ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN NHIẾP ẢNH VIỆT NAM TRONG THỜI ĐẠI CÔNG NGHỆ SỐ

Bài viết phân tích những nguồn ảnh hưởng đến nhiếp ảnh và vị trí, vai trò, thực trạng nhiếp ảnh Việt Nam trong thời đại công nghệ số. Từ đó, để xuất những giải pháp và định hướng phát triển nhiếp ảnh Việt Nam hiện nay.

   Trong văn học, nghệ thuật, nhiếp ảnh là một trong những loại hình hoạt động có điều kiện. Đó là người cầm máy phải có máy ảnh, công cụ hoàn thiện ảnh và quy trình khai thác sử dụng hình ảnh hiệu quả. Nếu như trước đây công cụ sáng tạo hình ảnh chỉ là cái máy ảnh cơ và phim thì nay và trong tương lai gần là chiếc máy ảnh kỹ thuật số, cái máy tính cùng phần mềm xử lý ảnh, phương tiện truyền mạng và lưu trữ ảnh (kho dữ liệu) cùng nền tảng khai thác sử dụng hình ảnh. Nói riêng về khai thác sử dụng hình ảnh, trước đây nhiếp ảnh chủ yếu phục vụ trong lĩnh vực chính trị, văn hóa, nghệ thuật, thông tin báo chí tuyên truyền thì nay thêm vào đó, nhiếp ảnh còn đóng vai trò quan trọng trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, đời sống, an ninh quốc phòng. Công nghệ số đang dần tạo ra những công cụ “biết nghĩ” hướng tới việc cạnh tranh với con người trong hoạt động sáng tạo và xa hơn nữa là thay thế con người tạo ra những sản phẩm nhiếp ảnh. Trước những tiến bộ công nghệ như vậy, vấn đề đặt ra là chúng ta phải làm gì để thích ứng, khai thác sử dụng tính ưu việt của công nghệ để phát triển nhiếp ảnh. Nói cách khác, bao quát hơn, chúng ta cần định hướng hoạt động nhiếp ảnh thế nào trong thời đại công nghệ số?

   Dưới tác động của công nghệ số, công cụ chụp và hoàn thiện sản phẩm ảnh ngày càng hiện đại; chất lượng hình ảnh ngày càng được nâng cao; các lĩnh vực và quy mô sử dụng hình ảnh ngày càng được mở rộng, phong phú và đa dạng hơn; vai trò và vị thế nhiếp ảnh trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, văn học, nghệ thuật ngày càng được nâng cao; số lượng người tham gia hoạt động nhiếp ảnh ngày càng lớn. Tuy nhiên, tiến bộ công nghệ cũng đặt ra những vấn đề rất hệ trọng liên quan đến bản chất của nhiếp ảnh. Quan niệm bền vững lâu nay về nhiếp ảnh trong một bộ phận trong đội ngũ sáng tác bị “lung lay” trước sự xuất hiện và phát triển của các phần mềm xử lý ảnh, nay là trí tuệ nhân tạo AI, đạo đức nghề nghiệp của một số người bị dư luận “băn khoăn”, bản sắc nhiếp ảnh có phần “nhạt nhòa” trước những loại hình ảnh “thật thật, giả giả” do ứng dụng công nghệ. Trước những tác động của công nghệ số, với trách nhiệm giữ gìn bản chất và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, nhiếp ảnh Việt Nam cần thực sự vững vàng để phát triển.

   1. Giữ vững và phát huy bản chất truyền thống nhiếp ảnh Việt Nam

   Việc định hướng phát triển nhiếp ảnh phải dựa trên Điều lệ của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam. Tại sao phải đặt vấn đề phát huy bản chất truyền thống nhiếp ảnh lên trên hết? Đó là vì những tiến bộ khoa học công nghệ thường có xu hướng “thoát ly cái cũ, tạo sinh cái mới”. Bởi vì với xu hướng đó, công nghệ số có thể được ai đó vô tình hay hữu ý khai thác sử dụng theo hướng làm thay đổi bản chất của nhiếp ảnh. Việc lạm dụng các phần mềm xử lý ảnh hay sắp tới đây là ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI sẽ dẫn tới việc hình ảnh bị sử dụng sai mục đích, sai sự thật, làm mất đi tính lịch sử của hình ảnh. Trí tuệ nhân tạo AI tạo ra những sản phẩm dạng ảnh bằng cách tích hợp những hình ảnh đơn nguyên được lưu trữ do nhiều người chụp trước đó. Nếu so sánh với các phần mềm xử lý ảnh như photoshop do con người trước đây thực hiện theo phương pháp “thủ công”, thực chất AI là một bước phát triển cao hơn, được máy tính thực hiện tự động hóa bằng công nghệ số một cách thông minh.

   Tuy nhiên ngoài các thuật toán điều khiển, hoạt động của trí tuệ nhân tạo dựa trên cơ sở kho dữ liệu do nhiều thế hệ người cầm máy tạo ra. Do vậy, có thể nói trí tuệ nhân tạo đã lạm dụng, xâm phạm bản quyền tác giả hình ảnh do đội ngũ những người cầm máy trước đó thực hiện. Thay vào đó, hình thành lớp người “sáng tác ảnh” không cần có máy ảnh, không cần đi đâu, không cần làm gì, chỉ cần ngồi đó ra lệnh cho máy tính. Trong thực tế, những “sản phẩm dạng ảnh” do AI tạo ra không phải là tác phẩm nhiếp ảnh nên không thể đặt bên và so sánh với những tác phẩm nhiếp ảnh thực thụ. Để giữ vững, bảo tồn và phát huy bản chất truyền thống nhiếp ảnh chân thực mang tính lịch sử, trước hết Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam cần duy trì và phát triển mạnh mẽ đội ngũ nghệ sĩ cầm máy chân chính.

   Trân trọng và khuyến khích sử dụng những tiến bộ công nghệ số trong nhiếp ảnh nhưng chúng ta tuyệt đối không nên để những tác động đó làm sai lệch bản chất hay “nắn dòng” làm lệch hướng hay yếu đi “dòng chảy chính” của nhiếp ảnh Việt Nam. Những sản phẩm dạng ảnh do AI tạo ra chỉ nên được sử dụng trong một số loại hình ảnh như ảnh ý tưởng hay quảng cáo. 

   Phân biệt rõ những tác phẩm nhiếp ảnh chân thực với những “sản phẩm dạng ảnh” do trí tuệ nhân tạo AI tạo nên, các sản phẩm “ảo” cần được sử dụng đúng quy định luật pháp về bản quyền và không vi phạm đạo đức nghề nghiệp trong nhiếp ảnh. Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam cần và tổ chức những “sân chính” cho dòng nhiếp ảnh truyền thống và các “sân phụ” cho những sản phẩm do AI tạo ra. Hơn thế nữa, do công nghệ AI ngày càng tinh xảo mà bằng mắt thường chúng ta không thể phân biệt, để người chơi “sân ảo” không “đá lộn sân”, Ban Tổ chức các cuộc thi cần có công cụ phần mềm chuyên dụng để phân biệt ảnh truyền thống và ảnh AI.

   Tiếp theo, có một vấn đề khác cần đặt ra, đó là đạo đức nghề nghiệp trong thời đại công nghệ số. Để hạn chế và ngăn chặn những hành vi gian lận, đưa những sản phẩm do trí tuệ nhân tạo tạo ra tham dự các cuộc thi ảnh truyền thống (mà thể lệ đã cấm), một khi phát hiện ra điều này thì tất nhiên ảnh dự thi sẽ bị loại nhưng ngoài đó ra, tư cách hội viên, dù là hội ở Trung ương hay địa phương, cũng cần xem xét. Lý do là tác giả ảnh AI đã xâm phạm bản quyền của các tác giả khác (nếu tác giả sản phẩm AI không chứng minh được những ảnh đơn nguyên tạo nên sản phẩm AI là do chính mình sáng tác. Điều này tương tự đã được áp dụng đối với một hội viên của Chi hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam một tỉnh phía Nam với hình thức kỷ luật cao nhất do đã xâm phạm bản quyền trong sử dụng photoshop để chắp ghép ảnh của người khác thành ảnh của mình cách đây hơn chục năm.

   Bên cạnh những băn khoăn, việc ứng dụng công nghệ mang lại nhiều ứng dụng rất có ích cho nhiếp ảnh mà trước hết phải kể đến khả năng sáng tạo ra các “sản phẩm dạng ảnh” có thể ứng dụng trong loại ảnh ý tưởng hay quảng cáo. Đối ngược với loại hình “sản phẩm do AI tạo ra”, việc “tách” ảnh AI ra khỏi dòng ảnh truyền thống hay sử dụng công nghệ giám khảo AI có thể sẽ giúp Ban Giám khảo các cuộc thi ảnh lọc loại những ảnh không đạt yêu cầu kỹ thuật ở vòng sơ tuyển. Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với những cuộc thi có hàng chục, thậm chí hàng trăm ngàn ảnh dự thi. Tuy nhiên, ở những vòng sau, đặc biệt là vòng xét triển lãm hay đạt giải, với những yếu tố đời sống chính trị, xã hội hay cảm xúc, tính nhân văn, tình cảm con người… tác phẩm cần được Ban Giám khảo trực tiếp đánh giá, lựa chọn. Công nghệ không thể thay thế con người. Chỉ như vậy, công nghệ số cũng đã giúp Ban Giám khảo các cuộc thi ảnh giảm hàng ngàn giờ chấm ảnh, giảm chi phí và thời gian tổ chức các cuộc thi.

   2. Tăng cường và đẩy mạnh xã hội hóa nhiếp ảnh

   Xã hội hóa là chủ trương lớn và cũng là yêu cầu của Nhà nước đối với hoạt động văn học, nghệ thuật, trong đó có nhiếp ảnh. Chủ trương bao gồm nhiều mặt nhưng trong khuôn khổ bài viết, chúng tôi chỉ đề cập hai vấn đề lớn như sau: một là, hướng tới việc tận dụng tối đa nguồn lực xã hội để phát triển nhiếp ảnh, đồng thời đưa nhiếp ảnh đến với thực tế xã hội, phục vụ các lĩnh vực kinh tế địa phương; hai là, tạo đòn bẩy thúc đẩy hoạt động nhiếp ảnh phát triển trong xu hướng số hóa nền văn hóa nước nhà.

   Một ví dụ cho thấy hiệu quả của việc xã hội hóa nhiếp ảnh tại Thành phố Hồ Chí Minh, sau mấy năm thực hiện chủ trương xã hội hóa nhiếp ảnh, số lượng các cuộc vận động sáng tác và thi ảnh nghệ thuật của Hội Nhiếp ảnh Thành phố Hồ Chí Minh được xã hội hóa thông qua việc hợp tác với các doanh nghiệp, địa phương, đã tăng dần và đến năm 2023 đã chiếm khoảng 40% toàn bộ các hoạt động của Hội. Hoạt động nhiếp ảnh tại Thành phố Hồ Chí Minh được xã hội hóa trong những năm tới chắc chắn sẽ được tăng thêm không ngừng.

   3. Cần phát triển đột phá đội ngũ sáng tác trẻ

   Khoa học kỹ thuật luôn đi cùng với thế hệ những người trẻ tuổi. Công nghệ số ra đời trước hết nhắm vào những người trẻ tuổi bởi vì họ là những người có trình độ khoa học kỹ thuật, nhanh nhạy đi đầu trong việc tìm hiểu, tiếp thu, khai thác, ứng dụng và phát triển công nghệ mới trong hoạt động sáng tác. Nếu như người nghệ sĩ nhiếp ảnh thế hệ trước quan tâm chủ yếu đến kỹ năng chụp thì thế hệ hiện nay cần sử dụng thành thạo máy ảnh kỹ thuật số và máy tính, trong tương lai gần cần cả kỹ thuật truyền ảnh, tiến tới làm chủ kỹ năng ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Tất cả những yêu cầu trên thật sự không dễ dàng với những nghệ sĩ cao tuổi. Nếu không có chính sách đột phá nâng cao số lượng người trẻ tuổi trong Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhiếp ảnh Việt Nam có thể sẽ chững lại hoặc thụt lùi so với đà tiến chung của thế giới về công nghệ.

   Chính vì vậy, song song với việc thích nghi, vận dụng và làm chủ công nghệ số, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam cần có biện pháp đột phá, nâng cao tỉ lệ các nghệ sĩ trẻ trong Hội. Các biện pháp đó có thể là: tăng cường các đề tài sử dụng công nghệ số nhằm khuyến khích những người trẻ, am hiểu công nghệ tham gia; mở các cuộc thi ảnh dành riêng cho những người trẻ, kể cả học sinh, sinh viên giỏi công nghệ số trong nhiếp ảnh… Trong thời đại công nghệ số, bằng nhiều biện pháp khác nhau, phải chăng Hội cần xem xét việc duy trì một tỉ lệ hợp lý những người trẻ (có thể là dưới 45 tuổi) trên tổng số hội viên của Hội.

   4. Tăng cường hoạt động nghiên cứu phát triển và làm kinh tế trong nhiếp ảnh

   Dưới tác động của công nghệ số, theo yêu cầu của công nghiệp văn hóa, hoạt động nhiếp ảnh cần bổ sung chức năng nghiên cứu phát triển và tăng cường hoạt động kinh tế cho Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh. Hội cần xem xét việc điều chỉnh, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của một số đơn vị thuộc Hội mà cụ thể có thể là Trung tâm Lưu trữ và Triển lãm nhiếp ảnh. Từ chức năng lưu trữ và triển lãm hiện nay, Trung tâm nên được trao thêm nhiệm vụ nghiên cứu phát triển kèm thêm chức năng làm kinh tế cho Hội. Tên mới của trung tâm có thể là Trung tâm Nghiên cứu phát triển và lưu trữ triển lãm. Khi công tác nghiên cứu tiến triển tốt, Hội có thể tách Trung tâm, thành lập Viện Nghiên cứu phát triển nhiếp ảnh, có chức năng tham mưu cho Hội trong nhiều công tác, trong đó có định hướng phát triển nói chung.

   Nội dung chức năng nghiên cứu phát triển nhiếp ảnh cần được xem xét kỹ càng nhưng có thể bao gồm các lĩnh vực: định hướng chiến lược phát triển nhiếp ảnh Việt Nam; chọn lọc công nghệ ứng dụng và trang thiết bị ngành ảnh phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam; nghiên cứu khai thác đường truyền mạng và kho dữ liệu phục vụ hoạt động lưu trữ ảnh; nghiên cứu quy trình sáng tạo và khai thác sử dụng hình ảnh theo quy mô công nghiệp; những mô hình và phương án làm kinh tế nhiếp ảnh; làm đầu mối của Hội để phối hợp với các doanh nghiệp trong và ngoài nước trong lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu sản phẩm ảnh.

   5. Bổ sung thêm loại hình hoạt động mới

   Trong gần 60 năm qua, kể từ ngày thành lập Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam (12/1965), mặc dù có được những cải tiến, nâng cao công nghệ kỹ thuật như từ ảnh trắng đen sang ảnh màu, từ phim nhựa dùng cho máy ảnh cơ sang máy ảnh kỹ thuật số nhưng cho đến nay ảnh đơn vẫn là loại hình duy nhất của nhiếp ảnh. Trong khi đó, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, xuất phát từ nhiếp ảnh và liên quan chặt chẽ đến hình ảnh, có một loại hình đã ra đời, đó là video. Trong thực tế, video clip cần được coi như loại ảnh động trong nhiếp ảnh. Trên một chiếc máy ảnh kỹ thuật số thế hệ hiện nay luôn có hai chức năng là chụp ảnh và video kề cạnh nhau trên cùng một nút điều khiển. Chụp ảnh, quay phim video hay vừa chụp ảnh vừa quay phim video trên flycam với độ dài tới 60 giây cho mỗi video quay được là các chế độ do người điều khiển có thể tự thiết lập. Có thể chúng ta đã lãng phí năng lực tạo hình của thiết bị quay/ chụp, lãng phí năng lực sáng tạo của cả người cầm máy vì quan niệm ảnh là ảnh vẫn còn lưu giữ cách đây gần 15 năm cho đến nay, kể từ ngày máy ảnh kỹ thuật số có cả hai chế độ ảnh/ video ra đời.

   Thật đáng tiếc là loại hình video clip vẫn chưa được đưa vào trong hoạt động nhiếp ảnh như một biến thể của nhiếp ảnh. Ảnh đơn và ảnh động có giá trị khác nhau, loại hình này không thể thay thế được loại hình kia, vậy nhưng một khi loại hình ảnh động như video clip được công nhận, chắc chắn các nghệ sĩ nhiếp ảnh sẽ có điều kiện phát huy thêm tài năng nghệ thuật, kho tàng nhiếp ảnh sẽ gia tăng và sẽ có thêm nhiều người gia nhập đội ngũ cầm máy, đặc biệt là lớp người trẻ giỏi cả chụp ảnh và quay video. Khi đó, Hội sẽ có thêm nhiều sản phẩm hình ảnh thuộc các thể loại khác nhau.

   6. Chú trọng nâng cao chất lượng nghệ thuật nhiếp ảnh truyền thống

   Trong thời đại kỹ thuật số với sự trợ giúp của các phần mềm và như hiện nay là trí tuệ nhân tạo AI, hầu hết các khâu xử lý ảnh đều theo hướng đẹp hơn, giảm thiểu sự can thiệp của con người, tiết kiệm thời gian và chi phí… Riêng về chất lượng nghệ thuật nhiếp ảnh, các sản phẩm công nghệ đang hướng tới sự cạnh tranh với các tác phẩm nghệ thuật truyền thống do con người chính là các nghệ sĩ nhiếp ảnh tạo ra. Thời gian gần đây, ranh giới nghệ thuật giữa các tác phẩm do con người và công nghệ tạo ra thật sự rất mong manh, khó phân biệt. Trong thực tế, nếu tính đủ các yếu tố, nhất là chi phí và thời gian để sáng tạo sản phẩm, AI hiện đang có nhiều ưu thế hơn phương thức truyền thống. Để bảo vệ bản chất và nâng cao chất lượng nghệ thuật nhiếp ảnh, việc cần làm là cần đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng đi đôi với khuyến khích đội ngũ nghệ sĩ nhiếp ảnh chân chính trong sáng tạo nghệ thuật. Biện pháp cụ thể có thể là chú trọng phát hiện những nhân tố, tài năng mới cũng như có chính sách hỗ trợ tài năng trẻ trong phát triển sáng tạo nghệ thuật.

   7. Hướng tới công nghiệp hóa quy trình sáng tạo và khai thác sản phẩm hình ảnh

   Từ nhiều năm qua, quy trình sáng tác, quản lý, khai thác, sử dụng sản phẩm ảnh vẫn theo phương thức thủ công. Có thể ví các nghệ sĩ nhiếp ảnh hiện nay đang hoạt động như những hộ nông dân cách đây hàng chục năm khi sở hữu, canh tác một mảnh đất riêng rẽ trên cánh đồng rộng lớn nhưng được chia tách bằng vô số bờ vùng, bờ thửa; lúa được từng hộ canh tác cấy trồng, thu hoạch rồi đưa ra thị trường tiêu thụ. Nếu cứ tiếp tục hoạt động theo phương cách thủ công như vậy, nhiếp ảnh sẽ không thể tiến tới một nền công nghiệp trong công nghiệp văn hóa theo yêu cầu của đất nước.

   Tương lai không xa, dưới tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ tư khi internet vạn vật, kho dữ liệu lớn (Big Data) được hình thành và đưa vào khai thác sử dụng, điều này sẽ cho phép chúng ta hướng tới việc xây dựng một nền công nghiệp nhiếp ảnh. Đó là tập trung hóa dữ liệu và thực hiện khai thác sử dụng sản phẩm nhiếp ảnh theo phương thức công nghiệp. Với sự kết nối mạng rộng khắp, hình ảnh ngay sau khi được người nghệ sĩ nhiếp ảnh chụp sẽ được truyền dẫn qua mạng internet tới địa chỉ trong kho dữ liệu lớn. Trong khâu đầu tạo ra sản phẩm ảnh, chúng ta khẳng định sản phẩm nhiếp ảnh phải do cá nhân người nghệ sĩ nhiếp ảnh trực tiếp sáng tạo. Không gì có thể thay thế được con người trong việc sáng tạo ra những sản phẩm nhiếp ảnh tự nhiên. Đó là những hình ảnh chân thực mang tính lịch sử, mang cảm xúc con người và đáp ứng được các yêu cầu chính trị, xã hội. Tuy nhiên, việc tạo ra một tác phẩm ảnh có giá trị đã khó nhưng việc khai thác, sử dụng hiệu quả hình ảnh đôi khi còn khó hơn. Ở những khâu tiếp theo, chúng ta cần xây dựng “quy trình truyền dẫn, lưu trữ, quản lý, khai thác và sử dụng hình ảnh với quy mô công nghiệp” theo nguyên tắc hình ảnh thuộc sở hữu cá nhân nhưng được Hội khai thác sử dụng cho xã hội. Một quy trình “chuẩn” cần được Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam điều hành để tất cả các hội viên trong cả nước thống nhất thực hiện. Trong tương lai, với sự chấp thuận của chủ sở hữu sản phẩm ảnh, ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam có thể tổ chức quản lý, lưu trữ, chọn lọc sản phẩm ảnh của từng nghệ sĩ để khai thác sử dụng, làm kinh tế cho hội viên và cho Hội nói chung.

   Công nghệ số trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư nói chung là một bước tiến tất yếu, mang lại những lợi ích rất to lớn cho xã hội nói chung và nhiếp ảnh nói riêng. Thích nghi, tiếp thu, vận dụng cũng như khai thác một cách hiệu quả công nghệ số thực sự là điều không dễ dàng, đòi hỏi các cấp quản lý cũng như từng nghệ sĩ nhiếp ảnh cố gắng chung tay nỗ lực trong sự nghiệp cách mạng văn hóa chung của cả nước.

Bình luận

    Chưa có bình luận