Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: ĐT)
Thiếu vắng những cây viết trẻ
Đánh giá về vai trò, vị trí và thực trạng sáng tác trẻ hiện nay Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông cho biết, văn học Việt Nam đang có sức sống mãnh liệt bởi các thế hệ trẻ ngày nay đang tiếp bước thế hệ cha anh. Văn học là nền tảng đặc biệt quan trọng giúp nền văn học, nghệ thuật Việt Nam phát triển mạnh mẽ. Nhiều bộ phim hay, vở kịch nổi tiếng, ca khúc… đều dựa trên chất liệu văn học. Nếu không có văn học, nghệ thuật sẽ mất đi hẳn “mảnh đất” để phát triển.
Trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã rất chú trọng đến phát triển văn hóa, nghệ thuật; trong đó có văn học. Đặc biệt sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, việc đầu tư cho văn học, tư duy trong quản lý văn hóa, nghệ thuật đã có nhiều chuyển biến tích cực từ Trung ương đến địa phương. Lĩnh vực văn học ngày càng được chú trọng, quan tâm phát triển.
Với việc Hội Nhà văn Việt Nam cùng các hội văn học, nghệ thuật tăng cường tổ chức các sự kiện lớn về văn chương, văn học Việt Nam đã khẳng định được vị thế. Cũng nhờ những sự kiện này, cơ quan quản lý nhà nước đã nắm bắt được những tồn tại trong phát triển nền văn học, nghệ thuật nước nhà; từ đó đưa ra nhiều giải pháp để đưa công tác quản lý nhà nước về văn học đi vào bài bản, khoa học, chuyên nghiệp.
Tuy nhiên Thứ trưởng nhận định, văn học Việt Nam hiện nay đang đối mặt với vấn đề thiếu vắng những cây viết trẻ, một phần đến từ thế hệ trẻ chưa định hình được nghề viết văn sẽ đem lại những giá trị gì.
Đồng quan điểm với Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông, Nhà thơ Trần Hữu Việt, Trưởng ban Nhà văn trẻ (Hội Nhà văn Việt Nam) cho biết, theo thống kê, số hội viên trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam (tính đến tuổi 40) chỉ khoảng 4%; nếu tính từ 35 tuổi trở xuống thì chỉ được khoảng 1,7% - một con số quá thấp và đã duy trì từ nhiều năm nay. Trong đó, lực lượng lý luận phê bình và dịch văn học thấp, chủ yếu là người sáng tác mảng thơ và văn xuôi. Nhưng họ lại sở hữu "gia tài" ấn tượng. Ví dụ như gương mặt Đinh Phương với 6 tập truyện ngắn và tiểu thuyết; Văn Thành Lê có 13 đầu sách gồm tập truyện ngắn, tản văn, thơ, chân dung văn học; Lữ Thị Mai 33 tuổi đã viết 10 đầu sách gồm thơ, trường ca, truyện ngắn, tản văn...
Các nhà văn trẻ cần phải định vị được tên tuổi trên văn đàn
Hội thảo “Nâng cao chất lượng sáng tác văn học trẻ”. (Ảnh: ĐT)
Bàn về giải pháp tăng số lượng và “Nâng cao chất lượng sáng tác văn học trẻ” Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Trần Hướng Dương cho rằng chất lượng sáng tác trẻ chịu sự tác động nhiều chiều, nhiều yếu tố và xu hướng ảnh hưởng. Do đó, rất cần có những đổi mới về nội dung, phương thức, định hướng sáng tác. Tuy nhiên câu hỏi đặt ra là chúng ta đổi mới đến đâu, làm thế nào để nâng cao chất lượng sáng tác trẻ; giúp người viết trẻ được công chúng, bạn đọc đón nhận; thực sự tạo ra cơ sở hình thành những giá trị trong nền văn chương nước nhà. Trong thực tế, có nhiều cây bút trẻ mang trong mình khát khao được trở thành những nhà văn, nhà thơ. Nhưng không phải ai cũng tìm được cho mình hướng đi đúng đắn, định vị được tên tuổi trong đời sống văn chương. Do đó, rất cần sự quan tâm, đầu tư đúng mức, có trọng tâm, trọng điểm nhằm tạo ra một lực lượng sáng tác trẻ tài năng, trách nhiệm, đóng góp vào sự nghiệp bảo vệ, phát triển văn hoá quốc gia.
Từ góc độ của một người làm nghề, nhà thơ Trần Hữu Việt, Trưởng ban Nhà văn trẻ (Hội Nhà văn Việt Nam) lại cho rằng, để nâng cao chất lượng sáng tác văn học trẻ, trước hết cần quan tâm vấn đề đào tạo nhân lực; tiếp theo là tổ chức các cuộc thi văn học với giải thưởng uy tín, giá trị cao nhằm cổ vũ, khích lệ người trẻ vững tâm đi tiếp trên con đường văn học. Cùng với đó, Nhà nước phải có chính sách hỗ trợ các cây bút trẻ xuất bản tác phẩm, có thể thông qua đặt hàng...
Lý giải về điều này Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông cho biết, Bộ VHTTDL đang triển khai Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhân lực văn hóa nghệ thuật ở nước ngoài đến năm 2030. Trong đó, Đề án có đề cập đến lĩnh vực lý luận và sáng tác văn học. Bộ VHTTDL cũng đặc biệt tạo điều kiện cho những bạn trẻ đăng ký đi đào tạo lĩnh vực văn học. Những trường đại học danh tiếng nhất trên thế giới, đủ điều kiện để công nhận bằng và nếu sinh viên có nguyện vọng, Nhà nước đều hỗ trợ kinh phí đi học. Nhưng thực tế, rất ít sinh viên đăng ký và nếu có, ngoại ngữ lại trở thành rào cản rất lớn.
Trong thời gian tới, Thứ trưởng Tạ Quang Đông mong muốn lực lượng các cây viết trẻ không ngừng học hỏi kỹ năng; hăng say sáng tác, cho ra đời những tác phẩm mang đậm giá trị tư tưởng, văn hóa, lịch sử. Muốn làm được điều này, các cây viết trẻ cần chuyên tâm bồi dưỡng đạo đức, chính trị, tư tưởng; chủ động tìm hiểu định hướng, chính sách của Đảng, Nhà nước trong phát triển văn học, nghệ thuật thời kỳ đổi mới, hội nhập. Hội nhập nhưng không được phép hòa tan, khi đưa được các tác phẩm của mình đến với bạn bè thế giới, các cây viết trẻ không được phép quên đi tính dân tộc. Những giá trị văn hóa truyền thống phải luôn được đề cao. Bộ VHTTDL luôn sẵn sàng tổ chức các trại sáng tác cho các cây viết trẻ để học hỏi, sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học của mình. Bộ cũng đang nỗ lực xây dựng dự thảo Nghị định về hoạt động văn học, tạo đà cho sự phát triển của văn học Việt Nam, nhất là văn học trẻ.
Với một lực lượng quá khiêm tốn để làm nên diện mạo nền văn học trẻ rõ ràng sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng với lực lượng mỏng nhưng “tinh” đầy khát khao cống hiến, lại được “chắp cánh”, tạo điều kiện bởi cơ chế chính sách, sự quan tâm của Đảng và Nhà nước chúng ta có quyền hy vọng và đặt niềm tin vào những cây bút trẻ họ sẽ định vị được tên tuổi của mình trên văn đàn và có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển VHNT nước nhà./.
(Nguồn: https://dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/dinh-vi-ten-tuoi-cac-cay-but-tre-tren-van-dan-653745.html)