LỊCH SỬ, KÝ ỨC VÀ THỰC TẠI TRONG TIỂU THUYẾT ''LỐC XOÁY'' CỦA VÕ MINH

Bài viết tìm hiểu, chỉ ra đặc điểm độc đáo của tiểu thuyết ''Lốc xoáy'' của Võ Minh: tác phẩm là một cuốn tiểu thuyết lịch sử với những ký ức buồn về những sai lầm, ấu trĩ diễn ra trong quá khứ, nhưng đồng thời quá khứ cũng được nhìn nhận trong sự tiếp nối với những ràng buộc và nhiều bài học bổ ích cho cuộc sống hiện tại.

   Nhìn ở một góc độ nào đấy, Lốc xoáy (NXB Phụ nữ Việt Nam, 2022) của Võ Minh có thể xem là một cuốn tiểu thuyết lịch sử. Hiện nay đang có những tranh luận chưa thống nhất về khái niệm tiểu thuyết lịch sử. Nhà nghiên cứu G. Lenobl (người Nga) đưa ra ba tiêu chí để xác định một tiểu thuyết lịch sử: “Một là có nhân vật và sự kiện lịch sử. Hai là nguyên tắc hay chủ nghĩa lịch sử, tức là cho thấy sự xung đột các thời đại, sự quá độ các giá trị. Ba là nội dung của tiểu thuyết phải là hiện thực đã qua, mà tác giả và người đọc không phải là người đương thời của hiện thực đó. Người đọc luôn cảm thấy có một sự khác thời”1. Còn trong chuyên luận Tiểu thuyết hiện đại, D. Brewster và J. Burell cho rằng: “Tiểu thuyết lịch sử có thể thoát thai từ ước ao của một tác giả muốn đào thoát khỏi hiện tại, đồng thời thỏa mãn ước ao tương tự của độc giả. Nhưng tiểu thuyết lịch sử còn nhiều tác dụng nữa. Nó có thể soi sáng những thời kỳ quá khứ con người đã trải qua, với những mục đích rõ ràng là gạn lọc những tình trạng tiến thoái lưỡng nan của hiện tại”2. Như vậy, tiểu thuyết lịch sử trước hết là sự chiêm nghiệm về “những thời kỳ quá khứ”, từ quá khứ mà rút ra những vấn đề cho cuộc sống hiện tại. Nhưng quá khứ trong tiểu thuyết lịch sử thường có độ lùi thời gian là bao nhiêu? Có người cho đó ít nhất phải là một thế hệ (khoảng 30 năm), có người cho là khoảng nửa thế kỷ3. Tác phẩm của Võ Minh viết về hiện thực trong khoảng thời gian từ cuộc cải cách ruộng đất đến những năm đầu đất nước đổi mới. Hai phần ba cuốn tiểu thuyết viết về “cơn lốc” cải cách ruộng đất và sau đó là công cuộc xây dựng nông thôn, thực hiện hợp tác hóa nông nghiệp và chống chiến tranh phá hoại của Mĩ ở Miền Bắc. Như vậy, những sự kiện chính được đề cập trong tiểu thuyết cũng đã có độ lùi trên dưới nửa thế kỷ, đủ cho những suy tư, chiêm nghiệm sâu sắc của nhà văn về quá khứ được bộc lộ.

   Nếu lịch sử không phải là tư liệu mà trước hết là “ký ức của con người” về thời đã qua (ý của J. Baik) thì Lốc xoáy của Võ Minh trước hết là ký ức buồn về một cuộc cách mạng “trời long đất lở” nhưng đã bị làm cho chệch hướng, để lại những thảm cảnh đau thương ở nhiều vùng quê, trong đó có xóm Lộc Thọ. Dưới bàn tay chỉ đạo của Đội trưởng cải cách Ngô Kiểm – một kẻ gốc gác nông dân, trình độ văn hóa thấp, lại được trang bị mớ lý luận lỗ mỗ về đấu tranh giai cấp – làng quê Lộc Thọ đang yên bình bỗng nhiên bị xáo động, bị đẩy vào cảnh nồi da xáo thịt với nhiều cái chết oan khiên, tức tưởi. Ngô Kiểm mù quáng vâng lệnh cấp trên, về Lộc Thọ “ba cùng” với nông dân, dựa vào những người nghèo kiết xác không tấc đất cắm dùi như Du “Him”, Xuân “Lắc”, Xoan “Trầu”, mụ Mận… để xâu “rễ”, “cành”, làm nòng cốt phát động phong trào đấu tố địa chủ với những thủ đoạn gian xảo, tàn bạo nhất. Bằng một vài món lợi vật chất cộng với kích động căm thù giai cấp – thực chất là kích động phần thú tính, tàn bạo của con người trỗi dậy – Ngô Kiểm (dưới sự chỉ đạo của ông Đoàn trưởng “máu lạnh”, “hám thành tích”, dừng xe đạp giữa đường kê yên xe “hoàn tất bốn bản án tử hình và các mức án khác có hiệu lực chỉ gói gọn độ mấy chục giây”) đã biến đám người ngu dốt, hèn kém, nhu nhược như Du “Him”, Xuân “Lắc”, Xoan “Trầu”, mụ Mận… thành những kẻ gian xảo, tàn ác như quỷ dữ, gieo bao oan ức, đau thương cho nhiều nông dân vô tội, trong đó có không ít người đã trực tiếp tham gia kháng chiến hoặc có nhiều công lao đóng góp cho kháng chiến. Máu đã đổ, tiếng súng oan nghiệt đã vang lên, tiếng khóc “oan trời dậy đất” đã xé nát làng quê yên bình Lộc Thọ trong phiên tòa đấu tố, xét xử, tử hình các địa chủ Toàn, Hàm, Mùi, Năm… diễn ra ở Cồn Ma. Và không chỉ có đổ máu, oan khiên, những mất mát về văn hóa, về tình làng nghĩa xóm, về quan hệ ứng xử giữa con người với con người – trong chiêm nghiệm và suy tư của Minh Quang cũng như của người kể chuyện – vẫn tiếp tục để lại những di hại dai dẳng về sau.

   Thực ra Lốc xoáy không phải là tiểu thuyết đầu tiên viết về đề tài cải cách ruộng đất. Trước đó, dưới những góc nhìn khác nhau, cách khai thác tư liệu khác nhau, đã có nhiều trang viết ấn tượng về cuộc cách mạng này trong Bến không chồng (Dương Hướng), Ba người khác (Tô Hoài), Thời của thánh thần (Hoàng Minh Tường) và gần đây là Gia đình (truyện phi hư cấu - Phan Thúy Hà)… Và chắc chắn các nhà văn sẽ còn viết tiếp như một nhu cầu, phương thức chiêm nghiệm về lịch sử, về những sai lầm trong quá khứ để rút ra những bài học cần thiết cho hiện tại. Võ Minh, trên đề tài về cải cách ruộng đất, đã có cách nhìn riêng, cách tiếp cận riêng của chính anh. Cách cấu trúc tiểu thuyết gồm 3 phần (Trời long đất lở, Ma quỷ cõi người, Luật đời nhân quả) và cách triển khai số phận nhân vật trong một quãng thời gian dài trên ba chục năm đã cho thấy Võ Minh quan tâm đến những hệ lụy, những di chứng về văn hóa, về nhân cách, về công tác cán bộ mà cuộc cách mạng “trời long đất lở” đã để lại ở nhiều năm về sau. Du “Him”, Xuân “Lắc”, Xoan “Trầu” nhờ thành phần lý lịch tốt lại được tiếp tục trao quyền lực để biến thành “ma quỷ cõi người”, tiếp tục lộng quyền, thủ đoạn, vơ vét của công, trù úm người không cùng phe cánh trong những chiến dịch bài trừ mê tín dị đoạn, đập phá đền chùa, xây dựng hợp tác xã… Và trong đám người đó, có những kẻ như Du “Him”, nhờ khôn khéo, nịnh bợ, ma mãnh đã từng bước leo lên những nấc thang quyền lực, từ cán bộ xóm, xã, rồi thành Chủ tịch huyện Đức An, Phó Chủ tịch tỉnh Tĩnh An, gây họa ngày càng lớn. Rõ ràng ẩn chứa trong những trang viết của Võ Minh là những trăn trở mang tính thời sự về đánh giá và đề bạt cán bộ, về đạo đức, phẩm chất của đội ngũ lãnh đạo các cấp, trước hết là cấp cơ sở.

   Một tiểu thuyết lịch sử đích thực không bao giờ chỉ viết về quá khứ. Nhà văn Nguyễn Quang Thân cho rằng: “Viết về lịch sử cũng là viết về hiện tại”. Còn nhà văn Hoàng Quốc Hải thì khẳng định: “Lịch sử luôn ăm ắp những bài học. Có điều chúng ta có tiếp thu và vận dụng hay không mà thôi”4. Võ Minh cũng nhìn lịch sử trong mối quan hệ ràng rịt với hiện tại. Những trang ở phần 3 (Luật đời nhân quả) vẫn nóng hổi tính thời sự, dù viết về những sự kiện của thời kỳ đầu đổi mới. Du “Him”, Xuân “Lắc” vẫn để lại di họa cho đời bằng thế hệ nối tiếp: con Du “Him” là thằng Lãng trở thành một doanh nhân bất lương, mượn mối quan hệ của bố để cấu kết với Bí thư Hoàng Kiền biến chất, tạo lợi ích nhóm, làm ăn chộp giật, phi lương. Hùng “Lỳ” (con trai Xuân “Lắc”) trở thành trùm băng đảng xã hội đen, bảo kê cho các doanh nghiệp sân sau, làm nhiễu loạn xã hội. Bàn tay của bọn bất lương còn câu kết và vươn xa tận Thành phố Hồ Chí Minh với màn kịch hôn nhân giữa Lãng và cô vợ Kiều Trinh, dưới vai trò đạo diễn tài tình của ông chủ họ Lý người Hoa. Rõ ràng Võ Minh tuy chưa mô tả thật sâu nhưng đã động chạm đến nhiều vấn đề nóng bỏng của nền kinh tế thị trường và mặt trái của nó, những hiểm họa của nó trong mối quan hệ phức tạp với đời sống xã hội, với bộ máy chính quyền và sự tha hóa nhân cách con người, trong đó có đội ngũ cán bộ của Đảng.

   Một điều rất đáng nói là Võ Minh viết về những trang đầy bi kịch, đau thương của lịch sử nhưng anh không có cái nhìn hằn học, xoi mói, cố tình khoét lại những vết thương cũ. Anh nhìn thấy những phần tốt đẹp của con người, những truyền thống văn hóa nghìn năm không thể nào bị tiêu diệt ở các làng quê Việt. Điều đó hiện hình trong suy nghĩ, trong cách ứng xử đầy tình người của ông bà Năm, Hoe Quýnh, Minh Quang… Lời của bà Nga nói với con trong những phút giây cùng cực nhất của cuộc đời cũng chính là niềm tin của người viết: “Các con hãy vững tin lên! Trời đêm đen, mưa gió bão bùng không thể kéo dài mãi mãi được đâu? Rồi đến lúc nó sẽ sáng. Cho nên ở trong hoàn cảnh khó khăn hay thuận lợi nào, các con cũng giữ vững niềm tin ấy. Chỗ dựa cho các con thoát khỏi nơi tối tăm cùng cực này, để đứng lên ngẩng cao đầu bay cao, bay xa là truyền thống gia tộc, tổ tiên, ông bà, cha mẹ nằm trong máu thịt, xương cốt các con đấy”5. Đành rằng trong Lốc xoáy, Võ Minh có mượn triết lý nhân quả “ác giả ác báo, thiện giả thiện lai” của nhà Phật để lý giải cho kết cục bi đát của nhiều nhân vật như: Du “Him” bị tai nạn giao thông; Xuân “Lắc” chết trong bệnh tật, cô đơn và hối hận; Xoan “Trầu” thánh chửi thì mất tiếng, “nằm ẹp ở nhà để chờ chết”; Lãng sạt nghiệp, bị đồng bọn bỏ rơi, đuổi khỏi nhà… Nhưng có luật trời mà cũng có “luật đời” khi đám người này vừa là thủ phạm vừa là nạn nhân đáng thương của hoàn cảnh, vừa là những kẻ gieo cái ác, đồng thời cũng bị chính cái ác làm cho thảm bại. Rõ ràng những bài học nhân sinh này không mới nhưng vẫn không hề cũ trong bối cảnh xã hội hôm nay.

   Lốc xoáy của Võ Minh từ khung cảnh một làng quê nhỏ bé là Lộc Thọ đã mở rộng dần không gian ra cả huyện Đức An, cả tỉnh Tĩnh An, với khá nhiều nhân vật rất khác nhau về tính cách, số phận, được tác giả khắc họa thành công như: Du “Him”, Xuân “Lắc”, Xoan “Trầu”, Lãng... Các nhân vật này vừa có tính hiện thực sinh động vừa có nét ngây ngô, cứng nhắc, buồn cười kiểu như Trạng Lợn dân gian hoặc Xuân Tóc Đỏ của Vũ Trọng Phụng. Tác giả cũng sáng tạo được nhiều chi tiết gây ấn tượng khó quên với độc giả: màn gặp gỡ, trò chuyện, giác ngộ của Ngô Kiểm với Xuân “Lắc” và mụ Mận; cảnh đấu tố địa chủ ở Cồn Ma; pha gạ tình đổi thóc giữa Xuân “Lắc” với Xoan “Trầu”; cảnh Xoan “trầu” chửi hàng xóm là Đạt… Nếu có điều đáng tiếc thì chính là tác giả chưa đầu tư thích đáng trong khắc họa nội tâm, chưa lý giải sâu sắc động cơ thầm kín thúc đẩy hành động của nhân vật. Chẳng hạn như nhân vật Hoàng Kiểm, người đọc chỉ thấy anh ta là con người cứng nhắc, máy móc, thậm chí ác độc nhưng không thật rõ nguyên nhân sâu xa vì sao anh ta lại nhanh chóng tha hóa đến thế trong một thời gian ngắn. Về ngôn ngữ trần thuật, mặt mạnh của tác giả là lời văn chân thật, giản dị, gần gũi đời sống nhưng đôi lúc còn thiếu đi sự linh hoạt, đa dạng.

   Tác giả Võ Minh là một cựu chiến binh, một thương binh nặng, đã từng đi qua những trận chiến khốc liệt ở Miền Đông Nam Bộ trong chiến tranh chống Mĩ. Trước Lốc xoáy, anh đã có nhiều cuốn sách được xuất bản như Có một thời như thế (Hồi ký, NXB Thanh Niên, tái bản lần thứ 8), Nghị quyết cây khế (NXB Hội Nhà văn). Lốc xoáy là một bước tiến mới trên con đường sáng tác của anh. Lốc xoáy của Võ Minh vừa là một cuốn tiểu thuyết mang màu sắc lịch sử vừa là cuốn tiểu thuyết thấm đẫm chất hiện sinh hiện đại. Từ những hiện thực, những cơn lốc trong quá khứ, Võ Minh đã góp phần khám phá, phân tích, luận giải về lịch sử, về văn hóa và con người ở tầng sâu và cả những mặt bí ẩn, khuất lấp của nó, từ đó muốn nhận chân sâu sắc các giá trị, các bài học của quá khứ để nối kết với thực tại hôm nay.

 

 

 

Chú thích:
1 G. Lenobl (1960), Lịch sử văn học, NXB Nhà văn Xô Viết, tr. 288.
2 D. Brewster & J. Burrell (1971), Tiểu thuyết hiện đại (Dương Thanh Bình dịch), Tủ sách Kim văn, tr. 197.
3 Trần Thị Nhật (2021), “Nhân vật anh hùng trong tiểu thuyết lịch sử Việt Nam sau năm 1975”, Luận án Tiến sĩ, Đại học Vinh, tr. 35.
4 Hoàng Quốc Hải, “Lịch sử ăm ắp những bài học”, http://daidoanket.vn/nha-van-hoang-quoc-hailich-su-am-ap-nhung-bai-hoc-548982.html, 26/01/2021.
5 Võ Minh (2022), Lốc xoáy, NXB Phụ nữ Việt Nam, tr. 265.

Bình luận

    Chưa có bình luận