hình ảnh người chiến sĩ Hà Thành bỏ lại mẹ già, chị, em thân thuộc để theo đuổi chí lớn: “Chí lớn chưa về bàn tay không/ Thì không bao giờ nói trở lại” và sự dứt khoát, quyết liệt với sự hi sinh cao cả của biệt động quân: “Mẹ thà coi như chiếc lá bay/ Chị thà coi như là hạt bụi/ Em thà coi như hơi rượu say” (Tống biệt hành - Thâm Tâm)... Có thể nói, biện pháp tu từ ngoa dụ trong bài thơ này đã nói lên triết lý của người chiến sĩ thời kỳ đầu cuộc kháng chiến chống xâm lược, có phần nào đó lý tưởng “yêng hùng”, một motif của lớp thanh niên, học sinh xếp bút nghiên lên đường tranh đấu, thường thấy trong thơ Chính Hữu: “Rách tả tơi rồi đôi giày vạn dặm/ Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa”; hay trong thơ Quang Dũng: “Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc/ Quân xanh màu lá dữ oai hùm [...] Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”. Nhưng đến bài thơ Đất nước: “Nước chúng ta/ Nước những người chưa bao giờ khuất/ Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất/ Những buổi ngày xưa vọng nói về” thì âm giai triết lý: khí, thần trong lịch sử giữ nước anh hùng bất khuất của cha ông thuở trước như hiện về trong hồn của đất đòi hỏi các thế hệ hậu sinh cách ứng phó.

    1.2. Thơ triết lý và yếu tố trữ tình, trào lộng, tự bạch

    Triết lý trong thơ không chỉ dừng lại ở sử thi anh hùng ca, trường ca mà còn ở thơ trữ tình, thơ trào lộng, thơ tự bạch. Trong thơ Hồ Chí Minh, cảm ứng chủ đạo khi đứng trước thiên nhiên của Người bắt nguồn từ triết lý phương Đông: Thiên - Địa - Nhân, Thiên - Nhân hợp nhất. Suốt đời Người theo đuổi triết lý sống cao thượng, không màng danh lợi và của cải vật chất, lấy thiên nhiên làm bạn và đối tượng sáng tạo. Trong thơ Hồ Chí Minh có nhiều cảnh đẹp: Pác Bó hùng vĩ, cảnh rừng Việt Bắc, đêm đi thuyền trên sông Đáy...; có trăng nhòm cửa sổ, có chim rừng vào cửa đậu, có cảnh chơi trăng, có mặt trời đỏ và nhành hoa mai... Ngay cả một hòn đá trước mắt nhà thơ cũng trở nên sinh động khiến Người nghĩ ngay đến sức mạnh của dân tộc: “Hòn đá to/ Hòn đá nặng/ Nhiều người nhắc/ Nhắc lên đặng/ Biết đồng sức/ Biết đồng lòng/ Việc gì khó/ Cũng làm xong”. Nhân bàn chuyện thân thiện với thiên nhiên, tôi xin dẫn bài Cảm tưởng đọc Thiên gia thi, chỉ bốn câu:

    “Thơ xưa thường chuộng thiên nhiên đẹp
    Mây, gió, trăng, hoa, tuyết, núi, sông
    Nay ở trong thơ nên có thép
    Nhà thơ cũng phải biết xung phong”.

    Bài thơ dễ hiểu nhưng có mấy chỗ cần nói rõ để tránh sự ngộ nhận. Chuộng thiên nhiên đẹp là cần thiết nhưng chỉ có cảnh thôi thì chưa đủ, nhà thơ dân tộc còn cần có “chất thép” – bản lĩnh cách tân và lý tưởng sáng tạo. Bác dùng chữ “nên” như một lời khuyên bởi trong nghệ thuật điều kiêng nhất là sự áp đặt, dễ phương hại đến tài năng. Chất thép chưa nói lên toàn bộ tuyên ngôn thi ca của mình. Trong thơ Người có chất thép và chất trữ tình, có anh hùng ca và chất liệu đời thường: cảnh người vợ đi thăm chồng, người bạn tù thổi sáo, cô em xóm núi xay ngô tối, nửa đêm nghe tiếng khóc chồng, gia quyến người bị bắt lính... và hàng chục cảnh đời, số phận bi thương dưới chế độ cũ ở Việt Nam và ở Trung Quốc. Nói chất thép trong thơ Bác Hồ, tôi liên tưởng đến đoạn thơ bốn câu bài Những vần thơ giản dị của José Marti (1853-1895), nhà thơ hùng biện, nhà cách mạng vĩ đại của nhân dân Cuba:

    “Làm trai người trí dũng
    Thơ ngắn lại chân tình
    Mang chất thép trong mình
    Thơ luyện thành lưỡi kiếm”.

    Lời thơ hào sảng khi số phận hòn đảo tự do đang đứng trên bờ vực: Cuba và màn đêm. Thì ra tự do triết luận lịch sử ở hai danh nhân văn hóa thường gặp nhau ở một điểm hội tụ cảm hứng.

    Ngôn ngữ thơ Tố Hữu phong phú và độc đáo, hào sảng và trữ tình, nét dáng truyền thống và không khí thời đại đã đi vào tâm thức và đời sống tinh thần của nhiều thế hệ từ những văn kiện trang trọng của Nhà nước cho đến lời ăn tiếng nói của nhân dân. Nói đến lý tưởng của tuổi trẻ thời chiến tranh giữ nước, người nói thường dẫn câu: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai”; đề cập đến sức mạnh thần kỳ của người nông dân có câu: “Bắt sỏi đá phải thành sắn gạo” (Sáng tháng Năm); nói đến chân lý ứng xử của người đời: “Có gì đẹp trên đời hơn thế/ Người yêu người sống để yêu nhau” (Bài ca xuân 1961); luận về triết lý sống, lúc thành công cũng có phút vấp ngã: “Ai chiến thắng mà không hề chiến bại/ Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần” (Dậy mà đi) hoặc sự lựa chọn cuộc đời lập thân, lập nghiệp: “Bâng khuâng đứng giữa đôi dòng nước/ Chọn một dòng hay để nước trôi?” (Dậy lên thanh niên); triết lý giữa sự sống và cái chết theo quan điểm chủ nghĩa anh hùng thời chiến: “Có những phút làm nên lịch sử/ Có cái chết hóa thành bất tử/ Có những lời hơn mọi lời ca/ Có những con người như chân lý sinh ra” (Hãy nhớ lấy lời tôi).

    Thơ viết về biển của Hữu Thỉnh là bài thơ tự do, rất ngắn, dễ hiểu, dễ thuộc, tứ thơ không lạ, lạ nhất là cách “chơi chữ” từ nghĩa biểu hiện: biển - cánh buồm, chiều - màu tím, gió - vách núi - sóng chuyển dịch sang nghĩa nội hàm để nói lên triết lý: tình yêu chân thật bao giờ cũng có nhận và cho, có nhớ nhung và trách cứ nhưng thủy chung như sức sống huyền diệu từ hai phía theo lối tu từ - phủ định, giả định để xác định:

    “Gió không phải là roi mà vách núi phải mòn
    Em không phải là chiều mà nhuộm anh đến tím
    Sóng chẳng đi đến đâu nếu không đưa em đến
    Dù sóng đã làm anh
    Nghiêng ngả vì em”.

    Khi nghiên cứu thơ văn Nguyễn Trãi, Jacques Gaucharon đã viết: “Đối với Nguyễn Trãi, thơ và lịch sử chỉ là một... Hay nói cách khác, đã đến lúc lịch sử trở thành động lực của thơ và thơ trở thành động lực lớn”. Đó là trường hợp những câu thơ triết lý của Chế Lan Viên. Ngôn ngữ thơ của ông dường như ai cũng có thể nói được, có khi đã “bạc màu” nhưng khi vào thơ lại có sự nhuần nhị giữa ý và lời, giữa “tia chớp” trí tuệ và nồng cháy của cảm xúc thì câu thơ trở thành châm ngôn đáng nhớ. Xin dẫn vài câu tâm đắc:

    Rút bài học kinh nghiệm lịch sử:

    “Mỗi chú bé đều nằm mơ ngựa sắt
    Mỗi con sông đều muốn hóa Bạch Đằng”.
     “Cha ông xưa từng đấm nát tay trước cửa cuộc đời
    Cửa vẫn đóng và đời im ỉm khóa”...
                                    (Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?)

    Tri ân đức, tài, công của tiền nhân:

    “Có được trái cây thơm, ta biết quý cả mùa lành”
                         (Người thay đổi đời tôi, người thay đổi thơ tôi).

