GIÁO DỤC THẨM MĨ CHO SINH VIÊN ĐẠI HỌC KINH NGHIỆM TỪ MỘT SỐ QUỐC GIA VÀ VÙNG LÃNH THỔ Ở ĐÔNG Á

Bài viết giới thiệu kinh nghiệm về giáo dục thẩm mĩ cho sinh viên ở các nước Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc nhằm giúp hiểu hơn về hoạt động xây dựng nhân cách con người và phẩm chất công dân của thời đại mới. Qua đó kiến tạo đời sống tinh thần của xã hội theo quy luật phát triển chung của khu vực và thế giới.

   Trong cấu trúc các hoạt động giáo dục trong nhà trường, bên cạnh đức dục (giáo dục đạo đức), trí dục (giáo dục trí tuệ) và thể dục (giáo dục thể chất) thì mĩ dục (giáo dục thẩm mĩ) cũng là một thành tố quan trọng góp phần đắc lực vào việc xây dựng con người phát triển hài hòa, toàn diện. Giáo dục thẩm mĩ là hoạt động giáo dục hướng đến mục tiêu hình thành các năng lực thẩm mĩ nơi người học, cụ thể là hình thành ý thức thẩm mĩ, thị hiếu thẩm mĩ, quan điểm thẩm mĩ, lý tưởng thẩm mĩ, tình cảm thẩm mĩ... thông qua nhiều nội dung và phương pháp giáo dục khác nhau. Thành quả của giáo dục thẩm mĩ là những con người có ý thức thẩm mĩ tốt, có thị hiếu thẩm mĩ lành mạnh, có năng lực cảm thụ và sáng tạo những giá trị thẩm mĩ trong cuộc sống, từ đó phát triển nhân cách con người sinh động, đa dạng và toàn diện. Có thể nói giáo dục thẩm mĩ là xây dựng sự đa dạng và chiều sâu của văn hóa, xây dựng phẩm chất nhân văn cho con người, xây dựng sự bền vững của đời sống xã hội.

   Trên thực tế, giáo dục thẩm mĩ trong trường học ở nước ta suốt mấy chục năm qua dường như chưa được quan tâm đầu tư nhiều, nếu có thì hoạt động này cũng diễn ra theo những định hướng chật hẹp và cũ kỹ, chưa kịp thời cập nhật những giá trị và xu hướng phát triển mới. Bên cạnh đó, sự quan tâm đầu tư cho giáo dục thẩm mĩ cũng không đồng đều giữa các địa bàn, các lĩnh vực chuyên môn, tạo nên sự mất cân bằng và mất công bằng giữa các nhóm đối tượng. Khi truyền thông đa phương tiện phát triển mạnh mẽ, kết nối trên các nền tảng công nghệ đang trở nên nhanh chóng và phổ quát, trở thành một phần quan trọng không thể thiếu trong đời sống tinh thần của xã hội thì giáo dục thẩm mĩ càng phải được xem trọng. Sự thiếu vắng năng lực thẩm mĩ đẩy một bộ phận người dùng thiết bị công nghệ, nhất là giới trẻ, chạy theo những sản phẩm giải trí tầm thường, thậm chí là nhảm nhí và dung tục. Điều đó thật sự rất đáng lo ngại.

   Trong trường đại học, giáo dục thẩm mĩ cũng chưa được tiến hành một cách đúng đắn, đầy đủ và bài bản. Một khoảng thời gian dài giáo dục thẩm mĩ chỉ được tiến hành rộng rãi một cách có tổ chức và định hướng thông qua các phong trào Đoàn - Hội. Điều đó vô hình trung khiến cho giáo dục thẩm mĩ chưa phát huy tốt vai trò của nó, những hoạt động mang tính phong trào bề nổi chưa thật sự lay động trái tim và cảm xúc thẩm mĩ của đông đảo sinh viên, chưa góp phần hình thành năng lực thẩm mĩ cho sinh viên. Ở một số chuyên ngành, đặc biệt thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn cũng như lĩnh vực nghệ thuật, sinh viên được học lý luận về các giá trị thẩm mĩ qua các học phần Mĩ học đại cương, Lý luận văn học, Lý luận nghệ thuật học, Lý luận âm nhạc... Đương nhiên, các học phần đó chỉ áp dụng cho sinh viên ở một số chuyên ngành hẹp, trang bị những kiến thức lý luận bước đầu về thẩm mĩ và nghệ thuật, việc hình thành các năng lực thẩm mĩ còn phải được bồi dưỡng qua thời gian dài và cần được thể nghiệm trên chính các loại hình nghệ thuật cụ thể.

   Có thể nói bản chất của giáo dục thẩm mĩ là thúc đẩy sự phát triển của con người lên mức toàn diện và tự do nhất. Trong môi trường đại học, giáo dục thẩm mĩ có vai trò nâng cao năng lực thẩm mĩ (gồm năng lực cảm thụ thẩm mĩ, năng lực giám thưởng thẩm mĩ và năng lực sáng tạo thẩm mĩ). Trong đó, năng lực cảm thụ thẩm mĩ là năng lực lĩnh hội và nắm bắt đối với chỉnh thể đối tượng thẩm mĩ, năng lực này ngoài một phần nhỏ là nhân tố thiên bẩm, phần lớn còn lại được hình thành và phát triển thông qua các hoạt động giáo dục thẩm mĩ. Năng lực giám thưởng thẩm mĩ là năng lực thưởng thức và bình phẩm các đối tượng thẩm mĩ, nhờ năng lực này mà sinh viên có thể phán đoán một cách chính xác đối tượng thẩm mĩ đó là đẹp hay xấu, có khả năng thưởng thức các đối tượng thẩm mĩ thuộc nhiều hình thức và phạm trù khác nhau. Năng lực sáng tạo thẩm mĩ là mức độ cao nhất của năng lực thẩm mĩ, năng lực này được hình thành thông qua quá trình giáo dục thẩm mĩ và tích lũy các kinh nghiệm thẩm mĩ của người học. Sinh viên có năng lực này thường có đầu óc nhạy bén, tư duy sáng tạo cao, kiểm soát tốt cảm xúc, tự chủ trong ý thức sáng tạo. Giáo dục thẩm mĩ còn hướng sinh viên đến sự thăng hoa cảm xúc, vượt lên trên những ham muốn lợi ích thực tại, hướng đến những giá trị lý tưởng cao đẹp, nâng tầm văn hóa lẫn tầm nhân cách. Trong quan hệ giữa cá nhân sinh viên với môi trường tự nhiên và xã hội, giáo dục thẩm mĩ giúp nâng tầm cảm xúc, hình thành tình yêu chân chính, trong đó có yêu bản thân, yêu người thân, yêu cộng đồng, yêu quốc gia, yêu thiên nhiên, yêu cuộc đời… Nhờ đó, họ cân bằng các mối quan hệ, đảm bảo sự phát triển hài hòa và bền vững.

   Bài viết bước đầu tìm hiểu hoạt động giáo dục thẩm mĩ ở một số quốc gia và vùng lãnh thổ của khu vực Đông Á, nơi có mối quan hệ địa lý và văn hóa gần gũi với Việt Nam. Qua một số đặc điểm về chủ trương, nguyên tắc, nội dung, phương pháp, thành tựu về giáo dục thẩm mĩ trong nhà trường ở Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan, bài viết rút ra một số bài học kinh nghiệm có thể áp dụng trong bối cảnh xã hội Việt Nam hiện nay.

   1. Giáo dục thẩm mĩ cho sinh viên đại học ở Nhật Bản

   Nhật Bản từ lâu được mệnh danh là quốc gia của cái đẹp. Văn hóa Nhật Bản đề cao cái đẹp, tính cách người Nhật ưa chuộng cái đẹp, mọi hoạt động hằng ngày của con người cũng hướng tới cái đẹp. Cái đẹp tồn tại khắp nơi, từ môi trường thiên nhiên đến xã hội, từ môi trường gia đình đến cá nhân mỗi con người. Thế nên, không phải ngẫu nhiên mà nhiều chuyên gia cho rằng văn hóa và tính cách người Nhật Bản thiên về chủ nghĩa duy mĩ. 

   Cái đẹp chỉ là một phạm trù của mĩ học nhưng là phạm trù quan trọng nhất. Nền giáo dục đại học Nhật Bản đã nhận thức, ứng xử với các giá trị thẩm mĩ như thế nào, đã tiến hành giáo dục thẩm mĩ ra sao, những bài học kinh nghiệm nào mà Việt Nam có thể học hỏi để áp dụng vào nền giáo dục đại học của mình... là những vấn đề sẽ được tập trung làm rõ dưới đây.

