GIÁO DỤC THẨM MĨ CHO GIỚI TRẺ BẰNG NGHỆ THUẬT ĐIỆN ẢNH

Bài viết phân tích về thẩm mĩ chung của giới trẻ trong xã hội hiện đại và khẳng định việc định hướng giáo dục thị hiếu thẩm mĩ cho giới trẻ trong hệ thống giáo dục đại học là cần thiết. Đồng thời đề xuất định hướng thẩm mĩ cho giới trẻ bằng nghệ thuật điện ảnh bởi đó là một loại hình nghệ thuật có nhiều lợi thế, mang tính tổng hòa của nhiều loại hình nghệ thuật và là một trong những lĩnh vực có sức tác động lớn.

   1. Thẩm mĩ chung của giới trẻ hiện nay

   Thẩm mĩ của giới trẻ luôn là một trong những chủ đề có sức hút sự chú ý của cộng đồng, xã hội. Giới trẻ là những người khá phức tạp về tâm lý lứa tuổi, về cá tính và phong cách sống, về văn hóa ứng xử.

   Cuộc sống của giới trẻ ngày nay dường như gắn liền với chiếc điện thoại thông minh. Trong bối cảnh hội nhập, xuất hiện ngày càng nhiều dạng thị hiếu thẩm mĩ khác nhau, có thể nhận thấy qua phong cách ăn mặc, lối cảm thụ thẩm mĩ hoặc ngôn ngữ giao tiếp, ứng xử… Vì vậy, việc định hướng giáo dục thị hiếu thẩm mĩ cho giới trẻ trong hệ thống giáo dục đại học thật sự rất cần thiết. Hiểu rõ đặc điểm tâm lý, lối sống và văn hóa giới trẻ là điều quan trọng, có thể giúp cho hoạt động giáo dục thẩm mĩ trong hệ thống giáo dục đại học được hiệu quả hơn.

   Thế giới “mở” hiện nay đã tạo điều kiện cho giới trẻ tiếp thu cái mới rất nhanh nhạy, vì vậy, trong quá trình tiếp xúc với các nền văn hóa khác nhau sẽ không tránh khỏi việc tiếp nhận nhanh những giá trị văn hoá không phù hợp với chuẩn mực xã hội, với truyền thống văn hoá của dân tộc. Ở độ tuổi còn non trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm sống, một bộ phận giới trẻ chịu sự tác động mạnh mẽ từ những vấn đề đương đại, như làn sóng văn hóa đại chúng, đã góp phần cổ xúy cho sự dễ dãi trong quan niệm tình yêu và hôn nhân; sự bùng nổ các gameshow chạy theo xu hướng có hơi hướng lập dị; hoặc trào lưu đề cao cái tôi cá nhân trên các phương tiện truyền thông đã tác động mạnh đến giới trẻ. Hiện tượng “chạy theo trào lưu” ngày càng phổ biến đã tạo nên những “cơn sốt ảo” về giá trị văn hoá, dẫn đến sự mơ hồ về thị hiếu thẩm mĩ - nếu thiếu đi một sự định hướng, giới trẻ sẽ dần hình thành một lối sống “ảo”, thờ ơ, thực dụng…

   Đặc điểm tâm lý của giới trẻ là thích tạo sự chú ý, thể hiện cá tính riêng nên cũng không thể phủ nhận rằng các hiện tượng gây sốc của giới trẻ có thể xem như một sự phản ứng của ý thức hệ trước những nhìn nhận, đánh giá của thế hệ đi trước. Khi nghiên cứu về giới trẻ trong xã hội hiện đại ngày nay, chúng ta thường dạy dỗ, giáo dục thế hệ trẻ theo những hệ quy chuẩn của các thế hệ trước mà ít khi quan tâm đến sở thích, nhu cầu theo đặc điểm tâm lý lứa tuổi, những giá trị văn hoá phù hợp với thế hệ trẻ. Sự phản ứng này của giới trẻ cũng phần nào phản ánh việc cần phải xây tạo một hệ giá trị mới, một xu hướng thẩm mĩ mới với những chuẩn mực mới để phù hợp với giới trẻ hiện nay, đặc biệt là trong bối cảnh toàn cầu hóa.

   Giới trẻ thích nhanh chóng tiếp nhận cái mới thông qua phim ảnh, âm nhạc hay các loại hình nghệ thuật giải trí khác.

   Đã có một thời gian giới trẻ ở Thành phố Hồ Chí Minh “lên cơn sốt” với hàng loạt phim truyền hình Hàn Quốc. Giới trẻ không chỉ chú tâm đến những mối tình ngang trái nhiều nước mắt hay những căn bệnh hiểm nghèo, những cuộc tình chia ly trắc trở trong phim mà họ còn để ý xem ngôi sao này mặc thời trang gì, diễn viên kia đã đổi kiểu tóc ra sao. Làn sóng “Hàn hóa” sau khi xem phim đã tạo nên xu hướng thẩm mĩ “mắt nâu môi trầm”. Khi những giấc mơ về công lý, về câu chuyện chính nghĩa - chiếc cầu nối cho sự ra đời của dòng phim cao bồi miền Viễn Tây được cả thế giới say mê (trước khi dòng phim siêu anh hùng làm bá chủ Hollywood) thì người xem hào hứng đua nhau mặc áo da, quần jean, đội mũ cao bồi, hút loại thuốc giống như các nhân vật cao bồi thần tượng ở trong phim...

   Ngày nay, giới trẻ tiếp cận với mạng xã hội hằng ngày, trong đó, các chương trình giải trí được đặc biệt quan tâm. Thời kỳ khoa học kỹ thuật phát triển rất mạnh mẽ, mạng xã hội đóng vai trò, vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của các bạn trẻ. Ngoài mặt tích cực, lượng thông tin qua các phương tiện nghe nhìn nếu thiếu sàng lọc hay kỹ năng để chọn lựa và không được định hướng, những người trẻ có thể sẽ bị cuốn trôi trong dòng thông tin nhiều chiều.

   Giới trẻ ngày nay được hưởng thụ những cách thức giải trí phong phú hơn thế hệ trước rất nhiều. Giới trẻ là đối tượng xem phim nhiều nhất, mỗi năm giới trẻ Thành phố Hồ Chí Minh xem một lượng phim lớn từ nhiều nguồn như: xem ở rạp, trên truyền hình trong nước và từ các kênh truyền hình nước ngoài...

   Cuộc sống của giới trẻ hôm nay gắn liền với chiếc điện thoại, mạng xã hội ngay lập tức đáp ứng mọi nhu cầu giải trí. Các bạn trẻ xem phim thiếu chọn lọc, kéo theo đó là lối sống buông thả, xu hướng giải quyết vấn đề bằng bạo lực theo kiểu phim hành động… đang dần gia tăng và là nỗi lo ngại chung của toàn xã hội. Bên cạnh đó có một bộ phận thanh thiếu niên thích xem những bộ phim hài dễ dãi, nhợt nhạt để “mua vui”... Thực trạng phim hài (hay phim có yếu tố gây cuời) mà nhiều nhà báo gọi là “hài nhảm” vẫn chiếm lĩnh màn ảnh với số doanh thu rất cao. Những điều trên làm ảnh hưởng tới thẩm mĩ của người xem mà phần đông là giới trẻ. Trong thực tế còn nhiều bạn trẻ chỉ thích thưởng thức âm nhạc nước ngoài hoặc âm nhạc giải trí, nhạc đại chúng mà hoàn toàn không có chút kiến thức về âm nhạc hàn lâm cũng như âm nhạc dân tộc cổ truyền. Giới trẻ ngày nay không còn thích xem các loại hình kịch hát dân tộc như tuồng, chèo hay cải lương. Các loại hình kịch hát truyền thống không còn thu hút được các bạn trẻ.

   Ngoài ra, một hệ quả của việc chạy theo thị hiếu của công chúng là thanh thiếu niên thích nghe nhạc ngoại như nhạc Hoa, Hàn Quốc, Nhật Bản mà không hề quan tâm tới âm nhạc dân tộc hay sân khấu tuồng, chèo, cải lương... bởi họ ít hiểu về nghệ thuật kịch hát dân tộc hay âm nhạc dân tộc.

   2. Nghệ thuật và vấn đề toàn cầu hóa

   Trong thời kỳ toàn cầu hóa hiện nay, vấn đề cấp thiết đặt ra với mỗi dân tộc là giữ gìn bản sắc văn hóa để giúp dân tộc ấy được nhận diện trong sự hòa hợp với các dân tộc khác trên thế giới. Vì vậy cũng sẽ khó khăn khi đưa ra những chuẩn mực và giải pháp nâng cao thẩm mĩ nếu chỉ dựa vào quan niệm truyền thống. Trong xu thế hội nhập, nhân loại đang khuyến khích và đánh giá cao việc chấp nhận sự khác biệt văn hóa, coi đó như một biểu hiện đầy tính nhân văn.

   Mỗi dân tộc đều có truyền thống văn hóa, lịch sử riêng, đó là nét đặc trưng, hồn cốt mà mỗi dân tộc cần phải gìn giữ. Dường như phần lớn những phim châu Á như phim của điện ảnh Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Iran và Việt Nam khi đạt giải tại các Liên hoan Phim quốc tế đều là những bộ phim mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc vì họ biết đi từ con đường nhỏ của dân tộc để ra với con đường lớn của nhân loại. Hay như khi các đạo diễn Việt kiều về nước làm phim thì họ đều huớng tới việc dựa vào nền văn hóa gốc, văn hóa dân tộc để sáng tác. Khi làm phim hoặc đưa phim ra nước ngoài dự thi, những điều mà văn hóa hội nhập cần chính là hồn cốt riêng, căn cốt riêng, sắc thái văn hóa riêng của mỗi dân tộc.

   Công việc cần thiết là khẳng định giá trị thẩm mĩ truyền thống trong nền văn hóa Việt Nam, nhìn nhận những mặt được hoặc chưa được về tính thẩm mĩ trong các tác phẩm điện ảnh hoặc các chương trình nghệ thuật biểu diễn, các vở diễn sân khấu. Qua đó khảo sát và nhận diện sở thích thẩm mĩ của công chúng, của khán giả trẻ đối với phim ảnh hoặc các chương trình nghệ thuật biểu diễn... Trên cơ sở đó gợi ra phương pháp tư duy sáng tạo nghệ thuật để tìm ra một ngôn ngữ thể hiện mới, làm mới các chương trình phù hợp với yêu cầu phát triển của các ngành nghệ thuật với phương châm kế thừa, phát huy những giá trị thẩm mĩ truyền thống, phù hợp với thuần phong mĩ tục, giữ gìn được bản sắc văn hóa dân tộc và cấu trúc tinh thần của người Việt Nam.

   Giáo dục thẩm mĩ mang nội dung xã hội sâu sắc cần phải đề cập đến tính dân tộc. Các chủ thể thẩm mĩ cảm thụ và sáng tạo cái đẹp bao giờ cũng ở một dân tộc nhất định. Xa rời nội dung tính dân tộc, giáo dục thẩm mĩ sẽ làm mất đi bản chất xã hội của nó.

   Vì điện ảnh thể hiện mọi vấn đề của cuộc sống, đi sâu vào tận cùng những ngóc ngách sâu xa của tâm sinh lý con người nên vấn đề tình yêu và khía cạnh tình dục cũng được điện ảnh quan tâm, khai thác. Đó là vấn đề mang đậm tính thời sự và nhạy cảm. Tuy nhiên, không thể lạm dụng nó như một thứ “mồi câu của thể loại” để câu lợi nhuận, bất chấp thuần phong mĩ tục. Cần có giải pháp nâng cao tính thẩm mĩ trong sáng tác nghệ thuật, đề xuất kế hoạch bồi dưỡng nâng cao trình độ thẩm mĩ thưởng thức cho công chúng, khán giả. Khi đề cập tới việc nâng cao thẩm mĩ trong nghệ thuật tức là nhấn mạnh đến tính chuyên nghiệp trong lĩnh vực sáng tác và biểu diễn. Đồng thời phải đào tạo các nghệ sĩ sáng tác có thẩm mĩ cao song trùng với việc giáo dục nâng cao thẩm mĩ, cảm thụ cho công chúng.

   Các loại hình nghệ thuật mang tính đại chúng cao như sân khấu và điện ảnh có sức hút đông đảo các tầng lớp khán giả để đổi mới sân khấu kịch hát dân tộc, đã có một số tác phẩm biết tiếp thu những giá trị tinh hoa của các bộ môn nghệ thuật sân khấu truyền thống, kết hợp cùng với sự cách tân để phù hợp hơn với thẩm mĩ của công chúng đương đại.

   Một trong những điều cần lưu tâm khi nghiên cứu và tiến hành hoạt động nâng cao thẩm mĩ trong nghệ thuật biểu diễn chính là sứ mệnh của công nghệ thông tin, bởi công nghệ thông tin phát triển như vũ bão, trở thành một yếu tố hết sức quan trọng trong việc làm tăng tốc giao lưu văn hóa. Với đặc trưng nhanh nhạy đó, công nghệ thông tin sẽ góp phần làm tăng giá trị văn hóa mới trong việc giao lưu văn hóa, truyền bá và làm biến đổi tư duy nhận thức thẩm mĩ theo một phổ rộng hơn.

   3. Sự tác động của nghệ thuật đối với thị hiếu thẩm mĩ của giới trẻ

   Những năm gần đây dư luận xã hội đã có những hồi chuông gióng lên phê phán về thảm họa của một số hoạt động “nghệ thuật” như “thảm họa nhạc Việt”, “thảm họa phim Việt” hay “thảm họa thời trang Việt”, trong đó có những vấn đề liên quan tới các bạn trẻ...

   Trước những biến đổi của xã hội và thực trạng thẩm mĩ hôm nay, nâng cao thẩm mĩ trong hệ thống giáo dục đại học là một việc làm cần thiết và cấp bách, tuy không hề đơn giản. Vì nâng cao thẩm mĩ là đề cập đến yếu tố cơ bản của mĩ học: chủ thể và khách thể thẩm mĩ. Nâng cao thẩm mĩ trong nghệ thuật là nâng cao trình độ, năng lực thẩm mĩ cho cả người sáng tác và người thưởng thức.

   Trong thời đại mới, công nghệ thông tin mang lại lợi ích vô cùng to lớn nhưng mặt khác, sự phát triển công nghệ thông tin, đặc biệt là mạng internet, cũng tạo ra vô vàn thách thức mà một trong những biểu hiện ấy là phổ biến, truyền tải những sản phẩm kém chất lượng, thậm chí là phản văn hóa đang diễn ra trên mạng xã hội, gây tác hại không nhỏ, ảnh hưởng xấu đến nhận thức thẩm mĩ của giới trẻ. Không ít biểu hiện lệch lạc trong tư duy thẩm mĩ nảy sinh, trở thành một thách thức không nhỏ đối với xã hội.

   Công nghệ thông tin ngày càng phát triển mạnh, ảnh hưởng sâu sắc đến thị hiếu thẩm mĩ của công chúng. Tồn tại quá nhiều quan điểm thẩm mĩ với quá nhiều lối sống lập dị, sự thiếu định hướng cho công chúng, tạo ra những khó khăn cho việc cảm thụ các tác phẩm nghệ thuật. Những giá trị nghệ thuật đích thực có thể bị lãng quên, thay vào đó là sự tung hô những cái “lạ hóa” mang tính tức thời, vô hình trung đã làm méo mó đi chuẩn giá trị thẩm mĩ. Cái hay, cái đẹp đích thực đôi khi phải nhường chỗ cho những xu thế mà theo cách nói của giới trẻ là “trend”, những sản phẩm mang sự phản cảm, phi mĩ. Khi đã có những dấu hiệu ảnh hưởng tiêu cực từ phim ảnh nước ngoài vào lối sống, trang phục, giao tiếp... của giới trẻ Việt Nam thì lời cảnh báo là cần thiết đối với các bạn trẻ.

   4. Vai trò của điện ảnh đối với việc giáo dục thẩm mĩ cho giới trẻ

   Phim ảnh là một trong những lĩnh vực có sức ảnh hưởng rất mạnh mẽ đến giới trẻ, từ trang phục đến tác phong, từ ngôn ngữ đến lối giao tiếp, ứng xử.

   Cũng cần phải khẳng định, không phải ai cũng bị phim ảnh nước ngoài tác động, lôi cuốn một cách thụ động bởi có nhiều bạn trẻ được trang bị khá đầy đủ về những kiến thức tổng quát, giỏi về công nghệ thông tin, xuất sắc về ngoại ngữ. Trên các diễn đàn của một số website, rất nhiều bạn trẻ đủ bản lĩnh để trao đổi, thậm chí có khả năng phê bình phim trong nước và nước ngoài một cách sâu sắc, thuyết phục.

   Từ trước đến nay, các loại hình nghệ thuật được coi là giữ vị trí trung tâm trong hình thức giáo dục thẩm mĩ. Xuất phát từ chức năng giáo dục của nghệ thuật, nó còn là phương tiện hữu hiệu của giáo dục thẩm mĩ.

   Giáo dục thẩm mĩ bằng các tư tưởng mĩ học là hình thức giáo dục cao nhất, nó cung cấp cho chủ thể thẩm mĩ những quan niệm cơ bản và đúng đắn để phân tích các giá trị thẩm mĩ.

   “Khả năng chữa lành những tổn thương tâm lý của nghệ thuật” đã được Picasso - họa sĩ thiên tài người Tây Ban Nha khẳng định: “Nghệ thuật gội rửa tâm hồn khỏi những bụi bặm của đời sống hàng ngày”. Những lợi ích của nghệ thuật được biết đến từ hàng nghìn năm trước. Có lẽ chính Aristotle là người đầu tiên nhắc tới tác dụng thanh tẩy (catharsis) của nghệ thuật (catharsis với nghĩa là thanh tẩy, xuất phát từ một từ trong tiếng Hy Lạp: “katharsis”).

   Nghệ thuật là sản phẩm của trí tưởng tượng và khả năng sáng tạo của con người, giúp con người cảm nhận và trải nghiệm bằng các giác quan, qua đó có thể chia sẻ cảm xúc, tư duy, mang lại niềm vui và hạnh phúc cho con người.

   Điện ảnh là một loại hình nghệ thuật có nhiều lợi thế vì điện ảnh là sự tổng hòa của nhiều loại hình nghệ thuật, tổng hợp các yếu tố thuộc hình ảnh và âm thanh để tạo nên chỉnh thể một bộ phim theo ý đồ sáng tạo nghệ thuật. Điện ảnh đã tạo lập được một không gian riêng, phản ánh cuộc sống, các vấn đề của cuộc sống một cách gần gũi, chân thật. Nó trở thành một công cụ đắc lực để truyền đi những thông điệp, những bài học giáo dục. Với lứa tuổi thanh niên, nhiều bạn trẻ rất có thể tìm thấy câu trả lời cho câu hỏi của cuộc đời mình từ những bộ phim cụ thể hoặc những hình tượng nhân vật nào đó mà mình yêu thích. Không ít những nhân vật trong phim đã truyền cảm hứng và trở thành động lực cho nhiều hoạt động xã hội, mang đến kỹ năng giải mã những vấn đề của các bạn trẻ. Tôi muốn lấy một ví dụ: bộ phim Forrest Gump (1994) đã trở thành bộ phim kinh điển của điện ảnh khi kể một câu chuyện ấm áp về người đàn ông Forrest Gump bị hạn chế về trí tuệ nhưng người xem rất khâm phục khi chứng kiến hành trình nỗ lực và thành công của nhân vật. Hay như hình thức thể hiện trong bộ phim Nghệ sĩ dương cầm. Màu sắc, ánh sáng trong phim được sử dụng rất chân thực. Bộ phim làm nổi bật nét đẹp của âm nhạc, của nghệ thuật, đẫm tính nhân văn và tình thương giữa con người với con người, dù hai dân tộc đang xem nhau là kẻ thù trên hai chiến tuyến đối nghịch. Trong phim là một cái nhìn chân thật, đầy tính nhân văn. Cảnh cuối phim, người nghệ sĩ dương cầm chơi bài Polonaise cho nhiều khán giả Warsawa xuống đường thưởng thức. Nghệ thuật có năng lực hóa giải tất cả, kể cả hận thù và những vấn đề biểu cảm liên quan tới sự sống và cái chết.

   Nghệ thuật giáo dục con người hướng về cái đẹp, cái tốt. Khác với các hình thức giáo dục khác, nghệ thuật thông qua hình tượng của mình để cảm hoá con người. Các tác phẩm có nội dung nhân đạo cao cả là những sáng tạo nghệ thuật có tư cách giáo dục tốt (và ngược lại). Giáo dục nghệ thuật còn có thể tạo nên nhu cầu thưởng thức nghệ thuật, làm tăng khả năng cảm xúc, khơi gợi khả năng sáng tạo của con người. Được tiếp xúc/ tiếp cận thường xuyên với nghệ thuật sẽ dần bồi đắp cho con người tâm hồn thanh cao hơn và nhân văn hơn.

   Trong lĩnh vực điện ảnh, gần đây các nhà làm phim, đặc biệt là các nhà làm phim trẻ, đã nắm bắt được thị hiếu khán giả. Họ hướng điện ảnh đến những khán giả trẻ với việc lồng ghép các yếu tố truyền thống, mang tính thẩm mĩ, tính giải trí, đan xen tính hiện đại và sự hài hước giúp cho bộ phim mang được yếu tố văn hóa truyền thống thú vị. Có rất nhiều phương thức để giáo dục thẩm mĩ đối với thế hệ trẻ nhưng phương pháp giáo dục thông qua văn hóa, nghệ thuật được đánh giá là phương pháp hiệu quả và có tác dụng nhanh nhất.

   Là loại hình nghệ thuật thị giác và thính giác, điện ảnh đã tạo lập được một không gian riêng, phản ánh các vấn đề của cuộc sống một cách gần gũi, chân thật nhất. Điện ảnh trở thành một phương tiện đắc lực để truyền đi những thông điệp, những bài học giáo dục vì điện ảnh là bộ môn nghệ thuật có trường quang phổ rất lớn, có sức lan tỏa mạnh mẽ...

   Rạp chiếu phim cũng trở thành không gian giao lưu, giải trí của giới trẻ. Trong thời đại công nghệ số, khán giả có thể tiếp cận những bộ phim thông qua truyền hình cáp vệ tinh, thông qua các kênh mạng xã hội, các app xem phim trực tuyến... giúp cho người xem có nhiều sự lựa chọn hơn. Họ có thể xem phim tại rạp, xem phim tại nhà thông qua tivi hoặc bất cứ không gian nào có kết nối internet và một chiếc điện thoại. Vì vậy, phim ảnh luôn đồng hành với khán giả trẻ trong đời sống giải trí, tinh thần của họ một cách hữu hiệu.

   Điện ảnh là một loại hình nghệ thuật có tính giải trí cao, nó có khả năng thúc đẩy sự hình thành và xuất hiện hành vi sáng tạo. Thế hệ trẻ là lớp người ưa hoạt động, thích khám phá. Họ tìm đến với điện ảnh như một hình thức để trải nghiệm, tìm đến tiếng cười, niềm vui sau mỗi giờ học tập hay làm việc căng thẳng. Vì “cân bằng” được tính thẩm mĩ và tính giải trí nên điện ảnh có thể là lựa chọn hàng đầu của giới trẻ.

   Hiện nay, một số nơi đã có hình thức “sân khấu học đường” hay những chuyên đề về “âm nhạc học đường’’. Nên chăng trong các trường đại học và các trường phổ thông cần có hoạt động giáo dục thẩm mĩ cho học sinh, sinh viên qua chương trình “Điện ảnh học đường” (“Cineschool”). Theo tìm hiểu, có một vài trường đại học đã khởi động chương trình này với mục đích định hướng thẩm mĩ, giáo dục đạo đức, lối sống của sinh viên thông qua phim ảnh, tạo cơ hội cho sinh viên tiếp cận với những tinh hoa của nền điện ảnh nước nhà và của thế giới.

   Có rất nhiều phương thức để giáo dục thẩm mĩ đối với thệ hệ trẻ. Nhưng phương pháp giáo dục thẩm mĩ qua văn hóa, nghệ thuật được đánh giá là phương pháp hiệu quả và nhanh chóng, có tác dụng tích cực nhất. Vì vậy, nên đưa hoạt động chiếu phim trở thành một hoạt động trải nghiệm thường xuyên trong các trường đại học, các trường phổ thông và một số đơn vị khác.

   Bản chất văn hóa, nghệ thuật là sáng tạo và chính là sự chắt lọc, kế thừa và tiếp biến liên tục trong dòng thời gian. Để tránh chạy theo những thị hiếu không phù hợp với những giá trị tinh thần của người Việt Nam, rất cần những công trình nghiên cứu, những cuộc hội thảo, các hoạt động hỗ trợ để có những bài học lý luận và thực tiễn mang giá trị thẩm mĩ đến được với công chúng, đặc biệt là giới trẻ.

   Thẩm mĩ nghệ thuật Việt Nam cần được đưa vào hệ thống giáo dục đào tạo như một môn học chính khóa. Chúng tôi cho rằng trách nhiệm này không chỉ của các đơn vị đào tạo nghệ thuật mà còn là của các trường đại học. Các nghệ sĩ và những nhà hoạt động nghệ thuật vẫn mong muốn có những tác phẩm hay, có tính thẩm mĩ cao đáp ứng cho giới trẻ, đặc biệt ở các trường đại học và trung học.

   Thời gian vừa qua, mặc dù vẫn còn những tồn tại nhưng văn học, nghệ thuật đã có những thành tựu trong sáng tạo, có những tác phẩm mang tính thẩm mĩ cao, đáp ứng được nhu cầu công chúng. Cần nâng cao thẩm mĩ trong nghệ thuật, nhấn mạnh đến tính chuyên nghiệp cho những người làm nghệ thuật, đồng thời giáo dục cho công chúng, người xem về cảm thụ, thưởng thức tác phẩm nghệ thuật một cách tinh tế, hiệu quả nhất. Nâng cao thẩm mĩ trong sáng tạo nghệ thuật, nâng cao thẩm mĩ cho công chúng thưởng thức tác phẩm nghệ thuật là công việc thú vị nhưng không ít những khó khăn, thách thức.

Bình luận

    Chưa có bình luận