CHẠY CHỨC CHẠY QUYỀN – CÂU CHUYỆN THỜI SỰ TRONG TIỂU THUYẾT CỦA NGUYỄN BẮC SƠN

Trên cơ sở phân tích vấn đề chạy chức chạy quyền trong tiểu thuyết của Nguyễn Bắc Sơn, bài viết khẳng định tài năng, trách nhiệm công dân và sự dũng cảm của ông trong hành trình làm mới thể loại tiểu thuyết.

   Chính thức đến với văn học vào những năm cuối thế kỷ XX, đến nay vừa tròn 20 năm, Nguyễn Bắc Sơn đã xuất bản trên 20 đầu sách thuộc nhiều thể loại. Trong đó, tiểu thuyết là thể loại khẳng định tài năng, tên tuổi và sự nỗ lực sáng tạo của Nguyễn Bắc Sơn. Đến với tiểu thuyết, Nguyễn Bắc Sơn có những lợi thế nhất định. Anh có hơn 10 năm làm báo và quản lý báo chí nên có điều kiện nhập cuộc, cọ xát thực tế cuộc sống, thấu hiểu những biến thiên của thời cuộc. Anh cũng có điều kiện đọc nhiều loại báo, tiếp cận được nhiều thông tin nóng hổi, bức bách. Những câu chuyện thời sự đó được Nguyễn Bắc Sơn khéo léo đưa vào tiểu thuyết như là thủ pháp nghệ thuật nhằm phá vỡ tính “thuần khiết thể loại”, đem lại cho tiểu thuyết một phiên bản mới – tiểu thuyết đậm tính thời sự.

   Khảo sát tiểu thuyết Nguyễn Bắc Sơn, có thể thấy từ Luật đời & cha con, Lửa đắng, Gã tép riu cho đến Vỡ vụnCuộc vuông tròn đều có sự nhất quán trong cảm hứng sáng tạo. Câu chuyện tiểu thuyết luôn được đặt trong dòng chảy cuộc sống đương đại với biết bao vấn đề thời sự nóng bỏng. Có những vấn đề vẫn đang chuyển động, chưa hoàn tất. Đó là sự bất cập của cơ chế; tệ nạn tham nhũng; sự suy thoái về đạo đức và lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên; tiêu cực trong quản lý đất đai, trong quy hoạch đô thị; chạy chức chạy quyền; phe cánh đấu đá nhau; gian lận trong bầu cử… Trong đó, vấn đề chạy chức chạy quyền – câu chuyện thời sự đang thu hút sự quan tâm của dư luận là mạch đề tài chủ lưu có mặt trong tiểu thuyết của Nguyễn Bắc Sơn.

   1. Những cuộc chạy ma-ra-tông

   Chạy chức chạy quyền là một dạng tha hóa quyền lực, diễn ra với sự góp mặt của người chạy, người được chạy và đôi khi có cả nhân vật trung gian là người môi giới. Người chạy chức chạy quyền thường là những phần tử cơ hội, không đủ các điều kiện, tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp… nhưng bằng các chiêu trò, thủ đoạn, các phương tiện vật chất và phi vật chất đã thiết lập quan hệ, mua chuộc những người có thẩm quyền trong công tác nhân sự nhằm tìm sự ủng hộ để đạt được vị trí, chức vụ mong muốn. Người được chạy chức chạy quyền là những người trực tiếp có thẩm quyền quyết định đề bạt, bổ nhiệm hoặc những người thuộc thành phần cốt cán, được tham gia bàn bạc, có ý kiến về công tác nhân sự. Họ, trước sự cám dỗ bởi lợi ích vật chất và phi vật chất từ người chạy chức chạy quyền, đã bất chấp quy trình, quy định, lợi dụng quyền lực được giao, can thiệp vào công tác cán bộ, bổ nhiệm những đối tượng không đủ tiêu chuẩn, điều kiện nghề nghiệp vào những vị trí quan trọng trong bộ máy công quyền. Chạy chức chạy quyền thực chất là cuộc mua quan bán chức.

   Đọc Luật đời & cha con, Lửa đắng, Gã tép riu, Vỡ vụnCuộc vuông tròn không khó để thấy chạy chức chạy quyền là mạch cảm hứng xuyên suốt hành trình tiểu thuyết Nguyễn Bắc Sơn. Ở mỗi tác phẩm, vấn đề này được đặt ra và bàn luận đến tận cùng bằng tinh thần đối thoại và “trực cảm lương tri” của người viết. Về sự bùng phát căn bệnh chạy chức chạy quyền, trên cơ sở các biểu hiện lâm sàng, Nguyễn Bắc Sơn đã chẩn đoán khá chuẩn xác căn nguyên của bệnh trạng. Căn nguyên là ở quy trình bổ nhiệm cán bộ tồn tại nhiều bất cập, nhiều kẽ hở, tạo điều kiện cho những kẻ cơ hội luồn lách, chui sâu vào các vị trí quan trọng trong bộ máy Nhà nước; là do “hệ thống kiểm tra, giám sát của ta, kể cả của Đảng và chính quyền đều chưa làm tốt chức năng của mình”1; đặc biệt là do sự “vô tổ chức của công tác tổ chức nhân sự”. Trong tiểu thuyết của Nguyễn Bắc Sơn, chúng ta bắt gặp đâu đó cũng tổ chức bầu bán hoặc lấy phiếu tín nhiệm nhưng cũng chỉ là những chiêu trò, những vở diễn mà màn diễn nhân sự nào cũng là “những tiểu phẩm hay” khi tài và đức không phải là tiêu chuẩn đề bạt mà cái chính là “quan hệ, tiền tệ, hậu duệ”. Chúng ta bắt gặp trong tiểu thuyết của ông những kiểu nhân vật kém năng lực nhưng “biết điều” nên được dựng lên làm Phó phòng Nghiệp vụ; Hiệu trưởng một trường học nhưng có “thành tích” nâng điểm cho con gái Trưởng Ban Tổ chức thành ủy nên được cất nhắc làm Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo. Một mậu dịch viên “đanh đá cá cầy”, lòng dạ hẹp hòi, thâm hiểm nhưng là vợ của cán bộ ở trung ương nên được “bồi dưỡng cấp tốc”, chẳng bao lâu đã yên vị trên chiếc ghế Trưởng phòng Lương thực khu. Là cán bộ xã, trình độ chỉ hết cấp 2 nhưng qua vài lần luân chuyển, bất ngờ trở thành “người nói hay nhất tỉnh” – Trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh. Rồi chuyện ông Trưởng Ban Tổ chức thành ủy là một minh chứng cho triết lý “một người làm quan, cả họ… cũng được làm quan theo” để thêm vây cánh nhằm củng cố quyền lực, đã sử dụng các ngón nghề “tổ chức” đưa người thân, cùng cánh với mình vào những vị trí “ngon lành cành đào” trong bộ máy công quyền… Đúng là “không gì vô tổ chức bằng công tác tổ chức nhân sự”.

   Sự “vô tổ chức của công tác tổ chức nhân sự” là loại vi rút cực mạnh gây nên sự trầm trọng của căn bệnh chạy chức chạy quyền. Trong tiểu thuyết của Nguyễn Bắc Sơn, chạy chức chạy quyền không còn là câu chuyện của một cá nhân, một địa phương, một ban ngành nào mà trở thành một vấn nạn xã hội khá phổ biến và trong nhiều trường hợp, nó biến tướng thành một đường dây mua quan bán chức quyền tinh vi, lắt léo, được lập trình khá công phu, bài bản. Con đường tiến thân của Vũ Sán trong Luật đời & cha conLửa đắng là một minh chứng. Xuất phát điểm là cán bộ địa chính phường nhưng được sự “tiếp sức” của vợ là Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Lâm Du, Sán được cất nhắc thành chuyên viên, rồi Phó phòng Quy hoạch (Sở Quy hoạch Kiến trúc thành phố). Ở vị trí này, vừa nắm trong tay bản đồ quy hoạch vừa có thể can thiệp chỉnh nắn quy hoạch, lại vào thời điểm cả thành phố nháo nhào đua nhau chạy đất nên quyền lực của Sán có cơ hội thể hiện. “Khách đến nhà Sán nhiều đến mức phải chờ ngoài đường, phải đứng đợi ở đầu phố”. Và để được việc thì “phải làm thủ tục đầu tiên là tiền đâu”. Còn các doanh nghiệp thuê đất dự án, để cầm được quyết định trên tay thì cũng phải có “dầu mỡ bôi trơn xứng đáng”.

   Quyền lực đi đôi với bổng lộc. Quyền càng to thì bổng lộc càng lớn. Vậy nên chưa có quyền thì chạy quyền, có quyền rồi thì bằng mọi thủ đoạn để quyền đó được “nâng cấp”. Sán quyết tâm chạy chức Trưởng phòng Quy hoạch. Đồng hành cùng Sán, trong cuộc chạy ma-ra-tông này còn có Phó phòng Hạnh Ngân. Cả hai “vận động viên” đều đang đương chức phó phòng, đều là đảng viên, đều có bằng đại học đúng chuyên ngành. Ngang tài, ngang sức nhưng ghế thì chỉ có một. Vì thế, cuộc đua này càng gay cấn, căng thẳng, quyết liệt. “Những dịp khánh thành nhà mới, Tết Nguyên đán, sinh nhật… mừng thượng thọ mẹ này, giỗ bố này, đám cưới bạc, đầy cữ cháu, sinh nhật cháu đích tôn, đi công tác nước ngoài về, con vào đại học, rửa xe ô tô…”2 của cấp trên, với Sán và Hạnh Ngân là những cuộc đua ngầm. Phương tiện của những cuộc đua này là những chai rượu ngoại giá trị, những món quà độc chiêu kèm theo những chiếc phong bì không hề mỏng. Kết cuộc, phần thắng thuộc về Hạnh Ngân bởi chị ta “thông minh” hơn Sán khi nghĩ ra được hai dịp nữa mà Sán không nghĩ ra, đó là ngày khai trường và ngày quốc tế thiếu nhi của các cháu.

   “Quyền lực như một thứ rượu, hễ nhấp vào là say, rồi mê, rồi nghiện”. Vì vậy, dẫu thất bại, Sán vẫn không nản chí, vẫn nuôi tham vọng chiếc ghế trưởng phòng để lấy đà tăng tốc, chạm đến những mục tiêu cao hơn. Sán tiếp tục chạy và cuộc chạy lần này có sự “đầu tư chiều sâu” của “Người lơ lớ” – “đại gia trong đầu cơ các mối quan hệ” – nên chắc chắn hơn. Vận dụng chiến lược “đột phá nhất điểm khai thông toàn bộ” kết hợp với chiến thuật “từ trên đánh xuống, từ dưới đánh lên, trong đánh ra, ngoài đánh vào” mà “Người lơ lớ” quân sư cùng với “cơ số đạn thừa sức gây ấn tượng” mà ông ta đầu tư để đầu tư lại vào những địa chỉ cần thiết, Sán nhanh chóng chiếm giữ chiếc ghế Trưởng phòng Quy hoạch.

   Tuy nhiên, với một người năng lực có hạn nhưng tham vọng thì vô cùng như Sán thì vị trí trưởng phòng không phải là điểm dừng. Kế hoạch chạy chức chạy quyền vẫn được tiếp tục. Mục tiêu mà Sán ngắm đến là chiếc ghế Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc thành phố – một vị trí quá cao so với thực lực chuyên môn và nhân cách tồi tàn của Sán. Nhưng với tài năng đạo diễn của “Người lơ lớ”, kế hoạch được triển khai khá bài bản. Từ việc làm luận án tiến sĩ để có tí học vị cho đến việc có chân trong Đảng ủy để “nặng đồng cân khi người ta đặt lên bàn cân cân nhắc” đều được tính toán kỹ lưỡng. Luận án thuê trọn gói, “cả hội đồng cơ sở lẫn hội đồng chính thức, cả phản biện kín lẫn phản biện hở, cả ngoại ngữ lẫn nội ngữ đều giải quyết bằng tiền”3. Để trúng cử Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ thì bằng những chiếc phong bì với loại tiền màu xanh lá mạ, Sán đã bôi trơn không sót một bộ phận nào, từ Bí thư Đảng ủy Trần Đương – đạo diễn màn kịch gian lận phiếu bầu cử – đến Bí thư các chi bộ trực thuộc Sở và cả Ban Kiểm phiếu. Khi những bước đệm lấy đà đã chắc chắn, Sán tăng tốc về đích. Quán triệt nguyên tắc “đột phá vào con đầu đàn hoặc con chủ chốt có ảnh hưởng tới cả bầy đàn”, Sán đột kích vào ông Cận – Trưởng Ban Tổ chức thành ủy, bởi như giải thích của “Người lơ lớ”, ông ta “giống như một thợ hóa trang, có thể biến một người xấu thành không xấu, không xấu thành đẹp”4. Và đúng như vậy, bằng tiền và rất nhiều tiền, Sán đã được ông Cận biến biến hóa hóa từ một Vũ Sán bất tài vô dụng, tha hóa, biến chất, mưu mô thủ đoạn trở thành một Vũ Sán tài năng, thanh liêm, mẫu mực, xứng đáng với chức danh Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc.

   Triết lý “cái gì không mua được bằng tiền thì có thể mua được bằng rất nhiều tiền” thật chuẩn trong những “ván cờ người” của Sán. Bằng tiền và rất nhiều tiền, Vũ Sán đã điều khiển cả một mạng lưới thế lực ngầm làm công tác nhân sự của thành phố Thanh Hoa để rồi từ một cán bộ địa chính phường, từng bước Sán ngạo nghễ leo lên chiếc ghế Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc.

   Nếu trong Lửa đắng, để leo lên chiếc ghế Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc, Vũ Sán hội đủ bốn chữ nhẫn - “nhẫn nại phục kích, nhẫn nhục để cầu thân, nhẫn tâm để hại người khác, nhẫn vàng để chạy quyền chức”5 - thì trong Vỡ vụn, để giành bằng được chiếc ghế Chủ tịch tỉnh quyền uy, Lưu Minh Vương cũng ma mãnh, hèn hạ, nhẫn nhục không kém.

   Trong Vỡ vụn, cuộc tranh chức Chủ tịch tỉnh X giữa Phó Chủ tịch Lưu Minh Vương và Phó Chủ tịch Nguyễn Chí Thành diễn ra khá gay cấn với nhiều tình huống bất ngờ, thú vị. Cả hai đều trưởng thành từ cơ sở, đều kinh qua Bí thư huyện uỷ, Giám đốc Sở rồi lên Phó Chủ tịch. Bề ngoài tưởng chừng hai ứng cử viên cân tài, cân sức nhưng thực chất, họ là hai thế giới nghịch ngược, vênh lệch về trình độ chuyên môn, uy tín lãnh đạo, cách sống, cách ứng xử... Lưu Minh Vương vốn là giáo viên phổ thông nhưng nhờ thành phần cơ bản (bố có công trong cải cách ruộng đất) nên được đề bạt lên Phó Hiệu trưởng. Tình cờ một lần gặp gỡ, tạo được thiện cảm với Bí thư tỉnh ủy, thế là Phó Hiệu trưởng được đề bạt vượt cấp lên Phó Giám đốc, rồi Giám đốc Sở Giáo dục. Hai năm sau được điều về làm Bí thư huyện ủy, giờ đương chức Phó Chủ tịch tỉnh. Về tư cách đạo đức thì Lưu Minh Vương được khái quát trong ba từ “mồm mép, mưu mẹo, ma mãnh” và bị dư luận gọi chệch là Lưu Manh Vương. Ngược lại, Nguyễn Chí Thành xuất thân từ một gia đình có truyền thống cách mạng: bố là cựu tù nhân chính trị Sơn La, từng là Bí thư, Chủ tịch tỉnh X; bản thân Thành được giáo dục, đào tạo bài bản, có học vị tiến sĩ, được Thường vụ tỉnh ủy đánh giá cao về năng lực chuyên môn cũng như đạo đức nhân cách... Hơn ai hết, Lưu Minh Vương hiểu rõ sự nghịch ngược, vênh lệch này, hiểu rõ Nguyễn Chí Thành không phải là đối thủ dễ dàng đánh bại. Tuy nhiên, chiếc ghế Chủ tịch tỉnh quá hấp dẫn và quyền uy khiến cho kẻ tham quyền như Vương sẵn sàng dùng mọi chiêu độc để giành và giữ lấy nó.

   So với Vũ Sán, trong Vỡ vụn, trình độ chạy chức của Lưu Minh Vương đã chuyển sang một đẳng cấp khác. Nguyễn Bắc Sơn đã xây dựng một tình huống chạy chức chạy quyền độc chiêu, kỳ lạ. Người được chạy chức chạy quyền không phải là người nắm trong tay quyền hành đề bạt, bổ nhiệm mà là ông già Sơn La – thân phụ của đối thủ cạnh tranh. Còn người chạy chức chạy quyền không ngần ngại phơi trần cái bản mặt hèn hạ, nhẫn nhục, ma mãnh của mình. Giãi bày hoàn cảnh, nhẫn nhục năn nỉ ỉ ôi, cuối cùng Lưu Minh Vương lật bài ngửa: “Nếu cháu không lên dịp này là lỡ nhịp, không còn cơ hội nào nữa. Bác thương cháu, nhường cho cháu lần này… cháu xin biếu bác… để bác dưỡng già”6. Và cái giá của sự “nhường” này là 500 triệu đồng. Sự mặc cả trắng trợn khiến ông già Sơn La bàng hoàng. Trong ông, nhiều câu hỏi đặt ra: “Không biết mình là người đầu tiên hay là người cuối cùng anh ta gặp? Và ở giữa là bao nhiêu người? Họ là những ai? Có bao nhiêu người nhận tiền, bao nhiêu người không nhận như mình?”7.

   Trong Vỡ vụn, Nguyễn Bắc Sơn còn xây dựng một tình huống chạy chức nữa cũng khá độc đáo. Đó là người chạy chức chạy quyền không phải là những phần tử cơ hội, yếu kém chuyên môn và tha hóa đạo đức như Lưu Minh Vương mà là một cán bộ chân chính, mẫu mực, không cơ hội, không tham vọng quyền lực nhưng nếu để những kẻ đốn mạt như Lưu Minh Vương “đứng đầu chính quyền tỉnh nhà thì không phải là tai họa mà là thảm họa” nên buộc họ phải chạy. Đó là trường hợp ông già Sơn La chạy chức cho con trai Nguyễn Chí Thành. Một tình huống thật thú vị: người ta chạy bằng tiền, còn ông chạy bằng chân. Ông thuê xe ôm đến từng nhà trong Ban Thường vụ, không rào trước, đón sau, không quà cáp, chỉ với một câu: “Các đồng chí đừng nể nang, thương xót ông già này mà bỏ phiếu cho thằng Thành, nếu thấy nó không xứng đáng với công việc được giao”8. Đúng là một kiểu chạy chức chạy quyền độc nhất vô nhị.

   Trong Gã tép riu, cũng chạy chức chạy quyền nhưng Diệu Thủy không chạy bằng tiền bạc, bằng các vật dụng xa xỉ đắt tiền như cách chạy của Vũ Sán và Lưu Minh Vương, cũng không chạy bằng chân như cách chạy của ông già Sơn La mà chạy bằng mối quan hệ thân quen, chạy bằng “vốn tự có”.

   Nguyễn Bắc Sơn đã dành dung lượng lớn tác phẩm kể lại hành trình thăng tiến của Diệu Thủy. Khởi nghiệp là Bí thư Đoàn phường, kiến thức thì “nhiều cái dốt đặc cán mai và rất nhiều cái rỗng như cán cuốc”, song bằng một phát ngôn lấy lòng một vị quan chức cao cấp nên được nâng đỡ, thăng tiến ầm ầm, từ Bí thư Đoàn phường lên Bí thư Quận Đoàn rồi Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận. Từ khi qua ủy ban, được trải nghiệm cuộc sống quan quyền, Thủy đâm ra nghiện quyền lực. “Nghiện quyền lực như nghiện ma túy” nên người đàn bà này đã “tận dụng triệt để đến trơ trẽn thói đĩ bợm” của mình để đạt bằng được mục đích, để tiến xa hơn. Nhưng tài đức kém cỏi, bằng cấp chẳng có gì, vậy tiến xa bằng cách nào? Cùng với sự hậu thuẫn của vị quan chức nọ, Thủy đã sử dụng đủ mọi ngón nghề, chiêu trò gạ gẫm, “dấm dúi, lén lút, vụng trộm, phân phối vốn tự có đúng đối tượng, đúng địa chỉ” để đạt được những toan tính cá nhân. Với thầy làm hộ luận văn thạc sĩ và luận án tiến sĩ, ngoài phong bì lo lót là những màn “mây mưa” miễn phí. Với Thứ trưởng, để đạt được cái ghế Vụ phó rồi Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thủy đong đưa quyến rũ và kèm theo “cái nhìn đắm đuối như sẵn sàng mời anh xơi miếng cơm lam”. Chức vụ càng cao thì tham vọng quyền lực ở người đàn bà này càng ngùn ngụt, lại được quý nhân động viên, khích lệ “đảng viên thì phải có tinh thần cách mạng tiến công”, “từ một tay thợ điện chuyên sửa chữa điện lặt vặt trong cơ quan, chú còn bồi dưỡng, đào tạo thành Bộ trưởng”9 nên Thủy càng phấn chấn, càng có động lực giở hết các ngón nghề đĩ bợm để tạo những bước đột phá trên con đường danh vọng. Để được ngồi vào chiếc ghế Thứ trưởng, để được Bộ trưởng thiết kế một kịch bản không còn gì hoàn hảo hơn, chắc chắn hơn cho quy trình bổ nhiệm, Thủy chủ động quyến rũ Bộ trưởng bằng những cuộc làm tình “no chày, nảy nước”. Cái cách đong đưa, nhắc người tình Bộ trưởng đến “trận địa chiến” đúng hẹn cho thấy “sự suy đồi ê ẩm đã lên tới đỉnh điểm, bà Thứ trưởng đã hiện nguyên hình là một con điếm có bằng cấp lọc lõi trên tình trường”10. Cuối cùng, cuộc giao dịch mua bán cũng đã thành công, người đàn bà hãnh tiến đã mua được chiếc ghế Thứ trưởng bằng “vốn tự có” của mình. Và lại thêm một lần nữa “Tổ chức có thể biến từ không đến có, biến cái không thể thành cái có thể”11.

   2. Câu chuyện thời sự

   “Sự vô tổ chức của công tác tổ chức nhân sự”, sự tùy tiện trong đề bạt, bổ nhiệm vô tội vạ nhằm trục lợi cá nhân, nhằm giải quyết các mối quan hệ qua lại, nhằm thêm vây cánh để củng cố quyền lực… là nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự bùng phát tệ nạn chạy chức chạy quyền. Câu chuyện này không chỉ nóng vào thời điểm Nguyễn Bắc Sơn viết Luật đời & cha con, Lửa đắng, Gã tép riu, Vỡ vụn mà đến nay vẫn rất thời sự. Không chỉ làm dậy sóng dư luận xã hội, vấn đề này còn gõ động cánh cửa hội trường Quốc hội, làm nóng các diễn đàn Quốc hội và không ít lần được đưa ra bàn luận tại các phiên họp của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

   Tại Hội nghị lần thứ 4 (khóa XII), Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhận định: “Việc chạy chức, chạy quyền là vấn đề bức xúc, nhức nhối trong công tác tổ chức cán bộ hiện nay và đang diễn biến ngày càng tinh vi, phức tạp”. Dõi theo những chuyển động của đời sống xã hội cũng như cập nhật thông tin từ báo chí, không khó để nhận ra tính chất phức tạp và tinh vi của tệ nạn chạy chức, chạy quyền... Nếu trước đây hiện tượng này có tính đơn lẻ, thi thoảng xuất hiện ở cơ quan này, địa phương nọ thì nay khá phổ biến, lây lan “xuyên thấu vào tầng sâu, tràn qua nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều đối tượng”12. Và chạy chức, chạy quyền không còn là câu chuyện của một cá nhân mà là câu chuyện của một nhóm lợi ích được “kết nối thành bè cánh, phe nhóm, miếng mảng... hết sức tinh vi, bài bản”13. Câu chuyện chạy chức chạy quyền và sự tùy tiện, vô nguyên tắc trong công tác đề bạt, bổ nhiệm cán bộ tại nhiều cơ quan địa phương và Trung ương đã được báo chí liên tục đưa tin. Đó là hiện tượng “cả nhà làm quan, cả họ làm quan”, ưu ái, vun vén, đưa người thân, họ hàng không đủ điều kiện, tiêu chuẩn nghề nghiệp vào những vị trí chủ chốt trong cơ quan công quyền nhằm kết bè quyền lực, thao túng quyền lực. Câu chuyện về các quan chức “xếp ghế cho vợ, cho con, cho họ hàng như… làm xiếc”, câu chuyện về sự thăng tiến thần kỳ của con cháu các quan chức tại Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Nam, Hải Dương, Gia Lai, Hậu Giang, Hà Giang… mà báo chí phanh phui vẫn nóng mỗi ngày. Tiếp đến là hành vi lợi dụng quyền lực trong công tác tổ chức nhân sự, ký hàng loạt quyết định bổ nhiệm vội vã lúc “hoàng hôn nhiệm kỳ”. Dư luận bất bình, bức xúc trước câu chuyện ông Vũ Huy Hoàng – cựu Bộ trưởng Bộ Công thương, chưa đầy 2 năm cuối nhiệm kỳ đã ký 97 quyết định bổ nhiệm; ông Trần Văn Truyền - cựu Tổng thanh tra Chính phủ, trong vòng 6 tháng trước khi nghỉ chế độ đã ký 60 quyết định bổ nhiệm cán bộ cấp vụ và tương đương; ông Lê Mạnh Hùng – cựu Tổng Giám đốc ACV, trước khi nghỉ hưu mấy tuần đã ký 76 quyết định bổ nhiệm cán bộ. Trong hàng trăm quyết định được ký vội vàng đó có rất nhiều trường hợp không nằm trong diện quy hoạch, không đủ tiêu chuẩn, trình độ chuyên môn... Đặc biệt, dưới vỏ bọc đúng quy trình, đúng quy định, những người nắm trong tay quyền hành bổ nhiệm, cất nhắc cán bộ đã bổ nhiệm “siêu thần tốc”, thiếu trong sáng những cán bộ không đảm bảo các tiêu chuẩn và yêu cầu vị trí việc làm vào những chức vụ quan trọng trong bộ máy Nhà nước. Dư luận vẫn còn râm ran câu chuyện về sự thăng tiến thần tốc của Trịnh Xuân Thanh. Theo kết luận của cơ quan chức năng, từ năm 2011-2013, dưới sự điều hành của Trịnh Xuân Thanh, PVC thua lỗ gần 3.300 tỉ. Với tư cách là Chủ tịch Hội đồng quản trị, lẽ ra Trịnh Xuân Thanh phải chịu trách nhiệm chính, thế nhưng Trịnh Xuân Thanh đã “thoát hiểm ngoạn mục” trong khi nhiều cá nhân liên quan bị xử lý hình sự. Bị kỷ luật và cho thôi tất cả các chức vụ tại PVC nhưng chỉ một tháng sau (9/2013), Trịnh Xuân Thanh được Bộ Công thương tiếp nhận, bổ nhiệm các chức vụ quan trọng của Bộ: Phó Chánh Văn phòng Bộ, Trưởng đại diện Bộ Công thương tại Đà Nẵng, Vụ trưởng - Trưởng Ban Đổi mới doanh nghiệp. Rồi như một phép màu, tháng 12/2014, Trịnh Xuân Thanh được quy hoạch chức Thứ trưởng Bộ Công thương nhiệm kỳ 2016-2021; đến tháng 5/2015, được điều chuyển làm Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang, sau đó trúng cử đại biểu Quốc hội. Dư luận ngao ngán và hàng loạt câu hỏi được đặt ra: Con đường từ Chủ tịch PVC đến với chiếc ghế Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang của Trịnh Xuân Thanh, ngoài hai cửa đi và đến còn phải qua ba cửa là Bộ Công thương, Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ, để qua được cả năm cửa này, hẳn phải có những người “kéo từ phía trên, đẩy từ phía dưới để đối tượng này thăng quan, tiến chức một cách thần kỳ”14 ? Và nếu không vướng vào vụ biển số xanh, không có sự vào cuộc quyết liệt của báo chí và dư luận xã hội thì đường công danh của Trịnh Xuân Thanh hẳn sẽ còn tiến xa hơn nữa?

   Tương tự Trịnh Xuân Thanh, con đường thăng tiến thần tốc của “hotgirl” Trần Vũ Quỳnh Anh ở Thanh Hóa cũng đặt ra nhiều dấu hỏi. Khởi điểm là nhân viên tạp vụ của Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa; tháng 1/2011, với tấm bằng cử nhân tin học tại chức, Quỳnh Anh được nhận vào làm hợp đồng (không qua thi tuyển) tại Trung tâm Kiểm định chất lượng (Sở Xây dựng Thanh Hóa); đến tháng 5/2012, được chuyển sang làm chuyên viên Phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản. Từ đây, con đường thăng tiến của Quỳnh Anh phất lên như diều gặp gió. Mặc dù không đảm bảo các quy định về trình độ chuyên môn, thâm niên công tác… nhưng chỉ trong vòng hai năm, Quỳnh Anh liên tiếp được bổ nhiệm chức Phó phòng, rồi Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản, đồng thời được tham gia Đảng ủy Sở Xây dựng, được quy hoạch chức danh Phó Giám đốc Sở Xây dựng. Ai đã đứng đằng sau nâng đỡ để Quỳnh Anh thăng tiến? Câu hỏi mà dư luận đặt ra đã có câu trả lời từ Uỷ ban Kiểm tra Trung ương. Sự thăng tiến bất thường của Quỳnh Anh “có sự ưu ái, nâng đỡ không trong sáng” của ông Ngô Văn Tuấn, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Giám đốc Sở Xây dựng Thanh Hóa.

   Những lỗ hổng của công tác nhân sự và tệ nạn chạy chức chạy quyền là căn bệnh nan y đang làm bức xúc dư luận xã hội. Việc phát hiện và mổ xẻ đến tận cùng căn bệnh này cho thấy tiểu thuyết của Nguyễn Bắc Sơn đã bám sát dòng chảy thời cuộc, “đã đi thẳng vào những vấn đề hệ trọng, nhạy cảm nhất của ngày hôm nay, ở ngay dòng chảy chính của hiện thực”15. Từ đó, đặt ra nhiều vấn đề thời sự cần suy ngẫm; đó là sự thiếu chặt chẽ, thiếu khoa học của quy trình, quy định bổ nhiệm cán bộ; là sự buông lỏng, kém hiệu quả của công tác kiểm tra, giám sát; là sự tha hóa, tham nhũng quyền lực của những người có quyền lực trong công tác nhân sự... Đồng thời, với quan niệm “ngọn lửa văn chương là thuốc đắng cho đời”, Nguyễn Bắc Sơn còn mạnh dạn kê nhiều toa thuốc đặc trị có giá trị thực tiễn. Đó chính là những chuyển biến tích cực trong tiểu thuyết của Nguyễn Bắc Sơn trong hành trình làm mới thể loại, trong ý thức về bản lĩnh, sự dấn thân và trách nhiệm công dân của người cầm bút.

 

 

 

Chú thích:
1, 3, 4, 5 Nguyễn Bắc Sơn (2011), Lửa đắng, NXB Lao Động, tr. 197, 132, 237, 486.
2 Nguyễn Bắc Sơn (2017), Luật đời & cha con, NXB Thanh niên, tr. 212.
6, 7, 8 Nguyễn Bắc Sơn (2015), Vỡ vụn, NXB Hội Nhà văn, tr. 144, 148, 152 .
9, 10, 11 Nguyễn Bắc Sơn (2017), Gã tép riu, NXB Đà Nẵng, tr. 570, 10, 571.
12, 13, 14 Nhóm tác giả: “Kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền - vấn đề cấp bách hiện nay”, Báo Quân đội nhân dân, ngày 16/8/2019.
15 Phùng Bình: “Hai giờ “không đắng” với tác giả Lửa đắng”, Tạp chí Pháp lý, số 1+2/2012.

Bình luận

    Chưa có bình luận