HÌNH TƯỢNG THẨM MĨ TRONG TIỂU THUYẾT CỦA MISHIMA YUKIO*

Bài viết khảo sát ba hình tượng thẩm mĩ tiêu biểu trong tiểu thuyết ''Kim Các Tự'' (Kinkaku-ji, 1956) của Mishima Yukio là hình tượng Chùa Vàng, người phụ nữ và thiên nhiên Nhật Bản. Bên cạnh các phương thức thẩm mĩ, những hình tượng nghệ thuật nói trên khiến ''Kim Các Tự'' ở nhiều phương diện trở thành một tiểu luận mĩ học, một tuyên ngôn nghệ thuật của tác giả về Cái Đẹp.

   Mishima Yukio (1925-1970), tên thật là Hiraoka Kimitake, từng ba lần được đề cử Nobel, là một trong hai nhà văn Nhật Bản thế kỷ XX được biết đến nhiều nhất và có ảnh hưởng nhất đến thế giới phương Tây bên cạnh Kawabata Yasunari (1899-1972); một trong đối cực của thẩm mĩ Nhật Bản thời hiện đại cùng Kawabata Yasunari1 ; tác gia cuối cùng thuộc dòng chảy truyền thống trong số các nhà văn cận-hiện đại Nhật Bản vĩ đại nhất, một dòng chảy xuyên suốt từ Natsume Soseki (1867-1916), Tanizaki Jun’ichirō (1886-1965), AkutagawaRyūnosuke (1892-1927),Kawabata Yasunari đến Mishima Yukio. Từ sáng tác đầu tay Khu rừng kết hoa (Hanazakari no Mori, hè 1941) với bút danh Mishima2 khi 16 tuổi cho tới Biển phong nhiêu (Hōjō no Umi, 1964-1970) những năm cuối trước khi tự sát tổng thành Toàn tập 36 quyển do Shinchō xuất bản năm 1974, góp trọn một phần tư thế kỷ sáng tác hoàn mãn của tác giả với các thành tựu tiểu thuyết, kịch nō, truyện ngắn, tiểu luận và kịch bản điện ảnh, đặc biệt là tiểu thuyết. Những chủ đề xuyên suốt toàn bộ tác phẩm của Mishima Yukio bao gồm cái đẹp, tuổi trẻ, dục tính, đồng tính luyến ái, bạo lực và cái chết được thể hiện bằng văn phong trong sáng, cấu trúc tình tiết logic, lối tư duy lý tính đặc trưng của nam giới. Trong số đó, tiểu thuyết Kim Các Tự3 là một kiệt tác. Được xem như một tuyên ngôn nghệ thuật về Cái Đẹp của Mishima Yukio, trong ý thức phản ánh và nhận chân Cái Đẹp, bên cạnh các phương thức thẩm mĩ như thủ pháp lưỡng cực, đa thanh, tương phản và quan hệ tương liên cái đẹp với các phạm trù thẩm mĩ khác, tiểu thuyết Kim Các Tự toát lộ ba hình tượng thẩm mĩ đặc trưng ẩn dụ cao về phương thức chiếm lĩnh Cái Đẹp: chùa Gác Vàng, người thiếu nữ và thiên nhiên Nhật Bản.

   1. Chùa Gác Vàng: biểu tượng của tuyệt mĩ, tường thành của tù ngục

   Kim Các Tự (Kinkaku-ji, tức “chùa Gác Vàng”) là tên thường dùng của Lộc Uyển Tự (Rokuon-ji, tức “Chùa Vườn Nai”), ngôi chùa 3 tầng dát vàng nổi tiếng ở cố đô Kyōto, quốc bảo Nhật Bản, một trong số những công trình kiến trúc trong khuôn viên Lộc Uyển Tự soi bóng xuống Kính Trì (Kyochi, tức “ao gương”). Trong lịch sử hơn 6 thế kỷ từ khi kiến trúc nguyên thủy của ngôi chùa được xây dựng năm 1397, Kim Các Tự từng vài lần bị hỏa hoạn, gần nhất vào ngày 2 tháng 7 năm 1950 khi chùa bị vị sư 22 tuổi Hayashi Yoken phóng hỏa đốt thành tro. Năm 1955 chùa được phục dựng lại nhưng mất ngôi vị quốc bảo. Từ sự kiện đốt chùa của sư Yoken, Mishima Yukio đã hư cấu nên tiểu thuyết Kim Các Tự lý giải động cơ tiêu hủy ngôi chùa của kẻ tôn thờ cái đẹp. Nhân vật sư Yoken được khoác tên mới là chú tiểu Mizoguchi.

   Hiện thân của tuyệt mĩ vượt trên nền cảnh con người và thiên nhiên, Kim Các Tự được Mishima Yukio, thông qua nhân vật chính Mizoguchi, miêu tả từ nhiều góc nhìn từ tổng quát đến chi tiết, trải suốt bốn mùa xuân, hạ, thu, đông và trong mọi điều kiện thời tiết nắng, mưa, bão, tuyết, sương giá, ngày và đêm. Những tái họa Kim Các Tự trong tác phẩm như minh chứng cho cảm nhận của Mizoguchi rằng Kim Các Tự là Cái Đẹp. Sự biến chuyển của hình thái Cái Đẹp-Kim Các Tự qua thời gian phản ánh sự biến chuyển trong nhận thức của Mizoguchi về Cái Đẹp.

   Trong tác phẩm, nhiều trường đoạn soi chiếu vẻ đẹp của Kim Các Tự trong đối cảnh bốn mùa. Kim Các Tự trong ánh trăng chiếu rọi của mùa thu “hình như đã xếp hình ảnh tối om phức tạp của mình lại và lặng lẽ chìm xuống”. Dưới ánh sáng cuối hạ, Kim Các Tự ở đó mà dường như mất hết đường nét, “Nó khư khư ôm lấy cuộn tròn trong lòng mình bóng tối giá lạnh âm u; và với nét mờ thần bí, nó hoàn toàn lãng quên thế giới chói chang đang bao quanh nó” (tr. 79). Trong mùa đông Nhật Bản đầy tuyết trắng thì Kim Các Tự đẹp không gì sánh kịp “với những hàng cột mảnh mai đứng san sát bên nhau, tòa kiến trúc đứng phơi da thịt trắng nõn mát tươi trong lớp tuyết” (tr. 124). Vào buổi chiều mùa xuân thì Kim Các Tự “giống như một bức họa cũ kỹ phai màu loang lổ” (tr. 187).

   Kim Các Tự hiện lên trong từng khoảnh khắc nhân vật tương tác với những nhân vật khác. Lúc Mizoguchi lùa tay vén váy người con gái trong chuyến du hành, thì Kim Các Tự “âm u, tiêm tế, nhưng đầy vẻ uy nghi” (tr. 210) chợt hiện ra như muốn chắn lối. Khi Mizoguchi chạy trốn khỏi lão sư phụ trụ trì và rời xa Kim Các Tự, anh ngắm ngôi chùa lần cuối và cảm thấy “Sự quân xứng u uất thường lệ vẫn tràn ngập ngôi chùa nhô cao dưới bầu trời đêm sáng trăng lộng gió” (tr. 282).

   Kim Các Tự cũng hiện diện trong từng biến cố trọng đại của đất nước. Trong dự cảm của Mizoguchi về một vụ không tập của Mĩ có thể hỏa thiêu Kim Các Tự thì “ánh mặt trời âm thầm cuối hạ đã lát những phiến vàng mỏng lên mái Cứu Cánh Đính” (tr. 77-78). Vào thời điểm Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng Đồng Minh ngày 15 tháng 8 năm 1945 thì điều kỳ lạ nhất mà Mizoguchi nhận thấy là ngôi chùa này trong bao nhiêu lần phô bày vẻ đẹp thì lần này lại trở nên đẹp hơn hết: “từ trước đến giờ chưa bao giờ nó mang một vẻ đẹp lộng lẫy, cự tuyệt tất cả mọi ý vị như lần này” (tr. 109).

   Kim Các Tự hiện diện trong tâm trạng của Mizoguchi. Mizoguchi luôn nỗ lực lý giải cái đẹp của Kim Các Tự theo hướng hết sức lý tính, anh đã hầu như hiểu trọn vẹn nguồn gốc và đặc tính của vẻ đẹp Kim Các Tự: “Chính vẻ đẹp của mỗi bộ phận nhỏ bé tự nó đã luôn luôn chứa đầy sự bất an. Nó mơ đến sự toàn bích nhưng nó không hề biết đến thế nào là toàn bích và cứ luôn luôn bị vẻ đẹp tiếp theo - cái vẻ đẹp chưa ai hay biết - lôi cuốn. Điềm báo này gắn liền với điềm báo khác, và chính như thế những điềm báo khác nhau của một vẻ đẹp không có thực đã làm chủ đề sâu kín cho Kim Các Tự” (tr. 420). Từ “cái thấy biết” hầu như trọn vẹn và tỉ mỉ đến từng chân tơ kẽ tóc vẻ đẹp toàn hảo đến bất toàn của Kim Các Tự, Mizoguchi bừng ngộ sự trói buộc ghê gớm của vẻ đẹp mang tên Kim Các Tự, “vẻ đẹp này thật không có gì sánh kịp. Và bây giờ thì tôi hiểu vì đâu mà tôi thấy mỏi mệt gớm ghê đến thế. Vẻ đẹp ấy đang chớp lấy cơ hội cuối cùng để ra sức nắm lấy tôi và trói buộc tôi bằng sự bất lực đã biết bao lần trói tay tôi trong quá khứ” (tr. 422). Kim Các Tự hiện hữu như một biểu tượng của tuyệt mĩ, đi từ một đối tượng được sùng bái dần trở thành một tường thành tù ngục4. Kẻ yêu Cái Đẹp-Kim Các Tự và bị cầm tù bởi Cái Đẹp che giấu cái ác vô song Kim Các Tự đã khao khát tột cùng giải cảnh để thoát cảnh. Như lời răn trong Lâm Tế lục “phùng Phật sát Phật” hẳn là phương pháp duy nhất để thấy được Phật, Mizoguchi buộc phải hỏa thiêu Kim Các Tự: “Việc Kim Các Tự làm một thằng bé như tôi phải lóe mắt vì vẻ đẹp tuyệt vời tự nó cũng đã chứa đựng mọi thứ lý do để đưa tôi đến việc phóng hỏa đốt chùa rồi” (tr. 331).

