1. Người chiến sĩ văn nghệ có mặt và sáng tác trên nhiều chiến trường ác liệt
Nguyễn Đình Thi (20/12/1924-18/4/2003) tham gia cách mạng từ năm 1941, khi chớm vào tuổi thanh niên. Năm 1943, ông cùng Hội Văn hóa cứu quốc tiếp nhận đường lối lãnh đạo của Đảng qua Đề cương về văn hóa Việt Nam. Ông bị bắt giam cùng với nhà văn Nam Cao, Học Phi, Nguyên Hồng, Nguyễn Huy Tưởng, Tô Hoài. Trong những người đó, theo Tô Hoài, Nguyễn Đình Thi là người trẻ nhất, “to con”, đẹp trai, giàu nhiệt tình. Ông từng tham dự Quốc dân Đại hội Tân Trào.
Ông chào đón Cách mạng Tháng Tám năm 1945 với bản nhạc Diệt phát xít và nhiều bài viết trên báo chí cách mạng như Độc lập, Tiên phong. Ông được cử làm Chủ tịch Hội Văn hóa cứu quốc, là Ủy viên Ban Thường vụ Quốc hội. Những năm thanh bình di;ễn ra không lâu, chiến tranh đã ập tới bởi âm mưu và hành động man rợ của thực dân Pháp. Theo Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến ngày 19/12/1946, toàn dân đã theo Đảng, nhất tề đoàn kết chống thực dân Pháp.
Nhà văn Nguyễn Đình Thi viết “Nhận đường”, đó là con đường cách mạng của dân tộc, con đường kháng chiến cứu nước, chống giặc xâm lược. Đó cũng là tiếng nói chung của anh chị em văn nghệ sĩ. Từ đây các nhà văn lần lượt tham gia các chiến dịch, từ những bậc cao niên như Nguyễn Tuân, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Huy Tưởng… đến các nhà văn trẻ như Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài, Nam Cao… Họ đều có mặt ở các chiến dịch Việt Bắc, chiến dịch Biên giới, chiến dịch Tây Bắc… và lần lượt xuất bản nhiều tác phẩm, chủ yếu là các bút ký như Ký sự Cao Lạng của Nguyễn Huy Tưởng, Thắng từ biên giới của Nam Cao, Tùy bút kháng chiến của Nguyễn Tuân. Nguyễn Đình Thi đã cho xuất bản tiểu thuyết Xung kích, thiên tiểu thuyết đầu tiên về chiến trường, về một trận đánh ác liệt nhổ bốt đồn giặc, là trận đánh của quân chủ lực. Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt, kẻ địch cầm cự với đồn bốt kiên cố và hung hãn. Với ý chí kiên cường và nhiệt tình cách mạng của tuổi trẻ, Nguyễn Đình Thi đã xông pha trong khói lửa và có những trang viết mạnh mẽ, chân thực, tươi trẻ, văn phong mới mẻ.
Các nhà văn trong những năm kháng chiến đều đến với nhiều chiến trường và không tránh khỏi tổn thất, hi sinh. Trần Đăng, Nam Cao mất trong kháng chiến chống Pháp; Nguyễn Thi, Lê Anh Xuân, Dương Thị Xuân Quý, Chu Cẩm Phong mất trong những năm kháng chiến chống Mĩ. Không ngại khó khăn, hi sinh, Nguyễn Đình Thi đã có mặt và sáng tác ở nhiều chiến trường, có nhiều ngày tháng ở chiến trường Điện Biên Phủ, có mặt ở chiến trường Nam Bộ. Chuyến đi Nam có cả nhà văn Tế Hanh và Nguyễn Đình Thi, xe bị địch phát hiện, vừa kịp ẩn nấp thì xe bị đạn bốc cháy. Cuộc chiến đấu chống Mĩ ở Nam Bộ qua trang viết của Nguyễn Đình Thi thật ác liệt, bộ đội ta là những chiến binh quả cảm. Mĩ đưa chiến tranh ra tàn phá Miền Bắc, Nguyễn Đình Thi lại có mặt ở tuyến lửa để viết, với những cố gắng, tác giả có tác phẩm Mặt trận trên cao.
Tất cả những điều trên đã nói lên một Nguyễn Đình Thi “tử sinh hữu giữa trận tiền”, phẩm chất ấy là tấm gương sáng của người cầm bút, không dễ dàng mà có được.
2. Những danh hiệu về văn hóa, văn học, nghệ thuật tầm quốc gia và cao hơn nữa
Trước tiên phải kể đến Nguyễn Đình Thi là nhà triết học. Khi còn học ở trường đại học, Nguyễn Đình Thi đã viết nhiều cuốn sách về triết học, chủ yếu viết về các nhà triết học Pháp và Đức như Descartes, Kant, Nietzsche… Có những cuốn dày đến ba bốn trăm trang như cuốn Siêu hình học. Có lần tôi hỏi: Anh quan tâm đến ai, cuốn nào nhất? Nguyễn Đình Thi trả lời: Tôi thích Descartes.
Ở nước ta, tư duy triết học ít phát triển. Nhiều người gọi là nhà triết học nhưng thực chất là nhà chính trị. Ngay như Giáo sư Trần Văn Giàu viết một số sách triết học duy vật biện chứng và duy vật lịch sử nhưng ông không nhận mình là nhà triết học và cho rằng Giáo sư Trần Đức Thảo mới là nhà triết học. Trong cuốn tự điển Những nhà triết học thế giới (Dictionnaix des philo sophies mondiales) có nêu Trần Đức Thảo và Nguyễn Đình Thi là nhà triết học thế giới.
Thứ hai, Nguyễn Đình Thi là nhạc sĩ. Ông viết không nhiều, hình như chỉ có hai bài là Diệt phát xít và Người Hà Nội. Diệt phát xít thiên về chính trị, có tác động quan trọng ở thời kỳ đầu Cách mạng Tháng Tám. Người Hà Nội có tầm vóc tư tưởng và nghệ thuật. Theo nhiều nhạc sĩ, cho đến nay, các bài hát viết về Hà Nội chưa có bài nào vượt được bản nhạc Người Hà Nội tài hoa này.
Thứ ba, Nguyễn Đình Thi là nhà thơ. Trong một lần nói chuyện tại Viện Văn học, Nguyễn Đình Thi cho biết trong khoảng 100 bài thơ của ông có hai bài hay, vài bài khá. Đó là cách đánh giá dè dặt, có vẻ khiêm tốn. Thực ra thơ Nguyễn Đình Thi có nhiều bài có giá trị, đặc biệt là thơ tình trong xa cách những năm chiến tranh. Ông có những cách tân, đổi mới với thơ khác, với thơ mới và có tính hiện đại hơn.
Thứ tư, Nguyễn Đình Thi là một tác giả kịch. Ông viết khoảng trên mười vở kịch và có những vở hay, sâu sắc như Nguyễn Trãi ở Đông Quan, Rừng trúc và nhiều vở lấy đề tài dân gian. Kịch Nguyễn Đình Thi sâu sắc, trí tuệ và cũng gây cho ông nhiều rắc rối, song cuối cùng đều bình yên và được đánh giá cao hơn. Hai nhà văn Tô Hoài và Nguyễn Quang Sáng cho rằng kịch là thể loại hay hơn cả của Nguyễn Đình Thi.
Nhân nói về kịch, tôi nhớ đến kỷ niệm một lần đến thăm Nguyễn Đình Thi tại căn phòng ở phố Trung Tự. Ông ân cần tiếp và tặng tôi quyển Tuyển tập Nguyễn Đình Thi, tập I, trong đó có tác phẩm kịch, ông đề “Tặng anh Hà Minh Đức với tình cảm quý mến”. Ông nói: Anh viết cho tôi nhiều về tiểu thuyết và thơ, nếu có thì giờ, anh viết cho về kịch thì tốt. Đó cũng là phần việc mà tôi muốn làm nhưng có nhiều khó khăn hơn việc viết về các thể loại khác. Chia tay Nguyễn Đình Thi, hình ảnh nhà văn lớn trong căn phòng nhỏ giản dị để lại trong tôi ấn tượng khó nguôi quên.
3. Đổi mới - phương châm nhất quán nói và làm
Toàn bộ những sáng tác của Nguyễn Đình Thi thuộc các thể loại đều thực hiện theo phương châm nhất quán: đổi mới. Ông quan niệm cuộc đời mới, chế độ xã hội mới, thị hiếu mới của công chúng thì văn nghệ phải đổi mới. Chỉ nói riêng về hai lĩnh vực thơ và văn xuôi cũng thể hiện rõ tinh thần nói và làm. Ông thường nói: “Tôi ít đọc, ít để ý những tác phẩm của Tự lực văn đoàn vì cuộc đời với một sức sống mới, con người mới đòi hỏi một cách viết khác, nhịp sống nhanh hơn, mạnh mẽ hơn, con người khỏe khoắn, năng động hướng tới tương lai”1.
Quan niệm trên được thể hiện rõ rệt nhất trong tiểu thuyết Xung kích của Nguyễn Đình Thi.
Xung kích thể hiện sức mạnh của đội quân chủ lực đánh địch ở đồng bằng với nhiều trang bị hiện đại hỗ trợ. Hình ảnh người chiến sĩ với ý chí và quyết tâm trong chiến đấu vượt lên mọi thử thách và chấn thương. Các nhân vật Sản, Kha, Chị Lý đều có bản lĩnh, phong cách riêng, chân thực, mạnh mẽ, hồn nhiên, không gò bó chủ nghĩa.
Nguyễn Đình Thi cũng đã góp phần cho cuộc tranh luận về thơ. Ông chủ trương thơ tự do không lệ thuộc vào những ràng buộc cũ về cấu trúc, vần đối câu chữ. Đó là một ý tưởng mới mẻ mà ngay cả nhiều nhà thơ cùng thời cũng không tán thưởng. Kết quả, thơ tự do đã thắng thế. Bài thơ Không nói của ông đã chứng minh cho khuynh hướng ấy. Đổi mới không dễ dàng nhưng Nguyễn Đình Thi đã vượt qua nhiều trở ngại và thắng thế. Ông tâm sự: “Nhiều tác phẩm của tôi bị xem là ngoài luồng, không phải là chính thống. Lúc thì bị xem là tiền phong chủ nghĩa, lúc thì bị gọi là đa tình đa cảm”2.
Ngôi sao Nguyễn Đình Thi đã tỏa sáng một vùng trời.
Chú thích:
1 Hà Minh Đức (2016), “Nguyễn Đình Thi - Những tìm tòi trong sáng tạo nghệ thuật”, Tác phẩm văn nghệ và giá trị bền vững, NXB Đại học quốc gia Hà Nội, tr. 237.
2 Hà Minh Đức (2016), Tác phẩm văn nghệ và giá trị bền vững, NXB Đại học quốc gia Hà Nội, tr. 243.