    Sự đa tình, đa cảm của tình yêu quê hương:

    “Tình yêu làm đất lạ hóa quê hương”.
                                    (Tiếng hát con tàu)
    “Thiếu cả gia đình ngay giữa đất quê hương”.
                      (Kết nạp Đảng trên quê mẹ)

    Kỳ vọng với sự tu dưỡng điều thiện:
    “Gỗ trăm cây đều muốn hóa nên trầm”.
                                               (Tổ quốc)

    Tuyên ngôn thơ của một nhà thơ công dân:

    “Ta đẻ ra đời sao khỏi những cơn đau?!
     Hãy biết ơn vị muối của đời cho ta chất mặn”.
                                                               (Tổ quốc)

    1.3. Thơ triết lý và người đọc đương đại

    Thơ hay không phải là độc quyền của thơ triết lý. Người làm thơ nào cũng thích mình nổi tiếng nhưng nổi tiếng có khi trở thành gánh nặng nếu không biết “tri túc”. Nổi tiếng không phải là mục đích, mục đích của thơ ca là đi vào cõi đời, lòng người. Không xuất phát từ chất mặn của đời, từ nỗi đau của người khác thì thơ anh (chị) sẽ vẫn bị công chúng lạnh nhạt. Hiện tượng phi thơ, mạo nhận thơ, thơ không cần ý, không cần nghĩa, là “bóng chữ”... tôi hoài nghi, dù đó là ai. Ai đó đã nói đúng: Cái tôi trở về mạnh mẽ, dữ dội quá nên thơ khó hiểu, tắc tị. Nói chuyện thơ với bạn đọc, từ trải nghiệm của nhiều nhà thơ yêu nước thời trung cận đại, nổi lên dòng chảy nhập thế đau đời trước cảnh đất nước lâm nguy. Tất cả họ đều có chung một cảm hứng tương đồng, vừa không màng danh lợi vừa đau đáu nỗi lo cho dân. Truyền thống triết lý của Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) với tấm lòng “lo trước thiên hạ” đến già chưa thôi, được nước nên biết ở chỗ được dân... đến Đặng Huy Trứ (1825-1874) thì chân tâm hay quyền biến, nếu có lợi cho dân: “Dân không chăm sóc, chớ làm quan/ Muốn dân được lợi cần quyền biến/ Tội vạ riêng mang há sợ gì?!”. Ngay từ thời kỳ thực dân cướp nước, vua quan hèn nhát đầu hàng giặc, nhà thơ công dân đã tung ra những vần thơ triết lý: “Tầm bút phương tri bút hữu quyền” (1863) (cầm bút nên hay bút có quyền). Chống lại kẻ tà đạo, lũ bất lương, tham nhũng; phụng sự nhân dân bị áp bức chính là quyền lực của nhà thơ.

    Trong dòng thác thơ ca vài thập niên trở lại đây, bạn đọc yêu thơ thấy rõ điều này, bên cạnh hàng trăm, có khi hàng ngàn tập thơ của các nhà thơ chuyên nghiệp, còn có một số tập thơ ra đời từ cảm hứng và trí tuệ, triết lý của các nhà thơ “trẻ” về tuổi nghề: anh lính làm thơ, nhà khoa học cho in thơ, nhà giáo ngồi trước trang thơ, những cán bộ hưu trí đọc thơ mình trong câu lạc bộ... đó là một mặt biển sáng tạo thơ ca, lại được phong trào Ngày hội thơ Nguyên tiêu do Hội Nhà văn Việt Nam phát động ở khắp nhiều tỉnh, thành, đã dấy lên những con sóng tài năng thơ ca, trong đó có nhiều nhà thơ các thế hệ tiếp nhau, vun trồng bên nhau những mầm thơ triết lý hiện đại.

     2. Thơ trào phúng

    Trong thơ trào phúng, nhà thơ thường dùng nghĩa hàm ẩn với ngụ ý xấu đối với đối tượng miêu tả, lời lẽ sắc sảo, cay độc thâm thúy để vạch trần bản chất xấu xa của đối tượng mà nhà thơ muốn lên án. Về phương diện xã hội, phần lớn những tác phẩm châm biếm, đả kích thường chĩa mũi nhọn vào kẻ thù của nhân dân, đả kích bọn thống trị tàn bạo, những kẻ xâm lược và bè lũ phản dân bán nước. Trong văn học nước ta, văn thơ đả kích châm biếm đã trở thành một đề tài rộng lớn với nhiều nhà thơ qua các thời đại: Hồ Xuân Hương, Tú Xương, Nguyễn Khuyến và nhiều nhà thơ xuất hiện trong thời kỳ thực dân Pháp xâm lược nước ta.

    Trong thời đại chúng ta, những năm 60, 70 của thế kỷ trước, người đọc biết tên tuổi Tú Mỡ (1900-1967) là nhà thơ trào phúng độc đáo. Ông có bút pháp điêu luyện, bóc trần những hiện tượng rởm đời, chĩa mũi nhọn vào mặt bọn quan lại tham nhũng, bọn tân học nhố nhăng, mưu mô ngu dân, trụy lạc tầng lớp thanh niên non dại... Dưới chế độ ta, Tú Mỡ có biệt danh “Bút chiến đấu” với nhiều vần thơ, câu thơ lên án bọn phản dân, hại nước. Trên Báo Nhân Dân thường xuyên có bài của nhà thơ trào phúng Xích Điểu và nhiều biếm họa lên án những thói hư tật xấu trong xã hội mới.

    Nhìn nhận ra thế giới, người đọc biết những nhà thơ lớn thường là những nhà nhân văn với nhiều bút pháp trào lộng, châm biếm, đả kích. Do hạn chế bài viết, tôi chỉ nói đôi điều về V. Mayakopsky, nhà thơ đả kích. Bài thơ Những người loạn họp (1922) với những câu thơ châm biếm, phóng đại: “Một ngày/ Chính tôi/ Họp hai chục bận/ Họ phải đi hai cuộc họp một lần/ Biết tính sao/ Đành cắt đôi thân/ Ở đây một nửa tới ngang hông/ Còn nửa kia/ Đi họp nơi khác”... Bài thơ được V.I. Lenin khích lệ và được đưa lên Báo Tin tức (1922). Ưu tiên cho những đề tài của Maiakopsky là: lên án những tên quan liêu, những kẻ xu thời, nịnh hót để thỏa mãn “chạy chức, chạy quyền”, những kẻ vô đạo đức, phẩm chất sa sút, công ít tội nhiều... Những bài thơ này đã được đăng trên Tạp chí Cá sấu, một tạp chí có số lượng lớn và được phổ cập cho đến ngày nay. Trong những năm khó khăn của đời sống Xô Viết, cảm hứng chủ đạo và cảm hứng phản xạ của nhà thơ vẫn là thơ ca ngợi: “Tôi ca ngợi/ Tổ quốc hiện tại/ Gấp ba lần/ Tôi ca ngợi/ Tổ quốc tương lai”. Với ngòi bút sắc nhọn ở nhiều bài thơ: Những kẻ xu nịnh, Kẻ đặt điều nói xấu người khác, Tên tham ô... và nhiều vở kịch, là nhà thơ chiến sĩ, cảm hứng phản xạ của ông đã trở thành cảm hứng chủ đạo được nhận biết qua mảng đề tài châm biếm siêu hạng: Maya chế giễu, Những con voi trong đoàn thanh niên, Không có báo cáo - tôi không vào. Ông còn có một tập thơ Tiếng cười đe dọa nhằm đe dọa những kẻ ăn bám, bóc lột, trục lợi và quan liêu Xô viết (Soviet) – coi đây là những ung nhọt ghê tởm trên cơ thể của một xã hội mới đang hình thành...

    Nói người lại nghĩ đến ta, trong thời đương đại của chúng ta, nếu theo định nghĩa về thơ của Khổng Tử: “Thi khả dĩ oán”, thì phải thừa nhận rằng đội ngũ nhà thơ chưa thật sự coi trọng vũ khí châm biếm, trào lộng. Những hiện tượng thoái hóa, biến chất, tha hóa quyền lực và những mảng tối trong đạo đức nhân cách của một số người có quyền lực đang rơi vào vũng bùn của chủ nghĩa quan liêu xa dân... cần được đưa ra trước công luận và tòa án lương tâm của thơ ca. Chưa có nhiều bài thơ trào lộng châm biếm thật sâu cay, đượm chất trí tuệ nhưng cũng có thể dẫn ra mấy dòng thơ của các nhà thơ đương đại, họ có thể làm nghề khác nhưng thơ lại dành cho họ. Bài thơ Đỉnh cao và quyền lực (2019) của Hồng Vinh là một ý tưởng hay, hỗ trợ cho những nhận định mà báo Đảng thường tổng kết về một số cán bộ lạm quyền, tham nhũng, xa dân:

    “Năm trước đỉnh cao quyền lực
    Người người đăng ký đến thăm
    Năm sau ngồi trong trại giam
    Đồng tiền làm anh lác mắt
    Đỉnh cao, vực thẳm – tấc gang
    Lịch sử bao phen sống, chết
    Ba lần đánh giặc Nguyên Mông
    Ba lần chiến tranh uy hiếp
    Thành - bại từ người đứng đầu
    Lòng dân - trưởng thành vững chắc”.

    Khi bàn về thơ châm biếm, đả kích, nhà thơ thường tìm đến dòng thơ triết luận, ở đó câu chữ súc tích, sức truyền cảm câu thơ, ý thức làm thỏa mãn trí tuệ, mở mang tư duy khi thưởng thức. Thơ ngắn là lực của ngôn ngữ. Thơ Mai Quỳnh Nam là một hiện tượng độc đáo của thơ trào lộng. Dưới đây là một bài trong tập thơ Không thiên vị (NXB Hội Nhà văn, 2014):

    “Bọn cậy tiền và bọn cậy quyền
    Sát phạt trên bàn tiệc
    Càng uống, chúng càng khát”...
    Một bài thơ khác, chỉ hai câu:
    “Rắn là loài bò sát không chân
    Hắn là loài bò sát hai chân”...

    Tập thơ Vòng quay của Phạm Đình Ân tuy chưa đạt đến độ chín của dòng thơ trào phúng nhưng có nhiều đoạn thơ “đứng được”, được báo chí chú ý. Đọc bài Người trong ảnh chỉ có bốn câu ngắn:

    “Thắt buộc vào nhân thế
    Muôn mặt đời dại khôn
    Còn cái còn, mà mất
    Mất cái mất, lại còn”.

    Bài Cái ghế chỉ có vài dòng:

    “Nhà công, người còn, ghế mất
    Nhà riêng, người mất, ghế còn”.

    Nghệ thuật có hàng trăm cách nói, thơ đả kích châm biếm cũng không ngoại lệ, lấy cái bình thường để nói cái vĩ đại, lấy giọt nước để miêu tả biển cả, lấy cái phi lý để diễn đạt cái lý lẽ miễn là mang tính nhân văn. Ở đó, nhà thơ không nên dè dặt với thế giới bản năng, sức mạnh vô thức, khả năng trực giác mà các nhà triết học thường quan cảm khi bàn về thơ.

    3. Thơ về đời thường

    Khái niệm này rất rộng: gia đình và xã hội, khu phố ở đô thị, đường làng ngõ xóm ở nông thôn... được thiên nhiên bao bọc, mời gọi, che chở, có cả vẻ đẹp gia phong của con người và tình yêu của con người đối với những vật nuôi ngày ngày giúp ích. Chừng ấy câu chữ vẫn chưa bao giờ hết đời thường. Sáng tác thơ là thái độ sống; thơ ca lấy chủ nghĩa nhân văn làm trọng nên nhà thơ tài năng nhìn đời, trọng người bao nhiêu thì thơ của họ càng hay bấy nhiêu. Mảng thơ đề tài này, xin dẫn một số bài hay, nhưng chưa nhiều, của một số nhà thơ đã nhìn đời biến dị, yêu người tha thiết và yêu luôn những gì nhìn thấy. Trong thơ ca, hội họa thế giới viết về đề tài này thường gắn với tên tuổi của những nhà thơ lớn. Chỉ riêng trong văn học Nga, người đọc đã bắt gặp những hình tượng thơ dung dị, đáng yêu: Puskin có Chim họa mi và nhành hồng, X. Exênhin có Bài ca về chú chó, E. Eptusenco có Con chó nhỏ của tôi với tâm sự với một người tình đã đi xa, chỉ tiếc là chú chó không biết uống rượu để “say” như một người tình. A.Vodonnhixenki có Triệu triệu bông hồng kể chuyện một chàng họa sĩ nông nổi có thể bán cả tranh và nhà để mua hàng triệu bông hồng, coi như báu vật chiều lòng người đẹp...

