TIỂU THUYẾT TƯ LIỆU VỀ ĐIỆN BIÊN PHỦ QUA MỘT GÓC NHÌN*

Bài viết phân tích những giá trị đặc sắc của tiểu thuyết tư liệu lịch sử ''Điện Biên Phủ - bản hùng ca chiến thắng'' của Cao Văn Liên, đồng thời, khái quát một số nét chính về nội dung và nghệ thuật của những tiểu thuyết viết về Điện Biên Phủ.

 

   Tác giả Cao Văn Liên là nhà giáo, nhà nghiên cứu sử học, đồng thời là một người cầm bút làm thơ, viết văn. Ông đã sáng tác hàng nghìn bài thơ, cho in thành một tập dày, xuất bản năm 2017. Về văn xuôi, ông được độc giả chú ý với bộ tiểu thuyết lịch sử Việt Nam diễn nghĩa gồm 8 tập (NXB Hồng Đức, 2019-2022) bao quát những chặng đường, sự kiện lịch sử quan trọng trên trường kỳ lịch sử mấy ngàn năm dựng nước, giữ nước của quốc gia Việt Nam.

   Điện Biên Phủ - bản hùng ca chiến thắng là tập VIII của bộ tiểu thuyết lịch sử đồ sộ nói trên, do Nhà xuất bản Hồng Đức ấn hành năm 2022. Tính từ năm 1954 đến 2023, trong số ít ỏi tiểu thuyết viết về Điện Biên Phủ đã xuất bản, cuốn tiểu thuyết nói trên của Cao Văn Liên gây ấn tượng với người đọc bởi một số nét đặc sắc.

   Một là, là tiểu thuyết tư liệu lịch sử, ghi chép biên niên, tái hiện chân thực những trang ký sự - hồ sơ diễn biến của trận Điện Biên Phủ trong 56 ngày đêm chiến trận ác liệt (13/3/1954-7/5/1954) qua góc nhìn lịch sử - hồi ức về 3 giai đoạn của chiến dịch, từ lúc mở đầu đến lúc kết thúc, với những trận chiến giằng co quyết liệt của đôi bên: quân đội nhân dân Việt Nam và quân đội viễn chinh Pháp.

   Do có độ lùi của thời gian lịch sử và sự hỗ trợ của kho hồ sơ tư liệu khoa học lịch sử trong và ngoài nước, hồi ký của những người đã tham gia cuộc chiến, tiểu thuyết đem lại cho người đọc một cái nhìn toàn cảnh xen kẽ những tư liệu tổng hợp đầy đủ, chính xác, có sức thuyết phục khoa học dưới nhiều góc độ của sự kiện lịch sử trọng đại này.

   Là một nhà nghiên cứu, nhà giáo sử học chuyên nghiệp bậc đại học và sau đại học, tác giả Cao Văn Liên sở hữu khá đầy đủ các số liệu từ các nguồn hồ sơ khai thác khác nhau: những địa danh, mốc thời gian, tên người, quân số tham chiến và khí tài đôi bên đã sử dụng trong từng trận chiến quan trọng. Ông đã chọn lọc từ trong kho tư liệu hồ sơ khổng lồ đó những chất liệu phù hợp để đưa vào cuốn tiểu thuyết lịch sử này nhằm tạo nên sự chân thực, khách quan, khoa học để từ đó người đọc có thể rút ra những nhận xét, đánh giá cần thiết về phương diện khoa học quân sự thực chứng.

   Với 11 chương sách, độ dài hơn 200 trang in, tác giả đã cho thấy mặc dù về trang thiết bị, vũ khí, khí tài tác chiến của quân đội nhân dân Việt Nam còn ít ỏi hơn đối phương nhưng ngược lại, Việt Nam có đường lối chính trị, quân sự đúng đắn và khoa học. Nhờ tinh thần yêu nước nồng nàn và ý chí quyết chiến quyết thắng, quả cảm, sẵn sàng hi sinh của tập thể các tầng lớp quân dân, từ những người dân công hậu phương đến những sĩ quan, chiến sĩ nơi chiến trường đối diện trực tiếp với đạn bom và cái chết gần kề, chúng ta đã từng bước làm phá sản kế hoạch chiến lược cuồng vọng của thực dân Pháp được đế quốc Mĩ hà hơi tiếp sức.

   Sức mạnh tinh thần chính nghĩa của cuộc chiến đấu anh dũng của nhân dân ta được bạn bè quốc tế cổ vũ đã nhân lên gấp bội nguồn lực tổng hợp của cuộc chiến tranh nhân dân thần kỳ, dồn kẻ thù đến bến bờ của sự diệt vong.

   Từ nhiều góc độ miêu tả, tác giả đã làm rõ: chấp nhận sự đối đầu ở thế chủ động tiến công dồn quân địch vào thế bị động đối phó, quân và dân ta đã giáng những đòn sấm sét, đập tan cuồng vọng và huyền thoại về cái gọi là “sức mạnh quân sự tối ưu của Đại Pháp” khiến chúng không kịp trở tay, buộc phải kết thúc chiến tranh, ngồi vào bàn đàm phán tại Hội nghị Genève, lập lại hòa bình ở Việt Nam nếu như chúng không muốn tiếp tục nhận những thất bại nặng nề, cay đắng.

   Với ưu thế và sở trường của nhà sử học, sở hữu những tư liệu vô giá lưu trữ trong văn khố quốc gia, với tay bút thành thục của nhà văn chuyên viết về các đề tài của lịch sử dân tộc của nhà văn, tiểu thuyết này là một sự lý giải khoa học thực chứng về thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ là thắng lợi của chủ nghĩa anh hùng, lòng yêu nước nồng nàn, ý chí quyết tâm giành thắng lợi, bất chấp mọi gian khổ, khó khăn, trí tuệ, sáng tạo của nghệ thuật quân sự Việt Nam kế thừa tinh hoa của truyền thống chống ngoại xâm anh dũng của dân tộc. Điện Biên Phủ, như tên tác giả đặt cho tiểu thuyết, thực sự là bản hùng ca chiến thắng mà cả dân tộc Việt Nam tự hào, thế giới cảm phục.

   Bên cạnh thế thượng phong đứng trên đầu thù của quân dân ta, tác giả đã làm hiện lên bộ mặt thật của kẻ thù: sự phi nghĩa và cuồng vọng mà chủ quan, khinh địch của chúng; những sai lầm về chiến lược và chiến thuật trong phòng thủ bị động đã khiến chúng tuy quân số đông, vũ khí nhiều và hiện đại vẫn không tránh được kết thúc thảm hại là thất thủ và đầu hàng nhục nhã.

   Hai là, bút pháp tự sự miêu tả chân dung tập thể nhân vật của hai phía, hai bên tham chiến có sự khác biệt về bản chất tính cách, nhân cách.

   Về phía địch là những chính khách, chỉ huy quân sự tự thị, chủ quan, ỷ thế quân đông, vũ khí nhiều và hiện đại nhưng không che giấu được những sai lầm, lúng túng, bế tắc về chiến lược, chiến thuật. Sự bạc nhược của đội quân thiếu lý tưởng chiến đấu, phi nghĩa, chủ yếu là lính đánh thuê khiến chúng liên tiếp đi từ thất bại này đến thất bại khác, bị dồn đến bước đường cùng mà thất thủ, đầu hàng, có sĩ quan pháo binh phải tự sát vì thua đau, nhục nhã.

   Về phía ta, từ trên xuống dưới có sự tin tưởng, quyết tâm, đồng lòng, đồng cam cộng khổ, không quản vất vả hi sinh tính mạng để giành chiến thắng.

   Trong bút pháp tự sự, tác giả đã dừng lại để khắc họa những tình tiết (episode) nổi bật, cận cảnh:

   - Vai trò của dân công hỏa tuyến, sự chi viện to lớn của hậu phương đảm bảo công tác hậu cần dẫn tới thắng lợi;

   - Sự chỉ đạo điều chỉnh chiến lược, chiến thuật của Bộ Chỉ huy chiến dịch từ “đánh nhanh, thắng nhanh” đến “đánh chắc, tiến chắc”;

   - Vai trò của công binh, pháo binh – hai binh chủng đặc biệt khiến địch bất ngờ, kinh hoàng, không đối phó kịp;

   - Sự phối hợp giữa các quân/ binh chủng, tiền phương và hậu phương, cấp trên và cấp dưới trong hợp đồng tác chiến;

   - Những yếu tố bất ngờ, sáng tạo từ thực tiễn địa hình, địa vật và phương thức tác chiến phù hợp, giành lợi thế về ta;

   - Phát huy thế chủ động, bao vây, xiết chặt địch trong các mũi tấn công gọng kìm rồi kết liễu số phận địch.

   Tất cả cho thấy Điện Biên Phủ – trận quyết chiến chiến lược mà ta ở thế chủ động, hiệp đồng tác chiến một cách hiệu quả, vừa đánh vừa rút kinh nghiệm kịp thời, phát huy trí tuệ tập thể với sự thăng hoa của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và sức mạnh vô địch của chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc.

   Ba là, độ căng thẩm mĩ trong nghệ thuật tự sự khi tác giả miêu tả những trận đánh then chốt trong từng giai đoạn của chiến dịch: đồi Him Lam, đồi Bản Kéo, đồi Độc Lập, đánh chiếm đồi A1, đánh vào khu trung tâm Mường Thanh, bắt sống tướng chỉ huy của tập đoàn cứ điểm, kết thúc chiến dịch, ca khúc khải hoàn.

   Tác phẩm mở ra những trang hồ sơ chiến lệ về từng trận đánh, lôi cuốn độc giả theo dõi diễn biến căng thẳng, ác liệt, cảnh mưa bom bão đạn, con người đứng giữa lằn ranh của cái sống và cái chết và vượt lên, là cái giá không gì so sánh được của những chiến thắng tất yếu mà chúng ta đã giành được bằng sự dũng cảm vô song, tuyệt vời, đáng khâm phục.

   Tác phẩm khắc họa tư tưởng nhân văn, yêu chuộng hòa bình, trân quý tính mạng con người, thể hiện trong đường lối chiến tranh nhân dân của phía Việt Nam.

   Kế thừa truyền thống nhân ái của cha ông từ xa xưa, chúng ta đã vận dụng tài tình chiến thuật “tâm công” – đánh vào lòng người, binh vận làm tan rã hàng ngũ địch khiến chúng tự nguyện buông súng đầu hàng, được bảo toàn tính mạng mà phía ta không phải nhọc lòng hi sinh mà vẫn giành chiến thắng.

   Và khi địch bị dồn vào đường cùng, ta sẵn sàng chấp nhận sự đầu hàng của địch. Hàng vạn sĩ quan, binh sĩ địch khi đã đầu hàng đều được đối xử nhân đạo, khoan dung, tử tế. Chi tiết tướng De Castries sau khi đầu hàng được nhận lại chiếc dù chiến lợi phẩm mà quân ta thu được (vốn là do Nhà nước Pháp để dành cho y, lên dây cót tinh thần cho y) đã hóm hỉnh cho thấy sự cao thượng của người Việt Nam cùng sự mỉa mai thay số phận kết thúc bẽ bàng của y – người thất trận của phía cường quốc!

   Một điểm đáng lưu ý khác về nghệ thuật tự sự của tác phẩm là ở sử dụng các điệp khúc lời trong khi miêu tả các chiến lệ, các mệnh lệnh chiến đấu. Không nên xem ở đây là một sự dài dòng trùng lặp khi miêu tả mà cần thấy sự dụng ý của tác giả: chúng như những tiếng trống trận hào hùng, thúc giục liên hồi, động viên chiến sĩ nhằm đích xông lên giành chiến thắng!

   70 năm qua, sau thắng lợi vang dội “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” của chiến dịch Điện Biên Phủ đã có 7 cuốn tiểu thuyết của các nhà văn Việt Nam gần xa viết về Điện Biên Phủ. Đó là: Người người lớp lớp, 3 tập (1954-1955) của Trần Dần; Dòng sông (1955) của Nguyễn Chân; Truyện một người bị bắt (1957) của Vũ Cao; Cao điểm cuối cùng (1961) của Hữu Mai; Bốn năm sau (1959) của Nguyễn Huy Tưởng; Điện Biên Phủ - bản hùng ca chiến thắng (2022) của Cao Văn Liên; Vầng trăng Him Lam (2023) của Châu La Việt. Mỗi cuốn tiểu thuyết nói trên viết về Điện Biên Phủ ở các góc độ và phạm vi phản ánh, miêu tả, bút pháp nghệ thuật khác nhau, song đều rất đáng quý và cần ghi nhận nỗ lực của các tác giả.

   Người người lớp lớp như là tiểu thuyết phóng sự miêu tả trực tiếp các lực lượng quân và dân ta tham gia phục vụ chiến đấu và trực tiếp chiến đấu tại chiến trường Điện Biên Phủ vô cùng ác liệt. Tác phẩm phác họa bức tranh toàn cảnh chiến trận, làm nổi bật sức mạnh và khí thế tập thể người người lớp lớp xông lên, người trước ngã, người sau tiến, không quản hi sinh, gian khổ để giành thắng lợi xứng đáng. Có những trang được tác giả viết ngay tại chiến hào, khi viết xong, được đọc trực tiếp cho các chiến sĩ đang cầm súng nghe viết về mình, kể về mình, cố gắng nắm bắt hồn cốt của sự việc và con người là chính, tên nhân vật được sáng tạo, không hoàn toàn là người thật việc thật. Đặc sắc của tác phẩm là mang hơi thở nóng hổi cảnh, người và các sự kiện diễn ra trước mắt tại chiến trường Điện Biên Phủ ngay trong lúc sự việc đang diễn biến hoặc vừa kết thúc.

   Dòng sông của Nguyễn Chân cho thấy sự đóng góp to lớn của người hậu phương, cuộc chiến đấu vô cùng ác liệt ở chiến trường Điện Biên Phủ cùng mối tình đẹp nảy nở giữa người chiến đấu và người phục vụ trong chiến tranh.

   Truyện một người bị bắt của Vũ Cao tập trung viết về đời sống cơ cực và cuộc đấu tranh bền bỉ, bất khuất cho tự do, được trở lại đội ngũ chiến đấu cùng đồng đội của những chiến sĩ Điện Biên Phủ sau khi không may mắn bị địch bắt giữ trong khi tham chiến.

   Cao điểm cuối cùng của Hữu Mai tập trung miêu tả một trận đánh then chốt thuộc giai đoạn thứ ba của chiến dịch Điện Biên Phủ – cuộc tấn công giành giật với địch cao điểm A1, điểm phòng ngự vô cùng lợi hại mà địch sống chết phòng thủ và tử thủ. Nơi đây thử thách bản lĩnh chiến đấu của cán bộ chiến sĩ ta, tôn vinh những tấm gương sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng, cảnh báo về sự tha hóa, hèn nhát, cầu an tính mạng.

   Bốn năm sau của Nguyễn Huy Tưởng mở ra một bức tranh về Điện Biên Phủ sau chiến thắng, ngổn ngang những di tích còn sót lại vô cùng nguy hiểm do chiến tranh để lại nhưng một Điện Biên tái thiết đang được hồi sinh với nhiệt tình của những con người lao động mới bình thường, giản dị. Một nông trường mới đang được vun đắp, hình thành với những quan hệ mới tốt đẹp giữa con người với con người, đảm bảo cho họ một cuộc sống hòa bình, ấm no và hạnh phúc.

   Vầng trăng Him Lam của Châu La Việt ghi nhận sự đồng hành của một thế hệ văn nghệ sĩ gắn bó với lịch sử của dân tộc, thiết tha có những đóng góp kịp thời là những tác phẩm văn học, nghệ thuật xứng đáng với thời đại, với yêu cầu của công chúng, cho hôm nay và mai sau.

   Điện Biên Phủ - bản hùng ca chiến thắng của Cao Văn Liên thì đi theo hướng khác, không thiên về hư cấu mà đầy ắp những tư liệu chân thực về lịch sử, trong hồi ức của những người đương thời từng sống, nếm trải với sự kiện. Đề cao tính trung thực lịch sử ở mức tối đa còn đọng lại, để đời trong những trang hồ sơ tư liệu của cả hai bên tham chiến, ở trong nước và quốc tế, tác phẩm là sự tổng hợp, một khúc vĩ thanh, một bản hùng cả tôn vinh dân tộc với những phẩm chất cao đẹp sáng ngời chân lý “không có gì quý hơn độc lập, tự do”, đạp lên đầu thù, phất cao ngọn cờ quyết chiến, quyết thắng do Hồ Chủ tịch trao gửi.

   Số lượng ít ỏi cùng chất lượng tiểu thuyết đã có về Điện Biên Phủ chưa hoàn toàn đáp ứng yêu cầu cao của người đọc, chúng ta vẫn không thôi trăn trở việc tiếp tục sáng tác về Điện Biên Phủ trong những cuốn tiểu thuyết sử thi, ở tầm vóc của đỉnh cao nghệ thuật tự sự, thu hút sự tìm đọc của độc giả trong nước cũng như quốc tế, đời đời bất hủ! Muốn vậy, phải đốt cháy lên khát vọng sáng tạo mãnh liệt, không ngừng tích lũy một kho vốn sống, tư liệu đa dạng và phong phú về Điện Biên Phủ và liên quan đến Điện Biên Phủ; tìm một hướng và góc độ tiếp cận mới mẻ; phát huy tận độ sở trường năng lực của mình… để trong thời kỳ sung sức nhất của bút lực tự sự, viết ra được tác phẩm kết tinh tâm huyết nghề nghiệp, độ chín mùi của bút pháp, tay nghề; sự thăng hoa của tài năng thiên bẩm với lao động không mệt mỏi, say sưa bền bỉ không cùng, không có giới hạn… Hãy xem đó là một thử thách to lớn, một đòi hỏi nghiệt ngã mà các văn nghệ sĩ nói chung, các nhà tiểu thuyết nói riêng phải đối diện và phải tìm mọi cách, không thể tránh né, mà dũng cảm, kiên trì vượt qua, đi tới thành công hằng mong đợi!

 

 

 

Chú thích:
* Đọc tiểu thuyết tư liệu lịch sử Điện Biên Phủ - bản hùng ca chiến thắng của Cao Văn Liên, NXB Hồng Đức, 2022.

    

 

Bình luận

    Chưa có bình luận