HỘI THẢO KHOA HỌC ''PHÁT HUY VAI TRÒ CỦA VĂN HỌC, NGHỆ THUẬT TRONG QUẢNG BÁ HÌNH ẢNH ĐẤT NƯỚC, CON NGƯỜI VIỆT NAM: THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP''

Sáng 25/10/2024, tại Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, số 17 Nguyễn Gia Thiều, Hà Nội, Hội thảo ''Phát huy vai trò của văn học, nghệ thuật trong quảng bá hình ảnh Đất nước, con người Việt Nam: Thực trạng và giải pháp'' đã được tổ chức.

 

   Đây là Hội thảo nằm trong khuôn khổ nhiệm vụ nghiên cứu của Đề tài Văn học, nghệ thuật với việc quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam ra thế giới, mã số KHBĐ (2024)-09 thuộc Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, do TS Ngô Phương Lan làm Chủ nhiệm đề tài.

   Dự Hội thảo có PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương; PGS, TS Trần Khánh Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương; TS, KTS Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam; TS Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; cùng các nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ, phóng viên một số cơ quan thông tấn-báo chí…

   Phát biểu đề dẫn Hội thảo, TS Ngô Phương Lan - Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, Chủ nhiệm đề tài nhấn mạnh, văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hoá; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam. Văn học, nghệ thuật đã và đang góp phần làm nên sức mạnh, làm cho tiềm lực, vị thế và uy tín của Việt Nam ngày càng tăng trên trường quốc tế. 

   Tại Hội thảo, 12 phát biểu và tham luận được trình bày đã tập trung vào những vấn đề trọng tâm như: Một số vấn đề lý luận khoa học và thực tiễn của hoạt động phát huy vai trò của văn học, nghệ thuật trong quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam; Bài học kinh nghiệm, mô hình thành công về phát huy vai trò của văn học, nghệ thuật trong quảng bá hình ảnh Việt Nam; Đánh giá thực trạng việc phát huy vai trò văn học, nghệ thuật trong quảng bá đất nước; Đề xuất các giải pháp, kiến nghị.

   Phát biểu tại Hội thảo, PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ nhấn mạnh, quảng bá hình ảnh đất nước có rất nhiều cách nhưng quảng bá bằng văn học, nghệ thuật là cách dễ đi vào lòng người và có sức lan tỏa mạnh mẽ. Các báo cáo tham luận của Hội thảo đã đề cập đa dạng các vấn đề, ở nhiều loại hình nghệ thuật nhưng tôi đặc biệt chú ý đến lĩnh vực điện ảnh. Gần đây có những bộ phim lấy bối cảnh Hà Giang, Lào Cai, Sa Pa… tạo được sự quan tâm của đông đảo công chúng. Tuy thế, vấn đề cần được đổi mới và khắc phục một cách riết róng là nâng cao chất lượng các tác phẩm, đồng thời hết sức tránh hô hào, minh họa trong việc quảng bá và chuyển tải thông điệp. PGS, TS Trần Khánh Thành cũng lưu ý việc định hướng hoạt động quảng bá là quảng bá “bản sắc dân tộc”, “phẩm chất dân tộc” và cần có những chủ trương, kế hoạch thực chất; những đầu tư đúng - đủ - có hiệu quả.


TS. Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu tại hội thảo (Ảnh: PV)

   Ở các lĩnh vực cụ thể, các tham luận xoay quanh việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam một cách thiết thực, hiệu quả. Nhà phê bình Hoài Nam nhấn mạnh vào 2 việc cần làm trong quảng bá, dịch văn học là chọn được tác phẩm đích đáng và sự cần thiết phải vào cuộc của các tổ chức như Hội Nhà văn Việt Nam. Kinh nghiệm của Viện Dịch thuật văn học Hàn Quốc mang đến nhiều gợi mở hữu ích. TS Cao Xuân Ngọc đặt vấn đề về việc sân khấu của chúng ta cần làm gì để bạn bè quốc tế có thể hiểu được về hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, tránh hiện trạng là “đầu voi đuôi chuột”; đồng thời chỉ ra nguyên nhân của việc quảng bá hiện nay chưa thực sự có hiệu quả là do chưa có sự đồng bộ, trong đó việc lo “đầu ra” gần như chưa được thực hiện. Nhà LLPB âm nhạc Trần Lệ Chiến chỉ ra vai trò và sự đồng hành của âm nhạc trong hành trình dựng nước, giữ nước. Đến thời điểm hiện tại, âm nhạc và du lịch có mối quan hệ mật thiết, cần thiết phải có những hoạt động mang tính đổi mới như các chương trình đang được thực hiện tại Nhà hát Hồ Gươm. TS, KTS Phan Đăng Sơn cho rằng thực tế việc quảng bá chưa tương xứng với tiềm năng, trên tất cả lĩnh vực. Với kiến trúc, giai đoạn vừa qua đã có nhiều cố gắng, các KTS Việt Nam đạt nhiều giải thưởng lớn trên thế giới, qua đó cho thấy một hướng đi cần sự cởi mở và dũng cảm, thêm vào đó cần trang bị ngoại ngữ tốt để tạo nên những tương tác mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt là với thế hệ trẻ. Về lĩnh vực mĩ thuật, PGS, TS Bùi Thị Thanh Mai chỉ ra nguyên nhân vì sao hiệu quả quảng bá chưa cao như chủ thể sáng tạo cần một sự thay đổi từ bên trong, LLPB cần được đẩy mạnh hơn, công tác bảo tàng cần được cải thiện…

   Nhìn ở cả góc độ lý luận lẫn thực tiễn, TS Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng văn học, nghệ thuật có vai trò quan trọng giúp định vị chúng ta đến từ đâu, đang ở đâu. Vấn đề đặt ra là “sức mạnh mềm” mà chúng ta đang hướng tới sẽ tác động như thế nào để thay đổi nhận thức của công chúng quốc tế khi nhìn về Việt Nam. Những thay đổi đó cũng sẽ đem đến những lợi ích về kinh tế, chính trị… Hiện nay Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã và đang thực hiện những chiến lược, kế hoạch cụ thể để quảng bá, văn hóa đối ngoại được thực hiện ở một số nơi đem lại những hiệu quả nhất định. Ông Đỗ Duy Anh – nguyên Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh nêu ra “điểm tắc nghẽn” chính nhất là tài chính, cần thành lập những quỹ hỗ trợ phát triển bởi muốn quảng bá và đẩy mạnh quảng bá thì việc có cơ chế tài chính đáp ứng đủ là hết sức cần thiết. Bà Phan Cẩm Tú - Tư vấn của Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ tại Việt Nam nêu lên một vấn đề rất đáng suy ngẫm về sự thành công của những trường hợp như Viet Thanh Nguyen, Ocean Vuong trong lĩnh vực văn học. Và với lĩnh vực điện ảnh, thế hệ trẻ hiện nay rất nhiều tiềm năng, điều quan trọng là cần đầu tư cho thế hệ trẻ bởi giới trẻ chính là những người phải chịu trách nhiệm chính trong việc quảng bá đất nước. Nhà văn Phong Điệp chia sẻ quan điểm đó và đề cao sự mạnh dạn, dấn thân của những nhà làm phim, đặc biệt là thế hệ trẻ để đưa điện ảnh Việt Nam đến với thế giới. Cũng dành góc nhìn cho thế hệ trẻ, ThS. Hoàng Dạ Vũ chú ý đến khâu đào tạo. Chính sách đào tạo tài năng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hiện đang làm cần được đẩy mạnh hơn nữa, đồng thời định hướng tư duy thẩm mĩ cho thế hệ trẻ là việc làm quan trọng…

   Phát biểu tổng kết Hội thảo, TS Ngô Phương Lan cảm ơn những ý kiến trao đổi, thảo luận hết sức tâm huyết của các nhà khoa học, khẳng định đây sẽ là những gợi mở giúp cho Ban chủ nhiệm đề tài bổ sung, hoàn thiện một số nội dung cốt lõi của đề tài. 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận