Trong toàn bộ lịch sử âm nhạc Việt Nam đến nay, với tôi, không có nhạc sĩ nào được nhiều người nghe và có nhu cầu nghe trong suốt một phần đời dài của mình như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Tôi không nói ông là nhạc sĩ tài ba nhất, nhưng tôi có thể nói ông là người đã tạo ra một thuật ngữ đặc biệt: "Nhạc Trịnh". Chỉ cần ai đó nói "Nhạc Trịnh" là trong con người tôi ngập tràn giai điệu của ông.
Âm nhạc Trịnh Công Sơn đã dựng lên những vẻ đẹp của nỗi buồn kiếp người. Âm nhạc của ông đẩy người nghe đi xa mãi, xa mãi trong thế giới tâm hồn của người nghe.
Với tôi, mỗi khi nghe Trịnh Công Sơn giống như một cuộc hành hương về những nơi chốn tưởng như đã bị lãng quên trong con người mình.
Bức ảnh nhiếp ảnh gia Dương Minh Long chụp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.
Đối với những ca khúc của nhiều nhạc sĩ Việt Nam, tôi có thể hình dung được nơi chốn dừng lại của cảm xúc. Nhưng ca khúc của Trịnh Công Sơn mở ra cảm xúc bất tận cho dù nhiều lúc đầy mơ hồ. Và cuối cùng tôi phát hiện ra âm nhạc của ông giống đường chân trời. Chúng ta nhìn thấy nhưng không khu hạn được.
Có người nói nhạc Trịnh hay bởi ca từ. Với riêng tôi, Trịnh Công Sơn là người viết ca từ hay nhất trong các nhạc sĩ Việt Nam. Nếu tách ca từ trong bài hát của ông ra khỏi giai điệu, ta sẽ thấy một thi sĩ Trịnh Công Sơn hiện ra.
Hầu như ca khúc nào của ông cũng có những câu thơ đẹp và hay. Các nhà thơ Việt Nam nên đọc ca từ Trịnh Công Sơn.
Âm nhạc sống còn bởi giai điệu. Giai điệu nâng ca từ bay lên. Trong trường hợp Trịnh Công Sơn, giai điệu đã làm cho ca từ của ông mở ra lộng lẫy và ca từ ấy lại làm cho giai điệu của ông lớn lao hơn và sâu thẳm hơn.
Nếu chỉ dừng lại ở ca từ của ông, ta chỉ thấy một thi sĩ với những câu thơ lấp lánh. Nhưng giai điệu kỳ lạ của Trịnh Công Sơn đã làm cho những "bài thơ ca từ'' ấy trở nên huyền ảo và quyến rũ lạ lùng. Nếu ca từ ấy không có những giai điệu ấy và giai điệu ấy không có những ca từ ấy thì nhạc Trịnh đã ở một phía khác.
Nghe nhạc Trịnh Công Sơn, ta thấy ông đang đi trong thế giới tâm hồn ta. Ông đến và mở những ô cửa trong tâm hồn ta còn khép kín đâu đó. Bởi thế mà tôi từng nhiều lúc nghe âm nhạc của ông trong im lặng của tâm thức chứ không phải nghe từ một đĩa hát cụ thể.
Ta nhìn thấy âm nhạc Trịnh Công Sơn trong những tiếng đạn pháo đêm đêm, trong một cơn mưa buổi chiều, trong một bầy chim đậu nơi nghĩa địa, trên một hè phố ta qua, nơi một tháp chuông nhà thờ, trong buổi ly biệt một người thân, trong một quán cà phê lặng lẽ, trên một con đường vắng bóng người…
Nghĩa là, âm nhạc Trịnh Công Sơn ở trong mọi không gian và thời gian mà ta trú ngụ, ở trong nhiều cung bậc đời sống tinh thần của ta. Ông như người lấy những giai điệu trong tâm hồn của những con người cụ thể để đặt vào bản nhạc của mình.
Nói đến Trịnh Công Sơn thì người nghe nói đến Khánh Ly. Người ta thi thoảng bàn xem ai là người hát nhạc Trịnh hay nhất. Thú thực, tôi không nghĩ đến và bàn đến điều ấy. Mỗi ca sĩ hát nhạc Trịnh đều mang lại một điều gì đó cho vẻ đẹp của nhạc Trịnh. Nhưng Khánh Ly không nằm trong hệ so sánh ấy.
Khánh Ly là người hát nhạc Trịnh không nằm trong sự phân loại. Khánh Ly là một câu chuyện khác ở ngoài mọi câu chuyện. Khánh Ly là số phận bay trong vẻ đẹp đường chân trời của âm nhạc Trịnh Công Sơn.
Tôi từng nói: Nếu nhạc Trịnh là đường chân trời thì Khánh Ly là vầng mây bay trong đường chân trời ấy. Mà đường chân trời ấy là đường chân trời buổi hoàng hôn. Nó hiện ra lộng lẫy trong một vẻ buồn kỳ lạ. Nỗi buồn trong nhạc Trịnh qua giọng hát Khánh Ly không phải nỗi buồn làm ta yếu đuối, chán nản… mà là nỗi buồn dựng lên vẻ đẹp tâm hồn ta.
Khánh Ly về hát ở Việt Nam khi chị đã gần 80 tuổi. Có người nói không muốn nghe chị hát ở tuổi này. Giọng hát của một người 80 tuổi đương nhiên không thể như hồi đôi mươi. Ai cũng thế.
Nhưng sự xuất hiện của chị không phải sự xuất hiện của một hiện tại, một hiện thực và càng không phải là một sự kiện showbiz nếu ta nhìn thật sâu vào nghệ thuật và cuộc đời.
Sự xuất hiện của chị là sự xuất hiện của một vẻ đẹp đã và đang vang lên trong ký ức ta. Cũng như tôi từng đi qua cái nơi tôi hẹn hò với người yêu đầu đời của mình. Người con gái không còn ở đó và đã trở thành một bà già. Nhưng sự đắm mê của cảm xúc và sự lộng lẫy của tình yêu vẫn ở đó. Tôi đi qua để được thấu hiểu một lần nữa và để được sống trong vẻ đẹp và tinh thần bất diệt của tình yêu đôi lứa mãi mãi.