TINH THẦN DÂN TỘC TRONG SỰ NGHIỆP VĂN HÓA ĐIỂM GẶP GỠ GIỮA NGUYỄN ĐÌNH CHIỂU VÀ TRƯƠNG VĨNH KÝ

Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888) và Trương Vĩnh Ký (1837-1898) là hai danh nhân nổi tiếng đất Bến Tre. Tuy có sự khác biệt về nhiều phương diện nhưng điểm tương đồng bao trùm sự nghiệp văn hóa của Nguyễn Đình Chiểu và Trương Vĩnh Ký chính là tinh thần dân tộc sâu sắc, tiến bộ. Bài viết đi sâu phân tích các điểm tương đồng trong quan niệm cầm bút và nội dung trước tác của hai nhà văn hóa có vị trí đặc biệt trong lịch sử dân tộc buổi giao thời.

   1. Đôi nét về hai nhà văn hóa “3 trong 1” 

   Cùng sống trọn đời trong giai đoạn lịch sử khốc liệt “mưa Âu gió Á”, cùng đối mặt với những bước ngoặt lịch sử và những áp đảo về văn hóa của phương Tây cũng như sự bá quyền của chủ nghĩa thực dân, Nguyễn Đình Chiểu chịu ảnh hưởng của nền Nho học truyền thống đã lựa chọn con đường yêu nước bài ngoại quen thuộc, trong khi Trương Vĩnh Ký - một nhà tân học đã kiên định lập trường độc lập bằng con đường canh tân văn hóa. Dù hai hướng đi hoàn toàn trái ngược nhưng cả hai đều là những hiện tượng đặc biệt trong lịch sử nói chung và văn học Việt Nam nói riêng bởi con đường mà hai ông đã chọn và dấn thân đến hơi thở cuối cùng là con đường cho tới hôm nay, sau hơn một thế kỷ, vẫn còn là vấn đề thời sự với nhiều luận bàn khác nhau.

   Điểm chung của hai tác giả này có thể gói gọn trong cụm từ “3 trong 1”. Như đã biết, Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888) là nhà văn mù nổi tiếng với những áng văn đạo lý trữ tình sâu lắng. Cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu sớm trải qua những chuỗi ngày gia biến và quốc biến hãi hùng đã tác động đến nhận thức của ông. Ngay từ nhỏ, Nguyễn Đình Chiểu đã theo cha chạy giặc. Từ một cậu ấm con quan, bỗng chốc trở thành một đứa trẻ thường dân sống trong cảnh chạy loạn, trả thù, chém giết. Lớn lên, bị bệnh rồi mù mắt, bị gia đình giàu có bội ước, công danh dang dở. Ước nguyện chân chính của một Nho sĩ là “phò đời giúp nước phơi gan anh hào” không thể thực hiện được... Nhưng những nỗi buồn, bất hạnh lớn liên tiếp đó không làm ông gục ngã. Tuy sống trong cảnh mù loà nhưng ông đã tiến thân thành danh bằng con đường hành đạo. Không thể lập thân bằng con đường thi cử, ông về quê mở trường dạy học. Học trò theo học rất đông bởi thầy Đồ Chiểu không chỉ dạy tri thức mà còn dạy đạo làm người, cách làm người. Chính bản thân ông cũng luôn là tấm gương sáng để học trò noi theo. Không chỉ dạy học, Nguyễn Đình Chiểu còn bốc thuốc chữa bệnh cho dân với tấm lòng nhân ái bao la: “Đứa ăn mày cũng trời sinh/ Bệnh còn cứu được thuốc dành cho không”. Ông đã làm hai việc cao quý nhất là dạy người và cứu người. Hai công việc đó thiết nghĩ đối với người bình thường làm được cũng còn có nhiều khó khăn, vậy mà một người mù như Nguyễn Đình Chiểu đã làm được mà còn làm một cách xuất sắc. Hơn nữa, ông còn làm thơ viết văn, dùng ngòi bút để nói lên chí hướng của mình… Chung cuộc, danh nhân Nguyễn Đình Chiểu - một người mù đã ghi tên tuổi trong sử sách với ba tư cách: một thầy giáo mẫu mực được kính yêu, một thầy thuốc với quan niệm y đức cao cả và một nhà thơ trữ tình xuất sắc với tuyên ngôn chưa bao giờ cũ: “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/ Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”.

   Sinh sau Nguyễn Đình Chiểu 15 năm, Trương Vĩnh Ký là một trí thức Tây học với rất nhiều thử thách và bi kịch thời đại đặt ra. Trương Vĩnh Ký mồ côi cha từ sớm, điều này làm nảy sinh trong ông ý thức tự lập và phấn đấu vươn lên trong cuộc sống. Bên cạnh việc thụ hưởng nền giáo dục truyền thống, ông đã sớm được tiếp cận với văn minh thế giới, đã có những chuyến đi dài đến các nước phương Tây, đặc biệt là Pháp. Nhờ đó, Trương Vĩnh Ký có kiến thức rộng mở, uyên thâm về văn hóa và ngôn ngữ: “Điều ai cũng chú ý là Trương Vĩnh Ký có thể tự hào là người trí thức Việt Nam đầu tiên có học thức quảng bác mở rộng sang Tây phương. Tuy phần lớn là tự học và học trong nhà dòng nhưng khả năng ngoại ngữ của ông thật là đáng trọng”1. Trương Vĩnh Ký biết khoảng 26 ngôn ngữ, trong đó, ông “nói và viết thông thạo chữ Latin, Pháp, Tây Ban Nha,Anh, Trung Hoa, Mã Lai, Cam Bốt và Xiêm La”2. Đương thời, không thể phủ nhận việc Trương Vĩnh Ký bị chi phối bởi những công việc mang tính sự vụ với chính quyền thuộc địa (thông ngôn, phiên dịch, chủ bút…) nhưng ông luôn dành thời gian âm thầm, miệt mài, bền bỉ bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc như một cách đề kháng với xu thế áp đảo của văn hóa phương Tây. Sự nghiệp gần 40 năm trước tác của Trương Vĩnh Ký để lại 54 tác phẩm đã xuất bản, 04 tác phẩm còn nghi vấn, 65 tác phẩm in thạch bản, 10 bài báo và 30 tác phẩm dự định xuất bản, chưa kể các tác phẩm trên Gia Định báo, Thông loại khóa trình và thư từ, bản thảo, tài liệu chép tay. Những con số đáng được coi là “khổng lồ” trong buổi giao thời, khiến hậu thế phải kinh ngạc. Căn cứ vào khối lượng trước tác đồ sộ ấy mà nhiều nhà nghiên cứu cho rằng: “Làm văn hóa là sở nguyện, chí hướng, hoài bão bình sinh của ông, những việc làm khác chỉ là tạm thời, nhất thời, miễn cưỡng”3. Do ý thức rất rõ sự ưu việt của chữ quốc ngữ so với chữ Hán và chữ Nôm cũng như lợi thế của nó trong công cuộc canh tân đất nước, Trương Vĩnh Ký đã chủ trương xã hội hóa chữ quốc ngữ và dốc sức thực hiện điều này. Ngoài việc tận dụng vị thế của mình trong Nha học chánh để cụ thể hóa những chế định bắt buộc học chữ quốc ngữ trong các trường tiểu học hay soạn sách giáo khoa, soạn từ điển... hầu hết các hoạt động văn hóa văn chương của Trương Vĩnh Ký là làm báo, dịch thuật, phiên âm, biên khảo và sáng tác, đều là những nỗ lực bền bỉ cho mục tiêu mà ông coi là tối thượng: truyền bá chữ quốc ngữ “vì lợi ích và sự tiến hóa”. Do ý thức rất rõ rệt về việc bảo tồn văn học truyền thống, trong nội dung trước tác của Trương Vĩnh Ký đều đậm tinh thần dân tộc, truyền thống phương Đông. Theo Nguyễn Văn Trung: “Những gì đã đọc hay ít ra đọc các tên sách, bản thảo, đã xuất bản của Trương Vĩnh Ký, cho chúng tôi một cảm tưởng khá rõ rệt: trong suốt cuộc đời làm văn hóa, ông chỉ tập trung vào một việc hầu như duy nhất: sưu tầm vốn văn hóa cũ Việt Nam mà một phần lớn đã bị tiêu ma, chỉ còn những mảnh vụn lớn nhỏ, rất đáng được lượm, nhặt, chắt chiu giữ gìn để mong sau này được phổ biến rộng rãi. Trương Vĩnh Ký đã làm công việc trên về xác định văn bản, xuất xứ, chú giải, dịch; bao gồm nhiều phạm vi: phong tục, ngôn ngữ, sử ký, phê bình văn học .v.v.; ở các mức độ khác nhau từ phổ thông đến chuyên sâu với tư thế một nhà biên khảo khoa học luôn luôn nghiêm túc trong tinh thần tôn trọng sự thực, chỉ muốn nói lên sự thực một cách khiêm tốn, nhã nhặn”4.

   Như vậy, nếu nhìn từ những đóng góp đối với nền văn hóa, văn học Việt Nam, Trương Vĩnh Ký cũng giống như Nguyễn Đình Chiểu xứng đáng là nhà văn hóa “3 trong 1”: Ông không chỉ là một nhà báo tiên phong với Gia Định báoThông loại khóa trình, một nhà biên khảo - dịch thuật mà còn là một nhà văn với “những bước khởi đầu đời sống văn chương Việt Nam hiện đại”5.

   2. Tinh thần dân tộc trong sự nghiệp văn hóa của Nguyễn Đình Chiểu và Trương Vĩnh Ký

   Nguyễn Đình Chiểu tuy không nghị luận về văn chương nhưng ông có quan điểm văn chương riêng. Toàn bộ sáng tác của ông dù ở giai đoạn nào, dù viết theo thể loại gì đều cho thấy một tinh thần dân tộc sâu sắc. Ông không sáng tác để mua vui mà luôn có mục đích, có đối tượng cụ thể. Ông đề cao đạo đức, cho rằng văn chương phải có sức chiến đấu và có tác dụng “chở đạo”, “đâm gian”. Công bằng mà nói thì quan điểm dùng văn chương để chở đạo, để giúp ích cho đời không phải đến Nguyễn Đình Chiểu mới có “Văn bút tảo thiên quân chi trận” - Văn chương phải có thế trận đuổi nghìn giặc (Trần Thái Tông). Nhưng phải đến Nguyễn Đình Chiểu quan điểm đó mới được nhận thức một cách tự giác hơn, sâu sắc hơn, đặc biệt là được thực thi một cách triệt để và bền bỉ. Điều đáng nói ở đây là quan điểm văn dĩ tải đạo của ông khác với quan niệm của nhà Nho, càng khác với quan niệm chính thống lúc bấy giờ. Nhà Nho quan niệm “đạo” là đạo của trời, còn Đồ Chiểu cũng nghĩ đến đạo, nói đến đạo nhưng quan niệm có phần khác với tiền nhân:

     “Đạo trời nào phải ở đâu xa
   Gẫm ở lòng người mới thấy ra”.

   Trên nguyên tắc đạo trời được đề cao nhưng trong thực tế đạo làm người đáng quý hơn nhiều. Chẳng hạn, mở đầu tác phẩm Truyện Lục Vân Tiên là quan niệm “Trai thời trung hiếu làm đầu/ Gái thời tiết hạnh làm câu trau mình”. Sống gần dân, sống trong dân, chia sẻ mọi buồn vui với dân, tấm lòng Nguyễn Đình Chiểu luôn hướng về dân. Vì vậy tư tưởng Nho giáo trong tác phẩm của ông có sự sáng tạo, độc đáo, phù hợp, gần gũi với lòng dân, những người lao động. Quan điểm văn chương Đồ Chiểu tuy không được tuyên ngôn nhưng đây là quan điểm tiến bộ và gần gũi với văn chương dân tộc: văn chương chiến đấu, vị nhân sinh, đầy tinh thần nhân ái. Toàn bộ sáng tác của ông là thành tựu xuất sắc của quan niệm đó. Nhờ đó, ông đã trở thành nhà văn đạo đức trữ tình lớn nhất trong lịch sử văn học Việt Nam.

   Dễ dàng nhận thấy sự tương đồng trong quan điểm cầm bút đề cao đạo lý truyền thống của Trương Vĩnh Ký với tiền nhân Nguyễn Đình Chiểu. Ông khẳng định: “Tôi sinh ra gặp lúc cuối vận, nhờ ơn sáng là thấm nhuần sách thơm, cho nên gắng công học hỏi cổ nhân không biết mệt, học để làm người, chẳng phải vì mong hưởng lợi. Nhân suy nghĩ thế cuộc ngày nay lộn xộn, chính đạo càng suy đồi, thuần phong càng buông thả, nếu không có ý tốt sao có thể phấn khởi làm việc phục hồi chính đạo, phát huy cái hay, dám quên cái thô lậu của mình mà biên tập ra, lấy ý riêng bổ sung ý kiến về sau, lấy bút thay lời để suy tính cho kẻ sau. Không dám qua mặt người xưa, mong có người tiếp tay, hi vọng “thượng an hạc lạc” chẳng phải là điều hay sao? Đấy là điều tôi hi vọng sâu xa mà vui vẻ tự an ủi vậy”6. Quan điểm này được hiện thực hóa ở tất các các hoạt động văn hóa, văn chương của Trương Vĩnh Ký. Mục đích bao trùm toàn bộ trước tác của Trương Vĩnh Ký được đánh giá chính là hoạt động truyền bá chữ quốc ngữ - thứ chữ của “lợi ích và sự tiến hóa”, nói cách khác, ông thực hiện công cuộc canh tân đất nước thông qua chữ quốc ngữ. Ông đã sử dụng triệt để chữ quốc ngữ trong tất cả các hoạt động văn hóa của mình như: làm báo; biên khảo, biên dịch và sáng tác. Trước hết, dựa vào vị trí và công việc bản thân, Trương Vĩnh Ký đã thực hiện việc truyền bá chữ quốc ngữ thông qua tờ Gia Định báo và tập san Thông loại khóa trình. Ban đầu, nhà cầm quyền Pháp cho phát hành tờ Gia Định báo với mục đích phổ biến trong dân chúng bản xứ tin tức, quy định mới và giới thiệu kiến thức về văn hoá và về nghề canh nông. Nhưng từ khi Trương Vĩnh Ký đảm nhiệm (1869), tờ báo có thêm một nhiệm vụ quan trọng khác là cổ động cho một lối học mới, phát triển chữ quốc ngữ và thường dành một “sân văn” với những nội dung liên quan đến văn hóa và đạo lý làm người. Để thực hiện mục tiêu phổ biến chữ quốc ngữ và phổ thông sự học, Trương Vĩnh Ký không chỉ dừng lại ở Gia Định báo mà còn cho phát hành một tập san tư nhân là Thông loại khóa trình gồm 18 số với các đề mục thường kỳ, trong đó, tập trung vào các vấn đề: giải thích nghĩa chữ (phương ngữ, Hán ngữ, Pháp ngữ, các lối nói dân gian), bài đọc/ học về luân lý, sưu tập giới thiệu thơ văn (dân gian, văn học viết dân tộc, sáng tác của các tác giả đương thời, văn chương Pháp…). Mục giải thích câu chữ, lời nói và chú giải văn bản được làm rất tỉ mỉ và chiếm một phần quan trọng của tập san là một hiện tượng hoàn toàn mới, rất hữu hiệu trong chủ trương giúp học trò “biết chữ nghĩa văn chương”. Các bài “Tên cây trái tùy xứ mà kêu” (số 4), hay “Vật tùy xứ mà kêu” (số 5) chứng tỏ tác giả đã có ý thức về tính đa dạng văn học và có cái nhìn toàn cảnh về văn hóa Việt Nam. Bằng hình thức văn xuôi quốc ngữ mới mẻ, tự nhiên, mục “Nhơn vật nước Annam” đã kể những câu chuyện lý thú về các danh nhân, các nhân vật lịch sử, để lại dấu ấn dân tộc đậm nét. Phần văn nghệ dân gian với ca dao, câu đố, câu hát, trò chơi, nói cho và trả, nói ngược, vè, câu nói khó... cũng được Trương Vĩnh Ký xem như một nguồn tư liệu quý để vừa giáo dục đạo đức vừa bảo tồn văn hoá truyền thống của dân tộc. Trương Vĩnh Ký đặc biệt quan tâm đến nội dung đạo lý: “Chánh ý là thuật đạo lành lẽ ngay của đấng tiên thánh tiên hiền khuyên răn, truyền thuần phong mĩ tục xưa nay...”. Vì thế, tập san Thông loại khóa trình là một tập san văn chương có mục đích giáo dục rất rõ ràng. Đọc Thông loại khóa trình, độc giả có cơ hội bổ sung vốn liếng văn tự mới của mình, có cơ hội đọc - biết đến những tri thức văn hóa văn chương trong một hình thức mới; đồng thời chữ quốc ngữ cũng thu nạp được không ít nội hàm mới, được rèn giũa qua lối diễn xuôi, giảng nghĩa, dịch thuật, thậm chí cả sáng tác... đăng trên tập san này. Nếu việc xuất bản Gia Định báo nằm trong chủ trương của thực dân Pháp thì Thông loại khóa trình nằm trong chủ trương truyền bá chữ quốc ngữ và cao hơn là truyền bá văn hóa của riêng Trương Vĩnh Ký.

   Về biên khảo, sưu tầm, biên dịch, điều đáng nói là Trương Vĩnh Ký được trưởng thành trong môi trường công giáo, được tiếp xúc, mở mang rất nhiều kiến thức về văn hóa phương Tây nhưng các tác phẩm mà ông lựa chọn để dịch sang chữ quốc ngữ lại chủ yếu là các tác phẩm kinh điển của Nho gia như cuốn Đại Học, Trung Dung trong bộ Tứ Thư, như Tam tự kinh, Minh tâm bửu giám... Trong khi đó, cùng thời ông, dịch giả Huỳnh Tịnh Của; hay sau đó một chút, các dịch giả Nguyễn Chánh Sắt, Trần Phong Sắc, Nguyễn An Khương… thường lựa chọn dịch các sách Trung Quốc có nội dung giải trí; hoặc các nhà Tây học như Nguyễn Văn Vĩnh, Đỗ Quang Đẩu, Nguyễn Ngọc Ấn thì dịch các truyện phiêu lưu, du ký hoặc thơ Pháp. Phải chăng Trương Vĩnh Ký có quan niệm riêng về di sản văn hóa, văn học truyền thống? Liệu Trương Vĩnh Ký có tự mâu thuẫn chăng khi ông chọn dịch những tác phẩm đề cao tư tưởng Nho giáo giữa buổi Hán học đang suy, trong khi chính ông lại đang ráo riết truyền bá chữ quốc ngữ, cổ động cho một lối học mới nhằm canh tân đất nước theo hướng văn minh nhân loại? Thực tế, do nhận ra ưu thế hiển nhiên nhiều mặt của chữ quốc ngữ, Trương Vĩnh Ký đã nhanh chóng coi đây là công cụ đắc dụng trong việc đem lại diện mạo tinh thần mới cho người dân Việt. Và với ông, di sản đạo lý làm người mà cha ông để lại là thứ phải lưu giữ, còn tri thức thì không biện trong ngoài, mới cũ. Cách ứng xử của ông trong việc lựa chọn sách vở dịch thuật, cũng như biên khảo/ phiên khảo sang chữ quốc ngữ đã tỏ rõ sự can đảm “ở với họ mà không theo họ” của ông. Mang theo những giá trị truyền thống vào đời sống hiện đại, hiển nhiên Trương Vĩnh Ký đã đi ngược lại ý định của nhà cầm quyền muốn chia cắt Việt Nam với ảnh hưởng phương Đông lâu đời và truyền thống dân tộc.

   Tinh thần dân tộc của Nguyễn Đình Chiểu và Trương Vĩnh Ký còn thể hiện rõ ở việc lựa chọn chữ quốc ngữ (dù là chữ Nôm hay mẫu tự Latinh) làm công cụ thực hành văn hóa, văn chương. Sống trong thời kỳ văn hóa song ngữ (chữ Hán, chữ Nôm) nhưng Nguyễn Đình Chiểu chỉ sử dụng chữ Nôm trong tất cả trước tác của mình. Ngôn ngữ bình dân, ngôn ngữ địa phương với lớp từ vựng đặc trưng thể hiện chất Nam Bộ tươi ròng tạo nên sự độc đáo, thú vị cho tác phẩm. Đúng như Nguyễn Đình Chú đã nhận xét: “… Vẻ đẹp trong văn chương đạo đức - trữ tình của Đồ Chiểu là vẻ đẹp mộc mạc, chân chất. Ở đây không cho ta cái khoái cảm khi nhìn một cánh đồng lúa xanh lướt mình trong gió chiều xuân, nhưng lại có cái khoái cảm khi nhìn một đống thóc mẩy vàng, một đống khoai to củ...”7.

   Cũng đề cao chữ quốc ngữ nhưng chữ quốc ngữ mà Trương Vĩnh Ký sử dụng viết theo mẫu tự Latinh. Sớm nhận ra sự ưu việt của thứ chữ này, Trương Vĩnh Ký đã ráo riết kêu gọi: “Chữ quốc ngữ phải trở thành chữ viết của đất nước. Phải như thế vì lợi ích và sự tiến hóa. Vậy người ta nên tìm cách phổ biến thứ chữ này bằng mọi phương tiện”8. Xét riêng Chuyện đời xưa - ấn phẩm quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam, là một trong những tác phẩm tâm đắc của nhà văn, đồng thời là nhà văn hoá lớn Trương Vĩnh Ký cũng đủ thấy điều này. Tên đầy đủ của tác phẩm là Chuyện đời xưa lựa nhón lấy những chuyện hay và có ích. Ba chữ “Chuyện đời xưa” giúp ta xác định được nội dung chính của tác phẩm này là những truyện xưa tích cũ. Còn “lựa nhón lấy những chuyện hay và có ích” cho thấy mục đích cũng như phương pháp làm việc của Trương Vĩnh Ký. Nói cách khác, sự lựa chọn của Trương Vĩnh Ký khi sưu tầm các tác phẩm văn học dân gian dựa trên hai tiêu chí là “hay” và “có ích”. Trong đó, Trương Vĩnh Ký đã chú ý nhấn mạnh cái “hay”- yếu tố nghệ thuật. Đây có thể xem như một điểm tiến bộ, bởi văn học trung đại đến cuối thế kỷ XIX vẫn chưa thoát ra khỏi quan niệm “văn dĩ tải đạo”…, nghĩa là đặt tiêu chí có ích về nội dung lên trên hết.

   Chuyện đời xưa là tập hợp 72 truyện kể dân gian. Mỗi câu chuyện là một bài học đạo lý nho nhỏ. Nó nhanh chóng đến với quần chúng nhân dân không chỉ bởi nội dung lý thú mà còn bởi ngôn ngữ mộc mạc, giản dị, dễ hiểu như lời ăn tiếng nói hằng ngày. Đây là chủ trương hết sức mới mẻ của Trương Vĩnh Ký, thể hiện rõ qua lời phát biểu ở đầu sách Chuyện đời xưa (1866) trong lần in lại: “Nay ta in sách này lại nữa vì cũng hết đi, cũng vì người ta dùng sách này mà học tiếng thì lấy làm có ích. Vì trong ấy cách nói là chính cách nói tiếng An Nam ròng, có nhiều tiếng, nhiều câu thường dùng lắm”9.

   Trương Vĩnh Ký tuy làm việc cho Pháp - một lộ trình ngược ý chí của nhân dân Sài Gòn nói riêng, nhân dân Nam Kỳ nói chung đang sôi sục khí thế chống giặc. Nhưng cần phải khẳng định rằng, Trương Vĩnh Ký thiết tha với nền văn học quốc ngữ, ông dồn tâm huyết vào sự nghiệp trước tác, để lại nhiều tác phẩm có giá trị. Đó là biểu hiện của lòng yêu nước chứ không còn là hành động văn chương đơn thuần nữa. “Trong ông hồn dân tộc vẫn còn khá đậm ở cách thức ông giữ gìn và làm sáng tỏ bản sắc văn hoá Việt Nam trong cách nói và viết tiếng Việt. Trương Vĩnh Ký viết theo lối dùng tiếng An Nam ròng, viết như nói, nhưng không phải là lối nói dung tục, thực dụng, ngôn ngữ vỉa hè, văn chương cống rãnh mà là lối nói của người Việt bình dân có văn hoá”10.

   3. Kết luận

   Là nhà văn đạo đức trữ tình xuất sắc nhất Việt Nam, thơ văn Nguyễn Đình Chiểu không những là nơi tổng duyệt lại hàng loạt những giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc mà còn là nơi hình thành những giá trị mới mẻ trong lịch sử văn học nước nhà. Hệ thống nhân vật tiêu biểu thể hiện quan niệm đạo đức trong văn chương Nguyễn Đình Chiểu gồm 5 hình tượng: con người nghĩa khí, con người tri ân, người sĩ phu kháng Pháp, người trí thức bất hợp tác với kẻ thù, người nông dân nghĩa binh. Năm hình tượng này được phân biệt bởi hai phạm trù đạo đức: đạo đức cá nhân và đạo đức công dân. Xoay quanh những hình tượng văn học đó, chúng ta thấy được lý tưởng cũng như quan niệm của ông về con người, về cuộc đời. Nguyễn Đình Chiểu coi bản chất con người đồng nghĩa với các giá trị đạo đức. Ông lấy nguyên lý đạo đức làm chuẩn mực cho mọi hành vi. Đạo đức được thể hiện một cách gần gũi, giản dị trong cuộc sống hằng ngày bởi chính những người dân lao động lam lũ. Nguyễn Đình Chiểu đã vẽ ra chân dung con người Miền Nam thật sâu sắc, đậm đà. Đóng góp quan trọng của Nguyễn Đình Chiểu là tiếng nói quyết định đưa vùng văn học Nam Bộ vào quỹ đạo phát triển chung của văn học dân tộc.

   Tính thời sự của các tác phẩm văn học trữ tình đạo lý ấy, cho đến nay vẫn có ý nghĩa quan trọng bởi đạo đức, đạo lý là hồn cốt, sức mạnh của dân tộc. “Đạo đức là thức ăn tinh thần, là môi trường sống, là không khí của Nguyễn Đình Chiểu hít thở. Đạo đức nhân nghĩa là máu huyết, là thịt da con người Nguyễn Đình Chiểu”11 và “Sức tác động thẩm mĩ mạnh mẽ của Đồ Chiểu đối với các thế hệ độc giả xuất phát từ sự kết hợp sâu sắc giữa tính nhân đạo và tầm cao cả của thái độ con người đứng trước những thử thách lớn của dân tộc. Đây là tư tưởng nhân đạo trong khi Tổ quốc lâm nguy, một biểu hiện đặc biệt sâu sắc của cái mà người ta gọi là nhân nghĩa tích cực của Đồ Chiểu”12.

   Mặc dù không suôn sẻ, thuận chiều như Nguyễn Đình Chiểu nhưng bằng tinh thần lao động nghệ thuật kiên trì với 40 năm trước tác (1858-1898), Trương Vĩnh Ký đã để lại cho đời khối lượng trước tác đồ sộ, đa dạng bao gồm các loại: báo chí, sáng tác, biên khảo, sưu tầm, dịch thuật… Các giá trị văn hóa tinh thần truyền thống của dân tộc như hiếu, nghĩa, ham học hỏi, khát khao cống hiến… được thể hiện sinh động và sâu sắc trong nhiều tác phẩm viết bằng thứ chữ còn có phần xa lạ với đương thời. Thông qua sự nghiệp trước tác đồ sộ ấy, người ta nhận thấy Trương Vĩnh Ký là một nhà bác học, một nhà văn hoá có tinh thần lao động nghệ thuật kiên trì và nghiêm túc, có tinh thần dân tộc và ý thức chấn hưng nền văn hoá nước nhà. Ông muốn giới thiệu những cái hay, cái đẹp của nền văn hoá Việt Nam cho các dân tộc khác. Ông muốn tôn vinh và khẳng định nét đẹp về con người và đất nước Việt Nam. Là người Việt Nam đầu tiên có công phóng tác và trước tác bằng chữ quốc ngữ, Trương Vĩnh Ký mong muốn đông đảo người Việt hiểu hơn về đất nước, nền văn hoá truyền thống mình, qua đó khích lệ hơn nữa lòng tự hào dân tộc. Chính vì lẽ đó, Nguyễn Văn Tố đã tóm tắt sựnghiệp của Trương Vĩnh Ký trong ba từ “bác học, tâm thuật, khiêm tốn”13.

   Năm 2021, Nguyễn Đình Chiểu được hội đồng UNESCO lần thứ 41 tổ chức tại Pháp vinh danh là Danh nhân văn hóa thế giới. Cũng mang tinh thân dân tộc cao độ, cũng để lại những đóng góp to lớn cho nền văn hóa, văn học nước nhà nhưng đến nay Trương Vĩnh Ký vẫn còn là một hiện tượng văn hóa, văn học cần được các nhà khoa học dụng công nghiên cứu để có thể có những đánh giá khách quan, công bằng hơn.

 

 

 

Chú thích:
1 Huỳnh Văn Tòng (2000), Lịch sử báo chí Việt Nam từ khởi thủy đến năm 1945, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 63.
2, 3, 8, 10, 13 Nhiều tác giả (2013), Thế kỷ XXI nhìn về Trương Vĩnh Ký, NXB Hồng Đức - Tạp chí Xưa & Nay, tr. 174, 114, 130, 47, 98.
4, 6 Nguyễn Văn Trung (1993), Trương Vĩnh Ký - nhà văn hóa, NXB Hội Nhà văn, tr. 107, 132.
5 Dương Thu Hằng (2015), Trương Vĩnh Ký và bước khởi đầu đời sống văn chương Việt Nam hiện đại, NXB Đại học quốc gia Hà Nội.
7, 11, 12 Nguyễn Ngọc Thiện (2007), Nguyễn Đình Chiểu về tác gia và tác phẩm, NXB Giáo dục, tr. 581, 140, 582.
9 Trương Vĩnh Ký (2002), Chuyện đời xưa, NXB Tổng hợp Đồng Nai.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận