TRỊNH CÔNG LỘC - NGƯỜI LÍNH KHÔNG HÁT ĐỒNG CA

Bài viết phân tích những thành công của thơ Trịnh Công Lộc ở hai yếu tố: thứ nhất, cảm hứng chủ đạo đạt đến sự hài hòa giữa lãng mạn - sử thi với hiện thực - thế sự; thứ hai, thơ Trịnh Công Lộc đã tạo dựng được một thế giới nghệ thuật với những đặc điểm thi pháp rõ nét, độc đáo. Điều đó giúp cho ông có được vị trí xứng đáng, đắc địa trên thi đàn văn học Việt Nam hiện đại.

   Trang thơ Báo Văn nghệ số 51 ra ngày 23/12/2023 có đăng bài Cây nghĩa trang của tác giả Trịnh Công Lộc. Trong bối cảnh cả nước kỷ niệm 79 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, ngỡ như bài thơ của một cựu chiến binh cũng mang âm hưởng chung của những sáng tác “nhân dịp, chào mừng, kỷ niệm”… nhưng không, thi phẩm có cái tứ rất lạ, đủ sức lay động phần tâm thức, tiềm thức thẳm sâu ở độc giả:

   “Đất nước sau chiến tranh, một phần còn lại
   Những nghĩa trang liệt sĩ dựng lên
   Cây bia mộ đứng theo hàng tăm tắp
   Mùa qua mùa, cây lại mọc thêm”.

   Bằng giọng kể và điệu trầm buồn, một cách thật tự nhiên chứ không chút cường điệu, tác giả đã tạo nên không khí lắng đọng, trĩu nặng ưu tư. Cảm xúc thơ khởi đầu bằng hình ảnh tả thực nhưng hầu như ngay lập tức, trong khi câu chữ vẫn cứ dìu dặt, tha thiết thì một lớp nghĩa ẩn dụ mới mẻ được hình thành và ngày càng rõ nét:

   “Các anh về đây từ khắp mọi miền
   Cây bia mộ vẫn đơm hoa kết trái
   Hoa trái chín không mấy ai nỡ hái
   Còn muốn thơm vào đất các anh nằm”.

   Những hàng bia đá lặng im, mòn sáo trong tâm thức con người từ bao đời nay bỗng hóa thành những “cây bia mộ”, vẫn “đơm hoa kết trái” và tỏa hương “thơm”. Chỉ qua một khổ thơ mà hư và thực, con người với thiên nhiên, đớn đau lẫn hạnh phúc chợt như đan cài, hóa thân, hòa quyện vào nhau. Nhãn tự “thơm” mang cả nét nghĩa của tính từ và động từ, cách hiểu nào cũng dẫn đến những liên tưởng sâu sắc, độc đáo.

   Cảm hứng chủ đạo khởi phát từ nguồn mạch tự tình khó nguôi ngoai, đó là nỗi xót xa ngậm ngùi và niềm tưởng tiếc vô hạn cùng thái độ trân trọng hết mực và đức tin tuyệt đối vào trạng thái bất tử của những giá trị cao cả mỗi khi chạm đến các từ khóa “nghĩa trang liệt sĩ”, “bia mộ”, “hi sinh”… Nhưng hình như sau khi được thanh lọc qua các lớp trầm tích của trường kỳ gian khổ, nhọc nhằn, mất mát, đau thương thì nỗi buồn đau không còn ngầu đục hận thù, cay đắng nữa mà đã được hóa giải để trở nên trong veo, đẹp sáng vô ngần:

   “Cây nghĩa trang mọc trắng nghĩa trang
   Theo những ngôi sao sáng bừng mặt đất
   Mỗi mộ chí, một cây di tích
   Cây mọc lên, tỏa bóng nhân gian”.

   Rõ ràng, một cách thật nhuần nhị và tài tình, bài thơ Cây nghĩa trang có sức lay động mạnh mẽ tâm tư độc giả bằng hệ thống hình ảnh đậm chất tượng trưng, siêu thực, với tình điệu thẩm mĩ vừa có màu sắc truyền thống vừa mới mẻ, đầy sáng tạo. Tác giả cứ nhỏ nhẹ, điềm đạm tâm tình dù gợi nhắc đến chuyện quốc sự và giông bão ân tình đang dậy ở trong lòng. Hẳn nhiên, chừng ấy biểu hiện đủ cho thấy sự kết tinh quá trình nung nấu, thai nghén lâu dài của một ngòi bút bản lĩnh, tầm cỡ và có quan điểm nghệ thuật riêng. Thi nghiệp của Trịnh Công Lộc đã minh chứng hùng hồn điều đó.

   Trịnh Công Lộc (sinh năm 1952) thuộc thế hệ nhà thơ trưởng thành trong thời kỳ kháng chiến chống Mĩ. Do vậy, chắc hẳn khi còn ngồi trên giảng đường Đại học Sư phạm Hà Nội, chàng sinh viên chuyên ngành Ngữ văn đã được tiếp nhận đầy đủ các giá trị của văn học cách mạng - một mảng sáng tác lấy sử thi, lãng mạn làm khuynh hướng tư tưởng và cảm hứng chủ đạo. Ở nơi tuyến đầu chống Mĩ, khi “cả đất nước có chung một tâm hồn, cả dân tộc có chung một gương mặt” (Chế Lan Viên), ấy vậy mà, theo một duyên nghiệp không dễ giải thích, ngay từ những thi phẩm đầu tay, Trịnh Công Lộc đã xác lập một đường hướng, phương cách riêng để sẻ chia, giãi bày suy tư, cảm xúc về Tổ quốc và dân tộc; ngõ hầu tìm đến sự đồng điệu của độc giả.

   Có một điểm hơi khó cắt nghĩa: nếu tính từ thời điểm 1972-1973 khi có thơ đăng Báo Văn nghệ và cả chùm thơ đăng trên Tạp chí Văn nghệ quân đội cho tới năm 2011, khi in tập đầu tay Cánh buồm nâu thì cũng ngót nghét 40 năm. Trong bài viết Có một cánh buồm đang trở về bến thơ (Tạp chí Nhà văn, tháng 8/2011), nhà thơ Nguyễn Thị Mai nhớ lại: “Ở trường tôi một thời, anh Lộc nổi tiếng lắm. Anh có nhiều vần thơ mà bây giờ tôi vẫn còn nhớ. Và hễ có ai hỏi thăm anh thì cánh sinh viên chúng tôi thường nói: Ông ấy mê thơ còn hơn mê gái”. Trong ký ức bạn bè, ngay từ những trang viết đầu tay, giữa những ngày tháng khốc liệt làm nên kỳ tích Điện Biên Phủ trên không, Trịnh Công Lộc cũng đã chăm chút cho mình một hướng đi riêng: “Bấy giờ, nhiều thơ viết về bộ đội Trường Sơn, về tiền tuyến đánh giặc khốc liệt nên khi gặp những vần thơ viết về quê nhà với chút mộng mơ lãng mạn của Trịnh Công Lộc, những chàng trai cô gái sinh viên vừa lớn lên, chưa đi đâu xa, cảm giác như được đến một miền bình yên đầy hấp dẫn”. Một cây bút được đào tạo bài bản, vốn sống đủ đầy và đã gặt hái thành công ngay từ buổi đầu đến với thơ ca, có thơ đăng báo/ tạp chí uy tín, nhiều độc giả ái mộ, kỳ vọng nhưng lại ngoảnh mặt làm ngơ với “nàng Thơ” suốt gần nửa thế kỷ, mãi đến gần 60 tuổi mới cho ra mắt tập thơ đầu tay.

   Không ít người tìm cách lý giải điều này, có ý kiến cho rằng: “đó là sự giữ mình”; người khác lại bảo: “đó là sự chuẩn bị kỹ lưỡng của một người tu tập lâu năm, chờ đúng thời điểm mới xuống núi”; nghĩa là “Có thể cái đức kiên nhẫn và sự trầm lặng đã hoạch định nên một bản lĩnh thơ Trịnh Công Lộc”. Hãy nghe chính nhà thơ tâm sự: “Thơ có phép nhiệm mầu. Khi công việc khẩn thiết phải chủ trì, chủ biên, xuất bản sách về lịch sử, về văn học thì thơ lại là nguồn cảm hứng lay động, rung rinh từng trang viết […]. Với tôi, thơ là cái cớ để chia sẻ với bạn bè. Thơ cũng là mối duyên tơ! Ngày ngày, thơ bám đuổi. Và hình như thế mà cũng lắm liêu xiêu, xô đẩy, đành phải đi về phía cuối cùng” (Đôi lời tự bạch – in ở trang đầu tập Cánh buồm nâu). Như vậy là đã rõ, dù không chính thức thừa nhận nhưng chính “công việc khẩn thiết” của một cán bộ, viên chức nhà nước thường thường bậc trung đã ngốn phần lớn thời gian và tâm trí, khiến cho chuyện viết lách có phần bị xao nhãng. Nhưng trong cái khó cũng đã ló cái tâm cái tình hồn nhiên, chân thành: chỉ có thơ mới đủ “phép nhiệm mầu” để cứu rỗi, hóa giải bằng “nguồn cảm hứng lay động, rung rinh từng trang viết”. Cũng thật tội nghiệp, dù phải luôn đối mặt với bộn bề công việc, toàn tâm toàn ý chu toàn phận sự nhưng Trịnh Công Lộc vẫn không sao quên được mối duyên ban đầu và không nỡ lòng lảng tránh những rung động (“liêu xiêu”) thường trực trong hồn, bởi: “Thơ cũng là mối duyên tơ! Ngày ngày, thơ bám đuổi”. Cái “phía cuối cùng” sẽ “đi về” dù có vẻ mông lung sương khói so với những buồn vui, lo toan trong đời thực nhưng lại là cõi an yên tất yếu của một kẻ trót đã dan díu với “nàng Thơ”. Phải chăng đây mới là nguyên nhân chính dẫn đến hiện trạng “đi trước về sau” của thơ Trịnh Công Lộc? Và phải chăng vì thi liệu được nung nấu, ấp ủ trong một thời gian dài nên đã chín, đã lên men khiến cho thơ ông luôn gây được niềm xao xuyến, rưng rưng trong tâm hồn độc giả?

   Trịnh Công Lộc đặc biệt đề cao phong cách nghệ thuật trong sáng tác văn chương: “Mỗi nhà văn, nhà thơ phải khám phá một khía cạnh khác nhau trên nền của hiện thực. Sau đó mới tới sự đổi mới về hình thức như cấu trúc, ngôn ngữ, cách thể hiện…”. Thực tế sáng tác của ông đã chứng minh điều đó. Qua 274 bài thơ in trong 5 tập (Cánh buồm nâu: 36 bài, Mộ gió: 36 bài, Mặt trời đêm: 45 bài, Tim núi: 40 bài, Từ biển mà đi: 117 bài - như tuyển tập, có in lại một số bài của những tập trước), nhà thơ đã xác lập được một thi quyển riêng, chạm khắc vào tâm trí độc giả những hình tượng nghệ thuật vừa giàu sức khái quát vừa gây được nhiều rung động tinh tế, bằng hình thức nghệ thuật đầy sáng tạo.

   Có hai biểu tượng cứ trở đi trở lại thành nỗi ám ảnh nghệ thuật, làm phông nền cho cả suy tư và cảm xúc trải suốt các tập thơ của Trịnh Công Lộc, đó là núi và biển đảo. Đặc điểm nội dung mang màu sắc thi pháp này được hình thành trong sự ảnh hưởng mang ý nghĩa quyết định của môi trường tự nhiên và hoàn cảnh sống. Được sinh ra, lớn lên ở vùng chiêm trũng Hoa Lư - Thái Bình và từng nhiều năm công tác ở Đông Triều - Quảng Ninh, vùng địa đầu Đông Bắc Bộ, chắc hẳn những ấn tượng, kỷ niệm, hoài niệm trải suốt từ thời ấu thơ đến tuổi thanh niên của nhà thơ đã gắn bó sâu nặng với hai vùng non nước hùng vĩ và nên thơ ấy:

   “Sóng đã đập vào tôi hết cả tuổi xuân
   Sóng tung bọt hai bờ vai trắng xóa
   Còn lay mãi bàn chân đi suốt cuộc đời”
                                            (Sóng vỗ đôi bờ vai)
   “Nghe như có tiếng đập
   Tim núi,
   giấc mơ bay…”.
                                            (Đài hương)
   “… Một chút thôi, nhè nhẹ
   Thoáng cánh buồm xa xa
   Cánh buồm mang bóng mẹ
   Như con đang ở nhà!”.
                                            (Ở đảo một chút thôi)

   Có thể xem Tim núi Từ biển mà đi là hai tập thơ đã khái quát chuẩn xác một đặc điểm trong phong cách thơ Trịnh Công Lộc, xét từ bình diện thi đề, thi hứng. Cũng là tức cảnh sinh tình, nhưng cái tình ở đây thật đậm đà, da diết, hướng về phía đời sống con người chứ không lạc nẻo giữa những tình điệu thẩm mĩ đơn thuần tụng ca vẻ đẹp thiên nhiên; cho dù đó là nét dung dị giữa bình yên, đời thường: “Ngày ấy cánh cò vẫn đậu/ Những đốm trắng đăm chiêu trên thảm cỏ sông Hồng/ Những đốm trắng hình trái tim vỗ cánh” (Sau lưng 1976) hay cảnh sắc thiên nhiên trĩu nặng uất hận trong tang tóc, bi hùng: “Mỗi tấc đất/ đã bao nhiêu máu/ Thắm lên từng vách núi, ngọn cây/ Mỗi đỉnh núi/ một bàn thờ Tổ quốc/ Ngát linh hương nghi ngút trời mây” (Đỉnh núi).

   Các yếu tố thiên nhiên trong thơ Trịnh Công Lộc luôn được cách điệu, tượng trưng để như được hóa thân thành những dạng thức tồn tại khác nhau và có mối liên hệ thường trực với thế giới tinh thần con người. Những dãy núi đá vôi đẫm máu trong chiến tranh biên giới phía Bắc đã hóa thành “vành tang núi”, có “tim núi” biết thổn thức; gió thành “mộ gió”; than là “đứa con một” của mẹ đất; biển không “dữ dội và dịu êm” trong tình yêu đôi lứa mà trào dâng bao “nỗi niềm xa thẳm” về nghĩa cử hi sinh cao cả:

   “Biển lặng giấu những nỗi niềm xa thẳm
   ru lời ru vô tận dưới lòng sâu
   mỗi đảo nhỏ,
   đã thành ngọn nến
   thắp linh thiêng rừng rực trời sao…”.
                                                  (Từ biển mà đi)

   Không khó để tìm ra những tính từ, động từ mang nét nghĩa chỉ cường độ mãnh liệt của suy tư, cảm xúc trong thơ Trịnh Công Lộc. Đơn cử một số ví dụ: rừng rực trời sao, nỗi niềm xa thẳm, lời ru vô tận, nghi ngút trời mây, trập trùng thế kỷ, bờ vai trắng xóa, rào rào như tên như nỏ, cuồn cuộn bay lên, tháng năm tầm tã, vung tay tơi tả, mẹ đất xác xơ, đảo mọc chi chít, kiệt khô múi đất, đầm lầy teo tóp, thơm bừng gan ruột, thơm nức vòng tay, ròng ròng máu chảy, hồng tươi mặt đất, loang sóng đỏ chân trời, eo óc triền miên, trắng lên năm tháng, mùa đông se sắt, thăm thẳm xót/đau, tinh khiết hiên nhà, mịt mùng sương gió, cuốc kêu khản giọng, lá bay dào dạt, mặt đất sáng bừng… Hình như mọi cung bậc tri nhận đều được đẩy lên chót đỉnh, cao trào, thành chất dẫn truyền đậm đặc để lời thơ, ý thơ luôn là gan ruột, tâm huyết của tác giả. Nhưng cái tôi trữ tình trong thơ Trịnh Công Lộc không nương theo đó mà vỗ ngực xưng tên, lớn lối phán truyền chân lý; ngược lại, nó luôn tỏ ra chân thành biết người biết ta, chủ động tiết chế trong chừng mực “nho nhỏ thôi”, từ từ, chầm chậm, lặng lẽ, để thơ như tiếng vọng u trầm từ vỏ ốc bể mà dung chứa cả hồn đại dương:

   “Vẫn biết mình nho nhỏ
   Cứ thế này,
   chầm chậm về sau…
   … Chầm chậm đến, bớt ồn ào, inh ỏi
    Nho nhỏ thôi, để dễ đi, dễ nói
    Để mọi người
   dễ nhớ,
   dễ gần nhau!”.
                                                         (Nho nhỏ thôi)

   Cảm hứng chủ đạo trong thơ Trịnh Công Lộc vừa được phân định rạch ròi vừa đạt đến sự hài hòa giữa lãng mạn - sử thi với hiện thực - thế sự. Có tứ thơ thiên về ngưỡng vọng, chiêm bái cái cao cả, cao thượng, kỳ vĩ, có tứ thơ bậtra từ nỗi suy tư, trăn trở giữa trần ai đời thường; tạo nên sự đa dạng, đa thanh trong góc độ tiếp cận, nghiền ngẫm và phản ánh hiện thực. Về điểm này, trong bài viết Những tiêu điểm thẩm mĩ thơ Trịnh Công Lộc, Hồ Thế Hà có nhận định: “Đó là sự hòa quyện những cảm hứng lớn về nhân dân, đất nước, dân tộc cùng với cảm hứng thẳm sâu về thiên nhiên, về tình yêu và môi trường sinh thái thông qua cảm thức cá nhân đầy thao thức và trách nhiệm của nhà thơ. Chính cái tôi nghệ sĩ và cái tôi công dân thông qua những trải nghiệm, kiếm tìm từ cuộc sống thật đó đã làm nên hồn thơ Trịnh Công Lộc vừa hiện thực vừa lãng mạn; vừa chân thành, cụ thể vừa triết lý, ảo diệu” (Tạp chí Thơ, số 1-2/2018). Nhắc đến thơ Trịnh Công Lộc, người ta nhớ ngay đến Mộ gió - một thi phẩm đặc sắc, dạt dào âm hưởng bi tráng, tạo nên ấn tượng mạnh trong mảng sáng tác về đề tài biển đảo (đạt giải Nhì cuộc thi sáng tác thơ và ca khúc theo chủ đề “Đây biển Việt Nam” – 2012):

   “Mộ gió đây,
   đất thành xương cốt
   cứ gọi lên là rõ hình hài…
   (…) là mộ gió,
   gió thổi hoài, thổi mãi
   thổi bùng lên
   những ngọn sóng
   ngang trời!”.

   Có nỗi đau xót như thấu động đất trời, hằn in vào cả không gian, thời gian:

   “Thăm thẳm đau, nhói thềm lục địa
   Thăm thẳm xót chập chùng xương máu
   Thuở ngàn xưa mở cõi biển Đông
   Hoàng Sa
   cột mốc giữa muôn trùng!”.
                                               (Còn đấy, Hoàng Sa)

   Nhưng thế giới thơ ấy không chỉ được tạo dựng nên bằng những thi đề, thi tứ giàu sức khái quát và tầm cao tư tưởng, còn có thể cảm nhận rõ nét trong đó những rung động thật tinh tế với đủ các cung bậc hỉ, nộ, ái, ố đời thường. Thời kỳ đổi mới, cơ chế thị trường mang lại nhiều giá trị để nâng cao đời sống vật chất, nhưng khi những tàn tích chiến tranh hữu hình dần được hàn gắn thì cũng đồng thời xuất hiện ngày càng rõ những vết rạn vỡ vô hình trong đời sống tinh thần con người thời hậu chiến:

   “Nhân bản xét nghiệm người
   Kê khống thương binh, liệt sĩ
   Kẻ tù tội mang danh
   Lên hàng doanh nghiệp giỏi
   Khai man lý lịch nhận anh hùng”.
                                                (Khác tôi)
   “Nạt dưới, dối trên
   Lẫn lộn trắng, đen
   Tranh công, đổ tội
   Biến không thành có
   Biến có thành không
   Bão đất, bão tiền trắng đồng, trắng chợ
   Nợ công đổ xuống vai gầy…”.
                                                  (Điểm tựa)
   “Xưa đã thế bây giờ lại thế
   Nhem nhuốc một lần,
   bia miệng trăm năm”.
                                                   (Nợ)

   Một nét tư tưởng hiện hữu như giá trị cần trân trọng trong diễn ngôn thơ Trịnh Công Lộc là lòng nhân hậu, vị tha. Sống vắt mình qua hai thế kỷ, tận mục sở thị bao khổ đau và vinh quang của cả dân tộc, như bao người Việt Nam, hẳn nhà thơ đã quá thấm thía cái giá phải trả cho sự hằn thù, chia rẽ. Không còn sớm nữa nhưng cũng chưa hẳn là muộn cho sự hòa giải, hòa hợp. Mọi biểu hiện cay cú, quá khích, cực đoan cần được lên án, loại trừ. Trong bài thơ Mênh mang một cõi được viết để tưởng nhớ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, bằng những dòng thơ trĩu nặng niềm khắc khoải, tri âm, Trịnh Công Lộc đã bộc lộ mối đồng cảm sâu sắc trước nỗi đau đáu về ước nguyện sớm hóa giải “những khoảng cách còn lại” cho người gần với người hơn:

   “Là câu hỏi
        Ngàn đời
             Là câu hỏi
   mỏi mệt đi đâu cũng máu thịt da vàng
   mỏi mệt đến đâu cũng nối vòng tay lớn
   nhân loại vẫn thỉnh cầu xá tội trần gian…
   Vẫn ở trong mưa
   vẫn bến bờ lẩn khuất
   Người vẫn gọi tìm nhau để nhớ thương người”.

   Nhà thơ cách mạng, suy cho cùng, đâu chỉ biết “đập bàn, quát tháo, lo toan” (Chế Lan Viên) mà còn cần biết chìa tay ra để nâng đỡ, xoa dịu, cảm thông; lúc ấy, thơ mới thực sự là tiếng gọi đàn, là lời kêu gọi kết đoàn để dựng xây, chung sống trong hòa bình:

   “Sinh ra cùng đất mẹ
   Lầm lỡ đến từ đâu
   Máu đã khô, đã tạnh
   Sao vẫn từ biệt nhau?”.
                                      (Đón trước)

   Trong bản đại hợp xướng thơ ca cách mạng, thơ Trịnh Công Lộc mang âm hưởng của những nốt bè trầm, dù được sáng tác trong thời chiến hay thời bình. Tư duy ưa khái quát của một học sinh giỏi toán thời phổ thông luôn dẫn đến cách nhìn, cách nghĩ về bề rộng, tầm cao và chiều sâu của mọi sự việc, hiện tượng; giúp cân bằng, vượt thoát, sáng tạo. Chất “triết lý, ảo diệu” có lẽ được xuất phát từ đây, gây nên thật nhiều dư ba trong tâm trí độc giả. Bởi đó là thứ triết lý vị nhân sinh, giúp con người biết sống kỹ, sống chậm, sống sâu sắc hơn với trách nhiệm công dân và biết trân quý hạnh phúc đời thường:

   “Rượu có khi rất thừa
   Còn trăng thì vẫn thiếu”.
                                      (Rượu – Trăng và ly biệt)
   “Thay áo đến nghìn lần
   Vẫn kẻ lành, người rách!”
                                      (Thay áo)
   “Có công, trả công
   Có tội, chịu tội
   Phải - trái phân minh
   … Thắng ta
   khó hơn thắng giặc”.
                                      (Điểm tựa)

   Có chuyện ngỡ ai cũng biết, nhưng khi Trịnh Công Lộc viết ra thì bỗng như được châm ngôn hóa, thành quy luật phổ quát của đời sống:

   “Biết mất để còn
   Biết đau để lớn”.
                                       (Con trai tôi)
   Có câu thơ cô đọng, hàm súc, dạt dào
   cảm hứng nhân văn, xứng đáng được xếp
   vào hàng tuyệt cú:
   “Trái đất nhỏ đi trước vận mệnh
   con người!”
                                        (Nếu…)
   Có ý thơ rất lạ, đậm dấu ấn sáng tạo,
   mang đến bài học sâu sắc, thấm thía “về sự
   trông nhìn và thưởng thức” (Thạch Lam):
   “Giấu nỗi khô nỗi khát
   Giấu buồn bực, giận hờn
   (…) Đá nói nhiều hơn người”.
                                          (Thế đấy, Pha Long)

   Thơ Trịnh Công Lộc thuộc loại kén độc giả, bởi nó không gây ấn tượng mạnh, không cố ý dẫn dụ tiếp nhận bằng kỹ xảo ngôn từ bề ngoài. Hình như trước hết, thi nhân viết cho mình, vì mình, cốt để giãi bày, giải tỏa; ngoài ra, không nhắm đến một đối tượng cụ thể nào. Do vậy chất lượng của các thủ pháp nghệ thuật luôn được duy trì ở một đẳng cấp, một trình độ nhất quán, chứ không đẽo gọt theo kiểu “đo ni đóng giày” để phù hợp với một tầm đón nhận cụ thể nào. Trên thực tế, khi thẩm bình thơ của một tác giả, hoàn toàn có thể đơn cử bài này, bài kia là tiêu biểu nhưng riêng với thơ Trịnh Công Lộc thì khác, bởi vì ông đã tạo dựng được cho riêng mình một thế giới nghệ thuật với những đặc điểm thi pháp rõ nét, nên cần có cách tiếp cận thật toàn diện thì mới cảm nhận hết vẻ đẹp toàn bích của nó.

   Thơ Trịnh Công Lộc giàu suy tưởng, ăm ắp ẩn dụ tri nhận, rất gần với tượng trưng, siêu thực (thể hiện ngay ở tên các tập thơ: Cánh buồm nâu, Mộ gió, Tim núi, Mặt trời đêm…); không đơn thuần phản ánh một chiều mà suy tư, đau đáu, nghiền ngẫm để khám phá những chiều kích cao vời, thẳm sâu của hiện thực. Trên thi đàn Việt Nam hiện đại, từng có lúc tượng trưng - siêu thực được tiếp nhận, sử dụng như một kiểu bút pháp để lập dị, chơi trội, phá phách và hậu quả là đã sản sinh không ít bài thơ tắc tị, tù mù, bí hiểm. Với Trịnh Công Lộc thì khác, tượng trưng - siêu thực thực sự là phương tiện tối ưu để nhà thơ mở rộng biên độ liên tưởng, tưởng tượng, đồng thời, phát huy tối đa hiệu năng tượng hình, tượng thanh của ngôn từ nghệ thuật, chạm đến những tầm cao những tầng sâu của hiện thực; từ đó mới bật ra được những thông điệp tư tưởng, cảm xúc thật tự nhiên, hồn nhiên, đủ sức thuyết phục. Do vậy, hình ảnh trong thơ Trịnh Công Lộc hầu như đều được chưng cất kỹ càng để tách xuất bớt yếu tố tả thực, chỉ giữ lại rồi nhân lên nét nghĩa tượng trưng trong một trường hoán dụ, ẩn dụ, so sánh… Có thể bắt gặp sự xuất hiện ở tần số cao những hình ảnh ví von đầy sáng tạo, gợi mở nhiều liên tưởng bất ngờ, cảm động:

   “Mỗi đảo nhỏ như trái tim của biển
   những trái tim
   nhịp đập trùng khơi…”.
                                                (Lời của sóng)
   “Thành phố
   gối đầu lên bể
   Hạ Long
   sóng tóc như mây
   Núi Bài Thơ
   cây phong cầm muôn thuở”.
                                                (Thành phố - núi Bài Thơ)
   “Còn ai nguyên vẹn đâu
   Mà linh hồn siêu thoát
   Đêm đêm nghe tiếng thác
   Nước cũng nấc từng cơn”.
                                                (Thác gọi)

   Hoàn toàn không phải ngẫu nhiên khi không ít nhạc sĩ đã tìm đến phổ thơ Trịnh Công Lộc. Bởi ngôn ngữ thơ ông vốn giàu tính tượng hình, tượng thanh. Nhạc điệu đã chất chứa sẵn, cả hùng ca/ tráng ca và tình ca/ bi ca; chỉ cần khơi trúng mạch là réo rắt, dào dạt lên. Cũng không dễ phân định nếu đặt vấn đề đâu là thanh âm thô mộc vang lên từ thực tế đời sống và đâu là giai điệu vọng về từ cõi lòng của thi nhân, khi ngoại cảnh và tâm cảnh đã nhuần nhị hóa thân, nhòe lẫn vào nhau:

   “Biển lặng giấu những nỗi niềm xa thẳm
   ru lời ru vô tận dưới lòng sâu
   mỗi đảo nhỏ,
   đã thành ngọn nến
   thắp linh thiêng rừng rực trời sao…”.
                                                 (Từ biển mà đi)
   “Ai đem đi bán sông Thương
   Để tôi ở lại nhớ thương suốt đời
   Ai đem đi bán nụ cười
   Để tôi ở lại suốt đời ngẩn ngơ
   Sông nào nước chảy lơ thơ
   Người nào năm ấy đôi bờ lạc nhau?”.
                                                  (Sông Thương)

   Trên thi đàn Việt Nam mấy thập niên đầu thế kỷ XXI, Trịnh Công Lộc đã xác lập được một vị trí “nho nhỏ thôi” nhưng xứng đáng, đắc địa (vì nằm ở khu vực “mặt tiền”). Những vấn đề nhà thơ chú tâm đặt ra để trăn trở, suy tư vừa mang tính thời sự, thiết thực vừa chạm đến những nỗi niềm muôn thuở của tự tình dân tộc. Đó là sự điềm đạm, trầm tĩnh mà quyết liệt, dứt khoát không thỏa hiệp trong cuộc đối đầu thiện - ác, là sự trung thực, bản lĩnh để minh định giả - chân, là tâm thái an nhiên tự tại trước quy luật nghiệt ngã về lẽ tồn - vong… Thơ Trịnh Công Lộc là biểu hiện sinh động và chuyên nghiệp của trách nhiệm công dân, từ trong ý thức, tình cảm cho tới hành động; nên hoàn toàn không là phương tiện để lập công, lập danh mà là phương cách tự nhiên, hồn nhiên để giãi bày, đồng điệu, tri âm. Nhắc đến ông, người ta nhớ ngay đến Mộ gió. Đúng nhưng chưa đủ, chưa công bằng. Còn cả một thế giới nghệ thuật được chăm chút tạo dựng nên bằng trí tuệ và tài năng của một chủ thể trữ tình luôn ở vai người trong cuộc, rất mực chân thành và tâm huyết. Thế giới ảo diệu ấy hội đủ các yếu tố: ý, tình, hình, nhạc và hằn in sự nỗ lực sáng tạo không ngừng, thật đáng trân trọng, bởi không hề có lối mòn…

   

Bình luận

    Chưa có bình luận