ĐỒNG CHÍ ĐÀO DUY TÙNG VỚI VĂN NGHỆ SĨ

Bài viết tái hiện chân dung đồng chí Đào Duy Tùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư trong mối quan hệ với văn nghệ sĩ, qua đó góp một cách nhìn về phẩm chất, tài năng và nghệ thuật quản lý của đồng chí đối với công tác lý luận, tư tưởng của Đảng và lĩnh vực báo chí, văn hóa, văn nghệ.

 

   Thời gian đồng chí Đào Duy Tùng đảm nhiệm cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư phụ trách khối tư tưởng, khoa giáo cũng là thời kỳ đầu đổi mới, đời sống văn học, nghệ thuật diễn ra sôi động, có lúc căng thẳng, nhiều kịch tính, đặt ra nhiều vấn đề cần có sự chỉ đạo của Trung ương.

   Trong lý luận, phê bình, xuất hiện tư tưởng phủ nhận quá khứ, phủ nhận thành tựu văn học, nghệ thuật cách mạng, kháng chiến, coi nền văn học đó chỉ có giá trị tư liệu, để các thế hệ sau căn cứ vào đó làm nên các tác phẩm văn học đích thực. Có người lớn tiếng gọi đó là nền văn học quan phương, văn học cán bộ, văn học ăn lương... Người ta phủ nhận không phải để phủ nhận mà nhằm phê phán đường lối văn hóa, văn nghệ và sự lãnh đạo văn nghệ của Đảng. Mặt khác, người ta đưa ra xét lại tất cả các vụ việc, với cái nhìn thoát ly quan điểm lịch sử, cụ thể, làm lẫn lộn trắng đen, phải trái, quy trách nhiệm cho lãnh đạo văn nghệ.

   Trong sáng tác, từ cực tả chuyển sang cực hữu. Trước nặng về ngợi ca, bây giờ nghiêng về phê phán, khai thác, cường điệu một chiều cái xấu, cái ác, phủ một màu đen lên đời sống văn chương, vô hình trung phê phán bệnh công thức cũ lại sa vào bệnh công thức mới. Thậm chí có tác phẩm đặt vấn đề muốn đổi mới triệt để thì phải đập vỡ quá khứ.

   Có người nêu khái niệm “văn học đời thường”, đối lập đời thường với cái cao cả. Trong sáng tác xuất hiện những tác phẩm trần tục, thấp kém, nhằm hạ bệ anh hùng dân tộc, giải thiêng thần tượng…

   Về điều hành, một số người không tiếc lời phê phán thời bao cấp thiếu dân chủ nhưng thực chất họ còn thiếu dân chủ hơn, chỉ thực thi dân chủ với những người cùng chính kiến, ai không cùng chính kiến thì bị “triệt tiêu”. Từ sự thiếu nhất trí trong lãnh đạo Hội Nhà văn làm nảy sinh tư tưởng bè phái. Trong đội ngũ văn nghệ sĩ hình thành hai phái là bảo thủ và cấp tiến, khó ngồi lại với nhau và càng khó nghe nhau. Trung ương phát hiện khá sớm những biểu hiện lệch lạc, quá khích và kiên quyết chỉ đạo làm cho báo chí thực sự là ngọn cờ tư tưởng, đấu tranh tư tưởng phải gắn chặt với công tác tổ chức, nên đến cuối năm 1989 đã thay Tổng Biên tập Báo Văn nghệ.

   Những biểu hiện lệch lạc, sai trái chỉ diễn ra ở một bộ phận lãnh đạo và văn nghệ sĩ ở các hội chuyên ngành; tuy phức tạp nhưng vẫn có thể xem là bình thường, một hiện tượng thường xảy ra khi cách mạng chuyển giai đoạn, điều không bình thường, đã gây ra nhiều khó khăn cho công tác lãnh đạo, điều hành ở các hội chuyên ngành là những biểu hiện lệch lạc xảy ra ngay ở cơ quan chức năng làm tham mưu cho Ban Bí thư về văn hóa, văn nghệ. Trong rất nhiều trường hợp, Ban Bí thư phải làm việc trực tiếp với các hội để hiểu rõ tình hình.

   Trước tình hình xảy ra trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, Trung ương đã ban hành một số văn bản rất quan trọng để điều chỉnh nhận thức, tư tưởng văn nghệ sĩ:

   - Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa VI, đã dành một phần quan trọng để nói về công tác tư tưởng, văn hóa, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đánh giá tình hình phải tôn trọng tính biện chứng của đời sống, tôn trọng tính lịch sử, cụ thể; nắm chắc quan điểm kế thừa và phát huy, tránh tình trạng phủ nhận sạch trơn dẫn đến hư vô chủ nghĩa.

   - Năm 1991, Ban Bí thư ra thông báo về vụ Nhân văn – Giai phẩm, khẳng định đây là vụ án chính trị phản động, gián điệp phá hoại, phê phán nhận thức sai lạc cho đó là phong trào dân chủ, đổi mới trước Đảng.

   - Ban Bí thư ra chỉ thị tổ chức Đại hội các hội văn học, nghệ thuật chuyên ngành ở Trung ương, trong đó đặc biệt nhấn mạnh nguyên tắc đoàn kết, dân chủ, đổi mới, sáng tạo.

   Những văn bản trên đã kịp thời đưa ra định hướng về phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật trong sự nghiệp đổi mới, làm cơ sở cho việc hình thành các quan điểm về văn hóa cho Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII về Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Những văn bản trên là sản phẩm của trí tuệ tập thể, nhưng là Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, đồng chí Đào Duy Tùng rất nhạy cảm, sâu sắc nắm bắt tình hình và góp phần quan trọng vào việc ban hành các chỉ thị đó.

   Đại hội Hội Nhà văn lần thứ IV (tháng 10/1989) là một đại hội sóng gió nhất và căng thẳng nhất trong các kỳ đại hội của Hội Nhà văn Việt Nam. Với tính chất đặc thù của Hội Nhà văn, Trung ương cho phép tổ chức đại hội toàn thể. Trong quá trình chuẩn bị đại hội, đồng chí Đào Duy Tùng đã nhiều lần làm việc với Ban Thư ký, cho ý kiến chỉ đạo cụ thể về nội dung và phương thức tiến hành đại hội.

   Đây cũng là Đại hội Hội Nhà văn duy nhất mà Báo cáo kiểm điểm nhiệm kỳ và phương hướng, nhiệm vụ phát triển văn học mặc dù đã có rất nhiều ý kiến tham luận vẫn không được thông qua tại đại hội. Đại hội luôn có nguy cơ đốt cháy chương trình, tạt ngang và sa lầy vào các vấn đề tự phát, ngoài dự kiến. Chẳng hạn, bầu Đoàn Chủ tịch phải một buổi sáng mới xong. Đang thảo luận báo cáo chung thì phải dừng lại hơn hai tiếng đồng hồ để thảo luận thể thức vỗ tay. Bởi vỗ tay không còn là hình thức cổ vũ, tán thưởng mà còn trở thành “vũ khí” trấn áp. Rất nhiều nhà văn chân chính vừa bước lên bục đã bị tiếng vỗ tay, tiếng hoan hô đuổi xuống... Họp ngày căng thẳng, họp đêm càng căng thẳng. Họp toàn thể căng thẳng, họp đảng viên càng căng thẳng hơn. Vì lúc đó chưa có đảng đoàn, đồng chí Đào Duy Tùng thay mặt Ban Bí thư chủ trì cuộc họp đảng viên. Có thể nói, cuộc họp đảng viên là đỉnh điểm của Đại hội. Biết bao vấn đề ngổn ngang, bức xúc nhất đã được công khai lên tiếng. Nhiều tiếng nói phản kích, hả hê. Nhưng nhiều hơn là sự im lặng đầy lo lắng, không biết có cách nào để đưa diễn đàn trở về quỹ đạo dân chủ có định hướng.

   Với tác phong rất ung dung, đĩnh đạc thường ngày, đồng chí Đào Duy Tùng bước lên bục phát biểu. Không né tránh, không xuê xoa, đồng chí nhìn thẳng vào các vấn đề, bình tĩnh xem xét, đánh giá, thái độ vừa kiên quyết vừa khéo léo, đặt tình hình văn học trong tiến trình chung của sự nghiệp đổi mới. Đổi mới là quá trình nhận thức. Trước biết bao vấn đề bề bộn, mới mẻ, chân lý không lộ ra ngay. Để tìm kiếm chân lý phải tiến hành thảo luận trên tinh thần thiện chí. Thiện chí là tôn trọng và biết chờ đợi lẫn nhau. Có thiện chí, lại cần phải có phương pháp tốt. Nóng vội, muốn giải quyết ngay một lúc tất cả các vấn đề thì có nguy cơ rơi vào hời hợt, giản đơn, có khi lại mắc sai lầm lớn hơn. Đổi mới văn học phải đặt trong tiến trình đổi mới chung của đất nước. Đổi mới là sự nghiệp vĩ đại, nhưng rất khó khăn. Nó cần được tổ chức bởi tài ba và sự hiểu biết. Và hơn hết, mọi tiến trình phải được đặt trên bệ phóng của sự ổn định. Không ổn định, xới lên tất cả thì chỉ thêm rối vấn đề. Mà rối thì ai có lợi và có lợi cho ai? Đảng định hướng và tổ chức nhưng Đảng không làm thay các nhà văn. Nhìn nhận vấn đề, không nên nhảy ra khỏi con tàu để phê phán. Và thảo luận văn học, dù đặc thù đến đâu cũng nên biết nhân dân đang cần gì, bạn đọc cần gì. Không biết nhân dân cần gì, bạn đọc cần gì, là thoát ly tình hình, đổi mới như vậy là không có mục tiêu. Thế thì nguy hiểm quá. Đồng chí nói rành rẽ, thể hiện một tư duy sâu sắc và mạch lạc. Không khí hội trường lắng dần. Một số nhà văn buổi sáng phát biểu quá khích, hoặc có sáng tác đang có sự đánh giá khác nhau rất chờ đợi xem đồng chí có phê phán gì không. Qua phát biểu, không thấy đồng chí quy kết mà chỉ gợi ý để suy nghĩ, điều chỉnh, họ cũng dịu bớt và bị hút vào luồng suy nghĩ chung.

   Chương trình Đại hội dự kiến diễn ra trong ba ngày, nhưng nhiều vấn đề phát sinh, cần phải nương theo tình hình, không thể giải quyết võ đoán, Ban Bí thư cho phép kéo dài thêm hai ngày nữa. Mọi người cảm thấy không bị gò, bị cố ép cho qua chuyện mà là được tôn trọng và lắng nghe thật sự. Cuối cùng, Đại hội cũng đi dần vào quỹ đạo ban đầu.

   Nhưng đến khi bầu cử Ban Chấp hành mới thì vô cùng căng thẳng. Đại hội quyết nghị bầu Ban Chấp hành gồm 15 người, nhưng qua hai lần bầu cử chỉ bầu được 9 người. Sau khi có kết quả bầu cử đợt một, Ban Bí thư cho mời gấp 6 vị trúng cử đợt đầu đến họp tại số 4 Nguyễn Cảnh Chân. Đồng chí Đào Duy Tùng thay mặt Ban Bí thư chủ trì hội nghị. Đồng chí nói:

   - Tôi xin thay mặt Ban Bí thư nhiệt liệt chúc mừng các nhà văn trúng cử Ban Chấp hành Hội Nhà văn khóa IV. Công việc tiếp theo là bầu Tổng Thư ký của Hội. Dù cho kết quả bầu cử đợt hai như thế nào thì giữ cương vị Tổng Thư ký cũng phải là một trong sáu đồng chí được bầu đợt một.

   Sau khi nêu các tiêu chuẩn, đồng chí nhấn mạnh: Tổng Thư ký phải trực tiếp giải quyết công việc hàng ngày của Hội nên phải có mặt hàng ngày ở Hà Nội. Còn cụ thể là đồng chí nào thì tùy các đồng chí cùng bàn bạc và quyết định.

   Hai người được giới thiệu để bầu là nhà văn Nguyễn Quang Sáng và nhà văn Vũ Tú Nam. Sau khi mạn đàm, trao đổi, nhà văn Nguyễn Quang Sáng đứng dậy phát biểu:

   - Tôi cảm ơn các đồng chí đã giới thiệu. Tuy tôi được cao phiếu nhất, nhưng tôi tập kết xa nhà 10 năm, về Nam lại xa nhà 20 năm nữa, nay đảm nhiệm chức vụ Tổng Thư ký lại phải xa nhà tiếp thì cực quá. Tôi xin rút và giới thiệu nhà văn Vũ Tú Nam.

   Cả hội nghị vỗ tay tán thưởng. Đồng chí Đào Duy Tùng kết luận:

   - Nhà văn Nguyễn Quang Sáng qua bầu cử đợt đầu trúng cử với số phiếu cao nhất. Nếu đồng chí làm Tổng Thư ký thì công việc sẽ rất thuận. Nhưng do hoàn cảnh riêng, đồng chí đã xin rút và giới thiệu đồng chí Vũ Tú Nam. Ngày mai ra hội trường, tôi đề nghị đồng chí Nguyễn Quang Sáng phát biểu trước với nội dung như buổi họp hôm nay.

   Sáng hôm sau, mọi việc diễn ra ở hội trường theo đúng kế hoạch ngày hôm trước. Mọi người đều vui vẻ. Nhưng phải là người trong cuộc mới thấy hết đằng sau sự vui vẻ đó là biết bao công phu, trí tuệ của cả một tập thể lãnh đạo mà người trực tiếp theo dõi từng giờ, từng ngày và đưa ra cách xử lý tinh tế, mềm mại và đúng đắn là đồng chí Đào Duy Tùng

   Bài học quan trọng nhất có thể rút ra ở đây là sự tin cậy của Đảng đối với các nhà văn. Đồng chí Đào Duy Tùng đã có cách ứng xử thật sự dân chủ. Đối với các nhà văn, nếu họ cảm thấy bị áp đặt, bị mất dân chủ thì dù việc rất nhỏ cũng rất dễ gây ra những phản ứng bộc phát bất lợi cho sự đồng thuận.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận