SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA NHÓM HÀN THUYÊN TRONG ĐỜI SỐNG VĂN HỌC VIỆT NAM ĐẦU NHỮNG NĂM 1940

Bài viết dựng lại quá trình phát triển, những khuynh hướng hoạt động, những công trình tiêu biểu, góp phần bồi đắp những khuyết thiếu trong việc hình dung đầy đủ và hệ thống về nhóm Hàn Thuyên, hướng tới việc đánh giá khách quan và khoa học về nhóm cũng như những đóng góp của nhóm cho sự kiến thiết nền văn hóa Việt Nam hiện đại.

   Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ đã tác động mạnh mẽ đến tình hình chính trị xã hội ở Việt Nam, dải đất hay được các báo chí đương thời gọi một cách hình ảnh là bao lơn nhìn ra Thái Bình Dương đang cuộn trào các ngọn triều cách mạng. Ở trong nước, từ trong phong trào hưởng ứng Mặt trận Bình dân Pháp (1935-1938) và các phong trào dân tộc dân chủ (1936-1939), các vấn đề chính trị đã len lỏi vào mọi ngóc ngách, trở thành chủ điểm chính trong các thảo luận về đời sống tư tưởng và tinh thần xã hội thuộc địa. Trường chính trị trỗi dậy, tương tác và ảnh hưởng mạnh mẽ tới trường văn chương nghệ thuật. Cùng với các hoạt động cách mạng bí mật trong vòng bất hợp pháp, ở trong các không gian xã hội dân sự hợp pháp, các cuộc đấu tranh của văn nghệ sĩ trí thức có ý thức dân tộc, dân chủ ngày càng trở nên đa dạng, có tổ chức, lập trường và phương pháp hoạt động. Các nhóm văn chương nghệ thuật hình thành vào lúc này, đặc biệt là Tri Tân, Thanh Nghị, Hàn Thuyên, đã để lại dấu ấn sâu đậm trong đời sống dư luận đồng thời tạo ảnh hưởng rõ rệt đến sự vận động của văn học và xã hội Việt Nam từ nửa đầu những năm 1940, thậm chí trở thành cơ sở cho sự định hình tương lai văn nghệ của nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa từ sau thắng lợi mùa thu năm 1945.

   Nhóm Hàn Thuyên, một khái niệm ước lệ chi những nhà văn cộng tác thường xuyên với NXB Hàn Thuyên (còn gọi là Hàn Thuyên xuất bản cục, 1940-1946; được Nguyễn Xuân Tái chủ trương cuối năm 1940 tại số 71 phố Tien Tsin – Hàng Gà ngày nay) và Tạp chí Văn mới tập mới (1942-1946), do Đỗ Văn Trường sáng lập; giai đoạn đầu do Nguyễn Xuân Lương làm chủ nhiệm, Nguyễn Đức Quỳnh làm chủ bút; từ giữa năm 1945, chuyển giao cho Phạm Ngọc Khuê rồi Trương Tửu làm chủ nhiệm; NXB Hàn Thuyên ấn hành) là nhóm văn chương đầu tiên được hình thành dựa trên những biến động chính trị xã hội ở Việt Nam cuối những năm 1930, đầu những năm 1940. Đương thời, do Hàn Thuyên không chính thức tự định vị là một nhóm nên tôn chỉ, phương hướng và các thành viên chính của nhóm đều chỉ được biết đến một cách gián tiếp qua sách báo của Hàn Thuyên và qua sự hiện diện của những trí thức văn nghệ sĩ thường xuyên cộng tác với NXB Hàn Thuyên và Tạp chí Văn mới tập mới. Trên những số đầu của Tạp chí Tri Tân (1941-1945), nếu như tờ báo này có đăng tin giới thiệu về Tạp chí Thanh Nghị “do một nhóm thanh niên chủ trương” thì với Hàn Thuyên, tờ báo chỉ nhắc tới Hàn Thuyên như một cơ sở xuất bản thông qua việc quảng cáo một số sách do NXB Hàn Thuyên ấn hành. Trong khi với Tạp chí Thanh Nghị (1941-1945), ở ngay số đầu tiên (số 1, tháng 6/1941), ngoài thông tin về NXB Hàn Thuyên, tờ báo này còn cho biết thêm các nhà văn cộng tác với Hàn Thuyên gồm có: Vi Huyền Đắc, Nguyễn Tuân, Đồ Phồn (Bùi Huy Phồn), P. N. Khuê (Phạm Ngọc Khuê), Trương Tửu, Chu Thiên, Nguyễn Đức Quỳnh, Nguyễn Đình Lạp1. Về sau, nhìn vào sự hiện diện thường xuyên trên các ấn bản sách báo của Hàn Thuyên, còn có các trí thức văn nghệ sĩ khác như: Lương Đức Thiệp, Lê Văn Siêu, Nguyễn Hải Âu, Nguyễn Tế Mỹ, Trần Văn Thanh, Đặng Thái Mai, Nguyễn Đổng Chi, Nguyễn Huệ Minh (Hồ Hữu Tường)… Họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung cũng gắn bó với Hàn Thuyên trong tư cách họa sĩ vẽ bìa chính. Tuy vậy, do sự gần gũi trong tư tưởng và quan niệm nghệ thuật, do sự gắn kết của một số trí thức văn nghệ sĩ với NXB Hàn Thuyên và Tạp chí Văn mới tập mới nên trong định vị của người đọc hay của các tổ chức văn hóa, chính trị đương thời, như của những nhà lãnh đạo Văn hóa Cứu quốc2, Hàn Thuyên cũng đã được xem như một nhóm bên cạnh các nhóm văn hóa, văn học nổi bật khác những năm đầu thập niên 1940 như: Tri Tân, Thanh Nghị, Tân Việt cùng nhiều nhóm phái khác.

   Vào lúc khởi sự NXB Hàn Thuyên, nhà văn, nhà phê bình văn học trẻ Trương Tửu đã giữ một vị trí quan trọng. Người em rể mới nổi này – ông thành thân với bà Nguyễn Thị Lai, ái nữ của nhà tư bản Nguyễn Xuân Giới và là em gái của ông Giám đốc NXB Hàn Thuyên Nguyễn Xuân Tái – đã mang kinh nghiệm hoạt động văn chương, báo chí, xuất bản cùng tư tưởng thiên tả vào hoạt động của NXB Hàn Thuyên do người anh vợ chủ trương. 

   Bắt đầu sự nghiệp văn học vào giữa những năm 1930, Trương Tửu để lại dấu ấn trong các bài phê bình cổ xúy cho văn chương Việt Nam mới với đại biểu là Tự lực văn đoàn. Nhưng rồi rất nhanh chóng, được hun đúc bởi không khí tranh đấu của các phong trào vô sản, Trương Tửu đã dần lựa chọn lập trường cách mạng, lấy duy vật sử quan làm kim chỉ nam cho hoạt động văn chương, xã hội và chính trị. Được soi sáng bởi thế giới quan vô sản, một mặt, ở bình diện phê bình văn học, Trương Tửu quay sang “kết án” tư tưởng chính trị, xã hội của văn học lãng mạn được hình thành dựa trên nền tảng ý thức hệ tư sản mà chính Tự lực văn đoàn trước kia từng được Trương Tửu ngợi khen là một đại diện; và ở mặt khác, Trương Tửu trực tiếp sáng tác văn chương tranh đấu, như các tiểu thuyết Thanh niên S.O.S (1937), Một chiến sĩ (1938), Khi chiếc yếm rơi xuống (1939), Đục nước béo cò (1940) ấn hành tại NXB Minh Phương, tiểu thuyết Trái tim nổi loạn (1940) tại NXB Văn Thanh, tiểu thuyết Một cổ đôi ba tròng (1940) tại NXB Tân Việt, tiểu thuyết Khi người ta đói (Phổ thông bán nguyệt san, số 59, tháng 5/1940) tại NXB Tân Dân và tiểu thuyết Một kiếp đọa đầy (1941) tại NXB Hàn Thuyên.

   Cuối năm 1938, cùng với việc cộng tác với nhiều tờ báo (trong đó có báo thiên tả Quốc gia), Trương Tửu chủ trương NXB Đại Đồng/ Đại Đồng thư xã tại số 55 phố Tiên Tsin (nay là phố Hàng Gà, Hà Nội). Dưới quyền Giám đốc của Trương Tửu và quyền quản lý của Trương Lâm, Đại Đồng thư xã ra đời với mục đích vừa “nghiên cứu các vấn đề từ ngữ văn chương, triết học, sử ký” vừa “phổ thông các khoa chính trị, kinh tế, xã hội học…”, vừa “vun xới quốc văn và gây dựng một văn chương tranh đấu” vừa “thảo luận các vấn đề xã hội quan hệ đến các giai cấp…” để “làm thắng chủ nghĩa xã hội trong tư tưởng giới Việt Nam”3. Đại Đồng thư xã dự kiến “mỗi tháng xuất bản một quyển loại nhỏ”, giá 0$15; “ba tháng xuất bản một quyển đặc biệt”. Hai cuốn Những thí nghiệm của ngòi bút tôi (1938) và Uống rượu với Tản Đà (1939) của Trương Tửu là quyển thứ nhất và thứ nhì trong loại nghiên cứu văn học của Đại Đồng thư xã, đồng thời cũng là hai cuốn mở đầu của nhà xuất bản này.

   Sang năm 1939, như đã nhắc đến ở trên, Trương Tửu thành thân với bà Nguyễn Thị Lai. Năm sau, 1940, người anh vợ Trương Tửu là Nguyễn Xuân Tái đã chủ trương NXB Hàn Thuyên. Dường như các quan hệ thân tộc này đã khiến Trương Tửu dần chuyển chủ trương với Đại Đồng thư xã sang NXB Hàn Thuyên. Kinh Thi Việt Nam, chuyên khảo quan trọng đầu tay của Trương Tửu viết xong tháng 8/1940, trở thành cuốn sách mở đầu của Hàn Thuyên xuất bản cục, được xuất bản vào tháng 12/1940. Sang năm 1941, Trương Tửu xuất bản ở Hàn Thuyên tiểu thuyết Một kiếp đọa đầy. Cùng với sự hiện diện của Đồ Phồn với tiểu thuyết Một chuỗi cười, Nguyễn Tuân với (tâm sự) tùy bút Chiếc lư đồng mắt cua, và Phạm Ngọc Khuê với 2 tập tiểu luận Một sức khỏe mới, Nguồn sinh lực (Sức khỏe mới II), Hàn Thuyên xuất bản cục đã hiện diện trong đời sống văn chương, được độc giả biết tới, ngay sau tai nạn đầu đời khi mà Kinh Thi Việt Nam bị chính quyền thuộc địa cấm lưu hành lúc vừa ra mắt.

   Bước ngoặt đến với Hàn Thuyên xuất bản cục xảy ra vào khoảng mùa thu năm 1941, khi ông Nguyễn Xuân Tái mua được nhà in riêng. Với việc sở hữu đồng thời cả nhà xuất bản và nhà in, Hàn Thuyên giờ đây có thể chủ động trong các hoạt động của mình. Từ đây, Trương Tửu chuyên tâm với Hàn Thuyên, góp phần quan trọng vào sự phát triển của cả NXB Hàn Thuyên ở giai đoạn đầu và Tạp chí Văn mới tập mới, với các ấn phẩm được định danh là “Tân Văn hóa”, làm thành dấu ấn nổi bật của Hàn Thuyên ở giai đoạn sau.

   Việc thủ đắc nhà in đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của Hàn Thuyên. Cuối năm 1941, bên cạnh việc xuất bản các cuốn sách như thường lệ (như tiểu thuyết Ngoại ô của Nguyễn Đình Lạp, Thằng cu So của Nguyễn Đức Quỳnh), NXB Hàn Thuyên chủ trương mở rộng hoạt động xuất bản bằng việc ra tuần báo Ngòi bút và mở thêm tủ sách “Truyện Giải trí”. Tuần báo Ngòi bút do Phạm Ngọc Khuê làm chủ bút, Hàn Thuyên in ấn và phát hành, ra số đầu tiên ngày 9/10/1941 nhưng sớm phải đình bản4. Tủ sách “Truyện Giải trí” thì ngược lại, phát triển khá mạnh. Về tủ sách này, trong một thông tin được in ở trang bìa tác phẩm đầu tiên của loại “Truyện Giải trí” – Sắc đẹp ngai vàng, tiểu thuyết lịch sử của Chu Thiên – Hàn Thuyên cho biết:

   “Từ nay, Hàn Thuyên sẽ xuất bản thêm một loại sách phổ thông nhan đề là “Truyện Giải trí” để mua vui cho độc giả.

   Trong tủ sách này, sẽ lần lượt in những truyện quốc sử võ hiệp, những truyện phiêu lưu rất ly kỳ, những truyện trinh thám rất bí mật, những truyện thần tiên rất linh hoạt và cám dỗ.

   Những truyện in ra trong tủ sách này toàn là những truyện viết rất dễ hiểu, đọc rất vui, rất mê, vừa làm cho bạn đọc giải sầu trong những giờ nhàn rỗi, vừa khiến bạn đọc ham sự can đảm, sự nghĩa hiệp, sự hoạt động.

   “Truyện Giải trí” mỗi quyển là một truyện dài trọn bộ từ 100 đến 120 trang. Bìa có vẽ và in màu rất mĩ thuật. Mỗi tháng xuất bản một hoặc hai quyển. Giá nhất định là 0$40”5.

   Cùng với đó, thông tin cũng hiện diện trên những sách được xếp vào loại “những tác phẩm giá trị” (tức vượt lên trình độ phổ thông). Một phiên bản thông tin về “Truyện Giải trí” trong sách Thằng cu So của Nguyễn Đức Quỳnh cho hay:

   “Đồng thời vẫn tiếp tục ra những tác phẩm giá trị như từ trước tới giờ, từ nay, Hàn Thuyên lại xuất bản thêm một loại sách phổ thông nhan đề là “Truyện Giải trí” để cầu vui cho những độc giả đứng đắn mà ham đọc sách.

   Trong tủ sách này, sẽ lần lượt in những truyện quốc sử võ hiệp, những truyện phiêu lưu rất ly kỳ, những truyện trinh thám rất bí mật, những truyện thần tiên rất linh hoạt và cám dỗ do những nhà văn chuyên môn về mỗi loại trước thuật”6.

   Trong khoảng một năm theo đuổi tủ sách “Truyện Giải trí”, từ cuối năm 1941 đến cuối năm 1942, khi bắt đầu chuyển những sáng tác loại này sang in dài kỳ trong Tạp chí Văn mới tập mới vừa được thành lập như sẽ được nhắc đến ở sau, Hàn Thuyên đã xuất bản được hơn mười tác phẩm thuộc loại “Truyện Giải trí”, gồm: loại dã sử (Sắc đẹp ngai vàng của Chu Thiên, Tráng sĩ Bồ Đề (2 cuốn) của Mai Viên (bút danh của Trương Tửu), Khói lửa Phong Châu của Thiên Hạ Sĩ, Năm chàng hiệp sĩ (2 cuốn) của Mai Viên, Hạt máu cuối cùng của Quang Tăng, Văn Lang dũng sĩ (2 cuốn) của Đạm Quang, Chia ba thiên hạ của Chu Thiên); loại trinh thám (Gan dạ đàn bà của B.H.P (tức Đồ Phồn - Bùi Huy Phồn), Tờ di chúc của dòng họ Trần Thạch của B.H.P, Mối thù truyền nghiệp của B.H.P, Hai giờ đêm nay của B.H.P); loại cổ tích (Ông già trong động kỳ lân của Việt Tinh).

   Tuy nhiên, bước ngoặt quan trọng nhất đến với Hàn Thuyên vào cuối năm 1942, khi Hàn Thuyên mua lại để xuất bản và phát hành Tạp chí Văn mới tập mới, dù vẫn giữ tên người sáng lập là Đỗ Văn Trường nhưng chủ nhiệm giờ đây đã thuộc về Nguyễn Xuân Lương và chủ bút thuộc về Nguyễn Đức Quỳnh7. Ở những số đầu tiên, Tạp chí Văn mới tập mới được định hình là tạp chí giáo dục và văn chương ra ngày 10 và 25 hàng tháng, có tòa soạn tại 14 Rondony (còn được biết đến với tên phố Fou Tchéou/ Phúc Châu, nay là Hàng Thùng)8. Từ Văn mới tập mới số 7-8 (25/3/1943), đổi thành “tạp chí phổ thông giáo dục”, mỗi tháng ra hai kỳ, trong đó “mỗi số đăng trọn một thiên khảo cứu hoặc cảo luận về một vấn đề khoa học, văn học, triết học, sử học, xã hội học…”9. Từ Văn mới tập mới số 16-17 (25/8/1943), có thêm hàng chữ “Tân Văn hóa” ở trang bìa; và ở bìa 3, bắt đầu sắp xếp các khảo cứu về tư tưởng, chính trị, xã hội trên Văn mới tập mới vào Tủ sách Tân Văn hóa10. Từ số 44 (10/10/1944), số thứ nhất của loại Văn mới Nghị luận, tòa soạn Văn mới tập mới đổi về cùng với địa chỉ NXB Hàn Thuyên, 71 phố Tien Tsin; lúc này, trong khi tôn chỉ Văn mới tập mới loại khảo cứu vẫn được giữ như cũ – “tạp chí phổ thông giáo dục” – thì với loại Văn mới Nghị luận, tạp chí được định hình là “tạp chí Tân Văn hóa”11. Tháng 6/1945, sau vài tháng đình bản, Văn mới tập mới trở thành “tạp chí kiến thiết Tân Văn hóa”, dự kiến có các loại: Tân Thanh niên “đề cập những vấn đề quan hệ đến nam nữ thanh niên”, loại Phổ thông “truyền bá những tri thức căn bản tối thiểu (sử học, chính trị học, kinh tế học, triết học)”, loại “Tại sao” “giải thích vấn đề xã hội, tâm lý, luân lý, kinh tế, chính trị mà ai cũng cần hiểu”12. Tuy vậy, dường như hình thức này cũng chỉ mới ra được số 1 (1/6/1945) của loại Tân Thanh niên, in tác phẩm Anh bạn đi đâu? của Phạm Ngọc Khuê13. Từ số 53 (5/7/1945), Văn mới tập mới trở lại với loại khảo cứu nhưng được hoạch định là “cơ quan kiến thiết Tân Văn hóa” và được chia thành các bộ phận nhỏ hơn, như: Nghiên cứu Việt Nam, Tân Văn nghệ, Kiến thức phổ thông…; và bên cạnh thông tin “mỗi số đăng trọn một thiên khảo cứu hoặc cảo luận về một vấn đề khoa học, văn học, triết học, sử học, xã hội học…” như trước, Tạp chí còn lần đầu tiên bổ sung chủ trương “nghiên cứu xã hội Việt Nam về mọi phương diện”14. Trở thành “cơ quan kiến thiết Tân Văn hóa”, Phạm Ngọc Khuê giữ vai trò chủ nhiệm cả Văn mới khảo cứuVăn mới Tân Thanh niên15. Nửa sau tháng 9/1945, Trương Tửu thay Phạm Ngọc Khuê làm chủ nhiệm, nhưng Văn mới tập mới chỉ ra thêm được 2 số, đăng hai biên khảo của Lương Đức Thiệp: số 57 (15/9/1945) là Duy vật sử quan trong loại Kiến thức phổ thông và số 58 (25/9/1945) là Nghệ thuật thi ca trong loại Tân Văn nghệ. Với 58 số, dù trong đó có nhiều số gộp, song chỉ trong khoảng ba năm, Văn mới tập mới đã đăng tải hàng chục công trình nghiên cứu có giá trị, trên nhiều lĩnh vực, từ chính trị, xã hội cho tới văn chương, nghệ thuật.

   Ở giai đoạn đầu tiên, cuối năm 1942 đầu năm 1943, Văn mới tập mới khi được định hình như “tạp chí văn chương”, chủ trương “mỗi số đăng một truyện dài (phiêu lưu, khoa học, xã hội, trào phúng…) trọn bộ; một tiểu thuyết giải trí trường thiên (đăng từng kỳ, đánh số trang riêng, sau có thể tách ra đóng thành một bộ riêng) và nhiều bài rất thú vị, bổ ích cho sự giáo dục thiếu niên và nhi đồng”. Đồng thời, “mỗi năm lại ra những số đặc biệt rất giá trị, hoặc về nghiên cứu văn chương, hoặc về tác phẩm nghệ thuật, hoặc về giáo dục. Những số đặc biệt này trình bày khác hẳn những số thường, giá không nhất định”. Thêm nữa, Hàn Thuyên còn nhấn mạnh rằng “Văn mới là một tờ báo chuyên chú về sự giáo dục thiếu niên và nhi đồng, nên các tiểu thuyết và bài vở đều lựa chọn theo mục đích ấy để các gia đình có thể mua đọc” và vì thế “không bao giờ đăng những truyện lãng mạn hay dâm ô hại đến tâm hồn bạn trẻ”16.

   Xây dựng Văn mới tập mới theo định hướng này, một số tác phẩm từng được quảng cáo sẽ được in trong tủ sách “Truyện Giải trí” vào quãng cuối năm 1942 đã được chuyển sang đăng trong tạp chí. Số 1 và 2 có in các truyện trong bộ Bốn bể là nhà, một bộ truyện phiêu lưu hải ngoại của Thiên Hạ Sĩ và Múa kiếm giữa chợ, truyện dã sử của Mai Viên, các truyện này trước đó đều đã được quảng cáo sẽ in trong loại “Truyện Giải trí”17. Số 3 là số đặc biệt (văn chương), in riêng công trình Nguyễn Du và Truyện Kiều của Nguyễn Bách Khoa. Số 4 in trọn bộ Lá thư mầu thiên thanh, tiểu thuyết trinh thám của Bùi Huy Phồn và in tiếp Múa kiếm giữa chợ của Mai Viên. Trong số này, Văn mới cũng thông tin sẽ đăng Mông Cổ hoang vu, truyện nằm trong bộ Bốn bể là nhà của Thiên Hạ Sĩ vào số 5 và số 6 sẽ đăng “một truyện trọn bộ rất thú vị vào dịp tết”18.

   Từ Văn mới tập mới số 7-8 (25/3/1943), in cuốn đầu trong bộ Nhân loại tiến hóa sử (dự kiến 32 cuốn) của Nguyễn Bách Khoa, tờ tạp chí như thể thay da đổi thịt khi Hàn Thuyên định hướng tạp chí trở thành một diễn đàn công bố những công trình nghiên cứu (biên khảo/ khảo cứu/ cảo luận) giống như các số đặc biệt, song phạm vi không chỉ khuôn gọn trong các vấn đề văn chương nghệ thuật và giáo dục mà mở rộng sang các lĩnh vực khác như: lịch sử, xã hội, văn hóa, tư tưởng, chính trị… Những tác phẩm này không lâu sau đó được Hàn Thuyên xếp vào tủ sách “Tân Văn hóa” – một chủ trương, một thương hiệu và cũng là một dự án chính trị chính yếu của Hàn Thuyên, như được hiện diện trên trang bìa 1 và 3 của Văn mới số 16-17 (ra ngày 25/8/1943), in cuốn thứ 3 (Thượng cổ sử Ai Cập) trong bộ Lịch sử thế giới (dự kiến 28 cuốn) của Nguyễn Đức Quỳnh. Cho đến tháng 3/1945, tủ sách “Tân Văn hóa” trong hình hài tạp chí Văn mới tập mới đã ra được 52 số, với hơn 20 công trình biên khảo dày dặn và đa dạng.

   Trở lại từ tháng 6/1945, sau một vài tháng đình bản, như đã nhắc đến ở trước, Văn mới tập mới được chuyển giao cho Phạm Ngọc Khuê, rồi Trương Tửu làm chủ nhiệm. Cùng số đầu tiên của Văn mới Tân Thanh niên, số 1 (1/6/1945) đăng tác phẩm Anh bạn đi đâu? của Phạm Ngọc Khuê, hiện diện như một tạp chí độc lập, trong khoảng chưa đầy năm, từ giữa năm 1945 đến đầu năm 1946, Hàn Thuyên in thêm hoặc tái bản có sửa chữa một số công trình, gồm:

   - Kinh thi Việt Nam (in lần 2, có sửa chữa) của Trương Tửu (số 53, 5/7/1945);

   - Tương lai kinh tế Việt Nam của Nguyễn Huệ Minh (số 54, 25/7/1945) (thuộc loại Nghiên cứu Việt Nam);

   - Tâm lý và tư tưởng Nguyễn Công Trứ của Trương Tửu (có sửa chữa) (Văn mới, số 55, 10/8/1945) (thuộc loại Nghiên cứu Việt Nam);

   - Tương lai văn nghệ Việt Nam của Trương Tửu (số 56, 10/9/1945) (thuộc loại Tân Văn nghệ);

   - Duy vật sử quan của Lương Đức Thiệp (số 57, 15/9/1945) (thuộc loại Kiến thức phổ thông);

   - Nghệ thuật thi ca (số 58, 29/9/1945) (thuộc loại Tân Văn nghệ).

   Cuối cùng, nhắc đến Hàn Thuyên, ta không thể không nhắc tới những cuốn “sách giá trị” (tức những cuốn được xuất bản riêng, bên cạnh loại “Truyện Giải trí” và trong Tạp chí Văn mới tập mới – tủ sách Tân Văn hóa), dù loại sách này chỉ được Hàn Thuyên xuất bản cho tới năm 1943. Ngoài những cuốn được xuất bản trong hai năm 1940-1941 đã nhắc tới ở trước, trong các năm 1942-1943, Hàn Thuyên xuất bản được những cuốn quan trọng sau:

   - Nghị lực (Sức khỏe mới - quyển 3) của Phạm Ngọc Khuê (1942);

   - Bút nghiên, tiểu thuyết của Chu Thiên (1942);

   - Thằng Phượng, tiểu thuyết của Nguyễn Đức Quỳnh (1942);

   - Việt Nam cổ văn học sử, biên khảo của Nguyễn Đổng Chi (1942);

   - Hai vở kịch (Kinh Kha, Ông ký cóp) của Vi Huyền Đắc (1942);

   - Thằng Kình, tiểu thuyết của Nguyễn Đức Quỳnh (1943); - Thanh niên và Thực nghiệp, khảo luận của Lê Văn Siêu (1943);

   - Cải tạo sinh lực (Phần thực hành của Sức khỏe mới), khảo luận của Phạm Ngọc Khuê (1943);

   - Ngõ hẻm, phóng sự tiểu thuyết của Nguyễn Đình Lạp (1943).

   Sang năm 1946, tuy cùng đặt dưới logo tủ sách Tân Văn hóa nhưng không nằm trong Tạp chí Văn mới tập mới, Hàn Thuyên còn xuất bản các cuốn Vua ô tô Ford và tổ chức kỹ nghệ hợp lý hóa của Lê Văn Siêu, Thân thế và sự nghiệp Mã Khắc Tư của Hồng Lưu. Về báo chí, đình bản Văn mới tập mới, Hàn Thuyên chủ trương tuần báo Văn mới tuổi xanh, ra vào ngày thứ Hai hằng tuần, số 1 (8/1/1946), tòa soạn đặt tại 71 Tien Tsin. Tờ tuần báo thiếu nhi này do Nguyễn Trần Huân làm chủ bút, Nguyễn Xuân Tiến làm ủy viên trị sự và Trương Tửu làm chủ nhiệm. Có lẽ Văn mới tuổi xanh cũng chỉ ra được vài số, với 2 số thường và 1 số mùa xuân năm Bính Tuất (1946). Trong số mùa xuân này, Văn mới tuổi xanh cũng thông tin tờ tuần báo sẽ ấn hành Tủ sách Tuổi Xanh, gồm các “sách rất vui do nhiều nhà văn lão luyện viết, chú ý đặc biệt đến giáo dục thiếu niên” và Hàn Thuyên sẽ ấn hành loại sách Vỡ Lòng, “mỗi tuần lễ xuất bản hai cuốn – mỗi cuốn 20 trang, có bìa in màu, giảng về một vấn đề chính trị, hoặc kinh tế, lịch sử, xã hội, triết học, văn nghệ…”19, song có thể Hàn Thuyên cũng không thực thi được dự định này. Vài tờ Văn mới tuổi xanh cùng vài cuốn sách lẻ được xuất bản vào năm 1946 khép lại hành trình của Hàn Thuyên, một hành trình sôi động của một nhóm trí thức văn nghệ sĩ song hành cùng với sự sục sôi của không khí đấu tranh cách mạng của toàn dân tộc.

   Hàn Thuyên hoạt động chính trên hai lĩnh vực, báo chí và xuất bản sách. Nhưng vì Tạp chí Văn mới tập mới thường hiện diện như những cuốn sách nên hai lĩnh vực này đan quyện vào nhau. Cũng giống như thế, xuất bản phẩm của NXB Hàn Thuyên được chia làm hai loại. Một gồm những tác phẩm được xếp vào loại “giá trị” (tức văn chương tinh hoa và các nghị luận xã hội) và một gồm những tác phẩm được xếp vào loại “phổ thông” (tức “Truyện Giải trí”). Nhưng ngay với cả loại giải trí phổ thông này, như tuyên ngôn của Văn mới tập mới giai đoạn đầu (từ số 1-6, 10/1942-2/1943), khi tờ tạp chí được định hình như một tờ báo văn chương, thì nó vẫn phải “bổ ích cho sự giáo dục thiếu niên và nhi đồng”, “chuyên chú về sự giáo dục thiếu niên và nhi đồng”, theo đó, “không bao giờ đăng những truyện lãng mạn hay dâm ô hại đến tâm hồn bạn trẻ”20. Trong khi đó, ở loại tinh hoa, Hàn Thuyên cũng triệt để loại trừ văn học lãng mạn để hướng tới xuất bản những tác phẩm mang khuynh hướng hiện thực và/ hoặc giáo dục, cùng những sách nghị luận về các vấn đề mới mẻ của đời sống, tức những tác phẩm “văn chương tranh đấu” như Trương Tửu hình dung lúc chủ trương Đại Đồng thư xã (1938). Với tờ tạp chí Văn mới tập mới, sau vài số báo thể nghiệm dưới hình thức “tạp chí văn chương”, tờ tạp chí này được định hình như một tạp chí khảo cứu (từ số 7-8, 25/3/1943), “mỗi số đăng trọn một thiên khảo cứu hoặc cảo luận về một vấn đề khoa học, văn học, triết học, sử học, xã hội học…”, thậm chí sau đó còn bổ sung thêm chủ trương “nghiên cứu xã hội Việt Nam về mọi phương diện”, như đã nhắc đến ở trước, nhằm mục đích “phổ thông giáo dục” như được ghi trên măng-xét xác định tính chất và mục tiêu của hoạt động báo chí. Chính tính chất “khảo cứu” này, đồng thời với việc xem những khảo cứu đó là những tác phẩm xác định tính chất “Tân Văn hóa”, rồi từ đó xem Văn mới tập mới là “cơ quan kiến thiết Tân Văn hóa”, nhóm Hàn Thuyên đã mạnh mẽ trình ra một dự án dân tộc chủ nghĩa dựa trên các quan niệm và thực hành chính trị, văn hóa độc đáo, mạnh mẽ và cương quyết.

   Hàn Thuyên tồn tại trước nhất như một nhà xuất bản, nhà in. Và ở khía cạnh này, Hàn Thuyên hiện diện như một nhà xuất bản năng động, hoạt động hiệu quả và ấn hành được nhiều cuốn sách có giá trị, được đông đảo bạn đọc đương thời hoan nghênh. Song hơn thế, Hàn Thuyên còn tồn tại như một nhóm nhà văn hoạt động báo chí và văn chương, dùng sách báo để thể hiện tham vọng đấu tranh chính trị chống thực dân vì tiến bộ xã hội, giải phóng dân tộc. Dự án “Tân Văn hóa” của họ gây nên ảnh hưởng lớn với những dư luận trái chiều. Trải qua thời gian, những đánh giá ý thức hệ khắt khe về Hàn Thuyên ngày một được nhìn nhận lại, theo đó mà những đóng góp của Hàn Thuyên ngày càng được ghi nhận khách quan, khoa học và chính xác hơn, từ đó, trả lại vị trí xứng đáng cho nhóm Hàn Thuyên trên tiến trình đấu tranh giải phóng dân tộc và kiến thiết đất nước.

 

 

 

Chú thích:
1 Xem thêm, chẳng hạn Tri Tân, số 1 (3/6/1941), tr. 19; số 7 (18/7/1941), tr. 153 và Thanh Nghị, số 1 (6/1941), tr. 32.
2 Với Trường Chinh là các bài (ký bút danh T.C), “Mấy nguyên tắc lớn của cuộc vận động văn hóa mới Việt Nam lúc này”, Tiên phong, số 2 (1/12/1945); ký bút danh Tân Trào, “Một con quỷ đội lốt Mácxít”, Cờ giải phóng, số 10 (28/1/1945); với Đặng Thái Mai (ký bút danh Thanh Bình), “Phê bình Tương lai văn nghệ Việt Nam”, Tiên phong, số 2 (1/12/1945), 3 (16/12/1945), 6 (1/2/1946). Xem thêm Phạm Xuân Thạch, “Đấu tranh tư tưởng và thay đổi hệ hình văn nghệ (Tranh luận về Tân Văn hóa ở Việt Nam, 1945- 1946)”, Nghiên cứu văn học, số 6 (6/2020), tr. 12-25.
3 Trương Tửu, Những thí nghiệm của ngòi bút tôi, Đại Đồng thư xã, 1938, tr. 37 và Uống rượu với Tản Đà, Đại Đồng thư xã, 1939, tr. 30.
4 Thanh Nghị, số 5 (10/1941), tr. 32; Thanh Nghị Trẻ em, số 16 (15/10/1941), tr. 2, 13.
5 Chu Thiên (1941), Sắc đẹp ngai vàng, NXB Hàn Thuyên, tr. 1.
6 Nguyễn Đức Quỳnh (1941), Thằng cu So, NXB Hàn Thuyên, tr. 190.
7 Cùng với Văn mới, Đỗ Văn Trường cũng chủ trương Văn Mới trẻ em. Không rõ hoạt động ban đầu của tờ Văn mới. Với Văn Mới trẻ em, tờ báo này nối tiếp vào tờ Thanh Nghị trẻ em, từ số 17 (25/10/1941), vẫn do Vũ Đình Hòe làm chủ nhiệm nhưng quyền quản lý chuyển sang cho Đỗ Văn Trường, từ đây tờ báo cũng không còn ghi tên Doãn Kế Thiện là người sáng lập như ở Thanh Nghị Thanh Nghị trẻ em. Một thông báo trên số đầu tiên của Văn Mới trẻ em chỉ cho biết: “Bắt đầu từ số 25 Octobre 1941 báo Thanh Nghị trẻ em đổi là Văn Mới trẻ em”.
8 Văn mới số đặc biệt [văn chương]: Nguyễn Du và Truyện Kiều (của Nguyễn Bách Khoa), số 3 (25/12/1942), tr. 2, 7; Văn mới tập mới, số 4 (10/1/1943), tr. 3 và trang bìa 4. Trước đó, từ năm 1938, số 14 Rondony cũng là địa chỉ của NXB Tân Văn hóa do Mai Ngọc Thiệu quản lý, in những cuốn như Chế độ công cộng của Jules Guesde, lãnh tụ sáng lập Đảng Xã hội Pháp, do Nguyễn Đức Chính dịch; Quan nghị hụt, kịch của Nguyễn Đức Kính. Ông Chính và ông Kính là hai anh em, đều là chính trị phạm, từng bị tù đày ở Côn Lôn và Sơn La.
9 Văn mới tập mới, số 7-8 (25/3/1943), tr. 3.
10 Văn mới tập mới, số 16-17 (25/8/1943), tr. 1, trang bìa 3.
11 Văn mới tập mới, phần Nghị luận số 44 (10/10/1944), tr. 3. Nhân đây, xin cảm ơn các anh Kiều Mai Sơn, Nguyễn Đào Nguyên đã chia sẻ tư liệu Văn mới Nghị luận, Văn mới tuổi xanh, giúp cho việc hình dung về Tạp chí Văn mới tập mới được hệ thống, đầy đủ.
12 P. N. Khuê (1945): “Anh bạn đi đâu?”, Văn mới (Tạp chí kiến thiết Tân Văn hóa, loại Tân Thanh niên), số 1, ngày 1/6, tr. 48.
13 Trong số này, Văn mới Tân Thanh niên cũng quảng cáo sẽ in tác phẩm Hai cách sống của Trương Tửu, quyển thứ hai trong tủ sách Tân Thanh niên, dự kiến ở số 2 (1/7/1945), tuy vậy, chúng tôi chưa tìm thấy số báo thứ hai này cũng như tác phẩm của Trương Tửu.
14 Văn mới tập mới, số 53 (5/7/1945), tr. 3.
15 Trường hợp Văn mới Tân Thanh niên có khác so với Văn mới Nghị luận trước đó. Tuy Văn mới Nghị luận cũng đánh số riêng, số 1 (10/10/1944) và số 2 (10/11/1944), nhưng đặt vào trong tiến trình xuất bản của Văn mới tập mới, hai số này tương đương với số 44 và 46. Trong khi đó, sau khi Văn mới Tân Thanh niên ra được số 1 (1/6/1945) và dự kiến số 2 (1/7/1945), Văn mới tập mới loại khảo cứu được trở lại, đánh số tiếp tục các số trước khi bị đình bản vài tháng (từ số 53, 5/7/1945). Vì vậy, cũng có thể xem Văn mới Tân Thanh niên là tạp chí có sự độc lập tương đối với Văn mới tập mới.
16 Văn mới tập mới, số 4 (10/01/1943), trang bìa 4.
17 Xem Thiên Hạ Sĩ, Khói lửa Phong Châu, Hàn Thuyên, 1942, tr. 128; Mai Viên, Năm chàng hiệp sĩ, (cuốn 1), Hàn Thuyên, 1942, tr. 2 và trang bìa 4.
18 Văn mới tập mới, số 4 (10/1/1943), tr. 4.
19 Văn mới tuổi xanh, số mùa xuân năm Bính Tuất, tr. 14, 20.
20 Văn mới tậpmới, số 4 (10/1/1943), trang bìa 4.Quan niệm này tương đồng với tuyên ngôn “Phổ thông mà không làm giảm giá” của nhóm Thanh Nghị.

Bình luận

    Chưa có bình luận