Bạn đọc yêu thơ ca và quan tâm đến đề tài biển đảo Tổ quốc không mấy ai không biết bài thơ Mộ gió: “Mộ gió đây, giăng từng hàng từng lớp/ Vẫn hùng binh giữa biển - đảo xa khơi/ Là mộ gió, gió thổi hoài, thổi mãi/ Thổi bùng lên những ngọn sóng ngang trời”. Bài thơ được nhạc sĩ Vũ Thiết phổ nhạc thành một ca khúc hùng tráng đã được giải Nhì trong cuộc vận động sáng tác lớn mang tên “Đây biển Việt Nam” năm 2011. Đến năm 2020, tập thơ mang tên bài thơ ấy - Mộ gió cùng với tập thơ Từ biển mà đi - lại được giải Nhất, Giải thưởng Văn học về biên giới - hải đảo của Hội Nhà văn Việt Nam trao tặng.
Tác giả của bài thơ ấy, tập thơ ấy là nhà thơ Trịnh Công Lộc, nhưng hiện tại ông đang gặp vấn đề về sức khỏe. Vẫn nhớ cái ngày cuối năm 2020, ông còn vui vẻ, hoạt bát đi xe buýt từ bên Long Biên sang Hội Nhà văn nhận giải thưởng, ôm hoa tươi tắn đứng giữa những tên tuổi văn chương. Còn trước đó, ông vẫn đi xe buýt ngày ngày đến trụ sở của Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương làm việc. Thỉnh thoảng còn ơi ới bạn bè đến trò chuyện tại căn phòng làm việc ngay ngoài cửa cơ quan mà ông hay đùa: “Tớ kiêm luôn bảo vệ”. Thế mà đùng một cái, nghe tin ông phải nghỉ ở nhà chữa bệnh. Gọi điện hỏi thăm, ông bảo: “Không có gì, nhẹ thôi, sắp khỏi rồi”. Và ông vẫn rủ rỉ chuyện trò hỏi han các sự kiện văn học nước nhà. Thế thì bệnh nhẹ chứ không nặng.
Suốt gần hai năm đại dịch Covid-19 hoành hành, mọi người phải xa cách vì giãn cách xã hội. Anh em không gặp được nhau.
Sau khi hết dịch, hết giãn cách, công việc lại bung ra, ai cũng hối hả bận rộn với những gì mình còn để đó chưa làm được. Để rồi đến một ngày kia bạn bè báo tin: “Anh Lộc về quê Thái Bình chữa bệnh rồi” thì tôi linh cảm bệnh ông chẳng nhẹ nữa. Vội gọi điện hỏi thăm, may sao ông báo tin: “Anh lên Hà Nội rồi”.
Mừng quá, hôm thứ hai vừa qua, tôi háo hức dành trọn thời gian đến thăm ông. Cứ chủ quan, qua cầu Long Biên mới gọi điện hỏi thăm đường đến nhà thì nghe ông bảo: “Thôi, hôm khác đến thăm đi. Hôm nay anh mệt lắm”. Tôi nài nỉ rằng tôi sắp đến nơi nhưng ông vẫn bảo quay về, hôm nào ông khoẻ hãy đến thăm. Đành buồn bã quay về. Dọc đường đê ngược gió sông Hồng, lòng đầy bâng khuâng, lo lắng. Càng áy náy vô cùng vì cứ nấn ná mãi không đến thăm ông sớm khi ông còn khỏe. Về đến nhà, tôi nhận được ngay bài thơ Trịnh Công Lộc viết qua tin nhắn. Thật mừng vì ông vẫn minh mẫn để sáng tác nhưng đọc bài thơ lại thấy lo lắng bội phần:
“Bệnh có thể qua đi
Nhưng làm sao qua mệnh
Mệnh có hỏi câu gì
Cũng sẽ về với cỏ…
Cỏ ở đâu cũng thế
Thân vẫn mảnh mai thôi
Tay vòng tay bầu bạn
Cứ xanh lên ngời ngời
Lơ lửng giữa đỉnh trời
Có mặt trời lửa đỏ
Mặt đất – Mặt trời cỏ
Xanh như màu biển khơi
Suốt đời không biết mệt
Lắm khi cũng rối bời
Bàn tay cỏ bám đất
Thêm lộc biếc sinh sôi
Mong những đêm trong mát
Nhường lại chốn bình yên
Hẹn trăng cùng trắc ẩn
Cạn chén, cạn sương đêm
Mặt trời xanh của đất
Mặt trời đỏ của trời
Hai mặt trời chiếu rọi
Nên huyền diệu con người
Còn mình khi mệnh đến
Lại về với cỏ thôi
Tựa lưng mền đất cỏ
Mơ tít tắp lên trời”.
(Lại về với cỏ)
Bài thơ viết hôm 18/8/2022, đọc đến đâu thót tim đến đấy. Nhất là hai câu: “Còn mình khi mệnh đến/ Lại về với cỏ thôi”. Văn chương thường có tính dự báo. Trịnh Công Lộc vốn hay viết thơ về những điều lớn lao của nhân dân, của Tổ quốc, mà bây giờ viết về mình với cỏ, ngẫm thấy ghê ghê, sờ sợ thế nào… Nhưng biết đâu bài thơ chỉ là những chiêm nghiệm của ông với cái lẽ ở đời: “Lơ lửng giữa đỉnh trời/ Có mặt trời lửa đỏ/ Mặt đất – Mặt trời cỏ/ Xanh như màu biển khơi”. Ừ thì ở mãi trên cao nóng bức, khi xuống thấp thấy bình yên, mát mẻ. Hoặc con người ta ở nơi quyền uy, cao sang, rực rỡ như mặt trời nhưng lơ lửng chơi vơi, chi bằng xuống với nơi nhỏ nhoi thấp bé đời thường như cỏ mà thấy bình yên, ấm áp, vững bền “Tay vòng tay bầu bạn/ Cứ xanh lên ngời ngời”. Hoặc một giả định nữa, Trịnh Công Lộc muốn gửi gắm cái triết lý nhân sinh: Ai dù thế nào rồi “cũng sẽ về với cỏ”… Đấy là nhận thức theo cảm xúc chủ quan của người đọc, bởi thơ Trịnh Công Lộc vốn kiệm lời, sâu ý. Nhưng cho dù suy đoán thế nào thì hai câu thơ: “Bàn tay cỏ bám đất/ Thêm lộc biếc sinh sôi” cũng có gì như một điều linh cảm. Tôi cầu mong trong hai câu thơ trên, chữ “lộc” đừng viết hoa mà ám vào người, sái lắm.
Nhưng Trịnh Công Lộc là thế, lúc khó khăn, thậm chí nguy nan vẫn cứ thản nhiên, trầm mặc. Ở ông, mọi cái đều hiền. Từ dáng đi đến khuôn mặt, từ nụ cười đến tính cách đều hiền hậu, khoan thai. Ngay cả khi bài thơ ông viết đề cập đến những điều trọng đại trong cuộc đời, vẫn giữ được vẻ bình thản, nhẹ nhàng như không có gì. Giá khoẻ như thời còn làm việc mà chúng tôi đến chơi, thì chắc chắn đọc bài thơ này, ông lại cười hì hì, khoé miệng tươi tắn, ngón tay vẩy vẩy điếu thuốc thản nhiên như không quan trọng gì.
Lại nhớ về một thời sinh viên Khoa Văn - Đại học Sư phạm. Khi đó, Trịnh Công Lộc học trên chúng tôi ba lớp nhưng sinh viên ai cũng biết tên tuổi bởi ông đã nổi tiếng với những bài thơ được đăng báo. Một ngày tháng 3 năm 1975, chúng tôi đang trong hội trường chật ních người để tổng kết chiến dịch đắp đê sông Đáy thì nghe thông báo có anh Trịnh Công Lộc về trường nhận bằng tốt nghiệp sẽ đến đọc thơ. Cả hội trường bỗng xôn xao, hào hứng. Hầu hết sinh viên chưa gặp anh bao giờ nên khi anh bước vào, ai cũng đứng lên, kiễng chân, nghển cổ háo hức xem cho rõ mặt “hiền tài thơ” của Khoa. Với người say mê thơ như tôi bấy giờ, Trịnh Công Lộc là một thần tượng bởi anh có hai bài thơ đăng trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội là bài Cánh buồm nâu và bài Con ốc biển mà tôi vô cùng yêu thích. Nên tôi tưởng tượng “thần tượng” phải cao ráo, to khoẻ như người lính hải quân hoặc trắng trẻo, đẹp trai, hào hoa như chàng Kim trong Truyện Kiều của Nguyễn Du… Thế rồi khi “hiền tài thơ” xuất hiện, mọi tưởng tượng của tôi đều sai. Anh nhỏ nhắn, vai xuôi, mặt hiền lành, da mai mái và bình dị vô cùng. Lúc đó, anh bước vào thoăn thoắt, đôi mắt sáng ngời khi đọc những vần thơ trước đàn em “si mê” thơ. Từ đấy, anh xa trường, xa Khoa Văn. Nhưng tôi vẫn nhớ mãi dáng hình người anh “hiền tài” và ngưỡng mộ mãi những câu thơ đẹp đẽ, trong trẻo đến nao lòng: “Đã hiện ra những cánh buồm nâu/ Không gian giăng tơ lấp loáng/ Chim gáy mùa thu bay buổi sáng/ Sông xanh đậm buổi chiều”…
Cứ nghĩ rằng sau đấy anh sẽ trở thành một nhà thơ, thậm chí là nhà thơ nổi tiếng. Tôi ra trường mang theo niềm say mê dạy học và tình yêu thơ ca lên mãi núi rừng Hoà Bình, tôi vẫn luôn ngóng hoài tìm đọc thơ anh trên các trang báo. Nhưng chẳng gặp được bài nào. Hai mươi năm sau, đọc được thơ anh trên Báo Quảng Ninh, hỏi thăm bè bạn thì được biết Trịnh Công Lộc đang là Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh Quảng Ninh. Tôi thầm hỏi: “Một lãnh đạo quản lý công việc tuyên truyền giáo dục mà sao không phải là nhà thơ?”.
Tháng 5 năm 2011, một lần đi thực tế vùng than, tôi đã liên hệ và gặp được ông qua điện thoại. Ông hồ hởi hỏi thăm. Bảo giờ không làm Phó Trưởng Ban Tuyên giáo nữa mà làm Trưởng Ban Quản lý các di tích trọng điểm của tỉnh Quảng Ninh, rồi mời chúng tôi ghé thăm văn phòng nơi ông đang làm việc. Trời ơi, mừng vui khôn tả! Gần bốn mươi năm kể từ ngày ông đọc thơ cho chúng tôi nghe ở hội trường Trường Đại học Sư phạm, giờ mới được gặp lại “hiền tài”. Tôi nhận lời và hồi hộp lắm. Thế rồi, khi chiếc xe con đến tận nhà khách Công ty Mỏ Cao Sơn đón tôi và nhà văn Hoàng Việt Hằng thì tôi quá bất ngờ. Trịnh Công Lộc hiện ra với dáng người vẫn nhỏ nhắn, khiêm nhường, cười rất tươi không khác gì anh Trịnh Công Lộc “hiền tài thơ” 36 năm trước. Tôi nhận ra ngay và cảm động nói rằng anh là một lãnh đạo cấp tỉnh mà đi đón chúng tôi. Nhưng Trịnh Công Lộc bảo: “Anh đón các em với tư cách bạn thơ đi đón bạn thơ”. Chuyến thăm ông lần ấy, tôi còn bất ngờ nữa là được ông tặng cho cuốn thơ đầu tiên mang tên Cánh buồm nâu: “Đây, thùng sách vừa về. Các em là người đầu tiên được “mở hàng””. Tôi lặng người. Giơ hai tay ra đón cuốn thơ mang tên bài thơ thời sinh viên tôi hằng ngưỡng mộ mà lòng thầm hỏi: “Sao bây giờ ông mới xuất bản tập thơ đầu tay?”.
Sau hôm ấy, tôi về viết một bài giới thiệu tập thơ với đề tựa: “Có một cánh buồm nâu đang dần về bến thơ”. Ý tôi nói về “sự nghiệp thơ” của Trịnh Công Lộc, bao nhiêu năm say mê làm thơ, bao nhiêu bài thơ đã “sinh nở” trong những đêm thầm lặng, bao nhiêu tâm tình trăn trở với đời mà bây giờ mới thực sự hiện hữu một cuốn thơ. Và khi đã chuẩn bị nghỉ hưu, ông mới xuất hiện “công khai” con người thơ, tâm hồn thơ trước mọi người bằng một tập sách. Phải chăng là một cách ẩn mình trong công việc cho lành? Tôi nói “cho lành” bởi mỗi bài thơ của ông là một tâm tình chia sẻ. Mỗi tâm tình chia sẻ có những điều phát hiện tinh tế, thông minh, nhiều khi day dứt đắng cay mà chỉ có thơ mới nói được. Sang lĩnh vực khác nói những điều đó không dễ được chấp nhận chút nào.
Và đúng thật. Khi Cánh buồm nâu đã về đến bến đỗ thì bãi bờ hoan ca bừng lên sắc biếc. Mọi tâm tình, trăn trở được thoải mái hát lên lời bộc bạch. Người thơ trở lại với chính mình:
“Gió ngoài song rong ruổi/ khuôn mặt hồng phù sa/ sóng như làn tóc rối/ tóc biết hát tình ca/… chuyện thanh kiếm, rùa vàng/ còn nao nao vận nước/hoa sữa thơm đêm về/ cầm đắm say đi trước…” (Một mùa thu Hà Nội).
“Ngày ơi, ngày là đòn gánh/ gánh lên tất cả mà đi/ đời ta/ bao nhiêu phải gánh/ có khi/không gánh được gì!” (Ngày gánh).
“Tháng năm tầm tã/ lấy da thịt vá trời/ lấy máu xương vá đất/ vuốt nhọn gian nan” (Vào ca than).
“Chúng ta sống giữa một thời biến động/ cái vương vãi đồng quê thành đặc sản phố phường.../ Mọi thứ bậc do cuộc đời sắp đặt/ thì cuối cùng có khác gì nhau...” (Đi cùng những người bạn).
Thế rồi dần dần cảm hứng chủ đạo thơ của Trịnh Công Lộc quy tụ về chất hùng ca lãng mạn. Vấn đề biển đảo, biên giới, Tổ quốc, nhân dân, vận mệnh dân tộc… đi vào thơ anh với ý thức lớn lao, thể hiện trách nhiệm công dân của người cầm bút. Tiếp theo tập thơ Cánh buồm nâu là các tập Mộ gió, Mặt trời đêm, Tim núi, Từ biển mà đi, đều đặn xuất hiện trong gần 10 năm đều được bạn đọc chú ý và trân trọng. Ông trở thành nhà thơ ghi dấu ấn trong lòng bạn đọc về chủ đề biên cương – hải đảo. Giải thưởng Văn học về biên giới, hải đảo của Hội Nhà văn Việt Nam trao tặng cho 2 tập thơ Mộ gió và Từ biển mà đi là mốc son ghi nhận cái tâm, cái tầm của một nhà văn đích thực là ông. Ông tâm sự: “Cứ bám vào cội rễ, cội nguồn dân tộc thì trước, sau đều sẽ thành công. Thơ phải từ cuộc sống đi lên và lan tỏa, chứ không phải cứ “thù tạc” hay “triết tự”. Muốn đổi mới thi ca cũng phải bắt đầu từ dân tộc. Tôi quan niệm thơ phải mang tới giá trị lớn, thơ phải lan tỏa đến với mọi người”.
Nói thì có vẻ to tát thế nhưng thực tế con người ông rất chân thành, khiêm nhường. Thơ ông cứ thủ thỉ, không hình thức mà nhiều điều không thể không suy nghĩ. Ông nhắc nhở ông nhưng bao người cảm thấy có mình: “Nho nhỏ tôi - đã ra ngoài thứ bậc/ Sao vẫn gập ghềnh vẫn cứ bấp bênh.../ Nhưng dù sao, vẫn là phía cuối cùng/ Chầm chậm đến bớt ồn ào, inh ỏi/ Nho nhỏ thôi, để dễ đi, dễ nói/ Để mọi người dễ nhớ, dễ gần nhau” (Nho nhỏ thôi).
Còn bây giờ “hiền tài thơ” của bao “fan hâm mộ” đang chữa bệnh. Qua những cuộc gọi điện thăm hỏi, thấy giọng ông vẫn khoẻ khoắn, suy nghĩ vẫn khúc triết tỉnh táo thì mừng. Nhưng đời người mong manh như sợi gió, chẳng biết thế nào vì ông chưa cho đến thăm. Vậy mà tôi tin ông vẫn đang viết và sẽ viết những gì ông đã định hình. Bởi ông đang là một trong những người góp phần giữ gìn nền văn học cách mạng của dân tộc trước sự mở cửa hội nhập quốc tế của đất nước ta. Nhưng lúc nào cũng nhỏ nhẹ, tâm tình với tấm lòng sáng trong, hồn hậu:
“Có thể là tôi, người về phía cuối cùng
Kết cục là không như bao người khác
Không danh giá cũng không tiền bạc
Thả vô tư bay xuống đậu vai người”.
(Đâu đây)
Cầu mong Trịnh Công Lộc khoẻ mạnh trở lại để vững vàng đi tiếp con đường thơ mà ông đã dấn thân.