PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ: Cần ứng xử một cách tinh tế, sâu sắc với văn học, nghệ thuật

Trong tháng 10 năm nay, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Nghệ An đã tổ chức đợt tập huấn về ''Xây dựng, phát triển văn học, nghệ thuật trong tình hình mới'' cho đội ngũ văn nghệ sỹ tỉnh nhà. PGS.TS, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng – Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, nguyên Phó ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã trao đổi, cung cấp nhiều thông tin mới, cần thiết, bổ ích cho các văn nghệ sỹ.

    Nhân dịp này, Tạp chí Sông Lam cũng đã có cuộc trao đổi ngắn với PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ về một số hiện tượng văn học nghệ thuật thời gian qua, hy vọng cung cấp thêm những góc nhìn cho độc giả về các hiện tượng, vấn đề của đời sống văn học nghệ thuật nước ta.

    – Thưa PGS.TS, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ! Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) đã khẳng định rằng: “Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa.” Từng kinh qua nhiều vị trí lãnh đạo trong lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, văn nghệ, và bản thân ông cũng là nhà văn hiện giờ đang giữ trọng trách là Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, ông có thể nói rõ hơn về nhận định này?

    PGS.TS, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ: Có thể nói Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị là một nghị quyết rất quan trọng, rất sâu sắc về văn hóa, văn học nghệ thuật. Đó là sự khẳng định và cụ thể hóa, sinh động tư tưởng, quan điểm cơ bản của Đảng ta về văn hóa, văn nghệ. Tại sao Đảng ta lại nhấn mạnh “văn học nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế”? Thực tế đời sống đã cho thấy, văn học, nghệ thuật là một bộ phận hết sức quan trọng của nền văn hóa, tác động trực tiếp đến quan điểm, nhận thức, tư tưởng, tình cảm và thẩm mỹ của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Nếu như văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, là sức mạnh nội sinh của đất nước, thì văn học, nghệ thuật là nhu cầu thiết yếu thể hiện khát vọng chân – thiện – mỹ của con người, là một trong những nguồn lực to lớn, trực tiếp góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng cốt cách, tâm hồn con người Việt Nam yêu nước, đoàn kết, dũng cảm, tài trí, nhân hậu, nhân văn. Văn học nghệ thuật có những đặc thù rất riêng, rất đặc biệt. Nó phản ánh đời sống, phản ánh hiện thực bằng hình tượng nghệ thuật, bằng ngôn ngữ nghệ thuật, vì thế dễ dàng đi vào tâm hồn, tình cảm, nhận thức, góp phần quan trọng tạo nên cốt cách, nhân cách con người. Xây dựng văn hóa, văn học nghệ thuật là xây dựng con người. Mà giá trị văn hóa là do con người sáng tạo nên. Những sáng tạo mang giá trị bền vững nhất, có ý nghĩa nhất với đời sống là những sáng tạo do văn hóa, văn học nghệ thuật mang lại. Như vậy, chúng ta thấy rằng, sáng tạo trong văn học nghệ thuật luôn luôn có những tác động sâu sắc, mạnh mẽ, tinh tế tới con người, tới đời sống thường nhật của chúng ta.

    – Thực hiện công tác quản lý nhà nước, lâu nay, các địa phương đang tiến hành việc tổ chức lại, sáp nhập các các địa phương, cơ quan, đơn vị từ cấp tỉnh tới cơ sở. Đây là một công việc cần thiết nhằm tinh giản bộ máy, nhân sự, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước. Tuy nhiên, đang có khá nhiều bất cập khi hoạt động này đã có những tác động tiêu cực tới lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật mà lâu nay dư luận xã hội cũng đã lên tiếng. Từ góc nhìn văn hóa, ông có ý kiến gì?

    PGS.TS, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ: Như chúng ta đã nói ở trên, văn học nghệ thuật có những tính chất đặc thù, đặc biệt, rất tinh tế, không phải ai cũng làm được. Bởi vậy, khi thực hiện chủ trương tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy nhà nước nói chung, của các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp nói riêng, rất cần lưu tâm đến những tính chất này. Nghĩa là người quản lý phải hiểu đúng, hiểu sâu điều mà Nghị quyết 23 của Đảng đã nhấn mạnh: “Văn học nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng và đặc biệt tinh tế của văn hóa” để thực hiện cho đúng, cho trúng và đạt kết quả, hiệu quả như mong muốn.

    Chủ trương này đã được triển khai từ năm 2017 đến nay, và thực tế cho thấy, bên cạnh ưu điểm và kết quả đáng ghi nhận, đã và đang bộc lộ không ít hạn chế, bất cập và cả yếu kém. Nếu việc sáp nhập chỉ mang tính cơ học, máy móc, giảm được đầu mối, giảm được biên chế nhưng chưa hoặc không đo lường, tính toán, suy xét một cách cẩn trọng, thì việc sáp nhập này gây ra những hệ lụy và hệ quả đáng lo ngại, nhất là việc bảo tồn, kế thừa và phát huy các giá trị di sản văn hóa, các loại hình nghệ thuật truyền thống của cha ông. Không ít địa phương, cơ quan, đơn vị đang thực hiện chủ trương này một cách máy móc, cứng nhắc, thậm chí vô cảm. Có địa phương đã nhập tất cả các đoàn nghệ thuật truyền thống: tuồng, chèo, kịch, cải lương, ca nhạc mới vào một chỗ; một số địa phương khác lại cho các đoàn nghệ thuật sáp nhập với trung tâm văn hóa, trong khi chức năng, nhiệm vụ, đặc thù của hai loại đơn vị này rất khác nhau. Những tình trạng vừa nêu đã và sẽ tiếp tục dẫn tới việc nghiệp dư hóa các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, xóa nhòa ranh giới các loại hình nghệ thuật mà ông cha ta đã tách bạch, đã chuyên sâu và nâng cao; làm thui chột tài năng và khát vọng sáng tạo của người nghệ sĩ. Như vậy, hiện tượng nghiệp dư hóa nghệ thuật chuyên nghiệp không chỉ do tác động tiêu cực từ đời sống xã hội mà ngay chính công tác quản lý của chúng ta vô hình trung cũng “góp phần” tạo nên tình trạng đáng buồn này. Những lần liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp gần đây đã cho thấy hiện tượng các bộ môn nghệ thuật truyền thống đang bị kịch hóa, “hiện đại” hóa, nghiệp dư hóa. Hoặc các đoàn sau khi sáp nhập đang bị mảng ca múa lấn át như ở các tỉnh Thái Bình, Thái Nguyên, Thanh Hóa, v.v… Ở đó, trước đây các đoàn kịch hoạt động rất sôi nổi thì nay đều im hơi lặng tiếng.

    Một người thông thường học mấy buổi là có thể cày, bừa gặt hái. Nhưng lao động trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, phải bắt đầu từ năng khiếu, từ tố chất, qua học hành, rèn luyện mà thành tài năng. Tôi nhấn mạnh, cái cần đầu tiên là năng khiếu, năng lực sáng tạo rồi mới thạo nghề, giỏi nghề. Chúng ta đều biết rằng, nghệ thuật chèo, tuồng, cải lương tuy được các nghệ sỹ thể hiện bằng ca, hát, diễn; nhưng qua hóa trang, điệu bộ, hát xướng mà được phân chia thành các loại hình nghệ thuật khác nhau. Có nghệ sỹ hát chèo được phong tặng là NSND, nhưng khi hát tuồng hay cải lương, hay dù kê, sẽ chỉ là kép hát, đào hát bình thường, khó vươn tới NSƯT, càng khó mơ tưởng đến NSND. Trong lúc việc bảo tồn và phát triển nghệ thuật truyền thống giữa bối cảnh hiện nay đang gặp vô vàn khó khăn. Các môn nghệ thuật này thực sự đang rơi vào khủng hoảng. Các đoàn nghệ thuật truyền thống chèo, tuồng, cải lương, dù kê phải lao tâm khổ tứ rất nhiều trong việc đào tạo diễn viên và càng khó gấp bội khi tìm cách giữ lớp trẻ này trụ lại với nghề. Nay thêm tình trạng này e là chúng ta sẽ đánh mất một số giá trị văn hóa nghệ thuật, nhất là các loại hình nghệ thuật truyền thống được xây dựng từ hàng trăm năm. Sau khi tan đàn xẻ nghé, nếu muốn khôi phục lại cũng khó mà làm được. Với một lĩnh nào đó, việc làm đúng hay sai, kết quả nhận lại chỉ là phép trừ nếu sai và phép cộng nếu làm đúng. Nhưng với văn học nghệ thuật thì hệ quả, hậu quả luôn là cấp số nhân. Nếu ta làm đúng, ta có được kết quả ở cấp số nhân, nếu sai, hậu quả cũng là phép nhân, phép nhân của sự thất bại. Có thể chúng ta đã làm sai chỗ này chỗ kia. Nhưng biết sai rồi thì phải sửa. Đó là một việc cần làm vì văn hóa, văn học nghệ thuật nước nhà, đừng để sau này, muốn xây dựng lại những cái hôm nay đánh mất cũng không thể khôi phục được hoặc lại phải mất rất nhiều thời gian, công sức, tiền của.

    – Tôi rất đồng tình với ông rằng, văn hóa, văn nghệ là một lĩnh vực, hoạt động đặc thù thiên về đời sống tinh thần, tuân theo một quy luật riêng biệt. Các hoạt động khác của đời sống khi tác động đến văn hóa, văn nghệ theo một cách cơ học, máy móc sẽ rất dễ dẫn đến những hậu quả không mong muốn.

    Ở một khía cạnh khác, dư luận xã hội hiện nay cũng như giới văn nghệ sỹ rất quan tâm, đó là việc phong tặng các danh hiệu NSND, NSƯT trong lĩnh vực sáng tạo văn hóa nghệ thuật. Cá nhân ông, từng là người làm công tác quản lý văn học nghệ thuật và là người hoạt động lâu năm trong lĩnh vực này, quan điểm của ông thế nào?

    PGS.TS, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ: Từ trước đến nay, Đảng và Nhà nước ta vẫn tổ chức vinh danh, ghi nhận tài năng và đóng góp của các nghệ sỹ hoạt động trong lĩnh vực biểu biễn nghệ thuật bằng việc phong tặng danh hiệu Nghệ sỹ Ưu tú, Nghệ sỹ Nhân dân. Tôi cho đó cũng là một hình thức động viên, khuyến khích có giá trị thúc đẩy mạnh mẽ sự nỗ lực vươn lên của các nghệ sỹ. Và danh hiệu này đã được Nhà nước cũng như cộng đồng ghi nhận suốt hàng chục năm qua như một lẽ tất yếu của đời sống nghệ thuật biểu diễn, trình bày. Tuy rằng, nhiều năm gần đây đã có những hiện tượng “chạy đua” để có danh khiến cho danh hiệu trở nên kém “thiêng”. Tôi rất mừng khi có 6/9 Hội chuyên ngành đã bày tỏ sự từ chối mở rộng đối tượng được trao tặng danh hiệu NSƯT, NSND cho những người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật . Tuy nhiên, cũng có vài hội đề xuất phong tặng các danh hiệu này, và trên cộng đồng mạng rải rác cũng có một số “nhà nọ, nhà kia” đề nghị lĩnh vực của mình phải được phong tặng theo tư duy chuyên ngành nào cũng bình đẳng như nhau. Tôi thì thấy danh hiệu lớn lao nhất, chói sáng nhất là khi đứa con tinh thần của mình có chỗ đứng trong lòng bạn đọc, được sống mãi cùng thời gian. Tôi tâm đắc với ý kiến rất thẳng thắn của nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam: “Các nhà văn có sứ mệnh, trách nhiệm cao cả, tác phẩm của nhà văn phản ánh hiện thực cuộc sống, viết lên tiếng lòng của Nhân dân, các nhà văn có thiên chức đặc biệt cảnh báo và dự báo xã hội. Để đánh giá một nhà văn phải thông qua giá trị tác phẩm, tác phẩm có giá trị phải có tính lan tỏa rộng lớn và tác động mạnh mẽ tới Nhân dân, tới xã hội. Khó có định lượng cụ thể nào cho một tác phẩm của nhà văn để mang ra xét Nhà văn Ưu tú hay Nhà văn Nhân dân. Nhà văn không phải nghệ sỹ. Đối với người lao động sáng tạo trong văn học, danh xưng “nhà văn” là cao quý, thiêng liêng.”

    Không chỉ nhà văn mà những người hoạt động sáng tạo trong nhiều lĩnh vực khác như mỹ thuật, nhiếp ảnh, điện ảnh, v.v… tác phẩm luôn là thước đó, là giá trị làm nên danh hiệu của tác giả khi nó thực sự sống trong lòng Nhân dân, sống cùng thời gian. Phần thưởng cao quý, động viên khích lệ các nhà văn sáng tạo, cống hiến cho sự nghiệp văn học, cho đất nước đó là Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật. Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã có danh hiệu “Nghệ nhân dân gian”, tôn vinh những người đang nắm giữ vốn di sản văn hóa vô cùng quý báu của dân tộc. Tôi cũng tâm đắc với ông Phạm Thanh Tùng – Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam khi nhìn nhận một cách sâu sắc rằng: “Kiến trúc sư chính là danh hiệu cao quý, là niềm vinh dự mà xã hội trao cho rồi còn việc được phong NSƯT, NSND là không cần thiết.” Bởi vậy, càng lắm danh hiệu càng làm giảm giá trị chứ không phải là tôn vinh nữa. Đấy là chưa nói đến đang có một thực trạng tiêu cực “chạy” danh hiệu, dẫn đến, NSND mà Nhân dân không biết họ là ai. Tư duy “bình đẳng” theo kiểu san bằng này hoàn toàn không phù hợp, sẽ góp phần tạo nên cái sự “loạn danh hiệu”. Dù là “nhà” gì, thì trước hết anh hãy lao động sáng tạo hết mình và khẳng định bằng chính những tác phẩm có giá trị để cái danh “nhà” luôn luôn và thực sự là một sự vinh danh.

    – Là người luôn đồng hành cùng các tạp chí văn nghệ địa phương trong nhiều năm qua, chắc ông nắm khá rõ thực tế hoạt động của các đơn vị này. Câu chuyện tự chủ, có lẽ là một vấn đề thời sự mà các tạp chí văn nghệ phải đối diện trong quá trình tồn tại và phát triển hiện nay giữa bối cảnh yêu cầu tự chủ đang được đặt ra. Ông có lời giải gì cho hiện trạng này không?

    PGS.TS, nhà văn Nguyễn Thế Kỷ: Khối các tạp chí văn nghệ là một bộ phận của báo chí nước nhà nói chung. Đúng là hiện nay báo chí cũng như nhiều loại hình hoạt động thuộc các lĩnh vực khác đang từng bước tự chủ phù hợp với diễn biến của đời sống xã hội. Chúng ta thấy nhiều cơ quan báo chí đã rất năng động đa dạng hóa các hoạt động và nguồn thu của mình có hiệu quả và vẫn giữ được tôn chỉ mục đích. Tuy nhiên, không phải tất cả các cơ quan báo/chí đều có thể làm tốt đòi hỏi này, trong khi sự vận động của xã hội còn hàm chứa nhiều yếu tố mà nếu không khéo sẽ là phản tác dụng. Tự chủ, nhất là với các cơ quan tạp chí, đó là câu chuyện dài, cần một lộ trình chuẩn bị tốt để chúng ta chuyển động dần cả về nhận thức, tư duy và những khả năng thực hiện khác. Thêm nữa, tạp chí văn nghệ lại thuộc về một lĩnh vực mà như trên chúng ta đã đề cập, rất đặc thù, rất tinh tế. Báo chí nói chung chủ yếu đưa thông tin đời sống xã hội đến công chúng, còn các tạp chí văn nghệ lại đưa thông tin về sáng tạo nghệ thuật. Bởi vậy người thực hiện phải thực sự hiểu nó. Nghĩa là như Bác nói, cán bộ phải “vừa hồng, vừa chuyên”, vừa đủ các phẩm chất đạo đức, vừa có chuyên môn sâu về văn học nghệ thuật. Độc giả của các tạp chí văn nghệ cũng “kén” và đòi hỏi cao so với báo chí truyền thông. Khả năng chen chân của các tạp chí văn nghệ vào đời sống kinh tế – xã hội là rất hạn chế, hạn hẹp. Vậy các tạp chí này phải làm thế nào để có thể tự chủ về tài chính? Đó là bài toán rất nan giải, thậm chí là thách thức lớn trong bối cảnh hiện nay. Trong khi đó sự tác động của văn học nghệ thuật đến đời sống xã hội là rất lớn, chúng ta khó đo đếm, nắm bắt được bằng những con số cụ thể, mà chỉ cảm nhận được và chỉ nhìn thấy rõ khi hậu quả xảy ra với con người, với dân tộc, thậm chí là nhân loại. Ở chiều ngược lại, tác động của đời sống xã hội cũng đang từng ngày tác động rất lớn tới bộ mặt của văn hóa, văn học nghệ thuật. Nếu thực hiện chủ trương này một cách vội vã, không có lộ trình chuẩn bị tốt, không có sự thấu hiểu sâu sắc về văn học nghệ thuật và tính đặc thù của các tờ tạp chí văn nghệ e là dễ dẫn tới việc chệch hướng nội dung, tư tưởng trong hoạt động, trong đảm bảo tôn chỉ mục đích của cơ quan văn hóa, văn nghệ.

    Tôi cho rằng, đây là một thực tế, một đòi hỏi mà người làm công tác quản lý nhà nước cần lưu tâm khi thực hiện các chính sách tác động trực tiếp tới các cơ quan báo chí thuộc lĩnh vực văn học nghệ thuật. Nói gì thì nói, khác với các lĩnh vực khác, khi ứng xử với những hoạt động thuộc về văn hóa, đặc biệt là văn học nghệ thuật, rất cần sự hiểu biết sâu sắc về nó, cần những việc làm tinh tế, cẩn trọng và một trái tim biết trân quý những sáng tạo tinh thần.

    – Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Đào Thúy Hoa (thực hiện)

(Nguồn: https://tapchisonglam.vn/pgs-ts-nguyen-the-ky-can-ung-xu-mot-cach-tinh-te-sau-sac-voi-van-hoc-nghe-thuat/)

Bình luận

    Chưa có bình luận