SỰ THAM DỰ VÀO QUÁ TRÌNH HIỆN ĐẠI HÓA: NHÀ NHO CANH TÂN, TRÍ THỨC TÂY HỌC VÀ CUỘC CẢI CÁCH VĂN CHƯƠNG TRÊN ''PHONG HÓA'' VÀ ''VĂN HỌC TẠP CHÍ'' ĐẦU NHỮNG NĂM 1930

Qua việc so sánh sự tham dự vào quá trình cải cách văn chương trên hai tờ báo quan trọng - ''Phong Hóa'' của anh em nhà Nguyễn Tường Cẩm Giàng và ''Văn học tạp chí'' của anh em nhà Dương Phú Thị - bài viết cho thấy những ứng xử đa dạng và phức tạp của trí thức văn nghệ sĩ trước tình thế mới.

   Nổi lên vào đầu những năm 1930, Văn học tạp chí (VHTC) (1932-1935) của anh em nhà Dương Phú Thị và Phong Hóa (PH) (1932-1936) của anh em nhà Nguyễn Tường Cẩm Giàng cùng những người bạn mà sau này sẽ hợp lại dưới tên Tự lực văn đoàn danh tiếng là hai tờ báo, hai nhóm văn chương nổi bật trong làng văn, làng báo Bắc Kỳ. Từ quan niệm về báo chí và văn chương đến sự thực hành các cải cách văn chương và xã hội, hai nhóm này, với hai tờ báo làm diễn đàn ngôn luận cho họ, trở thành hai đại biểu tập trung rõ nét nhất thế đối cực của trí thức bản địa trước phong trào Âu hóa. Trong đó, diễn biến cuộc tranh luận về Thơ mới và tiểu thuyết lãng mạn trên hai tờ báo đã thể hiện sinh động thái độ ứng xử của hai thế hệ trí thức trước tình hình chính trị xã hội mới.

   Có thể nói, sau mấy chục năm giao thời Á - Âu, Đông - Tây, bước sang thời kỳ hiện đại hóa, Thơ mới và tiểu thuyết lãng mạn đã trở thành hai vấn đề trung tâm của những cải cách, luận bàn và tranh biện sôi nổi trên báo chí quốc ngữ những năm 1930. Đây không chỉ là đề tài thu hút, quy tụ những tinh hoa lý luận của cả hai giới Tây học và cựu học mà còn là phép thử cho khả năng ứng đối của hai thế hệ trí thức trong tình thế chuyển đổi. Đặt các luận đàm về Thơ mới và tiểu thuyết lãng mạn trên hai tờ PH của Tự lực văn đoàn và VHTC của anh em nhà Dương Phú Thị trong thế đối sánh, bài viết góp phần thuật dựng lại một trong những thời đoạn sống động nhất của báo chí văn chương nước nhà trước thềm hiện đại hóa. Trong cuộc khảo thí ấy, hai nhóm phái nổi bật này đã có những nước đi quyết định thúc đẩy sự định hình một cục diện mới trong lịch sử văn chương và xã hội Việt Nam giai đoạn 1930-1945.

   Thập niên 1930, nền kinh tế tư bản bước vào giai đoạn suy thoái, cuộc đại khủng hoảng không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới mẫu quốc mà còn tác động đến hàng loạt các nước thuộc địa. Ở Việt Nam, sau khi phong trào cách mạng của các văn thân sĩ phu Nho học bị chính quyền thực dân Pháp đàn áp và dập tắt, cục diện chính trị hình thành thế chân vạc với sự song tồn của ba lực lượng đại diện cho ba xu hướng tư tưởng: triều đình phong kiến được bảo hộ, Đảng Cộng sản Đông Dương và Việt Nam Quốc dân Đảng. Sự tồn tại của chế độ quân chủ giờ đây ít nhiều chỉ mang tính tượng trưng. Lực lượng cách mạng và các phong trào đấu tranh cách mạng tạm lắng sau khi cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh và khởi nghĩa Yên Bái bị thực dân khủng bố trắng. Chỉ còn có thể tranh đấu trên mặt trận công khai hợp pháp, tình thế mới bắt buộc tầng lớp trí thức dân tộc phải đưa ra những lựa chọn và phương hướng hoạt động mới. Báo chí và cải cách xã hội theo đó trở thành một con đường khả thi cho các nỗ lực dấn thân vào con đường cải cách xã hội, chuẩn bị cho cuộc đấu tranh đòi độc lập tự chủ về sau.

   Ra đời vào năm 1932, VHTCPH là hai tờ báo đều được gây dựng dựa trên mô hình báo chí gia đình, quy tụ các trí thức đồng chí hướng. Với nhóm VHTC, vai trò chủ chốt gắn liền với bốn anh em họ Dương Phú Thị: Dương Bá Trạc, Dương Quảng Hàm, Dương Tự Nguyên, Dương Tụ Quán. Họ là những người đưa ra chủ trương, đồng thời cũng phụ trách nội dung, tổ chức bài mục trọng yếu của tạp chí. Ngoài bốn anh em họ Dương, VHTC còn có sự cộng tác của nhiều trí thức văn nghệ sĩ xuất thân từ nền tảng Hán học như Tản Đà, Trần Tuấn Khải, Phan Khôi, Nguyễn Đỗ Mục, Ngô Văn Triện, Nguyễn Tường Phượng, Bùi Trình Khiêm, Đông Hồ… đến các trí thức Tây học trẻ tuổi như Nguyễn Tiến Lãng, Vũ Ngọc Phan, Lê Tràng Kiều, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Lan Khai… Hoạt động của nhóm gắn với tờ VHTC, sau này là tờ Đông Tây báoĐông Tây ấn quán. Với nhóm Tự lực văn đoàn, họ xây dựng dựa trên vai trò chủ chốt của ba anh em nhà Nguyễn Tường: Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, Hoàng Đạo Nguyễn Tường Long, Thạch Lam Nguyễn Tường Lân. Sát cánh cùng ba anh em Nguyễn Tường là những thành viên trụ cột của nhóm: Khái Hưng Trần Khánh Giư, Tú Mỡ Hồ Trọng Hiếu, Thế Lữ, Xuân Diệu, Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân... Trừ Trần Khánh Giư và Hồ Trọng Hiếu hơn 30 tuổi khi tham gia nhóm, các thành viên còn lại đều ở độ tuổi đôi mươi, tức là những trí thức văn nghệ sĩ còn rất trẻ. Tự Lực văn đoàn xây dựng và hoạt động trên nguyên tắc dựa vào sức mình, anh em trong nhóm tin tưởng như anh em một nhà, mỗi người chỉ nhận phần tài chính đủ dùng, còn lợi nhuận để dành cho các công cuộc cải cách của nhóm. Điều này khiến cho cách thức làm báo PH của họ khác trước, trở thành tờ báo tư nhân tự chủ, sống dựa vào việc bán báo chứ không phải dựa vào sự tài trợ như Nam Phong tạp chí, Đông Dương tạp chí… Điều này cũng khiến cho tờ báo khác biệt với những tờ tạp chí tư nhân giai đoạn trước như Thông loại khóa trình của Trương Vĩnh Ký, ở tâm thế tự chủ trong in ấn xuất bản, ở phương châm lấy báo chí làm phương tiện trực tiếp thực thi lý tưởng cải cách. Hoạt động của Tự lực văn đoàn gắn với báo PH, Ngày Nay và NXB Đời Nay, thậm chí về sau còn mở rộng ra cả lĩnh vực chính trị xã hội với Hội Ánh Sáng.

   Sự khác biệt, đôi khi đến đối nghịch, của VHTCPH có căn cơ từ bốn vấn đề chính: ý thức hệ, chủ trương, loại hình và phong cách làm báo. Tuyết Huy Dương Bá Trạc và Nhất Linh Nguyễn Tường Tam là đại diện cho hai tiếng nói thế hệ, có vai trò quyết định đến lập trường và hành động của hai nhóm phái. Năm Nhất Linh ra đời cũng là năm Dương Bá Trạc cùng các đồng chí của mình bắt đầu dấn thân vào con đường cách mạng khi tham gia vào Đông Kinh nghĩa thục, gây dựng các hiệu buôn để tài trợ cho thanh niên theo phong trào Đông Du tìm đường giải phóng đất nước. Trải qua biến cố bị bắt giam, lưu đày suốt mười lăm năm, Dương Bá Trạc tiếp tục hành trình Đông Kinh bằng một phương thức khác trên lãnh địa văn hóa, bằng việc hợp tác với Nam Phong tạp chí của Phạm Quỳnh. Khi chủ trương VHTC vào năm 1932, Dương Bá Trạc đã bước sang tuổi 48, tức đã vào độ tuổi chín chắn “tri thiên mệnh” như quan niệm của các cụ đời xưa. Năm ấy, Nguyễn Tường Tam mới 26 tuổi, vừa mới du học ở Pháp về, đang ở độ tuổi thanh niên sôi nổi với bao khát khao hoài bão. Là thế hệ trải nghiệm sự đứt gãy và đổ vỡ niềm tin, chứng nghiệm mưa Âu gió Á, Dương Bá Trạc đã lựa chọn là người tiếp nối Nguyễn Bá Trác, Phạm Quỳnh trong sứ mệnh hồi cố về nguồn cội, bảo tồn truyền thống, gia cố nền móng Nho phong. Trong khi đó, Nguyễn Tường Tam, người thuộc lứa trí thức Tây học do nhà trường Pháp - Việt đào tạo lại chỉ thấy Nam Phong tạp chí của Phạm Quỳnh là hình mẫu của một “bà lão” với một chủ trương thủ cựu cần phải loại bỏ. Vì thế, phủ định Nam Phong và quan điểm trung dung, dung hòa của các nhà Nho duy tân, Nguyễn Tường Tam chủ trương làm một cuộc cải cách triệt để từ báo chí văn chương đến văn hóa xã hội.

