TRÀO LƯU REVIEW PHIM TRUYỆN ĐIỆN ẢNH TRÊN MẠNG XÃ HỘI Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

Bài viết khái quát về thực trạng trào lưu review phim truyện điện ảnh trên các nền tảng mạng xã hội phổ biến ở Việt Nam hiện nay. Đồng thời, phân tích tổng quan về những lợi ích và tác hại tiêu cực của review phim đến sự phát triển của ngành công nghiệp điện ảnh.

    Trào lưu review phim trên mạng xã hội đã trở thành một hiện tượng phổ biến và thu hút sự quan tâm của hàng triệu người trên khắp thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Cùng với sự phát triển của công nghệ và sự tiếp cận internet dễ dàng, người dùng mạng xã hội có thể chia sẻ ý kiến và đánh giá của mình về các bộ phim một cách nhanh chóng và tiện lợi. Nhiều quan điểm cho rằng cách tiếp cận mới này hữu ích, giúp khán giả khám phá và tận hưởng thế giới điện ảnh một cách đa dạng và phong phú hơn. Đồng thời, nó mang lại cho khán giả sự thú vị trong việc chia sẻ ý kiến và đánh giá về điện ảnh, giúp người xem có được cái nhìn tổng quan về các bộ phim; góp phần tạo ra một cộng đồng đam mê điện ảnh, nơi mọi người có thể trao đổi ý kiến và trải nghiệm chung. Tuy nhiên, trào lưu này cũng chứa đựng nhiều khía cạnh tiêu cực đối với ngành nghệ thuật điện ảnh cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến bản thân khán giả.

    1. Review phim trên mạng xã hội

    Review phim trên mạng xã hội là việc người dùng mạng xã hội đăng tải nhận xét và đánh giá về một bộ phim cụ thể trên các nền tảng như Facebook, Twitter, Instagram, hoặc các trang web chuyên dụng cho việc đánh giá phim như IMDb hay Rotten Tomatoes. Khi xem một bộ phim, người xem có thể chia sẻ ý kiến của mình thông qua việc viết bài đánh giá hoặc đăng các bình luận ngắn trên mạng xã hội. Đánh giá phim trên mạng xã hội có thể bao gồm các yếu tố như ý kiến về cốt truyện, diễn xuất của diễn viên, hiệu ứng đặc biệt, âm nhạc, đạo diễn và một số khía cạnh khác liên quan đến trải nghiệm xem phim. Những đánh giá này thường là cá nhân và phản ánh ý kiến riêng. Tuy nhiên, khi có nhiều người cùng chia sẻ ý kiến tương tự về một bộ phim, nó có thể tạo thành một “trend” hoặc xu hướng đánh giá của công chúng đối với bộ phim đó. Hiện nay, trào lưu review phim trên mạng xã hội đã có nhiều “biến tướng”, không dừng lại ở những bài đánh giá đơn thuần mà còn là một phương thức để kiếm tiền thông qua số lượng các lượt xem video. Vì vậy đã xuất hiện nhiều trang cá nhân trên mạng xã hội cắt các phim điện ảnh, truyền hình thành các video ngắn từ 5 đến 10 phút, trên nền tảng các video này có các lời tóm tắt, bình luận, đánh giá về bộ phim của người review hoặc giọng nói sử dụng từ các phần mềm dùng công nghệ, hiệu ứng AI.

    2. Những tác động của review phim truyện điện ảnh trên mạng xã hội ở Việt Nam hiện nay

    Ở nước ta hiện nay, trào lưu review trên mạng xã hội phổ biến mạnh ở nền tảng mạng xã hội Facebook, Youtube, Tik Tok. Người dùng cắt các phim truyện điện ảnh trong nước và nước ngoài đưa lên mạng xã hội cùng với các bình luận, đánh giá. Review phim trên mạng xã hội ở Việt Nam hiện nay mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng tồn tại nhiều tác động tiêu cực.

    2.1. Những lợi ích từ review phim trên mạng xã hội ở Việt Nam hiện nay

    Một là, cung cấp thông tin, đánh giá và tạo ra sự đa dạng sự lựa chọn cho khán giả khi muốn xem phim.

    Review phim trên mạng xã hội cung cấp cho người xem thông tin chi tiết và đánh giá về các bộ phim. Những review này giúp người xem có cái nhìn tổng quan về nội dung, diễn xuất, đạo diễn, hiệu ứng hình ảnh và âm nhạc của một bộ phim, kỹ xảo, kỹ thuật dựng phim. Song song đó, với hàng ngàn review phim trên mạng xã hội, người xem có thể tìm thấy những ý kiến và đánh giá từ các nguồn đa dạng. Điều này giúp người xem đưa ra quyết định thông minh khi chọn phim để xem. Mặt khác, nhờ review phim trên mạng xã hội, người xem có thể khám phá những bộ phim mới, đặc biệt là những bộ phim không được quảng bá rộng rãi hoặc không nổi tiếng. Những review đáng tin cậy giúp người xem tìm ra những tác phẩm độc đáo, nghệ thuật và có giá trị mà họ có thể đã bỏ qua. Nhiều người dùng còn cho rằng thông qua các video review, họ có thể tiết kiệm được thời gian, thậm chí “chúng giúp cho người dùng nắm bắt thông tin nhanh lẹ để dùng trong những cuộc tán gẫu với bạn bè, đồng nghiệp, người thân... mà chẳng cần phải xem cả bộ phim đó”1.

    Hai là, tạo ra cộng đồng yêu điện ảnh thông qua tương tác và gia tăng không gian thảo luận trên mạng xã hội.

    Review phim trên mạng xã hội tạo ra một cộng đồng lớn những người yêu điện ảnh ở nước ta. Người dùng có thể tương tác, trao đổi ý kiến và chia sẻ niềm đam mê chung với những người khác. Điều này tạo ra một không gian giao lưu thú vị, nơi người xem có thể học hỏi và trải nghiệm điện ảnh theo cách đa dạng và sáng tạo. Ngoài ra, review phim trên mạng xã hội khơi dậy tương tác và thảo luận giữa người xem. Người dùng có thể bình luận, trao đổi ý kiến và tham gia vào cuộc trò chuyện về bộ phim. Thậm chí người xem cũng có thể đặt câu hỏi và tham gia vào các cuộc tranh luận về nghệ thuật, thông điệp và giá trị của bộ phim. Điều này tạo ra một không gian cho sự chia sẻ ý kiến, suy ngẫm và đánh giá sâu hơn về các yếu tố nghệ thuật của một bộ phim, làm giàu trải nghiệm xem phim của mọi người.

    Ba là, thúc đẩy sự phát triển ngành công nghiệp điện ảnh, tạo động lực cho các nhà làm phim, khuyến khích sự đa dạng và thay đổi trong điện ảnh ở nước ta.

    Những review phim trên mạng xã hội tạo ra sự tương tác giữa người xem và các nhà làm phim. Nhà sản xuất và đạo diễn có thể nhận phản hồi và ý kiến từ người xem, từ đó cải thiện và phát triển tác phẩm của mình. Những review tích cực và đánh giá cao từ người xem trên mạng xã hội có thể tạo động lực và xây dựng lòng tin cho các nhà làm phim. Khi nhận được sự công nhận và đánh giá tích cực, các nhà làm phim được khích lệ để tiếp tục sáng tạo. Review phim trên mạng xã hội cũng tạo điều kiện cho những góc nhìn đa dạng và những quan điểm khác nhau, từ đó các nhà làm phim khám phá và tôn trọng sự đa dạng trong ngành điện ảnh. Điều này thúc đẩy sự sáng tạo và đa dạng trong ngành công nghiệp điện ảnh. Nó không chỉ góp phần thúc đẩy sự đầu tư và phát triển của ngành điện ảnh mà còn khuyến khích sự phát triển và sự thay đổi trong nội dung và quan điểm của các bộ phim Việt.

    Bốn là, tạo ra cơ hội cho các nhà làm phim độc lập.

    Review phim trên mạng xã hội cung cấp một nền tảng cho các nhà làm phim độc lập để quảng bá và giới thiệu tác phẩm của họ. Những bộ phim độc lập thường không nhận được sự quan tâm rộng rãi từ phương tiện truyền thông chính thống nhưng qua review trên mạng xã hội, người xem có thể biết đến và ủng hộ những tác phẩm này, tạo cơ hội cho các nhà làm phim độc lập tiếp cận khán giả.

    Như vậy có thể thấy rằng mặt tích cực của review phim trên mạng xã hội không chỉ cung cấp thông tin và đánh giá cho người xem mà còn thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp điện ảnh, xây dựng lòng tin và tạo động lực cho các nhà làm phim, thúc đẩy thảo luận và ý thức văn hóa, tạo cơ hội cho các nhà làm phim độc lập và khuyến khích sự đa dạng và thay đổi trong ngành điện ảnh. Review phim trên mạng xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc tạo cầu nối giữa người xem và ngành điện ảnh, góp phần làm phong phú hơn trải nghiệm xem phim và thúc đẩy sự phát triển của nghệ thuật điện ảnh.

    2.2. Những tác hại tiềm ẩn của trào lưu review phim trên mạng xã hội ở Việt Nam hiện nay

    Một là, tạo ra sự thiên lệch thông tin, có thể gây tranh cãi, xung đột ảnh hưởng đến lòng tin của người xem.

   Trên mạng xã hội, mọi người có quyền tự do phê phán và đánh giá bất kỳ bộ phim nào. Tuy nhiên, đôi khi các review không đủ tin cậy và có thể mang tính chủ quan cao. Điều này dẫn đến việc thông tin không chính xác hoặc thiên lệch được lan truyền, gây ra sự nhầm lẫn cho người xem. Cùng với sự lặp lại và phổ biến của những ý kiến và đánh giá trên mạng xã hội, người xem có thể bị ảnh hưởng và định hình quan điểm của mình dựa trên những ý kiến khác. Review phim trên mạng xã hội tạo cũng ra một không gian tràn ngập thông tin và làm cho người xem bối rối. Có quá nhiều ý kiến và đánh giá khác nhau về cùng một bộ phim, và người xem có thể khó khăn trong việc tìm hiểu và đánh giá đúng chất lượng và giá trị của nó. Điều này có thể dẫn đến sự mất định hướng và tốn thời gian của người xem trong việc tìm kiếm thông tin và đánh giá phù hợp. Chẳng hạn, bộ phim Thiên mệnh anh hùng của Victor Vũ bị một kênh recap biến thành cái tên lạ hoắc Chân mệnh thiên tử cùng với dòng tít sai về nội dung: “Tranh quyền đoạt vị, thù hận trùng trùng tại Việt Nam (thời nhà Nguyễn)”. Một đứa con tinh thần khác của Victor Vũ là Thiên thần hộ mệnh cũng bị kênh Quậy Official giật tít kiểu: “Đắm chìm trong quyền năng của bùa ngải, cô gái trẻ nhận cái kết đắng thảm hại”. Nhiều kênh còn cố tình viết sai chính tả như kênh Mọt Xinh Review giật tít clip recap phim Hai Phượng: “Chị đại yang hồ một mình cân hết bọn bắt cóc giải cứu con gái”2.

    Mỗi người có gu thẩm mĩ, sự trải nghiệm và tiêu chuẩn riêng về một bộ phim. Sự khác biệt này dễ dẫn đến những tranh luận và xung đột trên mạng xã hội. Có thể xảy ra các cuộc cãi vã không cần thiết, chê bai và tấn công cá nhân giữa những người có ý kiến trái chiều. Điều này tạo ra một môi trường không khích lệ và có thể gây căng thẳng trong cộng đồng. Hơn nữa, việc review phim trên mạng xã hội cũng có thể gây áp lực cho người xem. Đôi khi những người review có thể cố gắng để thu hút sự chú ý và tạo ra những đánh giá gây tranh cãi hoặc cực đoan. Người xem có thể bị ảnh hưởng bởi đánh giá ưa thích có xu hướng theo đuổi những ý kiến phổ biến thay vì tự tìm hiểu để hình thành quan điểm riêng. Nếu một bộ phim được đánh giá không tốt hoặc bị chỉ trích một cách gay gắt, người xem có thể cảm thấy mất niềm tin và không muốn dành thời gian, tiền bạc vào việc xem nó.

    Hai là, làm huỷ hoại đi sự hứng thú, bất ngờ trong trải nghiệm phim của khán giả.

    Khi một bộ phim được review quá sớm, quá nhiều trên mạng xã hội, nó có thể làm mất đi sự bất ngờ và cảm giác đặc biệt mà khán giả có thể trải nghiệm khi xem. Thông tin chi tiết về cốt truyện, nhân vật hay sự phát triển của bộ phim được tóm tắt có thể làm mất đi sự hứng thú và tò mò của khán giả. Điều này có thể giảm đi sự tương tác và sự tò mò của khán giả đối với bộ phim.

    Khán giả cũng mất đi sự kỳ vọng và cảm giác bất ngờ và sự trải nghiệm tự nhiên, khám phá riêng của mình. Thay vì tận hưởng bộ phim mà không biết trước những ý kiến hay đánh giá, người xem có xu hướng dựa vào những thông tin từ review để xác định quyết định xem phim. Ngoàira, khi nghiện review phim trên mạng xã hội, người xem có thể dễ dàng bỏ qua các bộ phim không được đánh giá cao hoặc không nổi tiếng trên mạng. Họ có thể không có cơ hội để khám phá những bộ phim độc đáo và chất lượng mà không nằm trong tầm quan sát của mạng xã hội. Điều này khiến giới hạn sự khám phá của người xem trong lĩnh vực điện ảnh. Đánh giá về những clip “review phim” tràn lan trên mạng xã hội hiện nay, nhà phê bình điện ảnh, nhà thơ Nguyễn Phong Việt khẳng định: “Bản chất của review là kích thích cảm giác của khán giả để họ ra rạp xem bộ phim đó, để biết được bộ phim có hay, có thú vị hay không. Còn các clip này chỉ tóm tắt phim, kể lại phim một cách ngắn gọn. Cách này làm cho người xem bị mất cảm xúc, mất sự bất ngờ và trải nghiệm cần thiết của một khán giả yêu điện ảnh”3.

    Nghiện review phim trên mạng xã hội có thể tạo ra áp lực và căng thẳng cho người xem. Họ có thể cảm thấy áp lực để phải đồng ý với ý kiến phổ biến hoặc đánh giá cao các bộ phim được khen ngợi trên mạng xã hội. Điều này có thể tạo ra cảm giác không thoải mái khi xem phim, và người xem có thể không tận hưởng được tác phẩm điện ảnh một cách tự do. Khi người xem đọc các review phim trên mạng xã hội, họ có thể bị dẫn vào sự so sánh với ý kiến và đánh giá của người khác. Điều này có thể làm mất đi niềm tin vào ý kiến và cảm nhận cá nhân của mình và tạo ra một áp lực để phải đồng ý hoặc theo khuôn mẫu được thiết lập bởi cộng đồng mạng.

    Ba là, ảnh hưởng đến công bằng và sự phát triển của ngành điện ảnh.

    Những review tiêu cực không căn cứ và không công bằng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành điện ảnh. Các bộ phim có thể bị lãng quên hoặc bị đánh giá thấp không công bằng, trong khi những bộ phim kém chất lượng có thể nhận được sự chú ý không xứng đáng. Điều này có thể gây ra sự mất cân nhắc và làm hại cho sự phát triển và đa dạng của điện ảnh. Những review tiêu cực, đặc biệt là trong giai đoạn trước khi bộ phim ra mắt, có thể ảnh hưởng đến thành công của một tác phẩm và ảnh hưởng đến doanh thu của nó.

    Hơn nữa, khi người dùng chia sẻ nội dung của bộ phim mà không có sự cho phép từ chủ sở hữu bản quyền sẽ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của nhà sản xuất, đạo diễn và các nhà làm phim. Việc truyền tải không được xin phép các đoạn phim, hình ảnh hay âm thanh từ bộ phim có thể bị coi là vi phạm bản quyền và dẫn đến các hậu quả pháp lý. Khi thông tin tóm tắt nội dung hay những ý kiến phê phán được chia sẻ một cách rộng rãi trên mạng xã hội, người xem có thể không cần phải mua vé xem phim hoặc mua sản phẩm liên quan để hiểu rõ về nội dung. Điều này có thể dẫn đến thiệt hại về doanh thu cho nhà sản xuất và những người liên quan. Bà Ngô Thị Bích Hiền, Phó Tổng Giám đốc Hãng phim BHD bức xúc cho rằng: “Đây là hình thức xâm phạm bản quyền, gây tổn thất nghiêm trọng về doanh thu cho nhà làm phim”4. Khi review phim không được xin bản quyền lan truyền rộng rãi, điều này có thể làm mất đi công bằng và sự công nhận cho những người đã đóng góp và làm việc trong ngành điện ảnh.

    Những người làm phim, diễn viên và những người tham gia tạo nên bộ phim có thể không nhận được sự đánh giá và sự công nhận xứng đáng cho công việc của họ. Đạo diễn Vũ Ngọc Phượng cho rằng: “Xem một bộ phim trọn vẹn là hành trình thưởng thức cái hay, cái đẹp trong từng hình ảnh, âm thanh, diễn xuất, góc máy… mà đạo diễn và cả ekip cố công tạo nên. Những gì hay ho, hồi hộp hay vỡ òa… khi xem phim của khán giả đều bị các clip recap xóa sạch. Vài ba phút xem tóm tắt phim thì không khác gì họ cầm một cuốn sách mà chỉ mở ra đọc mỗi phần mục lục. Chưa kể nhiều phim có cốt truyện rất nhạt, không có gì đặc sắc nhưng cách kể chuyện, cấu tứ của đạo diễn vô cùng tài tình, cuốn hút. Chắc chắn qua clip tóm tắt chỉ chăm chăm cốt truyện chính, những bộ phim như vậy sẽ khiến công chúng nhầm tưởng nó rất dở”5. Một số người có thể viết những review không thiện chí hoặc cố ý gây hiểu lầm nhằm tạo ra sự chú ý và tăng tầm quan trọng của bản thân mà không xem xét công bằng và tác động thực sự của mình đến sự phát triển và thành công của ngành điện ảnh. Điều này có thể ảnh hưởng đến giá trị nghệ thuật của bộ phim và gây hiểu lầm cho người xem khi họ hình thành ý kiến dựa trên những thông tin không chính xác hoặc thiếu căn cứ.

    Hiện nay trên mạng xã hội ở nước ta đáng báo động “khi hầu hết dạng clip tóm tắt này đều núp bóng review phim và xuất hiện nhan nhản trên Youtube, Tik Tok, Facebook… Những kênh như FC Review, Matcha Review, Phim ngôn tình TV, Vua Phim Review, Gấu Béo Vụng Về, Queen Movies… có hàng loạt clip tóm tắt theo kiểu “treo đầu dê, bán thịt chó”. Sự mập mờ này tai hại ở chỗ: nó khiến cho cả những người yêu phim, lên án nạn ăn cắp chất xám cũng hiểu sai khái niệm review và bị sa vào cái bẫy tiếp tay cho nạn xâm phạm bản quyền”6. Đạo diễn Lương Đình Dũng cũng cho rằng: “Nhiều video tiết lộ các chi tiết, nội dung quan trọng, hấp dẫn. Trong khi một số khác làm video review chê bai phim thiếu căn cứ, kiến thức về phim ảnh đã gây hại cho phim. Điều đó không thể chấp nhận được nhưng các nhà làm phim chân chính bây giờ quá cô đơn. Hiện chưa có cơ chế xử phạt hay bồi thường kinh tế nào được đưa ra nhưng cần sớm có”7.

    Bốn là, các review sử dụng ngôn ngữ bình luận, đánh giá và hình ảnh tập trung vào các cảnh nóng, kinh dị… tạo ra sự phản cảm.

    Để câu lượt xem, các bài review đã cắt các cảnh nóng, cảnh kinh dị trong phim đưa vào các video. Trong khi đó, khi các cảnh này bị cắt và dựng lại với tính liên tục đã làm cho tác phẩm gốc trở nên méo mó, không chuyển tại được tư tưởng chủ đề của câu chuyện phim, gây nên ám ảnh cho người xem. Đặc biệt, sự trợ giúp của trí tuệ nhân tạo AI nhận biết xu hướng của người dùng mạng xã hội, liên tục đề xuất các video có cùng chủ đề, thể loại cho người dùng. Điều này làm cho người dùng liên tục bị kích thích một cách thụ động và hình thành thói quen, những cơn nghiện xem các video có nhiều cảnh nóng, cảnh kinh dị. Ngoài các hình ảnh, trong quá trình bình luận, tóm tắt phim, người review dùng nhiều từ ngữ, cách nói lái thô tục, thiếu tế nhị. Nhiều bài còn thêm vào các loại ngôn ngữ theo kiểu nói lái, những so sánh khập khiểng, không liên quan gì đến nội dung, ngữ cảnh và tư tưởng chủ đề phim.

    3. Kết luận

    Tại Việt Nam hiện nay, cộng đồng review phim trên mạng xã hội ngày càng đa dạng và phong phú, từ những người yêu thích điện ảnh chuyên nghiệp đến những cá nhân có niềm đam mê với nghệ thuật điện ảnh. Các bài đánh giá phim thường mang tính cá nhân và mang lại góc nhìn đa chiều về các yếu tố cấu thành một tác phẩm nghệ thuật điện ảnh. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực thì review phim cũng tồn tại nhiều mặt tiêu cực, do đó hoạt động này cần được Nhà nước quan tâm và xem xét trách nhiệm đúng mức. Đặc biệt là cần có sự kiểm duyệt nghiêm túc và có chế tài phù hợp đối với các review vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Mặt khác, điều quan trọng là người xem cần có sự kết hợp thông tin từ nhiều nguồn khác nhau để có cái nhìn tổng quan và đưa ra quyết định xem phim dựa trên ý kiến riêng của bản thân. Người xem cũng cần có sự nhạy bén để có những đánh giá đúng đắn khi tiếp nhận những ý kiến và đánh giá từ mạng xã hội để không bị chi phối bởi những review. Việc thúc đẩy môi trường trao đổi văn hóa và những điều thú vị xung quanh điện ảnh trên mạng xã hội vẫn rất cần thiết nhưng cần sự cân nhắc và trách nhiệm để duy trì chất lượng và tích cực trong cộng đồng này.

 

 

 

Tài liệu tham khảo:
1. Vũ Ngọc Thanh (2019), Một thập kỷ phim truyện điện ảnh Việt Nam (2007-2017), NXB Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh.
2. Timothy Corrigan (Đặng Minh Thắng dịch, 2011), Hướng dẫn viết về phim, NXB Trí thức và Nhã Nam.
3. https://tienphong.vn/trao-luu-phim-5- phut- cu-t a t- va o - n e n -di e n - a n h - post1356458.tpo.
4. https://cand.com.vn/doi-song-vanhoa/nhuc-nhoi-trao-luu-review-phim-trahinh-i698585/.
5. https://vtc.vn/trao-luu-xem-phim-5-phuttren-tiktok-xam-pham-nghiem-trongban-quyen-phim-viet-ar695918.html.

Chú thích:
1, 3 https://tienphong.vn/trao-luu-phim-5-phut-cutat-vao-nen-dien-anh-post1356458.tpo.
2, 4, 5, 6 https://cand.com.vn/doi-song-van-hoa/nhucnhoi-trao-luu-review-phim-tra-hinh-i698585/.
7 https://vtc.vn/trao-luu-xem-phim-5-phut-trentiktok-xam-pham-nghiem-trong-ban-quyen-phimviet-ar695918.html.

 

    

Bình luận

    Chưa có bình luận