Trong Báo cáo Việt Nam 2035: Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ do Ngân hàng Thế giới và Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện năm 2016, khi đánh giá thực trạng hệ thống đô thị Việt Nam, đã nhận xét: Hệ thống phân loại, nâng cấp và quy hoạch đô thị bất hợp lý, kích thích chính quyền địa phương chạy theo thành tích (thay vì mục tiêu phát triển kinh tế bền vững) mở rộng quy mô đô thị và đầu tư quá mức, bỏ qua các chỉ tiêu thực tế về mật độ dân số, về khả năng kết nối để kích thích tăng trưởng. Tốc độ đô thị hóa tăng nhanh dẫn đến sự dịch chuyển ồ ạt (mất kiểm soát) dân cư nông thôn vào thành phố tìm kiếm việc làm tạo thêm áp lực cho đô thị về hệ thống dịch vụ, hạ tầng kỹ thuật, về chất lượng môi trường sống, về nhà ở cho người nghèo... tạo ra những thách thức (không lường trước) trong nền kinh tế đang phát triển. Các đô thị Việt Nam chưa được liên kết với nhau để tạo thành một hệ thống đồng bộ, thiếu mối liên kết chặt chẽ. Nhiều địa phương còn tư duy phát triển cục bộ, độc lập. Khác với thế giới, các đô thị Việt Nam thường hình thành với đô thị hạt nhân, bao quanh là một vùng nông thôn rộng lớn mang nặng cơ cấu truyền thống văn hóa làng, xã với mặt bằng dân trí không cao (nếu không nói là thấp). Ngày càng có sự đối lập giữa các khu vực đô thị mới với các tòa chung cư cao tầng hiện đại, tiện nghi, sang trọng và các xóm nhà ở lụp xụp, tạm bợ của người nghèo và người mới nhập cư. Phân hóa giàu - nghèo trong đô thị và giữa đô thị với nông thôn ngày càng sâu sắc. Những đánh giá của Báo cáo Việt Nam 2035: Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ có thể còn chưa thật sự đầy đủ nhưng cũng cho ta một cái nhìn tổng quan khá đậm nét về bức tranh toàn cảnh hệ thống đô thị Việt Nam, giúp chúng ta soi chiếu làm rõ thêm định hướng về đô thị hóa, về phát triển đô thị của nước ta trong những năm tới.
Tôi rất tâm đắc với nhận xét của một triết gia Pháp ở thế kỷ XVIII: “Đô thị là tấm gương trung thực nhất phản ánh thời đại”. Đúng như thế, trải qua hơn 70 năm đô thị hóa và phát triển đô thị, đặc biệt giai đoạn hơn 30 năm đổi mới và hội nhập quốc tế, hệ thống đô thị nước ta ngày càng phát triển. Tính đến nay, chúng ta đã có 866 đô thị, trong đó có 2 đô thị loại đặc biệt, 23 đô thị loại 1, 31 đô thị loại 2, 48 đô thị loại 3, 90 đô thị loại 4 và 672 đô thị loại 5 với tỉ lệ đô thị hóa đạt gần 40%. Các đô thị đã, đang là động lực phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và kinh tế lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Kinh tế đô thị đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của từng địa phương, từng vùng, miền và của cả nước. Đã hình thành một số cực tăng trưởng chủ đạo ở các thành phố lớn, đặc biệt là hai đại đô thị là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Kiến trúc đô thị góp phần làm thay đổi diện mạo đất nước theo hướng văn hóa, văn minh, hiện đại và bản sắc. Sự phát triển hệ thống đô thị Việt Nam không chỉ cải thiện chất lượng sống của gần 35 triệu cư dân đô thị mà còn tác động tích cực vào phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Đã dần hình thành lối sống mới, nếp sống mới phù hợp với văn hóa, văn minh đô thị và tư duy quản trị đô thị của các cấp chính quyền.
Trong quá trình phát triển, do xuất phát điểm từ nền kinh tế thấp, trải qua nhiều thập niên chiến tranh, lại mới chuyển từ kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa có sự quản lý của nhà nước nên những bất cập, yếu kém, nảy sinh trong quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị là tất yếu. Chính vì thế, hiện nay cần thiết phải có sự đổi mới quyết liệt từ chính sách, tư duy quản trị, phương pháp luận quy hoạch đến hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn lập quy hoạch xây dựng đô thị... để hệ thống đô thị phát triển bền vững, hài hòa, phù hợp với bản sắc văn hóa, tiềm năng kinh tế của từng địa phương, từng vùng, từng miền, có khả năng thích ứng trước biến đổi khí hậu, dịch bệnh... và phù hợp với xu thế phát triển bền vững lâu dài của đất nước. Để làm được điều đó, ngay bây giờ, cần tiếp tục hoàn chỉnh các văn bản pháp luật để tránh chồng chéo khi đã có Luật Đất đai, Luật Quy hoạch, Luật Kiến trúc, Luật Nhà ở, Luật Xây dựng và tích hợp những nội dung quan trọng liên quan đến đô thị đã được Chính phủ phê duyệt và thực hiện như Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050. Cần lựa chọn mô hình phát triển đô thị phù hợp với điều kiện tự nhiên, văn hóa, lối sống và tiềm năng kinh tế của từng địa phương, từng vùng, từng miền. Đây là điều rất quan trọng khi lập quy hoạch đô thị. Sự khác biệt này sẽ làm cho mỗi đô thị có bản sắc riêng, giá trị riêng, tạo nên đô thị đáng sống. Cần vận dụng sáng tạo các mô hình phát triển đô thị trên thế giới vào phát triển đô thị Việt Nam một cách linh hoạt, phù hợp với địa chính trị và tiềm năng của nước ta theo hướng phát triển bền vững như: đô thị sinh thái, đô thị xanh, đô thị thông minh, đô thị nén và cả lồng ghép một số yếu tố của đô thị “xốp” vào trong cải tạo các đô thị truyền thống, các khu đô thị mới, đô thị vệ tinh (đó là cấu trúc tầng bậc, thiết kế thân thiện với môi trường, hấp thụ tự nhiên nước mưa, làm giảm úng ngập và ô nhiễm, các hè phố thấm nước, vườn trên mái nhà, mặt nước ao, hồ, các công trình kỹ thuật ngầm thu gom nước mưa, xử lý nước thải…). Cần đổi mới phương pháp quy hoạch và quản lý đô thị trong thời kỳ công nghệ số. Việc ra đời Luật Đô thị sẽ làm rõ hơn phân loại và nâng cấp đô thị, chấm dứt tình trạng “chạy” nâng cấp đô thị bằng việc xin “nợ” hay “vay mượn” chỉ tiêu để đáp ứng các tiêu chí nâng cấp đô thị theo quy định. Từ trước đến nay, các đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh được quan tâm đầu tư nguồn lực lớn bởi đó là những trung tâm kinh tế, chính trị xã hội của quốc gia, đóng góp rất lớn vào GDP của cả nước (Trung bình hằng năm Thành phố Hồ Chí Minh đóng góp 26%, Hà Nội đóng góp 17% tổng thu ngân sách nhà nước), trong khi đó các đô thị vừa và nhỏ do thiếu nguồn lực để đầu tư phát triển nên hệ thống hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ, văn hóa… chậm phát triển, phát triển manh mún, thiếu đồng bộ, làm hạn chế đến thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, nhất là một số đô thị ở vùng núi cao phía Bắc và khu vực Miền Trung Tây Nguyên. Khi lập quy hoạch chung đô thị có quy mô lớn, cần coi trọng phát triển các đô thị vệ tinh để giảm mật độ dân số ở trung tâm nội đô, tạo điều kiện xây dựng đô thị xanh, đô thị sinh thái. Các đô thị cần tạo vành đai xanh là khu vực phát triển nông nghiệp công nghệ cao, năng suất cao, phục vụ cho đô thị và tham gia vào chuỗi du lịch sinh thái; coi trọng nâng cao chất lượng đô thị hơn là phát triển về số lượng và quy mô đô thị (theo hướng mở rộng diện tích); dành nguồn lực cần thiết để đầu tư xây dựng hệ thống đường cao tốc quốc gia, hệ thống hạ tầng giao thông kết nối các đô thị để không bị đứt gãy sự liên thông, liên kết vùng, miền, địa phương trong phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng; nâng cao năng lực quản trị của chính quyền đô thị; chấm dứt tình trạng lạm dụng quyền lực trong sử dụng đất đai gây thất thoát tài sản nhà nước, tùy tiện điều chỉnh quy hoạch đã được duyệt (không vì lợi ích của xã hội, của nhân dân) dẫn đến tình trạng xây dựng sai phép, không phép kéo dài nhiều năm, diễn ra ở nhiều đô thị (nhất là ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh), làm rối loạn kỷ cương, mất an toàn xã hội và làm giảm lòng tin của Nhân dân đối với Nhà nước. Cần chấm dứt tình trạng lãng phí đất trong phát triển đô thị. Phải sử dụng đất đô thị đúng mục đích và hiệu quả nhất, coi đất đô thị là tài nguyên, là tiềm năng, là nguồn lực để phát triển kinh tế đô thị bền vững.
Chúng ta vừa trải qua mấy năm quyết liệt phòng chống đại dịch Covd-19, thực hiện thành công mục tiêu kép “vừa chiến thắng đại dịch vừa phát triển kinh tế” mà Đảng, Nhà nước đã đề ra. Những thay đổi và thích ứng của xã hội, và trong quản lý, điều hành từ trung ương đến các địa phương khi xảy ra dịch bệnh là kinh nghiệm quý giá, rất cần được nghiên cứu, bổ sung cho dự thảo Đề án Đô thị hóa, phát triển đô thị và phát triển kinh tế đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Ban Kinh tế Trung ương xây dựng để trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết chuyên đề Một số chủ trương, chính sách về đô thị hóa, phát triển đô thị và kinh tế đô thị đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Và nếu được như vậy, tôi tin sẽ có nhiều kịch bản, giải pháp cho đô thị hóa, cho quy hoạch phát triển đô thị bền vững trong những năm tới phù hợp với xu thế phát triển của đất nước và thực hiện thành công Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, đưa nước ta phát triển bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa, hoàn thành công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa để dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.