    Trong thơ ca đời Đường, Tô Đông Pha thường coi con người làm bạn với tôm cá, hươu nai, coi vạn vật là bằng hữu, con người và vạn vật bao dung, hòa hợp, yêu thương nhau trong sự bao bọc, giúp đỡ. Trong thơ đương đại vài năm gần đây, báo chí đã chú ý đến đề tài này. Báo Văn nghệ số 13 năm 2018 đăng bài Đám tang của một con chó của Nguyễn Minh Khiêm:

    “Không điếu văn, không cờ tang, không khăn trắng
    Chỉ nước mắt
    Trẻ già rưng rức
    Con chó
    Gầy như cụ già mù chủ nó
    Khi cụ già không đi được nữa
    Nó vẫn đi từng ngõ
    Với chiếc túi miệng
    Người chủ mù gọi nó là mẹ ơi”...

    Và kết thúc bài thơ:
     “Làng không nuôi được người già mù
     Nhưng nó nuôi được
     Có tiếng nấc trong nước mắt mẹ ơi”.

    Truyện thơ có thể tin được, nhưng cái đáng tin, đáng trọng hơn hết là chủ nghĩa nhân văn cao cả của con người đối với con vật, đối với vật nuôi trong nhà như một vị thần trời ban cho nó.

    Ở một dạng đề tài khác, bài Bàn giao của Vũ Quần Phương có một tứ thơ hay, chất triết lý, đạo lý làm người khi tâm tình với thế hệ trẻ kế tục:

    “Rồi ông sẽ bàn giao cho cháu
    Bàn giao gió heo may,
    Bàn giao góc phố
    Có mùi ngô nướng bay
    Ông cũng bàn giao những tháng ngày vất vả
    Sương muối đêm bay lạnh mặt người
    Đất rung chuyển xóm làng loạn lạc
    Ngọn đèn mờ, mưa bão rơi”...

    Bài thơ có bốn đoạn với bút pháp phúng dụ; của cải mà ông bàn giao cho cháu không chỉ cái cụ thể, thiên nhiên gần gũi của tuổi thơ: gió heo may, mùi ngô nướng bay, hương bưởi tháng giêng... mà còn bàn giao cả những tháng ngày xóm làng loạn lạc, mưa bão rơi, mặt người đẫm nắng và cả những nỗi buồn... Nhưng vượt lên tất cả để nói một chân lý trừu tượng vĩnh hằng: làm người, nhân chi sơ tính bản thiện.

    Nói về đời thường trong thơ, chúng ta không thể quên hình tượng bà mẹ và những người phụ nữ vắng chồng hoặc tình cảm vợ chồng. Nhiều năm trước đây chúng ta được đọc Gửi mẹ của Chế Lan Viên:

    “Mẹ ở dưới thành phố đó
    Lô cốt ngời vôi, mái đồn máu đỏ
    Con đi trên đây, chót vót đỉnh rừng
    Mà mẹ già là gió dịu đưa hương
    Mẹ con ta trong thành Bình Định cũ
    Cái giếng, vườn rau, căn nhà nho nhỏ
    Chị em con là trái ngọt sai vườn
    Mà mẹ già là gió đưa hương”.

    Đây là những câu thơ chân chất nhưng ai cũng thuộc, với chất liệu giản dị, đầy xúc động tình cảm gia đình ly tán trong kháng chiến chống Pháp và là một đoạn đời của nhà thơ (Chế Lan Viên, quê gốc Quảng Trị, làng An Xuân, trước chiến tranh chống Pháp, gia đình chuyển vào Quy Nhơn).

    Vào những năm gần đây, các nhà thơ nữ thế hệ trẻ cũng có những hình tượng mẹ với giọng điệu xót xa khi không còn mẹ. Nhà thơ Nguyễn Thị Mai với bài Qua hàng trầu nhớ mẹ:

    “Thơm cay một miếng trầu xưa
    Mà con phải bớt tiền mua vì nghèo
    Bây giờ đã hết gieo neo
    Lại không còn mẹ mà chiều, khổ không
    Từ ngày đưa mẹ ra đồng
    Qua hàng trầu vỏ con không dám nhìn”.

    Lý Hải Xuân với bài Khóc mẹ:

    “Mẹ như có phép thần nâng đỡ che chở tôi
    Thay bằng tiếng khóc tiếng cười
    Tôi đã vượt qua nhiều dốc cao vực thẳm
    Thế mà, có một vực thẳm cuộc đời mẹ, tôi hoàn toàn bất lực
    Lạy mẹ, tôi ôm quan tài khóc”.

    Bài thơ gần như văn xuôi, ý thơ hay với cảm hứng phản xạ trước nỗi đau khôn xiết của người con gái yêu.

    Xin nói đôi điều về thơ và đời thường, đời thường nhưng không tầm thường mà là cảm hứng phản xạ thông minh, sự liên tưởng ngôn ngữ súc tích với bút pháp vừa hiện thực vừa ẩn dụ. Trong thơ thời kỳ trung cận đại ở nước ta, chúng tôi có thể nhớ lại hai đoạn thơ xuất thần của các nhà thơ, nho sĩ có vốn văn hóa rộng khi tiếp cận với con người bình thường, cuộc sống bình thường. Trạng nguyên Nguyễn Giản Thanh (cuối Lê - đầu Nguyễn) nhờ “tia chớp” sáng tạo nên đã có câu thơ với bút pháp phóng đại và mang ý nghĩa triết lý sâu xa:

    “Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách
    Sắc bất ba đào dị nịch nhân”.
   (Mưa không phải sợi dây ràng buộc nhưng thường lưu khách
    Sắc đẹp không phải là sóng gió nhưng thường làm say đắm lòng người)

    Tự Đức (1829-1883) là một quốc vương có nhiều sở trường và quan tâm đến các loại hình nghệ thuật. Người đương thời xem ông là nhà thơ xuất sắc. Ông sáng tác bằng chữ Hán với tập Việt sử tam bách vinh Luận ngữ diễn ca. Người đời sau nhớ ông là nhờ bài thơ Khóc vợ. Khi Bàng Phi mất, ông có bài thơ Khóc vợ với câu thơ hiếm thấy: “Xếp tàn y lại để dành hơi” (Ta gấp áo váy cũ của nàng để giữ lại mùi hương thân thuộc).

    Thơ ca cũng là triết học, tư tưởng, cảm hứng nhưng nhà thơ không thể hiện cuộc đời thân thuộc, con người đáng yêu dưới dạng tư duy biện chứng mà dưới dạng trực quan, cụ thể của hình tượng, của cảm hứng phản xạ của nhà thơ. Dù là đề tài đời thường, thơ cần đến tính siêu thực, sức nghĩ, sức cảm, đi tìm cái đẹp trong cái hài hòa, cái ngọt ngào trong cay đắng, cái đối xứng trong cái phi đối xứng. Hình thức thơ chỉ mang tính nghệ thuật khi nó được sinh ra từ nội dung: cuộc sống muôn sắc.

    Trong thơ và đời thường, tôi và thế hệ thanh niên nông thôn thời chiến tranh chống Mĩ không sao quên được những bài thơ viết về tình yêu chân thật, cao thượng của những nhà thơ trẻ. Trong đó, những bài thích nhất thường được ghi vào sổ tay của sinh viên, thanh niên ở các trường đại học. Nhớ nhất và hoài vọng nhất là bài thơ Hoa chanh (1956) của Nguyễn Bao. Bài thơ không dài nhưng nói đầy đủ tình yêu Tổ quốc, tình yêu của người con trai, nỗi nhớ của người con gái, mùi thơm của hoa chanh và đám cưới hai họ của đôi vợ chồng trẻ khi người con trai thắng trận trở về:

    “Giữ lấy cầu ao
    Giữ lấy giàn trầu
    Giữ xanh mái tóc
    Hôm nay trở về một chân anh đã mất
    Nhưng quê hương tất cả vẫn còn
     Có một xóm vui
    Đám cưới mùa xuân
    Trầu hái giàn nhà thắm môi hai họ
    Có anh thương binh
    Đêm ngồi bên vợ
    Tóc ai dài thơm nước lá chanh”. 

 

 

 

Chú thích:
1 Theo nhà nghệ thuật học Elie Faure, trong cuốn Antique Histoire de l’Art gọi điêu khắc cổ điển là nền điêu khắc triết lý; con người chế ngự được dục vọng, dấu hiệu sức mạnh nội tâm, sự thanh thản tâm hồn mà ở vị trí Thần mới có nhờ giàu tính nhân bản.

 

 

 


 

 

    
 

    

    

    

Bình luận

    Chưa có bình luận