   Lập trường thế hệ của người đứng đầu đã quyết định đến chủ trương hoạt động của hai tờ VHTCPH. Ngay trong số đầu tiên, số 1 (1/5/1932), ban biên tập VHTC đăng “Lời phi lộ”, công bố rộng rãi với độc giả về mục đích và đường hướng hoạt động của tạp chí: Sửa đổi chữ Quốc ngữ, phát triển nền quốc văn để cho “cái nền văn chương quốc âm của mình ngày một thêm có phép tắc, có ý nhị, có tinh hoa”. Việc sáng lập VHTC nhằm mục đích “làm cái cơ quan chung cho tất cả các nhà có văn tài, có học thức trong nước cùng góp vô mỗi người một phần tâm lực trau dồi cho, sửa sang cho, sắp đặt cho, gom góp cho, chỉnh đốn cho cái tiếng nói của mình thành một áng văn chương có khuôn phép phân minh, có tài liệu phong thiệm, có thể thức đường hoàng, có lời lẽ tốt đẹp, mà dần dần gây dựng thành một nền văn học xứng đáng sau này”. Khác với chủ trương dung hòa tân - cựu, vãn hồi đạo học cổ của thánh hiền, tài bồi luân lý cũ cho nó theo về với phong hội mới của VHTC, Nguyễn Tường Tam xác quyết tinh thần theo mới. Trong xã thuyết “Phải theo mới” trên PH số 20 (4/11/1932), Nguyễn Tường Tam nhấn mạnh: “Từ ngày Đông - Tây gặp nhau trên cõi đất này, cái hoàn cảnh mới đã bắt buộc ta phải đi vào con đường mới. Dù ta muốn hay không muốn, ta cũng không thể đứng yên mãi trong cái lề lối cũ, trong khi quanh ta, thiên hạ đều theo cái tinh thần mới mà tiến bước... trong lúc người ta đang tiến, không thể cứ mơ màng sau lũy tre hay lùi lại nghìn năm về trước. Trong khi mới cũ gặp nhau, ta cần phải có một cái tinh thần mạnh mẽ để mưu cuộc sống còn. Phải theo mới!”. Từ đó, ông cùng anh em trong Tự lực văn đoàn đã vạch ra đường hướng để vượt thoát khỏi sự bế tắc của công cuộc cải cách của các thế hệ đi trước bằng việc chống lại các quan điểm thủ cựu hay dung hòa, tự tìm tòi một hướng đi mới cho văn chương và xã hội.

   Sự khác biệt của loại hình đi đôi với những khác biệt về tính chất, hình thức. Dưới sự điều hành của Dương Bá Trạc, tờ VHTC hiện diện với tư cách một tạp chí học thuật, khi nó được định hình là “cơ quan chuyên khảo cứu, bàn soạn và giảng giải về quốc văn”, theo như dòng chữ được in ở măng-xét tất cả các số báo. Trong khi đó, xuất hiện như một tờ báo giải trí với việc lựa chọn tiếng cười để công phá vào thành trì của những cái cũ lạc hậu – “một tờ báo PH suốt một tuần lễ vui” – báo PH đã mang đến một phong cách độc đáo, đi đầu cho một xu hướng báo chí mới ở Việt Nam. Nếu PH lôi cuốn, hài hước thâm sâu thì VHTC luôn giản dị, trầm ổn và nghiêm ngắn. Những tranh ảnh được lựa chọn đưa lên bìa VHTC chủ yếu là các danh lam thắng tích nổi tiếng hoặc các di tích lịch sử như tranh vẽ Khuê Văn Các tại Văn Miếu, ảnh chụp Thế Miếu ở tả điện Thái Hòa trong Hoàng Thành Huế, ảnh lăng vua Minh Mệnh... Sự xuất hiện của những trang bìa như thế cho thấy rõ sự thống nhất trong chiến lược hoạt động của anh em nhà Dương Phú Thị: giữ gìn vốn truyền thống trong buổi giao thời, thực hiện công cuộc cách tân bằng việc kết nối dung hòa các yếu tố mới - cũ, Đông - Tây. Điều này trái ngược với những trang bìa in hình thiếu nữ mặc áo dài kiểu Lemur gợi cảm giác tươi trẻ và loạt tranh biếm họa sâu cay nhắm vào hàng ngũ Nho học tinh anh trên PH và cả tờ Ngày Nay tiếp sau đó của nhóm Tự lực văn đoàn.

   Không chỉ tạo nên sự khác biệt, ủng hộ cái mới, PH còn liên tiếp tấn công vào thành trì của cái cũ. Đáp lại sự nhận định của các nhà Nho về phong hóa suy đồi, đi tìm câu trả lời cho câu hỏi “Phong hóa có suy đồi hay không?”, trong bài viết cùng tên đăng trên PH số 30 (13/01/1933), Nhất Linh đưa ra quan điểm: “Báo PH cốt lấy thành thực là căn bản, lấy khôi hài trào phúng làm phương pháp, còn lại, độc giả lấy lương tri mà phân biệt điều hay dở…”. Vậy là văn hóa theo mới không hỏng như các cụ đánh giá, nó chỉ khác so với cách nghĩ, cách hình dung của các cụ mà thôi. Vì thế, để ủng hộ cái mới, PH lên tiếng đả kích cái cũ. Trước những công kích trực diện của PH với hàng ngũ các nho sĩ và thành tựu đầy khiêu khích của lớp nhà văn trẻ, những người từng đứng ở trung tâm văn đàn thời Nam Phong tạp chí dường như đã nhận ra nguy cơ bị vượt qua đang ngày càng hiện hữu. Trong con mắt của các nhà nho, tiếng cười giễu nhại của PH là một hành vi lệch chuẩn, không phù hợp với phẩm cách người cầm bút. Dương Bá Trạc đã dùng nhãn quan Nho học để phân định giá trị văn chương. Vì thế, VHTC coi thứ văn chương giải trí, châm biếm của báo PH, báo Loa là thứ “văn nhảm”, “xỏ xiên”, “lông bông”. Cảnh báo tác hại của tiểu thuyết lãng mạn là nguyên nhân của nạn thanh niên tự sát, phụ nữ ly dị, trong bài viết “Cái hại của văn nhảm” đăng trên VHTC số 35 (28/4/1934), Dương Bá Trạc bày tỏ sự kỳ thị với các tác phẩm mà ông cho là “văn nhảm”, tức các cuốn sách “chiều theo cái thị dục xấu xa mà múa bút vẽ ra những câu văn khêu gợi dục tình, cổ động thói xấu”. Ở một chỗ khác, trong bài “Tình hình báo chí của ta” đăng trên VHTC số 57 (6/10/1934), tác giả ký tên Một người muốn bỏ nghề báo đã lên tiếng than phiền về thực trạng báo ra nhiều nhưng “càng ra lắm chỉ càng nhảm, càng nát làng báo” và “những báo muốn sống, bây giờ phải thờ cái tôn chỉ chửi bới nhảm nhí và kể chuyện dâm đãng hoặc chuyện tiếu lâm. Độc giả ưa vui, các báo đứng đắn không sao sống nổi nữa”. Bài viết cũng không giấu giếm thái độ bài xích quan điểm làm báo “là mua vui cho người ta mà thôi” của Nguyễn Tường Tam và thẳng thừng lên án: “Từ ngày có PH, không tờ báo đứng đắn nào sống nổi nữa”. Thậm chí, tác giả còn kết án PH vì “đã gây nên một dân tộc xỏ xiên”, góp phần khiến dân trí “thoái bộ”, “vô học như 30 năm về trước”.

   Song điểm đáng lưu ý ở đây là, cùng với việc phê phán cái cũ, và bất chấp việc liên tiếp bị các nhà nho lớp cũ mắng mỏ, các trí thức nhà văn trẻ càng muốn khẳng định mình, tiếng nói, vị thế và con đường mới của mình. Chống lại văn sầu văn cảm, văn biền ngẫu dạy đời của các cụ, văn xuôi lãng mạn là địa hạt đầu tiên được PH chọn làm nơi thử nghiệm cho việc đổi mới văn chương. Trong mười số liên tiếp, từ số 20 (4/11/1932) đến số 29 (6/1/1933), PH đăng Hồn bướm mơ tiên của Khái Hưng, cuốn tiểu thuyết lãng mạn đầu tiên của Tự lực văn đoàn. Với Hồn bướm mơ tiên, tiểu thuyết lãng mạn Việt Nam đã chính thức được khẳng định như lời giới thiệu của Nhất Linh đăng trên PH số 61 (25/8/1933), khi cho rằng tiểu thuyết là một lối viết truyện “khác những lối viết truyện xưa nay”. Tiếp theo đó, PH thực hiện song song hai việc, một bên là loạt bài phê phán Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách, một bên là đăng dài kỳ Nửa chừng xuân của Khái Hưng, từ số 36 (3/3/1933) đến số 63 (8/9/1933). Sau Hồn bướm mơ tiên, dường như PH muốn Nửa chừng xuân trở thành tác phẩm không chỉ đối trọng với Tố Tâm mà còn là tác phẩm khẳng định cho sự hiện diện của một lối văn xuôi hoàn toàn mới.

   Tiếp nối thành công của văn xuôi lãng mạn, PH đã tạo dựng nên trận bút chiến sôi động trên báo chí Miền Bắc, cùng hiệp đồng với Phụ nữ tân văn ở phía Nam, làm bệ đỡ cổ xúy đắc lực cho sự hiện diện của Thơ mới. Nhất Linh đã phát biểu quan niệm về Thơ mới trên PH số 36 (3/3/1933). Dựa trên cơ sở phân chia về “văn thể” và “ý tưởng”, Nhất Linh nói về chỗ khác nhau của thơ Đường luật và Thơ mới: “Lối Thơ mới để cho các thi nhân được rộng rãi hơn. Tuy chỉ là bắt buộc có vần thôi, nhưng muốn cho bài thơ được hay phải cần có điệu thơ, cái điệu thơ đó thay đổi theo từng người và là cái tính cách riêng của thơ người ấy, nó uyển chuyển chứ không bất dịch như lối thơ Đường. Muốn có điệu thơ, muốn cho câu văn lướt theo ý tưởng nếu câu thơ bảy chữ không diễn tả được, thì dùng sau hay năm, hay mười chữ, bất cứ, miễn là sao cho tả được cái cả của nhà viết thơ”. Nhất Linh gọi các thi sĩ xưa là các “nhà thợ thơ”, “dựa vào thơ Đường luật bấy lâu chỉ vênh vang cái bộ ngoài, sắp đến ngày nhường bước trên con đường thi ca”. Được sự ủng hộ của các trí thức trẻ Tây học, Thơ mới đã hiện diện đường hoàng, chững chạc trên nhiều tờ báo quốc ngữ cùng thời như Phụ nữ tân văn, PH... Ngược lại, VHTC vẫn trung thành với những thể thơ truyền thống. Thậm chí, trước sự xuất hiện của lối Thơ mới trong làng văn, VHTC cũng góp thêm ý kiến của mình bằng một loạt các ý kiến tranh luận, phê phán. Cũng đưa ra quan niệm về Thơ mới nhưng trên VHTC số 22 (1/8/1933), ông Chất Hằng Dương Tụ Quán cho rằng Thơ mới không phải đổi mới về hình thức mà cốt ở những tư tưởng mới, vì thế có thể dùng các thể thơ cổ để làm Thơ mới. Vài số báo sau, trên VHTC số 24 (1/9/1933), ông Thương Sơn “bổ khuyết” thêm bằng việc lý giải “Thơ mới tức là từ khúc”. Những quan niệm này đều không bắt vào đúng bản chất Thơ mới mà các văn nghệ sĩ trẻ như nhóm Tự lực văn đoàn quan niệm và thực hành. Vì thế, khi PH vừa thường xuyên đăng tải các ý kiến về Thơ mới, nhất là đăng các bài Thơ mới của Thế Lữ, Vũ Đình Liên, Huy Thông, Nguyễn Văn Kiện… tiếng nói bảo vệ thơ cũ của VHTC ngày càng trở nên đơn điệu và lạc lõng. Tổng kết năm 1934, trên số xuân Ất Hợi, PH tự hào vì đã “gây nên hai phong trào mới: phong trào kiểu áo mới và phong trào Thơ mới…”. Và theo quan sát của PH, cho đến mùa xuân năm 1935, “Thơ mới nghiễm nhiên chiếm một địa vị quan trọng trong làng văn: thi sĩ làm Thơ mới rất nhiều, tương lai của Thơ mới rất là rực rỡ”. Tính từ lúc PH ra đời và tham gia nhiệt tình vào công cuộc cổ vũ cho Thơ mới cho đến khi Hoài Thanh xác nhận về sự xuất hiện của “một thời đại mới trong thi ca” khi viết Thi nhân Việt Nam vào năm 1942 là vừa chẵn mười năm. Điều đó cho thấy sự thắng lợi nhanh chóng của phong trào Thơ mới thực sự có phần đóng góp quyết định của Tự Lực văn đoàn.

   Biểu hiện khác biệt trong quan niệm và thực hành báo chí giữa PHVHTC cho thấy sự chia cắt rõ rệt giữa hai thế hệ tân học và cựu học trong việc chia sẻ lý tưởng và phương thức hiện thực hóa các mục tiêu khai mở dân trí, bồi đắp quốc văn. Từ điểm nhìn của lớp người xuất thân cửa Khổng sân Trình, Dương Bá Trạc đã quy kết tất cả văn xuôi lãng mạn vào một danh xưng chung “tiểu thuyết tình” với một địa vị thấp kém, như một thứ độc dược gây hại cho nền văn học. Đây là hiện tượng tiêu biểu cho tâm lý kháng cự với cái mới, cái khác của những người luôn kiên định với niềm tin bảo lưu giá trị truyền thống. Phía bên kia, những người thanh niên trưởng thành từ nhà trường Pháp - Việt với một thị hiếu thẩm mĩ mới lại đưa Dương Bá Trạc cũng như nhóm VHTC vào tầm ngắm để công kích, trào lộng như một hiện thân của cái lỗi thời ngăn trở con đường tiến hóa. Từ đó, tất cả những chuẩn mực thiêng liêng mà giới Nho sĩ tôn thờ đã lần lượt trở thành đích ngắm để PH tấn công rồi hạ bệ. Trạng thái xung đột gay gắt đó là chất xúc tác thổi bùng lên những mâu thuẫn tưởng chừng không thể dung hòa khi mỗi bên đều ứng xử với đối phương bằng sự quyết liệt và cực đoan nhất có thể. Theo quan sát của chúng tôi, PH không phải là tờ báo duy nhất công kích tầng lớp Nho học nhưng là nơi công kích trực diện bằng chiêu thức hiệu quả nhất: tiếng cười trào phúng. VHTC cũng không phải là tờ báo duy nhất tiếp bước Nam Phong tạp chí bởi bên cạnh họ còn có Đông thanh tạp chíTân thanh tạp chí, nhưng là nơi tập trung cao nhất hỏa lực phê phán của PH. Trong hàng loạt các nhân vật Hán học uyên thâm bị PH công kích như Phạm Quỳnh, Tản Đà, Hoàng Tăng Bí, Nguyễn Văn Vĩnh, thì Dương Bá Trạc và nhóm VHTC là đối tượng bị giễu nhại với tần suất cao nhất, với 29 lần ám chỉ và 16 lần trực chỉ đích danh. Hầu như sau mỗi bàn luận, tranh biện về văn chương trên VHTC, PH đều có màn đáp trả tương xứng để bẻ gãy từng luận điểm của đối phương. Chẳng hạn như, ngay khi VHTC số 57 (6/10/1934) đăng bài “Tình hình báo chí ở nước ta”, PH liền lập tức có hồi đáp. Trong bài viết “Ông cử Dương” đăng trên PH số 120 (19/10/1934), Tứ Ly tấn công vào chính luận cứ văn chương phải “hữu ích” của nhà nho để phản biện: Muốn văn học có ích thì “báo chí phải là cơ quan truyền bá tư tưởng cho nhiều người”, “phải gần phần đông dân chúng” và “phải điều hòa sự vui và sự có ích” thay vì “đạo mạo, bàn đạo lý suông để cho một mình mình nghe và để ru ngủ thiên hạ”. Đại diện cho lớp văn sĩ trẻ, PH gửi lời đến ông cử Dương: “Ông với ông Tản Đà, với cụ bảng Hoàng, chúng tôi cho là tiêu biểu cho cái cũ, cái cũ mà chúng tôi muốn đạp đổ”. Đó là những mục tiêu hạ bệ có chọn lọc của PH nhằm thực hiện đồng thời chiến lược phế truất những vị trí quyền lực cuối cùng từng nắm giữ vai trò chủ xướng trên diễn đàn báo chí công luận. Trong xu thế tất thắng của cái mới, trong cao trào đón nhận và hiện đại hóa xã hội theo mẫu hình phương Tây, dễ hiểu vì sao những tiếng nói thủ cựu hoặc dung hòa như VHTC đã bị khuất phục. Nó khiến cho càng trở về sau, nhất là khi VHTC phải cầu viện đến các nhà văn trẻ hợp tác với họ, như Lê Tràng Kiều, VHTC cũng phải dần ngả theo con đường “phải theo mới” mà Tự lực văn đoàn muốn theo và thực hiện trên PH.

   Từ cuối năm 1933, thành công của PH có thể là một trong những tác nhân thôi thúc VHTC có những động thái chuyển mình mạnh mẽ, nỗ lực thích ứng với thời cuộc mới. Những bàn thảo về Thơ mới trên VHTC giờ đây đã không còn quá gay gắt bởi các nhà phê bình dường như đã sớm đồng thuận với nhau rằng mới hay cũ về hình thức không quan trọng bằng việc nhà thơ phải nghiêm túc với ngòi bút của mình và sáng tác của họ phải có lợi cho quốc dân như ý kiến được nêu trong bài “Làm thơ có cần cân nhắc từng chữ không?” trên VHTC số 25 (1/10/1933). Hoặc trên VHTC số 67 (29/12/1934), Nguyễn Quang Lục khi đưa ra ý kiến về “cái sầu của thơ” đã đồng tình với ý kiến nhiều người công kích lối thơ sầu, cho đó là một thứ thuốc độc dìm đắm người ta vào cõi mộng. Lấy dẫn chứng từ thơ cổ điển Việt Nam (Nguyễn Du) đến thơ lãng mạn Pháp (Musset), qua thơ Đường (Lý Bạch), người viết tuy vẫn còn có ý bênh vực cho “thơ sầu”, lấy lẽ rằng đó là do cảm tình mà ra, song đồng thời cũng phải đòi hỏi “thơ sầu” có “tinh thần khí cốt”: con người dù sầu não cũng phải ra vẻ trượng phu, còn “thơ sầu mà lão lướt như tiếng khóc than của người con gái ốm yếu là lối thơ rất có kỵ trong nghề thơ”. Đồng thời, trên VHTC cũng xuất hiện loạt bài viết mang tính chất phổ biến tri thức về văn học lãng mạn phương Tây, khuyến khích các nhà thơ, nhà văn trong nước học tập theo lối viết mới. Dễ thấy trong những bài bình luận, giới thuyết về văn chương nước ngoài trên VHTC, văn chương Pháp được coi như là một hình mẫu tiêu biểu để các nhà văn xứ ta noi theo. Trong bài “Nói chuyện về văn chương nước Pháp: Tính cách chung của văn chương nước Pháp” đăng trên VHTC số 28 (15/11/1933), tác giả Hải Lượng cho rằng “cái tính cách cốt yếu của văn chương nước Pháp là tính cách xã hội”, văn sĩ Pháp viết văn là “vị người khác chứ không phải vị mình”. Theo đó, những đặc điểm của văn chương Pháp được Hải Lượng kể ra như những “ý tưởng tính tình chung” hay sự chú trọng về tâm lý, tính chất sáng sủa, trang nhã, dễ hiểu của lời văn, cách kết cấu chính là nguyên nhân khiến văn chương Pháp truyền bá được xa, cũng là điều mà các nhà văn xứ ta cần phải nỗ lực tiếp thu và ứng dụng trong những sáng tác của mình. Trong một bài viết khác, “Thi thoại”, đăng trên VHTC số 29 (15/12/1933), Tràng Kiều Lê Tài Phúng cho rằng thơ Pháp là “phong phú nhất thế giới” và thi nhân ta cần phải lấy đó làm mẫu hình để học tập. Đến loạt bài bàn về văn học lãng mạn đăng trên VHTC số 55 (22/9/1934) và số 56 (29/9/1934), Lê Tràng Kiều lại giới thiệu thêm về lối văn lãng mạn Pháp, đi tìm khởi nguyên của nó từ cả hai phía: “tính tình độc giả quốc dân” và những tác giả. Ông ca ngợi những đại diện tiêu biểu của trào lưu văn học lãng mạn Pháp thế kỷ XVIII là Rousseau, Diderot, thế kỷ XIX là Chateaubriand – “một nhà văn hoàn toàn lãng mạn”, “xây lại cái nhà thờ cổ”, “mở lại một đại cảnh bị che lấp”, “sáng lập ra một lối buồn rầu mới mẻ”. Việc Lê Tràng Kiều giới thiệu văn học lãng mạn Pháp từ khởi nguyên văn học lãng mạn cùng các tác giả, tác phẩm tiêu biểu như vậy đã đi ngược lại hẳn với xu thế phê phán văn học lãng mạn của VHTC giai đoạn đầu.

