Tro tàn rực rỡ vừa đoạt giải thưởng Montgolfière d’Ortại Liên hoan phim Ba lục địa Nantes (Pháp) năm 2022. Đây là phim thứ hai của Việt Nam đoạt giải này sau Chị Dậu của đạo diễn Phạm Văn Khoa (1984). Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên lấy cảm hứng xây dựng kịch bản từ hai truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư Tro tàn rực rỡ và Củi mục trôi về và tìm tòi cách thể hiện độc đáo.
Đường dây cốt truyện phim trải theo cuộc sống của ba người phụ nữ. Cô Hậu được Dương cưới vì trót mang bầu, trong đám cưới, anh ta chỉ nhìn Nhàn – người anh ta yêu đơn phương. Nhàn những tưởng có mái ấm gia đình bên Tam – người chồng hiền lành chịu khó. Sau một biến cố đau lòng – đứa con gái lớn của họ bị đuối nước, cuộc sống của Nhàn trở nên nặng nề. Tam im lặng, suốt ngày không nói với vợ một câu. Rồi ngôi nhà của cô bị cháy, không phải một lần mà những ba lần. Lần cháy đầu mọi người đến cứu. Những lần sau, ngôi nhà chỉ còn là túp lều sơ sài, chẳng ai đến cứu nữa. Không cho biết ai là người đốt nhưng đến khi chồng Nhàn cầm bật lửa tự đốt tay mình, người ta có thể nghĩ anh ta là thủ phạm. Tam chồng Nhàn khoan khoái nhìn lửa. Còn Nhàn sau mỗi lần nhà cháy chỉ còn biết thu dọn những gì còn lại như là cô gói ghém những mảnh vỡ của cuộc hôn nhân khó cứu vãn.
Diễn viên Juliet Bảo Ngọc Doling, nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc và đạo diễn Bùi Thạc Chuyên nhận giải Cánh diều vàng cho phim điện ảnh “Tro tàn rực rỡ” (Ảnh:Thái Dương)
Chồng Hậu – không yêu vợ dù cô rất yêu anh – đi đánh cá biền biệt hàng tháng ngoài khơi. Trong phim có lời dẫn truyện của Hậu. Hậu kể cho chồng những gì xảy ra ở nhà. Hậu biết chồng yêu Nhàn nên hay kể chuyện Nhàn – cô biết đó là chủ đề chồng cô quan tâm (một cách thể hiện tình yêu), hào hứng với niềm vui khó tả kể về các đám cháy nhà Nhàn, rằng lửa đẹp lắm, trong đám cháy ngửi thấy mùi mối, chuột… cháy. Hậu còn tự trào về chuyện mình nấu ăn kém Nhàn, về công việc ép chuối nướng (kiếm sống). Rồi Hậu thấy mình nhỏ nhen, ích kỷ trong cách cư xử với Nhàn.
Nhân vật nữ thứ ba là Loan, cô gái khùng điên vì lúc trẻ bị Khang cưỡng hiếp (đường dây này lấy từ truyện Củi mục trôi về), sống vạ vật ở hành lang của một ngôi chùa sơ sài nghèo nàn. Rồi Khang mãn hạn tù, trở về làng sống ở chùa. Ban đầu sư ông còn giấu gã khỏi con mắt nhòm ngó của dân làng. Khang xin sư thầy cho xuống tóc đi tu, cho rằng phạm tội, phạm lỗi (ví dụ uống rượu) xong đọc kinh sám hối là ổn. Sư thầy từ chối. Loan khi phát hiện thấy Khang ở chùa, đứng từ xa ném gạch đá vào gã. Rồi cô uống rượu với Khang. Rồi cô muốn cưới Khang. Trong phim có cảnh cô Loan khùng này nghiện rượu, một lần đem dốc đổ cả chai rượu. Khang không trả lời nhưng bỗng nhiên gã biến mất. Cô lẩm bẩm: không cưới thì thôi, việc gì phải đi. Yêu một gã “củi mục” cũng không xong. Tình yêu của Loan cũng dị biệt.
Cuối phim là cảnh Hậu chèo thuyền ra khơi để tìm đến chỗ chồng đánh cá. Trước mặt cô là biển nước mênh mông…
Các số phận nhân vật được trải ra như thế và không có hồi kết. Những người phụ nữ âm thầm chịu đựng nỗi bất hạnh của mình. Những người đàn ông cũng thế, nếu không thì nhờ đến rượu. Đạo diễn luôn sử dụng ánh sáng tối vừa là để đối lập với cảnh bừng sáng của các lần cháy nhà vừa phù hợp với cuộc sống bế tắc, quẩn quanh trong nỗi cô đơn của các nhân vật trong phim. Ngọn lửa cháy nhà rực rỡ được liên tưởng với tình yêu sâu nặng của những người đàn bà trong phim. “Tro tàn rực rỡ” vì là tình yêu khác thường trong tâm hồn họ.
Các nhân vật đàn ông trong phim là “thủ phạm” gây ra nỗi bất hạnh của mấy người phụ nữ nhưng chính họ cũng chẳng sung sướng gì. Bao trùm phim là cái nhìn nhân văn về con người. Phim xây dựng các nhân vật có phần dị biệt, cả tình yêu của họ cũng dị biệt trong cách thể hiện. Những người đàn bà yêu thầm lặng và chịu đựng. Đôi chỗ có những cảnh siêu thực hoặc biểu tượng. Ví dụ: Loan khùng và Khang đang vớt gốc cây khô ở kênh, Loan nói chuyện cưới xin thì Khang biến mất, không phải là chết đuối mà cũng chẳng biết đi đâu, chỉ không thấy xuất hiện nữa. Một chi tiết siêu thực.
Tính biểu tượng của phim – ngọn lửa và tro tàn rực rỡ – không dễ để khán giả liên tưởng đến tình yêu của những người đàn bà. Sự ám ảnh về ngọn lửa khiến Tam cầm bật lửa tự đốt tay mình. Cô Loan bị ám ảnh rồi yêu chính kẻ hại mình đến nông nỗi ấy. Những sự dị biệt khác thường tạo nên cá tính của phim. Những ai chiếm lĩnh được những biểu tượng ẩn dụ của phim sẽ thấy thích bộ phim này.
Một cảnh trong phim “Tro tàn rực rỡ” (Ảnh: Thái Dương)
Đạo diễn Nhật Bản Fujimoto Akio phát biểu: “Tôi rất thích Tro tàn rực rỡ bởi đây là bộ phim mà chúng ta có thể đồng cảm về tình yêu và sự khát khao, về sự chọn lọc đặc biệt trong cuộc sống của các nhân vật”. Nước ngoài có xu hướng thích những phim có sự thể hiện khác lạ, không bình thường trong cuộc sống và họ thấy ở Tro tàn rực rỡ một sự tìm tòi ngôn ngữ thể hiện. Hơn nữa, trong phim có hình ảnh sông nước miền Tây, giao thông bằng thuyền trên các kênh rạch; âm nhạc bản địa, ngôi làng nghèo bên bờ biển với những túp nhà sơ sài tạm bợ… Bối cảnh và nhạc nền cũng tạo ấn tượng lạ với khán giả nước ngoài. Phần thoại trong phim thiếu chất đời thường nên đôi lúc gây cảm giác sáo rỗng. Giọng thoại của nữ chính Bảo Ngọc Doling còn đều đều, chưa thực sự đúng phương ngữ miền Tây.
Một nét dị biệt khác trong Tro tàn rực rỡ là có chỗ mang tính biểu tượng hoặc siêu thực. Điều này hấp dẫn người nước ngoài nhưng lại khó truyền cảm hứng cho đông đảo khán giả Việt Nam vốn quen xem và thích xem phim hiện thực, đời thường, có thể thấy ở đó những nhân vật, sự việc gần gũi với mình hoặc người quen của mình, kiểu như những phim Bố già, Nhà bà Nữ của Trấn Thành (hai bộ phim đạt doanh thu rất cao ở phòng vé). Hơn nữa, những biểu tượng, ẩn dụ trong phim không phải dễ nhận ra, ngay cả tên phim cũng không dễ hiểu. Có lẽ vì thế, dù là phim nhận được sự đầu tư, tìm tòi của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên; là phim đại diện Việt Nam tham dự vòng sơ tuyển Giải thưởng Phim truyện quốc tế Oscar lần thứ 96; phim giành giải Cánh diều vàng cho Phim truyện điện ảnh xuất sắc tại giải Cánh diều vàng của Hội Điện ảnh Việt Nam; phim tham gia nhiều liên hoan phim quốc tế và đoạt giải cao nhất tại Liên hoan phim Ba châu lục ở Pháp và điều quan trọng hơn là phim đã nhận rất nhiều phản hồi tích cực từ giới chuyên môn và khán giả... nhưng Tro tàn rực rỡ lại gặp sự thờ ơ của khán giả Việt Nam.