CẢM HỨNG CA NGỢI TUỔI THẦN TIÊN TRONG TRUYỆN THIẾU NHI CỦA PHAN THỊ THANH NHÀN

Trên cơ sở phân tích cảm hứng ca ngợi tuổi thần tiên trong truyện thiếu nhi của Phan Thị Thanh Nhàn, bài viết khẳng định tài năng kể chuyện rất đỗi giản dị và hóm hỉnh của tác giả, mong muốn hướng người đọc đến với thế giới tươi đẹp nhất của trẻ thơ.

   Trong cuộc đời một con người có lẽ tuổi thơ chính là quãng thời gian đẹp nhất, hồn nhiên, vô tư và cũng là thơ mộng nhất; là lứa tuổi đang được bao bọc yêu thương bởi ông bà, cha mẹ, anh em, thầy cô và cả bè bạn để dần khám phá thế giới này, để dần lớn lên với những ước mơ diệu vợi, để hi vọng vào một tương lai tươi sáng. Có lẽ vì thế mà mỗi nhà văn, khi cầm bút dành tặng cho lứa tuổi này, những trang viết của mình đều không thể không gửi trong từng câu văn những tin yêu dành cho lứa tuổi hoa mộng. Phan Thị Thanh Nhàn cũng không ngoại lệ. Những câu chuyện dành cho lứa tuổi thiếu nhi luôn được bà kể lại với tất cả tin yêu, sự đồng cảm và trân trọng.

   Là một cây bút trưởng thành trong thời kỳ kháng chiến chống Mĩ, Phan Thị Thanh Nhàn ghi dấu ấn của mình vào làng văn chương Việt Nam với những vần thơ dành cho người lớn. Nhưng không dừng lại ở đó, ngòi bút của bà còn hướng đến lớp bạn đọc khác, đó là lứa tuổi thiếu nhi. Với tất cả sự tin yêu dành cho trẻ thơ, Phan Thị Thanh Nhàn đã dùng ngòi bút của mình vẽ lại bức tranh thế giới tuổi thơ một cách sinh động và chân thật nhất. Viết những trang văn dành cho tuổi hoa mộng cũng là một cách để Phan Thị Thanh Nhàn trải lòng về cảnh ngộ của chính mình vậy. Có lẽ càng khao khát tiếng cười trẻ thơ nên bà lại càng yêu mến trẻ, càng muốn dùng ngòi bút nhỏ bé của mình để dành tặng cho lứa tuổi ấy tất cả những tin yêu bằng tất cả khả năng văn chương mà mình có được. “Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn viết văn, làm thơ cho thiếu nhi bởi sự không may của số phận cô đơn thiếu vắng tiếng bi bô trẻ nhỏ trong căn nhà của chị. Nhà thơ đã tìm đến trang văn cho trẻ em như để giãi bày, như để tìm một sự chia sẻ ấm áp trong lành giữa cảnh đời còn nhiều nỗi khổ đau”1.

   Thế giới tuổi thơ trong truyện thiếu nhi của Phan Thị Thanh Nhàn thường là tuổi thơ của những mảnh đời dù còn nhiều khó khăn, sống trong bất hạnh, thiếu thốn về vật chất hoặc tinh thần, hoặc cả hai nhưng vẫn được nhìn dưới ánh mắt chan chứa yêu thương. Từ các câu chuyện về những đứa trẻ ở xóm đê đến những đứa bé ở ven thành phố, từ đứa trẻ mồ côi nghèo khó đến đứa bé sống trong cảnh bên cha thì không có mẹ, bên mẹ lại vắng cha bởi sự tan vỡ hạnh phúc gia đình, mỗi nhân vật là mỗi cảnh đời. Những câu chuyện đều xoay quanh chuyện sinh hoạt hàng ngày: vui chơi, học tập, thậm chí cả trong cuộc mưu sinh giúp cha mẹ của các em. Tất cả được soi chiếu từ nhiều góc nhìn về mọi mặt cuộc sống của lứa tuổi thần tiên thơ mộng, đáng yêu.

   Đầu tiên là trong Tuổi trăng rằm, thế giới của cô bé Việt Nga được bao bọc quá kỹ càng nhưng nhờ có những người bạn đáng yêu, hóm hỉnh mà thế giới của cô bé được mở rộng dần ra theo bước chân cô hòa nhập cùng với các bạn trong học tập và lao động.

   Việt Nga, cô bé dù đã học lớp 7 nhưng vẫn được người mẹ yêu con một cách mù quáng, bao bọc, chăm chút quá mức. Dù cô bé muốn dậy sớm, đã hẹn giờ cho đồng hồ báo thức nhưng người mẹ vẫn tìm cách để cô con gái yêu được ngủ thêm, không muốn con ra ngoài lao động cùng lớp vì sợ con lạnh. Bà pha sữa, đưa kề tận miệng ép con uống cho bằng được mới thôi. Quần áo của Nga có đủ màu và luôn được là thẳng nếp. Tóc Nga cắt ngắn kín đáo uốn hai lớp sóng, mấy sợi trước trán cũng được sấy qua. Vì sự chăm chút quá mức từ mẹ, Nga được anh Chiến - người anh cùng cha khác mẹ của cô bé gọi là “cô Hằng Nga ngủ trong nhung lụa” và bác Thường phán: “Công chúa mà lại”. Nhưng trái với Nga, Nụ bao giờ cũng mặc quần láng đen và áo nâu, đi dép cao su, mùa đông thêm chiếc áo bông sờn của người lớn đã chữa lại nhưng vẫn rộng. Đôi bạn dần xích lại gần nhau từ việc ganh đua nhau, giúp đỡ nhau rồi cảm thông, sẻ chia với nhau, giúp nhau cùng tiến bộ. Thế giới tuổi học trò của các em mở ra là những trò nghịch ngợm chỉ có thể là của lứa tuổi nhất quỷ nhì ma: là ai đó dùng mực xanh viết lên bàn học chỗ Nga bốn chữ “Giám đốc sở điệu”, rồi tiếp đó là những tiếng cười reo thích thú cùng với bao câu đùa; là trò nghịch ngợm của Tài khi Nga với Nụ theo sự phân công của cô giáo chủ nhiệm đến giúp cậu ta học bài; là sự thi đua giữa các tổ khi đang thu hoạch ngô cũng như những câu đùa tếu táo rất học trò của các bạn nhỏ:

   “Mỗi lần bẻ ngô đến ngang tầm với tổ của Nụ, Tài vỗ tay và cả năm đứa tổ của nó hét váng lên:

   Nụ tầm Xuân nở ra xanh lét,

   Em bét rồi có chết hay không!

   Thằng Thọ còn nghĩ ra một câu có đủ cả tên sáu đứa tổ Nụ để dài mồm ra nói trêu:

   - Các cậu ơi, mùa Xuân đi bẻ Nụ hoa Nhài về làm Nhân bánh xong lại Thoa một tí mỡ vào ăn ngon ê cả Lợi nhá.

   Bọn cái Nụ ức lắm, xúm nhau lại bàn bạc một lúc, rồi thằng Nhân to mồm nhất cũng chõ sang bên Tài làm một hơi:

   - Chúng tớ đã Tính rồi, mai đứa nào có Tài chịu khó ăn bậy một Tý thì Thọ phải biết nhá!

   Chỉ có thằng Đường là khổ nhất. Cuối buổi làm, khi tất cả ngô đã được bẻ hết và chuyển về kho, đi trên mặt đê đầy phân trâu bò và những đống rác, chốc chốc lại có đứa kêu ré lên:

   - Mặt Đường bẩn quá Đường ơi!”2

   Là sự hăng hái thi đua giữa các tổ, là mong muốn tổ mình về đích sớm hơn tổ bạn nên một kế hoạch táo bạo được đề xuất và cũng được cả tổ nhất trí. Đêm xuống, cả tổ của Tài cùng ra thu hoạch bắp. Cả nhóm say sưa làm việc dưới ánh trăng thượng tuần với sự khoái chí khi tưởng tượng vẻ mặt ngơ ngác của đám con gái vào sáng mai. Kết quả là ngơ ngác thật mà ngơ ngác nhất chính là Tài và những thành viên của tổ mình bởi đêm qua làm nhầm sang phần của tổ bạn mất rồi.

   Đến với Học trò lớp 9, không chỉ lứa tuổi học sinh yêu mến bởi tìm thấy mình trong đó mà ngay cả những người lớn cũng sẽ giật mình vì thấy lại ngày xưa của mình ở đấy. Đó là tình bạn với những trò nghịch rất học trò cùng với những rung động đầu đời của tuổi mới lớn. Tất cả được nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn kể lại bằng một thứ ngôn ngữ rất đỗi giản dị và hóm hỉnh. Tác giả như hóa thân vào thế giới hoa mộng để nhìn nhận, để cảm, để thấu hiểu, để thủ thỉ, tâm tình và sẻ chia về những khó khăn, rung động và cả ước mơ của tuổi nhỏ.

   Người đọc sẽ chẳng thể quên Thu “cà kheo” còn được gọi cái tên khác nữa là Thu “hoa hậu”, là con nhà giàu nhưng lại cô đơn vì mẹ bỏ Thu đi theo người đàn ông khác. Thu xinh đẹp, cá tính, thích làm đẹp, thông minh và bồng bột. Nghĩa “đen” hiền dịu, ít nói nhất, giản dị nhất và cũng học giỏi nhất lớp. Nghĩa chịu khó, thương em và hiếu thảo với cha mẹ. Vương “bốn mắt” hóm hỉnh, tự lập, học giỏi văn và có năng khiếu làm thám tử. Loan “tròn” nhanh nhẹn hoạt bát, có máu lãnh đạo, có tư chất của một vị thủ lĩnh, khéo léo lãnh đạo thần dân lớp 9/3 đoàn kết, học giỏi. Bốn người bạn với bốn tính cách khác nhau thế lại gặp nhau và trở nên thân thiết, qua từng biến cố, các em dần xích lại gần và thấu hiểu nhau hơn. Tác giả Phan Thị Thanh Nhàn đã khéo léo vẽ lại thế giới tuổi thần tiên của các em bằng nhiều bức tranh ngôn từ mà mỗi một bức tranh là một mẩu chuyện xoay quanh sinh hoạt của các em trong năm học cuối cấp. Người đọc không thể không xúc động trước những tâm sự, những nếp nghĩ chín dần với bao dự định về tương lai của các bạn trẻ. Suy nghĩ của các em thật đáng yêu, đáng trân trọng biết nhường nào. Vương ước mơ sẽ trở thành nhà văn như ông ngoại để không phụ sự kỳ vọng của ông đối với mình. Thu ước mơ trở thành ca sĩ với niềm tin “Diva ca hát với hoa hậu thì chưa nhưng tao tin tao có thể là ca sĩ loại… sao mờ, hoặc ít nhất cũng được chọn làm người mẫu thời trang như Minh Hạnh, Minh Hằng chẳng hạn. Dễ ợt mà”3. Loan lớp trưởng ước mơ làm giám đốc. Cô bé hào hứng vẽ lên hình ảnh mơ ước của bản thân mình trong tương lai bằng ngôn ngữ cho các bạn nghe:

   “Còn tao, nói thật nhé, mỗi lần đến khách sạn mà mẹ tao làm Giám đốc, tao mơ một ngày nào đó tao cũng có một phòng riêng với cái bàn to đặt tới ba chiếc điện thoại, máy tính nối mạng suốt đêm ngày (chứ không hạn chế như tao bây giờ), rồi đến cửa là có người đỡ áo khoác, ngồi vào bàn là có người mang cà phê nóng hổi đến, ho một cái là bao nhiêu người xúm lại hỏi “thưa cô có cần con chạy đi mua thuốc không ạ”, “có cần hoãn cuộc họp không ạ”. Ôi, oai vô cùng tận!”4.

   Riêng với Nghĩa, cô học trò giản dị cũng có ước mơ giản dị như tính cách vốn có của mình, chỉ mong sao mẹ cha đỡ vất vả và em trai được khỏe mạnh. Nghe ước mơ của bạn Vương thở dài: “Ước mơ của Nghĩa mới thực là ước mơ đẹp nhất đấy!”5. Thế mới biết, các em không hoàn toàn chỉ là những đứa trẻ vô lo vô nghĩ trong lúc vô tư, nghịch ngợm. Cùng suy nghĩ về “bức tranh” Tâm sự vụn, chúng ta - những người đọc - mới nhận ra các em đang lớn, những suy nghĩ của các em không chỉ hồn nhiên, đáng yêu mà còn rất sâu sắc.

   Nhưng đáng yêu nhất, thú vị nhất và cũng dễ chạm vào trái tim của bạn đọc nhất có lẽ là câu chuyện về bức thư tình của Cương viết cho Hoài bị cô giáo phát hiện. Đấy chính là bằng chứng của những rung động đầu đời mà gần như ai đi qua lứa tuổi học trò cũng một lần mắc phải:

   “Ấy ơi,

   Ấy có biết là tớ thích nhìn ấy, cả lúc vui lẫn lúc giận, lúc buồn như thế nào không. Ấy thật là xinh đẹp vô cùng, có thể nói là xinh nhất lớp, nhất trường. Tớ vẫn bị gọi là còm, nhưng vì ấy, tớ sẽ rèn luyện để cao thêm, để béo ra”6.

   Bức thư ngắn chỉ vài dòng nhưng chứa đựng suy nghĩ rất thật của người viết. Đó là những rung động đầu đời đối với người bạn khác giới, nó có thể chỉ là thích chứ chưa hẳn là yêu, nó là thứ tình cảm vụng dại nhưng trong sáng của tuổi hoa mộng. Khi viết những trang văn như thế dành cho lứa tuổi thần tiên, tác giả tỏ ra là một người biết đường đến với thế giới riêng của các em. Có lẽ vì thế mà bên cạnh những nhân vật nhỏ tuổi, Phan Thị Thanh Nhàn cũng xây dựng những nhân vật người lớn thấu hiểu các em, rất tâm lý, khéo léo trong cách giáo dục các em nên người như cô giáo Hà, cô giáo Ngân vậy.

   Đọc Đứa bé mất cha, một lần nữa chúng ta bắt gặp sự hiếu động, tinh nghịch của tuổi nhỏ, Hiên cùng các bạn rong chơi và trộm mía, ngô, dưa chuột với cà chua - một trò gần như không thể thiếu của những đứa trẻ nông thôn. Chứng kiến những chuyện vui, buồn trong gia đình mình, Hiên đều tìm đến bạn bè. Không phải ai khác mà chính là những người bạn đã góp phần giúp em vượt qua những cú sốc trước cuộc đời. Nhóm bạn của Hiên mỗi đứa một cảnh nhưng luôn biết cách chia sẻ, giãi bày để cùng thấu hiểu và nhắc nhở, bảo vệ nhau trước những cạm bẫy của cuộc đời.

   Đó còn là sự đồng cảm, xót xa của người đọc dành cho cô bé Thi khi bị bà bác dâu cay nghiệt đuổi ra khỏi nhà. Gấp sách lại nhưng chắc chắn câu chuyện chạy trốn của cô bé vẫn cứ làm day dứt người đọc. Chúng ta không khó để nhận ra thông điệp của cuốn sách: Tuổi thơ luôn ước mơ được sống trong một mái ấm gia đình, được yêu thương và che chở.

   Đến với Xóm đê ngày ấy, bạn đọc chắc chắn lại một lần nữa cảm nhận được sự ưu ái của tác giả dành cho lứa tuổi học trò, cũng như cảm nhận được tình bạn trong sáng giữa các em bé xóm nghèo. Có thể nói cảm hứng ngợi ca tình bạn của lứa tuổi học trò là sợi chỉ xuyên suốt những trang viết của Phan Thị Thanh Nhàn dành cho thiếu nhi. Qua những trang viết của bà, người đọc bắt gặp những câu chuyện cảm động về tình bạn. Những nhân vật trong truyện thiếu nhi của Phan Thị Thanh Nhàn không hề đơn độc mà luôn đồng hành cùng bạn bè. Các em luôn bên nhau, cùng tham gia những trò nghịch ngợm, cùng buồn cùng vui, cùng mơ ước để cùng trưởng thành. Để có những trang viết thấm đẫm tính nhân văn như vậy, chắc chắn hơn ai hết, Phan Thị Thanh Nhàn hiểu rõ nếu thiếu đi tình bạn trong sáng, vô tư thì tuổi hoa mộng sẽ không còn đáng quý và đáng nhớ nữa.

   Đọc những trang văn dành cho thiếu nhi của Phan Thị Thanh Nhàn, trẻ thơ như thấy chính mình, người lớn như lại được sống trong ký ức của một thời đã qua. Câu chuyện xoay quanh việc học tập, sinh hoạt thường ngày nhưng làm toát lên được vẻ đẹp hồn nhiên, nhí nhảnh của tuổi thơ các em. Đó là tuổi của những trò nghịch ngợm, khám phá bản thân và thế giới cũng như là tuổi của những khát vọng, ước mơ về một ngày mai tươi sáng. Khi xây dựng hệ thống nhân vật như thế, có lẽ Phan Thị Thanh Nhàn luôn mong muốn hướng người đọc đến với thế giới tươi đẹp nhất của tuổi thần tiên.

 

 

 

Tài liệu tham khảo:
1. Lã Thị Bắc Lý (2016), Văn học thiếu nhi Việt Nam thời kỳ hội nhập, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
2. Lã Thị Bắc Lý (2000), Giáo trình văn học trẻ em, NXB Đại học Sư phạm Hà Nội.
3. Nguyễn Đăng Mạnh (2002), Con đường đi vào thế giới nghệ thuật của nhà văn, NXB Giáo dục.
4. Phan Thị Thanh Nhàn (1983), Tuổi trăng rằm, NXB Kim Đồng.
5. Phan Thị Thanh Nhàn (2008), Học trò lớp 9, NXB Kim Đồng.
6. Phan Thị Thanh Nhàn (1985), Xóm đê ngày ấy, NXB Kim Đồng.
7. Phan Thị Thanh Nhàn, (2015), Bỏ trốn, NXB Kim Đồng.
8. Phan Thị Thanh Nhàn (1999), Đứa bé mất cha, NXB Kim Đồng.
9. Lê Phương Liên (2012), “Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn với thiếu nhi”, giaitri.vnexpress, 15/5/2012.

Chú thích:
1 Lê Phương Liên (2012), “Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn với thiếu nhi”, giaitri.vnexpress, 15/5/2012.
2 Phan Thị Thanh Nhàn (1983), Tuổi trăng rằm, NXB Kim Đồng, tr. 69-70.
3, 4, 5, 6 Phan Thị Thanh Nhàn (2008), Học trò lớp 9, NXB Kim Đồng, tr. 19, 19, 21, 39.

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận