Tính từ mùa xuân năm 1947, khi quân dân Thủ đô ta tạm rời Hà Nội “cả đô thành nghi ngút cháy sau lưng” lên Việt Bắc trường kỳ kháng chiến cho đến ngày ta thắng ở Điện Biên rồi về lại Thủ đô, tính năm là 7 năm. Còn từ Giải phóng Điện Biên đến nay đã gấp 10 lần con số đó, 70 năm. Trong ký ức một đời người đã là xa xôi lắm. Nhưng sao dư âm của những ngày tháng ấy như vẫn ngân nga trong tâm hồn chúng ta, những người tóc bạc, và cả những người tóc xanh, vốn không có ký ức riêng về năm tháng ấy. Chúng ta nhớ lại cả cái hồn vía tạo vật bùng mở theo mùa xuân rừng tươi tắn tiến về xuôi. Xin các bạn nghe lại trong lòng mình giai điệu Đỗ Nhuận, giai điệu của nhạc chứ không phải nghĩa chữ trong ca từ: “Giải phóng Điện Biên, bộ đội ta tiến quân trở về, giữa mùa này hoa nở, miền Tây Bắc tưng bừng vui”. Giai điệu gợi ra hình ảnh, gợi ra hồn vía, hồn vía của chính ta trong ngày tháng ấy, khi lần đầu nghe bản nhạc ấy. Nhạc sĩ Đỗ Nhuận có một đóng góp kỳ lạ là ông góp phần quan trọng tạo nên phong vị tâm hồn rất đặc trưng cho cuộc kháng chiến chống Pháp, mà Chiến thắng Điện Biên và Du kích sông Thao là những ví dụ đầy thuyết phục. Mọi người Việt, dù không có kiến thức gì về nhạc như tôi cũng nhập được vào hương và vị của không gian lịch sử một đi không trở lại ấy.
Một bài hát khác cũng đã đánh dấu Điện Biên vào tâm hồn dân ta là Hò kéo pháo của Hoàng Vân. Nhạc sĩ Hoàng Vân khi ấy còn ở tuổi thanh niên, tiếng hò kéo pháo cao xạ lên trận địa núi rừng chưa hề có trong lịch sử chiến tranh của cha ông ta. Giai điệu trầm hùng bi tráng của những người cứu nước, kéo vũ khí lên trận địa thành một tư liệu tâm hồn góp phần vào lưu giữ chứng cứ xúc động cho lịch sử. Trong Hò kéo pháo, bằng sức nghe bản năng homo sapien, tôi đã nhận ra được tiếng âm vang của vực sâu núi cao dội trong tiếng hò người đánh giặc. Tôi thú nhận tôi đã từng tìm cảm hứng để làm thơ về chiến thắng Điện Biên, làm thơ về kháng chiến chống Pháp từ âm nhạc của các bậc tiền bối như Đỗ Nhuận, Hoàng Vân và các vị khác của thời cuộc ấy. Tôi cũng nhận ra, để lưu giữ ký ức thì văn báo chí như ghi chép, như phóng sự có sức lưu giữ được chi tiết hơn, cụ thể hơn nhưng lại chỉ ở cấp độ thân xác sự kiện. Còn để lưu được cả hồn vía của sự kiện thì phải dùng đến văn chương là thơ và truyện, nhất là thơ. Còn cao hơn cả thơ, nghĩa là không cần đến tác động của nghĩa chữ, ấy là âm nhạc. Người nghe cảm nhận nhạc bằng trực giác, bằng bản năng. Không cần phiên dịch và hãy khoan giải thích, bình luận. Hãy cứ “Dừng hơi thở lại xem trong ấy/ Hiển hiện hoa và phảng phất hương” (Xuân Diệu). Tôi đã mượn âm nhạc làm phần đầu bản tiểu luận này để nói sức phản ánh, lưu giữ hiện thực thần kỳ và bí ẩn của nghệ thuật. Điều tôi muốn nói kỹ hơn là sự nhập cuộc của thơ trong sự nghiệp cứu nước ở trận đánh sinh tử Điện Biên Phủ.
Kể từ năm 1858, khi người Pháp dùng thủy quân tiến đánh Đà Nẵng, thì lịch sử nước ta là lịch sử cứu nước, lịch sử chống xâm lăng. Nhưng đau đớn thay, mọi cuộc nổi dậy đều bị dìm trong biển máu. Tư tưởng chiến đấu của những phong trào yêu nước chưa vượt qua được tư tưởng xuất phát từ ngưỡng văn minh công nghiệp của kẻ xâm lược. Phải đến năm 1930, những người yêu nước mới tìm được chủ thuyết đấu tranh mới kết tinh trên nền sản xuất công nghiệp tiên tiến của nhân loại mới chủ trương chiến tranh nhân dân và chiến đấu toàn diện để tiến hành kháng chiến cứu nước. Chỉ công thức ấy mới tạo được động lực đánh bại ý chí xâm lược của những ngoại bang hung hãn nhất. Tôi nói hơi xa với chủ đề để thấy, thấy từ xa, tính chất toàn dân, toàn diện của cuộc chiến cứu nước đã tạo tiền đề cho người văn chương nghệ thuật đồng hành mật thiết với người đánh giặc ở chiến trường. Chuẩn bị lệ bộ cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền, Đảng ta đã thảo Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943) vạch rõ phương châm hoạt động của nền văn hóa mới, giúp giới nghệ thuật tìm đường, nhận đường, chủ động đóng góp phần mình vào cuộc chiến. Góp phần trong sự hình thành ý chí lẫn tình cảm, lý tưởng lẫn hành động của người ra trận, của hình thái toàn dân đánh giặc mà Chiến dịch Điện Biên Phủ là một kết tinh cao độ nhất, tính đến thời điểm ấy.
Tố Hữu, nhà thơ tài năng, mà trong tập thơ đầu tay của ông, phía dưới những bài thơ thuở 19, 20, 21 tuổi, ở dòng ghi nơi sáng tác lại là tên những nhà tù: Lao Thừa Thiên, Lao Bảo, Ban Mê Thuột… là xà lim số 1, xà lim Quy Nhơn và ở khá nhiều bài còn chua thêm: “Trong những ngày tuyệt thực”. Những năm kháng chiến chống Pháp, thơ ông được coi như ngọn cờ đầu của nền thơ cách mạng, mà trong đó đã tập hợp hầu hết những tài năng kiệt xuất của phong trào Thơ mới trên thi đàn công khai trước đó. Thơ mừng chiến thắng Điện Biên của Tố Hữu xuất hiện khá sớm, có khi ông viết ngay trong đêm nhận tin chiến thắng. Thơ đã bắt đầu bằng không gian ấy:
“Tin về nửa đêm
Hỏa tốc hỏa tốc
Ngựa bay lên dốc
Đuốc chạy sáng rừng
Chuông reo tin mừng
Loa kêu từng cửa
Làng bản đỏ đèn đỏ lửa”.
Không gian này, theo cảm thụ của tôi, là một không gian hư cấu dựa trên những chi tiết đời sống mà nhà thơ trực tiếp thu nhận ở cơ quan và ở trong làng xóm ATK Việt Bắc. Phần hư cấu chính là chỗ ông tập trung các chi tiết lại thành một cao trào có hơi hướng cổ điển, truyền thống, mang khí vị xa xưa, dân dã. Đọc mà ngỡ như đang đón tin “báo tiệp” từ thuở thắng Nguyên, bình Ngô, có nửa đêm hỏa tốc, có ngựa phi như bay, có đỏ đèn đỏ lửa, có loa loa trong làng trên xóm dưới. Nhịp câu ngắn, điệu thơ nhanh. Không khí cổ xưa đến nỗi tiếng chuông điện thoại cũng bị hiểu là tiếng chuông đình, chuông chùa gióng lên chào đón tin vui và cái không gian nửa đêm lại làm tôi nhập vào không gian Chinh phụ ngâm, nửa đêm truyền hịch thuở nào. Sau đoạn mở đầu rất gợi không khí ấy, bài thơ nghiêng về bút pháp chính luận với những sự kiện của “Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” và những sự tích chiến đấu, phục vụ chiến đấu của quân và dân ta. Tác giả sử dụng linh hoạt bút pháp tự sự, bình luận và trữ tình trong một hơi cảm xúc nhất quán khá tài tình. Bài thơ dài tới 97 câu nhưng đọc vẫn thoáng nhờ một cấu tứ giản dị: “hoan hô”… mà tác giả đã bộc lộ ngay bằng tên bài thơ Hoan hô chiến sĩ Điện Biên. Cả bài thơ là một chuỗi hoan hô. Nhà thơ có ý nhường cho cảm xúc phổ cập của toàn dân được bộc lộ thả cương thả cửa. Đôi lúc ông ý tứ xen những câu miêu tả tài hoa, tạo một nhịp nghỉ thư giãn trữ tình cho người đọc. Ấy là khi hình ảnh lộng lẫy của Điện Biên chiến thắng sáng rực như tấm huân chương khổng lồ trên ngực non sông đất nước, trên ngực toàn dân tộc:
“Đêm lịch sử, Điện Biên sáng rực
Trên đất nước, như huân chương trên ngực
Dân tộc ta, dân tộc anh hùng!”.
Hay khi nhắc đến những địa danh lập công của chiến trường, giọng thơ hồn nhiên, tự nhiên mà lại như đang dâng lên Tổ quốc bó hoa chiến thắng màu sắc tưng bừng xanh, hồng, lam, trắng, da cam, vàng trong hơi thơ lục bát thân gần như câu ru nghe tự tuổi nằm nôi:
“Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam
Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng”.
Bài thơ Giá từng thước đất là sáng tác của nhà thơ quân đội Chính Hữu, khi ông được sống với thực tế chiến trường. Thơ nảy sinh từ hiện thực, có thể coi như một thông tin chiến sự nhưng lại ẩn giấu một biểu tượng sâu sắc về lòng yêu đất nước, về ý chí hi sinh cao cả. Chính Hữu làm thơ như viết văn bia. Từng chữ, từng câu chính xác, hàm súc và toàn bài là một cấu tứ có sức khái quát giàu ý nghĩa mà lại rất chân thực. Tư lệnh mặt trận đổi chiến thuật tác chiến từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Bộ đội thực hiện đào hào giao thông từng đêm lấn dần vào tung thâm trận địa. Mỗi đêm hi sinh đến một tiểu đội. Thơ Chính Hữu không giấu những hi sinh ấy. Và giữa trận, ông tìm ra định nghĩa về đồng đội: “Chia nhau đứng trong chiến hào chật hẹp/ Chia nhau cuộc đời chia nhau cái chết”. Thơ cắn răng ghi lại những tư thế hi sinh và tên những nấm mộ dọc theo hai bên đường phát triển chiến hào:
“Bạn ta đó
Ngã trên dây thép ba tầng
Một bàn tay chưa rời báng súng,
Chân lưng chừng nửa bước xung phong.
Ôi những con người mỗi khi nằm xuống
Vẫn nằm trong tư thế tiến công!
Bên trái: Lò Văn Sự
Bên phải: Nguyễn Đình Ba,
Những đêm tiến công, những ngày phòng ngự,
Có phải các anh vẫn còn đủ cả
Trong đội hình đại đội chúng ta?”.
Ý thơ tiến dần trong từng câu đã phát triển thành tứ của toàn bài:
“Khi bạn ta
lấy thân mình
đo bước
Chiến hào đi,
Ta mới hiểu
giá từng tấc đất”.
Thơ về giải phóng Điện Biên chưa nhiều như khi ta viết về giải phóng Sài Gòn nhưng cũng không ít. Còn có Nguyễn Đình Thi, Trần Lê Văn… Nhất là mảng ca dao, thơ lục bát, thơ vui của dân công, bộ đội. Ở đây xin chỉ chọn giới thiệu hai bài tiêu biểu cho hai khuynh hướng viết. Thơ về Điện Biên còn được viết trong nhiều năm sau này, cố nhiên theo những chủ đề mới, nảy sinh vào lúc đó. Thơ về liệt sĩ Bế Văn Đàn lấy thân làm giá súng được Trinh Đường viết năm 1964, khi giặc Mĩ mở chiến tranh xâm lược ra Miền Bắc, sau đó Huy Du phổ nhạc đã mang sức mạnh Điện Biên, ý chí Điện Biên vào chiến trường kê cao giá súng xả đạn xuống đầu thù:
“Hoa ban chan bao nước mắt anh Pù
Thân giá súng vẫn còn nguyên chỗ cũ
Miền Nam đang xả đạn xuống đầu thù”.
Vận hội đổi mới mở ra nhiều thời cơ xây dựng, phát triển đất nước, nâng cao mức sống người dân nhưng cũng xuất hiện những nguy cơ hút con người vào thoái hóa, biến chất. Đây đó đã có những người là anh hùng ở giai đoạn trước nhưng lại là tội đồ ở giai đoạn sau. Nhưng tôi tin tiếng “hò dô” kéo pháo của Điện Biên năm xưa vẫn mãi vang trong tâm trí, kêu gọi, thôi thúc mỗi người biết trăn trở “ta đã làm gì cho Tổ quốc” để sống tử tế hơn.