TỰ DO VÀ SÁNG TẠO – NHÌN TỪ MINH TRIẾT R. TAGORE

Tự do và sáng tạo là vấn đề được nhận thức, lý giải theo những chiều hướng, cách thức khác nhau. Bài viết dựa trên cơ sở minh triết của R. Tagore để bàn về tự do và sáng tạo ở một số vấn đề cụ thể như: bản chất của tự do; quan hệ tự do và sáng tạo; để có tự do sáng tạo, người nghệ sĩ cần phải có những phẩm chất gì...

   Tự do và sáng tạo là vấn đề được nhận thức, lý giải theo những cách thức, chiều hướng khác nhau trong mĩ học, đặc biệt là từ khi văn học, nghệ thuật trở thành một hình thái ý thức xã hội tồn tại độc lập bên cạnh chính trị, pháp luật, tôn giáo. Ở những mức độ, cách thức khác nhau, sự can dự, chi phối của các hình thái ý thức xã hội, nhất là chính trị, đến tự do sáng tạo của người nghệ sĩ được xem là một tất yếu. Thực tế cho thấy những thăng trầm của văn chương nghệ thuật ít nhiều đều có nguyên nhân ở chính trị. Tuy nhiên, liệu ảnh hưởng của chính trị và những yếu tố khách quan có làm người nghệ sĩ mất đi tự do sáng tạo? Tự do mà người nghệ sĩ cần có là gì? Làm thế nào để người nghệ sĩ có được tự do trong sáng tạo? Đó là những vấn đề không mới, song chưa bao giờ xưa cũ. Trong minh triết R. Tagore, những vấn đề đó được thể hiện một cách sâu sắc.

   Minh triết và triết học có một sự phân biệt tương đối. Nói là tương đối bởi cả hai đều là triết (Philosophy), nghĩa là đều chứa đựng tư tưởng, thể hiện tư tưởng và hướng tới việc kiếm tìm, nhận thức chân lý phổ quát về những vấn đề cơ bản của thế giới tự nhiên, xã hội, con người. Nhưng cần phân biệt, bởi lẽ, tuy không xung khắc, loại trừ nhau nhưng giữa chúng có những khác biệt, không đồng nhất trong cách nhận thức, biểu hiện chân lý. Trên hành trình nhận thức, triết học và minh triết đi theo những ngả, những lối rẽ riêng. Con đường nhận thức chân lý của triết học là lý tính, bằng tư duy logic, tách chủ thể khỏi khách thể. Khách thể là đối tượng nhận thức của chủ thể. Trong khi đó, con đường nhận thức của minh triết là trực giác, thực nghiệm tâm linh. Chân lý chỉ có được khi con người đạt đến trạng thái “vật ngã lưỡng vong”. Trong thế giới vật chất, triết học phát triển dựa trên những cái đã biết, có thể biết. Minh triết hướng tới những cái chưa biết, không thể biết bằng tư duy. Triết học vận động qua những thăng trầm với các trào lưu duy tâm, duy vật; chủ quan, khách quan; thô sơ, biện chứng… Trong khi đó, minh triết vẫn thao thiết chảy theo con đường trực giác, nghiệm sinh. Chủ thể và khách thể; bên trong và bên ngoài; hướng nội và hướng ngoại; duy tâm và duy vật; khả tri và bất khả tri… là một hợp thể bất phân, thống nhất cái nhiều trong cái một với những đối lập, tương phản. Minh triết của Shidhacta Goutama, Lão Tử, R. Tagore... đều chứa đựng tinh thần đó.

   Rabindranath Tagore (1861-1941) là hiện tượng đặc biệt trong lịch sử văn chương nhân loại. Ánh sáng tinh khôi, mới lạ, như mê hoặc, dẫn dụ người đọc, lan tỏa từ Thơ Dâng (Gitanjali)1 của R. Tagore đã góp phần mang đến cho thơ ca thế kỷ XX một diện mạo và sức sống mới, sau hồi quang của các trào lưu hậu kỳ của thơ ca lãng mạn phương Tây. Bởi thế, không có gì ngạc nhiên khi R. Tagore trở thành người châu Á đầu tiên đoạt Giải Nobel Văn học (1913) với một sự xác quyết của Chủ tịch Viện Hàn lâm Thụy Điển - Per Hallstrom: “Chắc chắn rằng từ năm 1832, khi J. Goethe qua đời, chưa có một nhà thơ nào ở châu Âu có thể sánh nổi với R. Tagore trong tinh thần nhân đạo cao cả, trong tầm vĩ đại hồn nhiên và trong sự trầm lặng cổ điển”2. Với Thơ Dâng, R. Tagore là một phát hiện của thơ ca Ấn Độ và hơn thế, là của cả nền thơ phương Đông bị lãng quên trong nhiều thế kỷ trước đó. Dư chấn mà Thơ Dâng tạo ra là hết sức rõ ràng, vượt ra ngoài lãnh địa thơ ca, đạt được sự tổng hợp văn hóa Đông - Tây.

   Là một nghệ sĩ quý tộc, một nhà tư tưởng lớn của thời kỳ phục hưng Ấn Độ, R. Tagore là “người dẫn đường” (J. Nehru), một trong “tam vị nhất thể” của Ấn Độ hiện đại (M. Gandhi, J. Nehru, R. Tagore), một kiến trúc sư của thời kỳ phục hưng văn hóa Ấn Độ. Theo cách nói của cố Thủ tướng Indra Gandhi (1917-1984), người học trò xuất sắc của R. Tagore, thơ chỉ là một phần của con người R. Tagore. Bà viết: “Thầy R. Tagore quả là một nhà thơ vĩ đại. Nhưng thầy còn hơn thế nữa. Vì thơ chỉ là một phần của con người ấy thôi”3. Tuy nhiên, trên thực tế, R. Tagore rất ít bàn về tư tưởng. Tư tưởng của ông thấm một cách nhuần nhị, tự nhiên vào những sáng tạo, được nghệ thuật hoá qua thế giới hình tượng đầy mĩ cảm. Những tác phẩm bàn về tư tưởng của R. Tagore không nhiều. Tác phẩm thể hiện có hệ thống, tập trung nhất quan điểm tư tưởng của R. Tagore là Thực hiện toàn mãn (Sadhana), tập hợp những bài giảng của ông ở Santiniketan (1906-1909) và sau đó là ở nhiều trường đại học danh tiếng ở phương Tây. Tác phẩm được ông dịch ra tiếng Anh, xuất bản 1913. Ngoài ra, ông còn có một số bài viết ngắn, như: Tôn giáo con người (The Religion of Man), Một cái nhìn lịch sử Ấn Độ (A Vision of India’s History), Nghệ thuật là gì (What is Art?), Trung tâm văn hoá Ấn Độ (The Centre of Indian Culture); một số bài phát biểu ở nước ngoài, hồi ký; thư gửi bạn bè là nhà văn hoá, chính khách. Trong các bài viết, R. Tagore luôn thể hiện tinh thần đối thoại, lý giải khác biệt, hướng tới những tương đồng văn hóa giữa truyền thống và hiện đại, phương Đông và phương Tây. Quan niệm về tự do và sáng tạo của người nghệ sĩ là một trong những vấn đề như thế.

   Trong lịch sử tư tưởng hơn 3500 năm của Ấn Độ, kể từ khi thánh kinh Veda4 xuất hiện, ý niệm về tự do đã trở thành vấn đề trung tâm, cơ bản trong các học thuyết. Thế nào là tự do? Bản chất của tự do là gì? Làm thế nào để có tự do?… Đó là những vấn đề được các trường phái triết học, tôn giáo nhận thức, lý giải theo những quan niệm, cách thức khác nhau. Tuy nhiên, các trường phái triết học, tôn giáo đều có chung quan niệm tự do là một giá trị tuyệt đối, thuộc về đời sống tinh thần cá nhân, cá thể. Tự do là ở mỗi người, mở ngỏ với mọi người, là mục tiêu con người hướng tới. Để có tự do, con người cần hiểu biết chân lý. Dòng chảy của minh triết Ấn Độ từ Veda, Upanishad, Phật giáo đến R. Tagore đều đề cao sự hiểu biết, coi trọng tri thức, gắn với cá nhân, cá thể xem đó là cách thức để con người đạt được tự do tuyệt đối trong tinh thần, tư tưởng, “Hiểu biết, thật sự là hiểu biết, sẽ đưa con người đến tự do” (Mahabharata). Con người đạt được chân lý không phải bằng tư duy, tranh biện, mà bằng trực giác, đốn ngộ. “Sự bất túc của trí tuệ” là bài học đầu tiên các bậc thánh sư (Rishis) truyền giảng cho môn đệ trong Upanishad. Đây là điểm khác biệt căn bản giữa minh triết Ấn Độ và triết học duy lý phương Tây.

   Kế thừa nguyên lý con người - tinh thần trong tôn giáo, triết học truyền thống, R. Tagore cho rằng tự do là trạng thái con người trở về với bản tính nguyên sơ là tình yêu và ý thiện, loại bỏ sự ích kỷ, kiêu ngạo, giả dối - những ràng buộc đối với sự phát triển tâm linh. Trong Thơ Dâng (Gitanjali), ý niệm ấy đượcR. Tagore biểu tượng hóa bằng các hình ảnh “vật trang sức” (ornaments), “ước muốn” (desire), “lòng kiêu ngạo” (pride)... Theo ông, trong bản ngã con người, khát vọng giải thoát luôn bị kiềm tỏa, trói buộc bởi những ham muốn tầm thường ích kỷ và sự yếu hèn: “Chướng ngại trong tôi thường dai dẳng, nhưng khi sắp đập tan, tôi lại thấy lòng dạ nhói đau. Tôi thèm có tự do giải thoát, nhưng lại thấy hổ thẹn khi mong đợi ngóng chờ”5 (Thơ Dâng, phiên khúc 28). Tự do, trói buộc, giải thoát... tất cả đều nằm trong tinh thần cá nhân, cá thể. Đây là điểm gặp gỡ giữa R. Tagore với các tôn giáo, trước hết là Hindu giáo (Hinduism), Phật giáo (Buddhism). Ở phiên khúc 8, trong Thơ Dâng, cái tôi trữ tình R. Tagore đã hoá thân vào nhân vật trữ tình là đứa bé tâm tình với mẹ về sự ràng buộc, vướng víu khi phải khoác trên mình “áo Hoàng tử” (Prince’s robes), đeo trên mình “vòng ngọc quý” (jewel). Cảm xúc trữ tình – triết lý vận động, liên kết bằng một giọng giãi bày. Đứa bé giãi bày với mẹ về cảm giác mất tự do khi phải mặc lên mình những quần áo sang trọng, đeo lên mình những trang sức ngọc ngà: “Mặc áo Hoàng tử, đeo ngọc quý quanh cổ, con sẽ mất hết hứng thú lúc chơi đùa; áo làm vướng vít bước chân đi”. Nguyên nhân của nó thật giản dị: “Những sợ áo sẽ rách, rồi đất bụi dính vào, con tách mình khỏi nhân sinh cuộc thế và chẳng hề dám nhúc nhích cựa mình”. Một triết lý về tự do đã hiện lên rõ: “Mẹ, nếu tách con khỏi bụi trần gian trong lành, ngăn không cho con vào hội chợ tưng bừng của nhân sinh bình dị, áo quần mẹ cho sẽ buộc ràng vô ích mẹ ơi”. Đó là một triết lý đầy chất thơ chứa đựng trong một nghịch lý: chính sự âu yếm, quan tâm yêu thương của người mẹ đã vô hình trung ngăn cản con mình đến với tự do - một tự do tuyệt đối trong tinh thần, tư tưởng. Tư tưởng triết lý này đã được những nghiên cứu của tâm lý học hiện đại làm sáng tỏ. Bàn về những trở ngại đối với sự phát triển tâm linh, Roberto Assgioli (1888-1974) – nhà tâm lý học hàng đầu của thế kỷ XX – đã cho rằng một trong những trở ngại lớn nhất là “những tình cảm cứng nhắc”, bao gồm “sự cứng nhắc tích cực” và “sự cứng nhắc thụ động”. Ông viết: “Những sự ràng buộc là những trở ngại đối với sự phát triển tâm linh không phải chỉ khi chúng nó có bản chất thấp kém hoặc xấu xa mà cả những khi chúng rất tốt. Mà những ràng buộc tốt này thường nham hiểm hơn, dai dẳng hơn, chính vì chúng được biện minh về bề ngoài”6. Trong tư tưởng R. Tagore, lòng thèm khát giàu sang vật chất là “cái chuồng bằng vàng”, “là giới hạn của chúng ta”, ngăn cản con người đến với tự do. Trên hành trình tìm tự do tuyệt đối, sự háo danh, lòng ích kỷ, thói vụ lợi sẽ cầm tù con người, khiến con người “không nhìn thấy con người thực của mình đâu nữa” (Thơ Dâng, phiên khúc 29). Con người chỉ thực sự tự do khi vượt thoát mọi trói buộc bên trong, trở về với bản tính nguyên sơ gắn với cuộc đời bình dị. Trong Thực hiện toàn mãn (Sadhana), ông viết: “Sự giải thoát nào phải đâu khác. Con đường mà Đức Phật đã chỉ cho chúng ta không phải chỉ có thực hành việc tiết chế vô dục bản ngã mà còn là sự mở rộng tình thương”7. Đó là trạng thái con người thoát khỏi mọi ràng buộc, hoà hợp trong yêu thương, lý trí sáng suốt, đầu ngẩng cao, không còn u mê lầm lạc để thực hiện sự toàn mãn trong hành động và tình yêu. Ông gọi đó là “vòm trời tự do” (heaven of freedom):

