VÀI NÉT VỀ DI TÍCH ĐÁ KHÔNG MÁI Ở NINH VÂN, HOA LƯ, NINH BÌNH

Trên cơ sở phân tích đặc trưng của các di tích đá không mái ở Ninh Vân (Ninh Bình), bài viết khẳng định sự cần thiết của việc bảo tồn những giá trị văn hóa, lịch sử và giá trị kinh tếở vùng đất cố đô Hoa Lư.

   Cố đô Hoa Lư (Ninh Bình) là mảnh đất có bề dày truyền thống lịch sử, nơi hiện còn lưu giữ, bảo tồn nhiều giá trị văn hoá, nghệ thuật truyền thống. Trong hệ thống các di tích văn hoá tôn giáo, tín ngưỡng như chùa, đình, miếu… có nhiều ngôi đền mà sự hiện tồn của nó đã chứa đựng giá trị văn hóa - nghệ thuật đặc sắc, bao gồm cả di sản văn hoá vật thể và phi vật thể. Qua khảo sát đền Thiên Tôn và các ngôi đền đá ở làng/ xã Ninh Vân trên địa bàn huyện Hoa Lư (Ninh Bình) cho thấy mỗi vị thần được thờ, mỗi hiện vật còn được bảo lưu đã góp phần phản ánh giá trị văn hóa - nghệ thuật của người Việt ở châu thổ sông Hồng.

   1. Cụm di tích đền Tam Thôn

   Khi nghiên cứu về nghệ thuật chạm khắc đá tại Ninh Vân thì điểm đầu tiên cần qua tâm tới là cụm di tích Tam thôn với những ngôi đền không mái. Về hiện tượng đền không mái đã có ở nhiều nơi, với nhiều loại hình di tích khác nhau như: văn chỉ, từ chỉ của Nho giáo, những nơi thờ “Thần Nông” (được ghép thờ ở một số nơi trong rất nhiều di tích, như ở chùa Voi Phục Hà Nội, đình Hồi Quan tỉnh Bắc Ninh)...

   Có nhiều ý kiến cho rằng kiến trúc này chưa được xây dựng đầy đủ nhưng không hẳn như vậy, đôi khi với cả thần Tứ Pháp (Thái Nguyên) hay đền thờ thần Quý Minh Đại Vương trong hệ “Tam vị nhất thể” (Tản Viên, Cao Sơn, Quý Minh - Ninh Bình), đều là kiến trúc không có mái với ý nghĩa thiêng hóa trong tư duy tâm linh của người Việt. Ở Ninh Vân, bộ ba kiến trúc đền không mái bằng đá này bao gồm: đền Kê Thượng, đền Kê Hạ và đền Miễu Sơn.

   1.1. Đền Kê Thượng

   Di tích nhìn về hướng Tây Nam, từ trước đến nay vẫn giữ nguyên quy mô kiến trúc gốc. Đền Kê Thượng tọa lạc dưới chân núi Kim Kê (núi Gà Vàng) thuộc thôn Côn Lăng Thượng, thờ vọng Hùng Vương Quốc Tổ và Tam vị Đức Ông (Tản Viên, Cao Sơn và Quý Minh). Đền được dựng trên nền đất cao, tựa lưng vào núi. Ngôi đền này được làm hoàn toàn lộ thiên và sử dụng tán cây xanh làm mái che mưa, nắng. Đền có hai ban thờ khác nhau: ban thờ Đức Thánh Cả được đặt trên vách núi có nhiều hiện vật mang giá trị lịch sử và nghệ thuật chạm khắc tinh tế (niên đại xấp xỉ ba trăm năm). Trên cùng là nơi ngồi của Thánh với các hiện vật tuy không cùng niên đại song vẫn tạo thành một bộ ngai kép lớn nhỏ lồng nhau, ngai lớn còn mang tư cách như là nửa bàn thờ, bởi trên đó có một chiếc ỷ thờ cùng ba chiếc đài đá. Thực ra, chiếc ngai lớn, ỷ thờ và ba đài được bổ sung vào thời sau (vì nghệ thuật của ngai nhỏ/ chính/ gốc và ngai lớn không cùng một phong cách chạm khắc). Trước mặt, ở chính giữ của hệ ngai là một bát hương lớn và hai cây đèn ở hai bên, như tượng trưng cho mặt trời, mặt trăng và hệ tinh tú.

   Lui ra phía ngoài, trên trục trung tâm là một nhang án đá và sập thờ. Những mảng chạm nổi ở trên thành của các hiện vật này đều thể hiện sự tài khéo của người thợ đá. Trang trí làm nền sau ngai, được tạc thẳng vào vách núi, dưới hình thức của một gian thờ chạm nổi, có hình thức như tấm bia, trên cùng (như trán bia), với đôi rồng võng lưng ngựa, chầu mặt trời, nổi khối tỏa đao mác. Phần thân bộ phận trang trí này được chia làm ba “đố” (dải trang trí dọc), hai “đố” bên được chạm rồng chạy từ trên xuống, rồi chầu vào giữa. Ở chính lưng của “đố” giữa là một hình rồng nằm lọt trong khung tròn (hình vành khăn). Hình tượng này như muốn nói lên phẩm vị của đức Thánh, ngài mang tư cách như con trời (thiên tử). Tính điêu khắc của hệ thống chạm đá này còn được nhân lên bởi các đường gờ chia các bộ phận trang trí ra thành những mảng chạm khác nhau. Những đường gờ nổi đó đã tạo nên khung nghệ thuật đẩy mảng chạm sâu vào phía bên trong, đó là sự thể hiện tài năng gắn với tư duy nghệ thuật của những nghệ nhân tạc đá Ninh Vân.

   Phía chân núi là ban thờ khác được bài trí các đồ thờ bằng vật liệu đá như: ngai thờ, nhang án, sập thờ, đẳng thờ, lọ hoa, bát hương, bia đá... cách ban thờ phía trên khoảng 50m, cũng được đặt lộ thiên khá đơn giản.

   Hiện nay, đền này được tạo cổng tứ trụ, song hầu như không ăn nhập với tổng thể của một bố cục kiến trúc xưa.

   1.2. Đền Kê Hạ

   Đây là công trình di tích được tôn tạo vào thời Nguyễn, nhìn về hướng Đông Nam, tọa lạc dưới chân núi Rậm, thuộc thôn Côn Lăng Hạ (thôn Hệ), thờ Nguyệt Nga công chúa, tương truyền là con gái vua Hùng. Đền được xây dựng lộ thiên và tựa lưng vào núi, xung quanh có nhiều cây xanh bao phủ. Về mặt bài trí, ban thờ được sắp đặt như sau: trên cùng là ngai thờ, góc ngoài là cây đèn, trục giữa đặt bát hương, đỉnh hương, đài nước… bằng chất liệu đá có phong cách nghệ thuật chạm khắc giống như ở đền Kê Thượng. Các ngôi đền này như được tạo tác cùng thời gian với cùng một hiệp thợ đá.

   Phía trước cổng đền có đặt khánh đá to, dùng để đánh khi làm các nghi thức tế, lễ của người dân xưa. Khánh đá đơn giản, không có họa tiết trang trí, nhưng theo các cụ cao niên trong làng thì nó có thể được làm từ thế kỷ XVII.

   Về cơ bản kiến trúc của đền giống như đền Kê Thượng, nhưng điều đáng chú ý là có bộ tượng đá tam hổ được đặt thờ phía trước cổng đền. Người xưa đã lấy con hổ làm biểu tượng cho thần trị thủy bởi trong ba con hổ có một con to nhất đang dùng chân và móng vuốt quặp chặt lấy một con rắn (một loài tượng trưng cho thủy quái, gây lụt lội…). Dẫn tiếp vào trong ban thờ chính là cổng đền bằng đá có kính thước vừa đủ cho người vào - ra. Trên cổng chạm khắc đôi rồng nổi lớn đang chầu mặt trời, phía dưới rồng có chạm đôi lân, tuy là phù điêu nhưng đậm chất điêu khắc với phong cách nghệ thuật thế kỷ XVII. Đây là một nghi môn gốc rất đẹp của đương thời, đủ tư cách làm mẫu chuẩn cho nhiều di tích liên quan trong tôn tạo.

   1.3. Đền Miễu Sơn

   Di tích này toạ lạc dưới chân núi Miễu (núi Đồng Đọ) nằm giữa thôn Phú Lăng và thôn Côn Lăng Thượng. Đền thờ Tam vị Đức Ông (Tản Viên, Cao Sơn, Quý Minh) là những vị tướng huyền thoại của vua Hùng. Ngôi đền này có diện tích và không gian thờ nhỏ nhất trong cụm di tích Tam thôn. Đền được dựng lộ thiên bằng chất liệu đá dưới chân một quả núi nhỏ, xung quanh có nhiều cây cối. Đền gồm có hai ban thờ, với các đồ thờ như ngai thờ, bát hương, lọ hoa, đài nước… bằng chất liệu đá và do chính thợ của làng nghề Ninh Vân làm ra. Bên trái ban thờ là hai tấm bia đá ghi họ tên những người công đức cho việc tu bổ ngôi đền này.

   Về phong cách bài trí và đồ thờ tại đây cũng giống như hai ngôi đền trước, nhưng đồ thờ ít hơn. Hiện vật có giá trị lịch sử và nghệ thuật là đôi ngai thờ đá không có họa tiết trang trí và chiếc sập thờ bằng đá nhỏ có chạm khắc đôi rồng chầu mặt trời, những đồ thờ này cũng được làm cùng niên đại như những đồ thờ tại hai ngôi đền kia, mang nét đẹp về bố cục khối mà nhẹ về trang trí phù điêu.

   Hiện nay, ngôi đền được người dân đưa những đồ thờ mới bằng đá (sản xuất theo kiểu công nghiệp) khá to vào như: cuốn thư, lư hương, bia đá… Những hiện vật này đã phá vỡ không gian cổ truyền, thanh bình, thoáng đãng của chốn linh thiêng, tạo cảm giác nặng nề, chật chội cho người đến đây làm lễ.

   2. Cụm di tích văn chỉ

   Ninh Vân có 4 văn chỉ “lộ thiên” không có mái che được xây dựng bằng vật liệu đá ở các làng: Hệ, Xuân Vũ, Chấn Lữ, Phú Lăng. Cả 4 văn chỉ này đều có kiến trúc giống nhau từ bố cục cho đến cách sắp đặt nội thất thờ tự. Tại các văn chỉ, toàn bộ cổng và nền cùng các đồ thờ đều được làm bằng vật liệu đá, cụ thể như: Ban chính đặt trong cùng là nơi thờ Khổng Tử, ban thờ này trang trí nhiều chi tiết tứ linh, tứ quý được chạm khắc tinh xảo, phía trên có bát hương và lọ hoa đá; 4 ban thờ đệ tử của Khổng Tử đặt hai bên và có bát hương và lọ hoa đá; 1 ban thờ công đồng đặt chính giữa văn chỉ, khu thờ có bát hương và lọ hoa đá; 2 ban thờ tiên chỉ đặt ở hai bên gần phía ngoài gần cổng. Theo một số nghệ nhân ở thôn Xuân Vũ cho biết, đây là các hiện vật, đồ thờ đá có phong cách thời Nguyễn và do thợ thủ công của làng làm ra và cung tiến cho khu văn chỉ của làng.

   Khi đề cập đến việc xây dựng văn chỉ ở cấp làng xã trong truyền thống, nhà nghiên cứu văn hóa - mĩ thuật Trần Lâm Biền và nhà nghiên cứu Hán Nôm Phạm Văn Thắm đều cho biết, văn chỉ xuất hiện tại các làng Việt vào thời Lê Trung Hưng. Thông thường văn chỉ được xây dựng 3 gian với kiến trúc chữ Nhất, chữ Nhị hoặc chữ Đinh, tùy theo kinh tế từng làng khác nhau và là nơi để thờ thánh Khổng Tử và các vị Tiên hiền. Sự hiện diện của các kiến trúc văn chỉ ở các làng quê nhằm đề cao tư tưởng Nho giáo và tinh thần đó cần thấm dần vào các làng của người Việt. Tuy nhiên, về sau này và đặc biệt vào thời Nguyễn, văn chỉ đó biến thành đền thờ những người có công về văn học, Nho học… và việc xây dựng văn chỉ không tuân theo các quy định của Nhà nước, mà hầu như đều được dựng mái để là nơi thờ cúng và bất kể ai cũng có thể đến hành lễ. Nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền cũng cho biết thêm: Văn chỉ là một ngôi đền, trước thời Nguyễn thì Văn Miếu chỉ được dựng tại những nơi có Kinh đô, văn chỉ được dựng ở các địa phương. Trong những quy định của chính quyền thời đó thì văn chỉ không tuân thủ theo một quy định nào, không có kiến trúc riêng biệt mà chỉ là dạng thức như các ngôi đền thờ thần linh khác. Lúc đầu người xưa quy định làng nào có người đỗ đạt tiến sĩ thì văn chỉ được xây mái, còn nơi nào chỉ có người đỗ từ cử nhân trở xuống thì xây bệ mà không được xây mái. Và đối với làng Ninh Vân, nơi có nghề đá truyền thống, không có ai đỗ đạt tiến sĩ nên dựng văn chỉ bằng chất liệu đá, không có mái là điều phù hợp với quy định của người xưa. Căn cứ vào các họa tiết trang trí trên các bệ đá thì những văn chỉ nơi đây có niên đại vào thời Nguyễn (cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX). Song có thể nhận ra một điều rằng, cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX khi người Pháp đưa văn hóa phương Tây vào nước ta để đô hộ, đồng thời đẩy các Nho sĩ ra khỏi môi trường chính trị thì nhiều “ông tú”, “cậu tú” trở về quê và không còn ở trong các kỳ thi cử của triều đình nhà Nguyễn (kỳ thi Hán học muộn nhất vào năm 1919). Những nhà Nho yêu nước, những thầy đồ yêu quê (có thể tạm gọi là những “trí thức dân gian”) kết hợp các dòng văn hóa đã có ở Việt Nam để trở thành một mặt trận chung chống lại văn hóa phương Tây. Trong thời kỳ này có rất nhiều ngôi đền, ngôi chùa, ngôi đình được xây dựng, được tu bổ và việc xây dựng văn chỉ có lẽ cũng là một trong những biểu hiện trong mặt trận chống Pháp thời đó. Những nhà trí thức dân gian đó đã trở thành những người dẫn dắt tư tưởng, dẫn dắt ý thức dân nhân vào việc bảo vệ văn hóa dân tộc. Vì vậy, họ có uy tín, có tiếng nói, họ cùng với người dân xây dựng các di tích liên quan đến Nho giáo và thấp thoáng có cả ước vọng của họ. Theo các cụ cao niên trong làng cho biết, tuy ở Ninh Vân không có người đỗ đạt cao đến bậc tiến sĩ, nhưng có các thầy đồ rất giỏi dạy chữ cho con cháu trong làng. Hiện nay, ở Ninh Vân có các cụ Phạm Văn Hoàn (làng Xuân Vũ), Nguyễn Xuân Lương, Vũ Ngọc Tuyên (làng Hệ), Dương Ngọc Thọ (Kê Thượng) là những người giỏi chữ Hán, là thế hệ con cháu, học trò của các thầy đồ ở làng, đặc biệt các cụ chuyên viết chữ Hán để để khắc câu đối, hoành phi, văn bia ở các di tích thờ tự. Từ xưa đến nay, người dân các thôn ở Ninh Vân coi những văn chỉ là một cơ sở tín ngưỡng để hành lễ đặc biệt hiện nay mỗi khi có sự kiện gắn liền với học hành, thi cử… hoặc các gia đình gửi con đi học nghề đục đá.

   Như vậy, những di tích đá không mái ở xã Ninh Vân được coi như có nhiều nét đặc biệt, người xưa đã dồn nhiều tâm sức để duy trì được một truyền thống cho các công trình này. Trước hết, những đền đều được làm bằng đá, từ kết cấu thành phần đến kết cấu chính, để nhằm mục đích đề cao sự thiêng liêng.

   Điểm qua vài nét về văn hóa - nghệ thuật đá tại Ninh Vân, Hoa Lư để có thể tạm thấy rằng, vùng đất cố đô của thời Đinh - Lê, không chỉ nổi tiếng về văn hóa - nghệ thuật kiến trúc còn có những nét riêng lắng đọng trong thời kỳ độc lập tự chủ, gắn với các giai đoạn phát triển của lịch sử dân tộc.

 

 

 

Tài liệu tham khảo:
1. Trần Lâm Biền (2020), Chùa Việt, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
2. Trần Lâm Biền (2003), Đồ thờ trong di tích của người Việt, NXB Văn hóa thông tin.
3. Trần Lâm Biền, Trịnh Sinh (2017), Thế giới biểu tượng trong di sản văn hóa, NXB Hồng Đức.
4. Trần Lâm Biền (2017), Trang trí trong mĩ thuật truyền thống của người Việt, NXB Hồng Đức.
5. Phan Ngọc (2004), Bản sắc văn hóa Việt Nam, NXB Văn học.
6. Trần Ngọc Thêm (2004), Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh.

Bình luận

    Chưa có bình luận