70 NĂM MĨ THUẬT ĐỒNG HÀNH VÀ TÔN VINH CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ

Bài viết phác họa về 70 năm nền mĩ thuật cách mạng luôn đồng hành cùng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ bằng những tác phẩm xứng tầm. Qua đó khẳng định nền mĩ thuật đã góp phần tôn vinh, làm sâu sắc thêm những giá trị của chiến thắng Điện Biên Phủ.

 

   1. Những bức họa đầu tiên góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ

   Chiến thắng Điện Biên Phủ là niềm tự hào lớn của dân tộc Việt Nam trong cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, mở ra phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc cho các nước thuộc địa bị áp bức trên toàn thế giới. Trong cuộc kháng chiến thần kỳ này, lần đầu tiên trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, một lực lượng “nghệ sĩ - chiến sĩ” đã đồng hành cùng ra trận trong 56 ngày đêm “mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non”, góp phần làm nên một Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

   Dấu ấn đầu tiên về Điện Biên Phủ là hình ảnh những họa sĩ bậc thầy của nền mĩ thuật cách mạng Việt Nam như Tô Ngọc Vân, Nguyễn Bích, Mai Văn Hiến, Huy Toàn, Nguyễn Sáng… đã hoà cùng đoàn chiến sĩ, dân công và đồng bào Tây Bắc căng tràn nhiệt huyết cách mạng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Tháng 4/1954, họa sĩ Tô Ngọc Vân, người họa sĩ, chiến sĩ, người thầy đặt nền móng đầu tiên xây nên nền mĩ thuật cách mạng Việt Nam đã khoác ba lô hành quân trên đường hướng về Điện Biên Phủ. Trải qua hành trình đầy gian khó, vượt qua bom đạn của kẻ thù, hình ảnh những đoàn quân, người dân và cảnh sắc Tây Bắc đã hiện lên sinh động tràn đầy lạc quan cách mạng qua nét vẽ tài hoa của ông. Những ký họa Hành quân qua suối, Hoan hô, Ba cô gái Thái và nhiều tác phẩm khác của Tô Ngọc Vân đã lột tả một cách dung dị, chân thực tình cảm, cảm xúc của tác giả trong tinh thần chung của cả dân tộc cùng hướng về Điện Biên Phủ.


Tác phẩm “Hoan hô”, mực trên giấy, Tô Ngọc Vân vẽ năm 1954.

   Trực tiếp tham gia sáng tác trên mặt trận Điện Biên Phủ, họa sĩ Nguyễn Bích, Mai Văn Hiến, Huy Toàn đã để lại dấu ấn với nhiều tác phẩm đồ họa, ký họa. Những tác phẩm này góp phần không nhỏ trong việc cổ vũ, động viên, khích lệ tinh thần của chiến sĩ trên chiến trường và đồng bào ở hậu phương tin tưởng vào chiến thắng tất yếu của toàn dân tộc. Với công cụ thô sơ, chất liệu chủ yếu là giấy dó, giấy giang nhưng ngôn ngữ hình tạo được tối giản, hình ảnh sinh động, vui mắt, màu sắc giản dị, thông điệp rõ ràng, những bức tranh cổ động của họa sĩ Nguyễn Bích: Cán bộ và chiến sĩ hãy quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt toàn bộ quân định tại Điện Biên Phủ!, Quyết tâm liên tục chiến đấu vượt mọi khó khăn gian khổ để tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện - Biên - Phủ, biếm họa Cảnh Tây khổ… được phổ biến nhanh chóng, kịp thời đến các chiến sĩ trong chiến hào, dân công nơi hỏa tuyến. Trong 33 số báo phát hành trực tiếp tại mặt trận Điện Biên Phủ, Nguyễn Bích đã vẽ hơn 10 sơ đồ, bản đồ chiến sự; vẽ logo, mũ trang, mũ nhiều chuyên mục; hơn 10 bức tranh biếm họa và minh họa, 4 bức tranh cổ động chiến trường được in màu.


“Quyết tâm liên tục chiến đấu vượt mọi khó khăn gian khổ để tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ”, Nguyễn Bích vẽ năm 1954.


Tranh sơn mài “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” của họa sĩ Nguyễn Sáng vẽ năm 1963.

   Trong điều kiện khó khăn, gian khổ trên chặng đường giải phóng Điện Biên Phủ, những sáng tác đồ họa, ký họa của các họa sĩ trong giai đoạn này dù số lượng còn chưa nhiều nhưng đã tạo thành dấu ấn đặc trưng của mĩ thuật, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ. Đồng thời tạo tiền đề, cảm hứng cho các lớp thế hệ nghệ sĩ sau này tiếp tục sáng tác nhiều tác phẩm song hành theo chiều dài lịch sử của dân tộc.

   2. Mĩ thuật in dấu ký ức về chiến thắng Điện Biên Phủ

   Sau chiến thắng Điện Biên Phủ 1954, cả dân tộc Việt Nam bước sang một giai đoạn lịch sử với những yêu cầu về xây dựng đời sống mới và khát vọng thống nhất non sông đất nước. Cùng với đó, nền mĩ thuật cách mạng Việt Nam đã có bước chuyển mình mạnh mẽ, hình thành được đội ngũ nghệ sĩ tài năng đáp ứng kịp thời những yêu cầu của đời sống xã hội. Chủ đề tác phẩm của thời kỳ này tập trung phản ánh những đổi mới ở nông thôn Miền Bắc, hình tượng người lính trên chiến trường chống Mĩ cứu nước. Tuy nhiên, không vì thế mà cảm xúc về những năm tháng bi tráng, hào hùng của quân và dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ bị quên lãng, trái lại nó tiếp tục được lan toả, khơi mạch nguồn sáng tạo cho nhiều họa sĩ tài năng thể hiện thành công nhiều tác phẩm về đề tài Điện Biên Phủ.

   Trong giai đoạn này, những tác phẩm tái hiện hình tượng người lính, dân công và nhân dân Tây Bắc tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ được các họa sĩ thể hiện một cách hoàn chỉnh và có kích thước lớn, họ chú trọng hơn việc nghiên cứu, tìm tòi kỹ lưỡng chủ đề, hình thức ngôn ngữ, chất liệu, phong cách và bút pháp tạo hình trên tác phẩm. Các họa sĩ trong giai đoạn này thành công với chất liệu sơn mài truyền thống, nhiều tác phẩm đã đạt được giá trị cao về tư tưởng và thẩm mĩ. Có thể kể đến một số tác phẩm: Nhớ một chiều Tây Bắc (Phan Kế An), Kéo pháo ở Điện Biên Phủ (Dương Hướng Minh), Xuân trong hầm pháo (Phạm Thanh Tâm). Đặc biệt, tác phẩm Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ của họa sĩ Nguyễn Sáng được đánh giá là một trong những tác phẩm tiêu biểu, thành công nhất trong việc khắc họa hình tượng người lính trên chiến trường Điện Biên Phủ.

   Sau khi thống nhất đất nước năm 1975, vượt qua những khó khăn về kinh tế, các họa sĩ, nhà điêu khắc vẫn tiếp tục sáng tác nhiều tác phẩm về đề tài chiến thắng Điện Biên Phủ. Với chất liệu, phong cách và thể loại tạo hình khác nhau, những tác phẩm về đề tài này đã đến với đông đảo công chúng thông qua các cuộc triển lãm mĩ thuật, các ấn phẩm báo chí, áp phích, tranh cổ động.

   3. Mĩ thuật hoành tráng tôn vinh chiến thắng Điện Biên Phủ

   Đầu những năm 90 của thế kỷ XX, cùng với sự chuyển mình về phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, việc tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử về chiến thắng Điện Biên Phủ trên chiến trường xưa đã được Đảng, Nhà nước và chính quyền nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu (nay là tỉnh Điện Biên) đặc biệt chú trọng. Với ý nghĩa tri ân công lao của những anh hùng, liệt sĩ, dân công và nhân dân đã hi sinh, cống hiến một phần xương máu làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ, một số công trình mĩ thuật mang tính hoành tráng đã được Nhà nước đầu tư xây dựng nhân kỷ niệm 40 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (1954-1994). Lần đầu tiên trong lịch sử xây dựng và phát triển của tỉnh Lai Châu, những công trình, cụm công trình mĩ thuật có kích thước lớn, chất liệu bền vững về chủ đề chiến thắng Điện Biên Phủ đã hiện hữu trong đời sống và không gian của chiến trường xưa. Năm 1993, tại ngã ba thị trấn Tuần Giáo, huyện Tuần Giáo, cửa ngõ vào chiến trường Điện Biên Phủ xưa, đã xây dựng thành công công trình tranh tường bằng chất liệu gốm sứ có mặt tranh diện tích 5,9m x 3,2m. Bức tranh mô tả hình tượng các đoàn dân công từ miền xuôi và đồng bào các dân tộc Tây Bắc đang hăng hái tham gia vận chuyển vũ khí, lương thực tiếp lửa cho chiến trường Điện Biên Phủ. Năm 1994, trong không gian di tích của chiến trường Điện Biên Phủ, nhiều tác phẩm điêu khắc, phù điêu khổ lớn được hoàn thành. Tại chân đồi A1, cụm phù điêu khổ lớn và tượng tròn của nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo, Phạm Xuân Thi được đặt trong công trình Nghĩa trang liệt sĩ A1. Ngoài ra còn có các phù điêu nhỏ đặt ở một số địa điểm di tích như đầu cầu Mường Thanh, hầm De Castries, đồi Him Lam. Tại di tích lịch sử Bia hận thù Noong Nhai đặt tượng tròn và phù điêu thể hiện nỗi đau của người dân Noong Nhai trong cuộc thảm sát bằng bom ngày 25/4/1954 của quân đội Pháp.


Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ do nhà điêu khắc Nguyễn Hải thiết kế

   Bước sang thế kỷ XXI, trước yêu cầu của nhiệm vụ chính trị đáp ứng với tình hình phát triển các mặt của đời sống xã hội, tỉnh Lai Châu được tách ra thành 2 tỉnh Điện Biên và Lai Châu vào năm 2003. Trong dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điên Biên Phủ (1954-2004), các cụm công trình hoành tráng tôn vinh chiến thắng Điện Biên Phủ tiếp tục được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng mới trên các điểm di tích của tỉnh Điện Biên.

   Đây là những công trình mang đến những giá trị mới về chất liệu, hình thức và quy mô hoành tráng. Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ là một trong những công trình trọng điểm chào mừng 50 chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, tượng được đặt trên đỉnh đồi D1, cao 16,6m, chất liệu bằng đồng thau, trọng lượng 220 tấn do nhà điêu khắc Nguyễn Hải thiết kế; hình tượng gồm 3 chiến sĩ Điện Biên đứng với tư thế vững chắc, trên tay một chiến sĩ nâng em bé người dân tộc Thái cầm bó hoa ban hướng về trung tâm thành phố, trên cùng là hình tượng lá cờ Quyết chiến - Quyết thắng đang tung bay; với ngôn ngữ hình khối chắc khoẻ, khúc chiết, vị trí bao quát toàn cảnh, tượng tạo nên điểm nhấn ấn tượng trong không gian cảnh quan của thành phố Điện Biên Phủ. Trong quần thể tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ, tại sân hành lễ còn có bức phù điêu đại cảnh cao trung bình 7,5m, chiều ngang 58m được ghép từ 217 tấm đá xanh, nặng gần 400 tấn. Bức phù điêu đại cảnh miêu tả lại toàn bộ chiến dịch Điện Biên Phủ và lễ ăn mừng chiến thắng của quân, dân và đồng bào địa phương tại Mường Phăng.