   Nhìn vào dòng chảy văn hóa Nhật Bản, có thể nhận thấy quan niệm thẩm mĩ và nền giáo dục thẩm mĩ của người Nhật chịu ảnh hưởng sâu sắc của triết lý Phật giáo. Chẳng hạn, quan niệm thẩm mĩ về tự nhiên của người Nhật giúp bồi dưỡng cho người học giá trị quan về sự hài hòa và hợp nhất của con người với tự nhiên, rèn luyện cho người học năng lực đồng tình và cộng cảm cũng như làm hình thành mĩ cảm về sự vô thường của sinh mệnh. “Vô thường” là một tư tưởng trọng tâm của Phật giáo, tồn tại trong ý niệm và suy tư của nhiều người Nhật. Hình ảnh hoa anh đào nở rực rỡ rồi nhẹ nhàng rơi theo gió gợi liên tưởng tới sự ngắn ngủi của kiếp người. Sống ở một quốc gia mà thiên tai xảy ra thường xuyên, người Nhật càng thể nghiệm sâu sắc về sự vô thường của sinh mệnh. Ngoài ra, sự mộc mạc, đơn sơ, tịch liêu, u huyền cũng là những đặc điểm trong cảm thức thẩm mĩ của người Nhật. Nghệ thuật trà đạo, thư đạo, hoa đạo hầu như cũng đều xoay quanh những cảm thức tinh tế và sâu sắc đó. Tất cả dường như đều có mối quan hệ mật thiết với tư tưởng hư vô, thanh tĩnh của Phật giáo mà cụ thể là Thiền tông của Nhật Bản. Trong hệ sinh thái văn hóa đó, người Nhật ngay từ nhỏ đã được giáo dục ý thức về cái đẹp, tức cái đẹp của sự thanh sạch, tinh khiết theo mĩ học Phật giáo Nhật Bản. Trước khi có giáo dục thẩm mĩ một cách chính thức và hệ thống từ chính quyền nhà nước Thiên Hoàng Minh Trị, hoạt động giáo dục thẩm mĩ của Nhật Bản có cội nguồn từ tôn giáo, tín ngưỡng trong môi trường văn hóa đậm đà bản sắc truyền thống đó.

   Năm 1872, dưới thời Minh Trị, Chính phủ đã công bố quyển Học chế - văn bản mang tính pháp quy mở đầu cho cuộc hiện đại hóa nền giáo dục. Đến 1885-1886, quyển sách luận bàn về giáo dục học phương Tây đầu tiên được Takamine Hideo (1853-1910) phiên dịch sang tiếng Nhật với tên gọi Giáo dục tân luận. Cũng lần đầu tiên trong chuyên luận này, các khái niệm “mĩ học”, “mĩ thuật”, “thẩm mĩ”, “mĩ dục” bắt đầu xuất hiện trong dịch phẩm. Giáo dục thẩm mĩ cho người học trong bối cảnh hệ thống giáo dục đang dần hiện đại hóa đã được chú trọng và áp dụng rộng rãi. Bên cạnh việc chịu ảnh hưởng sâu sắc của truyền thống Hán học trong giáo dục đạo đức và giáo dục thẩm mĩ, ngay từ sớm, Chính phủ Nhật Bản cũng đã vận dụng một cách có chọn lọc những tư tưởng giáo dục thẩm mĩ của phương Tây1.

   Trong xã hội Nhật Bản hiện đại, khi giá trị quan được đa nguyên hóa thì quan điểm thẩm mĩ cũng có tính đa dạng. Giáo dục thẩm mĩ được xem là con đường hữu hiện để bồi dưỡng phẩm chất công dân toàn cầu cho các thế hệ người học. Một loạt nội dung và phương pháp giáo dục thẩm mĩ được các trường đại học đưa ra để phát triển năng lực thẩm mĩ cho sinh viên. Trong chương trình giáo dục toàn diện, giáo dục thẩm mĩ thường được tích hợp vào các môn học về nghệ thuật, âm nhạc, văn hóa, thiết kế và các lĩnh vực khác liên quan đến thẩm mĩ. Theo đó, sinh viên có thể chọn học các môn học chuyên sâu trong lĩnh vực nghệ thuật mà họ quan tâm như hội họa, điêu khắc, nhiếp ảnh, thiết kế đồ họa, thiết kế thời trang... Điểm đáng chú ý là chương trình học rất xem trọng phần thực hành thông qua các dự án và bài tập thực tế. Trường đại học thường tổ chức các hoạt động ngoại khóa gắn liền với các câu lạc bộ để sinh viên có thêm cơ hội thực hành và giao lưu với người cùng sở thích. Nhiều hoạt động trải nghiệm thực tế, thực tập tại các doanh nghiệp hay tổ chức nghệ thuật được tổ chức để kết nối sinh viên với các chuyên gia. Bên cạnh đó, sinh viên cũng được khuyến khích tham gia các cuộc thi và triển lãm nghệ thuật để thể hiện bản lĩnh, tài năng của mình và sự công nhận từ cộng đồng nghệ thuật.

   Tóm lại, giáo dục thẩm mĩ cho sinh viên ở Nhật Bản hướng đến việc phát triển năng lực cảm thụ thẩm mĩ qua trực giác, bồi dưỡng các năng lực thẩm mĩ, phát triển năng khiếu nghệ thuật và khuyến khích sự sáng tạo của sinh viên. Trường đại học ở Nhật Bản thường tập trung vào việc cung cấp cơ hội và nguồn lực để sinh viên phát triển kỹ năng nghệ thuật của mình thông qua kết hợp giữa lý thuyết và thực hành cũng như sự hỗ trợ của giáo viên và cộng đồng nghệ thuật.

   2. Giáo dục thẩm mĩ cho sinh viên đại học ở Trung Quốc

   Từ sau phong trào Ngũ Tứ, quan niệm giáo dục phương Tây bắt đầu phát triển mạnh mẽ ở Trung Quốc. Hai nhà văn hóa, nhà giáo dục tiên phong đề cao vai trò của giáo dục thẩm mĩ là Vương Quốc Duy và Thái Nguyên Bồi. Vương Quốc Duy (1877-1927) chia năng lực con người thành hai phần là năng lực thể chất và năng lực tinh thần, trong đó năng lực tinh thần gồm có ba bộ phận là trí lực, tình cảm và ý chí, tươngứng với ba phẩm chất chân -thiện - mĩ. Trí dục giúp hình thành trí lực, đức dục giúp hình thành ý chí và mĩ dục giúp hình thành tình cảm. Vì vậy, giáo dục thẩm mĩ trong nhà trường sẽ giúp tình cảm người học ngày một phát triển, giúp người học được giáo dục toàn diện, hoàn thiện, hoàn mĩ2.

   Tiếp theo đó, Thái Nguyên Bồi(1868-1940) sau khi học các ngành triết học, tâm lý học và lịch sử nghệ thuật tại Đại học Leipzig của Đức đã trở về tham gia nội các Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc với chức vụ Bộ trưởng Bộ Giáo dục lâm thời, đến năm 1916 làm Giám đốc Đại học Bắc Kinh. Ông là nhà giáo tiên phong kêu gọi xem trọng đồng đều 5 nội dung của nền giáo dục quốc dân là trí dục, đức dục, thể dục, quần dục (giáo dục hòa nhập cộng đồng) và mĩ dục. Trong đó, lần đầu tiên giáo dục thẩm mĩ được đề cập một cách có hệ thống, được quan tâm nghiên cứu và áp dụng phổ biến trong môi trường đại học. Có thể nói Thái Nguyên Bồi là một trong những người (gồm cả Lý Thạch Sầm, Chu Quang Tiềm) đặt nền móng tư tưởng cho giáo dục thẩm mĩ ở Trung Quốc hiện đại. Đến nay tư tưởng giáo dục thẩm mĩ của ông vẫn còn được áp dụng rộng rãi trong các trường đại học ở Đài Loan, Hồng Kông, Ma Cao...3.

   Từ sau Cách mạng Văn hóa (1969-1979), ngành giáo dục Trung Quốc dần bước ra những định kiến sai lầm trước đó, trở lại với quỹ đạo phát triển đúng đắn. Giáo dục thẩm mĩ từ đó cũng dần thoát khỏi sự đè nén chính trị nặng nề, được các giới trong xã hội xem trọng trở lại. Từ 1886 đến 1990, Chính phủ Trung Quốc ban bố một loạt các văn kiện yêu cầu trường học các cấp phải chấp hành và quán triệt phương châm phát triển toàn diện đức dục, trí dục, thể dục và mĩ dục. Tháng 2/1993, trong Đề án cải cách và phát triển giáo dục Trung Quốc, Chính phủ Trung Quốc lần đầu tiên có hẳn một điều bàn về tác dụng của giáo dục thẩm mĩ trong trường học. Liên tiếp sau đó, nhiều hội thảo khoa học được tổ chức để bàn bạc sâu hơn và đi đến thống nhất mục tiêu, nội dung, giáo trình, phương pháp, giáo cụ dành cho hoạt động giáo dục thẩm mĩ. Đáng chú ý là việc gắn liền giáo dục thẩm mĩ với giáo dục phẩm chất công dân, hướng đến mục tiêu giáo dục công dân toàn cầu. Để cụ thể hóa những chính sách đó, nhiều kế hoạch khác nhau được thực thi như thành lập kho dữ liệu số phục vụ giáo dục nghệ thuật ở nhiều cơ sở đào tạo, tạo cơ hội truy cập cho cá nhân, tổ chức có nguyện vọng tiếp cận tư liệu phục vụ giáo dục nghệ thuật.

   Bước vào thế kỷ XXI, giáo dục thẩm mĩ trong trường học ở Trung Quốc đi vào ổn định khi tháng 7/2002, Bộ Giáo dục Trung Quốc ban bố pháp lệnh Quy trình công tác giáo dục nghệ thuật trong trường học, sau đó là nhiều văn kiện liên quan đến giáo dục nghệ thuật khác. Giới nghiên cứu giáo dục thẩm mĩ cũng theo đó bàn luận sâu sắc hơn về bản chất, nội hàm, công năng, biện pháp thực thi của giáo dục thẩm mĩ trong trường học. Ngày 15/9/2015, Văn phòng Chính phủ tiếp tục ban hành Ý kiến tăng cường toàn diện và cải tiến công tác giáo dục thẩm mĩ trong trường học, xác định hệ thống môn học giáo dục thẩm mĩ với tư cách là một khoa học, cải tiến công tác dạy học trong giáo dục thẩm mĩ, hệ thống hóa nguồn tư liệu giáo dục thẩm mĩ trong trường học và trong toàn xã hội, xác định rõ ràng hơn mục tiêu giáo dục thẩm mĩ trong trường học. Đến ngày 3/12/2015, hơn 140 cơ sở giáo dục đại học và các cơ quan liên quan khác thành lập Liên minh giáo dục thẩm mĩ toàn quốc. Nhân dịp đó, Tạp chí Giáo dục Nhân dân cũng xuất bản chuyên san với chủ đề cải tiến giáo dục thẩm mĩ trong trường học. Những điều đó cho thấy, từ nhận thức đến hoạt động thực tiễn, giáo dục thẩm mĩ đang là chủ đề được giới làm chính sách và giới làm khoa học giáo dục Trung Quốc quan tâm chú ý4.

   Mặc dù có nhiều tiến bộ trong nhận thức và hành động thực tiễn, tuy nhiên nguyên tắc và phương pháp giáo dục thẩm mĩ trong nhiều trường đại học của Trung Quốc vẫn còn chịu sự chi phối quá chặt chẽ của quan điểm chính trị. Điển hình là phát biểu của Giáo sư Nghiêm Bảo Du (Đại học Bắc Kinh): “Ngày nay, nguyên tắc lý luận quan trọng nhất mà giáo dục thẩm mĩ trong trường học phải tuân theo chính là kiên trì chủ nghĩa Marx, kiên định vào niềm tin chủ nghĩa xã hội và kiên trì phương châm giáo dục của Đảng”. Dưới nguyên tắc mang tính bao quát đó là những nguyên tắc cụ thể, có phần khách quan hơn, như phát biểu của Triệu Linh Lợi: “Kết hợp giáo dục giá trị quan thẩm mĩ với giá trị quan nhân sinh, kết hợp bồi dưỡng trí lực với bồi dưỡng năng lực thẩm mĩ, kết hợp vực dậy cảm thụ thẩm mĩ với nâng cao nhận thức thẩm mĩ, kết hợp bồi dưỡng năng lực mĩ cảm thông qua liên tưởng và tưởng tượng với giáo dục lý tính, kết hợp giữa hoạt động tâm lý tự do với dẫn dắt đến mục đích giáo dục phù hợp...”5.

   Tóm lại, Trung Quốc có một nền tư tưởng - triết học đồ sộ, có một nền văn học, nghệ thuật truyền thống giàu bản sắc và có chiều sâu, có nhiều điều kiện tự nhiên và xã hội khá thuận lợi để khai thác, vận dụng vào công tác giáo dục thẩm mĩ cho sinh viên trong trường đại học. Tuy nhiên, sự đứt gãy văn hóa có hệ thống thời cận hiện đại khiến cho ba hệ thống tư tưởng Nho - Phật - Đạo mất đi vai trò là bệ đỡ đời sống tinh thần của xã hội, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa diễn ra quá nhanh chóng khiến cho sự dịch chuyển của đạo đức và nhân văn không theo kịp, dẫn đến nhiều vấn đề còn tồn tại ngổn ngang trong đời sống xã hội Trung Quốc đương đại. Trong bối cảnh đó, việc nhận thức để tìm hướng đi cho giáo dục thẩm mĩ ở Trung Quốc còn tiếp tục tồn tại nhiều bất đồng và mất thêm nhiều thời gian nữa. Tình hình có vẻ khả quan hơn ở Đài Loan, Hồng Kông, Ma Cao, những vùng lãnh thổ có tư tưởng cởi mở hơn và đã sớm tiếp nhận quan điểm giáo dục thẩm mĩ của các nhà giáo dục tiên phong, cấp tiến, am hiểu sâu về giáo dục Đông - Tây thời kỳ đầu.

   3. Giáo dục thẩm mĩ cho sinh viên đại học ở Đài Loan

   Giáo dục thẩm mĩ ở Đài Loan từ thế kỷ XVII trở đi nằm trong quỹ đạo của nền giáo dục thời quân chủ ở Trung Quốc dưới hai triều Minh - Thanh. Di dân sang Đài Loan đa phần đến từ Phúc Kiến (đất Mân) nên nền văn hóa, nghệ thuật Đài Loan đậm đà dấu ấn Mân Nam. Có thể nói, từ thế kỷ XVII đến cuối thế kỷ XIX, văn hóa truyền thống của người Hán ở Phúc Kiến, mà trọng tâm là ba hệ thống tư tưởng thẩm mĩ Nho - Phật - Lão cùng với tín ngưỡng dân gian giữ vị trí nền tảng tinh thần của xã hội Đài Loan. Trong suốt 50 năm dưới thời kỳ Nhật trị (1895-1945), nền giáo dục Đài Loan phát triển theo định hướng giáo dục của Nhật Bản. Thực dân Nhật đương thời đã dùng đến quyền lực chính trị của mình, mang những kinh nghiệm “khai hóa văn minh” dưới thời Duy Tân mà vua Minh Trị thực thi ở bản quốc đến áp dụng một cách hệ thống và toàn diện ở Đài Loan. Từ đó, người dân Đài Loan bắt đầu học tập khoa học kỹ thuật, văn hóa giáo dục, tư tưởng học thuật, phương thức sinh hoạt và tập quán xã hội của phương Tây cận đại.

   Từ năm 1919 trở đi, đời sống văn hóa ở Đài Loan mới thật sự phát triển hơn khi vị văn quan Den Kenjirō (1855-1930) lên làm Tổng đốc thay thế cho các vị võ quan trước đó. Đặc biệt, những lớp trí thức Đài Loan đầu tiên du học Nhật Bản trở về đã tích cực tham gia xây dựng nền giáo dục, văn nghệ hiện đại ở quê nhà theo mô hình Nhật Bản. Nhiều tổ chức và tạp chí văn hóa, nghệ thuật, giáo dục ra đời đề cao vai trò của giáo dục thẩm mĩ cho người học như Hiệp hội Văn hóa Đài Loan, Nhất Lư Hội, Thất Tinh Họa Hội, Tạp chí Đài Loan mĩ thuật, Nam Quốc mĩ thuật... Đến năm 1945, Thế chiến thứ hai kết thúc, Đài Loan được trả lại cho Chính phủ Trung Hoa Dân Quốc và phát triển văn nghệ theo định hướng riêng so với Trung Quốc đại lục từ năm 1949 đến nay.

   Hiện nay, giáo dục thẩm mĩ tại các trường đại học Đài Loan đã trở thành một bộ phận không thể tách rời của giáo dục công dân toàn cầu theo tầm nhìn và định hướng của Chính phủ. Giáo dục thẩm mĩ cho sinh viên ở Đài Loan có sự đa dạng về nội dung lẫn phương pháp giảng dạy, phù hợp với nền chính trị dân chủ đa nguyên, nền học thuật khai phóng và nền văn hóa đa dạng của vùng lãnh thổ này. Ngoài các lớp học về lý thuyết và lịch sử nghệ thuật, bao gồm nghệ thuật cổ điển và đương đại của Đài Loan và thế giới, được mở thường xuyên ở các trường đại học Đài Loan, sinh viên thuộc tất cả các chuyên ngành được quyền chọn học các học phần mình thích thuộc khối kiến thức giáo dục đại cương và khối kiến thức cơ sở ngành, trong đó có các môn: quốc văn, âm nhạc, hội họa, diễn xuất, vũ đạo, đồ họa, thời trang... Nhà trường cũng chú trọng bồi dưỡng năng lực thẩm mĩ và chiều sâu cảm xúc cho người học thông qua các câu lạc bộ, đội nhóm chuyên môn do sinh viên thành lập và vận hành như: câu lạc bộ văn thơ, câu lạc bộ âm nhạc, câu lạc bộ hội họa, câu lạc bộ thiền – yoga, câu lạc bộ thư pháp, câu lạc bộ vũ đạo... Nhiều cuộc thi thường niên được các khoa, viện mở ra để khuyến khích sinh viên tham gia như thi sáng tác văn chương, thi biểu diễn văn nghệ, thi đấu thể dục thể thao... để động viên, khích lệ sinh viên tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao.

   Trong số hơn 140 cơ sở giáo dục đại học, Trường Đại học Hoa Phạn là một trường hợp thực hành giáo dục thẩm mĩ cho sinh viên điển hình và thú vị. Trường được thành lập năm 1990 bởi cộng đồng Phật giáo, tuy là trường đa ngành nhưng nhất quán chủ trương chú trọng giáo dục đạo đức và thẩm mĩ cho người học. Học viện Nhân văn và Nghệ thuật phụ trách giáo dục thẩm mĩ cho sinh viên toàn trường, họ đã dựa trên “lục nghệ” thời cổ đại của Trung Quốc (cầm, kỳ, thi, họa, xạ, ngự) để cải tiến thành “tân lục nghệ”, tức 6 môn nghệ thuật mới, để bồi dưỡng năng lực thẩm mĩ cho sinh viên là: cầm (琴 cổ cầm), đào (陶 làm đồ gốm thủ công), thư (書 thư pháp), họa (畫 tranh thủy mặc), trà (茶 trà đạo, tiếp nhận từ Nhật Bản), hoa (花 cắm hoa, tiếp nhận từ Nhật Bản). Nhóm môn học “tân lục nghệ” này thuộc khối giáo dục thường thức, sinh viên tất cả các ngành trong trường trước khi tốt nghiệp phải đăng ký học tập ít nhất 2 loại hình nghệ thuật tùy theo sở thích và nguyện vọng. Sinh viên được khuyến khích học hết cả 6 loại nếu có nguyện vọng và điều kiện cho phép. Mô hình này trở thành tấm gương điển hình cho giáo dục thẩm mĩ ở trường đại học trong bối cảnh xã hội hiện đại Đài Loan.

   4. Kết luận

   Fr. Schiller (1759-1805) - triết học gia người Đức khẳng định chỉ có trải qua giáo dục thẩm mĩ thì con người mới đạt được sự phát triển đầy đủ và hài hòa giữa lý tính và cảm tính, mới có thể phát triển hoàn thiện, hoàn mĩ về nhân cách, từ đó thúc đẩy xã hội phát triển bền vững. Nhận thức của ông về giáo dục thẩm mĩ vẫn còn nguyên vẹn giá trị đến ngày nay, được nhiều nền giáo dục tiên tiến trên thế giới áp dụng và đóng góp lớn cho sự phát triển nguồn nhân lực, phẩm chất công dân và kinh tế đất nước.

   Ở Việt Nam, giáo dục thẩm mĩ cũng đã được nhiều nhà tư tưởng, nhà giáo dục tiên phong đầu thế kỷ XX khẳng định, được áp dụng đầu tiên trong hệ thống trường học Pháp - Việt và được cổ xúy mạnh mẽ trên nhiều tờ báo quốc ngữ ra đời ở cả ba miền. Tuy nhiên, do hoàn cảnh chiến tranh và nhiều biến động xã hội khác, giáo dục thẩm mĩ theo quan điểm tiến bộ mới tiếp tục được thảo luận từ thập niên 1980 đến nay. Còn nhiều phương diện lý thuyết lẫn thực tiễn cần tiếp tục nghiên cứu, bàn luận và thống nhất thành quan điểm, chủ trương nhất quán. Đối với giáo dục thẩm mĩ trong trường đại học, cần tiếp tục hoàn thiện về mặt lý luận, thu thập những bài học kinh nghiệm thực tiễn quý giá, từ đó cụ thể hóa thành những quy định rõ ràng, chặt chẽ trong luật giáo dục đại học và nhiều nghị định, thông tư khác liên quan đến hoạt động giáo dục bậc đại học.

   Cần giới thiệu thêm một điểm sáng trong giáo dục thẩm mĩ cho sinh viên đại học trong thời gian gần đây mà các trường đại học khác có thể tham khảo là trường hợp hệ thống Đại học FPT. Trong chương trình đào tạo các ngành của trường này, Âm nhạc dân tộc là môn học bắt buộc của tất cả sinh viên, thậm chí còn trở thành điều kiện không thể thiếu để có thể nhận bằng tốt nghiệp. Chính sách này của nhà trường giúp cho nhiều bạn trẻ theo đuổi lĩnh vực khoa học kỹ thuật và khoa học công nghệ được giáo dục thẩm mĩ một cách có tổ chức và có hệ thống để trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển toàn diện cho xã hội sau này.

 

 

 

Tài liệu tham khảo:
1. Bá Dịch Mân (柏奕旻): “Giáo dục thẩm mĩ hướng về “không gian mĩ học thế giới”: khảo sát lịch sử khái niệm từ Minh Trị đến Ngũ Tứ” (走向“世界美学空间” 的“美育”---- 一个“明治—五四”的概念史 考察), Văn học bình luận, kỳ 4 năm 2020, tr. 56-64.
2. Chu Cẩm Hạc (周锦鹤): “Suy nghĩ về công tác bồi dưỡng tố chất thẩm mĩ cho sinh viên đại học đương đại” (当代大学 生审美素质培养思考), Tây Xương Nông nghiệp Cao đẳng Chuyên khoa Học hiệu Học báo (西昌农业高等专科学校学 报), quyển 18, kỳ 4, tháng 12/2004.
3. Trần Mộc Kim (陳木金) (1999): “Nghiên cứu quan điểm và thuyên thích về giáo dục về cảm thụ thẩm mĩ” (美感教育的 理念與詮釋之研究), Kỷ yếu Hội thảo khoa học Giáo dục toàn diện con người và giáo dục cảm thụ thẩm mĩ (「全人教 育與美感教育詮釋與對話研討會」學術 研討會), tr. 36-51.
4. Trần Quốc Xuyên (陳國川): “Sự phát triển của mỹ dục và thiết kế giáo trình địa lý” (美育的發展與地理教材的設計, Báo cáo Nghiên cứu địa lý Đại học Sư phạm (師大地理研究報告), kỳ 22, tháng 10/1994, tr. 21-36.
5. Trịnh Phú Hưng (郑富兴): “Góc độ thẩm mĩ của giáo dục công dân” (公民教育的 审美之维), Giáo dục học báo (教育学报), quyển 15 kỳ 1, tháng 2/2019.
6. Vương Đẳng Đẳng, Trương Nguyệt Hà (王等等,张月霞): “30 năm nghiên cứu giáo dục thẩm mĩ trong trường học Trung Quốc: Hồi cố, phản tư và triển vọng” (我国学校美育研究30 年: 回顾、 反思与展望), Mỹ dục học san (美育学刊), kỳ 6 năm 2016, tr. 15-21.

Chú thích:
1 Bá Dịch Mân (柏 奕 旻 ): “Giáo dục thẩm mĩ hướng về “không gian mĩ học thế giới”: khảo sát lịch sử khái niệm từ Minh Trị đến Ngũ Tứ” (走向“世界 美学空间”的“美育”---- 一个“明治—五四”的概念史 考察), Văn học bình luận, kỳ 4 năm 2020, tr. 56-64.
2 Trần Quốc Xuyên (陳國川): “Sự phát triển của mỹ dục và thiết kế giáo trình địa lý” (美育的發展 與地理教材的設計, Báo cáo Nghiên cứu địa lý Đại học Sư phạm (師大地理研究報告), kỳ 22, tháng 10/1994, tr. 21-36.
3 Trần Mộc Kim (陳木金) (1999): “Nghiên cứu quan điểm và thuyên thích về giáo dục về cảm thụ thẩm mĩ” (美感教育的理念與詮釋之研究), Kỷ yếu Hội thảo khoa học Giáo dục toàn diện con người và giáo dục cảm thụ thẩm mĩ (「全人教 育與美感 教育詮釋與對話研討會」學術研討會), tr. 36-51.
4, 5 Vương Đẳng Đẳng, Trương Nguyệt Hà (王等 等,张月霞): “30 năm nghiên cứu giáo dục thẩm mĩ trong trường học Trung Quốc: Hồi cố, phản tư và triển vọng” (我国学校美育研究30 年: 回顾、反思与 展望), Mỹ dục học san (美育学刊), kỳ 6 năm 2016, tr. 15-21.

Bình luận

    Chưa có bình luận