VỀ THỂ HIỆN BẢN SẮC DÂN TỘC TRONG VĂN HỌC, NGHỆ THUẬT

Bài viết phân tích bản sắc dân tộc và những khía cạnh thể hiện bản sắc dân tộc trong văn học, nghệ thuật Việt Nam. Qua đó khẳng định phẩm chất cần có và vai trò của văn nghệ sĩ đối với việc giữ gìn và thể hiện bản sắc, đặc sắc tinh hoa dân tộc trong văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện nay.

    Vấn đề thực hiện đại đoàn kết dân tộc và bảo tồn, phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc từ lâu đã được đề cập đến trong đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ta. Gần đây, những vấn đề đó lại được nhấn mạnh và bổ sung trong Đề án tổng thể phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 của Quốc hội và trong Chiến lược phát triển văn hóa giai đoạn 2021-2030 của Đại hội XIII của Đảng.

    Vậy trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật, để thực hiện đại đoàn kết dân tộc và bảo tồn, phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, chúng ta phải làm gì ?

    Trên lãnh thổ Việt Nam chúng ta hiện nay có 54 dân tộc anh em cùng chung sống, đoàn kết bên nhau xây dựng và bảo vệ đất nước ngày một phát triển và giàu mạnh. Trong cộng đồng dân tộc quốc gia (nation) Việt Nam, bao gồm cộng đồng dân tộc đa số và cộng đồng các dân tộc thiểu số (ethnic minority). Bản sắc văn hóa của mỗi tộc người trong một quốc gia có những nét riêng, độc đáo, khác biệt với các tộc người khác, song đồng thời chúng lại hội tụ những đặc tính chung, tổng thể ở phương diện quốc gia, nếu so sánh dân tộc thuộc quốc gia này với dân tộc của quốc gia khác. Như vậy cần nhận rõ những vấn đề dân tộc mang tính quốc gia là có tính thống nhất, tiêu biểu chung cho toàn thể nhân dân nước đó, trong sự khu biệt về “căn cước” với nhân dân của các quốc gia khác trên thế giới, bên cạnh đó là những vấn đề dân tộc ở cấp độ sắc tộc trong phạm vi một quốc gia riêng biệt.

    Thông thường khi nói đến bản sắc văn hóa, văn học, nghệ thuật của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, chúng ta nghĩ đến tính sắc tộc riêng, độc đáo, có giá trị vững bền bắt nguồn từ truyền thống tốt đẹp lâu đời của sắc tộc đó; chúng là những giá trị quý báu cần trân trọng, bảo tồn và phát huy; góp phần vào sự đa dạng, phong phú của nền văn hóa thống nhất cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

    Hiện nay, chúng ta luôn luôn khẳng định cộng đồng các dân tộc ở Việt Nam là chủ thể sở hữu chung nền văn hóa mới với các tính chất cơ bản: tiên tiến, nhân văn, đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam nói chung, đậm đà bản sắc các tộc người Việt Nam nói riêng. Như vậy cũng có nghĩa là các tộc người dân tộc thiểu số ở Việt Nam còn đồng thời là chủ thể các giá trị văn hóa của cộng đồng dân tộc mình sinh sống trên những vùng miền khác nhau của đất nước với “bản lai diện mục” của mình, in đậm dấu ấn của tộc người mình, không lẫn vào các tộc người khác.

    Từ sau Cách mạng tháng Tám 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng, văn hóa, văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số được phát triển bình đẳng, các giá trị thuộc bản sắc văn hóa dân tộc được trân trọng, giữ gìn và phát huy để hòa nhập vào sự phát triển chung, đa dạng và phong phú của nền văn hóa mới trên toàn lãnh thổ Việt Nam thống nhất. Đã xuất hiện kế tục các thế hệ tác giả người dân tộc với những tác phẩm có giá trị thuộc nhiều thể loại thu hút sự tiếp nhận của công chúng trong và ngoài nước. Các tác phẩm đó đã tự khẳng định vị trí xứng đáng vào tiến trình xây dựng và phát triển nền văn hóa, văn nghệ Việt Nam hiện đại, được bạn bè trên thế giới quan tâm. 

    Tuy đã thu được những thành tựu khả quan, đáng mừng, để lại dấu ấn và thiện cảm trong công chúng văn học, nghệ thuật, song có điều chúng ta không thể không suy nghĩ: làm sao để các tác phẩm văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam có được bản sắc dân tộc sâu sắc, đậm đà lâu bền, dồi dào sức khám phá, sáng tạo, thu hút công chúng rộng rãi hơn nữa, kể cả ở trong nước cũng như ở nước ngoài ?

    Chúng tôi nghĩ rằng trên lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật, nói đến bản sắc văn hóa dân tộc, người ta dễ nhận thấy các biểu hiện của nó trên các phương diện: ngôn ngữ (tiếng nói và chữ viết); trang phục truyền thống; phong tục tập quán từ lâu đời; tôn giáo và đời sống tâm linh; nếp sinh hoạt như: ăn, ở, đi lại, giao tiếp; các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể từ xa xưa để lại trong một số loại hình văn hóa, văn học, nghệ thuật mà dân tộc đó sở trường, kết tinh ở những thành tựu đỉnh cao, vượt trội.

    Tuy nhiên, một trong những phương diện khác vô cùng quan trọng làm nên hồn cốt của bản sắc dân tộc (của các tộc người) lại nằm ở chính trong con người của dân tộc đó - đối tượng khám phá không cùng của sự sáng tạo văn hóa, văn học, nghệ thuật từ bao đời.

    Trong mỗi con người của một dân tộc, một xã hội, một giai cấp, một tầng lớp, một giới tính, một vùng miền… thì phần sâu sắc, khó nắm bắt nhất là thế giới bên trong: tư tưởng, tâm lý, tình cảm, những ẩn ức tâm linh ám ảnh, đời sống tính dục với những chi phối của khát khao bản năng, đời sống tâm thần và những trạng thái biểu hiện muôn mặt của nó…

    Biểu hiện những phương diện trên của đời sống con người từ xưa đến nay vẫn là một thách đối với sự nhận thức, khám phá và sáng tạo của văn học, nghệ thuật. Ở những tác giả tài năng và hiếm có ở những bậc thiên tài, họ đã nỗ lực trong sự vượt thoát, đi sâu khám phá con người ở chiều sâu bản thể, giúp công chúng nhận diện sâu sắc về các loại người trong cộng đồng dân tộc-xã hội, từ đó nhìn lại mình, tự nhận thức, điều chỉnh sự tồn tại của mình trong cộng đồng xã hội và nhân loại. Dấu ấn mà các văn nghệ sĩ nói trên để lại trong tác phẩm của mình là bức tranh chân thực về đời sống xã hội và hình tượng con người thuộc nhân vật – đối tượng phản ánh, tái hiện của nghệ thuật; con người thuộc chủ thể sáng tạo – tác giả – về các phương diện: cá nhân, giai cấp, dân tộc, thời đại. Ở đây, chính góc nhìn, tầm nhìn sâu rộng, năng lực bậc thầy trong sử dụng chất liệu ngôn ngữ nghệ thuật đã giúp các văn nghệ sĩ tài năng tạo dựng những tác phẩm để đời, trong đó hiện lên những chân dung con người sinh động, đặc sắc, hấp dẫn như tấm gương chân thật giúp công chúng soi vào đó mà biết người, biết ta, hiểu đời, hiểu mình hơn.

    Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (11/1946) đã khuyên văn nghệ sĩ, trong tác phẩm phải “lột cho được tinh thần dân tộc”, “văn hóa phải đi sâu vào tâm lý quốc dân”, “soi đường cho quốc dân đi”1.

    Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc (11/2021) cũng khẳng định: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn”2.

    Năm 1962, nói chuyện với văn nghệ sĩ tại Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ III, đồng chí Trường Chinh thay mặt Trung ương Đảng đã gợi ý: “Cần luôn luôn nhớ rằng, chúng ta miêu tả những con người mới Việt Nam… Con người ấy nhất định có những nét độc đáo. Đó là tâm hồn và tính cách của người Việt Nam”. Và đồng chí lưu ý văn nghệ sĩ quán triệt thư của Ban Chấp hành Trung ương gửi Đại hội lần này: “Văn nghệ của ta càng phản ánh sâu sắc những đặc điểm của dân tộc, càng đáp ứng được yêu cầu của cách mạng nước ta thì càng có nhiều phần đóng góp vào nền văn nghệ tiến bộ của loài người”3.

    Các văn nghệ sĩ chúng ta, trong đó có các nhà văn viết về đề tài miền núi và dân tộc thiểu số, cũng đã nhận thức được điều hệ trọng nói trên. Nhà văn Hữu Tiến, Chi hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số tỉnh Cao Bằng, trong một bài viết gần đây đã lưu ý đến việc thể hiện tính cách dân tộc là điểm nhấn cốt yếu thể hiện bản sắc dân tộc: “Một phần rất quan trọng của bản sắc vùng miền là tính cách người miền núi thì không hề mai một. Tính cách đó ngấm vào máu, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đó là cách đối nhân xử thế. Đó là những quan niệm về vũ trụ. Đó là quan niệm về đạo đức… của người miền núi. Phần bản sắc vô hình này không thể nhìn bằng mắt. Đọc một tác phẩm không hề có sắc chàm, không hề có bát rượu sóng sánh, vậy mà thông qua tính cách nhân vật vẫn hiện rõ bản sắc văn hóa dân tộc. Theo tôi, đấy là tác phẩm thành công […]. Các nhà thơ miền núi cần bắt được cách cảm, cách nghĩ của dân tộc họ. Họ lặn vào trong tâm hồn, trái tim người miền núi để sáng tạo ra tác phẩm. Chất miền núi luôn chảy trong huyết quản của họ. Họ viết bằng nội lực văn hóa của dân tộc mình, vậy nên khi viết, chất miền núi cứ thấm vào từng câu chữ một cách tự nhiên”4.

    Còn nhà văn Ma Văn Kháng, người Kinh, tác giả có nhiều sáng tác thành công về đề tài miền núi và dân tộc thiểu số thì khái quát về vấn đề sống và viết của nhà văn: “Sống, ngoài cái nghĩa là trải nghiệm trực tiếp, là quan sát nghe ngóng, học hỏi, là dấn thân lăn lộn vào các vùng chưa biết, còn là sống với tất cả chiều kích của đời sống tinh thần, tâm tưởng, tâm hồn như tiềm thức, tâm linh, ảo giác, tưởng tượng… trên cơ sở một nền học vấn cao. Nhà văn, kẻ sống hết mình với cuộc đời”5. Ông cũng đã chỉ ra sự thiếu hụt của nhà văn trong đáp ứng đòi hỏi khám phá sâu sắc về con người và cuộc sống, nhận ra cái đặc sắc riêng của từng dân tộc: “Văn xuôi của chúng ta đang thường thường bậc trung, trước hết là từ sự quẩn quanh ở những khu vực chất liệu đã được khai thác quá nhiều, đã trở thành nhàm chán, cũ kỹ, thậm chí quá tầm thường, không đáp ứng được yêu cầu ngày càng phải có yếu tố mới lạ, hay hơn, nhiều khám phá sâu sắc hơn về con người và cuộc sống… Chỉ có nhà văn biết rộng, hiểu sâu, có kiến văn thâm hậu, có tầm văn hóa cao mới có thể nhận ra cái đặc sắc riêng biệt của dân tộc trong tương quan văn hóa chung, nhận ra được sự phong phú của hiện thực, nhận thấy được cái đẹp đẽ, lạ lùng, mới mẻ, cái chiều sâu hàm chứa, cái huyền ảo trong đời sống hiện thực xô bồ, hỗn độn, quen nhàm”6.

    Chúng tôi nghĩ rằng để tác phẩm văn học, nghệ thuật có được sự sâu sắc về bản sắc văn hóa dân tộc, các văn nghệ sĩ cần hết sức coi trọng việc thể hiện tính cách con người với tư cách là đối tượng miêu tả, tái hiện chủ yếu của văn học, nghệ thuật, cho thấy góc nhìn và tư duy nghệ thuật, cảm quan về hiện thực xã hội và đời sống tinh thần bên trong con người từ cái tôi của nghệ sĩ - chủ thể sáng tạo, không ai thay thế được.

    Quan tâm khám phá chiều sâu của tính cách nhân vật, bộc bạch cái tôi của nghệ sĩ tiềm ẩn trên mọi phương diện của văn bản tác phẩm sẽ mở ra cho công chúng tiếp nhận một miền hiện thực không nhìn thấy bằng mắt thường, hiện thực của tâm tưởng, một cơ tầng phong phú, phồn tạp, nhiều bí ẩn thuộc thế giới bên trong của con người, chi phối con người hành động, đối nhân xử thế. Mà mỗi con người thuộc các dân tộc khác nhau, do điều kiện sinh hoạt vật chất chi phối cùng các nguyên nhân khách quan và chủ quan khác, có những cách nghĩ, cách cảm riêng tư về bản thân, đồng loại, cộng đồng dân tộc và xã hội, về thiên nhiên và môi trường sống… với những nét khác biệt không ai giống ai, tạo nên những cá tính mang bản sắc dân tộc độc đáo mà họ là một thành viên không tách rời.

    Văn nghệ sĩ cần có tầm văn hóa dân tộc cao sâu, rộng mở đến chân trời nhân loại để hiểu mình, hiểu người đến mức như dân gian thường nói là “đọc, bắt mạch được ý nghĩ của người khác”, “đi guốc vào trong bụng người ta”, “nhìn thấu tâm can”, “làm tổ trong lòng người”… Rồi bằng tâm huyết và công phu lao động nghệ thuật không mệt mỏi, họ cho ra đời những tác phẩm đỉnh cao, hội tụ những đặc sắc tinh hoa dân tộc, in dấu “căn cước” độc đáo của dân tộc, hội nhập cùng thế giới hiện đại, tiến bộ và văn minh.

 

 

 

Chú thích:
1 Hồ Chí Minh (1971), Về công tác văn hóa, văn nghệ, NXB. Sự thật.
2 Nguyễn Phú Trọng: Bài phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhân Dân, ngày 25.11.2021.
3 Nhiều tác giả (1976), Về văn hóa, văn nghệ (in lần thứ 4 có bổ sung), NXB. Văn hóa, tr. 292-293.
4 Hữu Tiến: “Vài ý nghĩ vụn”, Bản thảo chưa xuất bản (5.2021), tr. 48.
5 Ma Văn Kháng: “Sống rồi mới viết”, Báo Văn nghệ, số 38, ngày 22.9.2012.
6 Ma Văn Kháng (2015), Nhà văn, anh là ai? (Tiểu luận và bút ký về nghề văn), NXB. Văn hóa-Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, tr. 81.

    

    

    

Bình luận

    Chưa có bình luận