   Năm 2009, tượng đài Kéo pháoCụm tượng đài Mường Phăng được khánh thành chào mừng 55 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Tượng đài Kéo pháo đặt tại xã Nà Nhạn, huyện Điện Biên do tác giả Tạ Quang Bạo sáng tác, tượng thể hiện hình khối của 29 chiến sĩ đang kéo khẩu pháo 105 ly xuyên rừng, vượt dốc vào trận địa Điện Biên Phủ; tượng có chiều dài 21m, cao 13,5m, rộng 7m, nặng khoảng 1.200 tấn. Cụm tượng đài Mường Phăng đặt ở xã Mường Phăng, huyện Điện Biên được sáng tác bởi nhà điêu khắc Trịnh Thế Hội, cụm tượng được ghép từ 102 tấm đá xanh, nặng 700 tấn với chiều cao 9,8m, rộng 6m, dài 15,58m; cấu trúc của cụm tượng này gồm 25 nhân vật cao bình quân 2,7m thể hiện hình tượng đại diện các lực lượng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.

   4. Panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ - kỳ tích tôn vinh chiến thắng Điện Biên Phủ

   Tranh panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ được đặt trong Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ, đây là bảo tàng có quy mô hoành tráng, hiện đại ở tỉnh Điện Biên. Bảo tàng có diện tích 22000m2, gồm 1 tầng hầm và 1 tầng nổi. Trong đó, tầng hầm là nơi đón tiếp khách tham quan, không gian tương tác và các dịch vụ. Tầng nổi, mặt bằng vòng ngoài là không gian trưng bày cố định chuyên đề chiến thắng Điện Biên Phủ, trung tâm của mặt bằng là không gian tranh panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ. Bảo tàng được xây dựng từ ý tưởng thiết kế của kiến trúc sư Nguyễn Tiến Thuận. Lấy ý tưởng từ địa hình không gian đồi núi, hệ thống chiến hào của chiến trường Điện Biên Phủ xưa, hình khối bề nổi của bảo tàng gợi lên hình tượng chiếc mũ lưới của quân đội nhân dân Việt Nam sử dụng trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong tầng 2 của bảo tàng, ngay từ lúc thiết kế, kiến trúc sư đã thể hiện ý tưởng về một bức tranh panorama phù hợp với công năng của bảo tàng.

   Panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ là tác phẩm hội họa hoành tráng, được thể hiện tròn khép kín, đường kính 42m, cao 9,3m, diện tích vẽ là 3200m2 , tái hiện hơn 4.500 nhân vật, thời gian thực hiện vẽ trực tiếp và hoàn thiện tại bảo tàng là 2 năm 6 tháng. Tác phẩm được thể hiện bằng chất liệu acrylic trên toan với sự tham gia sáng tác của gần 100 họa sĩ, trưởng nhóm tác giả là họa sĩ Nguyễn Văn Mạc - Giám đốc Công ty Bảo tồn di sản văn hóa. Tác phẩm đã đạt Giải Nhất Giải thưởng Hội Mĩ thuật Việt Nam năm 2022, Giải Xuất sắc Giải thưởng của Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam. Tác phẩm được thể hiện qua 4 trường đoạn: Trường đoạn 1 - “Toàn dân ra trận”; Trường đoạn 2 - “Khúc dạo đầu hùng tráng”; Trường đoạn 3 - “Cuộc đối đầu lịch sử”; Trường đoạn 4 - “Chiến thắng”. Đứng trước sự hoành tráng cả về nội dung và hình thức của tác phẩm, mỗi người thưởng lãm sẽ có những cảm xúc và ngưỡng cảm thụ khác nhau. Nhìn từ góc độ tạo hình, cá nhân tác giả bài viết cho rằng panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ đã tạo nên kỳ tích cho nền mĩ thuật Việt Nam về chủ đề tôn vinh chiến thắng Điện Biên Phủ. Những kỳ tích này được thể hiện ở một số điểm như sau:

   - Sự kết hợp hài hòa giữa các loại hình nghệ thuật: Thông thường một tác phẩm hội họa thường gắn kết với một không gian nội thất của công trình kiến trúc nơi nó được trưng bày, nếu là một tác phẩm điêu khắc tượng tròn đặt ngoài trời hoặc một công trình kiến trúc thì nó còn được gắn kết thêm với các thành tố của không gian ngoài trời. Ở panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ, khi thưởng lãm tác phẩm, người xem thấy được diện tích đồ sộ 3200m2 của nó chiếm trọn không gian chiều đứng, vòm trần của không gian kiến trúc; phần sắp đặt hiện vật kết nối vào mặt đứng của tranh giúp cho người xem cảm nhận được sự hài hoà kết nối từ không gian ảo trong tranh chuyển dần đến không gian thực kết nối với người xem.

   Những trường đoạn liên hoàn của tác phẩm là sự phô diễn quy mô lớn ngôn ngữ của hội họa hoành tráng nhưng trong đó có sự kết hợp hài hoà đúng chừng mực của nghệ thuật sắp đặt, âm nhạc và ánh sáng. Sự gắn kết này đã tạo nên thanh âm và chiều sâu hùng tráng của tác phẩm.

   - Chủ đề tác phẩm tương xứng với tầm vóc chiến thắng Điện Biên Phủ: 70 năm đã trôi qua, chiến thắng Điện Biên Phủ luôn là niềm cảm hứng sáng tạo bất tận cho nhiều thế hệ nghệ sĩ sáng tác ở nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau. Trong nền mĩ thuật cách mạng Việt Nam, từ những ký họa trên đường hành quân năm 1954 của danh họa Tô Ngọc Vân, những ấn phẩm, tác phẩm đồ họa của các họa sĩ trong thời kỳ này đã đặt nền móng cho nhiều thế hệ nối tiếp nhau tạo nên những tác phẩm ngày càng có chất lượng cao về chủ đề chiến thắng Điện Biên Phủ. Từ những sáng tác đơn lẻ của các họa sĩ, nhà điêu khắc… đến những tác phẩm hoành tráng với sự tham gia của hàng trăm họa sĩ là minh chứng cho giá trị xuyên thời gian của chiến thắng Điện Biên Phủ.


Trích đoạn Trường đoạn 1 – “Toàn dân ra trận”- ở panorama “Chiến dịch Điện Biên Phủ”.

   Panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ đã khắc họa thành công một chủ đề lớn mà sức ảnh hưởng của nó mang tầm vóc thời đại. Toàn cảnh bức tranh là một chủ đề lớn của lịch sử và mỗi trường đoạn trong tranh lại bao gồm nhiều tiểu chủ đề khác nhau. Các chủ đề về lực lượng quân sự của Việt Nam và Pháp trong tác phẩm được phân bố khá đồng đều cho cả hai bên chiến tuyến. Tuy nhiên, chủ đề của Trường đoạn 1 - “Toàn dân ra trận”, tự tên gọi của nó đã làm nên sự đặc sắc và kỳ tích cho tác phẩm này.

   Panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ đã tiếp cận chủ đề lớn với cách phân chia các trường đoạn để gợi nên diễn tiến lịch sử của cuộc chiến một cách chủ động, không bị cứng nhắc. Từ Trường đoạn 1 đến Trường đoạn 4, ta nhận thấy sự biến đổi của các chủ đề trong tác phẩm diễn tiến từ sự bình yên, thanh thản, đầy nhạc tính của những đoàn quân, dân công di chuyển giữa núirừng Tây Bắc, chuyển dần tịnh tiến sang những chủ đề thể hiện sự đối đầu, khốc liệt và tàn khốc đến tận cùng của cuộc chiến. Các chủ đề của tác phẩm liên kết, chuyển hóa vào nhau theo hình thức ước lệ về cả không gian và thời gian. Đây cũng là điểm độc đáo của tác phẩm trong việc khai thác chủ đề tranh lịch sử. Với lợi thế này, các chủ đề tác phẩm được đưa vào đa chiều, kết nối xuyên không thời gian.

   Trong trận chiến trên chiến trường Điện Biên Phủ không chỉ có sự đối đầu giữa lực lượng quân sự của quân đội nhân dân Việt Nam và quân đội Pháp, trong cuộc chiến này, Việt Nam đã huy động được sức mạnh của toàn dân tộc, tạo nên kỳ tích thời đại, khẳng định đỉnh cao của nghệ thuật chiến tranh nhân dân. Chủ đề của panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ đã chứa đựng được tầm vóc sức mạnh của cả một dân tộc trong cuộc chiến chống ngoại xâm.

   - Ngôn ngữ tạo hình phù hợp với chủ đề tác phẩm: Panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ thể hiện một chủ đề có biên độ lớn cả về không gian, thời gian. Việc lựa chọn ngôn ngữ tạo hình như thế nào để phù hợp và chuyển tải được chủ đề và tư tưởng lớn của tác phẩm là việc làm đòi hỏi tốn nhiều trí tuệ, công sức và thời gian. Tìm hiểu những tư liệu về một số tranh thể loại lịch sử trên thế giới vẽ theo hình tức panorama có thể thấy không có nhiều tác phẩm thể hiện đề tài chiến tranh theo hình thức này. Những tác phẩm như Panorama Borodino (Franz Alekseyevich Roubaud) và Maroldovo Panorama (Luděk Marold) cho thấy ở những quốc gia khác nhau, nghệ sĩ thường có cách lựa chọn thể hiện ngôn ngữ tạo hình mang tính đặc thù của từng họa phái, phù hợp với văn hoá thưởng lãm của từng thời kỳ lịch sử của dân tộc và vùng lãnh thổ.

   Panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ thể hiện không gian chiến trường rộng lớn kéo dài từ vùng rừng núi tới lòng chảo Điện Biên Phủ. Trên không gian đó hình tượng con người chiếm vai trò chủ đạo. Điều đặc sắc trong tranh đã gợi cho người thưởng lãm cách thức diễn tả được nhiều tộc người trong cùng một quốc gia và nhiều chủng người ở những châu lục khác nhau. Do vậy, việc lựa chọn ngôn ngữ tạo hình thể hiện các nhân vật, cảnh sắc theo họa phái hiện thực đã tối ưu hoá được cách diễn tả đặc điểm nhân dạng, trạng thái, tình cảm, cảm xúc của các nhân vật phù hợp với từng chủ đề trong từng trường đoạn của tác phẩm. Với bút pháp khoáng đạt, khoẻ khắn, các họa sĩ đã biểu đạt được hình tượng những người lính của hai chiến tuyến trong những trạng thái, hoạt động và biểu đạt cảm xúc khác nhau trong cùng một ngôn ngữ nghệ thuật.

   Trong thể loại tranh lịch sử, những trang phục, dụng cụ, vật dụng, vũ khí, công cụ vận chuyển… sẽ làm cho bức tranh sống động và chân thực hơn. Ở panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ cho thấy sự đa dạng về chất liệu trong các chiến cụ, hệ thống vũ khí: xe tăng, máy bay, pháo, súng trường, súng đại liên, các loại bom mìn… những thành tố này được vẽ hoặc sắp đặt trong không gian thật đã tạo nên sự sinh động, làm đa dạng các hoạt động của nhân vật trong tác phẩm. Ngoài ra, ta có thể nhận thấy việc thể hiện các hiệu ứng của khói lửa, ánh sáng trong tranh đã tạo cho không gian chiến trường tính chân thực về sự khốc liệt trên chiến trường.
Trích đoạn Trường đoạn 4 – “Chiến thắng” - ở panorama “Chiến dịch Điện Biên Phủ”.

   Panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ có kết cấu toàn bộ không gian, các tuyến nhân vật, bối cảnh theo phối cảnh tẩu mã kết hợp với phối cảnh theo luật viễn cận. Nhịp điệu của các tuyến nhân vật, bối cảnh tuỳ theo từng trường đoạn có sự sắp xếp từ gần đến xa, từ thấp lên cao. Trong đó, nhịp kết cấu các tuyến không gian và nhân vật của Trường đoạn 1 - “Toàn dân ra trận” là hình ảnh các đoàn quân, đoàn dân công di chuyển ra mặt trận có mật độ dày đặc nhưng dáng điệu thanh thản, tiếp nối, không có nhiều chia cắt bởi các yếu tố khác. Trong các trường đoạn 2, 3, 4, nhịp các tuyến nhân vật dày đặc nhưng bị chia cắt mạnh bởi các chiến hào, công sự, vũ khí… Các tuyến nhân vật, bối cảnh được diễn tả từ gần đến xa theo kết cấu của từng trường đoạn nhưng sự chuyển biến chủ đề, hình tượng, bối cảnh được các họa sĩ xử lý khéo léo làm các trường đoạn nhuần nhuyễn vào nhau tạo nên một tổng thể thống nhất trong tác phẩm.

   Panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ là trận chiến diễn ra trên không gian của bầu trời, mặt đất, trong rừng sâu, trên cánh đồng... Với lối vẽ hiện thực, panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ đã khắc họa sinh động thảm thực vật đa dạng và cảnh sắc nên thơ đặc trưng của núi rừng Tây Bắc, biểu đạt được thời gian diễn ra giai đoạn khốc liệt của cuộc chiến. Đối lập với đó là cái bi tráng của chiến trường, nơi ranh giới giữa sự sống và cái chết thật mong manh. Cùng với hiệu ứng của ánh sáng, toàn cảnh màu sắc của bức tranh dẫn dắt người xem từ trạng thái bình yên, thơ mộng chuyển dần sang cảm nhận sắc màu khốc liệt của chiến trường. Gam màu nóng chủ đạo chi phối gần như toàn bộ tác phẩm, tạo ra một nhiệt lượng ảo nóng bức áp chế người xem, làm cho tác phẩm như đang rung lên theo từng cung bậc thanh âm chát chúa và tàn khốc của chiến trường.

   5. Tạm kết

   Chiến thắng Điện Biên Phủ mang tầm vóc thời đại, là biểu hiện của chủ nghĩa yêu nước, tinh thần cách mạng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam, của ý chí quyết chiến, quyết thắng và sức mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam.

   Chiến thắng Điện Biên Phủ luôn là mạch nguồn khơi gợi cảm xúc cho biết bao thế hệ nghệ sĩ sáng tạo nên những tác phẩm nghệ thuật bất hủ cho nền mĩ thuật Việt Nam. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, các họa sĩ bằng tài năng của mình đã theo suốt từng chặng đường trải theo chiều dài của cuộc chiến góp phần viết lên những trang sử hào hùng của dân tộc. Từ những tác phẩm sáng tác trực tiếp trên chiến trường đến những tác phẩm tràn đầy ký ức sau chiến thắng, rồi đến những tác phẩm, công trình mĩ thuật hoành tráng đã góp phần đưa giá trị của chiến thắng Điện Biên Phủ lên một tầm cao mới mà trong đó giá trị của lịch sử luôn song hành với giá trị của nghệ thuật. 70 năm qua, ở mỗi giai đoạn thăng trầm của lịch sử, mĩ thuật vẫn đang đồng hành và tôn vinh, góp phần lan toả những giá trị cao đẹp và vững bền của chiến thắng Điện Biên Phủ.

 

 

 

Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (2020), Triển lãm Mĩ thuật Việt Nam 2020, NXB Mĩ thuật.
2. Trần Khánh Chương (2017), Hội Mĩ thuật Việt Nam 60 năm xây dựng và phát triển, NXB Mĩ thuật.
3. Phạm Thị Chỉnh (2005), Lịch sử Mĩ thuật Việt Nam, NXB Đại học Sư phạm.
4. Tô Chiêm (2018), Nguyễn Bích họa sĩ của những ô tranh nhỏ, NXB Kim Đồng.
5. https://tienphong.vn/chiem-nguong-buctranh-panorama-lon-nhat-dong-nam-a-vechien-dich-dien-bien-phu-post1628228.tpo
6. https://stttt.dienbien.gov.vn/vi/news/Thongtin-doi-ngoai/an-tuong-buc-tranh-panoramatai-hien-chien-dich-dien-bien-phu-5055.html
7. https://vietsensetravel.com/bao-tang-toancanh-tran-chien-borodino-n.html
8.https://www.prague.eu/en/object/places/330/maroldpanorama-maroldovo-panorama?back=1

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận