TRƯỜNG CA THANH THẢO VỚI ĐỀ TÀI CHIẾN TRANH CÁCH MẠNG

Bài viết phân tích, đánh giá về cái tôi trữ tình qua 9/15 trường ca của Thanh Thảo về đề tài chiến tranh cách mạng, trên cơ sở đó, khẳng định tài năng thiên phú cùng sự đóng góp quan trọng của nhà thơ cho nền văn học nước nhà.

   Trong các nhà thơ trưởng thành từ cuộc kháng chiến chống Mĩ, Thanh Thảo là người viết nhiều nhất và có nhiều sáng tạo nhất về cấu trúc tác phẩm của thể trường ca. Đến nay, ông đã công bố 15 trường ca.

   Đã là trường ca phải mang tính sử thi và vì thế, ngoài các trường ca viết về những nhân vật, sự kiện lịch sử trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (1930) thì có 9 trường ca, Thanh Thảo tập trung trực tiếp hoặc đề cập đến đề tài chiến tranh cách mạng (từ các cuộc đấu tranh do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo trước 1945 đến kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ và cả cuộc chiến tranh biên giới chống quân Trung Quốc xâm lược). Thể loại sử thi trước đây và trường ca sau này luôn có đặc trưng là phản ánh trọn vẹn về một sự kiện thuộc về quá khứ - “một quá khứ trọn vẹn”. Vì lẽ đó, ở bài viết này, tôi xin được phân tích tác phẩm theo thứ tự dòng chảy lịch sử, còn thời gian sáng tác chỉ là tiêu chí kết hợp. Trong đó có 5 trường ca viết trực tiếp về đề tài chiến tranh cách mạng (Hiển thánh năm 25 tuổi; Bùng nổ của mùa xuân; Trẻ con ở Sơn Mỹ; Những người đi tới biển; Metro) và 4 trường ca đề cập đến đề tài (Khối vuông ru-bích; Dạ, tôi là sáu Dân; Chân đất; Đám mây hình người thợ săn và con chó). Xếp theo dòng chảy sự kiện như sau: 2 trường ca về hai cuộc đấu tranh cách mạng trước 1945, 5 trường ca về cuộc kháng chiến chống Mĩ và 2 trường ca phản ánh cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc và trên biển với xâm lược Trung Quốc.

   Hiển thánh năm 25 tuổi là trường ca được Thanh Thảo hoàn thành cuối năm 2017, gồm 474 câu thơ và 01 đoạn văn xuôi trích dẫn, viết về một người tù cộng sản ngoan cường Trương Quang Trọng (1906-1931) trong cuộc đấu tranh lưu huyết của gần 200 tù chính trị tại ngục Kon Tum diễn ra từ ngày 12/12 đến 16/12/1931 những năm đầu khi Đảng ra đời: “như Đan Kô tự mở phanh lồng ngực/ móc trái tim thành ngọn đuốc soi đường/ Trương Quang Trọng tự sáng lên ngọn lửa/ từ vết thương trên ngực mình/ viên đạn gã cai tù vô danh/ đã làm ông hiển Thánh/ ngay ở tuổi 25”. Ông hi sinh để bảo vệ danh dự của người cách mạng trước gã cai ngục tàn ác - “gã Moulec đảo Corse”: “25 tuổi đứng lên bằng máu mình/ không vay mượn/ trong đối đầu thảm khốc/ một cuộc đấu hoàn toàn không cân sức/ ai dám tin Trương Quang Trọng hồi sinh?/ có ba người tin/… còn nhân dân?/ tin ông hiển Thánh”. Cuộc chiến đấu cam go cùng cái chết vang danh đã từ nhà ngục Kon Tum lan đến tất cả các nhà tù thực dân Pháp ở Việt Nam, lan đến cả nước Pháp, đến nỗi đại văn hào Romain Rolland (Pháp) khi nghe được câu chuyện đã mạnh mẽ tuyên bố: “Tôi khạc sự khinh bỉ của tôi vào mặt bọn đao phủ chó má ở Đông Dương”.

   Trường ca này tiếp nối cấu trúc kiểu âm nhạc. Nhưng đây không phải là bản giao hưởng cổ điển mà là một bản sonata gọn gàng như một khúc tưởng niệm (requiem), phần nội dung (417 câu) không có tên chương mục, riêng phần kết thúc, tác giả ghi là CODA (59 câu) - theo đúng cách kết thúc của cấu trúc âm nhạc.

  Chương 1 mở đầu với 191 câu thơ. Đầu tiên là không khí đấu tranh với những âm thanh dữ dội, tiếng “mưa quất xuống taman mưa nghiền nát những mặt đường” và những hàng cây “rùng mình trong sấm chớp” cùng những âm thanh nhói buốt với “tiếng roi cai ngục”, “tiếng leng keng chùm chìa khóa”; tiếp theo âm nhạc chùng xuống, bế tắc, quẩn quanh không lối thoát với “tiếng chim chăn vịt... cứ lặp mãi lặp hoài một điệu” và “ngọn gió quẩn bốn bề vách núi” hòa trộn với âm thanh hỗn độn, chói gắt của tiếng “quất ba-toong” của bọn thực dân và tay sai; sau đó âm nhạc trổi lên khúc quật khởi từ nhà lao: “những tiếng loa đồng loạt/ muốn nổ tung xà lim” cùng tiếng “máu thét gào”. Sau đó, nhịp điệu chùng lại, lặng lẽ vượt nhà lao của những người tù về với núi rừng, với nhân dân, để “nơi đó, Tự do sẽ nói bằng ngọn lửa”, tiếp tục cuộc kháng chiến. Chương 2, Chương 3 mở rộng với mỗi chương 253 câu, tiết tấu đều đặn cùng với cuộc vận động quần chúng của những người tù. Khi người cách mạng đã vận động được quần chúng, Chương 2 kết thúc với giai điệu rộn rã của chủ âm “lánh lỏi” trong tiếng reo đồng vọng của quần chúng: “cả tiếng hò reo/ lánh lỏi như tiếng chim tuổi thơ thất lạc/ nay trở về” để Chương 3 vào “cuộc khởi nghĩa” với tiếng: “nổ rền/ đêm reo vang/… mặt đất căng mình chờ đợi” và bùng lên với: “bài hát những gốc lim rạn vỡ/ sẽ ầm vang chuyển động cả rừng già”. Đó là khúc ca của những người tù làm cách mạng, những tù nhân chiến sĩ: “cho âm thanh bật thành tiếng nổ”. Chương 4 kết lại ngắn hơn với 249 câu thơ như cao trào của khúc giao hưởng cách mạng. Mở đầu là hành khúc: “tuốt gươm thiêng vung cho nước nhà/ khiến dân Việt no ấm tự do”. Tiếp theo là nhịp điệu dồn dập của bài Cùng nhau đi hồng binh mà: “với tôi/ là niềm tin/ với cách mạng/ đó là giai điệu chính”. Kết thúc trường ca, nhịp điệu trải dài, hân hoan trong niềm vui chiến thắng: “như tiếng chuông mùa thu/ ta nhận ra giữa ồn ào náo động/ của bản giao hưởng cách mạng/ trong bộ gõ của bầu trời trở giông”. được chắp bút từ 1980 đến 1981 là trường ca viết về một sự kiện lịch sử gắn liền với cuộc nổi dậy của những người tù căng an trí Ba Tơ (Quảng Ngãi) vào ngày 11/3/1945. Lần đầu tiên trong lịch sử khu V, ngọn cờ đỏ sao vàng đã được chính những người tù chính trị phất lên ngay trên tù ngục. Thành công đặc biệt của Thanh Thảo ở trường ca này là lại tiếp tục đề tài đấu tranh cách mạng bằng việc xây dựng “nhân vật” số đông với một cấu trúc mới mẻ của bốn chương giao hưởng chặt chẽ, hài hòa.

   Và chính “bản giao hưởng cách mạng” của cuộc khởi nghĩa Ba Tơ đã làm tiền đề “trong bộ gõ của bầu trời trở giông” để ngày 14/8/1945, Quảng Ngãi là tỉnh đầu tiên vùng lên khởi nghĩa thành công, giành chính quyền về tay nhân dân (23/8/1945), góp phần vào thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945 trên cả nước.

   Trẻ con ở Sơn Mỹ được Thanh Thảo khởi bút vào một ngày tháng 3 năm 1976, hoàn thành và xuất bản năm 1978 với 596 câu thơ. Mặc dù viết về vụ thảm sát lớn nhất Việt Nam của đế quốc Mĩ nhưng tác giả không sa đà vào sự kiện chi tiết mà chỉ xoáy quanh những chủ đề chính, đó là tội ác man rợ của kẻ thù, nỗi đau của nhân dân, cuộc chiến đấu âm thầm trong lòng địa đạo của những người du kích và niềm tin tất thắng cùng những khát vọng tương lai của người dân Sơn Mỹ. Cũng vì mục tiêu đó mà Thanh Thảo đã chọn cấu trúc kiểu điện ảnh để xây dựng trường ca này. Phần mở đầu và 6 chương của trường ca với 596 câu thơ, có thể phân cấu trúc thành 7 cảnh phim: Cảnh 1: toàn cảnh: quê hương thanh bình; trung cảnh: bờ biển, làng biển với từng đàn em bé đùa vui vô tư; cận cảnh: những đứa trẻ chăn bò trên đồng làng. Cảnh 2: toàn cảnh: giặc Mĩ đến; trung cảnh: hủy diệt tàn khốc, chết chóc, hoảng loạn; cận cảnh: bọn sát nhân. Cảnh 3: toàn cảnh: lòng địa đạo; trung cảnh: những đứa trẻ sinh trong lòng đất; cận cảnh: cánh võng, lờiru, niềm tin hi vọng qua cuộc đời những người du kích trong địa đạo. Cảnh 4: toàn cảnh: nước Mĩ sau Sơn Mỹ; trung cảnh: mẹ con những thủ phạm - nạn nhân; cận cảnh: tự thú nội tâm của những thủ phạm - nạn nhân chiến tranh. Cảnh 5: toàn cảnh: những người kháng chiến; trung cảnh: những gian khổ, chiến đấu, hi sinh đem lại hòa bình cho trẻ thơ; cận cảnh: những người du kích. Cảnh 6: toàn cảnh: làng Sơn Mỹ; trung cảnh: chiến đấu, hòa bình; cận cảnh: những hình ảnh dựng xây, ước mơ. Cảnh 7: toàn cảnh: bờ biển hòa bình; trung cảnh: bên tháp canh; cận cảnh: những em bé Sơn Mỹ hôm nay.

   Vụ thảm sát dữ dội được tác giả miêu tả qua đối sánh giữa kẻ sát nhân và nạn nhân của chúng: “nhưng giặc Mĩ đã đến đây và đã giết!/ những chiếc bát mẻ đưa lên/ mắt tụi trẻ nhìn lợt lạt/ những thân hình như trái cây bị háp/ phơi ra từng dẻ xương sườn”... Để rồi, chiến tranh đi qua nhưng những hành động dã man do kẻ thù gây nên thì không hề nguôi tạnh trong lòng chính họ: “tôi thấy hai đứa bé nằm đè lên nhau/ đứa lớn che đạn cho đứa nhỏ/ mắt chúng trùm xuống tôi/... / đôi mắt ấy theo tôi về nước Mĩ/… / mở trừng trừng trong giấc mơ tôi”. Còn ở Việt Nam, Sơn Mỹ đang hồi sinh, “cái làng chết” năm xưa đã xanh lại. Với tinh thần khép lại quá khứ, hướng đến tương lai, Thanh Thảo vững tin rằng: Sơn Mỹ sẽ vượt qua đau thương, vươn tới chân trời mới để hòa vào đại dương tình thương của toàn nhân loại: “dấu chân sóng nô đùa với gió/ tôi nhập cùng các em chạy dọc bãi xương rồng/ lại bắt gặp chân trời ngay trên cát/ cả người tôi hòa trong biển vô cùng”.

   Những người đi tới biển với 1.251 câu thơ ra đời năm 1976 đựợc xem như trường ca đầu tiên sau 1975 mang tính mở đầu giai đoạn nở rộ của trường ca Việt Nam viết về chiến tranh những năm sau đó. Nội dung tác phẩm là hành trình của cuộc kháng chiến chống Mĩ từ núi rừng về với biển bao la (từ chiến tranh gian khổ hào hùng đi đến ngày toàn thắng). Đây là một giao hưởng gồm 3 chương và một vĩ thanh.

   Chương 1: Chiếc áo ngắn với hai câu đề từ: “Người ta không thể chọn để được sinh ra/ nhưng chúng tôi đã chọn cánh rừng phút giây năm tháng ấy”. Chương 1 được phân thành bảy khúc đánh theo số thứ tự, không có nhan đề. Mỗi khúc đều có phối thanh ở ba bè chính nói lên quá trình người lính đi vào cuộc chiến tranh, đối đầu với chiến tranh cùng những hi sinh, mất mát: “chiếc võng mục giữa rừng nguyên thủy/ còn ôm bạn ta cơn sốt rét cuối cùng/ những lán hầm nửa đêm mưa xối xả/ giấc ngủ vùi bên nhau khô ướt mấy mươi lần” và “chúng tôi đã đi không tiếc đời mình/ nhưng tuổi hai mươi làm sao không tiếc/ nhưng nếu ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc?/ cỏ sắc và ấm quá, phải không em?”.

   Chương 2: Nguồn sông hát là chương hòa âm về nguồn cội của những bài ca tuổi trẻ với chủ âm “muôn đời là nhân dân chắp cho chúng ta đôi cánh những bài ca”. Đó là khái quát, còn nhân dân cụ thể thì ta có thể cảm nhận được rất nhiều số phận của họ hiện lên, tuy thoáng qua nhưng dễ dàng nhận diện. Đó là “em bé giao liên vừa vạch lối đi vừa khe khẽ hát”, là “những người chị suốt dọc đường tôi gặp”, là “chú Tám quen cởi trần, má Năm cưới ít nói”, “người nghệ sĩ đã ngã xuống bên con rạch”, cùng “những Đường, Phong, Hùng, Nam, Dũng, Tuấn…/ những tên quen trẻ lại giữa rừng già”.

   Chương 3: Địa hình là chương giao hưởng của đất. Bè trầm ẩn dưới lòng địa đạo, bè trung là âm thanh sự sống trên “địa hình”, bè cao là tiếng gầm rú đe dọa của B.52 giặc Mĩ và khép lại với bè chủ là tiếng đàn chiến thắng của Tám Hùng để “điệu lý thương yêu dâng ngập cả bầu trời” át cả tiếng bom rền của giặc. Giữa “địa hình”, Thanh Thảo phác họa được những chân dung sáng ngời trong chiến đấu. Là ông Chín “như cây tràm trụ ở ngã ba làng”, “xòe bàn tay thấy hiện dọc ngang miền quê kinh rạch”; là cô giao liên biệt danh “bé Bảy”, cứ “gọi tên em là nhận ra đồng đội”; là “anh Út gài bãi chết ngay trước ngõ nhà mình”; là chú Ba “cởi trần ngồi quạt muỗi/ ly rượu đăm đăm uống hoài không cạn nổi” vì mải miết nhớ về vợ và ba người con đều đã hi sinh và thím Ba “người mẹ bốn lần sinh/ ba lần dắt gà quanh mồ con giặc giết”…

   Vĩ thanh: Tới biển là khúc khải hoàn sau một chặng đường dài gian khổ với ngập tràn âm thanh sóng biển: “giờ anh về tới biển/ ngọn sóng gào từ xa bỗng phủ trắng chân mình/ anh ngấm muối toàn thân/ anh dầm trong gió dầm trong nắng/ câu ca dao vị mùa thu đầm đậm/ những con còng vẽ ngoằn ngoèo trên cát/ những dấu hiệu hồn nhiên gởi đến bầu trời”.

   Khối vuông ru-bích ra đời năm 1984, thời kỳ tiền đổi mới, là trường ca khá độc đáo của Thanh Thảo với ý thức cách tân thể loại rõ rệt, tạo nên một tiếng vang lớn trên văn đàn ngay thời điểm nó vừa xuất hiện. Đứng trước hiện thực thời bình với những khó khăn, ngột ngạt của thời bao cấp, hồi tưởng lại thời chiến, tác giả cấu trúc tác phẩm bằng cách chơi trò chơi ru-bích nhằm đưa thể loại trường ca (vốn là sử thi nghiêm túc) tham gia vào cuộc chơi xoay và xoay bất tận từ sử thi chiến tranh đến những mảng sống đời thường. Tác giả xoay theo ý tác giả, người đọc tham gia chơi cứ tùy ý mà xoay những ô vuông cho thơ chuyển động tròn. Mỗi ô màu là mỗi mảnh đời, mỗi giai đoạn, mỗi số phận khác nhau.

   Khối vuông ru-bích được Thanh Thảo chủ định cấu trúc mở hoàn toàn. Ở đây, người đọc có thể tham gia vào cuộc chơi bằng cách xoay theo ý muốn của mình, vì khi cầm khốiru-bích trên tay, mỗi người có mỗi cách xoay khác nhau và qua mỗi lần xoay, màu sắc lại hiện lên khác nhau, chẳng ai giống ai. Để người đọc tự “xoay chơi” theo tiếp nhận của mình, Thanh Thảo đã cấu trúc Khối vuông ru-bích thành 57 lần xoay (57 đoạn thơ văn xuôi). Mỗi lần xoay đều được mở đầu bằng câu: “Tôi xoay những ô vuông”. Đó là ý định sắp xếp của tác giả. Bây giờ, mỗi người hãy tự cầm “khối vuông ru-bích” và xoay theo ý thích riêng mình, ta sẽ được rất nhiều cấu trúc khác nhau. Giả dụ, một người lính Trường Sơn muốn tìm lại quá khứ thời trẻ của mình trong kháng chiến chống Mĩ thì hãy tự đảo lộn vòng xoay mà tác giả đã cấu trúc, người lính ấy sẽ tìm được một cấu trúc riêng mình, đó là: ô màu số 1: “Tôi xoay những ô vuông. Bài hát Những người bạn chết. Tấm tăng xám quấn thân hình bạn. Không một chút lễ nghi… Không phải đất, mà là Tổ quốc, lặng lẽ phủ lên thi hài người lính trẻ”. Tiếp theo là những vòng xoay về thời chiến ở các ô số 2, 4, 5, 8, 9, 10, 24, 40, 48. Thử dừng lại ở vòng xoay ô 24, ta bắt gặp: “Đi dọc Trường Sơn gặp nhiều người bị tâm thần... Dễ nhận ở anh chàng điên vui tính này cái nhiệt tình muốn giúp đỡ người khác. Những người tốt, dù lúc bị điên, hoàn toàn không làm chủ được mình, vẫn còn những biểu hiện của lòng tốt. Nó là cái gì sâu xa, dai dẳng hơn ta tưởng” và ô 48: “Tôi xoay những ô vuông. Về một đoạn thơ thời chiến tranh: bình yên nhé, em ơi, và kiên nhẫn/ anh đã học điều này từ buổi chia ly/ Ta như cọng bàng vươn lên chầm chậm/ như hoa móng bò làm dịu mát đường đi”. Những gian khổ và hào hùng của cuộc kháng chiến chống Mĩ hiển hiện lên qua sự hồi tưởng đầy tính nghệ thuật của trò chơi ru-bích.

   Trường ca Metro gồm 365 câu thơ xuất bản năm 2009. Nhiều nhà nghiên cứu đã đánh giá cao tính sáng tạo và hiện đại của lối cấu trúc hai chiều xuôi ngược khi Metro vận hành giữa quá khứ chiến tranh thời chống Mĩ và hiện tại trên cùng một “đường ray”. Việc chạy hay dừng, giờ xuất phát và giờ dừng đỗ ở các ga đã được lập trình, thế nhưng việc xuất phát và dừng đỗ của cảm xúc nhà thơ khi ngược chiều về quá khứ lại rất tự do, vì thế độ dài ngắn trong từng phần, mục của Metro là phi thời gian (không thể tính bằng số lượng câu thơ trong từng phần, mục), có khi chỉ dừng đỗ bởi một câu thơ, có khi dừng lại rất lâu với cả một chương dài cho dù Metro vẫn cứ bon bon chạy. Sử thi quá khứ chiến tranh hòa trộn vào trần trụi thực tại khiến hành trình cảm xúc của nhà thơ cứ theo tuyến chạy của Metro cuốn người đọc theo đi. Tàu cứ dừng, rồi chạy, thời khắc báo từng phút từng giây, nhưng dòng chảy của cảm xúc Metro cứ tuôn đi như không quan tâm tới thời gian, cứ như trôi về bất tận: “15h39’ cùng ngày/ thời gian/ không có ga kết”.

   Những người đọc khó tính với thể loại trường ca có thể trách Thanh Thảo đã làm mất đi tính “hoành tráng, sử thi, kỳ vĩ” vốn có của thể loại này bởi những mảng đời riêng trần trụi ở một vài sân ga… Nhưng riêng tôi, khi nghiềm ngẫm kỹ dòng chảy của Metro, chất sử thi vẫn nổi trội qua những “ga dừng” của cuộc kháng chiến trên rừng Trường Sơn những năm tháng ấy: “có sự yên lặng tuyệt đối nào bằng những ngôi mộ giữa Trường Sơn/ năm mươi năm một trăm năm và hơn thế/ những người lính mười tám tuổi/ nằm giữa những khu rừng triệu năm”. Ai dám bảo những cô gái Trường Sơn “viết nhật ký như thủ dâm” này là không “hào hùng, kỳ vĩ”, không “xứng đáng được tôn vinh, ca ngợi”?: “những cô gái hồi ấy viết nhật ký/ như thủ dâm/ cứ mỗi đêm/ họ lại vượt Trường Sơn/ cứ mỗi đêm đá tai mèo mọc trong ngực”. Với phong cách thơ táo bạo vốn có của mình, Thanh Thảo đã dám nói thật những điều mà xưa nay nói về người lính Trường Sơn, thơ ta, đặc biệt là đối với thể loại trường ca, thường ngại nói. Cái cao cả, hào hùng phải được làm nên bởi chính cái cụ thể, bình thường là như vậy. Trường ca Việt Nam đã mở rộng phạm trù của khái niệm anh hùng khi hướng về phản ánh hiện thực cuộc sống. Và chỉ trong vòng “8 phút”, ngồi trong toa Metro đang chạy, cảm xúc Thanh Thảo đã băng băng chạy “thục mạng” về Trường Sơn thời trai trẻ để “thu gom” cả “38 năm” những kỷ niệm sử thi chiến tranh: “8 phút/ anh có thể ngược đường/ 38 năm/ trong 8 phút?/ chạy thục mạng về thời trẻ trai cánh rừng trước mặt”. Dù ngồi trên phương tiện giao thông hiện đại thời bình chạy theo thời gian đã được lập trình, nhưng những suy tưởng, chạy ngược về quá khứ kháng chiến chống Mĩ ở Trường Sơn vẫn là chủ đề chính của Metro: “11h12’ ngày 16 tháng 4 năm 2009/ chẳng ai muốn sống mãi trong rừng/ nhưng bạn tôi đã từng bị bỏ quên/ ở một góc rừng nào đó/ ngày mọi người hối hả kéo nhau về Sài Gòn ăn nhậu/ bạn tôi một mình hớp chút ánh trăng qua kẽ lá/ anh giữ kho hàng khi tất cả lãng quên/ 34 năm sau/ tôi một mình mở kho hàng anh giữ/ những thùng đạn đại liên đựng toàn nỗi nhớ/… / những thùng gỗ đựng toàn những hạt/ tròn tròn trong trong/ của mẹ, của vợ, của người yêu, tất tật/ nước mắt”. Tôi có cảm giác chính Metro với lập trình “cô đặc” của thời gian nghệ thuật là môi trường để cảm xúc nhà thơ “mở rộng” không gian nghệ thuật nhằm đáp ứng độ bền sử thi “hoành tráng” của một trường ca.

   Dạ, tôi là Sáu Dân là trường ca gồm 490 câu thơ, xuất bản năm 2016 với quan điểm nhất quán khởi xuất từ thời viết trường ca đầu tiên Những người đi tới biển: “muôn đời là nhân dân/ đã chắp cho chúng ta đôi cánh những bài ca”. Đến trường ca này, “nhân vật” trung tâm vẫn được Thanh Thảo đứng trên quan điểm nhân dân mà xem xét và chọn tình tiết làm nền cho cấu trúc tác phẩm. Bản thân tên gọi của trường ca đã thể hiện rõ điều này, mà điểm nhấn chính là từ “Dạ” của một nhà hoạt động chính trị (một Thủ tướng) đối với dân và bản thân chữ “Sáu Dân” rất dân dã trong văn hóa gọi thứ bậc và biệt danh của người Nam Bộ. Đặc biệt, trong chiến tranh, Sáu Dân là một trong những nhân vật quan trọng gắn liền với cuộc kháng chiến chống Mĩ. Viết về một con người mà qua con người đó làm bật lên cả một giai đoạn, một thời kỳ lịch sử là ưu thế của trường ca Thanh Thảo. Chính vì lẽ đó mà trường ca Dạ, tôi là Sáu Dân được cấu trúc mở theo dạng của “trò chơiru-bích” mà Thanh Thảo thường sử dụng. Theo đó, tất cả các tình tiết sự kiện, các “nhân vật” được nhà thơ chọn cho “nhân vật chính” Sáu Dân tâm sự qua bút pháp hóa thân, đồng hiện của Thanh Thảo đều nằm trong “vùng quan điểm thẩm mĩ vì dân” của Sáu Dân: “Dù ngồi ghế Thủ tướng/ Tôi không bao giờ mơ tưởng/ Mình đứng trên mấy chục triệu người/ Mấy chục triệu đồng bào tôi/ Đứng trên làm gì hay để đè họ xuống”.

   Các số phận nhân vật trong trường ca xoay quanh Sáu Dân cũng rất đa dạng và phong phú. Đầu tiên là vợ con đã bị giặc giết không tìm được xác. Trong cuộc chiến tranh vệ quốc. Nỗi đau riêng của một con người, một gia đình trong chiến tranh được Sáu Dân nối liền và hòa vào nỗi đau chung của toàn dân tộc: “Bao người vượt biên chết giữa đại dương/ Vợ con tôi chết trên sông Sài Gòn/ Vì bom Mĩ/ Ngày Thống nhất triệu người vui có triệu người buồn/ Triệu người đoàn viên triệu người ly tán”. Và vì thế, Sáu Dân cảm nhận hết để: “Ba lạy này kính lên tiên liệt/ Tôi là Sáu Dân nguyện chung số phận với mọi người”. Hơn ai hết, Sáu Dân hiểu rõ hệ lụy của một cuộc chiến tranh:

   “Một cuộc chiến quá nhiều khổ đau hệ lụy
   Một bàn thờ hai đứa con khác phía
   Mẹ dứt ruột đẻ ra giờ cư xử thế nào?”.

   Sau vợ con, đồng bào, những số phận nhân vật được Sáu Dân nhắc đến chính là những người bạn tâm giao bình thường, dân dã; là những người nông dân luôn phải chịu thiệt thòi cả những lúc đang là người làm chủ: “Ngày đám tang tôi người ta đuổi các nông dân mất đất chạy có cờ/ Cả những bà mẹ từng mang cơm xuống hầm bí mật nuôi tôi/ Sao lại thế?”. Đó còn là những danh nhân đã ghi danh trong lịch sử: Lê Văn Duyệt, cụ Đồ Chiểu mà bình sinh Sáu Dân vốn rất ngưỡng vọng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị tướng lãnh đạo cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ, vị tướng suốt đời sống vì dân: “Ai có công với Dân là có công với Nước/ Xin khắc ghi điều đơn giản ấy vào lòng/… / Ở Điện Biên tháng 5 năm 1994 tôi cũng nói như thế/ Về Võ Đại tướng/ Không phải vì Ông cùng họ với tôi/ Mà Ông cùng họ với Nhân dân này”.

   Sau cuộc chiến, là Thủ tướng, với người Mĩ, Sáu Dân tuyên bố: “Ngày xưa lẽ ra chúng ta là bạn/ Nếu Tổng thống Mĩ tin Hồ Chí Minh/ Với nước Mĩ Cụ Hồ chỉ muốn/ Việt Nam là đối tác chân thành”. Nhưng do thiếu lòng tin, Mĩ đã mang đến Việt Nam một cuộc chiến tranh xâm lược để gây nhiều đau khổ cho nhân dân cả hai bên. Nhưng thôi, “Bây giờ xin hãy bắt tay nhau thật chặt/ “Không có kẻ thù nào là vĩnh viễn”/ Chỉ còn những tương đồng lợi ích quốc gia/ Bạn xấu cũng đi đường bạn xấu/ Trắng đen rồi phân tỏ thôi mà”. Và khát vọng cuối cùng của Sáu Dân sau khi đã mất vẫn chỉ mong thấy nhân dân được sung sướng, hạnh phúc hơn lên trên một đất nước tự do, dân chủ: “Tôi những muốn về trần gian lần nữa/ Về thăm chơi cho vui vẻ cửa nhà/ Mong thấy được nhân dân mình đỡ khổ/ Trái cây chín trên cành là Dân chủ Tự do”.

   Trường ca chân đất gồm 9 chương với 800 câu thơ ra đời năm 2012, Thanh Thảo lại một lần nữa làm mới cấu trúc trường ca của mình. 9 chương, đều bắt đầu từ chữ “chân”. Nếu Khối vuông ru-bích là cấu trúc chuyển động tròn, tâm chỉ hình thành khi người đọc tiếp nhận bằng cách “xoay” các “khối vuông thơ” thì “chân đất” là một vòng tròn đồng tâm hẳn hoi. Lấy “chân đất” làm tâm thơ, từ tâm “chân đất” lan tỏa ra 9 chân khác (chân tre, chân ruộng, chân mưa, chân núi, chân cò, chân tháp, chân mây, chân sóng, chân lũy); rồi từ 9 “chân” kia lại tụ về (quy nạp về) làm nên “chân đất”. Vì lẽ đó mà “chân đất” là tên trường ca mà không đứng thành một “chân”/ chương riêng (và nhất định cả tác giả cùng người đọc đều không ai nghĩ đến cái chương “chân trời” - đối lập với “chân đất” vì như vậy sẽ bị đối trọng, bị lệch tâm, mất “chân”). Vòng tròn đồng tâm này chuyển động mở ra và thu về liên tục tạo nên “một hào quang thơ chín tia sáng” lung linh, biến hóa, không có một “chân” nào có thể bung ra khỏi cấu trúc và cũng có thể tự do chuyển hóa, bổ sung, lan tỏa ánh màu lẫn nhau. Từ tâm “cái tôi chân đất” của quê hương Quảng Ngãi, chỉ cần rung một nhịp chân là vòng sóng sẽ tỏa lan đến cả chiều dài lịch sử liên tưởng đến các cuộc chiến tranh giữ nước của dân tộc, nối cả biển trời Tổ quốc mênh mông.

   Chiến tranh vệ quốc được đề cập trong trường ca này tập trung vào cuộc chiến đấu của quân và dân ta trên biển đảo, mà cụ thể là trận hải chiến không cân sức giữa ta và Trung Quốc đảo Gạc Ma (ngày 14/3/1988). Trước khi tập trung miêu tả cuộc chiến đấu ác liệt, đầy quả cảm trên, tác giả đã liên tưởng đến truyền thống của Đội Hùng binh Hoàng Sa thuở trước: “con nào biết mẹ bạc đầu vì biển/ mỗi làn sóng như một dải khăn tang/… / những mộ gió những hình nhân phơ phất/ những hải trình dài suốt mấy trăm năm/ những Bãi Cát Vàng san hô mê hoặc/ những phận người bó chiếu giữa mênh mông”. Gần hơn là liên tưởng đến cuộc kháng chiến chống Mĩ để kết nối truyền thống bảo vệ Tổ quốc, kết nối cuộc chiến từ rừng về đến biển: “dù có vượt trên đỉnh cao Trường Sơn/ cũng không nhìn thấy biển/ suốt thời ấy biển với chúng tôi là tận cùng/ cuộc chiến/ một là được trở về với biển/ hai là không bao giờ”. Nếu những người lính đánh Mĩ trong trường ca Những người đi tới biển hướng về biển, mơ về biển như một niềm tin tất thắng, thì ở đây, những người lính biển đã trực tiếp chiến đấu hi sinh và tan hòa thể xác, linh hồn mình vào biển để trong cuộc chiến không cân sức với kẻ thù:“có những người lính đảo/ trần lưng trước mưa đạn quân thù/ “chỉ được xáp lá cà bằng lê”/ nhưng với khoảng cách này là không thể/ đành chỉ được chết vì đảo/… / Gạc Ma Gạc Ma/ hãy kể cho con cháu anh điều này:/ có những người lính đảo/ đã chết theo vòng tròn/ tay họ giăng ra và siết chặt tay nhau/ như một tràng hoa biển/ không quỷ ma nào xé nổi/ tràng hoa biển ấy”. Hãy nhớ lấy cuộc xâm lược bằng vũ trang phi pháp này để nhắc các thế hệ cháu con rằng: Gạc Ma, Hoàng Sa muôn đời là của Việt Nam: “hãy kể cho con cháu anh/rằng từ Hoàng Sa từ Gạc Ma/ những tràng hoa biển ấy/ dạt trôi/ về ôm chặt Mẹ” - Mẹ hiền Tổ quốc Việt Nam.

   Đám mây hình người thợ săn và con chó xuất bản năm 2014 là trường ca được Thanh Thảo lấy cảm hứng nhân chuyến thăm cao nguyên đá Đồng Văn, ngậm ngùi khi đứng trước 1.698 ngôi mộ đồng đội ở Nghĩa trang Vị Xuyên trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc (tháng 2/1979) cùng với thông tin nóng hổi về việc Trung Quốc cắm giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam (tháng 5/2014)… Tất cả điều đó đã được nhà thơ nối kếtrồi bùng nổ thành một trường ca với 689 câu thơ và 2 đoạn tin được kết cấu như một bản giao hưởng hiện đại không phân chương mục, ngập tràn thi hứng về dân tộc H’Mông cùng cuộc chiến tranh vệ quốc lẫm liệt, oai hùng nhưng cũng nhiều mất mát, hi sinh trước mưu toan xâm lược của Trung Quốc.

   Chuyện Tranh vân cẩu trôi nổi giữa bầu trời như một biểu tượng của sự biến chuyển, đổi thay của trò đời thì ai cũng biết. Ở Đám mây hình người thợ săn và con chó thì mây là một nhân vật chính. Sự biến đổi của nó chính là sự hóa thân thành các “nhân vật”. Nhân vật chính “đám mây” có hình “người thợ săn” và “con chó” là bước thiên di của loài người vượt qua Siberie, Hoàng Hà, Trường Giang để dừng chân lại với Đồng Văn. Vì lẽ đó, những “nhân vật” này trong trường ca không còn là “vân cẩu mòng mòng” mà gắn chặt với ý đồ khai thác nội dung của tác giả. Đó là mối quan hệ giữa mây và gió. Mây bay nhờ gió, vì vậy, mây hóa thân thành người H’Mông vừa lãng mạn vừa lẫm liệt, kiên gan: “gió làm nên người dân ta trong sạch/ dựng nhà nơi chất ngất/ dưới bóng cây cổ thụ mồ côi”. Mây lại hóa thân vào trong từng hoa văn trên chiếc váy những thiếu nữ H’Mông xinh đẹp. Chính Việt Nam nhân hậu bao dung đã đón mây về, sau khi mây đã vội vã lánh xa vùng đất giá băng, cạm bẫy; những vùng đất tanh tưởi mộng bá quyền. Về với Việt Nam, mây đã bình tâm dừng lại bên cao nguyên đá, rồi nối rộng vòng tay quê hương từ núi rừng đến biển thẳm xa khơi. Có Tổ quốc rồi, mây hóa thân thành “con chó dũng cảm” để cùng con người nhận diện kẻ thù, bảo vệ nước non trong cuộc chiến tranh vệ quốc: “lũ giặc từng tràn qua cao nguyên đá/ giờ lại lấn xâm biển cả/ chó ta ơi hãy đánh hơi lần nữa/ nhận đúng mùi tanh tưởi kẻ thù xưa”, hóa thân thành “người thợ săn” lấy đá làm đạn, vùng lên, “đá lăn/ đá lăn/ lăn đá xuống đầu thù”. Rồi mây lại tiếp tục hóa thân thành chàng trai H’Mông Vừ Già Pó với ý chí kiên cường, lòng yêu nước khôn khuây trên bước đường lưu vong. Trước Nghĩa trang Vị Xuyên, Người thợ săn lại hóa thân thành Vàng Xín Dư - người Xã đội trưởng Tả Ván “ba lần đánh thắng quân Trung Quốc” dù bị lừa vì lựu đạn dỏm (hàng dỏm) do chính “người anh em” viện trợ. Hòa bình rồi “con chó dũng cảm” lại hóa thân thành “con chó đồn biên phòng” để cùng người thợ săn Vàng Sín Dư ngao du cho thỏa thích chí tự do vốn có của người H’Mông. Mây ẩn mình trong gió, biến hình vào hơi thở lứa đôi trong những phiên chợ tình hòa bình như một nét văn hóa tiêu biểu của người H’Mông. Nhưng bọn giặc đã bị Vàng Xín Dư và đồng đội đánh tan tác ở cao nguyên đá đang hăm he chiếm giữ biển Đông. Những người thợ săn, những con chó trận, những Vàng Xín Dư lại hướng về với biển: “xin hãy nhận chúng tôi hỡi những người lính biển/ lão thợ săn và con chó trung thành/ súng kíp của ta dù thô sơ cũ kỹ/ chưa bao giờ bắn chệch hồng tâm”. Cuộc chiến tranh bảo vệ biển giới phía Bắc, được Thanh Thảo khắc tạc sắc nét như một lời tuyên thệ khắc trên đá nhằm cảnh báo kẻ thù: “đã bao lần dân tộc tôi bật khóc/ nước mắt lặn sâu rừng đá cao nguyên/ đã bao lần dân tộc tôi bật dậy/ chém lưỡi dao vào đấ khắc lời nguyền/ “chúng ta thà hi sinh tất cả/ chứ nhất định không chịu mất nước/ không chịu làm nô lệ”/ Bác Hồ đã nói thế/… người Mông cũng nói thế/ “không bao giờ!”/ rừng đá cao nguyên nhắc lại/ “không bao giờ!”.

   Cấu trúc trường ca theo một trường liên tưởng xuất phát từ mạch tư tưởng cảm xúc của chính tác giả trường ca, vì thế, Đám mây hình người thợ săn và con chó cứ tự do bay, tự do biến mà không một trường đoạn nào văng ra khỏi chuỗi cấu trúc của trường ca. Có thể nói, nếu văn xuôi xem tiểu thuyết là thể loại thành công nhất về đề tài chiến tranh cách mạng, thì trường ca, với đặc trưng của mình, chính là thể loại thành công nhất của thơ ca về đề tài chiến tranh cách mạng. Tất cả 9/15 trường ca của Thanh Thảo về đề tài chiến tranh cách mạng được đề cập trong bài đều thuộc dạng không kết cấu theo cốt truyện, cũng không theo sự kiện mà xây dựng theo mạch tư tưởng, cảm xúc với vai trò chi phối rất lớn của cái tôi trữ tình. Quá trình sáng tác trường ca của Thanh Thảo là cả một quá trình kiếm tìm để làm mới thể loại với một ý thức cách tân rõ rệt, đặc biệt là về cấu trúc và ngôn ngữ. Xét cả về số lượng, chất lượng, đặc biệt là ý thức trong tiến trình làm mới thể loại trường ca, Thanh Thảo xứng đáng là ông hoàng của trường ca hiện đại Việt Nam, đặc biệt là sự đóng góp của ông về đề tài chiến tranh cách mạng trải dài từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời cho mãi đến ngày nay. 

 

 

 

Tài liệu tham khảo:
1. Thanh Thảo (1977), Những người đi tới biển, NXB Quân đội nhân dân.
2. Thanh Thảo (1985), Khối vuông ru-bích, NXB Tác phẩm mới.
3. Thanh Thảo (1997, tái bản), Trẻ con ở Sơn Mỹ, NXB Văn học.
4. Thanh Thảo (2000, tái bản), Bùng nổ của mùa xuân, Sở VHTT Quảng Ngãi.
5. Thanh Thảo (2009), Metro, NXB Hội Nhà văn.
6. Thanh Thảo (2012), Trường ca chân đất, NXB Hội Nhà văn.
7. Thanh Thảo (2016), Đám mây hình người thợ săn và con chó, NXB Hội Nhà văn.
8. Thanh Thảo (2016), Dạ, tôi là Sáu Dân, NXB Hội Nhà văn.
9. Thanh Thảo (2018), Hiển thánh tuổi 25, NXB Hội Nhà văn.

Bình luận

    Chưa có bình luận