   Cùng với việc giới thiệu văn học phương Tây, VHTC cũng bắt đầu có những động thái ủng hộ những sáng tác văn chương theo lối mới. VHTC đăng nhiều bài nói về tiểu thuyết lãng mạn. Ở đây, khái niệm “tiểu thuyết” vẫn được dùng để chỉ cả truyện ngắn và truyện dài (phân biệt bằng cách chú thêm “đoản thiên” hoặc “trường thiên”). Trong bài viết “Soạn tiểu thuyết” đăng trên VHTC số 28 (15/11/1933), Lê Tràng Kiều nhận xét rằng hiện thời văn học đã có “sự khởi sắc”. So với các loại sách học, sách khảo cứu còn đang thưa thớt thì sách truyện, sách tiểu thuyết đã chiếm số đông và quan trọng là chúng đã qua giai đoạn chỉ toàn đi mượn, đi dịch từ nước ngoài. Có lẽ đó là cơ sở để ông soạn ra “mẹo” viết tiểu thuyết, hướng dẫn cách viết tiểu thuyết theo lối mới. Đăng bài “Phê bình Nửa chừng xuân của Khái Hưng” của Ngô Ngọc Kha trên VHTC số 45 (7/7/1934), dường như những nhà văn chủ trương VHTC giờ đây đã đồng tình với tác giả bài viết khi ghi nhận “Nửa chừng xuân là cuốn tiểu thuyết rất có giá trị về phương diện tư tưởng, cũng như về phương diện văn chương” và “ông Khái Hưng đã làm trọn cái thiên chức” của “nhà giáo dục cũng như thiên chức của nhà làm văn”. Thậm chí, khẳng định “địa vị thanh niên trong văn học ngày nay” trên VHTC số 62 (17/11/1934) khi cho rằng “trong văn học cũng như trong trường chính trị ngày nay, thanh niên đã chiếm được một địa vị quan trọng... đã gây nên được trong văn học sử nước nhà một trào lưu mới mẻ,rõ ràng”, VHTC dường như đã gián tiếp lên tiếng về sự thoái vị cần thiết của thế hệ lão thành để nhường vị trí trung tâm trên vũ đài văn chương báo chí cho tầng lớp thanh niên Tây học.

   Có thể nói, trước sự mời gọi hấp dẫn của mô hình văn hóa xã hội Âu Tây, con đường hiện đại hóa ở Việt Nam thuộc địa chắc chắn sớm muộn cũng phải thành hình. Nhìn từ cuộc tranh luận về Thơ mới và tiểu thuyết lãng mạn trên PHVHTC, dễ thấy rằng từ chỗ bất đồng sâu sắc, đối đầu quyết liệt, dần dà VHTC đã nhìn nhận lại và chấp thuận sự tất yếu của quá trình hiện đại hóa báo chí, văn chương Việt Nam vào nửa đầu những năm 1930. Đây có thể ví như trường thi để thử thách năng lực cải cách và sự thích ứng với thời cuộc của hai thế hệ trí thức bản địa trên diễn đàn ngôn luận hợp pháp. Với thành tựu đưa Thơ mới và văn xuôi lãng mạn vào thế toàn thắng, PH là nơi giương cao ngọn cờ tiên phong cho thắng lợi bước đầu của báo chí, văn chương hiện đại. Tuy vậy, không phải ý thức bảo tồn quốc hồn quốc túy của thế hệ nhà nho được hiện diện trên VHTC là một thất bại, dù cuối cùng họ cũng ngả dần về lối mới, chấp nhận phải theo mới. Như chúng ta sẽ thấy về sau, chính thế hệ trí thức Tây học sau những hào hứng nhiệt thành với cái mới cũng nảy sinh ý hướng tìm về cội nguồn dân tộc vào nửa đầu những năm 1940. Mọi cuộc cách mạng đều cần những cú huých, những cảm hứng mới mẻ đến từ cái khác, cái bên ngoài, nhưng để thành công và định vị được vị thế và bản sắc, người ta phải cần đến nguồn nội lực đến từ cội nguồn văn hóa sâu xa của cha ông, của cộng đồng mà họ thuộc về. Vì thế, cái cũ trong một thời điểm có thể là thủ cựu nhưng về nguyên tắc, đó là sự thủ cựu cần thiết cho một quá trình phát triển thành tựu và vững bền.

 

 

 

Tài liệu tham khảo:
1. Vu Gia (1995), Nhất Linh trong tiến trình hiện đại hóa văn học, NXB Văn hóa.
2. Phạm Thế Ngũ (1972), Việt Nam văn học sử giản ước tân biên (tập III), Quốc học tùng thư xuất bản.
3. Nhiều tác giả (2020), Phong Hóa thời hiện đại, NXB Hội Nhà văn.
4. Phong Hóa, sưu tập số hóa (http://ndclnhmytho-usa.org/TuanBaoPhongHoa.htm).
5.Văn học tạp chí, sưu tập số hóa của Thư viện Quốc gia Pháp (https://gallica.bnf.fr/ark: /12148/cb32886844z/date).

   

Bình luận

    Chưa có bình luận