Cảnh hậu trường phim "Đào, phở và piano". Ảnh: ĐPCC
Để phim Nhà nước hấp dẫn người xem, trước hết vẫn nằm ở sự đổi mới tổng thể trong hình thức thể hiện, từ kịch bản, đạo diễn cho tới các thành phần khác trong phim. Cần phát huy thế mạnh của các phim Nhà nước sản xuất trong tư tưởng, thông điệp khơi gợi tình yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, trách nhiệm công dân, truyền thống văn hóa... nhưng bằng một cách thể hiện hấp dẫn, hiện đại và phù hợp với tâm lý khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ đương đại. Để chinh phục được đối tượng khán giả này đòi hỏi các nhà làm phim phải rất hiểu tâm lý, thị hiếu của họ, đổi mới hình thức thể hiện sáng tạo, lôi cuốn hơn, tránh sự khô cứng, giáo điều vốn là căn bệnh thường gặp trong phim Nhà nước.
Đầu tiên là ngay từ khâu kịch bản, ý tưởng phim đã cần sự mới mẻ, cách kể chuyện mới, hiện đại hơn. "Đào, phở và piano" ngay từ cái tên phim đã gợi tò mò và liên tưởng cho người xem, phim về chiến tranh - lịch sử nhưng tựa đề không hề nhắc tới chiến tranh mà về những gì rất gần gũi, đẹp và thơ, gắn với hình ảnh Hà Nội. Có lẽ đó là một phần nhỏ rất tinh tế khiến khán giả bị thu hút và không cảm thấy “ngại ngần” khi quyết định tới rạp mua vé xem phim.
Tiếp đó, cách kể của bộ phim cũng khá mới lạ so với các phim Nhà nước thường kể theo trình tự thời gian thông thường. Đạo diễn kiêm biên kịch Phi Tiến Sơn đã chọn cách kể “phi tuyến tính” tức là đảo ngược, lật đi lật lại trật tự các sự kiện trong phim, đồng thời đan xen các tuyến nhân vật khác nhau tạo ra sự thay đổi về điểm nhìn, khiến khán giả liên tục bị cuốn vào mạch truyện. Đó chỉ là ví dụ về một cách kể chuyện, còn rất nhiều cách kể khác mà các nhà biên kịch có thể vận dụng sáng tạo để lôi cuốn người xem vào câu chuyện phim.
Bên cạnh đó, việc đa dạng hóa thể loại và nội dung phim, không chỉ tập trung vào thể loại chiến tranh, lịch sử mà mở rộng “thực đơn” phong phú hơn cho khán giả cũng rất cần thiết. Nhiều thể loại còn hiếm hoi, gần như không xuất hiện trong dòng phim Nhà nước bấy lâu nay như phim hài, hành động, trinh thám, hình sự hay phim thiếu nhi lại là những thể loại thường thu hút được khán giả trẻ.
Đã lâu lắm rồi người xem không được thưởng thức một bộ phim hài (của Nhà nước sản xuất) tạo nên tiếng cười vừa nhẹ nhàng, vừa sâu sắc, thấm thía như các phim đã từng gây tiếng vang gồm: “Thằng Bờm”, “Thị trấn yên tĩnh”, “Tết này ai đến xông nhà”, “Hai Bình làm thủy điện”... Phim Nhà nước đâu phải chỉ làm về bi kịch, bom đạn chiến tranh... mà còn biết bao vấn đề sôi động của hiện thực cuộc sống ngày nay cũng cần được phản ánh. Hãy để khán giả được khóc nhưng cũng có cả nụ cười khi xem phim, tiếng cười vui, ý nghĩa, đối trọng với những kiểu hài nhảm, chọc cười vô vị.
Khi xem "Đào, phở và piano", bên cạnh những giây phút xúc động, nghẹn ngào, vẫn có những đoạn khán giả có thể bật cười với một tình tiết vui, một câu thoại hóm hỉnh của các nhân vật. Có thể thấy, điều quan trọng của một bộ phim hay vẫn là chạm được tới cảm xúc của người xem, từ đó thông điệp, ý nghĩa của phim sẽ thấm vào họ một cách tự nhiên.
Tiếp đó, làm nên sức hấp dẫn không thể thiếu nhân vật - linh hồn của phim. Các phim Nhà nước thường khá tham vọng trong việc xây dựng câu chuyện mang tính sử thi với một hệ thống nhân vật đông đảo, đại diện cho nhiều tầng lớp nhân dân. Điều đó dễ dẫn đến việc thiếu điểm nhấn cho nhân vật, khán giả khó nắm bắt tâm lý và tập trung vào nhân vật trung tâm. Trước đây đã có nhiều hình tượng nhân vật gây ấn tượng sâu đậm cho người xem như: Chị Tư Hậu (trong phim cùng tên), Em bé Hà Nội, nhà tình báo Nguyễn Thành Luân (phim "Ván bài lật ngửa") hay các nhân vật trong "Đời cát"...
Tuy nhiên hàng chục năm nay, vắng bóng những nhân vật gây được ấn tượng đáng nhớ trong lòng khán giả, chứ chưa dám mơ đến một nhân vật “người hùng” hiện đại, đủ sức làm thần tượng lý tưởng cho giới trẻ hiện nay đang mải chạy theo các idol Hàn, Trung... Để xây dựng hình tượng nhân vật đủ sức nặng lại cần có những diễn viên đủ tài năng, đủ tâm huyết bởi đóng phim Nhà nước vừa khổ vừa khó, ít cơ hội nổi tiếng hơn phim thương mại.
Trên trang Facebook của NSND Trần Lực có chia sẻ cảm nhận của một bạn trẻ: “Trong cả bộ phim cháu thích nhất vai người họa sĩ của chú, với cháu trong phim chú như một tia nắng ấm áp, một màu tươi sáng ở nơi pháo nổ, đạn bay, nơi chỉ có màu xám đen u buồn. Khi tới phân đoạn của chú, cháu thấy yêu đời và thấy thật đáng yêu. Trong phim với cháu chú là sự tự do tươi sáng”. Như vậy, diễn viên tài năng, tâm huyết, có tầm sẽ truyền tải được ý nghĩa thông điệp qua hình tượng nhân vật có sức sống trong lòng khán giả, ngược lại một nhân vật hay cũng tạo cho diễn viên đất diễn để thể hiện hết năng lực của mình, thăng hoa cùng nhân vật.
Một điểm yếu mà lâu nay phim Nhà nước vẫn mắc phải và bị người xem “trừ điểm” đó là khâu kỹ thuật và hậu kỳ bao gồm kỹ xảo, dựng phim, âm thanh, khói lửa... Khán giả trẻ ngày nay xem nhiều phim nước ngoài và cập nhật liên tục các yếu tố kỹ thuật, công nghệ mới, do đó họ dễ dàng phát hiện và “nhặt sạn” các lỗi kĩ thuật, kỹ xảo, âm thanh... tạo cảm giác giả tạo trong phim. Đồng thời các chi tiết tuy nhỏ nhưng cũng dễ bị soi như trang phục, bối cảnh, đạo cụ có phù hợp với lịch sử, văn hóa dân tộc hay không. Đây cũng là hạn chế mà nhiều người xem nhận xét sau khi xem "Đào, phở và piano": Bối cảnh còn tạo cảm giác như sân khấu kịch, kỹ xảo lộ nhược điểm giả, khói lửa chưa thể hiện được hết không khí khốc liệt của chiến tranh; trang phục và hóa trang nhân vật đôi chỗ chưa phù hợp hoàn cảnh...
Tuy các thành phần làm phim đã rất nỗ lực, cố gắng trong điều kiện kinh phí còn tương đối khiêm tốn với một phim chiến tranh đòi hỏi nguồn lực lớn, nhưng đó vẫn là bài học để các phim Nhà nước rút kinh nghiệm, không thể cứ mãi bài ca “thiếu thốn” để mong khán giả thông cảm, bỏ qua những “hạt sạn” mà dù món ăn ngon đến mấy nếu gặp phải cũng gây khó chịu, mất nhiều cảm xúc khi xem.
Vấn đề bất cập mà dư luận gần đây đặc biệt quan tâm và bàn luận nhân hiện tượng "Đào, phở và piano", đó chính là lỗ hổng trong khâu phát hành của dòng phim Nhà nước. Một bộ phim làm bằng ngân sách Nhà nước, tốn kém hàng mấy chục tỉ đồng với bao nhiêu công sức, tâm huyết của đoàn làm phim nhưng lại không phát hành rộng rãi và không quan tâm đến doanh thu. Nghịch lý là vấn đề này đã luôn tồn tại từ trước đến nay và đã không ít lần được báo chí, người trong nghề nói tới, đề xuất, kiến nghị nhưng vẫn không có gì thay đổi.
Chỉ đến khi "Đào, phở và piano" - một bộ phim Nhà nước đặt hàng mà ban đầu cũng chỉ định chiếu theo kế hoạch phổ biến phim Nhà nước ở duy nhất rạp chiếu của Nhà nước là Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, không ngờ lại trở thành cơn sốt phòng vé - thì bất cập này mới lộ rõ hơn bao giờ hết. Nhu cầu khán giả xem phim tăng vọt nhưng các rạp được chiếu hoặc đồng ý chiếu “phi lợi nhuận” (100% doanh thu nộp về ngân sách Nhà nước) thì hạn chế, không đủ đáp ứng, khiến người xem phải chầu chực xếp hàng “săn vé” - điều rất lâu rồi mới xảy ra với một phim Nhà nước đặt hàng. Nhiều nhà làm phim, kể cả dòng phim tư nhân, phim độc lập đều mơ ước cảnh khán giả xếp hàng dài mua vé xem phim của mình. Đây thực sự là “cơ hội vàng”, nếu không nắm bắt thì thực sự đáng tiếc.
Tuy Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đồng ý và khuyến khích phổ biến rộng rãi bộ phim khắp cả nước, nhưng đó mới là giải pháp tình thế, về lâu dài không thể mãi “kêu gọi” các nhà phát hành tư nhân chiếu ủng hộ phim Nhà nước phi lợi nhuận. Rất cần sự thay đổi trong cơ chế sản xuất và phát hành phim Nhà nước, trong đó đặc biệt là cần kinh phí phát hành và tỉ lệ phần trăm phù hợp cho các nhà phát hành tư nhân để các bộ phim Nhà nước được đàng hoàng phát hành rộng rãi.
Bên cạnh đó, nếu có kinh phí cho việc quảng bá, marketing phim thì hiệu ứng truyền thông sẽ lâu dài và hiệu quả hơn. Thành công bất ngờ của "Đào, phở và piano" phần lớn đến từ hiệu ứng đám đông và sức lan tỏa viral, tạo thành trend (xu hướng) trên các trang mạng xã hội. Cần nắm bắt và tận dụng được sức mạnh đó một cách có chiến lược, chuẩn bị bài bản, đúng hướng chứ không chỉ là “ăn may”.
Một ví dụ thú vị từ việc truyền thông trên mạng xã hội hiệu quả, tạo sức hút thực sự và lâu dài với giới trẻ là thành công của nhóm truyền thông trên trang Facebook của Di tích nhà tù Hỏa Lò, vừa dành giải thưởng WeChoice Awards - hạng mục "Nhân vật truyền cảm hứng". Họ đều là những người còn rất trẻ nhưng đã làm được một kỳ tích ấn tượng là xây dựng Fanpage của Di tích nhà tù Hỏa Lò với hơn 300 nghìn người theo dõi, góp phần thu hút hơn 600 nghìn lượt khách tham quan, với doanh thu đạt hơn 14 tỉ đồng năm 2023.
Điều đó chứng tỏ chiến lược truyền thông đúng hướng và sáng tạo, đánh trúng tâm lý khán giả trẻ có thể tạo nên hiệu quả mạnh mẽ và những lợi ích không thể đo đếm được. Cùng là một đơn vị trực thuộc Nhà nước, gắn liền với lịch sử và truyền thống dân tộc, cách thức truyền thông, quảng bá của đội ngũ sáng tạo nội dung Di tích nhà tù Hỏa Lò hoàn toàn có giá trị tham khảo rất tiềm năng và khả thi với việc quảng bá, phát hành phim Nhà nước đặt hàng.
Nguồn: laodong.vn