   Như thế, băng ngang qua vẻ đẹp của Kim Các Tự như vượt qua chính mình nhằm đạt giác ngộ tự thân, hành vi đốt chùa của nhân vật Mizoguchi vào kết truyện, được so sánh với hành vi đốt Đền thờ thần Artemis của Herostratos nhưng khác từ trong bản chất, đã phát quang cản trở, dọn lộ tuyến để nhân vật tiệm cận với chân lý: “cái đẹp là sự dũng mãnh để đi đến hủy diệt”. Con đường khốc liệt này tìm kiếm cái đẹp không chỉ để thể nhập, nâng niu và níu giữ. Con đường đó còn là tìm kiếm và vượt qua, thậm chí tìm kiếm, hủy diệt để vượt qua và tái sinh cái đẹp, như hình tượng phượng hoàng lửa tái sinh từ tro tàn.

   2. Người con gái Phù Tang: trần tục nữ tính và xót xa bi cảm

   Là bậc thầy về tâm lý học đàn ông nhưng với Mishima Yukio, hình tượng những người con gái Phù Tang, biểu tượng vẻ đẹp nữ tính vĩnh cửu có thể truy nguyên về tận thời Heian với Truyện kể Genji5Sách gối đầu6, xuất hiện nhiều lần trong tác phẩm của Mishima như đối tượng của sắc dục, của tình yêu và mĩ cảm. Trong tiểu thuyết Tiếng sóng (Shiosai, 1954) ta bắt gặp những nhân vật nữ biểu tượng của thuần khiết như Hatsue, con gái của một chủ tàu, xinh đẹp, chung thủy và can đảm đương đầu với khó khăn để bảo vệ trinh tiết và tình yêu; là Chiyoko, nữ sinh dù đau khổ với mối tình đầu thầm lặng vô vọng vẫn nhân hậu hiếm có. Còn có thể kể đến Fusako nồng nàn trong Chiều hôm lỡ chuyến (Gogo no eiko, 1963); hay Etsuko “thâm trầm mà kiêu hãnh, dịu dàng mà sục sôi” trong Khát vọng yêu đương (Ai no Kawaki, 1950). Tuy nhiên trong Kim Các Tự, vẻ đẹp người con gái thường được miêu tả trần trụi như dưới con mắt của một bác sĩ giải phẫu, với khuôn mặt, ánh mắt, giọng nói, bầu vú, làn da... Hiện thân của những vẻ đẹp tính nữ đầy tươi mát nhưng cũng phảng phất sắc ám gợi rờn rợn của sự chết, sự xuất hiện của từng người phụ nữ trong hành trình sự kiện Kim Các Tự đều mang những ý nghĩa trọng đại đối với Mizoguchi hoặc người bạn của anh.

   Đó là Uiko, người mà Mizoguchi thầm yêu trong những ngày thơ ấu tại quê nhà với đôi mắt “to và trong sáng” (tr. 20-21) và giọng nói “có cái vẻ tươi mát của một làn gió nhẹ sớm mai” (tr. 24). Mặc dù bị thu hút như một thứ ma lực, Mizoguchi vẫn không làm sao tiếp cận được người con gái này và ngay cả khi anh cố chặn nàng lại thì ý chí, dục vọng của anh như thể đã hóa đá, không hiểu do quá choáng ngợp trước nhan sắc của nàng hay do tật nói lắp của chính mình. Sự kiện này khiến Mizoguchi bị Uiko nhạo báng và từ đó anh luôn cầu cho nàng phải chết. Uiko yêu một người lính đào ngũ nhưng sau đó nàng phản bội người yêu, tiết lộ địa điểm trốn tránh của chàng. Khi những hiến binh tới bắt người yêu Uiko trong đêm tối, Mizoguchi nhìn khuôn mặt Uiko bất động dưới ánh trăng và có cảm giác chưa bao giờ anh thấy một khuôn mặt tràn đầy dáng vẻ cự tuyệt đến như thế, chính “vẻ đẹp tươi sáng trong sự phản trắc” (tr. 32) của Uiko đã khiến Mizoguchi say mê. Như thế, chẳng phải trong đối cảm của Mizoguchi với Uiko đã phảng phất nét tương đồng đối cảm của Mizoguchi với Kim Các Tự hay sao?

   Người con gái thứ hai đến với cuộc đời Mizoguchi khi anh đã là sadi của Kim Các Tự. Cùng cậu bạn Tsurukawa tới thăm Nam Thiền Tự giữa buổi sáng tháng năm trong trẻo và ấm áp, Mizoguchi nhìn thấy trong thiền viện một thiếu phụ mặc kimono lộng lẫy vạch bầu ngực vắt sữa của chính mình vào tách trà cho người yêu, vốn là một người lính, trong một nghi thức trang trọng: “người thiếu phụ trẻ đẹp đang ngồi trên nền nhà dáng vẻ hết sức chững chạc, có thể nói là khoe khoang nữa, nét mặt nàng nhìn nghiêng trắng bệch lồ lộ như thể được khắc nổi” (tr. 89). Chính người con gái ấy đã đem đến cho Mizoguchi mĩ cảm - nhục cảm đầu tiên, sự tiếp xúc tràn đầy dục tính đầu tiên (dù chỉ là bằng ánh mắt) với người khác phái “thế rồi bộ ngực trắng nõn của nàng lộ ra. Tôi nín thở” (tr. 90).

   Vào những ngày mùa đông đầu tiên sau khi chiến tranh kết thúc và nước Nhật bị chiếm đóng, trong tuyết trắng Kim Các Tự, Mizoguchi gặp người con gái mà hành động của anh với cô sẽ gây u ám cho anh ngay trên ngưỡng cửa theo học Đại học Phật giáo Otani. Nếu Uiko trong mắt Mizoguchi ấn tượng đầu là khuôn mặt, cô gái trong Nam Thiền Tự là bầu ngực trắng nõn thì cô gái được người lính Mĩ dẫn tới chùa mang đến cho Mizoguchi tiếp xúc từ đôi chân, khởi đầu với cái nhìn về đôi chân nàng, “trong chiếc giầy cao gót nhỏ nhắn thò ra trên cái bực đặt chân của chiếc xe Jeep” (tr. 127), và kế nối với việc Mizoguchi phục tùng mệnh lệnh của tên lính đã giày xéo chân lên bụng, lên ngực nàng. Đôi chân Mizoguchi đã tiếp xúc trực tiếp với làn da con gái lần đầu trong đời, “tôi buông chân xuống và giẫm lên một cái gì mềm mại như chất bùn mùa xuân. Cảm giác khó chịu lúc mới đạp chân lên mình nàng bây giờ đã trở thành niềm vui rào rạt…” (tr. 132). Cô gái ấy về sau bị đọa thai, đã đến chùa xin trụ trì chút tiền bồi thường, còn với riêng Mizoguchi thì sự kiện u ám này đã mang đến mặc cảm tội lỗi đầu tiên xuất phát từ hành vi của chính anh, nhưng ấn tượng mạnh mẽ khi tiếp xúc với cơ thể một người khác phái khiến trong từng hồi tưởng, nhân vật vẫn cảm nhận được niềm lạc thú cực đoan, “cảm thấy sức dẻo dai mềm mại như nịnh nọt của thịt da nàng, cảm thấy tiếng rên rỉ phát ra từ thân hình ấy, thật giống như một bông hoa bằng thịt bị vò bóp sắp sửa bừng nở; cái cảm giác ngây ngất, choáng váng của các giác quan tôi” (tr. 144).

   Nếu không kể đến sự gặp lại người con gái đã vắt sữa mình vào tách trà dâng người yêu mà Mizoguchi chứng kiến khi đến Nam Thiền Tự, người con gái cuối cùng mà Mizoguchi tiếp cận ở phương diện nhục thể khi ý đồ hỏa thiêu tòa Gác Vàng đã trở thành thường trực trong suy nghĩ của anh như một định mệnh (và chính nhờ giải thoát khỏi ám ảnh Kim Các Tự, Mizoguchi đã trải nghiệm tình dục với cô thành công trong hai đêm anh lui đến kỹ viện), là cô gái lầu xanh Mariko, lại hiện hữu như một sự tự hủy, sự rữa nát ngay trong lúc ngủ. Khi một con ruồi bay đậu trên bầu vú của Mariko thì Mizoguchi đã miên man trong suy nghĩ “vì loài ruồi ưa thích sự rữa nát liệu Mariko đã bắt đầu rữa nát hay chưa? Có phải việc người con gái này hoàn toàn không tin tưởng gì hết đã chứa đựng sự tan rửa ung thối không?” (tr. 384). Để rồi khi Mariko lăn ra ngủ thì Mizoguchi chỉ còn thấy “nàng nằm đó giống như một xác chết” (tr. 384).

   Cũng cần nói thêm về một người phụ nữ không thuộc thế giới các cô gái trẻ mà là người mẹ của Mizoguchi, con người có những tác động sâu sắc đến tâm hồn Mizoguchi lại cũng là người mà Mizoguchi không hề có chút thiện cảm nào: “nhìn rõ những con mắt sâu hoắm, giảo hoạt, nhỏ bé của bà tôi thấy rõ rằng mình thực có lý làm sao khi đem lòng ghét bỏ Má. Sự ghét bỏ dẳng dai thứ nhất là đối với việc bà đã sinh ra tôi ra làm người” (tr. 327). Chỉ bởi chính Mizoguchi đã hiểu và cảm nhận được rằng mẹ khác anh quá đỗi, sống trong một thế giới hoàn toàn khác biệt với thế giới của anh ta, “thuộc hạng người sinh ra không hề bận tâm tới vẻ đẹp của Kim Các Tự” (tr. 104). Bà cũng kỳ vọng quá lớn ở sự thành danh của con trai trong tương lai, trở thành trụ trì Kim Các Tự, và chính niềm hi vọng này đã khiến trong mắt đứa con bà trở nên xấu xí, “niềm hy vọng bất trị, ngoan cố, giống như những vẩy nhọt cứng rắn, ươn ướt và đo đỏ ăn sâu vào lớp da nhiễm độc” (tr. 329).

   Được đặc tả bằng ngôn từ sắc như thanh katana của người võ sĩ, những phụ nữ Phù Tang trong Kim Các Tự hiện diện với tất cả vẻ nữ tính thuần Nhật nhưng hầu như không có dáng nét tươi sáng, trong trẻo, thanh khiết mà quằn quại trong những bi thương đến xót xa hoặc hững hờ đến vô cảm, trở thành những ánh phản cực đoan của tâm thế nhân vật Mizoguchi trước con người, cuộc đời và Cái Đẹp.

   3. Thiên nhiên Nhật Bản: đối cực tế vi và dữ dội

   Nhật Bản có cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp thay đổi theo sự tuần hoàn của bốn mùa. Văn học Nhật Bản đã phát triển cùng với thiên nhiên phong phú đa dạng tạo nên bởi sự đa dạng của khí hậu và phong cảnh, trong đó có mùa màng7 và có thể nói, với người Nhật, thưởng thức thiên nhiên là một nhu cầu mang tính cộng đồng. Văn hào Kawabata Yasunari ngay mở đầu Diễn từ Nobel Sinh ra từ vẻ đẹp Nhật Bản của mình cũng trích dẫn bài thơ Bản lai diện mục thấm đẫm âm hưởng Thiền của Dogen (1200-1253), một bài thơ về hoa mùa xuân, chim gù tiết hạ, ánh trăng thu óng ả và mùa đông giá băng8.

   Trong Kim Các Tự ta bắt gặp vô số tiết đoạn về thiên nhiên, từ sắc độ hùng vĩ dữ dội của bầu trời, mặt biển, dông bão, mây mù, ánh trăng, sương giá đến vi tế như bông hoa bên vệ cỏ, con chuồn chuồn, đàn kiến, chùm hoa tuyết… và tất cả đều được tái họa trong tương hợp với cảnh quan theo mùa. Tại quê nhà những chiều khi Mizoguchi đi học về và ngồi trên phòng học tầng hai trên tầng gác và mê mải ngắm những ngọn đồi trước mặt thì cảnh sắc “những bông hoa tháng Năm đang nở rộ - nào hoa mã lan, hoa thượng uyển đâu, nào hoa dã trượng nhân, hoa sồ bạch cúc…” (tr. 10). Vào thời điểm Mizoguchi quen Kashiwagi trong trường học thì “những chiếc lá non mềm hút lấy ánh sáng mặt đám kim hoa thảo có đầy những hình ảnh nho nhỏ khiến cho tất cả lối đi như đang nhẹ nhàng bồng bềnh trên mặt đất” (tr. 154-155). Cảnh sắc trong công viên Kameyama nơi Mizoguchi và Kashiwagi tham quan cùng hai cô gái có “gió sột soạt lùa qua cành cây, thổi những lá vàng khô rơi xuống trải đầy trên mặt đất” (tr. 195). Khi Mizoguchi đi vào vườn chùa để trộm hoa cho anh bạn thì “những cánh hoa màu tím cao chót vót rung rinh trong tiếng nước chảy thì thầm…” (tr. 236). Và vào ngày cuối cùng trước khi ngôi chùa Kim Các bị hỏa thiêu, giữa làn mưa Mizoguchi vẫn nhìn thấy “những bông hoa nam qua nở rải rác đó đây trên cánh đồng” (tr. 399).

   Các loài côn trùng, động vật nhỏ cũng được miêu tả chi tiết như điểm tô sinh động cho bức tranh thiên nhiên. Trong ngôi chùa Kim Các vào buổi sáng sớm như thường nhật khi các sư tăng ngồi tụng kinh thì “tiếng gà gáy trong sân xuyên thủng màn tối của buổi sớm cuối thu, trong âm thanh ấy có một vẻ trắng trong và tươi mát” (tr. 146). Khi dừng tay ngồi nghỉ ở thửa ruộng sau nhà bếp của Kim Các Tự, Mizoguchi quan sát một con ong sà xuống một bông hoa cúc mùa hè nho nhỏ màu vàng, thấy “nó bay tới giang rộng đôi cánh màu vàng óng ánh… Bông hoa cúc đứng im xòe rộng cánh vàng vàng và mượt mịn. Trông nó thật xinh đẹp y như một Kim Các Tự nhỏ bé…” (tr. 261). Rồi trong những năm tháng học hành chểnh mảng tại Đại học Otani, mà theo Mizoguchi thì đó là vô vi lười biếng theo lối thực tập “tiếp tâm” đặc biệt về Thiền học của anh, thì có những lúc anh “ngồi hàng giờ trên bãi cỏ ngắm một đàn kiến thi nhau khênh những mẫu đất nhỏ xíu” (tr. 282).

   Thiên nhiên trong Kim Các Tự còn hiện diện qua thời tiết với gió, mưa, sương, tuyết bằng những miêu tả tinh tế. Giọt sương mai buổi sớm trong ánh nắng chói chang “lốm đốm màu hồng nhạt trên các bụi cây gần đó, trông như loại dâu đỏ trái mùa đã mọc ở đây” (tr. 386). Tuyết tràn trề sắc trắng trên cảnh tượng Kim Các Tự mùa đông “chất thành đống thực đẹp mắt trên những cây tùng” (tr. 124). Trăng thu nhuộm lên sắc lá rừng phong khi “lá cây bắt đầu nhuốm màu hung hung đỏ vào mùa thu, nhưng dưới ánh trăng trông lại như ngả sang màu đen” (tr. 32) hoặc chiếu tràn trên mặt nước Kính Trì “ánh trăng… thỉnh thoảng cố thu góp những tia sáng lạc loài vãi vung lại rồi nhanh nhẹn lướt trên mặt nước” (tr. 223).

   Thiên nhiên luôn gắn với tâm trạng và phản ánh tâm trạng u uất của nhân vật. Nhìn khuôn mặt người cha đã mất, Mizoguchi thấy “khuôn mặt Ba chìm trong những đóa hoa đầu mùa hạ. Có cái gì đáng sợ trong sắc cực kỳ tươi tắn của những bông hoa này” (tr. 56). Gần gũi với mẹ, anh cảm nhận “khi những lọn tóc loăn quăn của Má chạm vào má tôi, tôi nom thấy một con chuồn chuồn hạ cánh đậu vào bể nước bằng đá phủ đầy rêu ở ngoài sân tối om” (tr. 104). Ngay cả anh đào, loài hoa quen thuộc trong cảnh sắc Nhật Bản cũng được miêu tả bằng diện mạo khác lạ khi chỉ có hai lần được tác phẩm nhắc tới, và không lần nào trong thời khắc hoàn mĩ khi hoa mãn khai. Lần thứ nhất là cây anh đào chỉ còn toàn lá xanh mát khi Mizoguchi đến thăm Nam Thiền Tự, “chúng tôi đứng bên bờ hoàn toàn chìm đắm dưới bóng lá cây anh đào” (tr. 84). Lần thứ hai, cây hoa anh đào được miêu tả một cách kỹ lưỡng hơn trong công viên Kameyama nhưng mang vẻ buồn tẻ, ảm đạm: “… đã hoàn toàn trụi hết hoa và đang bắt đầu trổ lá xanh. Khi mùa hoa anh đào chấm dứt, những cây này chỉ có thể được gọi bằng cái tên mà người ta thường dùng để gọi những mĩ nhân đã chết” (tr. 199-200).

   Đáng chú ý nhất trong Kim Các Tự là hai biểu tượng của tự nhiên có tần suất xuất hiện dày đặc, trước tiên là hình ảnh bầu trời với đủ sắc thái của mây, trăng, tà dương, mưa hoặc phản chiếu của bầu trời trên mặt nước, mặt biển, trên mái Kim Các Tự hoặc trên những rặng núi trập trùng; và thứ hai, hình ảnh của biển cả Nhật Bản hoang dại cuồn cuộn. Ngay từ những trang đầu tác phẩm hình ảnh bầu trời hiện lên với vẻ trong sáng nhưng mỗi ngày nhân vật “vẫn bị bốn năm trận mưa rào đột ngột đổ ụp xuống” (tr. 10). Vào thời khắc Mizoguchi đến với Kim Các Tự trong đời thực thì “Bầu trời buổi chiều phản ánh trên làn nước… Bầu trời này khác hẳn bầu trời trên đầu chúng tôi. Trong trẻo và sáng sủa, từ phía dưới và từ bên trong, nó nuốt trọn thế giới trần tục của chúng tôi” (tr. 48). Khi Mizoguchi gặp mẹ tại Kim Các Tự thì ngoài sân “bầu trời chiều hôm phản ánh trên mặt nước trong cái bể tròn nhỏ hình đồng tiền” (tr. 104). Khởi đầu buổi du ngoạn do Kashiwagi tổ chức với sự tham gia của hai cô gái đến vùng Arashiyama giữa lúc “bầu trời vần vũ, nhưng thỉnh thoảng mặt trời cũng ló ra ánh sáng chói lọi. Có những đám mây sáng rực trắng xóa, y như bộ ngực trắng nõn của một người đàn bà…” (tr. 192-193). Trong cơn bão khi Mizoguchi ao ước sẽ là thời khắc giông tố sẽ cuốn sập Kim Các Tự thì “cả bầu trời chuyển động suốt đêm” (tr. 223). Thời điểm quan hệ lần đầu tiên với gái lầu xanh Mizoguchi cảm thấy “tôi đã mục kích tại nơi nào đó một ánh hoàng hôn tráng lệ không gì sánh kịp” (tr. 378), và vài ngày sau khi quay lại nhà chứa lần hai Mizoguchi nhận ra “bầu trời mang dấu vết của một buổi bình minh chói lọi” (tr. 385). Thậm chí trong lúc ở sát bên cô gái, Mizoguchi cũng cảm giác thịt da nàng rung rinh nhè nhẹ tựa như “mặt trời chiều trên vịnh Maizuru” và “cung cách mặt trời chiều biến sắc thật nhanh hình như kết hợp trong lòng tôi cùng với tính chất biến đổi mau lẹ của thịt da người con gái” (tr. 377). Khi Mizoguchi đi mua gói thạch tín và con dao để dự phòng sẽ tự sát vào lúc phóng hỏa Gác Vàng thì “bầu trời của chết chóc sáng rực cùng lúc đó, tôi thấy hầu như bầu trời của sự sống thì tôi đang quên dần” (tr. 395), và trong những dòng kết truyện lúc kẻ tội đồ của Kim Các Tự chạy ra ngọn đồi phía sau, nằm ngửa mặt nhìn bầu trời đêm thanh thản để cảm nhận “tiếng bầy chim lao mình bay vút lên trên các cành xích tùng và những tàn lửa mong manh, nho nhỏ, bây giờ thì đã thưa dần, bay bồng bềnh trong bầu trời phía trên đầu” (tr. 430), còn Kim Các Tự lúc đó đã rừng rực với làn khói cuồn cuộn vươn cao và ngọn lửa lớn bốc thẳng lên, “và bầu trời của Kim Các Tự hình như chất nặng cát vàng” (tr. 430). Như thế, bầu trời - một biểu tượng gần như phổ quát mà qua đó con người thể hiện niềm tin vào một sinh linh thần thánh ở trên caođã bao quát toàn bộ sự kiện trong Kim Các Tự, chi phối sâu sắc diễn tiến tâm trạng cũng như hành vi của nhân vật.

   Biển Nhật Bản dù chỉ vài lần xuất hiện trong tác phẩm nhưng thuộc tính dữ dội cũng như thời khắc nó hiện diện cho thấy tính ẩn dụ cao độ của biểu tượng10. Mizoguchi ra đời trên mũi biển quạnh hiu nhô ra biển Nhật Bản, ảnh hưởng từ văn hóa vùng miền vào cá tính rõ rệt. Ngay thời điểm hỏa táng người cha của Mizoguchi trên bãi nhỏ đầy đá của mỏm đất nhô ra biển phía Đông Nam ngôi làng cũng gợi trong tâm thức nhân vật cảm giác về hoang dã: “Xa khỏi nơi này biển động dữ dội trong khi các làn sóng lớn cuồn cuộn thi nhau xô lên phía trước, dâng lên cao rồi hạ xuống thấp …” (tr. 59-60) và cả cách anh hình dung về Kim Các Tự khi chưa từng diện kiến cũng khiến anh so sánh với biển khi cho rằng “Kim Các Tự vẫn còn mơ hồ như bể cả” (tr. 11), “giống như một con tầu đẹp đẽ nào đó đang vượt qua mặt biển thời gian… Cái ao nơi tòa nhà ba tầng hình chiếc tầu này soi bóng có thể được coi là tượng trưng cho bể cả” (tr. 39).

   Không có nhiều đoạn miêu tả biển trong Kim Các Tự, lý do là những năm tháng sau đó nhân vật chính phần lớn sống tại Lộc Uyển Tự hoặc tại Đại học Otani. Tuy nhiên, ngay trước thời điểm Mizoguchi hỏa thiêu Kim Các Tự, anh đã bỏ đi trong khát khao chạy trốn khỏi tất cả những gì vây bọc, thì vô thức đã đưa anh lên tàu hướng về phía vịnh biển Maizuru, bởi anh cảm thấy “xung động hối thúc anh ra đi ít nhiều chứa đựng một thân tình với biển cả” (tr. 308). Khi đến vùng vịnh biển này, nay đã trở thành một hải cảng ngoại quốc với những chiến hạm của Mĩ, với bảng tên phố bằng tiếng Anh ngạo mạn và những người lính trong đội quân chiếm đóng đi lại, Mizoguchi thấy mình thèm muốn được quay trở lại nơi biển dữ dằn dậy sóng vẫn còn duy trì sinh lực hoang dại ban đầu, giống vùng biển mà anh tiếp xúc thời niên thiếu, “một vùng biển đặc trưng với sóng cồn, giận dữ, luôn luôn phẫn nộ điên cuồng mà người ta thường bắt gặp dọc bờ biển Nhật Bản” (tr. 308). Do vậy, ngay sau đó anh lại quyết định đi về phía Yura, cách Maizuru khoảng 10km, tại đây Mizoguchi đã nhìn thấy trước mắt bờ biển Nhật Bản, cái mà anh nhận thấy là “cội nguồn của tất cả mọi bất hạnh, đủ mọi tư tưởng hắc ám” (tr. 314) trong anh, phơi bày trước mắt anh dữ dội, với những đợt sóng cồn không ngừng nghỉ.

   Những trích đoạn cho thấy biển không chỉ là một biểu tượng của sự sống khi tất cả đều từ biển sinh thành và tất cả trở về với biển, mà còn tượng trưng cho tình thế “nước đôi, bấp bênh, hoang dại”11, hình tượng hội tụ vừa của sự sống vừa của sự chết, “tất cả đều thấm đượm mùi dao động và bất động, với một sức mạnh tối tăm luôn luôn chuyển động, với cái cảm giác ngưng kết của khoáng vật” (tr. 314). Kim Các Tự dát vàng nổi bật trên gương nước của Kính Triều Trì là ảnh tượng bầu trời - mặt biển, cũng tương hợp như lửa và nước12. Như thế thiên nhiên trong Kim Các Tự được tái họa như bộ phận trong bức tranh toàn cảnh, thường được miêu tả gắn kết với cảnh quan của Kim Các Tự, làm nền cho Cái Đẹp-Kim Các Tự hoặc là ánh phản tâm thế của nhân vật chính trước vẻ đẹp kỳ tuyệt của Kim Các Tự.

   Từ truyền thống đến hiện đại, văn học Nhật Bản luôn đứng ở trung tâm nền văn hóa Nhật Bản, và nền văn hóa này toát lộ đặc trưng duy mĩ như giá trị cốt lõi. Người Nhật nói chung luôn ý thức vươn đến cái đẹp đỉnh cao và các nhà văn Nhật Bản lại càng là tinh hoa của ý thức này. Trong nền văn học vĩ đại Nhật Bản, nếu Truyện kể Genji được ví như một “thánh thư” của cái đẹp thời kỳ cổ điển thì gần 10 thế kỷ hậu Murasaki với Kim Các Tự, tác phẩm thâu thái tinh hoa thẩm mĩ tác giả, xứng kỳ danh là “thánh thư” về Cái Đẹp của nhà mĩ học thực hành Mishima Yukio. Được miêu tả bằng thủ pháp tương phản, những hình tượng thẩm mĩ thuần Nhật trong Kim Các Tự làm nền cho quan niệm thẩm mĩ của tác giả thăng hoa. Bằng tác phẩm này và những kiệt tác khác, như: Cấm sắc (Kinjiki, 1953), Chiều hôm lỡ chuyến (Gogo no eikō, 1963), Ưu quốc (Yūkoku, 1966), Biển phong nhiêu (Hōjō no umi, 1964-1970)… Mishima Yukio đã ghi danh vào dòng chảy chung của tâm thức Nhật Bản và trao truyền cái đẹp vĩnh hằng của văn chương nghệ thuật cho thế hệ sau tiếp nối.

 

 

 

Chú thích:
* Nghiên cứu trường hợp Kim Các Tự.

1 Ở nhiều phương diện, dù vừa là người bạn vừa là thầy trò tâm giao nhưng cá tính và phong cách sáng tác của Mishima Yukio trái ngược hẳn với Kawabata Yasunari. Lối viết của hai người cũng đi theo hai hướng đối lập: một người đại diện cho truyền thống nữ tính bi cảm và một người của truyền thống nam tính bạo liệt trong văn học Nhật Bản.
2 Mishima viết bằng hai chữ Hán “Tam Đảo” (ba hòn đảo) và đọc theo kiểu on’yomi, tuy nhiên cũng có khi Mishima sử dụng ba chữ Hán “Mỵ Tử Ma” (kẻ mê cái chết) đọc theo kiểu kun’yomi.
3 Mishima Yukio (1970), Kim Các Tự (Đỗ Khánh Hoan và Nguyễn Tường Minh dịch từ nguyên tác Kinkaku-ji của Tân Trào Văn Khố năm 1960), NXB An Tiêm. Từ đây, xin ghi chú trực tiếp nguồn trang (tr. ) sau những trích dẫn từ sách này.
4 Hoàng Long: “Mishima Yukio - Phượng hoàng bay từ Kim Các Tự”, nguồn: http://www. bungbinhsaigon.net.
5 Truyện kể Genji (Genjimonogatari, 1010) do nữ sĩ Murasaki Shikibu (978?-1016?) sáng tác đầu thời Heian (794-1185), tiểu thuyết theo nghĩa hiện đại đầu tiên của nhân loại.
6 Sách gối đầu (Makura no soshi, 1002) do nữ sĩ Sei Shōnagon (966-1017), Thứ phi của Hoàng hậu Fujiwara Teishi (976-1000) chấp bút, được coi là tùy bút (zuihitsu) đầu tiên của Nhật Bản.
Mitsuyo Shinumano: “Văn học Nhật Bản, một số đặc trưng nổi bật” (Lương Việt Dũng dịch), nguồn: http://vannghedanang.org.vn/nonnuoc/.
8 Yasunari Kawabata (Đoàn Tử Huyến dịch): “Sinh ra từ vẻ đẹp Nhật Bản”, nguồn: http://www. talawas.org/talaDB/showFile.php?res=5231&rb=0104.
9, 11 Jean Chevalier, Alain Gheerbrant (Phạm Vĩnh Cư chủ biên dịch, 1997), Mục từ “Trời”, “Biển”, trong Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, NXB Đà Nẵng - Trường Viết văn Nguyễn Du, tr. 958, 80.
10 Kawabata Yasunari ưa chuộng đề tài về núi và phản ánh trong nhiều kiệt tác như Xứ tuyết (Yukiguni, 1935-37, 1947), Tiếng rền của núi (Yama no Oto, 1949-54), Cố đô (Koto, 1962), còn Mishima Yukio lại ưa chuộng các đề tài về biển với Tiếng sóng (Shiosai, 1954), Chiều hôm lỡ chuyến (Gogo no eikō, 1963), Chết giữa mùa hè (Manatsu no shi, 1966)…
12 Xin tham khảo thêm S. Freud, C.G. Jung, G. Bachelard, G. Tucci, V. Dundes (Đỗ Lai Thúy biên soạn), (2000), “Phân tâm học về lửa” (tr. 85-262), “Nước và những giấc mơ” (tr. 263-368), Phân tâm học và văn hóa nghệ thuật, NXB Văn hóa Thông tin.

Bình luận

    Chưa có bình luận