   “Nơi ấy trí bất khuất đầu ngẩng cao; nơi ấy hiểu biết tự do phóng dật; nơi ấy thế giới không bị thành trì cổ hủ hẹp hòi phân chia thành mảng nhỏ; nơi ấy tiếng nói phát ra từ sự thật thẳm sâu; nơi ấy nỗ lực không ngừng vươn tìm tuyệt đối. Nơi ấy suối lý trí trong veo lượn khúc không lạc lối vào bãi cát hoang vu của tập quán khô cằn cứng nhắc...” (Thơ Dâng, phiên khúc 35).

   “Vòm trời tự do” ấy không ở đâu xa. Nó ở trong cuộc sống thực tại của mỗi con người. Cái vô hạn nằm trong cái hữu hạn. Đó là triết lý chứa đựng tinh thần khai sáng, thức tỉnh những ai đang lầm lạc trên hành trình kiếm tìm tự do. Tự do là thuộc tính của con người, có trong con người nhưng luôn bị che lấp bởi ảo ảnh, giả tưởng. Bởi thế, để có tự do đích thực, con người phải tính tích cực, chủ động, vượt thoát mọi trói buộc. Trong thư gửi G. Muray – nhà vật lý nổi tiếng người Anh, R. Tagore viết: “Chúng ta hãy làm hết sức mình để chứng tỏ rằng con người không phải là sự sai lầm lớn nhất của tạo hoá”8. Và cũng cách nhìn ấy, trong Thực hiện toàn mãn, R. Tagore quyết liệt khẳng định sự tồn tại của cái bản ngã (individual) trong mỗi con người. Ông viết: “Tôi tuyệt đối độc đáo, tôi là tôi, tôi vô song. Tất cả khối lượng của vũ trụ không sao đè được cái cá tính của tôi”. Một sự ý thức mạnh mẽ như vậy về bản ngã của con người chưa từng có trong đời sống xã hội cũng như văn chương Ấn Độ hàng ngàn năm trước đó. Điều này có nguyên nhân ở tôn giáo, triết học Ấn Độ. Một trong những thuyết trung tâm của Phật giáo là thuyết vô ngã (Anatman), phủ định sự tồn tại của cái ngã bên trong cá nhân (Atman), xem đó là nguồn gốc của mọi đam mê, trở ngại chính trên con đường Niết Bàn (Nirvana). Con đường giải thoát (Moska) luôn gắn liền với việc xoá bỏ niềm tin vào ngã. Chính vì vậy, là một tôn giáo có tính dân chủ, bình đẳng, hướng tới một chủ nghĩa cá nhân và thuyết phổ độ nhưng Phật giáo, như J. Nehru nhận xét, “chỉ là một kiểu dân chủ siêu hình” và “cái chủ nghĩa cá nhân đó đã gắn liền với sự rút lui khỏi các hoạt động xã hội bình thường”. Trong khi đó, R. Tagore luôn khẳng định bản ngã con người. Con người là trung tâm của mọi mối quan hệ. Ông viết: “Chúng ta sẽ học được rằng, chúng ta có thể vươn tới thế giới lớn lao của loài người không phải bằng cách tự xoá mình đi, mà bằng cách mở rộng bản sắc của mình”9. Khẳng định tính độc lập, tự chủ và ý thức sâu sắc về sự tồn tại của bản ngã là cơ sở cho sự ra đời một cái tôi cá nhân, cá tính trong sáng tạo nghệ thuật của ông. E. Komarov, nhà Ấn Độ học người Nga, khi bàn về vấn đề con người trong sáng tác của R. Tagore, đã rất chính xác khi cho rằng “với R. Tagore, con người không phải là hạt cát trong biển thực tại, cũng không phải là kết quả của sự tiên đoán. Con người là chủ nhân sáng tạo. Nếu như tôn giáo cuộc đời và thiên nhiên sáng tạo ra con người, thì đến lượt nó, con người tiếp tục sự sáng tạo của mình và không ngừng hoàn thiện chính mình”10.

   Khẳng định tính độc lập tự chủ của con người, song R. Tagore không tuyệt đối hoá đến mức cực đoan, đối lập con người với vũ trụ, với xã hội. Ông cho rằng “cá tính của con người không phải là chân lý tối hậu; trong con người còn có cái gì đó bao quát vô cùng” và “nếu ta buộc con người phải sống trong một thế giới, mà ở đó chỉ có cái tự ngã của nó là yếu tố đáng kể, thì đó là tù ngục tệ hại nhất mà ta có thể nghĩ tới, bởi vì niềm vui mãnh liệt nhất của con người, mỗi lúc một lớn hơn, chính là ở sự thống nhất càng lúc càng toàn diện với vũ trụ”11. Với R. Tagore, người nghệ sĩ đến với thế gian này không phải để làm chủ nhân, cũng không phải để làm nô lệ, mà để làm một người tình miên viễn. Ông chủ trương một triết lý hoà hợp - hoà hợp giữa cá nhân với vũ trụ, hoà hợp giữa cá nhân và tha nhân. Hoà hợp, loại bỏ mọi mâu thuẫn, xung đột, đó là chân lý, là con đường đến với tự do. Gắn với cuộc đời trong sự tận thiện, tận mĩ là con đường đi tới tự do – một thứ tự do tuyệt đối trong tinh thần, tư tưởng. Đề từ vở kịch thơ Sự trả thù của tự nhiên (1883), ông viết: “Xin dẫn dắt chúng tôi từ hư vô về thực tại”. Đây là tư tưởng nghệ thuật xuyên suốt trong toàn bộ sáng tác của R. Tagore, được chuyển hoá thành cảm hứng khẳng định và ngợi ca cuộc đời trần thế.

   Đề cao lòng thiện, khẳng định lòng thiện như một bản tính tự nhiên của con người là nguyên lý cơ bản trong tôn giáo, triết học truyền thống, trở thành biểu tượng cho tinh thần Ấn Độ. Upanishad từng khẳng định: “Điều thiện là tối cao”. Các tôn giáo lớn như Phật giáo, Ấn Độ giáo đều có chung mục đích hướng con người đến cái thiện. Tuy nhiên, việc đề cao lòng thiện trong tôn giáo, triết học truyền thống luôn gắn liền với đạo đức cá nhân, với giải pháp tu tâm. Hệ quả của nó là lối sống thụ động, nhẫn nhục chấp nhận hoàn cảnh, xem đó là dấu hiệu của sự thấu đạt chân lý. Trong suốt nhiều thế kỷ, các nước thực dân phương Tây đã khai thác triệt để nhược điểm này của người Ấn. Và Ấn Độ, theo cách nói của nhiều sử gia phương Tây, đã trở thành “miếng mồi béo bở” cho các cuộc xâm lăng của thực dân phương Tây. Ý thức được điều đó, R. Tagore đã kế thừa nguyên lý con người thiện trong tư tưởng Ấn Độ truyền thống, đặc biệt là trong Ấn Độ giáo (Hinduism) và mang đến cho nó một ý nghĩa tích cực hơn. Ông gắn việc hoàn thiện con người với triết lý hành động nhằm hiện thực hoá những khát vọng tự do của con người. Tính năng động được nhìn nhận như một biểu hiện của con người thiện, con người tự do.

   Là một lĩnh vực hoạt động thực tiễn mang tính đặc thù, sáng tạo văn học, nghệ thuật cần phải có tự do. Người nghệ sĩ không có tự do sẽ không có những sáng tạo đích thực. Vivekananda (1863-1902) – nhà thơ, nhà tư tưởng nổi tiếng ở Ấn Độ bấy giờ, trong một tác phẩm của mình đã viết: “Tự do tư tưởng và hành động là điều kiện duy nhất của cuộc sống, của phát triển và hạnh phúc. Nơi nào không có nó thì con người, chủng tộc phải ra đi”12. Đây là lần đầu tiên trong đời sống tinh thần Ấn Độ, vốn bị ngưng đọng, trì trệ bởi tôn giáo, đẳng cấp và sự thống trị trong nhiều thế kỷ của ngoại xâm, có được một ý thức sâu sắc như vậy về mối quan hệ giữa tự do tư tưởng và hành động, giữa tự do và sự phát triển của cá nhân, xã hội. Trong sáng tạo nghệ thuật, tư tưởng đó đã được R. Tagore kế thừa, phát triển. Với ông, tự do là tất yếu cho sáng tạo. Người nghệ sĩ phải có tự do của riêng mình – một thứ tự do tuyệt đối trong tinh thần, tư tưởng. Cùng với Thơ Dâng, các tiểu luận bàn về nghệ thuật, thơ ca, như: Nghệ thuật là gì? (What is Artist?), Tôn giáo nhà thơ (The Religion of Artist)... của R. Tagore đều thể hiện quan niệm đó. Với ông, thơ nói riêng, văn chương nghệ thuật nói chung ra đời không phải để cắt nghĩa một điều gì, “cũng như nụ cười và nước mắt”, nó phản ánh “một cái gì đó đã hoàn thiện từ bên trong”. Có thể thấy rõ điều này trong lời chia sẻ của R. Tagore về sự ra đời của tập thơ Những cánh thiên nga (A flight of swans), một tập thơ mang đậm màu sắc suy tưởng. Ông viết: “Tôi sống ở Alakhabat, ở đó rất yên tĩnh. Buổi chiều tôi thường ngồi trên sân thượng. Một hôm, bỗng nhiên tôi cảm thấy mình bị bao vây bởi những tiếng vỗ liên tục trong không trung. Lúc đó chiều đã muộn và một tình cảm bất ngờ đã xâm chiếm lòng tôi. Nguồn cảm hứng như từ một nơi nào đó xa xăm đã ùa tới hồn tôi. Trong đó có những vì sao và cả những bông tuyết trắng. Tôi nhận thấy có sự đổi thay dòng chảy của buổi hoàng hôn và ánh sáng những vì sao. Những cảm xúc trong xanh ấy đã xâm chiếm lòng tôi và tâm hồn tôi như đã nhập hoà vào đó. Tôi bắt đầu viết như thế, từ những cảm xúc không hề nhìn thấy”13. Thoạt nhìn, có một cái gì đó gần với sự huyền bí. Tuy nhiên, những nghiên cứu của tâm lý học hiện đại đã cho thấy, về thực chất, đó là sự biến đổi và thăng hoa nghệ thuật của những cảm giác cá nhân, cá thể có được tự do tuyệt đối trong tư tưởng - một hiện tượng thường gặp ở những tài năng trác việt. Nghiên cứu mối quan hệ giữa cái siêu thức và sự sáng tạo nghệ thuật, Roberto Assagioli cho rằng bên cạnh khả năng trực giác (intuition) con người, nhất là ở những tài năng lớn, còn có những phẩm chất tâm lý nổi bật như tưởng tượng, sự loé sáng (illumination), khải thị... Nó có được nhờ sự tự do tuyệt đối trong tinh thần nghệ sĩ. Nghiên cứu quá trình sáng tạo của Dante và R. Tagore, ông cho rằng nhờ khả năng “loé sáng”, R. Tagore đã “nhận ra vẻ đẹp” trong thế giới như một điểm “nổi bật nhất”, còn Dante nhờ “sự loé sáng” mà cảm nhận được “một cách tuyệt diệu sự hoà trộn nhiều bộ mặt khác nhau của thế giới”. Cũng cách nhìn ấy, Henri Bergson (1859-1941) lại nhấn mạnh đến khả năng trực giác, xem trực giác như một phẩm chất tâm lý đặc biệt ở những nghệ sĩ trác việt. Ông viết: “Giữa thiên nhiên và chúng ta... giữa chúng ta và bản thân ý thức của chúng ta có một bức màn xen vào, bức màn dày đặc đối với đại đa số người, bức màn mỏng, gần như trong suốt đối với người nghệ sĩ và nhà thơ”14. Từ góc nhìn của tâm lý học sáng tạo ở R. Tagore, những cái gọi là huyền bí ấy thực chất chỉ là khả năng đặc biệt của con người đã đạt được tự do tuyệt đối trong tinh thần, tư tưởng. Nhờ đó, ông có thể nghe được những điều ta không nghe, nhìn thấy những điều ta không nhìn thấy. Nhạc của J. S. Bach (1750- 1865), thơ của R. Tagore, tiểu thuyết của Y. Kawabata (1899-1972), tranh của P. Picasso (1881-1973)... đã được sáng tạo trong thứ tự do tuyệt đối ấy.

   Trong minh triết R. Tagore, trí và hành, đạo và đời chỉ là một. Trong tư cách một nghệ sĩ, ông tìm tự do sáng tạo trong cô đơn, tĩnh lặng, xa lánh mọi ồn ào phồn tạp, bon chen của đời sống tục lụy. Lý giải điều này, ông viết: “Đấng Sáng Thế cũng cô đơn giữa những sinh vật do Người sáng tạo ra, nên trí tuệ cũng muốn cô đơn ngay trong những vương quốc ảo ảnh của nó. Nếu khác đi thì hình như tất cả cuộc đời của nó đều là bỏ đi cả”15. Cô đơn là để có tự do trong sáng tạo. Đó không phải là sự chối bỏ hiện thực, bất mãn với hiện thực, như cách lý giải của Poizat - một nhà thơ tượng trưng “Sinh ra để tái hiện những tình cảm lớn, để mở rộng những vinh quang, để kích thích sự hân hoan, các nhà thơ là biểu hiện của cuộc sống cộng đồng Tổ quốc mình. Nhưng Tổ quốc này đã không đem lại cho chúng tôi những lý do đầy đủ của hi vọng và tự hào, nên chúng tôi cuốn mình vào cuộc sống bên trong”. Trong tư duy nghệ thuật, sự xuất hiện con người cô đơn là sự trở về với chính mình, thành thật với chính mình, khám phá những vỉa tầng thăm thẳm trong thế giới tinh thần của người nghệ sĩ. Ở đó có một không gian tâm linh, “một không gian bên trong, một không gian để suy tưởng và một không gian để tìm thấy mình trong tất cả các hợp thành của bản ngã” (Indra Gandhi). Ở vào thời điểm Thơ Dâng ra đời, tư tưởng, tài năng, cá tính sáng tạo của R. Tagore đã chín rộ. Tuy nhiên, đó cũng là những tháng năm bất hạnh nhất trong cuộc đời ông. Chỉ trong vòng 5 năm (1902-1907), những người yêu thương nhất của R. Tagore (bố, vợ, hai người con) lần lượt qua đời. Trong khi đó, những kẻ hẹp hòi, ích kỷ trong giới trí thức Ấn Độ lại không tiếc lời gièm pha, bài xích ông. Họ dường như không muốn sự có mặt của ông trong đời sống văn học. Là người có cá tính mạnh mẽ và một tâm hồn giàu xúc cảm, R. Tagore luôn có nhu cầu được bộc bạch, được bày tỏ những điều sâu kín nhất của lòng mình. Ông dường như cắt đứt mọi mối liên hệ trực tiếp với thế giới bên ngoài để nhận ra mình và thế giới qua cái ngã của mình. Đó vừa là dấu hiệu của một bi kịch cá nhân, một trạng thái tư duy, vừa là sự thể hiện một ý thức sâu sắc về tự do. Bàn về tư tưởng Ấn Độ, bà Indra Gandhi viết: “Cũng như thể xác cần một không gian để thở, tinh thần hoặc linh hồn cũng cần có một không gian bên trong, một không gian để suy tưởng và một không gian để tìm thấy mình trong tất cả cái hợp thành bản ngã”16. Cảm hứng xuyên suốt, bao trùm Thơ Dâng là ngợi ca cuộc đời trần thế và niềm vui hạnh phúc đựợc đón nhận những quà tặng vô giá mà thiên nhiên và cuộc đời mang lại. Về thực chất, đó là sự phục hưng những giá trị cơ bản của thơ ca truyền thống trong hoàn cảnh mới, là cốt lõi sự tri giác thế giới của R. Tagore. Bản chất và ý nghĩa cuộc sống, tự do và giải thoát, sự sống và cái chết... đã trở thành cảm xúc suy tưởng của R. Tagore. Từ nửa sau thế kỷ XIX, sự xâm lăng ồ ạt của văn hoá phương Tây đã đẩy văn hoá Ấn Độ vào một cuộc khủng hoảng, trước hết là trong đời sống tinh thần. Lối sống thực dụng, coi trọng vật chất, đề cao lý trí của phương Tây ngày càng ảnh hưởng mạnh mẽ trong xã hội Ấn Độ, đặc biệt là tầng lớp trí thức Tây học. Người ta nói nhiều đến “thân phận con người”, đến một “sự phi lý” của cuộc đời. Cuộc sống trần thế được xem là một bi kịch “sống như cuộc đời phải sống”. Đến nước Anh lần thứ hai (1890), R. Tagore đã không giấu được cảm giác thất vọng trước cuộc sống xô bồ, gấp gáp của xã hội công nghiệp vốn xa lạ với một tâm hồn Ấn Độ như ông. Trong cái nhìn của ông, vào những năm đầu thế kỷ XX, Ấn Độ đang rơi vào bi kịch, ngộ nhận trước sức mạnh và vẻ hào nhoáng của văn minh vật chất. Người Ấn đang tự đánh mất mình bởi lối sống thực dụng, coi trọng đời sống vật chất, xem nhẹ đời sống tinh thần. Nhận xét về những trí thức Bengal bấy giờ, R. Tagore cho rằng “ảnh hưởng tư tưởng không vào sâu trong đời sống nội tâm của những người đồng hương chúng tôi, mặc dù đã có một sự thực là họ đọc rất nhiều văn học Anh... họ ít xúc động, ít suy nghĩ, ít hành động”. Ông cảm thấy “chẳng vui thú gì trong việc sống chung với họ”. Trong hoàn cảnh đó, tìm đến thiên nhiên, sống cô đơn, lặng lẽ giữa cuộc sống xô bồ, hời hợt, sặc mùi vụ lợi là cách để ông tìm đến tự do để sống và sáng tạo. R. Tagore như người lữ hành cô đơn trên con đường kiếm tìm chân lý - “cái chân lý cơ bản của một hiện thực tinh thần”. Bằng nghệ thuật, qua nghệ thuật, ông “dày công khám phá tâm hồn mình rồi dâng trọn nó cho sự rung cảm tinh tế của tâm hồn” (W. Yeats). Ông làm một cuộc hành trình “vào cùng kiệt sự vật hữu hạn mà tìm ra vô tận” (P. Claudel), nghệ thuật hóa bao điều bí ẩn, thiêng liêng trong đời sống tinh thần, dâng trọn nó cho cuộc đời, cho nhân loại.

   Là một nghệ sĩ, R. Tagore làm thơ, viết nhạc, soạn kịch, vẽ tranh, viết văn xuôi với một tự do tuyệt đối trong tinh thần, tư tưởng. Ông không viết, vẽ từ những gì nhìn thấy mà là từ những dồn nén, hoàn thiện từ bên trong. Nhờ đó, dù phải sống, sáng tạo trong một giai đoạn tồi tệ nhất của lịch sử hàng ngàn năm của Ấn Độ, “Bị phụ thuộc về chính trị, bị bóc lột về kinh tế, xã hội trì trệ và tồi tệ hơn cả cái chết là tình trạng tôi mọi về tinh thần” (M. Gandhi), R. Tagore vẫn có được tự do để sáng tạo. Ông vượt thoát mọi ảnh hưởng, trói buộc của hoàn cảnh, đặt mình vào không khí tự do, một thứ tự do tuyệt đối trong tinh thần, tư tưởng. Thơ Dâng, Jana Gana Mana (Tổ quốc trong tâm hồn nhân dân) – quốc ca Ấn Độ, và hàng ngàn tác phẩm nghệ thuật đặc sắc ở các thể loại (thơ, nhạc, họa, truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch) của R. Tagore đều ra đời trong tự do. Đó là thứ tự do tuyệt đối chỉ có được ở những người nghệ sĩ tài năng, bản lĩnh, luôn ý thức sâu sắc về bản ngã. Đó là minh triết của R. Tagore về tự do và sáng tạo.

 

 

 

Chú thích:
1 Thơ Dâng (Gitangialy) gồm 103 phiên khúc, nguyên tác bằng tiếng Bengali, được R. Tagore dịch ra tiếng Anh (1912). Năm 1913, với Thơ Dâng, R. Tagore trở thành người châu Á đầu tiên được trao tặng Giải Nobel Văn học.
2 K.Kripalani (1971), R.Tagore.ALife,Culcutta,p. 133.
3 Indra Gandhi (1987), Chân lý đời tôi, NXB Phụ Nữ, tr. 40.
4 Veda có gốc từ là Vid, nghĩa là hiểu biết, ra đời vào khoảng 1500 (TCN).
5 Những trích dẫn Thơ Dâng trong bài viết đều lấy từ R. Tagore – Lời Dâng, Đỗ Khánh Hoan dịch, NXB Đà Nằng, 1996.
6 R. Assagioli (1997), Sự phát triển siêu các nhân, NXB Khoa học xã hội, tr. 272.
7, 11 R. Tagore, Thực hiện toàn mãn, Nguyễn Ngọc Thơ dịch, NXB An Tiêm, 1973, tr. 76, 81.
8, 9 R. Tagore (1955), Collected Poems and Plays, London, Macmillan & Co LTD, p. 97, 115.
10 E. Komarov (1981), “Nhà thơ nhân đạo vĩ đại của Ấn Độ”, R. Tagore tuyển tập, tập 1 (tiếng Nga), tr. 12.
12 Chuyển dẫn từ J. Nehru (1990), Phát hiện Ấn Độ, NXB Văn học, tr. 201.
13 Chuyển dẫn từ E. Komarov (1981), “Nhà thơ nhân đạo vĩ đại của Ấn Độ”, R. Tagore tuyển tập, tập 1 (tiếng Nga), tr. 11.
14 Chuyển dẫn từ F. Meyer (1999), Để hiểu H. Bergson, Nguyễn Nguyên dịch, NXB Đại học Quốc gia, tr. 121.
15 K. Kripalani (1971), R. Tagore.A Life, Culcutta, p. 1.
16 Inđra Gandhi, “Tư tưởng Ấn Độ”, Văn học nước ngoài, số 13/ 1984, tr. 113.

Bình luận

    Chưa có bình luận