TRANH SƠN DẦU Ở THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH GIAI ĐOẠN TỪ NĂM 2000 ĐẾN NAY

Trên cơ sở phân tích sự chuyển biến trong sáng tác, phong phú và đa dạng về hình thức lẫn nội dung của tranh sơn dầu ở Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2000 đến nay, bài viết đánh giá đội ngũ họa sĩ trẻ của Thành phố về nhận thức, tư duy sáng tác, quan niệm nghệ thuật, dấu ấn cá nhân trong sáng tác tranh sơn dầu ở giai đoạn này.

 

   Tranh sơn dầu có từ rất lâu đời, gắn liền với nhiều tác phẩm nổi tiếng của các danh họa trên thế giới. Ở Việt Nam, tranh sơn dầu chỉ thực sự phổ biến bắt đầu vào đầu thế kỷ XX. Trải qua nhiều giai đoạn phát triển, thể loại tranh sơn dầu ở Việt Nam có nhiều thay đổi, để lại những dấu ấn vàng son đáng ghi nhận. Trong đó, phải kể đến tranh sơn dầu ở Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn từ năm 2000 đến nay với nhiều sự chuyển biến tích cực về nội dung và hình thức; đã kế thừa và phát triển mạnh thành nhiều xu hướng tạo hình khác nhau, với những sự sáng tạo, cách tân trong sáng tác của giới họa sĩ. Chính điều này đã góp phần tích cực và hiệu quả vào nền mĩ thuật phía Nam.

   Thành phố Hồ Chí Minh có một cộng đồng nghệ sĩ đa dạng với nhiều tầm ảnh hưởng văn hóa và nghệ thuật. Sự kết hợp giữa truyền thống nghệ thuật Việt Nam và ảnh hưởng từ các xu hướng quốc tế đã tạo nên một môi trường sáng tạo, hình thành nhiều phong cách cá nhân trong sáng tác. Các sự kiện nghệ thuật, triển lãm và hội thảo thường xuyên diễn ra tại thành phố, tạo cơ hội cho các họa sĩ tiếp cận vật liệu và trang thiết bị nghệ thuật đa dạng hiện đại; tạo môi trường để các họa sĩ tương tác, chia sẻ ý kiến và học hỏi lẫn nhau. Có sự phát triển của thị trường nghệ thuật và sự quan tâm của người yêu thích nghệ thuật, những yếu tố này đã tạo nên một môi trường nghệ thuật phong phú, thúc đẩy sự sáng tạo của các họa sĩ góp phần vào sự kế thừa và phát triển của tranh sơn dầu tại Thành phố Hồ Chí Minh. 

   Thông qua triển lãm, qua những kết luận đánh giá của Hội đồng nghệ thuật, qua báo cáo thành quả trại sáng tác và chất lượng các sáng tác mới của Hội Mĩ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, có thể thấy tranh sơn dầu ở Thành phố Hồ Chí Minh có sự chuyển biến, thay đổi về nội dung và hình thức sáng tạo về mặt tư tưởng, nghệ thuật tạo hình và chất liệu. Điều này đã tạo nên bước ngoặt, sự đột phá cũng như tạo dấu ấn nghệ thuật, phong cách khác biệt, với những giá trị nghệ thuật riêng mang tính bản địa trong hội họa Thành phố Hồ Chí Minh.

   Giai đoạn từ năm 2000 đến nay, tranh sơn dầu ở Thành phố Hồ Chí Minh đã phản ánh nhiều yếu tố. Sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội đã thay đổi tầm nhìn của các họa sĩ trẻ, giúp họ có sự nhận thức, tư duy mới mẻ và mạnh dạn sáng tác theo trào lưu mới, bắt kịp với xu thế phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin. Dễ nhận ra điều này khi sáng tác của họ cập nhật và thay đổi về chất liệu và kỹ thuật, không bị rập khuôn theo những phong cách, trường phái trước đây mà có sự chuyển biến, sáng tạo, cách tân để tạo nên giá trị nghệ thuật hội họa mới và sự phong phú, đa dạng cho ngôn ngữ nghệ thuật ở giai đoạn này. Đây chính là cột mốc xác định sự đóng góp của nghệ thuật tranh sơn dầu Thành phố Hồ Chí Minh trong nền mĩ thuật phía Nam và cả nước chung.

   1. Tranh sơn dầu ở Thành phố Hồ Chí Minh qua các giai đoạn

   Trước năm 1975, hòa chung vào không khí “tất cả cho tiền tuyến” của cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước, các tác phẩm sơn dầu hầu như vẽ về đề tài chiến tranh cách mạng - hình ảnh người quân nhân, những bối cảnh sinh hoạt trong chiến đấu ở Miền Nam... Điểm dễ nhận thấy về mặt phong cách sáng tạo ở giai đoạn này là sự tiếp cận chất liệu sơn dầu và các trường phái hội họa hiện đại như: Lập thể, Ấn tượng, Siêu thực, Trừu tượng... Ở giai đoạn này, mặc dù, chất liệu sơn dầu có nguồn gốc phương Tây và được du nhập từ văn hóa châu Âu nhưng các tác phẩm sơn dầu của các họa sĩ Việt Nam vẫn mang mang đậm tính dân tộc. Đến nay, trong sưu tập của bảo tàng, có nhiều tác phẩm của các họa sĩ giai đoạn này, tuy chưa thể đầy đủ nhưng cũng có khá nhiều tên tuổi của trường và giới mĩ thuật Sài Gòn xưa như: Cổ Tấn Long Châu, Trịnh Cung, Huỳnh Phương Đông, Dương Văn Đen (Văn Đen), Đỗ Quang Em, Đỗ Đình Hiệp, Nguyễn Phi Hoanh, Lưu Đình Khải, Nguyễn Lâm, Lê Văn Mậu, Huỳnh Văn Mười (Uyên Huy), Nguyễn Siên, Nguyễn Thị Tâm, Trương Thị Thịnh, Hồ Hữu Thủ, Nguyễn Trung, Trương Văn Ý…

   Từ sau năm 1975 đến năm 2000 là giai đoạn tái thiết đất nước, mở cửa hội nhập trên nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, các họa sĩ được tự do sáng tác, không khí hòa bình, thống nhất và đổi mới, phát triển đã đem đến cho nghệ sĩ nguốn đề tài phong phú, đa dạng nên tác phẩm của họ có bước đột phá. Tất nhiên, ở thời kỳ đầu của giai đoạn này, đất nước đang khắc phục hậu quả chiến tranh, phục hồi kinh tế nên công nghệ thông tin, truyền thông vẫn còn hạn chế, vì vậy, việc tiếp cận giao lưu với các nền hội họa trên thế giới vẫn còn hạn chế. Mặc dù vậy, các họa sĩ ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã tiếp cận trường phái hội họa hiện đại như: Lập thể, Ấn tượng, Siêu thực, Trừu tượng… để rồi hội họa ở Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, ở khu vực Miền Nam nói chung, như được hồi sinh khi chứng kiến nhiều phong cách vẽ mới lạ từ chất liệu sơn dầu tạo ra sự phong phú, đa dạng, đa chiều... cho hội họa. Điển hình là các tác phẩm tranh sơn dầu phản ánh hiện thực lịch sử của đất nước ta trong hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm và xây dựng Tổ quốc Việt Nam. Giai đoạn trước năm 2000, các tác phẩm thường sáng tác theo phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa, với bút pháp tả thực, dung dị, khỏe khoắn; các họa sĩ thường để lại nhát bút có chủ đích; “không khí” của đời sống lúc bấy giờ được diễn tả giàu cảm xúc thông qua lối tả chất, tả khối, diễn tả không gian - nói đúng hơn là sử dụng bút pháp nệ thực - một số họa sĩ còn thử nghiệm cách xử lý kỹ thuật dùng chất tổng hợp. Trong lĩnh vực tranh sơn dầu nổi lên tên tuổi của một số tác giả: Nguyễn Thanh Bình, Cao Thị Được, Nguyễn Hoàng, Ca Lê Thắng, Đào Minh Tri, Phan Phương Trực, Nguyễn Trung Tín…

   Từ năm 2000 đến nay, sự chuyển biến trong sáng tạo tranh sơn dầu ở Thành phố Hồ Chí Minh đã phản ánh nhiều yếu tố, từ sự phát triển kinh tế đến thay đổi văn hóa và tầm nhìn của nghệ sĩ. Có thể thấy một số xu hướng tiêu biểu: 1) Đô thị hóa và hiện đại hóa: Sự tăng tốc trong quá trình đô thị hóa của Thành phố Hồ Chí Minh đã làm thay đổi diện mạo của thành phố. Nghệ sĩ thường thể hiện sự hiện đại hóa qua tranh sơn dầu, tập trung vào các khu vực đô thị mới, tòa nhà cao tầng và cảnh quan đô thị đặc trưng. 2) Phong cách và kỹ thuật đa dạng: Từ những năm 2000 trở đi, nghệ sĩ thường tỏ ra linh hoạt và sáng tạo hơn trong việc áp dụng kỹ thuật và phong cách. Sự đa dạng trong cách sử dụng màu sắc, ánh sáng và kỹ thuật tạo nên một loạt các tác phẩm sáng tạo. Cách xử lý kỹ thuật trên tranh sơn dầu giai đoạn này các họa sĩ trở nên tự do, phóng khoáng và đa dạng bút pháp, yếu tố chủ quan của người nghệ sĩ được thể hiện nhiều hơn. Kích thước tranh sơn dầu có chuyển biến, nhiều tranh có kích thước quá khổ cho thấy đặc điểm mới về kỹ thuật chất liệu, về kích thước tác phẩm.

   Giai đoạn này có các họa sĩ tiêu biểu như Ca Lê Thắng (với chủ đề mùa nước nổi, kết hợp nhiều thủ pháp hiện đại của nghệ thuật trừu tượng vào một chủ đề hiện thực rất quen thuộc với người dân Nam Bộ), Nguyễn Thanh Bình (chủ đề về người phụ nữ được ông diễn đạt rất giản dị và nền nã với chiếc nón lá, tà áo dài. Tác phẩm của ông cũng thường sử dụng nhiều hình ảnh quen thuộc trong văn hóa dân gian Việt Nam như: “cây đa”, “lũy tre”, “bến nước”, “con đò”, “mẹ - con” mang lại sự gần gũi, bình dị), Uyên Huy (với các tác phẩm Cô gái và vĩ cầm, Cô gái và biển, Cô gái và cánh chim, Cô gái và hoa sen... những hình ảnh gần gũi được thể hiện với một bút pháp phóng khoáng, cho thấy quan niệm sáng tác của họa sĩ luôn hướng về yếu tố con người, cảnh vật, biển đảo Việt Nam), Hồ Hữu Thủ (với motif “cô gái trong đêm trăng huyền ảo” làm chủ đề tác phẩm. Họa sĩ ít thể hiện chi tiết, sự vật, hay hình ảnh khác mà chủ yếu chỉ tập trung vào việc xây dựng hình ảnh người con gái Việt Nam với trang phục quen thuộc như áo dài hay áo bà ba trong một không gian siêu thực với gam màu đặc trưng. Trong các tác phẩm của ông, các motif quen thuộc dễ thấy là người phụ nữ, hoa sen, mảnh trăng... Các “nhân vật” này có lúc xuất hiện đơn lẻ, có lúc theo cặp hoặc cả ba đối tượng ấy tạo thành một chỉnh thể độc đáo. Những nhân vật trong tranh hiện lên với nhiều tâm thế, lúc quấn quýt, lúc lả lơi, lúc thì lại cô đơn và bí ẩn lạ kỳ. Lối vẽ này thể hiện yếu tố siêu thực và toát lên tâm thức thiền của họa sĩ), Nguyễn Trung Tín (tranh của ông là sự kết hợp khéo léo giữa cái thực tinh túy của cuộc sống với cái ảo của thị giác; phong cách thể hiện không gian tổ hợp kết hợp đồng hiện cùng các yếu tố siêu thực đã tạo nên sự mới lạ cho tác phẩm. Chủ đề chính trong các tác phẩm của ông là cuộc sống thường ngày đan xen giữa quá khứ và hiện tại, những motif chính trong sáng tác của ông là người phụ nữ, dãy phố, mảng tường, nhà cổ... đan xen với những hình ảnh hoài niệm của quá khứ).

   Bên cạnh các tác phẩm tranh sơn dầu của các họa sĩ gạo cội nêu trên các tác phẩm sơn dầu của các họa sĩ trẻ đương đại ở Thành phố Hồ Chí Minh như Nguyễn Thành Nhân, Nguyễn Duy Nhựt, Nguyễn Đức… và nhiều họa sĩ khác cũng có sự chuyển biến tích cực trong sáng tác. Thành quả lao động sáng tạo nghệ thuật do họ đem lại có nhiều đổi mới về mặt nhận thức, quan niệm nghệ thuật, phong cách tạo hình và diễn đạt qua chất liệu. Tác phẩm của họ thực sự là “nơi mà các nghệ sĩ có thể sắp xếp các khía cạnh của tư tưởng cá nhân một cách tự nhiên, đôi khi lý tưởng hoá hoặc trừu tượng hoá chúng”1, nơi người nghệ sĩ có thể “tìm về với thế giới an nhiên của riêng mình sau những khoảnh khắc quan sát và trải nghiệm từ đời sống”2. Chẳng hạn, chúng ta gặp Nguyễn Duy Nhựt với phong cách sáng tác theo lối trừu tượng, lập thể, siêu thực với những hoài niệm của bản thân khi nhìn thế giới quan qua lăng kính của người nghệ sĩ. “Tác phẩm của anh được tạo thành bằng cách sắp xếp các yếu tố cấu thành, bao gồm cả phân tử tư duy và cảm xúc. Qua việc này, anh tạo ra một dòng chảy mượt mà và đa dạng từ không gian lập thể, đến biểu hiện cụ thể rồi trừu tượng và siêu thực. Anh sử dụng một ngôn ngữ đa dạng, có phần đặc trưng trong tính cách “lập thể” của anh. Sự khéo léo trong việc bố trí các khối hình và sử dụng màu sắc tương phản là những đặc điểm quan trọng trong bộ sưu tập của Nguyễn Duy Nhựt. Màu sắc không chỉ tạo ra những dấu hiệu trực quan rất sống động mà còn truyền đạt năng lượng từ các khối hình, tạo ra sự tương tác mạnh mẽ với mắt của người xem. Người ta dường như có thể phân biệt và đoán được trọng lượng của các đối tượng mà anh thể hiện với lối kiến trúc của riêng cá nhân anh xây dựng nên”3.


Hóa thân (Nguyễn Duy Nhựt; sơn dầu, 90 x 160cm, 2023)

   Chúng ta gặp sự tự tin trong tranh của Nguyễn Hồng Đức qua việc sử dụng ngôn ngữ tạo hình ánh sáng và sắc màu một cách hài hòa, nhuần nhuyễn. “Tranh Nguyễn Hồng Đức thì luôn là sự trong trẻo, với cách nhìn hình màu vững chãi tự tin của người được đào tạo bài bản, họa sĩ cắt gọt thoải mái trong ngôn ngữ tạo hình của mình. Tranh của Đức là sự kết hợp ngọt ngào về màu sắc, tổng thể như sự soi chiếu lung linh nhiều mặt đời sống đô thị tươi mới xung quanh, với vẻ đẹp hiện đại của con người cảnh vật, qua cái nhìn trìu mến. Anh không chỉ mô tả đời sống, mà còn mạnh bạo cho hình ảnh đời sống như ký ức đọng lại trên các mảnh gương trong, cắt chúng rời ra, rồi đặt lại đâu đó trong trong tranh, tạo không gian khúc xạ một cách tài ba ngẫu hứng. Rất hay và độc đáo”4.


(Nguyễn Hồng Đức; sơn dầu, 100 x 150cm, 2023)

   Còn Nguyễn Thành Nhân thì “bộc bạch “sự thật” trong tâm thế vô tư thông qua trừu tượng. Thực chất, nó là phản ứng của anh đối với những góc nhìn cuộc sống. Tuy rằng những hình ảnh trong tranh không phải tất cả đều bị trừu tượng hoá mạnh mẽ đến mức chúng ta khó có thể tham chiếu với thế giới hiện tại. Thay vào đó, trên nền tranh, anh cho chúng ta thấy một cách cụ thể những sợi tơ tiếp nối nhau, giao kết hoạ sĩ với cảnh tượng trước mắt. Có lẽ “sự thật” trong tranh anh có phần lãng mạn và vô ưu, anh nhìn mọi việc trong tâm thế của sự hạnh phúc và đầy xúc cảm, mà cảm xúc lại là một phương tiện giao tế mạnh mẽ để anh có thể dung dưỡng tâm hồn sáng tạo của mình”5.

   Những tác phẩm mới, tâm huyết của các họa sĩ ở Thành phố Hồ Chí Minh đều tập trung thể hiện cảnh vật, đất nước, con người Việt Nam, những suy ngẫm, trải nghiệm của bản thân về tình yêu, gia đình, xã hội, cuộc sống, về những tấm lòng nhân ái... khẳng định sức sáng tạo, lòng yêu nghề, yêu đời, tính chuyên nghiệp qua các tác phẩm của các họa sĩ đương đại ở Thành phố Hồ Chí Minh.


Đường tơ 1 (Nguyễn Thành Nhân; sơn dầu, 120 x 120cm, 2023)

   Tranh sơn dầu ở Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn năm 2000 đến nay trên tinh thần sáng tạo và hội nhập, người họa sĩ đã tiếp cận, tiếp thu, học hỏi tính mới, tạo nhiều chuyển biến rõ rệt qua ngôn ngữ tạo hình, nội dung, hình thức thể hiện xu hướng, phong cách sáng tác, kỹ thuật, chất liệu... mang lại đặc trưng, giá trị nghệ thuật mới, tính đa dạng, phong phú của nghệ thuật, phát huy tính sáng tạo cá nhân, bản sắc địa phương và tiệm cận các xu hướng quốc tế. Các họa sĩ đã có những tìm tòi và nghiên cứu đột phá, nhiều phong cách thể hiện hội họa mới lạ, ấn tượng xuất hiện. Những chuyển biến này cho thấy sự đa dạng và sự đổi mới trong sáng tạo tranh sơn dầu ở Thành phố Hồ Chí Minh từ những năm 2000 đến nay. Thực tế này phần nào phản ánh tâm huyết của cộng đồng nghệ sĩ trẻ ở Thành phố Hồ Chí Minh khi tham gia vào quá trình hội nhập quốc tế trong lĩnh vực nghệ thuật, góp phần tạo nên sự phong phú, đa dạng cho lĩnh vực nghệ thuật này. 

 

 

 

Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Thái Dương, “Nhận diện tính bản địa trong hội họa Thành phố Hồ Chí Minh (giai đoạn từ năm 1986 đến nay)”, Tạp chí Văn hóa – Nghệ thuật số 542, tháng 8/2023.
2. Luận án Tiến sĩ của tác giả Trương Phi Đức với đề tài Mĩ thuật Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ đổi mới (2013),Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam.
3. Uyên Huy – Trương Phi Đức – Lê Bá Thanh (2001), Sách mĩ thuật ở Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh, NXB Văn hóa – văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh.
4. Huỳnh Văn Mười (2016), Mĩ thuật Thành phố Hồ Chí Minh: Một thoáng hôm nay, một chút xưa, NXB Mỹ thuật.
5. Các tác phẩm đoạt giải và bài viết về triển lãm báo cáo thành quả trại sáng tác và sáng tác mới của Hội Mĩ thuật Thành phố Hồ Chí Minh hằng năm.

Chú thích:
* Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh.
1,2,3,4,5 http://baotangmythuattphcm.com.vn/trienlam-nhom-gio-thu-9?

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận