HỘI ĐỒNG LÝ LUẬN, PHÊ BÌNH VĂN HỌC, NGHỆ THUẬT TRUNG ƯƠNG TỔ CHỨC LỚP BỒI DƯỠNG “VĂN HỌC, NGHỆ THUẬT ĐỐI VỚI SỰ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP VĂN HÓA Ở VIỆT NAM: VAI TRÒ CỦA SÁNG TẠO, LÝ LUẬN-PHÊ BÌNH VÀ QUẢNG BÁ” KHU VỰC PHÍA NAM

Sáng 3/4, tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã tổ chức Lớp bồi dưỡng với chủ đề 'Văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam: Vai trò của sáng tạo, lý luận-phê bình và quảng bá' dành cho các học viên ở khu vực phía Nam.

 

    Tham gia lớp có gần 80 học viên hiện đang hoạt động trong lĩnh vực lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật, là giảng viên ở các trường đại học, cao đẳng; cán bộ chuyên nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật ở các viện nghiên cứu; các văn nghệ sĩ ở các hội văn học, nghệ thuật; phóng viên, biên tập viên ở các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình…

    Đến dự, có đồng chí Nguyễn Khắc Toàn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; Lê Hữu Thọ, Ủy viên Ban thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Đinh Văn Thiệu, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh. Về phía Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, có PGS, TS, Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ - nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam - Chủ tịch Hội đồng; các đồng chí Phó Chủ tịch Hội đồng: TS Bùi Thế Đức - nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; TS Ngô Phương Lan – nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh; PGS, TS Trần Khánh Thành – nguyên Phó Chủ nhiệm Khoa Sau Đại học, Đại học Quốc gia Hà Nội.

    Phát biểu khai mạc Lớp bồi dưỡng, PGS, TS, Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, khẳng định: Vị trí và vai trò của văn học, nghệ thuật đã được khẳng định trong hầu hết các kỳ Đại hội của Đảng. Tư tưởng xuyên suốt trong đó vẫn là đề cao vai trò của văn học, nghệ thuật, coi văn học, nghệ thuật là lĩnh vực đặc biệt tinh tế, nhạy cảm, có tính đặc thù cao, là yếu tố giữ vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. 


PGS, TS, Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phát biểu khai mạc.

    Ngày 08 tháng 9 năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1755/QĐ-TTg Phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với mục tiêu quan trọng là “Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam bao gồm: quảng cáo; kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mĩ nghệ; thiết kế; điện ảnh; xuất bản; thời trang; nghệ thuật biểu diễn; mĩ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; truyền hình và phát thanh, du lịch văn hóa trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, phát triển rõ rệt về chất và lượng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm thông qua việc sản xuất ngày càng nhiều sản phẩm, dịch vụ văn hóa đa dạng, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ, tiêu dùng văn hóa của người dân trong nước và xuất khẩu; góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam; xác lập được các thương hiệu sản phẩm, dịch vụ văn hóa”. Với chiến lược này, công nghiệp văn hóa (trong đó có văn học, nghệ thuật) thực sự là một trong những động lực mạnh mẽ nhất của nền kinh tế hiện đại, góp phần định hình và phản ánh bản sắc văn hóa của các quốc gia, cộng đồng.

    Chủ tịch Hội đồng nhấn mạnh mục tiêu hướng tới của Hội đồng khi tổ chức Lớp bồi dưỡng lý luận, phê bình trẻ năm 2024 chính là tìm được câu trả lời cho những câu hỏi dưới đây trên tinh thần trao đổi, bàn thảo một cách thẳng thắn và dân chủ: Kể từ sau khi ban hành Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, những tiềm năng, cơ hội và thách thức nào tác động đến sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa? Thành quả sau hơn 7 năm thực hiện chiến lược quan trọng này ra sao? Trong quá trình triển khai chiến lược này, văn học, nghệ thuật đã phát huy vai trò như thế nào trong việc hình thành và phát triển công nghiệp văn hóa? Văn học, nghệ thuật đã góp mặt ở mức độ nào trong các sản phẩm văn hóa, trong việc tạo dựng hình ảnh quốc gia và thu hút du lịch? Những cơ hội và thách thức nào đặt ra khi phát triển công nghiệp văn hóa thông qua văn học, nghệ thuật? Các ngành nghệ thuật quan trọng như điện ảnh, mĩ thuật, âm nhạc đã phát huy vai trò của mình trong phát triển công nghiệp văn hóa ở nước ta như thế nào?; Chúng ta cần làm gì để phát huy hết tiềm năng, cơ hội của văn học, nghệ thuật trong kỷ nguyên số và hội nhập quốc tế, tận dụng tối đa các giá trị văn học và nghệ thuật như là những nguồn lực quý giá trong phát triển công nghiệp văn hóa?...


Quang cảnh Lớp bồi dưỡng.

    Đồng chí Nguyễn Khắc Toàn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hòa thay mặt Thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa phát biểu chào mừng Lớp bồi dưỡng, chia sẻ một số nét nổi bật của tình hình phát triển các lĩnh vực: nghệ thuật biểu diễn; mĩ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm; du lịch; điện ảnh; kinh tế - xã hội; văn hóa, văn học, nghệ thuật… của tỉnh nhà. Ông cũng đánh giá cao việc Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương chọn Nha Trang, Khánh Hòa là nơi tổ chức lớp bồi dưỡng cho các nhà lý luận, phê bình trẻ ở phía Nam lần này.


Đồng chí Nguyễn Khắc Toàn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hòa phát biểu chào mừng tại Lớp bồi dưỡng.

    Sau Lễ khai mạc, các học viên được nghe PGS, TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Ủy viên Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT Trung ương trình bày chuyên đề Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam.

    Một số hình ảnh tiêu biểu tại buổi khai mạc Lớp bồi dưỡng tại Khánh Hòa:










 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận