Truyện thơ là một thể loại văn học quan trọng trong nền văn học của các dân tộc thiểu số Việt Nam. Theo tác giả Nguyễn Xuân Kính, “Truyện thơ các dân tộc thiểu số là một thể loại văn học dân gian thuộc loại hình tự sự, bao gồm những tác phẩm có hình thức văn vần, được kể, được hát, được ngâm, đọc (kể cả trước và sau khi đã được ghi chép), và thường có nội dung thể hiện thân phận con người và cuộc sống lứa đôi”1.Trong số đó, truyện thơ Tiễn dặn người yêu (Xống chụ xon xao) có những đóng góp quan trọng, làm phong phú thêm kho tàng văn học dân gian của dân tộc Thái nói riêng và văn học dân gian Việt Nam nói chung. Việc nghiên cứu tín ngưỡng dân gian, phong tục, tập quán trong truyện thơ Tiễn dặn người yêu không chỉ giúp làm sáng tỏ những khía cạnh văn hóa đặc trưng của người Thái mà còn góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc. Mặc dù đã có nhiều công trình khảo tả một cách hệ thống về các quan niệm, tập tục, tín ngưỡng của người Thái như Văn hoá học đại cương và cơ sở văn hoá Việt Nam (NXB Khoa học xã hội, 1996), Văn hoá và lịch sử người Thái ở Việt Nam (NXB Văn hoá dân tộc, 1998) và Người Thái ở Tây Bắc Việt Nam (NXB Khoa học xã hội, 1978), việc khám phá văn hóa Thái từ một tác phẩm văn học vẫn là một kênh quan trọng. Văn hóa hiện hữu trong văn học và văn học chính là tấm thổ cẩm được dệt bởi những sắc màu văn hóa.
Khám phá tín ngưỡng và phong tục trong truyện thơ Tiễn dặn người yêu với sự hỗ trợ của các khoa học liên ngành, chúng ta có thể hiểu rõ hơn các dạng thức sinh hoạt tinh thần được biểu hiện trong văn hóa tộc người. Những dạng thức này gắn bó chặt chẽ với đời sống văn học dân gian, phản ánh quan niệm về nhân sinh, tín ngưỡng, tôn giáo và phong tục tập quán thông qua các hành vi xã hội. Đã có nhà nghiên cứu phải thốt lên rằng, để hiểu được linh hồn của một dân tộc, cần “đi từ những chiếc nôi đến những nấm mồ”2. Tiễn dặn người yêu đã khắc sâu trong tâm hồn bao thế hệ người Thái, nhiều người không biết chữ nhưng lại thuộc lòng truyện thơ, đặc biệt là các cụ già trong bản làng. Khi những lời ca cất lên “chị hái rau quên bẵng hái rau, anh cày ruộng buông tay cày”. Công chép Tiễn dặn người yêu từng được trả công bằng cả một con trâu mộng. Ngày xưa, với đồng bào Thái, của hồi môn quý giá cha mẹ để lại cho con cái gồm hai bảo vật: khẩu súng săn và quyển sách, mà quyển sách quý giá nhất chính là Tiễn dặn người yêu. Trong thời kỳ kháng chiến, nhiều gia đình phải bỏ lại tài sản như nồi niêu, chăn đệm, trâu bò nhưng quyển sách Tiễn dặn người yêu - niềm kiêu hãnh của dân tộc Thái - thì sống theo người, chết theo người3. Điều đó chứng tỏ truyện thơ Tiễn dặn người yêu ẩn chứa nhiều giá trị và có sức hấp dẫn mê hoặc lòng người. Tiễn dặn người yêu ca ngợi mối tình trong trắng, thủy chung giữa “Anh yêu” và “Em yêu”. Hai người bạn gắn bó từ thuở ấu thơ và cùng nhau trải qua những khoảng trời xao xuyến. “Gặp nhau trên sàn hoa/ Tâm tình bên bếp lửa/ Chuyện nối chuyện mau qua/ Đêm tiếp đêm mặn mà...”. Nhưng tất cả chỉ là ảo mộng khi cha mẹ “Em yêu” chê “Anh yêu” nghèo và khước từ lễ vật của “Anh yêu”. Buộc họ phải chia tay nhau khi tình yêu đang nồng đượm và tiếng lòng tha thiết ngân rung. “Em yêu” đành gạt nước mắt về nhà chồng sau bao ngày tháng chờ đợi “Anh yêu” trở về. Trớ trêu thay, đúng vào ngày “Em yêu” phải về nhà chồng, “Anh yêu” mới có cơ hội quay về gặp lại “Em yêu”. Tiếc thay, hoàn cảnh lúc này không thể thay đổi. “Anh yêu” bất chấp hiểm nguy, băng mình đuổi theo “Em yêu” để cùng chia sẻ nỗi niềm tâm sự. Dù không lấy được nhau thời trẻ, họ hẹn sẽ “lấy nhau khi goá bụa về già”. Lời hẹn ấy đã trở thành hiện thực sau bao năm tháng gian truân, “Em yêu” và “Anh yêu” đã đoàn tụ dù trải qua bao đau khổ, dập vùi.
Truyện thơ Tiễn dặn người yêu không chỉ là một câu chuyện tình xúc động mà còn là bức tranh sống động về cuộc đời, được đan xen bởi những phong tục, tập quán và quan niệm về tình yêu, hôn nhân của cộng đồng người Thái. Dấu ấn văn hóa hiện diện sâu sắc trong cốt truyện, các sự kiện và mối quan hệ giữa các nhân vật với thiên nhiên, làng bản, cộng đồng. Việc khám phá phong tục, tập quán và tín ngưỡng trong Tiễn dặn người yêu giúp chúng ta hiểu rõ hơn về đời sống văn hóa của dân tộc Thái, đồng thời góp phần vào việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của các dân tộc Việt Nam.
Tín ngưỡng dân gian, được xem là “hình thức tôn giáo sơ khai”, là tập hợp những hành động và phương thức giao tiếp giữa con người với các lực lượng siêu nhiên, phổ biến trong các cộng đồng dân tộc. Tín ngưỡng này thể hiện khát vọng, sự tôn kính và niềm tin vào những nhân vật liên quan trực tiếp đến nhu cầu trần tục của con người, dù đó là những nhân vật có thực hay các thế lực siêu nhiên. Tín ngưỡng là một hình thái biểu thị đức tin của con người và cộng đồng ở một trình độ phát triển xã hội và nhận thức nhất định. Như tác giả Nguyễn Việt Hùng đã viết, “mọi hình thức tín ngưỡng sơ khai đều nảy sinh trong quá trình đấu tranh của con người với thiên nhiên”4. Dù không có tổ chức hệ thống chặt chẽ như tôn giáo, tín ngưỡng dân gian vẫn được lưu truyền và thực hành song hành với tôn giáo qua nhiều thế hệ. Nó không chỉ góp phần tạo nên các giá trị tinh thần và tâm linh mà còn củng cố bản sắc văn hóa và sức sống bền vững của các dân tộc. Ngày nay, nhiều tín ngưỡng dân gian vẫn được thực hành rộng rãi như tín ngưỡng phồn thực, thờ cúng tổ tiên, tín ngưỡng sùng bái tự nhiên và con người cũng như tín ngưỡng thờ thần, mỗi tín ngưỡng đều có các nghi lễ riêng, thường kết hợp trong các lễ hội truyền thống.
Trong lịch sử tộc người Thái, tín ngưỡng và tôn giáo mang nhiều nét đặc thù. Người Thái ở Việt Nam không theo Phật giáo mà tin và thờ cúng các lực lượng siêu nhiên (gọi là “phi”, thường được hiểu là “ma”). Họ tin rằng mỗi người đều có linh hồn tồn tại bên ngoài thể xác. Thể xác là con người, còn linh hồn là cái bóng. Dù có sự khác biệt về hình thức và mức độ tổ chức so với tôn giáo, tín ngưỡng vẫn mang tính cộng đồng, hướng thiện và có sức sống lâu dài. Trong Tiễn dặn người yêu, tín ngưỡng được thể hiện rõ qua khái niệm về vía và mệnh. Người Thái tin rằng linh hồn và số mệnh của con người có thể bị ảnh hưởng bởi các thế lực siêu nhiên. Vì vậy, khi các nhân vật trong truyện xa nhau, họ luôn gọi vía của nhau để nhắc nhở và duy trì mối liên kết. Họ có niềm tin lớn vào sự can thiệp của các thế lực siêu nhiên đối với cuộc đời và số phận mỗi cá nhân. Chính vì quan niệm có linh hồn cho nên trong tác phẩm có rất nhiều chi tiết: “Em yêu” gọi vía mình và không quên gọi vía “Anh yêu”. Nàng thấy lúc nào vía người yêu cũng bên cạnh mình. Nàng có thể lạc giữa rừng, sợ cô đơn lẻ bạn, sợ buồn đau nên nàng phải gọi vía. Còn vía chàng, nàng sợ phải lìa xa, nên khi nàng trở về cũng không quên cất lời gọi vía “Anh yêu”. Tin vào vía, tin vào số mệnh mà trong xã hội Thái trai gái yêu nhau nhưng họ luôn sợ mất nhau. Khi xa nhau họ luôn gửi vía cho nhau, đó cũng là lời nhắc nhở: “xin đừng quên nhau”. Khi nói đến tín ngưỡng, người Thái hay đề cập đến các khái niệm “Minh”, “Nen”và “Khớ” vừa biểu thị số mệnh vừa thể hiện con đường duyên kiếp lứa đôi. Quan niệm rằng “Then bày trời đặt” quyết định kiếp vợ chồng, còn tình yêu chỉ là “lẽ đời tạo ra” khiến cho tình yêu đôi lứa trong truyện thường gặp phải những trở ngại. Cũng vì quan niệm này mà trong Tiễn dặn người yêu, dù yêu nhau sâu đậm, “Anh yêu” và “Em yêu” phải chịu cảnh xa cách vì định mệnh và sự áp đặt của xã hội. Họ chỉ có thể tìm thấy hạnh phúc bên nhau khi đã “goá bụa về già”. Cũng từ quan niệm tâm linh này, người Thái có khái niệm “Chụ” để chỉ người yêu chưa thành hoặc không thành vợ chồng, không đi đến hôn nhân. Ca dao trữ tình Thái thường nhắc đến “Mười cái chua không bằng một chua của quả tai chua/ Mười Nen không thể bằng một Nen của người Chụ cũ” thể hiện nỗi tiếc nuối khi tình yêu không thể trọn vẹn. Những tục lệ như xem nhân duyên của trai gái trên sổ “Chong bang” hay nhờ bà Một thắp nến để khấn Then Chung, Then Bun, đều xuất phát từ niềm tin vào sự can thiệp của các thế lực siêu nhiên vào tình yêu và hôn nhân. Với tập quán suy nghĩ và cách ứng xử ấy mà nét đặc sắc trong kho tàng văn hoá Thái đã có được những câu hát yêu thương tình nghĩa như Tản chụ xống xương, Tản chụ xiết xương, Xống chụ xon xao ám ảnh lòng người. Những bài dân ca tâm tình ấy trở thành một nét đẹp riêng của tập quán dân tộc. Cũng với quan niệm mọi vật đều có linh hồn mà bà mẹ Thái trong Tiễn dặn người yêu đã mang áo của con yêu ra bói. “Anh yêu” cũng ngồi giữa đèo mà bói để tìm câu trả lời về một tình yêu mà “Anh yêu” đặt vào đó niềm hi vọng. Có thể nói tín ngưỡng tôn giáo diễn ra trong hiện thực, đã đi vào trong truyện thơ dân gian thông qua nghệ thuật truyện sâu sắc, tinh tế để rồi từ tác phẩm dân gian tín ngưỡng ấy lại trở về cuộc sống. Trong truyện thơ, vía được coi là trung gian giữa hồn trừu tượng và xác cụ thể. Người Thái cho rằng mỗi người có nhiều vía, trong đó vía đằng sau thường lạc và cần được gọi về. Mệnh, theo quan niệm của người Thái, là sợi dây số mệnh treo trên trời, không thể thay đổi. Những niềm tin này thể hiện sự gắn bó sâu sắc giữa con người và tín ngưỡng, khi họ tin rằng số mệnh và hạnh phúc đều được quyết định bởi các thế lực siêu nhiên. Trong truyện thơ Tiễn dặn người yêu có sự xuất hiện tín ngưỡng về vía nhiều lần: “Về nhà thôi vía hỡi/ Về với cây sào dang vắt khăn/ Vía anh yêu đừng nằm nơi gốc lau/ Đừng ngủ sau gốc sậy/ Hỡi vía anh yêu, về nhà theo nhau/ Vía em yêu hỡi”. Trong Tiễn dặn người yêu, thế giới tâm linh và lực lượng siêu nhiên đóng vai trò quan trọng, ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của cuộc sống người Thái. Điều này tạo nên một thái độ nhẫn nhịn, cam chịu trong cuộc sống khi họ không dám công khai đấu tranh cho hạnh phúc của mình, chỉ lặng lẽ gửi gắm vía cho nhau như một lời thề nguyện trong im lặng. Theo quan niệm xưa, người Thái tin rằng mỗi người sinh ra đều do Then tạo nên, số mệnh của họ được treo trên trời bằng một sợi dây hoặc móc. Nếu hai người có chung một số mệnh, họ sẽ lấy được nhau và hòa hợp đến già. Số mệnh của mỗi người trên mặt đất, từ may mắn đến rủi ro, đều do mệnh của họ treo trên mường trời quyết định trước. Số mệnh không thể thay đổi, chỉ khi chết thì mệnh mới dứt. Trong truyện, chàng trai muốn níu giữ cô gái nhưng không thành vì sự ngăn cản của cha mẹ. Họ yêu nhau nhưng cũng tin vào số mệnh. Sự phản kháng để tìm hạnh phúc trong truyện rất mờ nhạt. Theo quan niệm của người Thái và nhiều dân tộc khác, vía và mệnh của con người đều do Then quyết định: “Yêu nhau sợ Then không thương/ Then thương sợ trời cao không giúp”. Tín ngưỡng của người Thái là thờ Trời và Then. Then được hiểu là vua, chúa trên cõi trời. Theo quan niệm của người Thái, Then và Trời không có sự phân biệt, đều là lực lượng huyền bí, siêu nhiên với sức mạnh vô hạn. Niềm tin này khiến cô gái lo sợ rằng tình yêu của mình sẽ không được Then thương đến cuối cùng và nỗi lo của cô thấu đến trời xanh.
Bên cạnh tàn dư của các hình thái tín ngưỡng nguyên thuỷ, người Thái còn thờ thần sông, núi, suối, đặc biệt là thờ rừng. Rừng có vị trí vô cùng quan trọng trong đời sống của họ gắn với những truyền thuyết, giai thoại mang tính huyền bí. Cuộc sống của người Thái hoà quyện chặt chẽ với thực thể tự nhiên này đến mức mọi niềm vui, nỗi buồn, khổ đau hay hạnh phúc của họ đều tìm thấy sự an ủi và vỗ về từ rừng, như trong câu: “Em tới rừng ớt ngắt lá ớt ngồi chờ/ Tới rừng cà ngắt lá cà ngồi đợi/ Tới rừng lá ngón ngóng trông”. Ba khu rừng ở đây biểu tượng cho ba trạng thái tâm lý khác nhau của nhân vật Em yêu. Rừng đồng cảm với những lo âu, muộn phiền và sẻ chia cùng Anh yêu những bế tắc, bất lực trong cuộc sống. Trong tâm thức người Thái, rừng như trái tim của cộng đồng, thể hiện những quy ước, luật tục và giá trị văn hóa truyền thống, được tôn thờ và sùng kính như tổ tiên. Rừng không chỉ mang ý nghĩa nhân sinh sâu sắc mà còn biểu hiện khát vọng trường tồn của dân tộc. Sự thần thánh hóa rừng thể hiện thái độ trân trọng và bảo vệ, được cụ thể hóa qua các luật tục bất di bất dịch từ ngàn đời. Nếu quan sát toàn cảnh môi trường sinh thái miền Tây Bắc, với cư dân Thái làm chủ thể, ta sẽ thấy quê hương của người Thái là vùng núi non trùng điệp chạy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, với những đỉnh cao nổi tiếng như Phan Xi Păng, Yam Phình, Pu Luông và dãy Hoàng Liên Sơn. Đây chính là bức tường thành phía Đông của vùng Tây Bắc, nằm trên bờ phải của dòng sông Hồng - con sông mà người Thái gọi là Nặm Tao. Theo các nhà dân tộc học, con sông này đóng vai trò quan trọng trong lịch sử thiên di lập mường của người Thái vào Tây Bắc thế kỷ XI-XIV. Từ dòng Nặm Tao, người Thái tạt vào bên phải, chiếm đất Nghĩa Lộ làm bàn đạp, rồi tiến đến Điện Biên Phủ, giáp Lào. Đất này, theo tên Thái là Mường Then, tức Mường Trời, nơi trở thành cố đô của nhiều tù trưởng, như đã được nhắc đến trong truyện thơ. Mường Then là nơi gặp gỡ của đất trời. Tây Bắc, miền đất xa xôi, là miền đất của những “thiên tình sử” đã đi vào thơ văn với tất cả sự mộc mạc, lãng mạn, thơ mộng cùng với sự trầm hùng, dữ dội. Không gian rộng lớn nơi đây đã rèn giũa con người trong nếp sống tôn rừng, trọng đất, để rồi tin vào những lực lượng siêu nhiên như “trời cha, đất mẹ” đã gắn bó và che chở cho họ. Những người con miền núi sống giản đơn, nhẫn nại, chất phác mà kiêu hùng nơi núi rừng. Nét hồn nhiên, chất phác và có phần duy tâm ấy là đặc trưng nổi bật trong tính cách của họ. Có lẽ vì vậy mà họ đến với nhau bằng một niềm tin nhân ái, thuần phác và hồn hậu. Những con người mang nhịp đập tự nhiên, hơi thở tự do, biểu trưng cho sự sống của núi rừng và bản làng, đã nuôi dưỡng trong mình một tình yêu thủy chung, son sắt.
Người Thái luôn tin vào vạn vật hữu linh, điều này thể hiện rõ qua câu nói: “Nai sợ ngã, sợ chết/ Xin van người, người hỡi! Chim sợ ngã, sợ chết/ Xin van người, người hỡi!”. Họ tin rằng các loài vật đều biết nói và điều này được phản ánh qua cách ứng xử của chàng trai với thiên nhiên: anh tha mạng cho chúng. Tín ngưỡng này cũng xuất hiện trong các câu chuyện thơ với hình ảnh “ngựa bay”, tượng trưng cho niềm tin vào sự che chở trước thiên nhiên rộng lớn và bí ẩn. Trong văn hóa Thái, tín ngưỡng vạn vật hữu linh còn liên quan đến truyền thuyết và các biểu tượng tự nhiên, như việc treo hình ngựa có cánh trước mộ để đưa hồn người chết về trời, tương đồng với quan niệm “trần sao âm vậy” của nhiều dân tộc khác. Tín ngưỡng này cũng xuất hiện trong câu chuyện thơ: “Ngày về trời treo trên cổ ngựa bay/ Đàn bay lên thành một cánh bướm vàng”. Trong vô vàn loài vật, mỗi loài mang đến cho con người những điềm báo khác nhau, dẫn đến niềm tin của người Tháivào điềm lành và điềm dữ: “Anh thấy vợ chồng chim phượng đang ăn quả si/ Con đậu cành dưới chúi xuống ăn quả cành trên/ Con đậu cành trên chui lên ăn quả cành dưới”. Chim phượng, biểu tượng của sự cao quý, khi có hành động lạ như vậy thì lại được xem là điềm xấu, như một dấu hiệu báo trước biến cố. Sau này, khi chàng trai trở về, anh mới biết người yêu đã đi lấy chồng. Sinh ra từ “văn hoá thung lũng”, nền văn hóa trồng lúa nước, dân tộc Thái đã phát triển đầy đủ kỹ thuật thủ công để biến thóc thành gạo. Ban đầu, họ chưa biết dùng cối xay mà chỉ giã bằng tay, hình ảnh này đã được lưu truyền trong huyền thoại: “Xưa trời đất mới sinh ra nằm kề xếp thành tầng như kiểu gác của nhà sàn với mặt đất, người đời mới có câu: “Thuở ấy, giã gạo thì vướng chầy”. Trong truyện thơ Tiễn dặn người yêu, những đôi lứa xa nhau nhắn nhủ: “Nếu chín sẽ quên và mười cũng sẽ quên/ Thì em hãy đợi đến khi nào chim chào mào biết giã gạo chầy tay”.
Hệ sinh thái thung lũng đã tạo điều kiện cho người Thái phát triển một nền kinh tế phức hợp với nhiều yếu tố còn in đậm trong các lễ thức nông nghiệp, được phản ánh qua truyện kể, truyện thơ, ca dao dân ca. Tín ngưỡng với nước là đặc điểm chung của các tộc người làm nông nghiệp và với người Thái, tâm thức này được cụ thể hóa qua hình tượng thần nước dưới dạng thuồng luồng. Truyện thơ Khun Tính, Khun Tấng có thể coi là một ví dụ điển hình cho tâm thức tín ngưỡng này. Người Thái không chỉ xem nước mà còn coi rừng là yếu tố thiêng liêng trong đời sống của họ. Rừng bạt ngàn là nơi họ hái rau, lấy thuốc chữa bệnh, săn bắn và khi mùa màng thất bát, rừng trở thành vị cứu tinh nhân từ và hào phóng. Rừng Tây Bắc vừa khúc khuỷu, hiểm trở, “heo hút cồn mây” vừa mĩ lệ và thơ mộng. Thú dữ, chim muông và cây cối nơi đây không chỉ tạo nên bức tranh sinh thái đa dạng mà còn in đậm dấu ấn trong đời sống tinh thần của người Thái. Mỗi cá nhân Thái đều kính trọng rừng, không chỉ vì tin vào ma thiêng mà còn vì rừng là nguồn sống thiết yếu. Luật tục Thái có hàng chục quy định về việc khai thác rừng và săn bắn thú và ngay cả các dân tộc khác như H'mông, Khơ Mú, Kháng và Dao cũng tự nguyện tuân theo những quy tắc này. Chính nhờ những luật tục này mà hệ động thực vật phong phú của rừng vẫn được bảo vệ và duy trì. Người Thái coi hệ sinh thái như một người bạn đồng hành trong cuộc sống. Là một dân tộc nông nghiệp, đời sống của họ gắn liền với cây trồng và động vật. Điều này lý giải tại sao họ còn có tín ngưỡng thờ thần Cây Hoa. Vào dịp năm mới, hoặc khi chúc tụng thần linh, trừ tà, chữa bệnh, người Thái tiến hành nghi lễ xung quanh một cây hoa, mọi người nhảy múa xung quanh đó. Đây là sự cộng cảm giữa con người và thiên nhiên. Sự hòa đồng ấy hiện diện trong các loài hoa: hoa Khẳm, hoa Áy, hoa Pông Pi… cùng các loài chim, ve và động vật, tất cả đều xuất hiện trong lời thơ của Tiễn dặn người yêu thể hiện một nét đẹp riêng của vùng văn hóa Tây Bắc “bài ca nào cũng có hình ảnh của thiên nhiên và cho thấy thiên nhiên nằm trong sự sống của loài người”5. Địa lý tự nhiên không chỉ là môi trường sinh thái mà còn ảnh hưởng đến phong tục, tập quán, trang phục, và tính cách của con người, tạo nên quan niệm thẩm mĩ riêng. Những hàng cúc bạc lấp lánh trên trang phục phụ nữ Thái, hay chiếc khăn piêu sặc sỡ trên đầu các cô gái Thái, đều khẳng định sự hiện diện nổi bật của con người giữa thiên nhiên. Những sản phẩm trang phục ấy được tạo ra từ đôi bàn tay khéo léo, tinh tế của những cô gái Thái cần cù. Địa lý tự nhiên của vùng đất này cũng đã hình thành nên những nét tính cách đáng quý: chân thật, giản dị, thuận hòa, chung thủy. Tính cách của một người phụ nữ “sống chết với tình” và một mối tình son sắt, thủy chung như của “Em yêu” và “Anh yêu” trong Tiễn dặn người yêu cũng có cội nguồn từ vùng địa lý này: “Không lấy được nhau mùa hạ ta sẽ lấy nhau mùa đông/ Không lấy được nhau thời trẻ ta lấy nhau khi goá bụa về già/ Goá hai lần, goá ba lần/ Goá cổ cao lên mấy ngấn/ Goá vẫn tươi giòn đỏ đắn/ Goá đẹp hơn hồi con gái trắng ngần/ Goá đẫy đà hơn thiếu nữ đang xuân”. Dù đã góa nhưng tấm lòng chung thủy của cô gái vẫn vẹn nguyên, tươi tắn như nỗi nhớ về “Anh yêu”. Cái đẹp trong tình người - tình yêu ấy được thanh lọc và hấp thụ từ dòng sông Nặm Tao trong trẻo, từ những ngọn nước đầu nguồn thanh khiết, từ sắc xanh thẳm của rừng núi Tây Bắc. Tình yêu của “Anh yêu” và “Em yêu” cũng vậy, trắng ngần như hoa ban giữa nắng xuân. Nó nguyên sơ, thơ mộng như rừng và đẹp lấp lánh như con suối êm trời và cũng huyền bí như chính khu rừng nơi tình yêu ấy được nuôi dưỡng.
Phong tục là “thói quen đã ăn sâu vào đời sống xã hội, được mọi người công nhận và làm theo”6. Phong tục có thể thay đổi theo thời gian để phù hợp với sự phát triển của xã hội. Chúng bao gồm các quy trình liên quan đến các giai đoạn quan trọng trong cuộc đời như sinh đẻ, cưới hỏi, tang ma, cũng như các hoạt động theo mùa. Phong tục là một phần của văn hóa, đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành truyền thống và ảnh hưởng đến hành vi của cá nhân trong cộng đồng. Những phong tục không còn phù hợp sẽ bị thay thế bởi những phong tục mới. Truyện thơ Tiễn dặn người yêu phản ánh sâu sắc các phong tục và tập quán của dân tộc Thái, đặc biệt là phong tục liên quan đến tình yêu, hôn nhân và nghi lễ cưới xin. Người Thái rất coi trọng nghi lễ cưới hỏi và tục làm dâu, làm rể, thể hiện qua câu thơ: “Cá to đưa mẹ thái ướp chua/ Cá nhỏ sấy khô xát muối/ Cá dàn trên đã đủ, thừa đủ”. Phong tục cưới hỏi của người Thái đặc biệt chú trọng đến sính lễ, với yêu cầu cụ thể về số lượng và cách chuẩn bị. Sính lễ không chỉ bao gồm trầu cau mà còn có cá, biểu tượng của tài năng và phẩm chất của chàng trai, giúp gia đình nhà gái đánh giá chàng rể tương lai. Quá trình cưới hỏi thường diễn ra qua ba giai đoạn: dạm ngõ, ăn hỏi và xin ở rể, mỗi giai đoạn đều đòi hỏi các nghi lễ và sính lễ cụ thể, tạo nên nghi thức mang đậm tính văn hóa và xã hội.
Có giả thuyết cho rằng Tiễn dặn người yêu ra đời vào thời kỳ có sự phân hóa giàu nghèo rõ rệt trong lịch sử dân tộc Thái. Điều này được phản ánh qua những mô tả về sự giàu sang: “Còn bạc nén sờ đâu cũng thấy/ Bao nhiêu gỗ đều dát bạc/ Bấy nhiêu lạt đều vót trơn”. Suy nghĩ nung nấu của “Anh yêu” về việc đi buôn làm giàu để “bắc cân mua lại” người yêu thể hiện rõ sự trái ngang, khổ đau trong bối cảnh xã hội Thái thời bấy giờ. Người Thái sống quần cư theo mô hình bản mường, cuộc sống định cư gắn kết đã tạo nên những đặc tính riêng, biến cả bản, mường thành một khối chặt chẽ với quan hệ gia đình và xã hội đặc trưng. Mặc dù có sự phân biệt rõ rệt giữa nam và nữ, người Thái vẫn rất tôn trọng phụ nữ, quý con gái và coi trọng tục ở rể. Tính cách của người Thái vì thế cũng rất đặc trưng: chân thành, mến khách, cần cù, thật thà, sống hòa thuận, khiêm nhường và nhân hậu.
Tục ở rể của người Thái là một phong tục đặc sắc, yêu cầu chàng trai phải thực hiện nhiều công việc như làm ruộng, đánh cá và đi săn trong thời gian ở rể. Nếu nhà gái hài lòng, chàng trai mới được đón dâu về nhà. Truyện thơ mô tả bi kịch tình yêu khi một chàng trai không được chấp nhận ở rể, dẫn đến sự chia ly đau đớn. Để lấy vợ, con trai Thái phải trải qua ba lần mang lễ sang nhà gái. Lần thứ nhất, gọi là dạm ngõ, phải có món cá chua, thể hiện sự khéo léo, tài giỏi của chàng trai. Nhà dân thường cần chuẩn bị từ 12 ống, 12 sọt cá chua trở lên, trong khi nhà quan yêu cầu từ 120 ống, 120 sọt trở lên. Món cá chua là minh chứng cho tài năng của chàng rể, qua đó nhà gái có thể đánh giá được anh có phải là “cái cây to”, là “thân gỗ chắc” cho con gái mình hay không. Lần thứ hai, được gọi là lễ ăn hỏi, sính lễ chủ yếu là trầu cau: “Gói trầu nhỏ anh mang tới gửi/ Gói cau con tới dặm/ Dây trầu không xin được cuốn leo/ Gói cau lên quản trước tưng bừng”. Lần thứ ba, chàng trai mang sính lễ đến xin ở rể: “Anh lạy cha em bốn lạy/ Nộp mẹ em bốn lễ/ Xin làm gà gô, cun cút cổ trơn/ Làm rể quý, rể yêu nằm quản”. Tục ở rể của người Thái từ xưa đến nay vẫn duy trì những nét độc đáo, yêu cầu chàng trai thực hiện ít nhất ba công việc: làm ruộng, đánh cá và đi săn. Hết hạn ở rể, nếu nhà gái đồng ý, chàng trai mới được đón dâu về nhà chồng. Trong câu chuyện, chàng trai đầu tiên không được cha mẹ cô gái chấp thuận: “Cha em trên giường cao không đáp/ Mẹ em nơi giường thấp làm thinh/ Quay về với họ nội, họ ngoại/ Quay về nhà cũ, đi đi!”. Từ đó, bi kịch tình yêu của hai người không thể đến được với nhau. Ngược lại, chàng rể thứ hai lại được cha mẹ cô gái vừa ý vì sính lễ hậu hĩnh: “Người lạy cha em bốn lạy/ Lễ mẹ cha em vô hồi/... Cha em ngồi giường trên ưng ý/ Mẹ em nơi giường dưới đáp lời”. Cha mẹ cô gái vui mừng nhận sính lễ, trong khi cô gái thì buồn tủi. Cô tính rằng sẽ để mặc cho người kia ở rể, chờ vài năm nữa khi người yêu làm giàu trở về sẽ đuổi người kia đi, bởi lúc đó chưa làm lễ chung chăn gối, chỉ cần trả công là xong. Suy nghĩ này cho thấy hôn nhân của người Thái có phần tự do; tục ở rể là thời gian thử thách và nhà gái có quyền lựa chọn. Nhưng cô gái mỏi mắt trông chờ, càng chờ càng biệt tích: “Năm tiếp năm, năm trôi/ Tháng tiếp tháng, tháng hết”. Chàng rể kia đã hết hạn ở rể ngoài, được cha mẹ cho phép làm rể trong, cùng cô gái chung chăn chung gối nhưng “Anh yêu” vẫn chưa về. Sáu, bảy năm chờ đợi nữa trôi qua, người rể kia đã đủ hạn ở rể và cô phải theo về nhà chồng. Cô cố trì hoãn ngày cưới, viện cớ tháng này kiêng, tháng kia chưa tốt. Nhưng một năm chỉ có mười hai tháng và đến tháng cuối cùng, cô đành phải bước đi. Cô lấy chồng vào tháng Chạp, được bố mẹ chồng đón tiếp một cách mừng rỡ, quý trọng đặc biệt. Theo tục lệ của người Thái, các bậc cao niên chỉ ngừng tay khi có khách quý đến nhà: “Bố chồng ngừng đan chài đón cháu/ Mẹ chồng buông tay cửi đón dâu/ Em biết lấy lời đâu chối nữa!”. Đúng lúc ấy, người yêu đi buôn trở về. Cuộc tình lỡ dở, cuộc tiễn đưa người yêu đầy đau đớn và tiếc nuối. Cô gái phải sống bên nhà chồng nhưng chẳng được cha mẹ chồng yêu quý như lời cha mẹ đẻ đã nói mà bị chê bai, hắt hủi. May mắn thay, vì chưa đủ tiền dẫn cưới nên nhà chồng không có toàn quyền quyết định số phận của nàng, chỉ có thể đưa nàng trở về nhà: “Người chưa đủ nhẫn, vòng, bạc trắng mua em/ Chưa đủ vải năm trăm đổi đứt giá người”. Tục cưới xin mở ra cơ hội cho các chàng trai và cô gái tìm được tình yêu thực sự, nhưng cũng là thách thức đối với họ.
Theo tục lệ, phụ nữ Thái sau khi có một đời chồng sẽ đắt giá hơn lần cưới đầu tiên. Tuy nhiên, trong lần thứ hai, cô gái bị ép gả cho một nhà quan và phải chịu cảnh rẻ rúng, cực khổ hơn lần trước. Lần này, cô không được trả về nhà mà bị mang ra chợ rao bán. Quan niệm cho rằng đã thành vợ thì người chồng có quyền quyết định tất cả khiến người phụ nữ không còn lựa chọn nào khác. Con trai ở rể phải tuân thủ các phong tục nghiêm ngặt, khi người con dâu về nhà chồng cũng phải thực hiện các nghi lễ cần thiết: “Tiễn bạn tình ta ơi!/ Tiễn người yêu, ta hỡi! Tiễn bạn tình lên nhà chú”. Phong tục của người Thái quy định rằng phụ nữ đã qua một đời chồng có thể được cưới về nhà ngay và chồng sau không cần phải đi ở rể nếu chồng trước đã đủ hạn. Tuy nhiên, người thiếu phụ, trong lần cưới thứ hai, phải đi lạy khắp họ hàng nhà chồng để nhận lời chúc và đồ mừng. Cuộc lễ ra mắt này có khi kéo dài hàng tháng, đặc biệt với các dòng họ giàu có và đông người. Phong tục này thể hiện phép tắc và văn hóa ứng xử trong gia đình người Thái, tuy nhiên, cũng mất thời gian và rườm rà. Không chỉ vậy, phong tục người Thái còn có nhiều quy định khắt khe đối với dâu mới và rể mới: “Bởi sàn sau có nhà bác/ Đầu quản có ông anh/ Giường cao có bố chồng ngồi/ Trái phép người lấy gì mà xin/ Phạm luật người, lấy gì mà đền”. Con dâu hay con rể phạm phải điều kiêng kỵ hoặc vi phạm phong tục, tập quán của nhà chồng hoặc nhà vợ sẽ phải soạn lễ cúng để xin lỗi và đền tội. Lễ cúng to hay nhỏ tùy thuộc vào cha mẹ và mức độ tội lỗi. Trong truyện, người yêu dặn dò cô gái phải giữ gìn đúng phong tục để tránh bị phạt, nhưng điều quan trọng hơn là trái tim phải luôn nhớ về tình cũ: “Lòng ta thương nhau trăm lớp nghìn trùng/ Bền chắc như vàng, như đá/ Yêu nhau, yêu trọn đời gỗ cứng/ Yêu nhau, yêu trọn kiếp đến già”. Khi đã đón được dâu về nhà, nhà chồng hoàn toàn có quyền tự quyết đối với người phụ nữ, dẫn đến tục bán vợ nếu không còn muốn giữ lại: “Bán em nghìn lần không đắt/ Bán em chín chợ không trôi/ Một cuộn dong đổi lấy người/ Đổi em cho bạn tình cũ”. Cuộc đời cô gái trôi nổi theo những phong tục hôn nhân của cộng đồng. Cuối cùng, như một định mệnh, cô gái lại được trở về bên người tình cũ. Đây là điểm nhấn cuối cùng của câu chuyện. Đôi bạn tình nhận ra nhau và sau khi tiễn người vợ về nhà mẹ đẻ, “Anh yêu” đã cưới “Em yêu” làm vợ. Phần kết của câu chuyện có phần gượng ép nhưng cũng đã thể hiện được “khát vọng dân chủ mãnh liệt của nhân dân, thể hiện ở cuộc đấu tranh cho một cuộc sống hạnh phúc, chống lại những tục lệ lề thói khắc nghiệt, bóp nghẹt quyền tự do yêu đương”7.
Không phải ngẫu nhiên mà vùng đất Tây Bắc, nơi núi cao trập trùng, trắng trời hoa ban, lại trở thành chiếc nôi văn hóa của tộc người Thái, xứ sở của điệu xòe tình tứ đắm say, miền đất kết tinh sự dịu ngọt của tình người để khai sinh những câu hát tâm tình tiễn thương và một thiên tình sử đầy ấn tượng như Tiễn dặn người yêu. Dù văn hóa không thể chia ranh giới như các vùng lãnh thổ hành chính, vẫn cần nhắc đến một miền đất cụ thể nơi con người cư trú, lao động và sáng tạo. Thực tế cho thấy, trong quá trình thích ứng với môi trường tự nhiên, thể chất và tinh thần của các cộng đồng dân tộc phát triển và củng cố theo một hướng nhất định. Văn hóa, trước hết, là sản phẩm của quá trình biến cải tự nhiên và ngay cả tâm lý con người cũng chịu ảnh hưởng sâu sắc từ môi trường địa lý tự nhiên. Sự ảnh hưởng này mạnh mẽ đến mức tạo nên mối gắn kết ngẫu nhiên giữa con người và khung cảnh, khiến khung cảnh như có hồn, mang trong mình dấu ấn của con người.
Nhiều nhà nghiên cứu đã sử dụng thuật ngữ “vùng văn hóa” để chỉ những nơi tạo ra văn hóa đặc thù cho một tộc người. Điều này khẳng định rằng hoàn cảnh địa lý tự nhiên không phải là yếu tố duy nhất và quyết định hoàn toàn đến sắc thái văn hóa, nhưng rõ ràng nó tham gia vào việc hình thành những nét văn hóa đặc thù. Người Thái là một trong những dân tộc lớn, có nhiều biến động lịch sử và đã đóng góp quan trọng cho sự phát triển toàn diện của văn hoá Việt Nam. Bức tranh phong tục, tập quán, từ nếp sống, lễ nghi đến cách ứng xử của người Thái đã được tái hiện sinh động qua lời các nhân vật trong Tiễn dặn người yêu. Những tập tục này đã khắc sâu vào đời sống, trở thành thử thách trong cuộc đời của những chàng trai, cô gái Thái. Việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống không chỉ giữ gìn bản sắc của dân tộc Thái mà còn góp phần quan trọng trong việc duy trì và truyền lại dòng sinh mệnh văn hoá tộc người qua mọi thời đại. Tiễn dặn người yêu xứng đáng là một trong những truyện thơ xuất sắc nhất của dân tộc Thái.
Chú thích:
1 Nguyễn Xuân Kính (2014), Truyện thơ các dân tộc thiểu số Việt Nam, quyển 1, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam - NXB Khoa học xã hội, tr. 85.
2 Phạm Bích Hợp (1993), Tâm lý dân tộc tính cách và bản sắc, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 143.
3 Ngô Thị Thanh Quý (2014), Thi pháp truyện thơ Tiễn dặn người yêu, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 8.
4 Nguyễn Việt Hùng (2014), Từ điển văn học dân gian, NXB Văn hoá Thông tin, tr. 263.
5 Trần Mạnh Tiến (2020), Văn học dân gian miền núi phía Bắc - Từ góc nhìn phê bình sinh thái, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, tr. 41.
6 Hoàng Phê (1997), Từ điển tiếng Việt, NXB Đà Nẵng, tr. 756.
7 Võ Quang Nhơn (2018), Văn học dân gian các dân tộc ít người ở Việt Nam, NXB Hội Nhà văn, tr. 555.