NỮ SĨ ĐOÀN THỊ ĐIỂM TỪ GÓC NHÌN NGOẠI QUỐC

Bài viết lược khảo quá trình nữ sĩ Đoàn Thị Điểm cùng tác phẩm được tương truyền của bà là bản dịch ''Chinh phụ ngâm'' đến với độc giả nước ngoài. Trước hết, đó là những nỗ lực giới thiệu và tìm hiểu của các học giả Việt Nam hoặc gốc Việt, sau đó là những nghiên cứu nhân học của học giả nước ngoài. Sự 'không toàn bích' trong các nghiên cứu đó có thể sẽ khích lệ những bước chân nối tiếp, những nghiên cứu mới và táo bạo sau này.

   Việt Nam trong thể chế quân chủ nửa đầu thế kỷ XVIII đang đi qua thời điểm đỉnh cao của chính sách ngoại thương cởi mở. Các mối mâu thuẫn đan xen trong xã hội góp phần thúc đẩy tình cảnh tao loạn ngày một gia tăng. Trong bối cảnh ấy, ở một bến sông Hồng, hoạt động buôn bán hàng hóa ngoại quốc trên phạm vi xứ Bắc của quốc gia Đại Việt vẫn còn đâu đó. Nhờ vậy, một nữ sĩ Bắc Kỳ - Đoàn Thị Điểm (1705-1748) đã có trong tay ít vải da-la (hay là drap, vải dạ) để tự tay may chút đồ tùy thân cho mình1. Hơn cả một tình tiết thú vị về thứ vải đến từ Tây phương ấy, bà còn để lại cho hậu thế một di sản dẫu không đồ sộ về số lượng nhưng sâu đậm về dấu ấn văn hóa Mẹ trong lịch sử văn học nước Nam. Hậu thế tin rằng bà Điểm họ Đoàn truyền lại những trước tác văn học đầy nữ tính nhưng không ủy mị, có tầm vóc mà không khoa trương. Không chỉ là bản dịch Nôm Chinh phụ ngâm khúc (bản Hán văn đã được xác định tác giả là bậc nho giả Đặng Trần Côn sống ở nửa đầu thế kỷ XVIII) và công án về dịch giả bản diễn Nôm nổi tiếng nhất cho khúc ngâm này, những câu chuyện tròn đầy cốt truyện trong Vân Cát thần nữ, Hải khẩu linh từ, An Ấp liệt nữ với nhân vật chính là người nữ được chấp bút bởi Đoàn Thị Điểm đã ảnh hưởng không nhỏ tới nhận thức sử học chính thống ở Việt Nam với lề thói trọng nam nhân.

   Dấu ấn của Đoàn nữ sĩ vượt ranh giới quốc gia, trở thành cảm hứng của nhiều thế hệ học giả ngoại quốc nghiên cứu Việt Nam, trong đó gồm cả những người con gốc Việt.

   1. Danh mục (chưa có hồi kết) những khảo cứu ở ngoài Việt Nam về Đoàn Thị Điểm và các tác phẩm liên quan tới nữ sĩ

   Danh mục những khảo cứu gồm:

   - Đông Phong Nguyễn Tấn Hưng (dịch Pháp văn và chú giải, 2013), Chinh phụ ngâm: Complainte d’une femme de guerrir, Édition Josepht Ouaknine.

   - Nguyễn Nam (2009), “Book review: Cult, Culture, and Authority – Princess Liễu Hạnh in Vietnamese History by Olga Dror (Honolulu: University of Hawai’I Press, 2007)”, trong International Journal of Asian Studies, vol.: 5:2. Bản dịch tiếng Việt của Lê Thụy Tường Vi, trong Tạp chí Văn hóa dân gian, số 3 (2009), tr. 49-55.

   - Dror, Olga (2007), Culte, Culture and Authority (Princess Liễu Hạnh in Vietnamese History, University of Hawai’i Press.

   - Bae Yang Soo (dịch Hàn văn) (2004), Chinh phụ ngâm khúc, Đại học Ngoại ngữ Busan.

   - Dror, Olga (2002), “Đoàn Thị Điểm’s ‘Story of The Vân Cát Goddess’”, trong Journal of Southeast Asian Studies, 33 (1), tr. 63-76.

   - Dror, Olga (dịch và chú giải, 2002), Opusculum de Sectis apus Sinenses et Tunkinenses [Giả thuyết nhỏ về tín ngưỡng ở Trung Quốc và Bắc Kỳ [Việt Nam]], Corneill University.

   - Lê Hữu Mục, Phạm Thị Nhung (2001), Tiếng nói Đoàn Thị Điểm trong Chinh phụ ngâm khúc, Canada, Trung tâm Việt Nam học.

   - Nguyễn Bá Triệu (2000), Chinh phụ ngâm tập chú, Ontario.

   - Nguyễn Đình Hòa (1998), Vietnamese Literature: An Anthology [Văn học Việt Nam: Một tập hợp tuyển], San Diego State University.

   - Huỳnh Sanh Thông (dịch tiếng Anh) (1986), The Song of a Soldier's Wife [Chinh phụ ngâm], Yale Center for International and Area Studies.

   - Takeuchi Yonosuke (dịch tiếng Nhật, 1987), Chinh phụ ngâm khúc, Daigaku Sorin.

   - Maurice M. Durand và Nguyễn Trần Huân (1969), Introduction à la littérature vietnamienne, G.-P. Maisonneuve et Larose.

   - Hoàng Xuân Hãn (1953), Chinh phụ ngâm bị khảo, Minh Tân.

  - Hoàng Xuân Nhị, dịch Pháp văn (1938), Plaintes de la femme d’un guerrir [Chinh phụ ngâm], in lần 1, Mercure de France, tái bản (1987), Sudestasie. 

   2. Xu hướng khảo dịch Chinh phụ ngâm khúc dựa trên bản diễn Nôm “Thuở trời đất nổi cơn gió bụi…”

   Danh mục Tư liệu tham khảo ở trên được sắp xếp theo trình tự ấn phẩm từ mới nhất tới xưa hơn, còn trong dòng lịch sử, vị ngọt ngào của giọng văn Việt trong bản diễn Nôm này trước hết thấm đẫm trong trí nhớ của người Việt, sau đó lan tỏa theo bước chân di dân nước Nam ra hải ngoại và thu hút ấn tượng của nhiều người ngoại quốc muốn thâm nhập thế giới văn hóa Việt Nam.

   Các bậc thức giả gốc Việt ở Pháp quốc là những người đầu tiên và sau này nhiều thế hệ người Việt xa nước vẫn tiếp nối chuyển ngữ Pháp văn, Anh văn, đưa Chinh phụ ngâm diễn Nôm đến với phương Tây đầy khác biệt nhưng có lẽ không quá xa cách với người dân Việt về dư vị cay đắng của chiến tranh.

   Thành tựu của bản diễn Nôm Chinh phụ ngâm khúc mà nhiều thế hệ người Việt vững tin dịch giả là Đoàn Thị Điểm là một lý do đáng kể giục giã hoạt động khảo cứu văn bản học và nhiều nghiên cứu chuyên ngành khác về những nhân tố liên quan tới nữ tác giả hiếm hoi được tôn vinh trong xã hội quân chủ Việt Nam. 

   Dường như mở đầu là lời nhắc đáng chú ý của bậc học giả đáng kính về Việt Nam ở Pháp hồi giữa thế kỷ XX - Giáo sư Hoàng Xuân Hãn – rằng ông tin Phan Huy Ích (1751-1822) mới chính là người dịch bản Nôm Chinh phụ trác tuyệt ấy. Nhiều nhà nghiên cứu Tây học và tôn trọng phong cách Tây học sau đó đều cẩn trọng trích dẫn ý kiến của học giả họ Hoàng khi đề cập tới dịch giả của bản diễn Nôm hay nhất ấy. Có thể kể tới nhà ngữ học Maurice M. Durand (1914-1966), bác sĩ Nguyễn Trần Huân (?-2001), nhà ngữ học Nguyễn Đình Hòa (1924-2000) mà những công trình khảo cứu của họ về lịch sử văn học Việt Nam trong lịch sử cho thấy dường như văn Việt luôn luôn ở trong thế giới tinh thần của họ, không phân biệt xuất xứ nhân thân hay trở ngại cách núi ngăn sông.

   Bên cạnh những hoạt động khảo cứu văn bản học và nghiên cứu lịch sử văn học, những Hoàng Xuân Nhị (1914-1990) thuở còn du học tại Pháp, Huỳnh Sanh Thông (1906-2008) khi đã thành danh ở Mĩ, Nguyễn Tấn Hưng lúc đã an cư lập nghiệp tại Pháp đều chuyển ngữ dựa trên bản dịch Nôm "kiệt tác" mà họ phần nhiều tin là của Đoàn nữ sĩ - một người hồng nhan thuộc hàng tiền nhân của mình.

   Nguyễn Bá Triệu từ xứ sở rừng phong cũng đinh ninh một niềm tin ấy. Trong những năm định cư tại Canada, ông đã dày công biên soạn một ấn phẩm khảo cứu liên quan tới hai bản dịch Nôm Chinh phụ ngâm khúc từng khiến người đời hoang mang rằng Đoàn Thị Điểm không phải là dịch giả của bản Nôm trác tuyệt. Minh bạch chủ ý tham khảo nhận định của học giả Hoàng Xuân Hãn (1953) và Nguyễn Văn Xuân (1972)2 rằng Phan Huy Ích là dịch giả của những câu thơ Chàng thì đi cõi xa mưa gió, Thiếp thì về buồng cũ chiếu chăn…, nhà khảo cứu Nguyễn Bá Triệu bằng nhiệt thành và lý lẽ logic phân tích để đi đến khẳng định niềm tin Đoàn Thị Điểm mới là dịch giả của bản ấy.

   Không lâu sau đó, cũng tại Canada, tương đồng ý kiến với Nguyễn Bá Triệu, ấn phẩm khảo dịch mới của Lê Hữu Mục cùng Phạm Thị Nhung về bản dịch Nôm này được phát hành. Trong ấy vị Giáo sư cổ học lão thành táo bạo làm mới những thành tựu khảo cứu trước đó của chính ông về khảo cứu văn bản học chữ Nôm trong Chinh phụ ngâm diễn âm. Song kiếm hợp bích cùng nữ nhà giáo tài hoa, tập thể soạn giả Tiếng nói Đoàn Thị Điểm trong Chinh phụ ngâm khúc thể hiện niềm tin sâu sắc, tình cảm mến mộ nồng nhiệt với Đoàn nữ sĩ và bản diễn Nôm mẫu mực. 

   Dù trực tiếp hay gián tiếp, nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài đã được hấp dẫn bởi những điều liên quan tới nữ tác giả thế kỷ XVIII này. Một số bản dịch Nhật ngữ, Hàn ngữ… của các nhà nghiên cứu ngoại quốc đã góp phần chứng minh biên độ ảnh hưởng mở rộng của hiện tượng văn học Việt Nam hồi thế kỷ XVIII. 

   3. Xu hướng khảo cứu sử học, xã hội học, nhân học từ những hình tượng phụ nữ trong tác phẩm liên quan đến Đoàn Thị Điểm

   Khác hẳn với những trường hợp tiền lệ, có một nghiên cứu độc đáo từ Mĩ liên quan tới Đoàn Thị Điểm và ít nhiều là hình tượng Liễu Hạnh mà Đoàn nữ sĩ đã trau dồi trong tiểu thuyết. Nghiên cứu ấy độc đáo ở nhiều lẽ: tác giả của nó là nữ - Olga Dror, nữ học giả gốc Nga thành danh ở Mĩ, đối tượng nghiên cứu của bà là Mẫu Liễu Hạnh – một trong tứ bất tử theo tín ngưỡng dân gian người Việt và Mẫu Liễu là nhân vật chính của một tiểu thuyết nổi tiếng được viết bởi Đoàn Thị Điểm. Bằng nhiều thao tác nghiên cứu của sử học phương Tây kết hợp ít nhiều nghiên cứu nhân học, với góc nhìn của người phụ nữ không bị ám ảnh bởi thân phận sống nhờ như đàn bà truyền thống Việt Nam, Olga Dror nhìn nhận Đoàn Thị Điểm là một trong số những cây bút có xu hướng cởi mở trong bối cảnh đương thời, có ý thức phản đối những kìm kẹp thái quá của Khổng giáo cứng nhắc. Từ giác độ nghiên cứu của Dror, Đoàn Thị Điểm không những vượt lên thời đại ở khả năng sáng tác, Đoàn nữ sĩ đồng thời còn thoát khỏi những chủ đề làm văn cố hữu, có năng lực viết để đề cao con người cá nhân, đời sống cá nhân, cảm xúc cá nhân. Hành trình đi tìm sự tương đồng giữa cuộc đời phá cách của người phụ nữ Liễu Hạnh về sau được tôn thánh nữ với cuộc đời bản lĩnh của nữ văn sĩ Đoàn Thị Điểm cũng chính là con đường nghiên cứu đầy hứng thú, táo bạo và hữu lý của nữ học giả Olga Dror. Sự rối ren ngay cả với người bản địa trong tư liệu và thực tế thực hành tôn giáo và tín ngưỡng ở Việt Nam đã khiến thành tựu nghiên cứu về vấn đề Mẫu Liễu nói riêng, tín ngưỡng dân gian nói chung của Olga Dror không toàn bích. 

   May sao, sự không toàn bích ấy chính là cách để khích lệ những bước chân nối tiếp bà, những nghiên cứu mới và táo bạo sau này, về những chủ đề có nguy cơ định hình nhàm chán. Nói công bằng, Olga Dror có sự tương đồng với Đoàn Thị Điểm và hình tượng Liễu Hạnh trong tinh thần dám phá vỡ trật tự truyền thống.

   Từ trường hợp nghiên cứu của Olga Dror, có thể vững tin sức hấp dẫn còn dài của trường hợp nữ sĩ Đoàn Thị Điểm và di sản văn hóa còn truyền lại của bà.

 

 

 

Chú thích: 
1 Theo Bùi Hạnh Cẩn (1988), Bà Điểm họ Đoàn, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Hhoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám, tr. 22-23.
2 Nguyễn Văn Xuân (1972), Chinh phụ ngâm diễn âm tân khúc, NXB Lá Bối.

Bình luận

    Chưa có bình luận