VẬN DỤNG NGUYÊN LÝ THỊ GIÁC HỘI HỌA VÀ THIẾT KẾ VÀO PHÂN TÍCH VẺ ĐẸP CỦA BỨC RÈM ĐÁ Ở DINH ĐỘC LẬP TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Bài viết chỉ ra mối liên hệ giữa nguyên lý thị giác của hội họa và thiết kế với kiến trúc; vận dụng nguyên lý thị giác hội họa và thiết kế vào phân tích vẻ đẹp của bức rèm đá ở Dinh Độc Lập nhằm tìm ra mối liên hệ giữa nghệ thuật tạo hình với kiến trúc. Từ đó tạo ra góc nhìn mới cho việc phân tích và tìm hiểu vẻ đẹp của các thành phần trang trí ở nhiều kiến trúc khác trong tương lai.

 

   1. Mối liên hệ giữa nguyên lý thị giác của hội họa và thiết kế với kiến trúc

   1.1. Nguyên lý thị giác của hội họa và thiết kế

   Ngôn ngữ trong hội họa và thiết kế bao gồm các thành phần và nguyên lý, hay còn được gọi theo cách phổ thông hơn là “Nguyên lý thị giác trong hội họa và thiết kế”, đóng vai trò là thước đo tiêu chuẩn để phân tích tính thẩm mĩ các tác phẩm nghệ thuật, các thiết kế để họa sĩ và nhà thiết kế sử dụng nguyên lý thị giác trong hội họa và thiết kế như sự đo lường tính thẩm mĩ trong công việc sáng tạo của họ. Các thành phần và nguyên lý trong nguyên lý thị giác của hội họa và thiết kế được đề cập trong chương trình giảng dạy tại Trường Bauhaus bởi nhà giáo Johannes Itten, trong học phần kiến thức cơ bản như sau: “Nguyên lý thị giác không chỉ dẫn đường cho thiết kế để sáng tạo ra các sản phẩm kinh doanh trên thị trường mà nó còn là thành phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Nguyên lý thị giác cần thiết đối với tất cả mọi người trong xã hội văn minh”1. Nguyên lý của hội họa và thiết kế được tóm tắt trong Bảng 1 dưới đây:

Nguyên lý của hội họa và thiết kế
Sự cân bằng (Balance): đến từ nhận thức trọng lực của thị giác thông qua cảm giác về sắc độ và màu sắc.
Tỉ lệ (Propotion): là sự so sánh tỉ lệ của con người với các đối tượng xung quanh, phổ biến nhất và sự khác biệt tỉ lệ giữa con người và kiến trúc dễ nhận thấy nhất.
Sự tương phản (Contrast): kêu gọi được sự chú ý của người xem bởi sự khác biệt giữa bố cục tổng thể và các đối tượng riêng lẻ trong một khung cảnh được xác định từ trước.
Sự lặp lại (Repetition): các đối tượng được sắp xếp lặp lại trong cùng một bố cục.
Tính nhịp điệu (Rhythm): tính lý nhịp điệu và lặp lại thường đồng hành cùng nhau để tạo ra các tiết tấu cho hình ảnh. Tính nhịp điệu thường gặp: nguyên tắc, bất nguyên tắc, tăng tiến, ngẫu hứng, dòng chảy hoặc sự nhấp nhô, lượn sóng.
Hoa văn (Pattern): mẫu hoa văn nền là sự lặp lại của các yếu tố tự nhiên xung quanh, nó nhấn mạnh vào sự lặp lại và kết hợp nhiều yếu tố trong một khung hình.
Sự chuyển động (Movement): là sự chuyển động của mắt trên tổng thể bố cục như tranh vẽ hay công trình kiến trúc.
Sự nhấn mạnh (Emphasize): là một đối tượng nhận được sự chú ý nhiều hơn so với các yếu tố xung quanh. Nguyên lý nhấn mạnh có các dạng sau: dị thường, tách biệt, tỉ lệ, vị trí, hội tụ.
Sự đồng nhất (Unity): là tập hợp tất cả các yếu tố tương tự nhau và đặt thành một tập hợp có những nét tương đồng: các thành tố gần nhau, tương tự nhau về hình dạng và kích thước, yếu tố lặp lại, vị trí, sự kết nối của thị giác.
Sự đa dạng (Variety): đặt nhiều đối tượng khác biệt cạnh nhau sẽ tạo được sự thú vị cho thị giác người xem. Sự đa dạng được thể hiện dưới các hình thức sau: vị trí, sự bất tương đồng, yếu tố khác thường, tương phản.

Bảng 1: Nguyên lý hội hoạ và thiết kế2.

   1.2. Ngôn ngữ tạo hình của kiến trúc

   Kiến trúc không giống các ngành nghệ thuật tạo hình khác ở phương diện về ngôn ngữ kiến trúc bởi những đặc tính gắn liền với xây dựng. Đối với kiến trúc, ranh giới giữa kỹ thuật xây dựng và tính thẩm mĩ cần gắn kết chặt chẽ với nhau, nội dung tư tưởng và mĩ cảm của kiến trúc cần có tác động tích cực đối với con người. Kiến trúc không đơn thuần là một tác phẩm nghệ thuật dùng để ngắm nhìn, nó cần có mục đích sử dụng cụ thể. Tính thực dụng kết hợp với kỹ thuật xây dựng là tính căn bản của kiến trúc. Vì vậy, mĩ quan của kiến trúc là tổ hợp của “thực dụng, bền vững và thẩm mĩ”, tính mĩ cảm của thời đại3.

   Nếu loại hình nghệ thuật như hội hoạ và thiết kế đặt yêu cầu về thẩm mĩ ưu tiên trước nhất thì kiến trúc lại cần nhiều yêu cầu hơn như tiện nghi sử dụng, cấu trúc bền vững, kinh tế và thẩm mĩ. Yếu tố thẩm mĩ không phải là yêu cầu đầu tiên của công trình kiến trúc nhưng nếu thiếu vẻ đẹp thì không tồn tại một nền kiến trúc chân chính, tính thẩm mĩ của kiến trúc vẫn có những nguyên tắc riêng, vượt lên trên những quy tắc và khuôn khổ nhất định. Tính thẩm mĩ của kiến trúc cần được chú trọng để thoả mãn nhu cầu về tinh thần của con người.

   Những thành phần và nguyên lý được thể hiện tạo nên tính thẩm mĩ của công trình kiến trúc được xem là ngôn ngữ của kiến trúc. Điểm, tuyến (đường), diện (hình) và khối là những yếu tố tạo hình mang tính hình học có khả năng tạo ra sức biểu hiện của một hình thái nghệ thuật. Đây là những thành phần cơ bản của hình thức, nguồn gốc của tạo hình và những hình thức này có cùng một điểm khởi đầu. Trong ngôn ngữ kiến trúc, những khái niệm về không gian và thời gian không tách rời nhau. Ngôn ngữ kiến trúc còn gắn liền với phối cảnh trong không gian, kiến trúc quan sát trong khoảng cách gần bằng hiệu ứng của khối, trong khoảng cách xa thì bao quát tổng thể giữa hình và bóng (silhouette)4.

   1.3. Mối liên hệ giữa ngôn ngữ thị giác trong hội họa và thiết kế với ngôn ngữ kiến trúc

   Kiến trúc là sự tổng hợp kiến trúc-nghệ thuật. Kiến trúc thường không tồn tại một cách độc lập, nó thường được kết hợp với những loại hình nghệ thuật khác như hội họa, các sản phẩm thiết kế… Sự kết hợp giữa các hình thức nghệ thuật với kiến trúc thành một tổng thể thống nhất sáng tạo nhiều lĩnh vực vào trong cuộc sống của con người. Có thể nói sự kết hợp này là tổng hòa giữa nghệ thuật với đời sống5. Do đó, ngôn ngữ của hội họa và thiết kế và ngôn ngữ kiến trúc có những nét tương đồng trong thành phần của hai loại hình được so sánh như Bảng 2 dưới đây:

Thành phần ngôn ngữ hội họa và thiết kế Thành phần ngôn ngữ kiến trúc
 Điểm: được biết đến như một yếu tố phổ cập trong bố cục thị giác.  Điểm: chỉ một vị trí trong không gian, không có phương hướng, có tính tập trung, không có chiều dài, chiều rộng, chiều sâu.
 Đường: nét là có mối liên hệ mật thiết trong tranh vẽ và thiết kế trên mặt phẳng hai chiều.  Tuyến (đường/ cạnh): được tạo ra do sự kéo dài của một điểm, có chiều dài và không có chiều rộng, sâu, có phương hướng nhất định.
 Hình: xác định hình dáng của vật thể và có sự kết nối với cảm giác xúc chạm vật lý đối với con người và đối tượng được xác định về hình dạng.  Diện (hình): sự kéo dài của tuyến tạo thành diện, có chiều dài, rộng nhưng không có chiều sâu, là yếu tố then chốt bố cục của kiến trúc, bị giới hạn bởi không gian.
 Khối: là sự nhận thức của mắt người từ sự thay đổi sắc độ trên chiều sâu vật thể tạo ra sự nổi khối (bao gồm cả diễn tả đối tượng bằng tranh vẽ trên bề mặt không gian hai chiều).

 Khối: do sự chuyển động của diện tạo thành, có ba chiều: dài, rộng, sâu.

 • Điểm (góc): nơi hội tụ của diện.

 • Tuyến (đường/ cạnh): nơi hai diện gặp nhau.

 • Diện (hình): giới hạn của một khối.

 Sắc độ: là sự khác biệt giữa cường độ sáng tối trên bề mặt của vật thể và nó quyết định được cường độ phản chiếu ánh sáng lên vật thể đối với mắt người nhìn.

 Không gian: là sự kết hợp của các khối, hình thức và đồ vật…

 • Không gian tuyến tính: trường đoạn tuyến tính sự lặp lại các không gian.

 • Không gian tập trung: không gian chủ đạo và không báo trước ở chu vi và có không gian phụ.

 • Không gian tán xạ: là không gian tập trung có thêm tổ chức không gian tuyến tính tán xạ.

 • Không gian hợp nhóm: được hợp thành bởi sự cố kết đơn giản của các không gian thành phần đưa đến một hiệu quả thị cảm chung.

 • Không gian mạng: được tổ chức trong mạng lưới ô vuông hay ba chiều.

 Không gian: Do sự khác biệt về cấu trúc hộp sọ của con người, hai mắt nằm phía trước và gần nên con người có thể nhận biết chiều sâu không gian tốt hơn so với các loài động vật khác.  Ánh sáng - bóng đổ: hai thành phần này luôn bổ trợ cho nhau, tạo vẻ đẹp cho không gian hai chiều và chiều sâu cho không gian ba chiều. Xác định ranh giới của các tuyến, làm nổi bật các diện và nhấn mạnh chiều sâu cho khối.
 Màu sắc: được xem là yếu tố biểu tượng thường được gắn kết với với tâm trạng và tình cảm của con người.  Màu sắc: có ảnh hưởng đến kích thước và khoảng cách của kiến trúc.
   Chất liệu/ hoa văn: cũng đóng góp trong sự biểu đạt ngôn ngữ của kiến trúc. Hai thành phần này gắn với cấu tạo, tính chất vật lý của vật liệu xây dựng, trang trí hoàn thiện bề mặt.

Bảng 2: So sánh các thành phần trong ngôn ngữ hội họa và thiết kế với kiến trúc6.

   Các ngành thiết kế liên quan đến không gian như kiến trúc, thiết kế nội thất, thiết kế cảnh quan7 và quy hoạch đô thị thì các thành phần và nguyên tắc thiết kế của nguyên lý thị giác trong hội họa và thiết kế sử dụng cho các thiết kế trên mặt phẳng hai chiều (tranh vẽ, thiết kế đồ họa) lên các thiết kế ba chiều (kiến trúc). Phương thức nguyên lý thị giác trong hội hoạ và thiết kế được thể hiện trên sản phẩm theo nhiều cách khác nhau, chẳng hạn như bố cục8, cấu trúc9, hoa văn10. Trong giới hạn của bài viết, tác giả sẽ tập trung sử dụng vào nguyên lý thị giác trong hội họa và thiết kế và ngôn ngữ kiến trúc, bao gồm các thành phần và nguyên lý giữa hai lĩnh vực để thấy được mối tương quan giữa chúng11.

   2. Cấu trúc và tạo hình bức rèm đá theo ngôn ngữ thị giác trong hội họa và thiết kế và ngôn ngữ kiến trúc

   2.1. Sơ lược về sự hình thành của bức rèm đá

   Theo quan điểm của các nhà nghiên cứu mĩ học kiến trúc thì một kiến trúc thiếu đi tính thẩm mĩ sẽ không còn là một kiến trúc chân chính. Khi thiết kế Dinh Độc Lập, kiến trúc sư Ngô Viết Thụ chú ý đưa vào công trình ý nghĩa văn hoá bằng việc kết hợp giữa kiến trúc hiện đại và truyền thống dân tộc. Do đó, từng bố cục, trang trí từ trong ra đến ngoài kiến trúc đều tượng trưng cho triết lý cổ truyền, mang tính lễ nghi của dân tộc. Mặt tiền Dinh Độc Lập được trang trí bằng bức rèm đá cũng mang ý nghĩa mong muốn duy trì hoa văn trang trí dân tộc bằng việc sử dụng các đốt trúc cách điệu thành các thanh chấn song của bức rèm đá. Mỗi đường nét, thành phần của bức rèm đá đều chứa đựng giá trị thẩm mĩ và sản phẩm này cũng được xem như một tác phẩm nghệ thuật độc lập đối với tổng thể kiến trúc Dinh Độc Lập12.


Bảng 3: Phác thảo bức rèm đá và tạo hình thực tế của bức rèm đá trên kiến trúc Dinh Độc Lập13.

   Kiến trúc Dinh Độc Lập được thiết kế theo phong cách “chủ nghĩa công năng”, có dạng khối lập phương. Bức rèm đá bao phủ bên ngoài tầng hai và ba của kiến trúc Dinh Độc Lập cũng là chi tiết đắt giá, là điểm nhấn tăng thêm tính thẩm mĩ, giúp cho bề mặt nhẹ nhàng, dịu bớt đường nét hình học của tổng thể kiến trúc. Tuy nhiên, bức rèm đá vẫn đáp ứng sự kết hợp hài hoà giữa công năng, cấu trúc và hình thức mà các kiến trúc cần đáp ứng để đạt được những yêu cầu mà kiến trúc đúng theo tiêu chuẩn cần đạt được14.


Bảng 4: Bức rèm đá được thể hiện vào kiến trúc Dinh Độc Lập15.

   2.2. Tạo hình và cấu trúc của bức rèm đá theo ngôn ngữ thị giác trong hội họa và kiến trúc và ngôn ngữ kiến trúc

   Một trong những đặc trưng của hệ thống bức rèm đá với thiết kế có những khoảng rỗng nhằm giảm bớt độ nặng thị giác của bề mặt chính của khối công trình. Từng thanh song đá của bức rèm đá được cách điệu từ những đốt trúc theo dạng các khối trụ thẳng, cắt vát góc, không bo tròn, liên kết với nhau thành một bức rèm lớn bao xung quanh tầng hai, cả mặt chính và cánh trái, cánh phải của Dinh Độc Lập. Các đốt trúc được làm từ đá, sắp xếp theo hàng ngang đều nhau nhằm duy trì tính thống nhất với tổng thể kiến trúc.

   Để phân tích cấu trúc và tính thẩm mĩ của bức rèm đá, tác giả sử dụng nguyên lý thị giác trong hội hoạ và thiết kế và ngôn ngữ kiến trúc để phân tích cấu trúc của bức rèm đá. Trong ngôn ngữ kiến trúc thì sử dụng “nguyên lý tổ hợp kiến trúc” là cơ sở lý luận. “Nguyên lý tổ hợp kiến trúc” là những khái niệm cơ bản tạo thành thẩm mĩ kiến trúc, giúp các kiến trúc trở thành tác phẩm nghệ thuật đạt được vẻ đẹp mà kiến trúc cần có. Bức rèm đá của tổ hợp kiến trúc Dinh Độc Lập có áp dụng quy luật thẩm mĩ thuộc “nguyên lý tổ hợp kiến trúc” với biểu hiện cụ thể là quy luật “tương phản, vi biến trong rỗng và đặc, hở và kín” và “vần luật” để đạt được những giá trị thẩm mĩ trong thiết kế trang trí kiến trúc16. Các nguyên lý này được sử dụng để phân tích và đối chiếu với những nguyên lý thị giác tương ứng của nguyên lý thị giác trong hội hoạ và thiết kế để thấy được được vẻ đẹp cấu trúc bức rèm đá bằng ngôn ngữ thị giác của nghệ thuật tạo hình và thiết kế.


Minh hoạ cho nguyên lý “Sự tương phản” và “Tương phản và vi biến” trong một ô của bức rèm đá.

Ngôn ngữ thị giác trong hội họa và thiết kế Ngôn ngữ kiến trúc
 Sự tương phản: kêu gọi được sự chú ý của người xem bởi sự khác biệt giữa bố cục tổng thể và các đối tượng riêng lẻ trong một khung cảnh được xác định từ trước17. Ở đây là sự tương phản giữa thanh chấn song đá màu trắng với không gian rỗng và tối do các thanh chấn song đá tạo ra. Sự tương phản này tạo ra ấn tượng thị giác thoáng hơn cho bề mặt của kiến trúc Dinh Độc Lập.  Tương phản và vi biến: tương phản (contrast) và vi biến (nuance) là sự vận dụng mức độ khác biệt của một nhân tố tổ hợp với liều lượng nhất định để đạt được hiệu quả nghệ thuật18. Bức rèm đá đã vận dụng tương phản và vi biến trong rỗng và đặc, hở và kín trong cấu trúc tạo hình tác động vào thị giác của người xem, những phần rỗng là những khoảng hở giữa các thanh chấn song đá trong bức rèm đá làm nổi bật đường nét tạo hình của từng chấn song.
 Sự lặp lại: các đối tượng là các thanh song đá được sắp xếp lặp lại thành một tập hợp trong một bố cục.
 Tính nhịp điệu: sự lặp lại của các thanh chấn song trong thiết kế của bức rèm đá tạo ra nhịp điệu đều đặn.
 Sự đồng nhất: là tập hợp tất cả các yếu tố tương tự nhau là các thanh chấn song đá và đặt trong một tập hợp có những nét tương đồng19. Các thanh chấn song được lặp lại theo quy luật sau: 4 thanh chấn song đá được đặt cùng một hàng, 1 ô rèm đá gồm 3 chấn song hàng xếp chồng lên nhau thành 1 đơn vị của bức rèm đá. Cần tập hợp một đơn vị khoảng 3 ô mới có thể thấy được sự tập trung của 3 nguyên lý “Sự lặp lại”, “Tính nhịp điệu”, “Sự đồng nhất” trong nguyên lý thị giác trong hội hoạ và thiết kế được vận dụng trong tổng thể của bức rèm đá. Tuỳ theo diện tích bề mặt kiến trúc cần trang trí thì bức rèm đá được bố trí có diện tích khác nhau ở từng khu vực cụ thể.
 Vần luật và nhịp điệu: các thanh chấn song đá này được nhân lên và phát triển trong không gian chiều ngang được lặp lại theo một định kỳ được tính toán theo phương thức toán học và trở thành một sản phẩm thiết kế có tính toán tư duy. Quy luật vần luật được sử dụng phổ biến trong kiến trúc là một hiện tượng của sự lặp đi lặp lại có quy luật của sự biến hoá có tổ chức trong biểu hiện nghệ thuật kiến trúc dưới nhiều hình thức khác nhau. Sự gắn bó với sự lặp đi lặp lại tạo ra sự thống nhất, còn sự biến hoá có tổ chức tạo ra sự đa dạng20.

Bảng 5: Phân tích cấu trúc và tạo hình của bức rèm đá theo nguyên lý thị giác trong hội hoạ và thiết kế và ngôn ngữ kiến trúc.


Minh hoạ “Sự lặp lại”, “Tính nhịp điệu”, “Sự đồng nhất” và “Vần luật và nhịp điệu” trong một tập hợp của bức rèm đá.

   3. Kết luận

   Kiến trúc Dinh Độc Lập là một công trình nghệ thuật tiêu biểu tại Thành phố Hồ Chí Minh, được nhiều chuyên gia trong các lĩnh vực nghệ thuật và kiến trúc quan tâm. Dinh Độc Lập ngoài dấu ấn lịch sử là một kiến trúc công sở của chế độ cũ còn là vẻ đẹp của công trình với sự kết hợp của nghệ thuật tạo hình vào kiến trúc. Sự kết hợp hai lĩnh vực giữa nghệ thuật tạo hình và kiến trúc là cơ sở để tác giả có thể sử dụng nguyên lý thị giác trong hội họa và thiết kế tương thích với ngôn ngữ kiến trúc để phân tích vẻ đẹp trong cấu trúc của bức rèm đá. Từ sự phân tích này, người xem có thể thấy được mối liên hệ giữa hội họa và thiết kế với kiến trúc có sự gắn kết chặt chẽ với nhau. Đây là một phát hiện quan trọng, trở thành cơ sở lý luận để tìm hiểu được vẻ đẹp trong các công trình kiến trúc cũng như vận dụng linh hoạt giữa các nguyên lý tạo hình giữa hai chuyên ngành nhằm phát triển được nhiều công trình kiến trúc đẹp trong tương lai.

 

 

 

Chú thích:
1, 2, 17, 19 Joshua Field (2018), “An Illustrated Field Guide to the Elements & Principle Of Art + Design”, Publisher’s Cataloging – in – Publication data, ISBN 978-1-387-99731-2.
3 Ngô Huy Quỳnh (1998), Kiến trúc dưới góc độ mĩ học, NXB Văn hoá thông tin.
4, 14, 16, 18, 20 Đặng Thái Hoàng (1994), Sáng tác kiến trúc, NXB Khoa học và Kỹ thuật.
5 Tôn Thất Đại (2022), Mối quan hệ kiến trúc và các ngành nghệ thuật, NXB Xây dựng; Đặng Thái Hoàng (1994), Sáng tác kiến trúc, NXB Khoa học và Kỹ thuật; Ngô Huy Quỳnh (1998), Kiến trúc dưới góc độ mĩ học, NXB Văn hoá thông tin.
6 Nguồn: Joshua Field (2018), “An Illustrated Field Guide to the Elements & Principle Of Art + Design”, Publisher’s Cataloging – in – Publication data, ISBN 978-1-387-99731-2; Đặng Thái Hoàng (1994), Sáng tác kiến trúc, NXB Khoa học và Kỹ thuật.
7 S. Bell (2019), “Elements of Visual Design in the Landscape”, Routledge, ISBN: 0-203-35814-7.
8 J. Krause, J. Krause (2004), “Design Basics Index: A Graphic Designer’s Guide to Designing Effective Compositions, Selecting Dynamic Components, Developing Creative Concept”, HOW Book, ISBN: 1581805012.
9 B. Peterson (2003), “Using Design Basics to Get Creative Results”, North Light Books, ISBN: 0891346511.
10 D. A. Lauer, S. Pentalk (2011), “Design Basics”, 8th ed., Cengage learning, ISBN: 111353980.
11 Gözdenur Demir, Asli Çekmis, Vahit Bugra Yesilkaynak, Gozde Unal (2021), “Detecting visual design principles in art and architecture through deep convolutional neural networks”, https://doi.org /10.1016/j.autcon, 2021.103826.
12, 15 Trần Mạnh Thường, Trần Tuấn (biên soạn, 2013), Dinh Độc Lập xưa và nay, NXB Văn hoá thông tin.
13 Nguồn ảnh: Trần Thu Hằng (2009), Tích hợp văn hóa Đông - Tây trong kiến trúc của KTS Ngô Viết Thụ, Luận văn Thạc sĩ Kiến trúc-quy hoạch, Mã số: 21401, TP. Hồ Chí Minh; Trần Mạnh Thường, Trần Tuấn (biên soạn, 2013), Dinh Độc Lập xưa và nay, NXB Văn hoá thông tin.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận