NHÌN LẠI 70 NĂM CÔNG VIỆC VIẾT LỊCH SỬ VĂN HỌC VIỆT NAM KỂ TỪ NGÀY THÀNH LẬP BAN VĂN SỬ ĐỊA

Bài viết phân tích, đánh giá về những thành tựu và hạn chế của công việc viết lịch sử văn học Việt Nam qua một số công trình tiêu biểu sau 70 năm kể từ ngày thành lập Ban Văn Sử Địa. Từ đó lưu ý những bài học quý cần quan tâm khi nghiên cứu và viết lịch sử văn học Việt Nam.

    Trong bài này tôi chỉ giới hạn việc viết lịch sử văn học Việt Nam trong phạm vi hoạt động của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, với tổ chức tiền thân là Ban Văn Sử Địa – cơ quan “mẹ” của Viện Văn học, nơi tôi công tác. Có nghĩa là tôi không bàn rộng ra những bộ sử văn học dưới hình thức sách giáo khoa hoặc giáo trình ở khu vực giáo dục đại học – gồm Đại học Tổng hợp (nay là Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn), Đại học Sư phạm Hà Nội và ở nhiều nơi khác, cũng như của các cá nhân là chuyên gia về lịch sử văn học ở trong hoặc ngoài Viện.

    Hạt nhân đầu tiên của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam hiện nay là Ban Văn Sử Địa ra đời cách đây chẵn 70 năm (1953-2023) – một tổ chức nghiên cứu với người đứng đầu là nhà hoạt động chính trị và hoạt động khoa học nổi tiếng là Giáo sư, Viện sĩ Trần Huy Liệu, cùng một dàn sáng lập gồm Minh Tranh, Tôn Quang Phiệt, Hoài Thanh, Trần Đức Thảo, Văn Tân, Nguyễn Đổng Chi, Vũ Ngọc Phan, Đào Duy Anh, Trần Văn Giáp, Hoa Bằng, Nguyễn Lương Bích, Nguyễn Hồng Phong, Văn Tạo, Nguyễn Công Bình...

    Tôi muốn gọi đây là thế hệ Vàng của nền khoa học xã hội Việt Nam - thế hệ đến nay lần lượt đã vượt “cõi trăm năm”. Nếu ở khu vực văn chương, đó là thế hệ ra đời từ thập niên cuối thế kỷ XIX như Ngô Tất Tố, Hoàng Ngọc Phách, Khái Hưng... và kết thúc vào năm 1920 là năm sinh của Chế Lan Viên, Tố Hữu, Tô Hoài...; thì ở khu vực học thuật gồm nghị luận, khảo cứu, phê bình, có thể tính từ Dương Quảng Hàm (sinh 1899), Ngô Tất Tố (1893), Cao Xuân Huy (1900), Trần Huy Liệu (1901), Đặng Thai Mai (1902), Vũ Ngọc Phan (1904), Đào Duy Anh (1905), Nguyễn Khánh Toàn (1905), Hoàng Xuân Hãn (1908), Hoài Thanh (1909), Trần Văn Giàu (1911), Văn Tân (1913), Nguyễn Đổng Chi (1915), Phạm Huy Thông (1916), Vũ Khiêu (1916)... Đó là những tên tuổi sáng giá, có vai trò khai sáng, đặt nền móng cho sự phát triển của khoa học văn chương, khoa học nhân văn, khoa học xã hội ở nước ta...

    Như vậy là hai khu vực nghệ thuật văn chương và khoa học văn chương đã có thể đồng hành cùng nhau vào những năm 1941-1945 với sự ra đời của những bộ sách có thể xem là “kinh điển” như Việt Nam văn hóa sử cương (1938) của Đào Duy Anh, Việt Nam cổ văn học sử (1942) của Nguyễn Đổng Chi, Việt Nam văn học (1942) của Ngô Tất Tố, Việt Nam văn học sử yếu (1942) của Dương Quảng Hàm, Thi nhân Việt Nam (1942) của Hoài Thanh - Hoài Chân, Nhà văn hiện đại (1942-1944) của Vũ Ngọc Phan, Văn học khái luận (1944) của Đặng Thai Mai...

    Nếu tách lịch sử văn học ra khỏi chỉnh thể bộ ba khảo cứu, nghị luận, phê bình thì phải xem Việt Nam văn học sử yếu của Dương Quảng Hàm là cuốn sách khởi đầu cho khu vực lịch sử văn học, bên cạnh Việt Nam văn hóa sử cương của Đào Duy Anh. Đây là cuốn sách được dùng làm sách giáo khoa cho bậc trung học trước 1945 nhưng kiến thức về lịch sử và phương pháp biên soạn đã đạt một chất lượng đáng kể và đáng nể, không chỉ giúp cho học trò mà còn là cho cả giới nghiên cứu sau này có được một cái nhìn toàn cảnh văn chương Việt gồm cả hai khu vực là văn học bình dân và văn học viết; và trong văn học viết có cả ba bộ phận: Hán, Nôm, Quốc ngữ – tất nhiên mới chỉ là những đường nét khái lược. Và với khu vực văn học Quốc ngữ, Dương Quảng Hàm đã không để sót những sự kiện quan trọng như Đông Dương tạp chíNam Phong tạp chí, phong trào báo chí, và phong trào thơ văn từ Tản Đà, Trần Tuấn Khải đến Thơ mới và Tự lực văn đoàn. Tất nhiên ông khó tránh sự thiếu sót những bộ phận quan trọng khác như văn học hiện thực phê phán, văn học cách mạng vô sản. Nhưng điều quan trọng là những ý tưởng Dương Quảng Hàm nói đến trong phần Tổng luận rất đáng cho ta lưu tâm để soi xét lịch sử đã qua và định hướng cho tương lai văn học dân tộc: “Dân tộc ta vốn là một dân tộc có sức sinh tồn rất mạnh, trải mấy thế kỷ nội thuộc nước Tàu mà không hề bị đồng hóa, lại biết nhờ cái văn hóa người Tàu để tổ chức thành một xã hội có trật tự, gây dựng nên một nền văn học, tuy không được phong phú, rực rỡ, nhưng cũng có chỗ khả quan, có phần đặc sắc, thì chắc rằng sau này dân tộc ta cũng sẽ biết tìm lấy trong nền văn học của nước Pháp những điều sở trường để bổ những chỗ thiếu thốn của mình, thứ nhất là biết mượn các phương pháp khoa học của Tây phương mà nghiên cứu các vấn đề có liên lạc đến nền văn hóa của nước mình, đến cuộc sinh hoạt của dân mình, thâu thái lấy cái tinh hoa của nền văn minh nước Pháp mà làm cho cái tinh thần dân tộc được mạnh lên để gây lấy một nền văn học vừa hợp với cái hoàn cảnh hiện thời, vừa giữ được cái cốt cách cổ truyền”.

    Sự thật thì hai phương diện mà Dương Quảng Hàm đề xuất: “hợp với cái hoàn cảnh hiện thời” (tức tính hiện đại) và “giữ được cái cốt cách cổ truyền” (tức tính truyền thống) đã được thực hiện trong kết quả “hiện đại hóa” diễn ra trên 30 năm đầu thế kỷ XX - mà Dương Quảng Hàm đã có thể tổng kết và trình bày trong sách của mình. Một cuốn giáo khoa “áp sát được vào thời hiện đại”, đó là kết quả trong chặng đầu hiện đại hóa sẽ được kết thúc vào thời điểm 1945.

    Cũng thời điểm này, trong Lời nói đầu sách Việt Nam văn học (1942), Ngô Tất Tố đặt câu hỏi:

    “Bây giờ thử hỏi: Nước mình đã nên có một cuốn sử văn học hay chưa?

    Có lẽ cũng ít người muốn trả lời là chưa nên có, nếu hỏi vào hạng đã có học thức.

    Phải! Chúng ta vẫn khoe nước mình là nước văn hiến, khai hóa đã 4000 năm, nay đã gần nửa thế kỷ, vẫn chưa có được cuốn sử văn học, há chẳng là việc đáng hổ thẹn của một dân tộc!”.

    Nhưng chính Dương Quảng Hàm, Ngô Tất Tố, Nguyễn Đổng Chi, và trước đó là Đào Duy Anh, đã có câu trả lời. Xếp họ vào những người khởi đầu cho công việc viết sử văn học này là đúng đắn và giá trị của những bộ sách đã nêu trên là rất đáng trân trọng.

    Từ sau 1945 và trong kháng chiến chống Pháp 9 năm, giữa bộn bề, căng thẳng của chiến tranh và của việc tổ chức đời sống, trong đó có đời sống văn hóa, khoa học, văn chương, nghệ thuật... việc triển khai công tác nghiên cứu lịch sử văn học là chưa thể làm ngay, ngoài một khởi thảo có tên Đại cương lịch sử văn học Việt Nam của Nguyễn Khánh Toàn, và hai cuốn sách giáo khoa trong Hà Nội còn bị Pháp tạm chiếm là Việt Nam văn học sử trích yếu của Nghiêm Toản và 2 tập Văn học sử Việt Nam tiền bán thế kỷ XIX Văn học sử Việt Nam hậu bán thế kỷ XIX của Nguyễn Tường Phượng.

    Sự ra đời của Ban Văn Sử Địa, với tên ban đầu là Ban Sử Địa Văn, cuối năm 1953 ở Việt Bắc là sự kiện có ý nghĩa điểm tựa để tiến hành việc nghiên cứu lịch sử và lịch sử văn học nhằm đón trước những yêu cầu mới của đất nước khi cuộc kháng chiến đã chuyển sang kết thúc giai đoạn tổng phản công với chiến thắng Điện Biên Phủ và hòa bình lập lại trên nửa nước phía Bắc từ giữa 1954; và chỉ hai năm sau – năm 1956, nền đại học được mở rộng, trong đó hai trường có trách nhiệm đào tạo các môn khoa học xã hội và nhân văn là: Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Tổng hợp Hà Nội.

    Từ sự kiện thành lập Ban Văn Sử Địa cuối năm 1953 mới có những chuẩn bị bước đầu cho việc viết Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam (Sơ khảo) 5 quyển, 1380 trang khổ vừa 16x24cm, ấn hành trong các năm 1957 đến 1960, nằm trọn trong 6 năm hoạt động của Ban1. Điều đáng lưu ý là cùng thời gian này, nhóm Lê Quý Đôn ở khu vực đại học cũng đã cho ra đời Lược thảo lịch sử văn học Việt Nam (Lược thảo) gồm 3 tập, trên 800 trang, khổ nhỏ 13x19cm, ấn hành năm 1957. Như vậy là cả Sơ thảoLược thảo đều có khoảng lùi trên dưới 15 năm so với hai bộ sử cương văn hóa và sử yếu văn học của Đào Duy Anh và Dương Quảng Hàm.

    Trước 1945, dù lớn hoặc nhỏ, các công trình nghiên cứu đều được viết ở tư cách cá nhân. Từ sau 1954, việc viết các công trình lớn đều được tổ chức theo mô hình tập thể. Cả hai bộ Sơ thảoLược thảo đều được xem là công trình tập thể – của một nhóm viết. Với Sơ thảo, đó là nhóm Văn Sử Địa gồm 5 người: Văn Tân, Nguyễn Hồng Phong, Vũ Ngọc Phan, Nguyễn Đổng Chi, Hoài Thanh. Cả 5 người rồi sẽ đóng vai trò lãnh đạo hoặc cốt cán cho các Viện lớn trong Viện Khoa học xã hội, rồi Ủy ban Khoa học xã hội chính thức thành lập năm 1967. Với Lược thảo, đó là nhóm Lê Quý Đôn, gồm 6 người: Vũ Đình Liên, Đỗ Đức Hiểu, Lê Trí Viễn, Huỳnh Lý, Trương Chính, Lê Thước. Trừ cụ Lê Thước, 5 người còn lại rồi sẽ đóng vai trò chủ chốt cho các Khoa Văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

    Nhìn vào lực lượng viết thì cả hai nhóm đều thuộc đội ngũ những nhà chuyên môn có tư cách chuyên gia, đứng ở hàng đầu của giới nghiên cứu và giảng dạy ở các viện nghiên cứu và các trường đại học ở Hà Nội lúc bấy giờ.

    Một tập thể 5 người là không quá nhiều cho bộ Sơ thảo gồm 5 quyển. Với chủ biên Văn Tân2, ông có mặt trong cả 5 quyển, bao quát cả ba khu vực lớn: khu vực các phần mở đầu, tổng luận, kết luận; văn học và văn hóa dân gian; văn học viết, cả Hán và Nôm. Với Vũ Ngọc Phan, đó là tục ngữ, ca dao, dân ca, tuồng, chèo, cải lương. Với Nguyễn Đổng Chi, đó là tự sự dân gian, gồm truyền thuyết, truyện cổ tích, truyện cười, tiếu lâm… và số lớn khu vực văn học Hán. Còn với Nguyễn Hồng Phong, là một phạm vi rộng hơn gồm cả ngôn ngữ - văn tự; với Hoài Thanh, là văn Nôm Nguyễn Du và Hoa tiên của Nguyễn Huy Tự – đối tượng không chỉ được yêu thích mà còn là niềm say mê suốt đời của ông.

    Nhìn vào một phân công như vậy thấy sự yên tâm vì mỗi người được viết trên cái vốn chuyên môn và sở trường của mình.

    Tuy vậy, một lời rào đón, như được viết ở Lời nói đầu quyển V, quyển cuối cùng, cũng là cần thiết: “Bạn nào viết phần nào hay tác giả nào thì chịu trách nhiệm trước bạn đọc về tất cả những điều mà bạn đó đã viết hay nhận định. Các tác giả chỉ chịu trách nhiệm liên đới về lập trường, quan điểm chung của bộ sách mà thôi”. “Liên đới về lập trường, quan điểm”, trách nhiệm đó trước hết đặt ra cho chủ biên Văn Tân, như được thể hiện súc tích trong 3 mục ở Lời nói đầu bộ sách:

    “1. Văn học Việt Nam có một bộ phận là văn học truyền miệng.
    2. Trong văn học Việt Nam có một bộ phận là văn học chữ Hán.
    3. Văn học Việt Nam giàu tính chất chống xâm lăng”. 

    Việc triển khai nội dung lịch sử văn học kể từ thượng nguồn cho đến nửa đầu thế kỷ XIX ở Sơ thảo nhìn chung là sự quán triệt ba ý tưởng này – ba ý tưởng rất cơ bản, rồi sẽ tiếp tục được khẳng định trong xuyên suốt lịch sử của các bộ lịch sử (toàn bộ hoặc từng phần) văn học Việt Nam được viết trong nửa sau thế kỷ XX.

    Công mở đầu này cần được dành cho Sơ thảo.

    Về phương pháp nghiên cứu, các tác giả đã vận dụng khá nhuần nhuyễn phương pháp xã hội học mácxít – dựa vào bối cảnh lịch sử (một khái niệm rất quen dùng trong một thời gian dài) để giải thích nội dung và đặc trưng của văn học, và qua văn học mà tìm hồi quang của lịch sử. Trong cách trình bày, các tác giả dựa trên các sự kiện văn học để phân kỳ lịch sử chứ không nô lệ vào các sự kiện lịch sử. Đó cũng là một ưu điểm. Nhưng do xã hội Việt Nam suốt từ thế kỷ X đến giữa thế kỷ XIX ổn định trong mô hình phong kiến, không có các biến động lớn như một cuộc cách mạng tư sản, ngoài các cuộc chiến chống ngoại xâm và các cuộc nông dân khởi nghĩa, nên việc phân kỳ có sự kết hợp các triều đại với các niên đại, tức là các thế kỷ: từ thế kỷ X đến thế kỷ XVII(quyển II), thế kỷ XVIII (quyển III và quyển IV) và nửa đầu thế kỷ XIX (quyển V).

    Gắn các thế kỷ với các triều đại là cách phân kỳ quen thuộc, có tính hợp lý đối với lịch sử văn học Việt Nam như được thể hiện lần đầu trong Sơ thảo.

    Với quy mô 5 quyển, 1380 trang, có thể xem Sơ thảo là bộ sách lớn nhất, không chỉ so với Lược thảo và các công trình viết trước 1945 mà với cả các công trình và giáo trình suốt nửa sau thế kỷ XX, cho đến sau năm 2000, trong phạm vi đọc của tôi. Chẳng hạn bộ Lịch sử văn học Việt Nam, tập I (1980) do Ủy ban Khoa học xã hội chủ trì, cũng nghiên cứu văn học từ thượng nguồn đến giữa thế kỷ XIX, có độ dày 400 trang khổ lớn 16x24cm. Hoặc bộ giáo trình Văn học Việt Nam (thế kỷ X - nửa đầu thế kỷ XVIII) (1998) do Đinh Gia Khánh, Bùi Duy Tân, Mai Cao Chương viết, dày 619 trang khổ lớn 16x24cm.

    Ưu điểm và cũng là thành tựu cơ bản của bộ Sơ thảo đó là: dẫu chỉ là “sơ thảo”, bộ sách đã đem lại cho người đọc một nhận thức tổng thể về lịch sử văn học Việt Nam – tựa như một tòa nhà gồm nhiều tầng, nhiều gian, qua đó, khi có ai đó nói đến một nền văn hóa, văn học dân tộc có lịch sử gồm 4000 năm, sẽ có được sự yên tâm, niềm tin và chỗ dựa.

     Đồng hành cùng lịch sử dân tộc, như được trình bày qua Sơ thảo, văn học là biểu hiện của sự sống và sức sống tinh thần của con người Việt Nam qua nhiều nghìn năm. Là một hành trình không lúc nào vắng thiếu một bản lĩnh, một ý chí, một nghị lực giữ nước và dựng nước, qua những minh chứng sống động được ghi vào ký ức bền vững của nhân dân, như được thể hiện trong kho tàng văn học dân gian; và dẫu có bị mất mát nhiều – một lịch sử các tác gia, tác phẩm trong hơn 1000 năm đã được ghi vào văn tự của nhiều chục thế hệ trí thức - kẻ sĩ vẫn còn lưu giữ được – vẫn đủ sự phong phú và vững chãi cho ta tự hào.

    Dẫu vậy, trong buổi đầu xây dựng một công trình quy mô như Sơ thảo, với cả một khối lớn các dữ kiện, vật liệu, quả khó tránh sự mất cân đối, thừa hoặc thiếu trong cấu trúc các chương mục ở mỗi quyển và trong toàn bộ, mà việc khắc phục nó không phải là khó đối với các thế hệ viết đến sau.

    Trong cân đối chung cho cả bộ sách, trừ quyển I bàn về ngôn ngữ - văn tự và văn học truyền miệng, dày 294 trang; sang quyển II – từ thế kỷ X đến thế kỷ XVII – tức 7 thế kỷ, 315 trang; quyển III và quyển IV dành riêng cho thế kỷ XVIII – 582 trang; quyển V – nửa thế kỷ XIX – 167 trang. Chỉ nhìn vào số trang cũng đã thấy sự không cân đối bởi mối quan tâm không đồng đều cho các khu vực văn học dân gian và văn học viết, Hán và Nôm, tác giả và tác phẩm.

    Nhìn chung trong toàn bộ, các tác giả Sơ thảo dành quá nhiều ưu tiên cho văn học truyền miệng, gồm ba khu vực: khu vực không xác định được niên đại (chiếm gần trọn quyển I); khu vực xác định được niên đại và khu vực truyện Nôm khuyết danh (có mặt ở cả hai quyển II và III); cả ba chiếm 363 trang trên tổng số 1380 trang, tức trên 1/4 số trang; tự nhiên đưa tới sự coi nhẹ văn học viết – với các đơn vị tác giả lớn làm nên cốt cách vững chãi của văn học dân tộc, kể từ Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm... đến Lê Quý Đôn, Nguyễn Du, Cao Bá Quát...

    Do cấu trúc dựa trên sự phân chia hai loại văn học Hán và văn học Nôm, với sự ưu tiên cho văn học Nôm mà ít dựa vào đơn vị tác gia và tác phẩm nên sự mất cân đối thể hiện rất rõ trên tất cả các quyển.

    Phần văn học Nôm khuyết danh ở quyển II dành 5 mục cho Truyện Vương Tường, Tô công phụng sứ, Bạch Viên tôn các, Trê Cóc, Trinh Thử; và quyển III là 11 mục: Thạch Sanh, Phương Hoa, Phạm Tải Ngọc Hoa, Phạm Công Cúc Hoa, Quan Âm Thị Kính, Nam Hải quan thế âm, Tống Trân Cúc Hoa, Lý Công, Hoàng Trừu, Phan Trần, Nhị độ mai. Cộng tất cả là 16 mục, với tổng số trang là 140 trang. Trong khi đó thì văn học viết của tác giả bị khuất đi vì sự chia lẻ ra nhiều bộ phận nằm ở các chương, mục khác nhau, không phải trong cùng một quyển. Chẳng hạn khu vực văn học Hán – quyển III, ở mục Thơ phú tạp văn chen chúc 16 tiểu mục cho 20 tác giả và nhóm tác giả, trong đó có những đại tác gia như Lê Quý Đôn, Nguyễn Du, mà chỉ có 57 trang. Chẳng hạn tác gia lớn Nguyễn Trãi bị chia lẻ và trình bày ở ba nơi: Quân trung từ mệnh tậpBình Ngô đại cáo nằm ở mục A khu vực văn học Hán – quyển II, chỉ có 8 trang; Ức Trai thi tập lại được ghép với Chuyết Am tập của Lý Tử Tấn nằm ở mục C trong cùng khu vực và cùng quyển, gắn với “khuynh hướng tiêu cực bất mãn”, có 3 trang rưỡi; còn Quốc âm thi tập với giá trị khai sáng lớn lao đến thế lại chỉ có 17 trang nằm ở khu vực văn học Nôm. Cả ba bị xé lẻ, lại được viết bởi hai người là Văn Tân và Nguyễn Đổng Chi. Hoặc Nguyễn Du được trình bày ở 2 nơi trong 2 quyển. Thơ chữ Hán nằm ở quyển III chung với 11 tác giả, chỉ có 7 trang trong tổng số 57 trang do Nguyễn Đổng Chi viết. Còn Truyện KiềuVăn tế thập loại chúng sinh nằm ở văn học Nôm, 72 trang, quyển IV, do Hoài Thanh viết.

    Nếu 16 truyện Nôm khuyết danh như đã kể trên được nghiên cứu trong 16 đơn vị bài hoàn chỉnh trong 2 quyển II và III, trong đó bài dài nhất là Trinh Thử - 21 trang; Nhị độ mai - 14 trang; Thạch Sanh, Trê Cóc, Lý Công - 11 trang; Tống Trân Cúc Hoa, Vương Tường, Phan Trần - 10 trang... thì hai tác giả lớn là Nguyễn Trãi và Nguyễn Du chỉ được nghiên cứu trong tư cách tác giả ở khu vực văn thơ Nôm, còn phần thơ văn chữ Hán thì bị xé lẻ và ghép vào nhiều đơn vị khác, như đã dẫn trên. Khó có thể đồng tình khi Quân trung từ mệnh tậpBình Ngô đại cáo được ghép chung vào nhau trong 7 trang rưỡi; và ba tập thơ chữ Hán của Nguyễn Du cũng chỉ có 7 trang rưỡi – nghĩa là chỉ bằng 1/3 số trang cho Trinh Thử hoặc không bằng số rất lớn các truyện Nôm khác.

    Như vậy, để hiểu một tác giả – nếu là tác giả viết cả Hán và Nôm, và viết bằng nhiều loại văn – thì phải xé lẻ ra mà đọc ở nhiều nơi, dĩ nhiên rất khó mà hình dung một gương mặt với sự nhất quán của tư tưởng chính trị, nghệ thuật và phong cách, bút pháp.

    Và dẫu đã có một quan niệm đúng đắn xem văn học chữ Hán là một bộ phận hữu cơ của văn học dân tộc và chủ nghĩa yêu nước là nội dung xuyên suốt lịch sử văn học, thể hiện chủ yếu ở khu vực văn học Hán, thì với cấu trúc và cách trình bày như thế, cuốn Sơ thảo khó mà thực hiện được yêu cầu đặt ra như trong Lời nói đầu.

    Xem ra đây là tình hình chung bởi nhìn sang bộ Lược thảo của nhóm Lê Quý Đôn ấn hành cùng thời cũng có tình hình tương tự.

    Trở lên, tôi nêu một cái nhìn đại lược về đóng góp và hạn chế của bộ Sơ thảo trong tư cách một bộ lịch sử văn học mở đầu có quy mô lớn nhất từ sau 1945, cũng có thể nói, cả thế kỷ XX, gắn với sự ra đời của Ban Văn Sử Địa, trong cách nhìn của người hôm nay. Ở đây tôi chỉ dừng lại ở quan niệm, cấu trúc và yêu cầu cân đối cho toàn cục chứ chưa đi sâu vào nội dung từng quyển, từng chương mục chắc chắn còn nhiều vấn đề phải bàn bởi những hạn chế khó tránh về tư liệu, và về quan niệm – những quan niệm còn có chỗ đơn giản hoặc máy móc do quy định của thời đại. Bởi đây là thời trong đời sống văn chương - học thuật đang diễn ra cuộc đấu tranh chống Nhân văn-Giai phẩm. Còn về khí hậu thời cuộc thì sau cuộc Cải cách ruộng đất và Sửa sai ở nông thôn Miền Bắc nửa đầu thập niên 1950 lại tiếp tục diễn ra cuộc chiến cải tạo giai cấp tư sản ở thành thị. Cục diện đấu tranh giai cấp, yêu cầu kiên định lập trường công nông hoặc vô sản khó mà không để lại dấu ấn khá đậm trong nội dung, cấu trúc và cách viết của các tác giả.

    Đọc lại Sơ thảo ra đời cách đây hơn 60 năm, khi khoa nghiên cứu văn học đang ở giai đoạn đầu hình thành, mới thấy sự phát triển và con đường đi của nó có lúc là nhanh, có lúc lại chậm chạp và gặp quá nhiều trở ngại. Dừng lại ở quyển V, nửa đầu thế kỷ XIX, khi Ban Văn Sử Địa giải thể để chuyển sang hoạt động của Ủy ban Khoa học nhà nước – năm 1959 và Ủy ban Khoa học xã hội – năm 1967, Viện Văn học sẽ tiếp tục tổ chức viết tiếp hai bộ “Sơ thảo” nhỏ - một là Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam (Giai đoạn nửa cuối thế kỷ XIX), và hai là Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam 1930-1945, trong thời gian 5 năm, cho đến 1964.

     Bộ thứ nhất (giai đoạn nửa cuối thế kỷ XIX), 310 trang cỡ 13x19cm, của Viện Văn học - Ủy ban Khoa học nhà nước; do Tổ Văn học cổ đại và cận đại biên soạn (không ghi Chủ biên), với danh sách người viết gồm: Huỳnh Lý, Vũ Đình Liên, Trần Thanh Mại, Bùi Văn Nguyên, Nguyễn Văn Hoàn, Triêu Dương, Nguyễn Trác, Trương Chính, đặt “dưới sự hướng dẫn, chỉ đạo chung của đồng chí Đặng Thai Mai, Viện trưởng Viện Văn học”. Nếu tính cả những người tham gia giúp vào việc biên tập là Nguyễn Huệ Chi, Kiều Thu Hoạch, Trần Nghĩa; và những người giúp về tư liệu và có ý kiến góp là Ca Văn Thỉnh, Doãn Kế Thiện, Trần Hữu Thung thì tổng số người có liên quan đến sách này là 15 người. Sách gồm 5 chương, trong đó có chương như Chương V: Khuynh hướng văn học thoát ly, hưởng lạc, đề cập ba tác giả Dương Lâm, Dương Khuê, Chu Mạnh Trinh, chỉ có 19 trang mà cần đến hai người viết là Trương Chính và Trần Thanh Mại (chắc là để chia sẻ trách nhiệm!)... Bộ thứ hai (giai đoạn 1930-1945), 230 trang, ra cùng lúc với bộ thứ nhất, do Tổ Văn học hiện đại biên soạn (không ghi Chủ biên), lại chỉ có 2 người viết là Vũ Đức Phúc và Nguyễn Đức Đàn, trong đó Nguyễn Đức Đàn chỉ viết 7 trang ở mục Ngô Tất Tố. Cuốn này Hoài Thanh chịu trách nhiệm duyệt lần cuối... Cả hai bộ “Sơ thảo” trên ra đời trong tình hình cuộc chiến chống Mĩ chuyển sang giai đoạn quyết liệt, từ chiến tranh đặc biệt đã chuyển sang chiến tranh cục bộ; sinh hoạt tư tưởng và học thuật trên Miền Bắc gần như liên tục diễn ra kể từ sau vụ Nhân văn-Giai phẩm (1956-1959) đến vụ đấu tranh chống chủ nghĩa xét lại vào nửa đầu thập niên 1960. Trực tiếp chịu sự chi phối của thời cuộc nên việc nhận định, phân tích, đánh giá các sự kiện văn học trong cả hai thời kỳ đều khó tránh sự khe khắt, thậm chí là nghiệt ngã, với các khuynh hướng được gọi hoặc bị xem là tiêu cực như: thoát ly, hưởng lạc; hoặc lãng mạn, tự nhiên và suy đồi; đặc biệt là những mơ hồ hoặc nhầm lẫn trong thái độ chính trị đều bị lên án gay gắt mà không ai dám thanh minh hoặc tranh biện...

    Nhìn vào việc tổ chức và phân công trong biên soạn cũng thấy những dè dặt, kiêng sợ cái gọi là cá nhân hoặc chủ nghĩa cá nhân nên tất cả đều “trốn” vào tập thể; đến cả một đơn vị tổ chuyên môn cũng không dám đứng tên, còn nói gì đến cá nhân; mà phải đẩy ngược lên, hoặc là Viện Văn học, hoặc là Ủy ban Khoa học nhà nước, hoặc Ủy ban Khoa học xã hội. Do vậy mà không có sách nào ghi Chủ biên, mặc dù trong thực chất phải có một người chủ trì hoặc được giao chủ trì. Đây là tình hình chung, cũng giống như nhiều công trình tập thể khác của các tổ, ban chuyên môn trong Viện Văn học. 

    Dừng lại ở năm 1965, sau hai cuốn “Sơ thảo”, có nghĩa là Viện Văn học còn để trống hai thời kỳ: 1900-1930 và sau 1945 đến 1954 hoặc 1960. Còn phải chờ 15 năm nữa, đến 1980 thì mục tiêu viết sử mới có thể tạm yên tâm với bộ Lịch sử văn học Việt Nam, tập I, 400 trang khổ lớn 16x24cm, đặt “dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam”, với Lời tựa của Giáo sư, Viện sĩ, Chủ nhiệm Nguyễn Khánh Toàn. Cho đến lúc này, người đọc vẫn được chứng kiến một lực lượng viết hùng hậu những người biên soạn, nhìn theo Mục lục thì đó là: Huỳnh Lý, Đinh Gia Khánh, Hoàng Tuệ, Cao Huy Đỉnh, Nông Quốc Chấn, Phan Đăng Nhật, Nguyễn Văn Hoàn, cùng với những người chỉ đạo và tham gia xử lý bản thảo – cộng lại là 11 người. Nội dung sách, ngoài Phần mở đầu (có 2 chương), gồm 3 phần. Phần thứ nhất: Văn học trong buổi đầu mở nước (gồm 1 chương); Phần thứ hai: Văn học các dân tộc thiểu số (gồm 6 chương, 61 trang) và Phần thứ ba: Văn học Việt Nam trong thời kỳ xây dựng quốc gia Đại Việt (thế kỷ X đến giữa thế kỷ XIX), gồm hai khu vực: văn học dân gian (Việt), 24 trang; văn học viết, trong đó văn học viết ngoài nội dung khái quát chung cho từng thời kỳ, có các chương riêng cho Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Truyền kỳ mạn lục, Thiên Nam ngữ lục, Chinh phụ ngâm và Cung oán ngâm, Nguyễn Du và Truyện Kiều, Hoàng Lê nhất thống chí, Hồ Xuân Hương, Cao Bá Quát.

    Nhìn vào số trang và mục lục ở bộ sử chính thống này, khó tránh cảm giác thất vọng vì sự sơ lược và gầy guộc bởi một cái khung vừa đơn giản vừa xộc xệch; mất đi sự phong phú, đa dạng, nhiều vẻ của đời sống văn chương - học thuật; mọi phức tạp đều bị tránh né hoặc gạt bỏ. Không kể một sự vô lý khi dành riêng và đặt lên đầu sách phần Văn học các dân tộc thiểu số gồm 6 chương, chiếm 61 trang – nghĩa là gần một phần sáu số trang cho cả quyển. So với Sơ thảo của nhóm Văn Sử Địa thì bộ sách chính thống này, sau 25 năm, không tiến xa hơn được bao nhiêu, nếu không nói là một bước lùi.

    Dừng lại ở giữa thế kỷ XIX, sau tập I, Viện Văn học ngừng việc tổ chức tiếp các tập sau. Đây là thời của Viện trưởng Hoàng Trung Thông. Các thời Viện trưởng sau đó – cho đến hết thập niên 1990 – cũng không ai trở lại công việc này. Trước hết, bởi với công cuộc Đổi mới, gần như rất nhiều, nếu không nói là tất cả các vấn đề đặt ra trong đời sống văn chương - học thuật của dân tộc đều phải đặt lại hoặc xoay ngược lại trên tinh thần “Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nóirõ sự thật”. Nhiều chục hội thảo lớn, có quy mô quốc gia về các sự kiện lớn trong lịch sử và lịch sử văn học đã diễn ra trong thời gian này. Nhiều tác giả, tác phẩm thuộc các khu vực “cấm” trước đây được in lại, bàn lại, đánh giá lại. Một bộ lịch sử văn học trên tinh thần mới tất phải khác, thậm chí có khu vực là ngược lại với cách đánh giá cũ... Lý do thứ hai, suốt thập niên 1980 cho đến giữa 1990, khó khăn về kinh tế là rất lớn, đất nước vừa phải vượt ra khỏi cái đói của thời bao cấp vừa phải làm quen dần với nền kinh tế thị trường khiến cho không ai, ở bất cứ tầng lớp nào thoát ra khỏi gương mặt của “người mất sổ gạo”3!

    Thực ra thì sự dừng lại hoặc chậm trễ của lịch sử văn học như trên cũng là tình hình chung của các đơn vị khác trong Ủy ban Khoa học xã hội; tất nhiên là với các mức độ khác nhau và với các cách xử lý riêng. Chẳng hạn, với Sử học, sau Lịch sử Việt Nam - tập I (1970) đã có tập II (1985); chỉ còn thiếu tập III (hình như đã có bản thảo). Với Ngôn ngữ học thì Từ điển tiếng Việt, sau khi dừng vĩnh viễn bộ A Cờ (tức là từ A đến C), đã có bộ mới do GS Hoàng Phê làm chủ biên nên được gọi là Từ điển Hoàng Phê (1988), hiện đang được sử dụng. Với Lịch sử tiếng Việt hoặc Ngữ pháp tiếng Việt, tôi có nghe nói đến nhưng chưa bao giờ thấy mặt. Còn Từ điển bách khoa, 4 tập, tiến hành trong hơn 10 năm, với số người tham gia viết là trên 1200 tác giả, triển khai trên 4 vạn mục từ thì đó là cả một sự bận rộn cho công luận.

    Từ 2001, Viện Văn học đã được nhận một khoản kinh phí không quá lớn của Nhà nước nhưng cũng không phải là nhỏ so với thu thập của người lao động, để tổ chức viết một bộ lịch sử văn học mới, dự kiến 10 tập, 16 quyển, mỗi quyển dăm sáu trăm trang. Bộ sách này đáng lẽ phải được nghiệm thu và cho ấn hành cùng lúc hoặc lần lượt vào đầu những năm 2000. Nhưng cho đến nay, sau hơn 20 năm khởi động, vẫn chưa có động tĩnh gì cho sự ra đời, trong khi đội ngũ viết số lớn đều đã về hưu hoặc mất sức lao động, có người đã qua đời. Nhìn lại chặng đường 70 năm qua, kể từ khi Ban Văn Sử Địa tổ chức biên soạn bộ Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam, 5 quyển, do một nhóm 5 người viết, hoàn thành sau 5 năm, với vai trò chủ biên của GS Văn Tân, có bao bài học quý chúng ta đã không tiếp nhận được, đó là: ở vai trò và tư chất của Tổng Chủ biên và các chủ biên; ở số lượng người tham gia không quá đông (khiến cho mỗi khi họp, người ngồi chật cả hội trường); ở nhân sự được chọn nên (hoặc phải) là chuyên gia; ở tinh thần trách nhiệm và kỷ luật khoa học tối thiểu của người viết và người phụ trách; và ở thời gian không quá dài hơn 5 năm cho việc viết và ấn hành…

 

 

 

Chú thích:
1 Tác giả - Nhóm Văn Sử Địa gồm: Văn Tân, Nguyễn Hồng Phong, Vũ Ngọc Phan, Nguyễn Đổng Chi, Hoài Thanh. Bộ sách gồm 5 quyển. Bốn quyển I, II, III, IV do NXB Văn Sử Địa ấn hành trong các năm 1957 đến 1959. Quyển V do NXB Sử học ấn hành tháng 7/1960.
2 Sách không ghi chủ biên nhưng nhìn vào sự phân công, tầm quan trọng và số trang của các chương, mục trong cả 3 quyển thì thấy rõ Văn Tân có vai trò này.
3 Đó là những gương mặt xanh xao, gầy guộc, thiếu đói do để “mất sổ gạo”, tức là không còn được mua gạo theo tiêu chuẩn ở các cửa hàng quốc doanh, còn ở ngoài thị trường thì không có bán hoặc bán chui với giá rất cao.

 

    

 

Bình luận

    Chưa có bình luận