TỪ HAI HƯỚNG PHÁT TRIỂN KIẾN TRÚC BẮC-NAM ĐẾN KIẾN TRÚC TRONG MỘT ĐẤT NƯỚC VIỆT NAM THỐNG NHẤT VÀ MỞ CỬA RA THẾ GIỚI

Bài viết phân tích, đánh giá về hai hướng phát triển kiến trúc Bắc-Nam qua từng giai đoạn lịch sử từ năm 1954 đến nay với đội ngũ kiến trúc sư và các công trình kiến trúc tiêu biểu. Qua đó khẳng định xu hướng kiến trúc hiện đại-bản địa ngày càng rõ nét, góp phần tạo nên bản sắc kiến trúc Việt Nam trong thời gian tới.

 

    Trong cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược, hơn 20 kiến trúc sư (KTS) tốt nghiệp Trường Mỹ thuật Đông Dương theo lời kêu gọi của Bác Hồ đã rời đô thành phồn hoa lên chiến khu Việt Bắc tham gia kháng chiến. Họ đã tích cực đem tài năng sáng tạo của mình vượt qua mọi khó khăn thiếu thốn của cuộc chiến để phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Họ là KTS thế hệ đầu tiên của Hội KTS Việt Nam như Nguyễn Cao Luyện, Hoàng Như Tiếp, Trần Hữu Tiềm, Nguyễn Văn Ninh, Nguyễn Ngọc Chân, Ngô Huy Quỳnh, Tạ Mỹ Duật… Đoàn KTS Việt Nam (nay là Hội KTS Việt Nam) được thành lập tại vùng Thản Sơn dưới chân núi Tam Đảo (nay thuộc tỉnh Vĩnh Phúc) ngày 27/4/1948. Những công trình kiến trúc được xây dựng bằng gỗ, tre, nứa lá tại chiến khu Việt Bắc đã ghi dấu những thành tựu đầu tiên của ngành kiến trúc cách mạng non trẻ. Đó là các trụ sở ủy ban hành chính, nhà thông tin, nhà ở, hội trường, lán trại bộ đội...

    Cuộc chiến chống thực dân Pháp kết thúc với việc chia cắt đất nước, đế quốc Mĩ đã thay chân thực dân Pháp biến Miền Nam thành tiền đồn chống Cộng. Từ đó, ngành Kiến trúc-xây dựng cùng đội ngũ KTS phía Nam cũng tách ra thành hướng phát triển riêng cho mãi đến năm 1975.

    1. Kiến trúc Miền Bắc 1954-1975
    
Sau ngày giải phóng Thủ đô 1954, Hà Nội cùng cả nước bước vào giai đoạn mới: xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Miền Bắc, dồn sức hỗ trợ Mặt trận giải phóng Miền Nam đấu tranh thống nhất đất nước. Để đáp ứng yêu cầu xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm chính trị-văn hoá của cả nước,rất nhiều công trình công cộng đã được thiết kế và khởi công xây dựng.

    Đóng vai trò chủ công trong việc thiết kế kiến trúc giai đoạn này là một số KTS tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương từ trước năm 1945. Chỉ khoảng sau năm 1960 mới bắt đầu có sự tham gia của các KTS được đào tạo trong nước hoặc trở về từ các nước xã hội chủ nghĩa.

    Mặc dù hoàn cảnh kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, kiến trúc giai đoạn 1955-1965 cũng đã có những thành công nhất định trong việc tạo ra một bộ mặt đặc trưng, góp cho Hà Nội một số công trình đáng chú ý.

    Cục Thiết kế dân dụng (sau là Viện Thiết kế kiến trúc) và Cục Đô thị-Nông thôn (sau là Viện Quy hoạch Đô thị-Nông thôn) được thành lập trực thuộc Bộ Kiến trúc. Các KTS nổi tiếng thuộc thế hệ KTS đầu tiên của nước ta là những cán bộ chủ chốt của hai cơ quan này. Giai đoạn này hình thành phong cách kiến trúc tiền xã hội chủ nghĩa với phương châm sáng tác: “Thích dụng, bền vững, kinh tế và đẹp trong điều kiện có thể”.

    Hội trường Ba Đình (do KTS Trần Hữu Tiềm thiết kế, nay đã bị phá bỏ, giờ là nơi đã xây dựng Nhà Quốc hội) từng là một công trình có quy mô lớn vào những năm 1960, lại nằm ở vị trí trang trọng là quảng trường Ba Đình. Vào năm 1998, tôi đã rất ấn tượng với tòa nhà này khi tham gia Hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ nhất tổ chức tại nơi đây. Về công năng, hội trường bao gồm một phòng họp lớn 1000 chỗ cùng một số phòng họp nhỏ và các khu vực phụ trợ. Với kinh phí hạn hẹp, hội trường đã đảm bảo các tiện nghi cần thiết cho những kỳ họp Quốc hội, Đại hội Đảng, những cuộc họp lớn, những hội nghị quan trọng.


Hội trường Ba Đình (Nguồn: Internet)

    Công trình hành chính thành công nhất trong giai đoạn này phải nói tới là trụ sở Tổng cục Thống kê - Uỷ ban kế hoạch Nhà nước (nay là trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư) do KTS Đoàn Văn Minh thiết kế. Nằm tại ngã ba đường Hoàng Diệu và đường Hoàng Văn Thụ, nơi dự kiến xây dựng một quảng trường giao thông hình tròn nên hình khối công trình theo hình cong lõm ôm lấy quảng trường tương lai. Lần đầu tiên ở Hà Nội, nghệ thuật tổ hợp kiến trúc công trình cao 5 tầng rất thành công làm cho toà nhà có phần nổi trội so với các trụ sở cơ quan xây dựng cùng thời.


Trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Nguồn: Internet)

    Để đáp ứng nhu cầu đào tạo cán bộ, ngay từ đầu những năm 1960 đã có rất nhiều trường học lớn được xây dựng và đưa vào sử dụng:

    Trường Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) do KTS Nguyễn Ngọc Chân thiết kế, được xây dựng theo một bố cục đăng đối, chính giữa là hội trường lớn phía trước tạo một quảng trường cây xanh nhỏ, hai phía là các khối nhà học 3 tầng – một bố cục có dụng ý mang lại vẻ nghiêm trang cho một trường cán bộ chính trị nhưng với một tỉ lệ cân xứng hợp lý giữa công trình và cây xanh nên vẫn cho ta một cảm giác chan hoà, gần gũi.


Trường Nguyễn Ái Quốc nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (Nguồn: Internet)

    Lăng Bác là nơi đặt thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, được chính thức khởi công năm 1973, tại vị trí của lễ đài cũ giữa quảng trường Ba Đình – nơi Bác Hồ đã từng chủ trì các cuộc mít tinh lớn. Lăng được khánh thành vào ngày 29 tháng 8 năm 1975, quanh bốn mặt là những hàng cột vuông bằng đá hoa cương, lớp trên cùng là mái lăng hình tam cấp, xung quanh lăng là các khu vườn là nơi hơn 250 loài thực vật từ khắp mọi miền của Việt Nam được trồng.


Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (Nguồn: Internet)

    Cung Văn hoá Lao động Hữu nghị Việt-Xô nằm tại phố Trần Hưng Đạo, là một công trình kiến trúc, văn hóa dành cho các buổi biểu diễn nghệ thuật, các hội nghị khoa học, triển lãm... Công trình được khởi công năm 1978, nguồn tài chính xây dựng công trình do Công đoàn Liên Xô trước đây trao tặng nên được đặt tên là Cung Văn hoá Lao động Hữu nghị Việt-Xô. Công trình này do KTS Isakovich thiết kế. Cung nằm trên một diện tích 3,2 ha, gồm ba khối nhà chính: nhà biểu diễn, nhà học tập, nhà kỹ thuật... với tổng cộng 120 phòng.


Cung Văn hoá Lao động Hữu nghị Việt-Xô (Nguồn: Internet)

    2. Kiến trúc Miền Nam 1954-1975
    
Sau Hiệp định Genève 1954, Việt Nam bị chia cắt và Miền Nam trở thành tiền đồn chống Cộng. Nhiều người cho rằng kiến trúc-xây dựng thời đó chủ yếu phục vụ chiến tranh, xã hội tiêu thụ. Nhiều đánh giá vội vã và sai lầm cho rằng về mặt kiến trúc, Sài Gòn không có các công trình đóng góp vào hướng phát triển một nền kiến trúc hiện đại mang bản sắc dân tộc ở phía Nam. Tôi không cho rằng đó là cách đánh giá đúng đắn vì các nhà thiết kế và công trình nêu ra sau đây minh chứng rằng KTS Miền Nam cũng tranh thủ tìm hướng phát triển theo hướng hiện đại-nhiệt đới hóa.

    Tên tuổi các KTS lớn như Ngô Viết Thụ, Nguyễn Hữu Thiện, Phạm Văn Thâng, Nguyễn Quang Nhạc, Trần Đình Quyền, Nguyễn Bá Lăng... với các công trình tiêu biểu như Khách sạn Caravelle, Dinh Độc Lập, Thư viện Quốc gia, Bệnh viện Vì Dân, Chùa Vĩnh Nghiêm... đã được giới kiến trúc cả nước sau này đánh giá là có thể tiêu biểu cho dòng kiến trúc hiện đại nhiệt đới hóa, mang bản sắc Việt.

    Tòa nhà Dinh Độc Lập ra đời vào giữa những năm 1960 có quy mô lớn nhất Miền Nam này kết hợp được nét hiện đại quốc tế lẫn phong cách dân tộc, giải quyết tài tình thông thoáng gió nhiệt đới (qua hành lang mặt tiền và bố cục không gian sảnh hành lang chung quanh, rất ít sử dụng điều hòa nhiệt độ thời thượng bấy giờ). Công trình cũng sử dụng chủ yếu vật liệu sản xuất trong nước. Công trình này cùng hàng chục công trình khác như Lò Nguyên tử Đà Lạt, Nhà thờ Phú Cam - Huế... của KTS Ngô Viết Thụ gom lại tạo cho các công trình một phong cách độc đáo, gần gũi với người Việt Nam nhưng không xa lạ với trào lưu kiến trúc thế giới.


Dinh Độc Lập (Nguồn: Internet)

    KTS Nguyễn Hữu Thiện (bạn đồng môn với KTS Huỳnh Tấn Phát ở Trường Mỹ thuật Đông Dương) vẫn kiên trì thể hiện phong cách truyền thống trong kiến trúc mới. Kiến trúc nhiều ngôi chùa ở Sài Gòn là tác phẩm của ông.

    Công trình đỉnh cao Thư viện Quốc gia của Sài Gòn cũ (nay là Thư viện Khoa học tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh) của ông theo hướng tìm tòi, sáng tạo một phong cách kiến trúc mà trong giới kiến trúc gọi là “dân tộc-hiện đại”, thể hiện qua công trình hợp tác cùng các KTS Bùi Quang Hanh và Lê Văn Lắm (từng học một thời gian ở Trường Mỹ thuật Đông Dương rồi sang Pháp học tiếp) này. Công trình có đường nét hiện đại nhưng khai thác được các motif trang trí dân tộc với rào tường hoa, mái nhô, hồ nước, cây xanh…


Thư viện Quốc gia của Sài Gòn cũ - nay là Thư viện Khoa học tổng hợp TP. Hồ Chí Minh (Nguồn: Internet)

    Vào cuối thập kỷ 1950 và các năm 1960-1970, nhóm KTS Nguyễn Văn Hoa, Phạm Văn Thâng, Nguyễn Quang Nhạc nổi tiếng với hàng loạt công trình mới xây dựng theo hướng hiện đại như Khách sạn Caravelle, Xưởng dệt Vinatexco, Nhà máy giấy Cogido ở Biên Hòa, Ngân hàng Việt Nam Thương tín, Trung tâm văn hóa Idecaf... Văn phòng kiến trúc uy tín bậc nhất Sài Gòn của nhóm này là mẫu mực một công ti thiết kế kiến trúc có hệ thống tổ chức rất tốt, đảm nhận xây dựng nhiều công trình quy mô lớn ở Sài Gòn và khắp Miền Nam trước năm 1975, đặc biệt là công trình nhà xưởng và văn phòng. Các ông cũng là các nhà giáo kiến trúc tài giỏi, có uy tín, lại chủ trương dứt khoát kiến trúc mới phải theo phong cách kiến trúc hiện đại phương Tây. Và các ông thật sự đã góp phần đào tạo được một đội ngũ đông đảo KTS Sài Gòn tài năng, bắt kịp thời đại khi thiết kế được nhiều công trình mới không thua kém các KTS phương Tây ở khắp Miền Nam trước năm 1975.

    
Khách sạn Caravelle (Nguồn: Internet)

Nhà máy dệt Vinatexco (Nguồn: Internet)

Trụ sở Ngân hàng Việt Nam Thương Tín (Nguồn: Internet)

    Lớp KTS nổi danh và trẻ hơn phải kể đến các KTS: Trần Đình Quyền và Nguyễn Bá Lăng.

    KTS Trần Đình Quyền tốt nghiệp Trường Kiến trúc Sài Gòn. Sau hai năm được tuyển chọn đi Mĩ tham quan ngành kiến trúc bệnh viện, được nhận học tại trường đại học danh tiếng Colombia ở New York. Trở về nước, ông bắt tay vào lập các đồ án thiết kế mới và đồ án nâng cấp cải tạo, mở rộng nhiều công trình bệnh viện như Bệnh viện Vì Dân (nay là Bệnh viện Thống Nhất); Bệnh viện Nhân Dân Gia Định; Trung tâm Chấn thương chỉnh hình; các bệnh viện: Long An, Nhà Bè, Hóc Môn, Nhi Đồng 1, Bình Dân... Ông chủ trương hạn chế sử dụng điều hòa nhiệt độ tốn kém, tạo thông thoáng tự nhiên vừa phù hợp khí hậu nhiệt đới vừa tiết kiệm năng lượng. Các công trình của ông được đánh giá rất cao về các mặt này. Sau ngày giải phóng, ông vẫn tiếp tục thiết kế bệnh viện ở nhiều tỉnh thành cả nước.


Bệnh viện Vì Dân (1971) – nay là Bệnh viện Thống Nhất (Nguồn: Internet)

   KTS Nguyễn Bá Lăng lại đặc biệt nổi tiếng với kiến trúc chùa chiền. Các công trình của ông mang đậm nét dân tộc nhưng kết cấu và bố cục rất hiện đại, tập trung tiết kiệm với việc sử dụng vật liệu địa phương, nổi tiếng nhất là ngôi Chùa Vĩnh Nghiêm. Ở công trình này, ông đã thành công về mặt thiết kế kiến trúc, kết hợp kiến trúc hiện đại và dân tộc, dùng bê tông cốt thép thay kết cấu gỗ một cách hợp lý, nhất là bộ khung sườn, tạo nên những không gian kiến trúc cao rộng. Bộ mái chùa, từ diềm đến đỉnh mái, góc mái khai thác các motif trang trí trong kiến trúc truyền thống với độ tinh xảo, khéo léo và nhuần nhuyễn. Ngôi chùa ngoài là nơi thờ Phật với những lớp lang theo bố cục truyền thống còn kết hợp với chức năng khác của Phật giáo như: đào tạo, thư viện, phòng họp, nhà tăng...


Chùa Vĩnh Nghiêm (Nguồn: Internet)

    Đánh giá so sánh hai nền kiến trúc Hà Nội và Sài Gòn trước 1975, KTS-nhà nghiên cứu người Pháp François Tainturier nhìn nhận: “Trong khi ở Miền Bắc, Hà Nội tự chọn cho mình một nền kiến trúc chính thức thường đơn điệu, thì tại Sài Gòn tồn tại đồng thời nhiều trào lưu kiến trúc, do các kiến trúc sư được đào tạo từ nhiều nguồn khác nhau, trong lẫn ngoài nước. Có một sự đoạn tuyệt rõ rệt với ngôn ngữ kiến trúc thuộc địa Pháp. Các công trình khá phong phú phản ánh trào lưu kiến trúc “hiện đại nhiệt đới hóa”. Đã có biết bao công trình chứng minh khả năng của kiến trúc giải quyết được các vấn đề do thời tiết khí hậu đặt ra”. Có cùng nhận định trên về kiến trúc Sài Gòn trước năm 1975, nhà nghiên cứu kiến trúc-quy hoạch đô thị Trương Quang Thao (từng du học sớm nhất ở Liên Xô cũ về) đã thốt lên rằng: “Các nhà kiến trúc Miền Nam tiếp xúc trực tiếp với kiến trúc hiện đại thế giới và sáng tạo trong thế ưu đãi của tư bản và thế lực Sài Gòn, nhanh chóng làm chủ kỹ thuật bê tông, đá rửa, tạo nên những công trình làm ngơ ngác đồng nghiệp Hà Nội sau 30/4/75!”.

    3. Kiến trúc Việt Nam sau 1975 trong một đất nước tự chủ, thống nhất
    
Năm 1975, chiến thắng lịch sử 30/4 đã kết thúc cuộc chiến tranh chống Mĩ, thống nhất đất nước kéo dài suốt 20 năm của dân tộc. Non sông liền một dải, Tổ quốc được thống nhất, KTS hai miền cùng tụ hội dưới mái nhà chung là Hội KTS Việt Nam.

    Đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới nhưng phải từ sau 1986, khi nước ta đổi mới, chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa thì kiến trúc Việt Nam thực sự khởi sắc.

    Từ đó đến nay, sau hơn 30 năm đổi mới, cùng với vị thế của Việt Nam ngày càng nâng cao trên trường quốc tế, kinh tế tăng trưởng vượt bậc, diện mạo kiến trúc nước nhà đã thực sự thay đổi theo hướng văn minh, hiện đại. Một hệ thống với gần 800 đô thị, thành phố mới và cũ, lớn và nhỏ được hình thành khắp cả nước. Tỉ lệ đô thị hóa đạt hơn 50%. Hàng ngàn khu đô thị mới được xây dựng với những chung cư cao tầng hiện đại được xây dựng bằng công nghệ tiên tiến và vật liệu mới. Hệ thống kỹ thuật hạ tầng được cải tạo, mở rộng và xây dựng. Hàng triệu người dân đô thị được tạo điều kiện có nhà ở với chiến lược phát triển nhà ở thu nhập thấp của Chính phủ.

    Tại các đô thị, thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Bình Dương… nhiều công trình kiến trúc lớn hiện đại có tầm khu vực và quốc tế được xây dựng, mang đến cho kiến trúc Việt Nam một sự đa dạng về hình thức và phong phú về công năng sử dụng. Đó là các công trình Trung tâm Hội nghị quốc gia, Bảo tàng Hà Nội, Sân vận động quốc gia Mỹ Đình, Nhà Quốc hội (Hội trường Ba Đình mới) ở Thủ đô đều do nhóm KTS GERKAN Gmp Đức thiết kế, các trung tâm hành chính cấp tỉnh, các khu công nghệ cao…


Trung tâm Hội nghị quốc gia (Nguồn: Internet)

Nhà Quốc hội (mới) (Nguồn: Internet)

    Đội ngũ KTS hôm nay đã trưởng thành, trong đó 70% là KTS trẻ. Bên cạnh bức tranh hoành tráng về nền kiến trúc Việt Nam sau Cách mạng thì vẫn còn đó những mảng xám, tối màu. Đó là nhiều thành phố, đô thị phát triển không đồng bộ, manh mún, chắp vá… giữa quy hoạch và thực tế cuộc sống, giữa bảo tồn và phát triển. Đó là những khu đô thị chen chúc những khối nhà cao tầng đồ sộ nhưng lại thiếu không gian xanh, mặt nước, không gian công cộng dành cho trẻ em và người cao tuổi. Đó là những công trình kiến trúc có hình thức kệch cỡm, xa lạ với văn hóa dân tộc, du nhập từ những “bãi thải” của kiến trúc quốc tế, núp dưới cái vỏ “hội nhập” hào nhoáng.

    Nhìn lại chặng đường hơn 70 năm phát triển nền kiến trúc Việt Nam, giới KTS càng nhận rõ trách nhiệm nặng nề và vinh quang của mình. “Vì một nền kiến trúc Việt Nam xanh-hiện đại-giàu bản sắc và phát triển bền vững” không chỉ là khẩu hiệu mà là nghĩa vụ, trách nhiệm phải hoàn thành không chỉ của giới KTS mà còn của tất cả chúng ta trong thời kỳ phát triển mới.

    Từ cuối thế kỷ trước, ngay tại Đại hội Liên hiệp KTS Quốc tế - UIA Bắc Kinh 1999 đánh dấu kiến trúc bước vào thế kỷ XXI, tôi đã nhìn thấy sự khác biệt sâu sắc trong các xu hướng kiến trúc thế giới. Tại diễn đàn quốc tế này, không ít KTS thuộc “Thế giới thứ ba” lẫn KTS trẻ phương Tây đã phê phán mạnh mẽ kiến trúc Âu Mĩ quá mang nặng tính kỹ thuật, phung phí năng lượng và nhất là không tôn trọng tính địa phương, thiếu bản sắc. Họ chủ trương kiến trúc thế kỷ XXI phải quan tâm nhiều hơn đến đặc điểm nơi chốn, tôn trọng bản sắc văn hóa bản địa, tiết kiệm năng lượng và nhất là thân thiện hơn với môi trường. Xu hướng kiến trúc sinh thái, mang tính bền vững được mọi người tán đồng. Tại diễn đàn quốc tế này, các nhà kiến trúc nổi tiếng thuộc “Thế giới thứ ba” như Charles Correa, Wu Liang Yong, Bruno Stagno, Ken Yeang và cả các KTS trẻ từ các nước tiên tiến chủ trương phải kết hợp công nghệ hiện đại với bản sắc địa phương như Jean Nouvel (Pháp), Tadao Ando (Nhật Bản) đã được hoan nghênh.

    Nói về nghệ thuật tức là nói đến xu thế, xu hướng sáng tạo, phong cách, trường phái. Cho đến nay, kiến trúc Việt Nam dường như chưa có trường phái, phong cách mờ nhạt, chưa có cả một xu hướng sáng tác rõ nét nào. Có chăng mới chỉ là con đường đi tìm và bộc lộ cái tạng, cái gu thẩm mĩ của từng tác giả. Và chỉ gần đây thôi, không ít công trình của KTS trẻ Việt Nam đã xuất hiện trên các tạp chí chuyên ngành kiến trúc thế giới và giải thưởng quốc tế…

    KTS Võ Trọng Nghĩa đã áp dụng các tiêu chí thiết kế xanh vào công trình để tận dụng được ánh nắng, gió và cây xanh để đem lại bầu không khí dễ chịu và trong lành. Các công trình “gió & nước” của anh từ Nam ra Bắc được đánh giá cao. Anh cũng thiết kế các công trình quy mô lớn, như Trường Đại học FPT.


Trường Đại học FPT (Nguồn: Internet)

    Gần đây, các KTS như Hoàng Thúc Hào, Nguyễn Hoàng Mạnh... cũng xuất hiện với nhiều công trình xanh rất sáng tạo, được nhiều giải thưởng trong nước cũng như quốc tế.


Bảo tàng Gốm Bát Tràng (Nguồn: Internet)

    Năm 2015, Hoàng Thúc Hào đã giành chiến thắng tại Festival Kiến trúc thế giới (WAF 2015) tại hạng mục “Công trình dân dụng-cộng đồng” với công trình Nhà cộng đồng xã Cẩm Thanh (Hội An), Nhà cộng đồng thôn Suối Rè (Hòa Bình), các nhà cộng đồng ở Tả Phìn-Sa Pa, Nặm Đăm...

    Trong hầu hết các công trình nêu trên, các KTS trẻ Việt Nam đã dành cho những vật liệu địa phương bình thường như gạch ngói, gỗ mộc, đá một tình cảm trân trọng, chăm chút cẩn trọng hay tinh thần khám phá để thiết kế. Với vật liệu quen thuộc, giá không cao, các KTS chỉ tạo nên đường truyền khiêm tốn để gợi cho người sử dụng một thái độ sống gần gũi, trân trọng thiên nhiên. Họ đã đúc rút từ kiến trúc truyền thống những nguyên tắc cốt lõi về tỉ lệ, sử dụng vật liệu địa phương, về bố cục hình khối chặt chẽ theo công năng... để đưa vào công trình hiện đại. Xu hướng này được nhiều nhà sáng tác coi như một trong những hướng tìm tòi đúng đắn và có nhiều triển vọng.

    Phải chăng các công trình thô mộc như I-resort, Lam cà phê ở Nha Trang của KTS Nguyễn Hoà Hiệp hoặc các công trình “gió & nước” theo hướng sinh thái của KTS Võ Trọng Nghĩa, các công trình mang tính cộng đồng và “xanh” của các KTS Hoàng Thúc Hào, Nguyễn Hoàng Mạnh… tiếp tục đặt ra và đã trả lời được rất nhiều vấn đề lớn của kiến trúc Việt Nam đương đại. Phải chăng kiến trúc của lớp KTS trẻ này mách bảo rằng: Nếu đi tới tận cùng cái hồn cốt của dân tộc thì kiến trúc Việt Nam hoàn toàn có nhiều cơ hội để hòa đồng, đối thoại với thế giới.

    Xu thế “kiến trúc hiện đại-bản địa” này dù chưa hình thành rõ nét như một hệ thống, dù còn phải được tiếp tục vun đắp qua nhiều thử nghiệm hơn nữa, song xu hướng này sẽ ngày càng rõ nét hơn, tiệm cận tốt hơn với mục tiêu đi tìm bản sắc kiến trúc Việt Nam trong giai đoạn tới. Nó có thể tìm đến sự giao hoà giữa con người với môi trường sinh thái và hình khối công trình, phù hợp với địa phương. Xu thế này nếu được chăm sóc, đầu tư chiều sâu thì có khả năng đây có thể sẽ trở thành một trong những xu thế sáng tạo chính thống thời gian tới ở nước ta.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận