Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Năm Châu từng cho rằng: “Nghệ thuật biểu diễn cải lương phải thật và đẹp”. Đây là kim chỉ nam của nghệ thuật diễn sân khấu cải lương ngay từ khi sân khấu cải lương mới ra đời. Nếu ai đã được xem các nghệ sĩ thế hệ trước biểu diễn, họ sẽ nhận ra ngay là các bậc tiền bối diễn rất mộc mạc, chân phương, không phô trương kỹ thuật biểu diễn mà vẫn chinh phục người xem… Tuy nhiên, trong thời đại ngày nay, nghệ thuật biểu diễn của các nghệ sĩ trẻ ngày càng xa rời trường phái biểu diễn “thật và đẹp”. Điều đó thể hiện rõ ràng nhất trong cách ca, diễn của họ chỉ chú ý khoe giọng, chuốt chữ cho ngọt, cho mùi mà không chú ý diễn tả tâm trạng nhân vật… Đây có phải là một trong những nguyên nhân khiến khán giả quay lưng với nghệ thuật truyền thống này hay không? Liệu trường phái “thật và đẹp” có còn tồn tại trên sân khấu cải lương đương đại Miền Nam?
1. Trường phái biểu diễn cải lương Nam Bộ “thật và đẹp”
NSND Năm Châu tên thật là Nguyễn Thành Châu (1906-1978), là một thầy tuồng, một diễn viên cải lương và là một soạn giả. Lĩnh vực hoạt động sân khấu chính của ông là chuyên sáng tác loại tuồng cải lương xã hội. Ông là người khởi xướng trường phái biểu diễn cải lương “thật và đẹp”, quan niệm sân khấu cải lương trước sau phải là sân khấu thật và đẹp.
Vậy biểu diễn như thế nào để đúng với trường phái biểu diễn cải lương “thật và đẹp”? Đó chính là cách biểu diễn như không diễn. NSND Năm Châu quan niệm rằng “thật” là diễn phải tự nhiên như người thật việc thật, nghĩa là hình tượng nhân vật ngoài đời như thế nào thì người nghệ sĩ ca, diễn phải như thế đấy nhằm tạo cho người xem cảm thấy sự kiện trên sân khấu gần gũi cuộc sống ngoài đời. Ông từng tuyên bố: “Diễn cải lương càng giống thực càng hay, diễn làm sao dẫn công chúng nhìn thấy đúng là sự thực”. Đó là nói về diễn cái thực nhưng cái thực ông quan niệm có phần trừu tượng là “thực phải đẹp”, thật mà làm đẹp lên đôi khi là khác cái thật nhưng thật mà không đẹp thì đâu phải là nghệ thuật. Đây mới là vấn đề của nghệ thuật. Nghệ thuật không phải là sự thật nhưng phải như sự thật. Quan niệm về cái đẹp, đẹp phải thật, đẹp mà không thật thì chẳng còn giá trị nữa bởi mọi cái đẹp đều bắt nguồn từ trong đời sống, cái đẹp nào không bắt nguồn từ đời sống thì loại nghệ thuật đó không thể tồn tại, đó là “cái đẹp” không nhận thức được. Quan niệm mĩ học của Năm Châu về cái đẹp sân khấu, nghệ thuật biểu diễn cải lương là đẹp phải thật, thật phải đẹp, không đạt những tiêu chí này thì cải lương không tồn tại. Đây là luận điểm mĩ học sân khấu cải lương, từ nghệ thuật biểu diễn cho đến trang trí, mĩ thuật, phục trang, âm nhạc… phải đẹp, phải thật nhằm hỗ trợ diễn viên hóa thân nhân vật đạt tới tiêu chí “thật và đẹp” trên sân khấu. Hơn nữa, cải lương là sân khấu tả thực, nếu làm sai quan điểm mĩ học này thì cải lương không còn bản sắc sân khấu kịch hát Nam Bộ. NSND Năm Châu diễn giải thêm: “Cái đẹp, đẹp thật tự nhiên ấy, diễn viên phải: thành thật, sống với vai tuồng của mình để đạt bản sắc của vai tuồng”1.
Chính vì lẽ đó, khi xem các nghệ sĩ thế hệ trước biểu diễn với trường phái biểu diễn “thật và đẹp”, người xem cảm nhận người nghệ sĩ không còn biểu diễn nữa mà người nghệ sĩ đang sống với nhân vật của mình. Vậy bí quyết của cách diễn này là gì? Rõ ràng các bậc tiền bối không biểu diễn mà họ đang tái hiện những hành động (từ trong dọng nói và hình thể), tái hiện lại cảm xúc nhân vật được quy định trong kịch bản. Từ đây chúng ta có thể liên tưởng đến yếu tố tam hiệp nội (ý-khí-thần) được các bậc tiền bối áp dụng rất triệt để trong quá trình diễn xuất của mình, có nghĩa là: “Có ý mới sinh ra khí, có khí mới có cái thần”. Đây là bí quyết, là kỹ năng cực kỳ quan trọng cho bất kỳ diễn viên cải lương nào muốn hớp được hồn người xem, muốn trái tim người xem phải nôn nao theo nhân vật của mình... Chẳng có con đường nào đến được trái tim người xem khi chính người nghệ sĩ không làm cho trái tim của mình rung động trước. Ở quá trình diễn xuất nhân vật, không chỉ vận dụng/ tiến hành chính xác các phương tiện ngôn ngữ cải lương mà còn phải thu hút, phối kết hợp với sáng tạo (được thể hiện qua ngôn ngữ) của các thành phần nghệ thuật và các yếu tố kỹ thuật cùng tham gia sáng tạo, xây dựng vở diễn.
Trường phái biểu diễn cải lương “thật và đẹp” là trường phái biểu diễn đúng đắn nhất của sân khấu cải lương từ trước đến nay. Điều đó được minh chứng rằng, từ đầu thế kỷ XX cho đến trước năm 1975, thế hệ nghệ sĩ tiền phong đã áp dụng triệt để trường phái biểu diễn cải lương “thật và đẹp” trên sân khấu cải lương Miền Nam và đã khiến sân khấu cải lương trong giai đoạn này phát triển vượt bậc với nhiều vở diễn đặc sắc: Duyên chị tình em, Anh hùng náo Tam môn giai, Tư sinh tử, Đóa hoa rừng, Thái tử Hàm Lệ, Túy Hoa vương nữ, Miếng thịt người, Tây Thi gái nước Việt, Vợ và tình, Đời cô Lựu, Men rượu hương tình, Nợ dâu, Sân khấu về khuya, Đoạn tuyệt, Nước biển mưa nguồn, Ngọn cờ đầu, Ngao sò ốc hến… với sự thành danh của hàng loạt các tên tuổi lớn như: Năm Châu, Tư Chơi, Năm Phỉ, Phùng Há, Kim Cúc, Tư Sạng, Út Trà Ôn - Út Bạch Lan, Tấn Tài, Thành Được, Thanh Nga, Ngọc Giàu, Bạch Tuyết, Hùng Cường, Phượng Liên, Lệ Thủy, Mỹ Châu... Trong đó, các bậc tiền bối đặt nền móng cho nghệ thuật cải lương phát triển rực rỡ phải kể đến Năm Châu, Tư Chơi, Phùng Há... Đây là thời kỳ vàng son, đạt đến đỉnh cao của nền nghệ thuật sân khấu cải lương. Các nghệ sĩ hoạt động trong giai đoạn này đã trở thành “thế hệ vàng” của nghệ thuật sân khấu cải lương Miền Nam.
Trong giai đoạn từ năm 1975 đến năm 2000, nghệ thuật biểu diễn cải lương Miền Nam có những thay đổi đáng kể. Đó là việc đưa nghệ thuật biểu diễn hiện thực tâm lý vào các vở diễn cải lương Nam Bộ đạt hiệu quả tốt, cải lương Nam Bộ dần dần đi tới sự cân bằng giữa hát và diễn. Các nghệ sĩ lúc bấy giờ vẫn tiếp tục phát huy trường phái biểu diễn cải lương “thật và đẹp” của NSND Năm Châu nhưng trong diễn xuất có sự kết hợp nhuần nhuyễn với phương pháp nghệ thuật biểu diễn hiện thực tâm lý của Stanilapxki (Nga). Trong giai đoạn này, sân khấu cải lương Miền Nam xuất hiện những ngôi sao mới như: Vũ Linh, Thanh Thanh Tâm, Tài Linh, Ngọc Huyền, Châu Thanh, Phượng Hằng, Thoại Mỹ, Kim Tử Long, Thanh Ngân, Vũ Luân... Lớp nghệ sĩ này đi theo phong cách mới với lối trình diễn đẹp mắt, cuốn hút khán giả bằng những kỹ xảo về nghề nghiệp thông qua kỹ thuật biểu diễn chuyên nghiệp và vũ đạo đẹp mắt. Trong phong cách biểu diễn mới, cái chân thật trong diễn xuất đã được diễn viên lược bớt và cái đẹp trong biểu diễn được tô đậm hơn. Như vậy, sân khấu cải lương Nam Bộ lúc này bắt đầu xuất hiện bóng dáng của kỹ xảo trong ca hát, trong vũ đạo và trình thức biểu diễn. Tuy vậy, sân khấu cải lương Nam Bộ trong giai đoạn này vẫn có những vở diễn được khán giả chào đón nồng nhiệt nhưng không nhiều, như: Sau ngày cưới, Thái hậu Dương Vân Nga, Nàng Xê Đa, Hòn đảo Thần Vệ Nữ, Tâm sự Ngọc Hân, Nàng Hai Bến Nghé, Hòn Vọng Phu, Tình yêu và tên cướp, Vụ án Mã Ngưu, Lương Sơn Bá Chúc Anh Đài, Xa phu đi sứ, Xử án Phi Giao… Từ đây, trường phái biểu diễn cải lương “thật và đẹp” của NSND Năm Châu đã mai một dần theo năm tháng.
Về âm nhạc, dàn nhạc lúc bấy giờ đã được lược bỏ bớt nhạc cụ không cần thiết nhằm phát huy cao độ hiệu quả nghệ thuật của các nhạc cụ dân tộc, đạt được sự thống nhất trong dàn nhạc truyền thống của sân khấu cải lương. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” được thể hiện qua chủ trương, chính sách và biện pháp quản lý của nhà nước về chấn hưng nền văn hoá dân tộc, trong giai đoạn này, nghệ thuật biểu diễn theo lối chính thống vẫn chủ động chiếm lĩnh trên sàn diễn sân khấu cải lương. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của cơ chế thị trường, một số đoàn diễn, nghệ sĩ có xu hướng tìm lại sự hấp dẫn khán giả theo cung cách các vở diễn sân khấu thương mại. Đặc biệt là những năm 80 của thế kỷ XX là thời điểm cực kỳ khó khăn của sân khấu nói chung và cải lương nói riêng. Song, các biểu hiện tiêu cực của sân khấu rồi cũng qua đi để đến những năm gần cuối thế kỷ XX, nghệ thuật cải lương vẫn tiếp tục trên hành trình đi đến sự hoàn chỉnh và định hình.
2. Nghệ thuật biểu diễn cải lương đương đại ở Thành phố Hồ Chí Minh
Về cơ bản, nghệ thuật biểu diễn cải lương đương đại Miền Nam nói chung, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng vẫn mang tính tổng hợp, kết tinh từ các hình thức sân khấu truyền thống cách điệu, ước lệ, kết hợp tả thực, có nhập vai, có thoát vai, cơ bản vẫn theo phương pháp nghệ thuật Stanilapxki (Nga). Trong nghệ thuật biểu diễn cải lương luôn đòi hỏi người diễn viên phải ca hay nhưng phải là ca trong diễn, diễn trong ca. Gần như trường phái biểu diễn cải lương “thật và đẹp” vẫn được sân khấu cải lương Miền Nam áp dụng triệt để. Tuy nhiên, các nghệ sĩ trẻ ngày nay lại thiếu lực tiếp thu tinh hoa của trường phái này từ các thế hệ tiền phong khiến cho ca, diễn của họ không đạt được tiêu chí trường phái biểu diễn cải lương “thật và đẹp” bởi nhiều nguyên nhân khác nhau.
2.1. Nghệ thuật ca cải lương hiện nay
Ngày nay, nếu đi xem cải lương ở Thành phố Hồ Chí Minh, chúng ta sẽ nhận ra ngay nghệ sĩ trẻ bây giờ đa phần chỉ chú ý khoe giọng, chuốt chữ cho ngọt, cho mùi mà không chú ý diễn tả tâm trạng nhân vật… Mặc dù nghệ sĩ trẻ ngày nay có giọng ca khỏe khoắn, làn hơi phong phú, kỹ thuật ca có phần điêu luyện hơn vì được đào tạo bài bản từ các trường nghệ thuật chuyên nghiệp nhưng trong cách ca của họ vẫn thiếu cái hồn của nhân vật, nghĩa là “không thật” bởi một phần do sân khấu không sáng đèn hằng đêm nên họ ít có cơ hội cọ xát và rèn luyện; đặc biệt, họ chưa được các nghệ nhân truyền nghề một cách đúng mực.
Ngoài ra, cải lương là loại hình nghệ thuật biểu diễn kết hợp cả hình thức nói và hát trên nền nhạc nhằm truyền đạt tất cả cảm nghĩ, cảm xúc cũng như thông điệp của mình tới khán giả. Âm nhạc cải lương luôn tiếp thu, cập nhật âm nhạc đương đại cũng như đưa vào các loại nhạc cụ hiện đại làm cho cải lương thường xuyên được làm mới và trình diễn đến công chúng với nhiều bài bản đa dạng, từ đó âm nhạc trong cải lương mới đủ sức làm say mê khán giả mộ điệu. Tuy nhiên, ngày nay, những bài bản cải lương có âm hưởng đương đại đang hiếm dần đi khiến cho cải lương ngày càng cũ kỹ, không theo kịp thời đại, ngày càng xa rời quần chúng nhân dân vì người xem không tìm thấy độ chân thật của một vở diễn, không cảm nhận được hơi thở đương đại… Hay nói khác đi, đội ngũ biên kịch giỏi nghề của sân khấu cải lương hiện này đang thiếu thốn trầm trọng.
2.2. Nghệ thuật diễn cải lương hiện nay
Nếu như trường phái biểu diễn cải lương của NSND Năm Châu là “thật và đẹp” thì các nghệ sĩ trẻ ngày nay biểu diễn không còn thấy yếu tố “thật” nữa và yếu tố “đẹp” cũng bị hiểu méo mó đi rất nhiều. Đa phần nghệ sĩ trẻ chỉ chú trọng hình thức trong quá trình diễn xuất, họ biểu diễn thiên về kỹ thuật (chủ yếu là các kỹ thuật biểu hiện bên ngoài) vì cách biểu diễn này có hiệu quả là dễ thu hút sự chú ý của người xem nhưng khó gây được xúc cảm cho khán giả (nói cách khác là họ biểu diễn thiên về kỹ thuật, không có cảm xúc, khó chạm được vào trái tim người xem).
Hơn nữa, ngày nay khán giả đi xem cải lương có cảm giác họ được xem múa quá nhiều trong một vở cải lương thay vì xem vũ đạo. Nghệ sĩ trẻ ra bộ giống như động tác múa mà dường như họ không hiểu gì về nội dung biểu diễn hay họ múa cho đẹp để lấp vào khoảng trống trong diễn xuất, để vở diễn có thêm màu sắc, bớt tẻ nhạt hơn? Họ chưa hiểu thấu đáo về nghệ thật biểu diễn cải lương, chưa biết nguyên tắc ra bộ thế nào cho hài hòa hợp lý?
Khi nói đến nghệ thuật sân khấu cải lương, đa phần người ta thường nói kịch bản là yếu tố quan trọng nhất đối với vở diễn nhưng trên thực tế kịch bản của sân khấu cải lương thường mượn câu chuyện kịch nhằm phô diễn giọng cả, vũ đạo,... khán giả xem xong chủ yếu cũng chỉ bàn đến diễn viên này ca có hay không hoặc diễn viên nọ có vũ đạo đẹp hay không, ít khi người xem bàn đến nội dung, số phận trên kịch bản đó. Đối với khán giả ngày nay, ngoài sự yêu thích giọng ca hay, vũ đạo đẹp,... ít ai trong số họ còn lưu giữ lại cảm xúc từ kịch bản vở diễn đã mang lại. Lỗi này không ở người xem mà lỗi ở diễn viên ngày nay chỉ lo khoe tài về ca, về diễn... mà ít chú trọng vào cảm xúc với nhân vật khiến khán giả phần nào quên mất giá trị của một kịch bản hay. Nói cách khác, đa phần diễn viên ngày nay quá chú trọng kỹ thuật bên ngoài (khoe hơi ca, quần áo đẹp, khoe kỹ năng biểu diễn...) mà ít chú trọng đến cảm xúc nội tâm của nhân vật. Vì vậy, diễn viên cần đổi mới cách biểu diễn, nghĩa là bên cạnh kỹ thuật "làm màu", diễn viên cần phải ý thức rằng giọng ca, điện bộ của diễn viên cải lương chỉ là phương tiện để khắc họa nhân vật mà thôi. Người diễn viên cần phải rèn luyện kỹ năng diễn đạt nội tâm nhân vật nhều hơn là biểu đạt nội tâm nhân vật nhiều hơn là biểu đạt hình thức bên ngoài của nhân vật. Bên cạnh đó, diễn viên trẻ nên học tập, rèn luyện, đúc kết kinh nghiệm biểu diễn từ các thế hệ đi trước mà tìm ra cho mình cách ca diễn riêng biệt. Thiết nghĩ các nghệ sĩ trẻ nên nghiên cứu cách ca diễn chân phương mà các thế hệ tiền bối đã từng thành công chứ không nên sa đà vào các kỹ thuật biểu diễn “làm màu” như hiện nay. Nói cách khác, nghệ sĩ trẻ nên tiếp tục học hỏi và phát huy trường phái biểu diễn cải lương của NSND Năm Châu là “thật và đẹp”, nghĩa là diễn mà không diễn, là sống hết mình với nhân vật mà mình thủ diễn. Có như vậy, sân khấu cải lương Miền Nam mới có hi vọng khởi sắc trở lại.
3. Kết luận
Nghệ thuật sân khấu cải lương là loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống của dân tộc ta. Cải lương có những đóng góp không nhỏ đối với đời sống tinh thần con người Việt Nam, nhất là người dân đất phương Nam. Nhưng ngày nay bộ môn nghệ thuật truyền thống dân tộc này đang dần dần mất đi chỗ đứng trong lòng khán giả. Nguyên nhân cải lương mất dần khán giả đã được nhiều nhà lý luận, phê bình đề cập đến với nhiều góc độ khác nhau nhưng hiếm bài viết nào nghiên cứu về nghệ thuật biểu diễn của diễn viên cải lương ngày nay, mà nghệ thuật biểu diễn của diễn viên lại là trung tâm, là yếu tố quan trọng nhất, quyết định sự thành bại của một vở diễn. Phải công nhận rằng thế hệ nghệ sĩ trẻ ngày nay trẻ đẹp hơn, giọng ca réo rắt hơn, có nhiều kỹ xảo nghề nghiệp hơn… nhưng nghệ thuật biểu diễn của họ vẫn cứ hời hợt, thiên về kỹ thuật ca diễn không chút cảm xúc, hiếm diễn viên nào thành công với nhân vật của mình, được khán giả đón nhận nồng nhiệt như các thế hệ đi trước đã làm được. Nói cách khác, nghệ thuật biểu diễn của nghệ sĩ trẻ không đạt tiêu chí “thật và đẹp” theo trường phái biểu diễn cải lương của NSND Năm Châu. Đây cũng chính là một trong những lý do khiến khán giả đương đại quay lưng với sân khấu cải lương.
Tóm lại, trường phái biểu diễn cải lương Nam Bộ “thật và đẹp” của NSND Năm Châu sẽ luôn là kim chỉ nam dành cho nghệ thuật biểu diễn sân khấu cải lương đương đại ở Nam Bộ. Trường phái này cần thiết được phục hồi và phát huy, nếu không, cải lương Miền Nam sẽ mất đi bản sắc sân khấu kịch hát Nam Bộ.
Tài liệu tham khảo:
1. Hoàng Chương (2011), Quá trình hình thành phát triển nghệ thuật cải lương, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam - Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc.
2. Đỗ Dũng (2002), Sân khấu cải lương Nam Bộ 1918-2000, NXB Trẻ.
3. Tuấn Giang (2008), Lịch sử cải lương, NXB Sân khấu.
4. Nguyễn Tuấn Khanh (2018), Bước đường của cải lương, NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.
5. Hồ Ngọc (2002), Tính hấp dẫn của nghệ thuật sân khấu, NXB Sân khấu.
6. Nguyễn Thị Minh Ngọc, Đỗ Hương (2007), Sân khấu cải lương ở Thành phố Hồ Chí Minh, NXB Văn hóa Sài Gòn - NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.
7. Nguyễn Thị Thuỳ (2007), Nghệ thuật biểu diễn cải lương, Luận văn Thạc sĩ Nghệ thuật học, Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. 8. Vương Hồng Sển (1968), Hồi ký năm mươi năm mê hát, năm mươi năm cải lương, NXB Phạm Quang Khai (Tủ sách Nam Chi).
9. Đỗ Hương, “Nghệ thuật diễn xuất sân khấu”, http://www.cailuongtheatre.vn/ news/185/.
10.TrầnVănKhê,“CảilươngnghệthuậtsânkhấutruyềnthốngNamBộViệtNam”,http://vietsciences.free.fr/vietnam/amnhac/cailuongnghethuatsankhau. htm.
Chú thích:
1 Nhiều tác giả (1984), Lịch sử sân khấu 2, NXB Sân khấu, tr. 103.