QUÁ TRÌNH BẢN ĐỊA HÓA ĐỒ NỘI THẤT PHƯƠNG TÂY GIAI ĐOẠN CUỐI THẾ KỶ XIX ĐẦU THẾ KỶ XX Ở VIỆT NAM

Bài viết sơ lược phân tích hai giai đoạn về đồ nội thất ở Việt Nam: giai đoạn đầu thời Nguyễn chịu ảnh hưởng từ Trung Hoa, những năm cuối thời Nguyễn chịu ảnh hưởng của phương Tây. Đồng thời chỉ ra những đặc điểm của đồ nội thất phương Tây được bản địa hóa về kiểu dáng, chất liệu, hoa văn trang trí…

   Đồ nội thất là các đồ vật, sản phẩm mang tính công năng và thẩm mĩ được bố trí trong không gian nội thất bao gồm bàn ghế, tủ, giường, bình phong, vách ngăn... Đồ nội thất được chế tác bằng nhiều chất liệu: gỗ, kim loại, da, vải, kính, đá, mây, tre… Trong giai đoạn mà bài viết đề cập, hầu hết đồ nội thất ở nước ta được tạo tác bằng chất liệu chủ đạo là gỗ (có thể được kết hợp với một số chất liệu khác như kim loại, đá, vải, nệm…), do vậy tác giả sử dụng thuật ngữ “đồ gỗ nội thất” để chỉ toàn bộ các sản phẩm được bố trí trong không gian nội thất bao gồm không gian nghỉ, không gian tiếp khách, khánh tiết, không gian thờ cúng.

   Không như chất liệu đá, gốm có thể bền vững với các tác động của thời gian, chất liệu gỗ, cho dù có quý hiếm đến đâu thì cũng không thể tránh khỏi hao mòn trong sử dụng, chưa kể mối, mọt, thời tiết nóng ẩm, bão lụt… Bởi thế nên ngày nay khó có thể tìm thấy những hiện vật đồ gỗ nội thất có tuổi đời 200-300 năm trở về trước, những hiện vật đồ gỗ nội thất còn tồn tại ở nước ta cho đến nay cũng chỉ có tuổi đời trên 100 năm, chủ yếu dưới thời nhà Nguyễn.

   Giai đoạn đầu thời Nguyễn đồ gỗ nội thất nước ta chịu ảnh hưởng rõ nét từ Trung Hoa, những năm cuối thời Nguyễn đồ gỗ nội thất chịu nhiều ảnh hưởng của đồ gỗ phương Tây. Từ khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, các sản phẩm đồ gỗ nội thất phương Tây được du nhập, các đồ gỗ được thợ thủ công Việt Nam đóng theo kiểu phương Tây. Về vấn đề này tác giả xin tạm gọi là bản địa hóa đồ nội thất phương Tây tại Việt Nam.

   Về đồ gỗ nội thất thời nhà Nguyễn chưa có nhiều công trình nghiên cứu, đặc biệt là về góc độ bản địa hóa đồ gỗ nội thất kiểu phương Tây. Vì vậy, trong bài viết này tác giả đề cập một giai đoạn phát triển đồ gỗ nội thất trong lịch sử, một nhánh hẹp trong lịch sử đồ gỗ nội thất nước ta, đó là quá trình bản địa hóa đồ nội thất phương Tây trong giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Với mong muốn làm sáng tỏ những vấn đề liên quan đến đồ gỗ nội thất phương Tây được bản địa hóa, từ nguồn gốc, lý do xuất hiện, các đặc điểm về kiểu dáng, chất liệu, hoa văn trang trí… qua đó phần nào dựng lại một khoảng trống trong lịch sử đồ gỗ nội thất nước nhà.

   1. Âm hưởng đồ gỗ nội thất Trung Hoa

   Như đã nêu, đồ nội thất không chỉ có đồ gỗ mà còn có các vật liệu khác như mây, tre nhưng do đặc điểm cơ lý hóa của, tạo hình, độ bền, nguồn nguyên liệu… những vật liệu này có phần hạn chế nên gỗ vẫn được sử dụng phổ biến trong chế tác đồ nội thất.

   Cho đến nay, những hiện vật đồ gỗ nội thất còn lại đều có niên đại dưới thời Nguyễn nhưng với độ kỳ vĩ của các công trình kiến trúc, độ tinh xảo của các đồ vật trang trí ta có thể phỏng đoán rằng đồ gỗ nội thất thời Lý, Trần, Lê cũng có những bước phát triển và đạt nhiều thành tựu to lớn. Có thể trải qua hàng trăm năm lịch sử, chịu sự hủy hoại của thiên tai, sự tàn phá của các cuộc chiến tranh nên mạch nguồn lịch sử phát triển đồ gỗ nội thất có những quãng đứt gãy.

   Những năm đầu thời Nguyễn (từ thời vua Gia Long đến thời vua Tự Đức), các phương diện chính trị, kinh tế, văn hóa đều chịu ảnh hưởng lớn từ Trung Quốc. Do vậy, thật dễ hiểu khi đồ gỗ nội thất thời kỳ này mang phong cách Trung Hoa, chủ yếu là ảnh hưởng đồ gỗ thời nhà Minh và đồ gỗ thời nhà Thanh. Thời kỳ đầu đa số đồ gỗ chịu ảnh hưởng phong cách đồ gỗ thời Minh, kiểu dáng thanh thoát, đơn giản nhưng tinh tế. Giai đoạn sau này, đồ gỗ nước ta chịu ảnh hưởng của đồ gỗ thời nhà Thanh nhiều hơn, nhất là đồ gỗ được sử dụng trong Hoàng cung. Chúng mang đặc điểm dễ nhận biết như: kiểu dáng to lớn, hoa văn trang trí cầu kỳ, phức tạp, hầu như toàn bộ bề mặt sản phẩm đều được trang trí, trang trí theo kiểu chạm trổ, sơn son thếp vàng (đối với những sản phẩm đồ gỗ nội thất cung đình).

   Về đồ gỗ nội thất giai đoạn đầu thời Nguyễn, các nguồn tài liệu của các nhà nghiên cứu nước ngoài có những đánh giá khác nhau. Theo Henri Gourdon trong cuốn Nghệ thuật xứ An Nam, đồ gỗ nội thất của người Việt khá đơn giản, bao gồm tủ thờ, bàn, ghế, sập, tủ chè. Trước khi có sự du nhập các mẫu mã của châu Âu và Nhật Bản, đồ gỗ nội thất hầu như rất ít trang trí hoa văn. Ghế có dáng thẳng, “chân ghế dày, có dạng trụ vuông”1, chỉ trang trí ở phần lưng tựa. Bàn đơn giản, hầu như không có trang trí. Tủ chè chỉ là khối hộp chữ nhật, được phần chia các phần tủ và ngăn kéo, trang trí đơn sơ, “các tấm vách được trang trí bằng các hàng con tiện trơn”. Nhận xét của Henri Gourdon có thể chưa đầy đủ và mang tính chủ quan bởi thời điểm ông tới Việt Nam và đưa ra những ý kiến trên là giai đoạn đồ gỗ nước ta chịu ảnh hưởng của đồ gỗ thời Minh với đặc trưng mảnh mai, ít trang trí hoa văn, thiên về công năng nhưng tinh tế về kiểu dáng, cầu kỳ trong cấu trúc. Về đồ gỗ nội thất, mô tả trong cuốn sách Nghệ thuật Huế của Léopold Cadière và Nghệ thuật trang trí Bắc Kỳ của Marcel Bernanose cho thấy cái nhìn khách quan và chính xác hơn. Thông qua những hình minh họa trong hai cuốn sách có thể thấy đồ gỗ giai đoạn đầu thời Nguyễn cho dù mang âm hưởng Trung Hoa nhưng kiểu dáng trau chuốt, hoa văn trang trí cầu kỳ, tinh xảo thể hiện trình độ tay nghề rất cao của những người thợ thủ công nước ta.

   2. Sự xuất hiện của đồ nội thất mô phỏng kiểu cách phương Tây

   Những năm cuối thời Nguyễn (từ thời vua Thành Thái đến vua Bảo Đại, đặc biệt là thời kỳ vua Khải Định, Bảo Đại) đồ gỗ nội thất chịu nhiều ảnh hưởng của đồ gỗ phương Tây. Nếu như giai đoạn trước đó, các vua nhà Nguyễn thực thi chính sách bế quan tỏa cảng, đoạn tuyệt quan hệ với Tây phương và chủ yếu quan hệ với Trung Quốc thì từ khi nhà Pháp xâm lược nước ta chuyển thành chế độ nửa thực dân nửa phong kiến, hệ thống chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội bắt đầu chịu ảnh hưởng của phương Tây (Pháp và châu Âu). Cùng với sự có mặt của người Pháp, các sản phẩm đồ gỗ nội thất phương Tây được du nhập vào nước ta và dần trở nên phổ biến bên cạnh đồ gỗ nội thất truyền thống.

   Cho đến nay cũng chưa rõ thời điểm đóng đồ nội thất theo kiểu phương Tây bắt đầu xuất hiện ở nước ta có từ bao giờ, hiện không có nhiều tư liệu nói về việc này. Trong cuốn Nghệ thuật Huế, phần Về kiến trúc đô thị và nhà cửa bản xứ (liên tưởng về đồ nội thất và chuyện thêu ren), tác giả Edmond Gras đã đề cập đến việc người Pháp ở thuộc địa đã đặt những người thợ An Nam thực hiện những kiểu tủ, bàn ghế kiểu Pháp bằng chất liệu bản địa với mục đích “gây ấn tượng mạnh cho người ở mẫu quốc”, để “mang về nước những vật gì đó có vẻ như có dấu ấn tay nghề bản địa”2.

   Dưới con mắt các nhà nghiên cứu nước ngoài, việc chế tác đồ nội thất theo kiểu phương Tây không được đánh giá cao, thậm chí trong cuốn Nghệ thuật Huế còn được nói đến với hàm ý chê trách: “Trò mô phỏng hóa trang bên ngoài thật thảm thương vì qua một lớp vỏ bọc đập vào mắt gọi là bản sắc bản địa người ta chỉ còn nhận dạng ra một thứ thẩm mĩ hạ lưu”. Việc đề cập đến với hàm ý chê trách thật ra cũng dễ hiểu, vì tác giả là người rất quý trọng đồ gỗ cổ truyền, mong muốn của tác giả là phát triển ngành nghề thủ công truyền thống với việc giữ gìn nguyên vẹn tất cả những tinh hoa, trân trọng truyền thống nên khá dị ứng với những thứ nửa Tây, nửa ta. Ông không thích “cái mớ ghế bành rẻ tiền”, “rất chối với các thứ vải bọc màu sắc rực rỡ” mà ưa “chiếc ghế bản xứ quý phái bằng gỗ bóng láng, được khảm một cách kín đáo hay được chạm trổ thật thanh nhã”3.

   Dù cho Edmond Gras và các học giả phương Tây của Hội đô thành hiếu cổ bày tỏ sự chê trách là chủ yếu thì việc sao chép kiểu dáng hay các yếu tố của đồ nội thất phương Tây là điều tất yếu không tránh khỏi, bởi lẽ nó nằm trong quá trình giao lưu và tiếp biến văn hóa Đông - Tây cũng như hầu hết các loại hình kiến trúc, văn học, nghệ thuật… trong giai đoạn đó.

   Việc du nhập lối sống phương Tây, cùng với việc sản sinh một tầng lớp cư dân bản địa giàu có đã đưa đến một bối cảnh sống mới. Người dân dần thích nghi với âu phục, đồ ăn, phong cách ăn uống, sinh hoạt, làm việc theo kiểu phương Tây đã kéo theo sự thay đổi của kiến trúc và nội thất ngôi nhà của người Việt. Từ bỏ thói quen ngồi ăn trên phản chuyển sang bàn ăn, những chiếc rương đựng quần áo truyền thống không thể phù hợp với âu phục bằng nhưng chiếc tủ buồng, ngồi gò lưng trên phản để viết chữ trên một chiếc bàn con con theo lối cũ sẽ không thể thoải mái bằng ngồi vào bàn viết với ghế tựa êm ái. Đồ nội thất phương Tây với kiểu dáng tân kỳ, được nghiên cứu công năng kỹ lưỡng nên đem lại sự tiện nghi cho người sử dụng mang đến làn gió mới, đại diện cho một nền văn minh hấp dẫn người dân bản địa.

   Đặc biệt là giai đoạn sau này, vua Khải Định, vua Bảo Đại hết sức ưa thích dùng đồ gỗ nội thất châu Âu thì phong cách bản địa hóa lại càng phát triển, bắt đầu từ cung đình và lan xuống quan lại, đi vào đời sống thường nhật. Rất nhiều đồ gỗ nội thất còn lưu lại trong Hoàng thành Huế như tủ của Đức Từ Cung Hoàng thái hậu, bộ bàn ghế làm việc của vua Khải Định (Điện Cần Chánh) mang phong cách Baroque, chiếc tủ đựng đồ, giường của vua Bảo Đại, giường kiểu Tây phương phong cách Rococo nhưng chạm trổ hoa văn rồng tinh xảo chủ đề “lưỡng long tranh châu”.

   Đồ gỗ nội thất phương Tây bản địa hóa thu được sự quan tâm chú ý từ cả hai phía, những người dân chính quốc thấy thích thú vì vẻ đẹp mới lạ từ chất liệu, hoa văn, sự tinh xảo của bàn tay nghệ nhân An Nam. Người dân bản địa thì bị thu hút bởi kiểu dáng sang trọng, nhẹ nhàng, thanh thoát đến từ phương Tây, mới lạ trong trang trí nội thất nhà cửa bên cạnh đồ gỗ truyền thống vốn mang ảnh hưởng đồ gỗ Trung Hoa (đồ gỗ nhà Thanh hoa văn cầu kỳ, tinh xảo, bề thế nhưng tạo hình lại quá lớn, quá bề thế, đôi khi quá phức tạp; đồ gỗ nhà Minh có kiểu dáng cân đối, đường nét uốn lượn mượt mà, mảnh mai, xinh xắn, kiểu thức thanh thoát nhẹ nhàng nhưng hoa văn trang trí đơn giản, chủ yếu tập trung vào các chi tiết nhỏ).

   3. Đặc điểm của nội thất phương Tây được bản địa hóa

   Nguyên bản đồ nội thất phương Tây du nhập vào nước ta giai đoạn cuối thế kỷ XIX mang những đặc điểm tạo hình thanh thoát về kiểu dáng, sử dụng nhiều đường cong, màu sắc nhẹ nhàng (màu vàng nhạt hoặc kem), hoa văn trang trí kỷ hà, chất liệu gỗ kết hợp với vải, da, kim loại… Khi được bản địa hóa, đồ nội thất đã có một số thay đổi.

   3.1. Chất liệu

   Khi sản xuất tại Việt Nam thì đồ gỗ nội thất kiểu phương Tây sẽ được chế tác bằng gỗ bản địa và như vậy các loại gỗ gụ, trắc, hương, mun đã thay thế cho gỗ sồi, gỗ óc chó.

   Về các chất liệu trang trí, nếu như đồ phương Tây ưa dùng kim loại (vàng, bạc, đồng) thì chuyển sang chế tác tại Việt Nam, người thợ thủ công đã dùng chất liệu địa phương như xà cừ, khảm trai, sơn mài. Điều này không phải do tay nghề của nghệ nhân nước ta thua kém mà đến từ nguyên nhân về công nghệ chế tác kim loại của người Việt khi đó không thể sánh được với châu Âu, việc thực hiện các chi tiết kim loại được đúc, dập, gia công tinh xảo là điều không thể đối với người thợ thủ công nước ta trong thời điểm đó.

   Việc thay đổi chất liệu ngoài nguyên do không có chất liệu bản địa tương xứng thì cũng có nguyên nhân đến từ công năng sử dụng: ta thấy hầu hết các bộ ghế phần mặt ghế và lưng ghế kiểu Louis đều được chuyển từ bọc nệm sang pano gỗ phẳng do việc sử dụng ghế bọc nệm trong mùa hè ở xứ nhiệt đới nóng ẩm như nước ta rất bất tiện.

   3.2. Kết cấu

   Do thay đổi chất liệu nên dẫn đến hình thức và kết cấu cũng có sự thay đổi. Như trường hợp bộ bàn ghế kiểu Louis, kết cấu khung, mặt ghế và tựa lưng bọc nệm vải hoặc da nguyên bản đã được thay thế bằng kết cấu khung mộng, ghép panô ở mặt và lưng ghế. Lưng ghế không còn tạo hình cong mà chuyển sang mảng phẳng. Khi ghế không còn bọc đệm, kích thước chiều cao mặt ghế và chiều sâu của ghế cũng phải điều chỉnh cho phù hợp nhân trắc học dẫn đến tỉ lệ đường cong chân ghế và độ ngả lưng ghế cũng được tính toán lại.

   3.3. Hoa văn trang trí

   Trong cách thức sử dụng hoa văn trang trí có một điểm đáng chú ý là việc sử dụng hoa văn bản địa trang trí cho đồ gỗ kiểu dáng phương Tây, có sự kết hợp hoa văn phương Tây và hoa văn Á Đông, xuất hiện hình thức chạm khắc, khảm trai độc đáo mang đậm nét Á Đông.

   Hoa văn trang trí bản địa được sử dụng phổ biến trong trang trí đồ gỗ nội thất phong cách châu Âu khá phong phú nhưng ta có thể thấy có sự phân chia khác biệt do phải tuân thủ các quy tắc luật lệ nghiêm ngặt do triều Nguyễn ban hành.

   Ở khu vực triều đình, với tính chất uy nghi, tất nhiên hoa văn Rồng là phổ biến nhất vì nó thể hiện vị thế nhà vua, sự uy nghị, quyền lực của Hoàng đế. Tuy nhiên trong sử dụng trang trí các nghệ nhân vẫn tuân thủ nghiêm ngặt quy tắc luật lệ của triều đình, đồ gỗ của Hoàng đế trang trí Rồng 5 móng, đồ gỗ của Thái tử sử dụng hoa văn Rồng chỉ có 4 móng. Hoa văn rồng cũng được trang trí ở các dạng thức không trực tiếp mà là biến thể (cá chép hóa rồng, mai hóa rồng, rồng chầu chữ Thọ…). Hoa văn phượng cũng được sử dụng trang trí khá phổ biến. Ví dụ rõ nét nhất trong trường hợp này là là chiếc giường của vua Bảo Đại, kiểu dáng theo phong cách Rococo nhưng trang trí hoa văn rồng phượng hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng cổ vật cung đình Huế.

   Với đối tượng quan lại, thứ dân: Hoa văn trang trí đồ gỗ nội thất kiểu Tây phương được sử dụng chủ yếu là các loại hoa văn thực vật, động vật với những đề tài quen thuộc như Mai – Lan – Cúc - Trúc, Hoa - Điểu. Trường hợp phổ biến nhất là những bộ bàn ghế kiểu Louis, hình dáng tựa lưng, chân ghế, tay ghế tạo hình chữ C chạm khắc hoa văn lan tây đặc trưng kết hợp phần tựa lưng chạm khảm hoa văn truyền thống với kỹ thuật sen lọng tinh xảo, chủ đề “Phúc ngậm lẵng hoa”. Mặt bàn trang trí hoa văn chùm nho, hoa - điểu, bút nghiên kết hợp phong cách tả thực và cách điệu thể hiện tay nghề điêu luyện của nghệ nhân.

   3.4. Màu sắc

   Từ màu sắc nguyên bản của đồ nội thất phương Tây khi được bản địa hóa sẽ có sự thay đổi, sự thay đổi này tùy thuộc đối tượng sử dụng và chất liệu chế tác.

   Cũng như hoa văn trang trí, với đồ gỗ cung đình thì màu sắc chủ đạo sẽ là màu đỏ, màu vàng. Tất cả đồ nội thất đều được sơn son thếp vàng tạo nên vẻ đẹp lộng lẫy, ở nguyên bản một số đồ nội thất Tây phương đã được dát vàng nhưng kết hợp màu sắc vàng son thì chỉ có ở nội thất cung đình.

   Với đối tượng quan lại, thứ dân thì màu sắc thay đổi theo hướng phụ thuộc chất liệu, màu sắc đồ nội thất cũng chuyển từ tông màu sáng, trắng kem, nhẹ nhàng sang nâu, đen chắc chắn, bề thế, do người dân Á Đông ưa thích sử dụng gỗ tự nhiên. Gỗ tự nhiên để nguyên vân gỗ được ưa chuộng, vân gỗ càng đẹp thì bộ bàn ghế càng giá trị, để lộ vân gỗ cho biết chủng loại gỗ, gỗ càng quý càng có giá.

   4. Quá trình sao chép, biến cải và định hình cái mới

   Như đã nêu ở các phần trên, việc bản địa hóa đồ nội thất phương Tây nằm trong quá trình giao lưu tiếp biến văn hóa Đông - Tây giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Trong trường hợp đồ nội thất, quá trình giao lưu tiếp biến này có thể khái quát ngắn gọn trong công thức: sao chép nguyên mẫu - cải biên - tạo ra cái mới.

   Khi sao chép nguyên bản, mục tiêu đầu tiên của những người thợ thủ công Việt Nam sẽ là làm sao có thể giống nhất với nguyên bản. Và với bàn tay khéo léo cùng óc quan sát tinh tế của những nghệ nhân người Việt, việc làm theo nguyên bản là chuyện có thể thực hiện không khó khăn gì.

   Khi đã sao chép được nguyên gốc, sự biến đổi bắt đầu xuất hiện. Trường hợp không thể sao chép đúng nguyên bản do những nguyên nhân sau:

   Nghệ nhân không thể làm theo đúng bản gốc do trình độ tay nghề, do điều kiện công nghệ nước ta lúc đó không có máy móc, khoa học kỹ thuật như phương Tây. Khác với đồ gỗ nội thất Trung Hoa thường được tạo tác bằng gỗ và chế tác bằng tay, thể hiện độ khéo léo trong từng chi tiết thì với trình độ của nghệ nhân Việt hoàn toàn có thể làm được, thậm chí còn làm tốt hơn. Nhưng với những sản phẩm đồ nội thất phương Tây được sử dụng máy móc phương tiện hiện đại chế tác thì chỉ với đôi bàn tay khéo léo người nghệ nhân cũng không dễ gì có thể làm được.

   Nghệ nhân không thể làm theo đúng nguyên bản do không có chất liệu như sản phẩm gốc. Nhiều sản phẩm có chất liệu khác hẳn hoặc những người nghệ nhân chưa bao giờ thấy.

   Những nguyên nhân nêu trên đã khiến cho nhiều sản phẩm không thể làm giống hệt bản gốc và với bản tính linh hoạt, dễ thích ứng với mọi hoàn cảnh đã khiến cho người thợ thủ công nước ta, hoặc vô tình hoặc có chủ đích đã tiến hành cải biên sản phẩm nội thất.

   Trường hợp biến đổi có chủ đích có thể do người sử dụng không muốn sao chép nguyên mẫu đã yêu cầu nghệ nhân thực hiện theo lối kết hợp Đông - Tây (đồ nội thất của vua Khải Định, vua Bảo Đại, các sản phẩm do người Pháp đặt hàng đem về nước, đồ nội thất do các điền chủ Nam Bộ yêu cầu trong quá trình xây dựng nhà), cũng có thể một số nghệ nhân nhanh nhạy nắm bắt cái mới, hiểu rõ công nghệ, nhìn thấy hướng phát triển nên hoàn toàn có ý thức chủ động cải biên: kết hợp bản địa với ngoại nhập, kết hợp hoa văn trang trí truyền thống với kiểu dáng phương Tây.

   Không chỉ riêng ở nước ta, với việc văn minh phương Tây tràn vào, Trung Hoa cũng chịu ảnh hưởng của đồ nội thất phương Tây, họ cũng sản xuất theo hướng áp dụng cấu trúc, kiểu dáng của đồ nội thất phương Tây và có một hướng khác là áp dụng phong cách hoặc hoa văn trang trí của phương Tây vào kiểu dáng cấu trúc đồ nội thất truyền thống Trung Hoa.

   Và như vậy, từ quá trình cải biên sẽ hình thành cái mới. Về kiểu dáng của đồ gỗ phương Tây bản địa hóa, nhìn qua có thể thấy dường như chúng được hoàn toàn sao chép từ nguyên mẫu, tuy nhiên nếu xem xét kỹ thì không hoàn toàn như vậy. Nếu như đồ gỗ kiểu Tây phương nguyên mẫu được phân chia rạch ròi theo các thời kỳ, các phong cách như Louis XIII, Louis XIV, Louis XV, Louis XVI thì với một số sản phẩm đồ gỗ nội thất kiểu Tây phương được bản địa hóa dường như các phong cách đã có sự trộn lẫn, những bộ bàn ghế được gọi với cái tên chung là kiểu Louis không thực sự giống với một mẫu cụ thể nào, một phong cách nào mà kiểu dáng nhiều đường cong của bộ Louis XV là nổi trội hơn cả (tuy nhiên màu sắc thì lại nâu trầm, đen sẫm theo kiểu Louis XIII, Louis XIV)…

   Với quá trình sao chép - biến cải - định hình cái mới nêu trên, tất nhiên những sản phẩm ban đầu sẽ cho thấy sự sao chép giản đơn, kết hợp khiên cưỡng; để tạo nên cái mới người thợ thủ công cần một quá trình mày mò, nghiên cứu thử nghiệm mới đạt đến sự hòa hợp, từ đó tạo nên một hình mẫu mới. Tiếc rằng đồ gỗ phương Tây bản địa hóa đã dừng lại ở mức chỉ thay đổi chút chất liệu và hoa văn trang trí, do đó nó không thể tạo nên một trào lưu, một phong cách tiêng biệt. Có thể do phom dáng kiểu mẫu của đồ gỗ phương Tây giai đoạn đó quá chuẩn mực nên những người thợ thủ công Việt Nam dù có mong muốn nhưng không thể thay đổi, cải biên kiểu dáng. Nếu như kiến trúc có sự pha trộn, đưa những nét truyền thống vào công trình rất rõ rệt và tạo thành phong cách Đông Dương thì với đồ gỗ, kiểu thức phương Tây cho dù có sự biến đổi nhưng hầu như không đáng kể, tất cả được tuân thủ nghiêm ngặt kiểu dáng, bởi vậy nó vẫn hoàn toàn là một sản phẩm Tây phương. Phải chăng sự khác biệt về hoa văn trang trí như đã đề cập ở trên, một đằng chủ yếu mang tính chất trang trí bề mặt, một đằng có chức năng tạo nên kết cấu bên cạnh việc trang trí đã là những hạn chế cho việc tác động, chỉnh sửa vào kiểu dáng đồ gỗ nội thất kiểu Tây phương. Mặt khác, không phải sự kết hợp nào cũng mang lại vẻ hài hòa và thẩm mĩ tốt, nhiều chủ đề trang trí nặng tính truyền thống Á Đông đặt vào đồ nội thất kiểu dáng phương Tây còn khiên cưỡng, chưa thực sự ăn nhập. Với những lý do nêu trên, việc bản địa hóa đồ gỗ kiểu phương Tây đã dừng lại ở những thành công bước đầu, dẫu vậy nó cũng đem lại một góc nhìn mới, tạo nên một xu hướng thẩm mĩ, tiêu dùng có tác động đến đồ gỗ nội thất của nước ta, làm phong phú cho kho tàng giá trị nghệ thuật của cha ông ta.

   Có một điểm thú vị là đồ gỗ làm theo kiểu Tây phương xuất phát từ kinh thành Huế sau đó theo chân những người thợ thủ công đi khắp đất nước và phát triển mạnh ở Nam Bộ. Tính cách phóng khoáng của những người đi mở cõi, cộng với ảnh hưởng mạnh mẽ của phương Tây giúp cho người dân cái nhìn thoáng hơn, dễ chấp nhận những cái mới, chấp nhận sự thử nghiệm, có thể thấy trong âm nhạc là cải lương, trong văn học là những tiểu thuyết phóng tác của Hồ Biểu Chánh, ảnh hưởng này vẫn còn rất lớn cho đến bây giờ, khi mà những bộ bàn ghế đóng theo kiểu Louis vẫn được sản xuất và có thị trường tiêu thụ rất tốt ở các tỉnh miền Tây.

   5. Kết luận

   Tóm lại, dẫu cho chưa hội tụ các điều kiện cần và đủ (bối cảnh xã hội, thời gian, công nghệ, tay nghề, óc sáng tạo…) để tạo nên một phong cách riêng, một trường phái riêng, tạo lập cho mình những thành tựu riêng cho như kiến trúc, thơ ca, nhạc kịch… đã đạt được, trong lĩnh vực nội thất, việc bản địa hóa đồ gỗ nội thất phương Tây vào giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX ở nước ta cũng đem lại những điểm đặc sắc riêng.

   Một là, nó chứng tỏ tay nghề tinh xảo của các nghệ nhân người Việt không hề thua kém những người đồng nghiệp phương Tây, chỉ với đôi bàn tay khéo léo cùng các công cụ đơn giản họ đã làm được những sản phẩm giống hệt nguyên gốc phương Tây được thực hiện chế tác không chỉ bằng tay mà còn bằng kỹ thuật công nghệ hiện đại, bằng chứng là những sản phẩm làm ra đã được một bộ phận cư dân chính quốc sử dụng và đánh giá cao.

   Hai là, quá trình bản địa hóa đồ nội thất phương Tây đánh dấu một giai đoạn trong lịch sử phát triển của đồ gỗ nội thất nói riêng và ngành nội thất nước ta nói chung. Nó cho thấy thay đổi về gu thị thiếu thẩm mĩ, chuyển từ ảnh hưởng đồ gỗ nội thất Trung Hoa sang xu hướng ảnh hưởng đồ nội thất phương Tây, từ đó tạo tiền đề và manh nha phát triển một hướng đi cho đồ gỗ nội thất với phong cách Đông Dương tuy chưa đi đến tận cùng và tạo lập phong cách riêng như đồ gỗ Thượng Hải (Trung Quốc).

   Ba là, nó có ảnh hưởng sâu sắc đến thiết kế đồ gỗ nội thất, xu hướng đồ gỗ nội thất ở nước ta. Cho đến thời điểm hiện tại, các bộ đồ gỗ nội thất chế tác theo mẫu mã đồ gỗ châu Âu cổ điển vẫn có thị trường riêng, được một bộ phận khách hàng đón nhận.

   Ngày nay, thế giới đã trở nên “phẳng” hơn bao giờ hết, nhất là trong thời đại 4.0, ranh giới về phong cách thiết kế, tạo dáng đồ nội thất gần như không còn giữa các quốc gia trên thế giới. Các phong cách thiết kế nội thất, các mẫu mã sản phẩm nội thất được sử dụng phổ biến trên toàn thế giới. Tuy nhiên ta cũng thấy rằng bên cạnh những cái chung, phổ biến vẫn có những điểm riêng biệt của từng khu vực, từng quốc gia do mỗi quốc gia đều ẩn chứa sức mạnh văn hóa nội tại và từ đó thể hiện bản sắc riêng. Do vậy, bài học kinh nghiệm từ việc bản địa hóa đồ gỗ phương Tây của cha ông ta cách đây hơn một thế kỷ vẫn là điều cần suy ngẫm. Kế thừa kinh nghiệm truyền thống để vươn lên và phát triển thành một dòng sản phẩm nội thất kết hợp vẻ đẹp hiện đại và truyền thống, kết hợp các nền văn hóa Đông - Tây hay chỉ bằng lòng và dừng lại ở những thành quả đạt được, đó thực sự là thử thách không nhỏ đối với đội ngũ designer và những người thợ thủ công nước ta trong giai đoạn hiện nay.

 

 

 

Tài liệu tham khảo:
1. Marcel Bernanose (2022), Nghệ thuật trang trí Bắc Kỳ, Du Uyên dịch, Võ Nguyên Phong chú giải, NXB Khoa học xã hội.
2. Trần Lâm Biền (2001), Trang trí trong mỹ thuật truyền thống của người Việt, NXB Văn hóa dân tộc.
3. Nguyễn Du Chi (2003), Hoa văn Việt Nam - Từ thời tiền sử đến nửa đầu thời phong kiến, NXB Mỹ thuật.
4. Henri Gourdon (2017), Nghệ thuật xứ An Nam, NXB Thế giới.
5. Hàng Gian - Quách Thu Huệ (2012), Thủ công mỹ nghệ truyền thống Trung Quốc, Trương Gia Quyền dịch, NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.
6. Henri Oger (1909, tái bản 2009), Kỹ thuật của người An Nam, NXB Thế giới.
7. Trịnh Thị Hòa (1995), Đồ gỗ thời Nguyễn (thế kỷ XIX-đầu thế kỷ XX) tàng trữ tại bảo tàng Lịch sử Việt Nam – Thành phố Hồ Chí Minh, Luận án Tiến sĩ, lưu trữ tại Thư viện Quốc gia Việt Nam.
8. Kraevskaia, Natalia (2015): “Vấn đề lý thuyết về hoa văn”, Tạp chí Nghiên cứu mỹ thuật, số 6, tr. 4-13.
9. Trương Hiểu Minh (2012), Đồ nội thất Trung Quốc, Trương Lệ Mai dịch, NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh. 10. Nguyễn Hữu Thông (Chủ biên, 2019), Mỹ thuật Nguyễn, NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.

Chú thích:
* Trường Đại học Mĩ thuật Công nghiệp
1 Henri Gourdon (2017), Nghệ thuật xứ An Nam, NXB Thế giới, tr. 100.
2, 3 L. Cadière (2019), Nghệ thuật và nghệ nhân kinh thành Huế, NXB Hà Nội, tr. 204, 209.

Bình luận

    Chưa có bình luận